Đánh giá hàm lượng 20-Hydroxyecdysone các loài cây thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm

Tóm tắt: 20-Hydroxyecdysone (20E) là hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học, thuộc nhóm ecdysteroid và là dạng tồn tại phổ biến trong thực vật. Các loại ecdysteroid tách chiết từ thực vật có nhiều tính chất dược lý quan trọng, các sản phẩm chứa ecdysteroid đã được sử dụng phổ biến trong y dược và nông nghiệp. Tuy nhiên, những nghiên cứu và ứng dụng về ecdysteroid ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nghiên cứu này thu thập và phân tích hàm lượng 20E của 167 loài cây thuốc ở Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo và vùng đệm. Kết quả đã xác định được 45 loài có chứa 20E trong tổng số 167 loài, chiếm tỷ lệ 26,96%. Hàm lượng 20E của các loài từ 0,002 đến 0,588% khối lượng chất khô, cao nhất là loài Khổ sâm (Croton tonkinensis) có hàm lượng 0,588%. Trong các mẫu nghiên cứu, 20E tập trung chủ yếu ở lá và chồi. Trong số 45 loài, có 28 loài chưa được công bố về hoạt chất 20E trên thế giới, 7 loài thuộc các chi có các loài đã công bố và chỉ có 10 loài đã được công bố. Kết quả này đã ghi nhận sự đa dạng và giá trị dược liệu của các loài cây thuốc chứa 20E ở VQG Tam Đảo và vùng đệm, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thực vật

pdf 5 trang yennguyen 5380
Bạn đang xem tài liệu "Đánh giá hàm lượng 20-Hydroxyecdysone các loài cây thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đánh giá hàm lượng 20-Hydroxyecdysone các loài cây thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm

Đánh giá hàm lượng 20-Hydroxyecdysone các loài cây thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm
2561(2) 2.2019
Khoa học Y - Dược
Đặt vấn đề
Hợp chất 20-hydroxyecdysone (20E) thuộc nhóm 
ecdysteroid (ECs) ở thực vật. ECs là các hormone steroid 
đầu tiên được tìm thấy trong giới động vật, đây là loại 
hormone đóng vai trò quan trọng tham gia vào quá trình lột 
xác và biến thái ở côn trùng [1]. Ở thực vật, ECs được phát 
hiện từ năm 1960 cũng có cấu trúc tương tự như ECs ở động 
vật. ECs được xác định trong khoảng 6% các loài thực vật 
và được gọi là phytoecdysteroids (PEs) để phân biệt chúng 
với ECs có nguồn gốc từ động vật. Cho đến nay, các nhà 
khoa học đã xác định được 503 hợp chất tự nhiên có chứa 
ECs [2]. Trong nhóm các hợp chất ECs, hợp chất 20E được 
nghiên cứu và ứng dụng phổ biến nhất [3, 4].
Các nghiên cứu ứng dụng đã chỉ ra rằng, PEs có nhiều 
tính chất dược lý quan trọng được sử dụng làm thực phẩm 
chức năng và dược phẩm cho con người, như tăng cường 
khả năng thích ứng, tác dụng bảo vệ gan và hạ đường huyết, 
tăng cường các quá trình đồng hóa trong cơ thể, không gây 
phản ứng phụ và không độc đối với động vật có vú và con 
người. Trên thị trường thế giới đã có hàng trăm loại chế 
phẩm sinh học được bổ sung PEs sử dụng cho con người và 
động vật nuôi [5]. 
Việt Nam có hệ thực vật khá đa dạng và phong phú, đã 
ghi nhận có 13.766 loài thực vật. Trong đó, có tới 11.373 
loài thực vật bậc cao thuộc 305 họ (chiếm 4% tổng số loài 
và 57% tổng số họ thực vật trên thế giới) [6]. Mặc dù Việt 
Nam có sự đa dạng sinh học thực vật rất cao, nhưng những 
nghiên cứu về các loài thực vật có chứa PEs còn rất hạn chế. 
VQG Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi và 179 
họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 214 loài thực vật 
có giá trị làm dược liệu, nhiều loài đã và đang được sử dụng 
làm thuốc có giá trị cho nhân dân trong vùng [7].
