Hệ biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính - Từ lí thuyết phân tâm học

Tóm tắt: Sau 1986, trong xu thế hội nhập toàn cầu, trong việc tiếp nhận

những lí thuyết hiện đại, không thể phủ nhận vai trò của phân tâm học trong

đời sống văn học Việt Nam. Trong sáng tác, dấu ấn phân tâm học đậm nét ở

nhiều tác phẩm, trong đó tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính là một hiện tượng

tiêu biểu. Với một thế giới nhân vật đa phức, con người trong cái nhìn nghệ

thuật của nhà văn được bộc lộ ở tầng sâu vô thức, bản năng. Với một hệ

thống biểu tượng đa nghĩa, tiêu biểu là biểu tượng vô thức, biểu tượng tính

dục, biểu tượng văn hóa, nhà văn phân tâm, minh giải những phức cảm của

con người một cách sâu sắc. Cái nhìn nhân bản về con người khiến tiểu

thuyết Nguyễn Đình Chính có sức lan tỏa.

pdf 9 trang yennguyen 4740
Bạn đang xem tài liệu "Hệ biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính - Từ lí thuyết phân tâm học", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Hệ biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính - Từ lí thuyết phân tâm học

Hệ biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính - Từ lí thuyết phân tâm học
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế 
ISSN 1859-1612, Số 04(40)/2016: tr. 5-13 
HỆ BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH 
- TỪ LÍ THUYẾT PHÂN TÂM HỌC 
NGUYỄN THỊ LINH KA 
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam 
LÊ THỊ HƯỜNG 
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế 
Tóm tắt: Sau 1986, trong xu thế hội nhập toàn cầu, trong việc tiếp nhận 
những lí thuyết hiện đại, không thể phủ nhận vai trò của phân tâm học trong 
đời sống văn học Việt Nam. Trong sáng tác, dấu ấn phân tâm học đậm nét ở 
nhiều tác phẩm, trong đó tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính là một hiện tượng 
tiêu biểu. Với một thế giới nhân vật đa phức, con người trong cái nhìn nghệ 
thuật của nhà văn được bộc lộ ở tầng sâu vô thức, bản năng. Với một hệ 
thống biểu tượng đa nghĩa, tiêu biểu là biểu tượng vô thức, biểu tượng tính 
dục, biểu tượng văn hóa, nhà văn phân tâm, minh giải những phức cảm của 
con người một cách sâu sắc. Cái nhìn nhân bản về con người khiến tiểu 
thuyết Nguyễn Đình Chính có sức lan tỏa. 
Từ khóa: phân tâm học, vô thức, tính dục, biểu tượng, biểu tượng văn hóa, 
lửa, rừng 
1. MỞ ĐẦU 
Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Chính không nhiều, nhưng với hai tác phẩm Ngày hoàng 
đạo và Online ba lô cho thấy nhà văn đã viết từ vùng lan tỏa của lí thuyết phân tâm 
học. Dấu ấn phân tâm học không ngẫu nhiên trong thế giới nghệ thuật tiểu thuyết mà 
nhà văn có ý thức vận dụng học thuyết này để khắc họa cũng như giải mã con người 
hiện đại. Với một thế giới nhân vật đa phức, con người trong cái nhìn nghệ thuật của 
nhà văn được bộc lộ ở tầng sâu vô thức, bản năng. Với một hệ thống biểu tượng đa 
nghĩa, nhà văn phân tâm, minh giải những phức cảm của con người một cách sâu sắc. 
2. VIẾT TỪ ÁNH SÁNG PHÂN TÂM HỌC 
Một trong những vấn đề mấu chốt của học thuyết Freud trong mối quan hệ với văn học 
là ông đã chứng minh quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ không chỉ có ở ý 
thức, mà có ngay trong vô thức. Từ lí thuyết về vô thức, Freud xem tác phẩm văn học là 
kết quả của hoạt động thoả mãn những ham muốn bản năng và những xung động tinh 
thần của người nghệ sĩ; nghệ thuật như là kết quả của sự thăng hoa của sự ám ảnh vô 
thức con người. Tiếp nhận lí thuyết Freud, Nguyễn Đình Chính quan niệm: “viết 
bằng vô thức, viết nhằm truyền đạt cảm xúc của đời sống, lột tả những xao xuyến sâu 
thẳm của kiếp người” [10]. 
