Học thuyết “tính thiện” - Từ Mạnh Tử đến tư tưởng Hồ Chí Minh và ý nghĩa của nó
Tóm tắt: Học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử nếu gạt bỏ đi những hạn chế về điều kiện
lịch sử và dấu ấn của lợi ích giai cấp, nó vẫn còn những giá trị lịch sử nhất định trong đời sống
xã hội hiện đại trước những tác động của quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh
tế quốc tế. Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử;
được thể hiện sâu sắc trong các quan điểm của Người khi bàn về bản tính con người. Bài viết này,
tác giả phân tích một số khía cạnh trong học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử; chỉ ra sự thể hiện
của nó trong triết học Hồ Chí Minh; từ đó, rút ra ý nghĩa của nó trong giáo dục đạo đức cho con
người Việt Nam hiện nay.
Bạn đang xem tài liệu "Học thuyết “tính thiện” - Từ Mạnh Tử đến tư tưởng Hồ Chí Minh và ý nghĩa của nó", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Học thuyết “tính thiện” - Từ Mạnh Tử đến tư tưởng Hồ Chí Minh và ý nghĩa của nó
HỌC THUYẾT “TÍNH THIỆN” - TỪ MẠNH TỬ ĐẾN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ Lê Đức Thọ1 Tóm tắt: Học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử nếu gạt bỏ đi những hạn chế về điều kiện lịch sử và dấu ấn của lợi ích giai cấp, nó vẫn còn những giá trị lịch sử nhất định trong đời sống xã hội hiện đại trước những tác động của quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử; được thể hiện sâu sắc trong các quan điểm của Người khi bàn về bản tính con người. Bài viết này, tác giả phân tích một số khía cạnh trong học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử; chỉ ra sự thể hiện của nó trong triết học Hồ Chí Minh; từ đó, rút ra ý nghĩa của nó trong giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Mạnh Tử; Tính thiện; Hồ Chí Minh; Con người; Giáo dục đạo đức. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay, những tác động của nó kéo theo sự biến đổi những giá trị đạo đức theo hướng vừa tích cực vừa tiêu cực. Khoa học công nghệ và kinh tế ngày càng phát triển, đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của đời sống con người; nhưng chính nó cũng sẽ tạo ra những nguy cơ, phương tiện khiến nhân loại tàn hại lẫn nhau, một khi con người mất dần cái tính thiện của mình. Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng học thuyết “tính thiện” trong triết học Mạnh Tử cũng như sự thể hiện của nó trong triết học Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay. 1 . Học thuyết “tính thiện” trong triết học Mạnh Tử Mạnh Tử họ Mạnh tên Kha, tự là Tử Dư sinh năm (372 – 289 TCN), dòng Mạnh Tôn, ông mồ côi cha lúc lên 3 tuổi, mẹ ông là bà Cừu Thị vì lo cho con đã phải dời nhà hai lần, đến gần trường học. Từ nhỏ, Mạnh Tử đã được gia đình giáo dục theo lễ giáo phong kiến rất chặt chẽ. Lớn lên, ông theo học Tử Tư – cháu nội của Khổng Tử, nhờ đó hiểu rỏ hơn đạo lý của Khổng Tử, tài năng của ông càng có điều kiện phát triển hơn, đặc biệt là tài hùng biện, ông đã trở thành một trong ba đại nho thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Là người có tài hùng biện, Mạnh Tử đã đi nhiều nước để truyền đạo nhằm bảo vệ và phát triển tư tưởng của Khổng Tử trong lúc xã hội đương thời có nhiều học thuyết chống lại tư tưởng này. Ông không được trọng dụng nên về quê dạy học. Cùng với các môn đệ của mình, Mạnh Tử ghi chép lại những điều ông đã đàm luận với vua các nước chư hầu và bày tỏ thái độ của mình đối với các học thuyết khác qua bộ “Mạnh Tử”. Tư tưởng của Mạnh Tử tập trung vào những vấn đề triết lý nhân sinh mà trọng tâm của nó là học thuyết về bản thể nhân tính của con người – thuyết “tính thiện”. Đây là vấn đề giữ then chốt 1 . ThS. Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng không chỉ trong học thuyết của Mạnh Tử mà hầu như còn trong tất cả các học thuyết của các triết gia Trung Quốc cổ đại. Khuynh hướng này bắt nguồn từ xã hội Trung Quốc loạn lạc và các nhà tư tưởng cho rằng không có một sự cải cách căn bản nào trong xã hội lại không bắt đầu từ sự thay đổi bản tính con người. Thời Mạnh Tử, khi bàn về bản tính con người, có ba quan điểm chính: phái Cáo Tử cho rằng con người ta không thiện cũng không ác; phái khác cho rằng, tính người có thể thiện cũng có thể ác, tùy theo hoàn cảnh. Phái thứ ba lại khẳng định, tính khác nhau tùy theo người, có người bản tính thiện, có người bản tính ác. Bác bỏ tất cả những thuyết trên, Mạnh Tử cho rằng, bản tính con người là thiện. Còn như người ta làm những điều bất thiện, chẳng qua là họ theo tư dục của mìuh, chứ không phải bản tính con người ta là như vậy. Mạnh Tử đưa ra căn cứ để giải thích: tính thiện của con người được biểu hiện ở bốn đức lớn: nhân, nghĩa, lễ, trí. Bốn đức lớn ấy bắt nguồn từ “tứ đoan”, bốn đầu mối của thiện: người ta ai cũng có lòng trắc ẩn (biết thương xót), lòng tu ố (biết thẹn, ghét), lòng từ nhượng (biết cung kính) và lòng thị phi ( biết phải trái ). Lòng thương xót là đầu mối của nhân, lòng thẹn, ghét là đầu mối của nghĩa, lòng cung kính là đầu mối của lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí. Thiện đoan ấy là cái chất ( tài chất) vốn có của con người. Bản tính của con người là thiện, theo Mạnh Tử còn vì tính là cái tính chung, cái bản chất của một loài, đã là loài người thì người ta ai cũng đều có cái mầm thiện vốn có và ai cũng đều có các quan năng do Trời phú cho mỗi người để nhận biết, phân biệt phải trái, tốt xấu như nhau. Với tài chất và quan năng Thiên phú giống nhau đó, người ta ai cũng có thể trở thành thánh nhân. Bản tính thiện của con người ta đều bắt nguồn từ “tâm” của mỗi con người. Tâm là cái chủ thể trong tinh thần, là cái thần linh Trời phú cho ta, là cơ quan để suy nghĩ, nhờ tâm mà ta phân biệt mọi điều phải trái, thiện ác đủ để ứng đối với vạn vật, vạn sự, cho nên còn gọi là “lương tâm”. Đó là cái tự ta biết, Trời sinh ra đã có, cái biết “tiên thiên” hay còn gọi là “sinh tri”. Vì tâm là cơ quan chủ thể trong tinh thần con người, nên Mạnh Tử chủ trương phải “tòn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính”. “Tồn tâm dưỡng tính” đó là sự giữ gìn, bồi dưỡng, không làm tổn hại hay làm mất thiên tâm, thiên tính, thiên tước. Mạnh Tử cho rằng những người không “tồn tâm dưỡng tính” là những người nói không phải lễ nghĩa, gọi là tự hại mình. Thân không ở nhân, không theo điều nghĩa gọi là tự bỏ mình. Để bảo tồn và phát triển tâm tính con người, Mạnh Tử chủ trương cần phải có sự rèn luyện, giáo dục đạo lý cho con người. Trong giáo dục đạo lý, nhân nghĩa, theo ông cần phải có chuẩn mực. Chuẩn mực ấy không có gì khác hơn là đức độ, đạo lý của thành hiền gọi là “pháp thiên vương”. Theo chuẩn mực đó, Mạnh Tử đòi hỏi người học phải chuyên tâm, trì chí, khiêm nhượng, cầu tiến, không khi nào tự cho mình đã là hoàn toàn. Mặt khác, ông cũng đòi hỏi người dạy phải luôn tự sửa lấy mình, giữ tâm mình cho chính. Như vậy, trong học thuyết về luân lý, đạo đức Mạnh Tử khẳng định, bản tính con người là lương thiện, nó bắt nguồn từ tâm do Trời phú cho con người. Và ý chí của con người chi phối khí.Học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử, nếu gạt bỏ những hạn chế về lịch sử và lợi ích giai cấp, thì nó vẫn có những đóng góp sau đây: Thứ nhất, Mạnh Tử đã phát hiện ra bản tính tốt đẹp của con người - bản tính thiện, và tin tưởng, về bản chất ai cũng có thể trở nên lương thiện. Điều đó có ý nghĩa xã hội tích cực và tính nhân văn sâu sắc.Học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử là một trong những học thuyết có tính hệ thống và khá sâu sắc. Theo ông, tính thiện là cái tố chất tiên thiên do trời phú cho con người, là bản tính thiện tự nhiên vốn có của con người. Qua đó, có thể nói Mạnh