Bài báo này trình bày kết quả phân tích hàm lượng 20E 
của các loài cây thuốc thu thập ở VQG Tam Đảo và vùng 
đệm, nhằm phát hiện những loài chứa 20E để định hướng 
làm nguyên liệu sử dụng trong y - dược, nông nghiệp và 
công nghệ sinh học, đồng thời xác định các loài có giá trị 
phục vụ công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa 
dạng sinh học của VQG Tam Đảo. 
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Các loài thực vật có giá trị làm thuốc thu thập ở VQG 
Tam Đảo và vùng đệm, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đánh giá hàm lượng 20-hydroxyecdysone các loài cây thuốc 
ở Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm
Lê Xuân Đắc1*, Đặng Ngọc Huyền1, Vũ Thị Loan1, Trần Thị Thanh Hương1, 
Nguyễn Vũ Anh1, Nguyễn Đăng Hội1, V.V. Volodin2
1Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga
2Trung tâm Khoa học Komi, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga
Ngày nhận bài 15/10/2018; ngày chuyển phản biện 18/10/2018; ngày nhận phản biện 22/11/2018; ngày chấp nhận đăng 26/11/2018
Tóm tắt:
20-hydroxyecdysone (20E) là hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học, thuộc nhóm ecdysteroid và là dạng tồn tại phổ 
biến trong thực vật. Các loại ecdysteroid tách chiết từ thực vật có nhiều tính chất dược lý quan trọng, các sản phẩm 
chứa ecdysteroid đã được sử dụng phổ biến trong y dược và nông nghiệp. Tuy nhiên, những nghiên cứu và ứng dụng 
về ecdysteroid ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nghiên cứu này thu thập và phân tích hàm lượng 20E của 167 loài cây 
thuốc ở Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo và vùng đệm. Kết quả đã xác định được 45 loài có chứa 20E trong tổng số 
167 loài, chiếm tỷ lệ 26,96%. Hàm lượng 20E của các loài từ 0,002 đến 0,588% khối lượng chất khô, cao nhất là loài 
Khổ sâm (Croton tonkinensis) có hàm lượng 0,588%. Trong các mẫu nghiên cứu, 20E tập trung chủ yếu ở lá và chồi. 
Trong số 45 loài, có 28 loài chưa được công bố về hoạt chất 20E trên thế giới, 7 loài thuộc các chi có các loài đã công 
bố và chỉ có 10 loài đã được công bố. Kết quả này đã ghi nhận sự đa dạng và giá trị dược liệu của các loài cây thuốc 
chứa 20E ở VQG Tam Đảo và vùng đệm, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thực vật.
Từ khóa: cây thuốc, ecdysteroid, Khổ sâm, vùng đệm, 20E.
Chỉ số phân loại: 3.4
*Tác giả liên hệ: Email: lxdac@yahoo.com
2661(2) 2.2019
Khoa học Y - Dược
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp kế thừa: thu thập, tổng hợp và phân tích 
thông tin từ các công trình khoa học đã công bố trong nước 
và quốc tế, các dữ liệu khoa học liên quan đến đối tượng 
nghiên cứu.
Phương pháp điều tra, thu và xử lý mẫu ngoài thực địa: 
tiến hành theo Nguyễn Nghĩa Thìn (2008) [8], có sự tham 
gia của người dân địa phương và chuyên gia về thực vật của 
VQG Tam Đảo.
Điều tra, thu mẫu theo điểm: thu mẫu ở khu vực dân cư 
tại thị trấn Tam Đảo và một số xã vùng đệm VQG Tam Đảo, 
bao gồm các loài mọc tự nhiên và được trồng trong vườn 
các hộ gia đình hoặc vườn dược liệu. 