Theo quan niệm của Freud, viết là sự giải toả bản năng, giải toả ẩn ức. “Tác phẩm văn 
học trước hết là một giấc mơ. Nó phản ảnh những ham muốn vô thức” [9, tr. 12]. Bàn 
về tiểu thuyết, Nguyễn Đình Chính tâm sự: “Sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật trong đó 
6 NGUYỄN THỊ LINH KA – LÊ THỊ HƯỜNG 
có việc viết tiểu thuyết, suy cho cùng là một sự xả stress, giải toả những ẩn ức hết sức cá 
nhân Viết không phải nghĩ nhiều, hoàn toàn từ vô thức, để cho nhân vật dắt mình. 
Viết rất nhanh. Nhiều lúc ghi không kịp” [6]. 
Bàn về hoạt động sáng tác, theo Nguyễn Đình Chính: “Tác giả tiểu thuyết không thể 
sáng tạo ra một nhân vật thời đại phức tạp, đa chiều, đầy mâu thuẫn nếu anh thờ ơ với 
phân tâm học hoặc là nghiên cứu phân tâm học một cách cẩu thả” [3]. Điều đó cho thấy 
nhà văn đã có ý thức vận dụng lí thuyết phân tâm học trong hoạt động sáng tạo - đặc 
biệt là tiểu thuyết. Nhà văn quan niệm: “Mỗi người thường cất giấu trong chỗ sâu kín 
nhất của tâm hồn mình một cái gì về tình dục (thí dụ sự ham muốn, những màu sắc của 
khoái cảm, những mặc cảm về đạo đức...) mà chính họ cũng hơi hổ thẹn, chưa dám, 
hoặc chưa quen phơi bầy, chia sẻ... Tôi muốn bóc ra những lớp bí mật đó” [7]. 
Từ những quan niệm trên, Nguyễn Đình Chính đã tổ chức văn bản nghệ thuật đa dạng 
để phân tích tâm lí, bóc tách “cái tôi ẩn mật” (Kundera), đặc biệt qua hệ thống biểu 
tượng dày đặc trong tác phẩm. 
3. HỆ THỐNG BIỂU TƯỢNG TỪ PHÂN TÂM HỌC 
3.1. Biểu tượng vô thức 
Theo S.Freud, tận thẳm sâu nơi tâm hồn mỗi con người là cả một đại dương mênh 
mông, bao la, vô tận; ở đó, vô thức là chúa tể thống ngự. Từ quan niệm đa chiều về con 
người, nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính được soi rọi đến tận thấu đời sống 
bên trong, những vùng mờ vô thức; những mặc cảm, những giằng xé giữa cái ấy (id), 
cái tôi (ego) và cái siêu tôi (superego). Vùng vô thức thực sự trở thành đối tượng thẩm 
mỹ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính qua một hệ thống biểu tượng được sử dụng đa 
nghĩa, nhằm giải mã vùng mờ tâm linh. 
Một trong những biểu hiện động của vô thức là nhiễu tâm, giấc mơ, hành vi bị lỡ, lỡ lời, 
nói nhịu... Với những hành vi sai lạc trong đời sống con người, Freud đã lí giải: Con 
người luôn bị ràng buộc bởi những quy chuẩn đạo đức mà chính họ đã đề ra. Đó là 
nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn giữa ham muốn mãnh liệt với giới hạn hành vi có 
thể thực hiện trên thực tế. Mâu thuẫn này là thường trực nên con người luôn phải đấu 
tranh nội tâm để dung hòa chúng sao cho vừa có thể thỏa mãn những ham muốn một 
cách hợp lý, vừa không vi phạm những chuẩn tắc đạo đức, tức là phải tạo ra sự cân bằng 
về mặt tâm lý. Song không phải lúc nào sự cân bằng đó cũng được đảm bảo. Từ đó nảy 
sinh những hành vi mà ngay cả bản thân người thực hiện nó cũng không hề hay biết. 
Nhiều nhân vật của Nguyễn Đình Chính rơi vào hành vi sai lạc không qua sự kiểm soát 
của ý thức (bác sĩ Cần, cha Tạc trong Ngày hoàng đạo, nhân vật Zê trong Onlineba 
lô). Những hành vi nhiễu tâm ở nhân vật bác sĩ Cần thể hiện rõ nét qua những bước 
chân vô định, đi mà không hiểu tại sao mình đi, hành động mà không hiểu tại sao mình 
hành động, “Ta chui vào cái ống tối om này ư. Ta chui vào để làm gì. Có việc gì mà 
chui vào cơ chứ” (Ngày hoàng đạo). Con người luôn lầm tưởng rằng mình có thể làm 
chủ được bản thân, tự hướng dẫn và điều khiển được chính mình, nhưng rồi rốt cuộc, 
vẫn bị bàn tay vô hình nào đó điều khiển trở lại. Bàn tay vô hình đó, theo S.Freud, là vô 
BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH 7 
thức, chính vô thức điều khiển toàn bộ hoạt động có ý thức của con người mà con người 
có thể không hay biết. Freud từng khẳng định hành vi con người do vô thức mà thành. 