Điều tra, thu mẫu theo tuyến: 1) Tuyến thị trấn Tam Đảo 
- Hồ Sanh sang Thái Nguyên: chiều dài tuyến 3 km, sinh 
cảnh là rừng hỗn giao cây lá rộng và tre nứa chiếm ưu thế; 
2) Tuyến thị trấn Tam Đảo - Nhà sàn: chiều dài tuyến 6 km, 
sinh cảnh là rừng hỗn giao cây lá rộng và rừng hỗn giao tre 
nứa chiếm ưu thế; 3) Tuyến hồ Vĩnh Thành - suối Vĩnh Ninh: 
chiều dài tuyến 4 km, 2 km đầu tiên sinh cảnh là nương rẫy 
và rừng tái sinh, 2 km tiếp theo sinh cảnh là rừng hỗn giao 
cây lá rộng.
Xử lý mẫu tiêu bản và xác định tên khoa học: mẫu tiêu 
bản của mỗi loài được đánh số, xử lý làm tiêu bản và bảo 
quản mẫu trong túi polyetylen chứa silicagel phục vụ việc 
giám định tên khoa học. Xác định tên khoa học các loài thực 
vật được tiến hành bằng phương pháp so sánh hình thái theo 
các tác giả: Đỗ Huy Bích (2006), Võ Văn Chi (2012), Phạm 
Hoàng Hộ (1999, 2000), Đỗ Tất Lợi (2009) [9-12], đồng thời 
so sánh và hiệu chỉnh theo Danh lục thực vật VQG Tam Đảo 
(2016) [13].
Xử lý mẫu phân tích: mẫu phân tích được tách riêng 
từng phần (thân, chồi, lá, rễ củ, quả...), tùy thuộc vào bộ 
phận thường được sử dụng làm thuốc hoặc điều kiện thực tế 
khi thu mẫu. Mẫu được sấy ở 60°C đến khối lượng không 
đổi, nghiền mẫu thành bột mịn bằng máy nghiền mẫu thực 
vật chuyên dụng và bảo quản mẫu trong bình hút ẩm chứa 
silicagel cho đến khi sử dụng.
Xác định hàm lượng 20E trong mẫu thực vật [14]: sử 
dụng 20E (do Viện Sinh học, Trung tâm Khoa học Komi, 
Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cung cấp) làm chất 
chuẩn để xác định hàm lượng 20E trong các mẫu phân tích. 
Cân 100 mg bột mẫu thực vật, trộn đều mẫu trong 3 ml 
dung dịch methanol 60%, giữ hỗn hợp mẫu ở nhiệt độ 250C 
trong 16 giờ. Ly tâm hồn hợp mẫu 12.000 vòng/phút trong 
25 phút, lấy 1 ml dịch nổi pha loãng với 2 ml nước cất, sau 
đó cho dung dịch đã pha loãng qua cột Diapak C
16
 (do Công 
ty BioChemMak, Liên bang Nga sản xuất). ECs trong mẫu 
được rửa rải từ cột bằng dung dịch methanol 60%.
The evaluation 
on 20-hydroxyecdysone content
of medicinal plants
in Tam Dao National Park 
and the buffer zone
Xuan Dac Le1*, Ngoc Huyen Dang1, Thi Loan Vu1, 
Thi Thanh Huong Tran1, Vu Anh Nguyen1, 
Dang Hoi Nguyen1, V.V. Volodin2
1Vietnam - Russia Tropical Center
2Komi Science Center, Russian Academy of Sciences
Abstract:
20-hydroxyecdysone (20E) is a biologically active 
compound, belonging to the ecdysteroid group, which is 
commonly found in plants. The ecdysteroids extracted 
from plants have many important pharmacological 
properties; products containing ecdysteroids have been 
widely used in pharmaceutical medicine and agriculture. 
However, researches and applications of ecdysteroids in 
Vietnam are very limited. In this study, the 20E contents 
of 167 medicinal plant species have been collected and 
analysed in Tam Dao National Park and the buffer zone. 
The results have revealed 45 species containing 20E out 
of 167 species, accounting for 26.96%. The contents 
of 20E in the species ranged from 0.002 to 0.588% of 
dry matter; the highest content was found in Croton 
tonkinensis, that is 0.588%. 20E concentrated in leaves 
and buds of most species. Among of the 45 species, 28 
species have not been published on 20E worldwide, 
7 species belong to the genera which contained the 
published species, and only 10 species were published. 
These results exhibit the diversity and value of medicinal 
plants containing 20E in Tam Dao National Park and 
the buffer zone, contributing to the conservation and 
sustainable development of plant resources.
Keywords: buffer zone, Croton tonkinensis, ecdysteroid, 
medicinal plants, 20E. 
Classification number: 3.4
2761(2) 2.2019
Khoa học Y - Dược
Xác định hàm lượng 20E có trong mẫu bằng phương 
pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao trên hệ thống HPLC Agilent 
1200 (Mỹ), cột Zorbax Eclipse XDB-C18 (5 µm, 4,6x150 
mm), thành phần pha động: nước/axetonitrin là 80/20, tốc 
độ dòng là 1 ml/phút, bước sóng l=242 nm, nhiệt độ cột 
30°C.
Tính hàm lượng 20E trong mẫu phân tích theo công 
thức: C% = [(9xC)/m]x100
Trong đó: C% là hàm lượng 20E trong mẫu phân tích (% 
khối lượng chất khô); C là hàm lượng 20E tính theo diện 
tích pic trên sắc ký đồ; m là khối lượng mẫu phân tích (g); 9 
là hệ số pha loãng dịch chiết mẫu.
Mỗi mẫu phân tích lặp lại 3 lần. Số liệu được phân tích 
và xử lý bằng chương trình Microsoft Excel 2010.
Kết quả
Hàm lượng 20E trong các loài cây thuốc ở VQG Tam 
Đảo và vùng đệm
Qua điều tra, khảo sát khu vực VQG Tam Đảo và vùng 
đệm, chúng tôi đã thu được 167 loài thực vật thường được 
người dân địa phương sử dụng làm thuốc. Kết quả phân tích 
167 mẫu đã xác định được 45 mẫu có chứa hoạt chất 20E 
(bảng 1).
Bảng 1. Hàm lượng 20E trong các loài cây thuốc ở VQG Tam 
Đảo và vùng đệm.
TT Tên loài
Hàm 
lượng 
20E (%)
Bộ phận 
phân tích 
chứa 20E
Thế giới 
đã xác 
định 20E*
1 Khổ sâm (Croton tonkinensis) 0,588 Lá, chối 0
2 Mần tưới (Eupatorium fortunei) 0,245 Lá, chồi 0
3 Bái hoa vàng (Sida rhombifolia) 0,223 Lá, chồi L
4 Thanh thất (Ailanthus triphysa) 0,223 Lá, chồi 0
5 Hoàng lực (Zanthoxylum nitidum) 0,209 Lá non 0
6 Xương cá (Vitex tripinnata) 0,183 Lá C
7 Cam thảo nam (Seoparia dulics) 0,139 Toàn thân 0
8 Gáo (Anthocephalus indicus) 0,079 Lá 0
9 Cỏ xước (Achyranthes aspera) 0,074 Toàn thân L 
10 Đòn gánh (Gouania leptostachya) 0,054 Lá, chồi 0
11 Sói rừng (Sarcandra glabra) 0,050 Lá 0
12 Dây đau xương (Tinospora sinensis) 0,043 Lá, chồi L
13 Đẻn 5 lá (Vitex negundo) 0,039 Lá L
14 Tiết dê (Cissampelos pareira) 0,038 Toàn thân L
15 Khôi nhung (Ardisia silvestris) 0,038 Lá 0
16 Đơn đỏ ngọn (Cyathula prostrata) 0,036 Lá L
17 Bìm bìm nhỏ (Ipomoea maxima) 0,031 Lá, chồi C
18 Cuống vàng (Gonocaryum lobbianum) 0,028 Lá 0
19 Rau trai (Commelina communis) 0,024 Toàn thân C
20 Sâm nam (Millettia speciosa) 0,022 Rễ củ 0
21 Bồ công anh (Lactuca indica) 0,021 Toàn thân C
22 Dương kỳ thảo (Achillea millefolium) 0,020 Lá L
23 Bọt ếch (Callicarpa candicans) 0,016 Lá, chồi C
24 Rau sắng (Melientha suavis) 0,013 Lá 0
25 Xạ đen (Celastrus hindsii) 0,011 Lá, chồi 0
26 Thu hải đường lá lệch (Begonia sp) 0,010 Lá 0