Như vậy cái hành động chạy trốn của bác sĩ Cần là do vô thức điều khiển. Ông chạy 
trốn nỗi sợ hãi, chạy trốn chính bản thân mình - một cái tôi [ego] dằn vặt, chông chênh 
trong sự trì níu giữa cái ấy [id] và cái siêu tôi [superego]. 
Trong Online... ba lô, nhân vật Zê luôn “nghe” một tiếng gọi mơ hồ từ vô thức, nó xui 
khiến hành động: “Tại sao lại cứ lên rừng. Không biết. Có một tiếng gọi xa xăm nào đó 
thôi thúc ta. Ban ngày thì tiếng gọi đó hú lên những tiếng lặng câm trong tâm trí. Ban 
đêm thì tiếng gọi đó bật lên thành những tiếng hú điếc tai ai oán thảm thiết trong giấc 
mộng” (Online... ba lô). Công thức “vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ” của phân 
tâm học Lacan giúp phần soi tỏ, lí giải trạng thái tinh thần phân lập của nhân vật tiểu 
thuyết Nguyễn Đình Chính. Biểu tượng tiếng hú lặp lại nhiều lần, như một hành vi ngôn 
ngữ, do những dồn nén, ẩn ức. “Những tiếng lặng câm trong tâm trí” chỉ có thể là “tiếng 
hú” của vô thức, tiếng gào thét của ham muốn, của ám ảnh tuổi thơ. “Tết đến. Sương 
muối mịt mù lạnh tái tê. Đêm co ro trong chăn. Ngủ. Trong mơ đôi khi lại nghe thấy 
tiếng hú hoang vu từ rừng thẳm vọng về” (Online... ba lô). Tiếng hú ấy cứ ám ảnh, vô 
thức lên tiếng, trở thành tiếng gọi nguyên sơ, thống thiết, thôi thúc Zê khoác ba lô lên 
đường về với rừng. Bởi lẽ, về với rừng thẳm là về với kí ức tình yêu vừa khoái lạc vừa 
thống khổ của anh đối với người con gái bị ruồng bỏ giữa cộng đồng người. Sâu xa hơn, 
với Zê, đó là tiếng gọi của ám ảnh tuổi thơ, một tuổi thơ dữ dội. Theo Freud, những cảm 
xúc từ lúc còn là trẻ thơ, ở tuổi dậy thì hoặc giai đoạn đầu đời có khả năng lưu giữ, ám 
ảnh con người cho đến hết cuộc đời. Cũng theo Freud: “Khái niệm vô thức được suy ra 
từ lí thuyết về sự dồn nén” [4, tr. 35]. Tuổi thơ của Zê gắn liền với nhà sàn, với cây cỏ, 
thú rừng, với những tiếng hú ghê rợn trong lòng rừng sâu vọng về lúc nửa đêm, với bếp 
lửa bập bùng giữa nhà, với bình yên, và cả cái chết. Hai tuổi, mẹ địu sau lưng chạy loạn 
lên tận bản Nà Cốc heo hút rừng xanh, Zê tận mắt chứng kiến người mẹ thổ ra hàng 
đống máu vào thúng tro rồi chết, người làng làm phúc bó chiếu chôn đâu đó ở bìa rừng, 
được bà mế Thổn Mừ ẵm về nuôi. Bao nhiêu năm chen chúc giữa chốn đô thành miền 
xuôi náo nhiệt, những kỷ niệm thời thơ ấu gắn bó với rừng xanh tưởng đã mất đi. 
Nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, dồn nén, lặn sâu vào vùng mờ vô thức, Zê cảm nhận được 
điều đó qua tiếng hú mà anh vẫn thường nghe thấy. “Tiếng hú hoang vu từ rừng thẳm 
vọng về” như một ham muốn, khát khao, “thèm muốn hít thật nhiều màn sương rừng 
tháng giêng hai lạnh lẽo và tinh khiết đến rùng mình rồi nằm sõng soài ra đất co quắp 
chân cẳng ôm choàng những búi rễ trám già sần sùi héo khô đang âm thầm rỏ nhựa”. 
Về rừng để được “ngồi trên rễ cây loằng ngoằng thân rắn. Thích nằm toài trên tảng đá 
rêu phong. Vểnh tai nghe tiếng gió hú và khịt mũi liên hồi ngửi mùi sương rừng Ta 
lội trong rừng giống như cái bào thai lội trong bụng mẹ. Trời ơi thanh thản quá 
chừng” (Online... ba lô). Hòa nhập với rừng hay Zê đang ôm lấy người mẹ tưởng tượng 
của mình và tận hưởng những giọt sữa trong lành tinh khiết mà suốt cả tuổi thơ Zê luôn 
luôn khao khát, kiếm tìm. 