27 Trà hoa vàng gilbert (Camellia gilbertii) 0,009 Lá 0
28 Đỏ ngọn (Cratoxylon prunifolium) 0,008 Lá 0
29 Diệp hạ châu (Phyllanthus urinaria) 0,008 Toàn thân 0
30 Kiến cò (Rhinacanthus nasutus) 0,006 Lá, chồi 0
31 Thừng mực trâu (Holarrhena antidysenteria) 0,006 Lá 0
32 Trai lá dài (Commelina diffusa) 0,006 Toàn thân C
33 Ké hoa đào (Urena lobata) 0,006 Lá, chồi 0
34 Lấu (Psychotria reevesii) 0,006 Lá 0
35 Thanh táo (Justicia gendarussa) 0,005 Lá L
36 Bồng bồng (Curculigo orchioides) 0,005 Rễ củ 0
37 Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis) 0,005 Lá, chồi 0
38 Bạch chỉ nam (Millettia pulchra) 0,005 Lá, chồi 0
39 Cà gai lông (Solanum torvum) 0,005 Quả L
40 Trà hoa vàng tam đảo (Camellia tamdaoensis) 0,005 Lá 0
41 Dâu tằm (Morus alba) 0,004 Lá L
42 Chua chát (Docynia indica) 0,004 Lá 0
43 Hoàng lực không gai (Zanthoxylum avicennae) 0,004 Lá, chồi 0
44 Mò gói thuốc (Actinodaphne cochinchinensis) 0,003 Lá 0
45 Dẻ quạt (Iris domestica) 0,002 Rễ củ C
Trung bình 0,057
Ghi chú: *: lá, chồi là một mẫu; 0: chưa phân tích 20E; C: có các loài 
cùng chi đã phân tích 20E; L: loài đã phân tích 20E.
2861(2) 2.2019
Khoa học Y - Dược
Kết quả phân tích ở bảng 1 cho thấy, các mẫu thực vật thu 
được ở VQG Tam Đảo và vùng đệm có hàm lượng 20E dao 
động 0,002-0,588% khối lượng khô, tính trung bình mỗi mẫu 
chứa 20E là 0,057% khối lượng chất khô. Trong đó, loài Khổ 
sâm có hàm lượng 20E cao nhất là 0,588%, loài Dẻ quạt có 
hàm lượng 20E thấp nhất là 0,002% khối lượng khô. Đáng 
chú ý nhất có 7 loài chứa hàm lượng 20E cao từ 0,139 đến 
0,588%, bao gồm Khổ sâm, Mần tưới, Bái hoa vàng, Thanh 
thất, Hoàng lực, Xương cá và Cam thảo nam.
Kết quả thu được ở bảng 1 cũng cho thấy, hầu hết các 
loài phân tích đều có 20E tập trung ở phần lá và chồi (35 
loài). Có 7 loài chứa 20E trong toàn thân cây (Cam thảo 
nam, Cỏ xước, Tiết dê, Rau trai, Bồ công anh, Diệp hạ châu, 
Trai lá dài). Chỉ có 2 loài có chứa 20E trong rễ củ (Bồng 
bồng, Dẻ quạt) và một loài có 20E ở quả (Cà gai lông). 
So sánh các loài thực vật đã công bố có chứa PEs trên thế 
giới [2] với kết quả của nghiên cứu này cho thấy, trong số 
45 loài thực vật chứa 20E thu ở khu vực VQG Tam Đảo và 
vùng đệm có đến 28 loài chưa được công bố trên thế giới, 7 
loài thuộc cùng các chi có các loài đã công bố và chỉ có 10 
loài đã công bố (bảng 1). Kết quả này cho thấy sự đa đạng 
các loài thực vật chứa PEs cũng như triển vọng nghiên cứu, 
phát hiện các loài mới có hàm lượng cao PEs ở VQG Tam 
Đảo nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đa dạng các taxon thực vật chứa 20E ở VQG Tam Đảo 
và vùng đệm
Theo kết quả tổng hợp các taxon (bậc phân loại) thực vật 
thu thập tại VQG Tam Đảo và vùng đệm, đã thu được 167 
loài thuộc 70 họ và 146 chi (bảng 2). 