8 NGUYỄN THỊ LINH KA – LÊ THỊ HƯỜNG 
3.2. Biểu tượng cái chết 
Theo Freud, bản năng chết là một trong hai bản năng chủ yếu của bộ máy tâm thần con 
người (bên cạnh bản năng sống). Theo đó, ông xác nhận chết là mục tiêu cuối cùng của sự 
sống, cái không sinh sống có trước cái sinh sống. Luồng xung năng vô thức này có tác 
động rất lớn đến hành vi và lối sống của con người. Bản năng chết làm cho con người 
luôn âu sầu, sợ hãi mọi thứ, hủy hoại thân thể hoặc muốn biến mất khỏi thế giới này. 
Nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính luôn bị ám ảnh bởi cái chết, muốn chết, do mặc 
cảm tội lỗi, mặc cảm tàn phế (mặc cảm hoạn - Freud). Nhà văn xây dựng một loạt những 
biểu tượng để làm nổi bật phần bản năng chết như xác chết, hồn, ngôi mộ, nhà xác 
Bảng khảo sát tần số xuất hiện biểu tượng cái chết trong Ngày hoàng đạo 
Hình ảnh Tần số xuất hiện (lần) 
Hồn (linh hồn, hồn ma, hồn vía) 66 
Mộ (ngôi mộ, mồ mả, nấm mồ, nhà mồ...) 146 
Xác (xác chết, xác người, nhà xác) 154 
Trong Ngày hoàng đạo, hồn xuất hiện khá nhiều, gắn với khả năng kì lạ của bác sĩ Cần, 
có thể nhìn thấy và chuyện trò với những hồn ma. Trong trạng thái u mê, nửa điên nửa 
tỉnh của căn bệnh tâm thần phân lập, bác sĩ Cần đã nhìn thấy hồn người chết. Trong quan 
niệm của các nhà phân tâm học, hồn là một trạng thái tâm lý, gắn với cái vô thức (Jung). 
Hồn là phần vô thức của con người được hiển lộ. Vô thức đã tìm được nơi trú ngụ của 
mình, để rồi khi hồn tự thú, sám hối, phân trần cũng chính là lúc vô thức của con người 
cất tiếng nói. Đó là phần chìm, phần khuất lấp, phần ẩn giấu bên trong mỗi người. 
Freud cho rằng bản năng chết có thể làm biến dạng sự sống. Một số nhân vật trong tiểu 
thuyết Nguyễn Đình Chính luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Kể từ khi cuộc đời bác sĩ Cần 
“hoàn toàn rơi xuống và bị nhấn chìm trong nỗi khổ đau tuyệt vọng còn tối tăm hơn cả 
đáy địa ngục” thì “nhiều lúc ông đã định tự tử”. Với bản tính nhút nhát hèn yếu, ông 
không thể thỏa mãn cái ham muốn “được chết” của mình, do đó ông giải tỏa nó bằng 
một hình thức khác còn đau đớn hơn cả cái chết, tự hủy hoại bản thân bằng cách đi 
hoang, sống một cuộc đời vô nghĩa, không mục đích, sợ hãi mọi thứ xung quanh và 
chán ghét chính bản thân mình. Ông luôn có cảm giác buồn bã và cô đơn, nó giống như 
“luồng thuốc độc ngấm dần qua da qua xương thấm sâu vào tim phổi ruột gan khiến ông 
bải hoải tuyệt vọng chỉ muốn chết đi cho xong đời” (Ngày hoàng đạo). Đối với bác sĩ 
Cần, bản năng sống trong ông quá yếu ớt, quá mờ nhạt trong khi bản năng chết thì mạnh 
mẽ, hoàn toàn chiếm ưu thế, làm biến dạng sự sống. 
Đặc biệt, với cha Tạc, mặc cảm tội lỗi luôn vò xé trong cuộc đấu tranh giữa đạo và đời. 