Bảng 2. Đa dạng các taxon thực vật chứa 20E ở VQG Tam Đảo 
và vùng đệm.
TT
Thành 
phần các 
taxon
Tổng số các 
taxon
Số lượng 
các taxon 
chứa 20E
Tỷ lệ các 
taxon chứa 
20E (%)
1 Họ 70 31 44,29
2 Chi 146 37 25,34
3 Loài 167 45 26,95
Kết quả ở bảng 2 cho thấy, các loài thực vật có chứa 20E 
thuộc các bậc phân loại khá đa dạng và phong phú. Cụ thể, 
ở bậc phân loại họ có 31/70 họ, chiếm tỷ lệ 44,29% các họ 
có các loài chứa 20E; bậc phân loại chi có 37/146 chi, chiếm 
tỷ lệ 25,34%; bậc phân loại loài có 45/167 loài, chiếm tỷ lệ 
26,95%.
Theo Lafont và cs (2017) [2], các nhà khoa học đã 
xác định được 1.339 loài thực vật thuộc 132 họ có chứa 
PEs, các họ có nhiều loài chứa PEs như Cẩm chướng 
(Caryophyllaceae), Rau muối (Chenopodiaceae), Rau dền 
(Amaranthaceae), Cúc (Asteraceae)... Theo các kết quả đã 
công bố, trên thế giới có khoảng 6% các loài thực vật chứa 
PEs thuộc các ngành hạt kín, hạt trần và dương xỉ. Đặc biệt, 
PEs thường tồn tại trong nhiều loài thực vật được sử dụng 
trong các bài thuốc dân tộc, vì vậy nghiên cứu này tập trung 
thu mẫu và phân tích 20E của các loài cây thuốc. Do đó, kết 
quả thu được của nghiên cứu này có tỷ lệ các loài chứa 20E 
cao gấp 4,5 lần (26,95%) so với công bố trên thế giới (6%) 
[2, 3, 15]. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này mới chỉ 
phát hiện được 45 loài thực vật chứa 20E đều thuộc ngành 
hạt kín.
Bàn luận
Theo công bố gần đây, các nhà khoa học đã xác định 
được 503 hợp chất tự nhiên có chứa ECs, nhiều giả thuyết 
cho rằng ECs có thể tham gia hơn 1.000 cơ chế hoạt động 
sinh lý của cơ thể sinh vật trong tự nhiên [2]. Sự đa dạng 
của PEs do khác nhau về số lượng các nguyên tử carbon của 
bộ khung steroid (từ 24C đến 29C), chúng còn khác nhau về 
số lượng và vị trí của các nhóm hydroxyl và keto gắn trên 
bộ khung steroid. Dạng tồn tại phổ biến nhất của ECs trong 
thực vật là 20E và propodine B [16].
Theo các nghiên cứu đã công bố, hàm lượng PEs trung 
bình chiếm khoảng 0,1% khối lượng chất khô. Từ trước đến 
nay, mới chỉ phát hiện loài có hàm lượng PEs cao nhất là 
Dây song bào (Diploclisia glaucescens) với hàm lượng PEs 
trong vỏ cây là 3,2% khối lượng khô [3, 17]. 
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, các loài thực vật 
ở VQG Tam Đảo và vùng đệm đã được phân tích có hàm 
lượng trung bình 20E (0,057%) thấp hơn so với các công 
bố trước đây trên thế giới (0,1%). Sự khác nhau có thể do 
nghiên cứu này mới chỉ xác định hàm lượng một loại hoạt 
chất phổ biến nhất là 20E. Đặc biệt, kết quả của nghiên cứu 
này đã xác định được 28 loài thực vật chứa 20E lần đầu 
tiên được phát hiện ở Việt Nam chưa được công bố trên thế 
giới, có 7 loài thuộc các chi đã được công bố và 10 loài đã 
công bố trên thế gới [2]. Volodin và cs (2016) [18] đã phân 
tích hàm lượng PEs của 51 loài thực vật thu thập ở VQG 
Cúc Phương. Kết quả phát hiện các loài chứa PEs có hàm 
lượng dao động từ 0,2% (loài Cyathula prostrata) đến gần 
2% khối lượng khô (loài Vitex quinata).