Tâm trạng dằn vặt ấy đã đẩy cha Tạc tới nhu cầu chết như cách tự tìm lối thoát cho 
mình. Nghiên cứu phân tâm học và tôn giáo, E. Fromm - nhà phân tâm học, nhà tâm lý 
học xã hội người Đức đã lí giải mặc cảm tội lỗi nảy sinh giữa tôn giáo và những ham 
muốn bản năng: “Tội lỗi chủ yếu không phải là tội chống lại thượng đế mà là tội chống 
lại chính bản thân” [5, tr.130]. Nguyễn Đình Chính xây dựng thành công kiểu nhân vật 
mặc cảm vì tội chống lại chính bản thân. Cha Tạc luôn ý thức được bổn phận của một 
BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH 9 
cha đạo, đồng thời cũng luôn cất giấu, dồn nén những ham muốn bản năng và tìm mọi 
cách triệt tiêu nó. Nhưng thực tế nó không hề mất đi mà vẫn âm thầm tồn tại trong vô 
thức, chờ thời cơ thuận lợi là bùng phát. Thời cơ đó chính là lúc cha Tạc nhìn thấy 
những pho tượng cụt đầu đầy gợi dục. Trong tâm hồn cha Tạc luôn có sự dằn xé, giao 
tranh giữa một cha Tạc nguyện trọn đời dâng mình cho nước chúa, và một cha Tạc vật 
vã những thèm khát dục vọng, để rồi không thể vượt qua được những cám dỗ của bản 
năng, cha Tạc sống trong mặc cảm tội lỗi, tự cảm thấy xấu hổ với đức Chúa trời và xấu 
hổ với chính bản thân mình. Cái mặc cảm phạm tội đó cứ đeo bám, dằn vặt và lớn dần 
lên trong tâm hồn mỏng manh dễ vỡ của cha. Càng lo sợ mình phạm tội thì cha lại càng 
vướng vào những tội lỗi mà một cha đạo không được phép phạm phải. Những phức cảm 
giằng xé đã đẩy cha vào ngõ cụt tinh thần, tạo điều kiện cho bản năng chết trỗi dậy. 
3.3. Biểu tượng phồn thực 
Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng tôn giáo phổ biến trong đời sống nhân loại từ 
thuở xa xưa. Nó biểu hiện trước hết ở tục thờ cúng sinh thực khí. “Chính sự cấm kị đi 
kèm với nỗi khát khao quả cấm, sự bất cập của lý trí nguyên thủy đã mang lại một ánh 
sáng khác thường cho các cơ quan sinh sản, làm thiêng hóa chúng” [8, tr.65]. Nguyễn 
Đình Chính đã sử dụng những siêu mẫu có tính chất hoài niệm phồn thực để khai mở 
phần bản năng tính dục. Đó là hình ảnh linga, yoni, sự sinh nở, hình ảnh về những bộ 
phận nữ giới - “bức tượng sành cụt đầu đàn bà có bộ mông to tướng tròn vo như cái 
chum còn đàn ông thì cứ ưỡn bộ phận sinh dục ra méo mó cứng đờ chẳng khác gì những 
vòi ấm tích sứt sẹp bị nung quá lửa” (Ngày hoàng đạo). Những biểu tượng phồn thực 
xuất hiện với tần số lớn nhằm phát lộ phần bản năng gốc của con người. 
Đa phần nhân vật của Nguyễn Đình Chính đều hành động theo sự chi phối của bản 
năng gốc, bản năng tính dục. Nhà văn tập trung khám phá bản năng này ở nhân vật như 
một thuộc tính tất yếu bất kể tầng lớp, giới tính, tuổi tác. Theo Freud, tính dục là một 
trong những ẩn ức quan trọng, là bản năng sinh lý thuộc về bản thể tự nhiên nhất của 
con người, nếu nhu cầu tính dục không được thỏa mãn thì con người sẽ bị ám ảnh đến 
thành bệnh tật. Vì vậy, việc đưa hình tượng con người với bản năng tính dục vào văn 
học sẽ chạm vào cõi sâu tâm hồn, góp phần phản ánh mọi góc khuất bên trong, sâu kín 
của con người, biểu hiện khát vọng hạnh phúc chính đáng mang ý nghĩa nhân sinh sâu 
sắc. Tiểu thuyết Online ba lô chủ yếu viết về cuộc sống miền núi; nhưng trong những 
mạch liên văn bản; số phận người lính sau chiến tranh được nhà văn đề cập qua góc 
nhìn bản năng. Kiểu nhân vật chấn thương tính dục xuất hiện trong tiểu thuyết không 
nhiều nhưng gây ấn tượng sâu sắc và đậm chất nhân bản. Cô gái Thổ bị xua đuổi đã 
dâng hiến sự trinh bạch của mình, đón chờ một cuộc sống hạnh phúc nhưng niềm hạnh 
phúc tinh thần chưa đạt đã vùi chôn thân xác trong cơn núi lỡ. Người lính trở về từ 
chiến tranh, thương tật khiến anh mang mặc cảm khiếm khuyết/hoạn; để rồi luôn mơ 
những giấc mơ tình dục. Anh thương binh Bàn Kỳ Páo bị mảnh cối ”chém đứt phăng bộ 
đồ nghề. Cụt chim” (Online balô). Những ham muốn, khát khao được làm một con 
đực đúng nghĩa không bao giờ được thỏa mãn trên thực tế, vì vậy, Bàn Kỳ Páo luôn có 
10 NGUYỄN THỊ LINH KA – LÊ THỊ HƯỜNG 
những giấc mơ ân ái, hoan lạc với hầu hết những người phụ nữ anh nhìn thấy lúc tỉnh. 
Phân tâm học gọi đây là một hình thức thỏa mãn thay thế bằng giấc mơ. 
Con người dục tính trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính hội đủ mọi cung bậc của đời 
sống bản năng. Với một mật độ dày đặc những biểu tượng tính dục (ngoại trừ một số 
trường đoạn miêu tả quá tỉ mỉ chi tiết đến độ vượt ngưỡng), nhìn chung tiểu thuyết 
Nguyễn Đình Chính ám ảnh người đọc với những cảm xúc khó diễn tả bằng lời, nó day 
dứt nhưng sâu sắc và nhân bản. Bởi đằng sau đời sống bản năng được phơi bày, bộc lộ 
không che dấu là nỗi buồn thương, day dứt về những giá trị bị mai một; những xót xa 
phận người. Nhân vật của Nguyễn Đình Chính cuốn theo những hoạt động giường 
chiếu, nhưng không chỉ có thế, nhà văn đề cập sâu sắc vấn đề số phận con người trong 
và sau chiến tranh, vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng và những mất mát trong quá trình 
phố thị hóa; vấn đề nghệ thuật chân chính, đời sống của người trí thức; mặt sau của 
cuộc sống con người 
3.4. Biểu tượng văn hóa 
Theo C.G. Jung, tác phẩm văn học là của cá nhân nghệ sĩ nhưng nó lại biểu đạt cái vô 
thức của nhân loại, được cấu trúc hóa bằng những siêu mẫu. Với G. Bachelard, siêu 
mẫu là các hình tượng được tạo dựng vượt lên hiện thực, gắn liền với những giấc mơ 
nguyên thuỷ. Ông cho rằng, bản thân con người thuộc về bốn chất liệu (Nước, Lửa, Đất, 
Không khí). Trong quá trình tìm hiểu tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính, chúng tôi nhận 
thấy nhà văn đã sử dụng nhiều siêu mẫu Lửa, Nước, Rừng mang tính biểu tượng trong 
đời sống người Việt từ cổ sơ đồng thời trượt nghĩa đến hôm nay. 
Bảng khảo sát tần số xuất hiện của các biểu tượng Lửa, Nước, Rừng 
Biểu tượng Tần số xuất hiện trong hai tác phẩm 
Ngày hoàng đạo Online ba lô 
Lửa 169 65 
Nước 405 23 
Rừng 278 174 
Gaston Bachelard lấy lửa làm đối tượng hàng đầu để phân tâm và coi lửa “như một thực 
thể sống trong tiềm thức và vô thức của con người” [9]. Ngoài ý nghĩa vật chất, Lửa 
(Feu) tượng trưng cho nhiệt huyết (nhất là tình yêu và sự giận dữ), cho tinh thần (ngọn 
lửa tinh thần). Lửa còn là “biểu tượng thần thánh chủ yếu của đạo Thiện”, bởi nó biểu 
tượng cho “sự tẩy uế và tái sinh”. Bên cạnh mặt tích cực tượng trưng cho “hoạt động 
đem lại sự sinh sản dồi dào, tẩy uế và soi sáng”, Lửa còn thể hiện mặt tiêu cực: “nó làm 
tối và chết ngạt bởi khói của nó; nó đốt cháy, tàn phá và thiêu huỷ: lửa của những dục 
vọng, của sự trừng phạt, của chiến tranh” [1, tr. 548]. Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình 
Chính, Lửa xuất hiện dày đặc với những biến thể không gian và trạng thái phong phú 
với ý nghĩa biểu tượng đa tầng: 
(1) Lửa của nhục dục, của đam mê, đánh thức bản năng dục tính. Nhân vật của Nguyễn 
Đình Chính luôn có ngọn lửa libido bên trong; đàn bà (Kim Thoa, bà Nhàn): “Tôi chỉ 
nhớ hình như có một ngọn lửa đang đốt cháy cổ họng tôi, đốt cháy hai bầu vú của tôi và 
BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH 11 
đốt cháy háng tôi”; và cả đàn ông (bác sĩ Cần): “Có một ngọn lửa đang phun phì phì 
trong người ông”. 
(2) Lửa của lòng hận thù, ghen tỵ (y sĩ Sự, Thạch gà gáy). 
(3) Lửa tái sinh, truyền sự/sức sống (những pho tượng được nung trong lửa). 