Theo các nghiên cứu, PEs thường được phát hiện trong 
các loại mô mới xuất hiện (lá non, chồi) và các cơ quan sinh 
sản (hoa, hạt phấn, hạt) của thực vật, nhưng ít tồn tại hơn 
trong thân và rễ. Điều này có nghĩa là hàm lượng PEs cao 
được tìm thấy ở những bộ phận quan trọng trong quá trình 
sinh trưởng và phát triển, hoặc các cơ quan và mô cần thiết 
để duy trì cho các thế hệ tiếp theo của thực vật [3, 19].
Nghiên cứu này mới chỉ tập trung nghiên cứu và sàng 
lọc các loài cây thuốc có chứa 20E ở khu vực VQG Tam 
Đảo và vùng đệm, nhưng đã ghi nhận sự đa dạng và phong 
phú ở các bậc phân loại, có đến 45 loài thuộc 37 chi và 31 
2961(2) 2.2019
Khoa học Y - Dược
họ. Kết quả phân tích cũng cho thấy, tỷ lệ các loài chứa 20E 
ở khu vực VQG Tam Đảo và vùng đệm khá cao, đến 26,95% 
trong tổng số 167 loài. Kết quả nghiên cứu của Volodin và 
cs (2016) [18], đã xác định được 6 loài có chứa PEs, chiếm 
tỷ lệ 11,7% trong tổng số 51 loài thu được ở VQG Cúc 
Phương. 
Tính từ khi phát hiện PEs lần đầu tiên ở thực vật đến năm 
2000, các nhà khoa học mới chỉ ghi nhận được 176 loài thực 
vật có chứa PEs thuộc 28 họ [16]. Nhưng đến năm 2017 đã 
xác định được 1.339 loài thực vật có chứa PEs thuộc 132 họ 
khác nhau [2]. Như vậy, trong vòng 17 năm các nhà khoa 
học đã phát hiện số họ có chứa PEs tăng gấp 4,7 lần và số 
loài tăng gấp 7,6 lần so với công bố từ năm 2000. Điều này 
cho thấy tầm quan trọng, sự quan tâm đặc biệt đối với các 
hợp chất chứa PEs cũng như tốc độ nghiên cứu phát hiện 
các loài thực vật chứa PEs của các nhà khoa học trên thế 
giới tăng lên rất nhanh.
Việt Nam có hệ thực vật rất đa dạng và phong phú, giá 
trị của các hoạt chất sinh học từ thực vật của Việt Nam đang 
còn nhiều điều bí ẩn và đầy tiềm năng nghiên cứu ứng dụng, 
trong đó có các hoạt chất thuộc nhóm PEs. Vì vậy, cần thiết 
có những nghiên cứu mang tính hệ thống và chuyên sâu về 
các loài thực vật chứa PEs, cũng như nghiên cứu quy trình 
công nghệ tách chiết, thử nghiệm và ứng dụng tạo ra các 
sản phẩm sử dụng trong nông nghiệp, công nghệ sinh học, 
mỹ phẩm, y dược, phục vụ sức khỏe cộng đồng và góp phần 
khai thác, bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên đa dạng 
sinh học.
Kết luận
Kết quả phân tích 167 loài cây thuốc ở VQG Tam Đảo và 
vùng đệm đã xác định được 45 loài có chứa hàm lượng 20E. 
Hàm lượng 20E của các loài dao động từ 0,002 đến 0,588% 
khối lượng chất khô, cao nhất là loài Khổ sâm có hàm lượng 
là 0,588%. Phần lớn các loài có chứa 20E tập trung ở lá và 
chồi. So với danh lục các loài thực vật chứa ECs trên thế 
giới, nghiên cứu này đã xác định có 28 loài chưa được công 
bố trên thế giới, 7 loài thuộc các chi có các loài đã công bố 
và chỉ có 10 loài đã được công bố. 