Trong số các biểu tượng văn hoá nhân loại, Nước được biết như một siêu mẫu có giá trị 
phổ quát nhất trong hầu hết các nền văn hoá của mỗi dân tộc. Trong quan niệm của 
Bachelard, Nước là yếu tố gây ra những tưởng tượng sâu xa nhất trong con người về sự 
sống và sự chết. Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính, từ cổ mẫu mẹ Nước đã sản sinh 
ra những cổ mẫu con, vừa mang đặc tính, ý nghĩa của mẹ Nước, lại vừa kiến tạo nên 
những trường nghĩa biểu tượng mới: 
Nước trước hết biểu tượng của nguồn sống dồi dào cho con người (cuộc sống của hai vợ 
chồng Mùi cá ngạnh, những người dân làng Lũng Bãi sống gần sông) và sự hồi sinh của 
cây cỏ sau những cơn hạn hán khốc liệt (những cơn mưa tưới mát cho cây cối). 
Nước mang biểu tượng hủy diệt, tàn phá. Cơn mưa bão kèm theo sóng thần đã nhấn 
chìm làng Lũng Bãi, cuốn trôi mọi sự sống, làng nghèo lại càng nghèo hơn. 
Biểu tượng Nước còn mang ý nghĩa thanh tẩy, hoá giải và tái sinh. Những giọt nước 
mắt được chắt chiu từ cuộc sống khốn khổ, thiệt thòi của bác sĩ Cần và Thương Ơi đã 
xoa dịu và hoá giải mọi tội lỗi, mặc cảm: “Hai người thi nhau khóc âm ĩ, tiếng khóc 
gào lẫn trong tiếng chim kêu ríu rít. Ba ngày hôm sau khu nghĩa trang có chôn ngôi mộ 
ông y sĩ Nguyễn Văn Sự bay sạch mùi thối khắm. Bảy ngày sau thì những vạt cỏ chết 
héo cháy đen đã tươi tốt trở lại đua nhau trổ mầm non xanh mơn mởn Môi trường ở 
góc nghĩa trang này đã được thanh lọc trở lại bình thường” (Ngày hoàng đạo). Nước 
biển cuốn cha Tạc và cô gái Thương Ơi dạt vào đảo Kình, nơi mà họ sẽ được thanh lọc, 
hóa giải; để rồi cha Tạc đi theo tiếng gọi của Chúa, còn cô gái Thương Ơi rơi vào “hố 
đen tâm linh”, trở thành những mảnh thiên sứ bay khắp bốn phương trời. 
Nếu như Lửa, Nước xuất hiện chủ yếu trong Ngày hoàng đạo, thì biểu tượng Đất/Rừng 
lại chiếm vị trí chủ đạo trong Online ba lô như một ý hướng nghệ thuật của Nguyễn 
Đình Chính. Trong quan điểm của các nhà phân tâm học hiện đại, rừng tượng trưng cho 
vô thức bởi sự tối tăm và sự bắt rễ ăn sâu vào lòng đất đá. “Những nỗi khiếp sợ rừng 
cũng như những nỗi khiếp sợ kinh hoàng, theo Jung, đều được gợi lên bởi sự khiếp sợ 
của những phát hiện vô thức” [1, tr. 787]. Với tần số xuất hiện dày đặc, trong 211 trang 
sách, hầu như trang nào cũng có hình ảnh rừng. Rừng xuất hiện với nhiều dạng thức: 
núi rừng, sông rừng, bìa rừng, sương rừng, cây rừng, măng rừng, cửa rừng, đất rừng, cỏ 
rừng, gió rừng, nấm rừng, lá rừng, thú rừng, mùi rừng, bụi rừng, vùng rừng, ma rừng 
Rừng gắn với cuộc sống sinh hoạt, là môi sinh nuôi sống con người (vào rừng hái củi, 
lội rừng kiếm thức ăn), cũng là nơi tạo nên bản tính con người: thích tự do, ngây thơ, 
phóng khoáng, lạc quan. Rừng cùng những bí ẩn diệu kỳ của nó gợi lên vùng tâm linh, 
vô thức trong sâu thẳm bản thể mỗi người, không phải ai cũng có thể hiểu được: 
“Không thể nào hiểu được mối quan hệ rằng rịt, bí ẩn của thằng bạn người Thổn Mừ với 
rừng. Đã cố hiểu. Nhưng vô ích. Bởi vì có hỏi thì ngay chính thằng Páo cũng không 
12 NGUYỄN THỊ LINH KA – LÊ THỊ HƯỜNG 
hiểu. Đó là thế giới tâm linh quái lạ và bí mật được cất giấu lưu truyền từ đời này qua 
đời khác. Nó tạo nên tâm hồn và tính cách người Thổn Mừ” (Online ba lô). Với Zê, 
từ thành phố náo nhiệt, ồn ào lên rừng là hành trình về cội - đất Mẹ linh thiêng, là 
chuyến hành hương về miền đất tâm linh huyền nhiệm để xoa dịu nỗi đau, thanh lọc tâm 
hồn, quên đi nỗi sợ hãi, để Được - Là - Chính - Mình. Rừng chính là vùng vô thức, tiếng 
gọi của rừng cũng chính là tiếng gọi nguyên sơ, xa xăm của bản thể luôn ám ảnh, nhắc 
nhở Zê hãy quay về với chính mình. 