Các bậc phân loại thực vật có chứa 20E ở VQG Tam Đảo 
và vùng đệm khá đa dạng và phong phú (ở bậc phân loại họ 
có 31 họ, chiếm 44,29% số họ có các loài chứa 20E trong 
tổng số 70 họ; bậc phân loại chi có 37 chi, chiếm 25,34% 
trong tổng số 146 chi; bậc phân loại loài có 45 loài, chiếm 
26,95% trong tổng số 167 loài). Tổng số 45 loài cây thuốc 
có chứa 20E ở VQG Tam Đảo và vùng đệm đều thuộc ngành 
hạt kín.
LỜI CẢM ƠN
Bài báo này được hỗ trợ kinh phí từ đề tài E-1.2 và M-4.1 
thuộc Chương trình Ủy ban phối hợp Việt Nam - Liên bang 
Nga.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] A. Butenandt, P. Karlson (1954), “Uber die isolierung eines 
metamorphose-hormons der insekten in kristallisierter form”, Z. 
Naturforsch, 9B, pp.389-391.
[2] R. Lafont, et al. (2017), The Ecdysone Handbook (3rd edition), 
[3] L. Dinan (2001), “Phytoecdysteroids: biological aspects”, 
Phytochemistry, 57, pp.325-339.
[4] L. Dinan, R.E. Hormann (2005), “Ecdysteroid agonists and 
antagonists”, Comprehensive Molecular Insect Science, Elsevier, 3, 
pp.197-242.
[5] D. Tarkowska, M. Strnad (2016), “Plant ecdysteroids: plant 
sterols with intriguing distributions, biological effects and relations to 
plant hormones”, Planta, 244, pp.545-555.
[6] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014), Tài liệu đào tạo, tập 
huấn về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn 
gen.
[7] Trần Công Khánh, Trần Văn Ơn (2009), Cây thuốc ở VQG 
Tam Đảo, Nhà xuất bản Nông nghiệp.
[8] Nguyễn Nghĩa Thìn (2008), Các phương pháp nghiên cứu 
thực vật, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
[9] Đỗ Huy Bích (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt 
Nam, Tập 1, 2, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
[10] Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Tập 1, 2, 
Nhà xuất bản Y học.
[11] Phạm Hoàng Hộ (1999, 2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển 1, 
2, 3, Nhà xuất bản Trẻ.
[12] Đỗ Tất Lợi (2009), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, 
Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Thời đại.
[13] VQG Tam Đảo (2016), Danh lục thực vật VQG Tam Đảo. 
[14] S.O. Volodina, I. Chadin, V. Martunhenko, V.V. Volodin 
(2004), “Đặc điểm sinh thái - quần lạc và sinh khối phần trên mặt đất 
của Silene tatarica trong các quần thể tự nhiên (phần đông bắc châu 
Âu của Nga)”, Tạp chí Khoa học Trung tâm khoa học Komi, 6, tr.4-7 
(tiếng Nga).
[15] J. Gorelick-Feldman, (2009), Phytoecdysteroids - 
Understanding their anabolic activity, New Jersey, USA.
[16] U.A. Baltaev (2000), “Phytoecdysteroids: Structure, sources, 
and biosynthesis in plants”, Russ. J. Bioorg. Chem., 26(12), pp.799-
831.
[17] B.M.R. Bandara, et al. (1989), “Ecdysterone from stem of 
Diploclisia glaucescens”, Phytochemistry, 28, pp.1073-1075.
[18] V.V. Volodin, S.О. Volodina, Vũ Thị Loan, Võ Thị Hoài Thu, 
Phạm Khắc Linh (2016), “Phương pháp nghiên cứu sự phân bố của 
ecdysteroid trong thực vật thế giới - Kết quả sàng lọc ban đầu về 
ecdysteroid trong thực vật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công 
nghệ Nhiệt đới, 11, tr.3-14 (tiếng Nga).
[19] L. Dinan (2009), “Phytoecdysteroids: what use are they?”, 
Arch. Insect Biochem. Physiol., 72, pp.126-141.

File đính kèm:

  • pdfdanh_gia_ham_luong_20_hydroxyecdysone_cac_loai_cay_thuoc_o_v.pdf