4. KẾT LUẬN 
Có thể nói, trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chính, hệ thống biểu tượng không là 
phương tiện mà là một thành tố trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Một mặt, nhà văn 
phải tuân theo vô thức tập thể để đảm bảo tính liên tục của truyền thống, tính liên văn 
bản hoá, mặt khác phải chống lại vô thức để tạo ra được đứt đoạn, có được sáng tạo cá 
nhân, làm nên bản lĩnh, cá tính và phong cách của nghệ sĩ. Hơn nữa, nhìn từ lí thuyết 
phân tâm học, hệ thống biểu tượng phong phú là một cách thức để phân tâm, khai mở 
thế giới phức cảm của con người. Dưới ánh sáng của học thuyết phân tâm học, Nguyễn 
Đình Chính thể hiện nỗ lực của nhà văn trong việc tiếp cận, khám phá, luận giải hiện 
thực cuộc sống và con người trong tính đa chiều, phức tạp. Đôi lúc, cái nhìn về con 
người của nhà văn có phần thiên lệch, quá thiên về tính dục bản nguyên. Tuy vậy, đằng 
sau những trang tiểu thuyết của nhà văn là ý nghĩa xã hội lớn lao. Nhờ vậy, tác phẩm 
của ông không phải là sự minh họa đơn thuần cho lý thuyết, mà đó là những sinh thể 
nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh mẽ giàu tính nhân bản. Tiểu thuyết Nguyễn Đình 
Chính là “sự chuyển đổi một lý thuyết tâm lý học về vô thức hay còn gọi là phân tâm 
học của nhà khoa học Sigmund Freud sang văn học” [2, tr. 394]. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, nhiều 
người dịch, NXB Đà Nẵng. 
[2] Nguyễn Đình Chính (2006). Ngày hoàng đạo, Tập 2, NXB Văn học, Hà Nội. 
[3] Lý Đợi (2006). Nguyễn Đình Chính - sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi!, 
 truy cập ngày 25/4/2016. 
[4] Sigmund Freud (Thân Thị Mận dịch) (2015). Cái tôi và cái nó, NXB Tri thức, Hà 
Nội. 
[5] Erich Fromm (2012). Phân tâm học và tôn giáo, NXB Từ điển bách khoa. 
[6] Hằng Nga (2013). Bên cạnh tiểu thuyết Đêm thánh nhân, 
 truy cập 25/4/2016. 
[7] Khôi Nguyên (2015), Khuôn mẫu cũ về tình yêu đã chật, 
 truy cập 25/4/2016. 
[8] Đỗ Lai Thúy (1999). Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực, NXB Văn hóa thông 
tin, Hà Nội. 
[9] Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2004). Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn 
hóa thông tin, Hà Nội. 
[10] Đỗ Minh Tuấn (2007). Nguyễn Đình Chính, Kẻ mang bố ra đùa, 
 truy cập 25/4/2016. 
BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH 13 
Title: SYMBOL SYSTEM IN NGUYEN DINH CHINH’S NOVEL - A LOOK BY 
PSYCHOANALYSIS THEORY 
Abstract: Besides the trend of global integration after 1986, along with approaching of the 
modern theory, psychoanalysis has still played a very important role in Vietnamese literary life. 
In writing, psychoanalysis is reflected clearly in many works; especially, Nguyen Dinh Chinh's 
novels are typical illustration. With a complex multi-character world, people in the artistic 
vision of the writer are revealed in the deeply unconscious and instinctive. With a multi-
meaning symbol system; typically unconscious symbol, sexual symbol and cultural icon, 
psychoanalysis writers explain the complex of human feelings deeply. By a very humanization 
perspective, Nguyen Dinh Chinh’s novels have become very common and pervasive. 
Keywords: psychoanalysis, unconscious, sex, symbol, culture icon, fire, forest 
ThS. NGUYỄN THỊ LINH KA 
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam 
ĐT: 0973 301 744, Email: linhka.vn@gmail.com 
TS. LÊ THỊ HƯỜNG 
Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế 
(Ngày nhận bài: 20/5/2016; Hoàn thành phản biện: 25/5/2016; Ngày nhận đăng: 29/5/2016) 

File đính kèm:

  • pdfhe_bieu_tuong_trong_tieu_thuyet_nguyen_dinh_chinh_tu_li_thuy.pdf