Tử là một trong những người đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa phát hiện ra bản chất tốt đẹp của con người đó là tính thiện. Ông vượt lên trên những khác biệt về lợi ích và địa vị của các tầng lớp trong xã hội; gạt bỏ những định kiến, hẹp hòi, khám phá tới tận cái sâu thẳm trong tâm con người để tìm thấy điểm tương đồng, phẩm chất chung của con người là tính thiện. Đó chính là sự bình đẳng đầu tiên của con người mà Mạnh Tử đã phát hiện và thừa nhận trên bình diện nhận thức. Và đó cũng là cơ sở để con người trong xã hội vươn tới sự bình đẳng. Mạnh Tử cho rằng, con người sinh ra vốn bình đẳng về tính thiện, ai cũng có khả năng giữ gìn, phát huy tính thiện của mình. Đó chính là thông điệp hàm chứa tính nhân văn sâu sắc của Mạnh Tử đối với con người. Thứ hai, Mạnh Tử đã xây dựng được một hệ thống các phạm trù nhân, nghĩa, lễ, trí khá phong phú và sâu sắc trong học thuyết tính Thiện . Đây cũng là một trong những cống hiến to lớn của Mạnh Tử dối với nền học thuật Trung Hoa nói riêng, cũng như đối với lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung. Theo ông, nhân, nghĩa, lễ, trí là những biểu hiện tính thiện của con người trong đời sống xã hội. Nhằm chứng minh, bảo vệ cho quan điểm bản tính con người là thiện của mình, Mạnh Tử trên cơ sở kế thừa, phát triển tư tưởng của Khổng Tử, đã xây dựng, hoàn thiện được một hệ thống phạm trù nhân, nghĩa, lễ, trí khá phong phú và sâu sắc. Ông không những tìm tòi, khám phá được cái nguồn gốc sâu xa, bản chất, nội dung và những vai trò to lớn của nhân, nghĩa, lễ, trí mà còn vạch ra đường lối để đi tới nhân, nghĩa, lễ, trí trong đời sống. Nó chính là triết lý nhân sinh có tác dụng rất lớn đối với con người và xã hội ở các thời khác nhau. Thứ ba, đóng góp về phương pháp giáo dục của Mạnh Tử. Đây là một đóng góp to lớn và quý báu vào sự hình thành, phát triển lý luận về tâm lý và lý luận về giáo dục trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Mạnh Tử đã chi ra sự cần thiết, mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục tính thiện cho con người. Mạnh Tử một mặt kiên trì bản tính con người vốn là thiện, nó là cái “lương năng” không cần phải học nhiều mà vẫn có khả năng và “lương tri”, nghĩa là không suy nghĩ mà có thể biết. Tuy nhiên, ông cũng xem tính thiện không phải là nhất thành bất biến, mà có thể thay đổi. Sự thay đổi đó, theo ông là do ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài. Vì vậy, phương pháp giáo dục theo ông là “Tồn tâm, dưỡng tính, dưỡng khí” và “pháp thiên vương”. Theo những phương pháp đó, ông yêu cầu con người phải chuyên tâm, cần cù, nhẫn nại, kiên trì, bền chí. Những yêu cầu của ông đối với cả người dạy và người học được xem là những nguyên tắc trong phương pháp giáo hóa tính thiện con người của ông. Thứ tư, học thuyết của Mạnh Tử có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống đạo đức xã hội ở một số nước phương Đông. Những quan điểm về bản tính thiện con người của ông đã góp phần bổ sung, hoàn thiện và làm sâu sắc đường lối đức trị. Đặc biệt, những lời cảnh báo của ông với vua chúa có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với đương thời và hậu thế. Những quan điểm của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống đạo đức xã hội ở một số quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên .. Như vậy, học thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử cho đến nay vẫn còn có ý nghĩa nhất định, bởi những giá trị của nó để lại cho nhân loại. Mạnh Tử xứng đáng là nhà triết học lớn trong lịch sử Triết học Trung Hoa và hơn thế nữa. Tuy nhiên, học thuyết này vẫn còn có những hạn chế sau đây: Một là, tính chất tiên nghiệm luận thần bí trong quan niệm của ông về bản tính, đạo đức, tri thức và sinh mệnh của con người. Tuy ông khẳng định bản tính con người là thiện, nhưng ông không xem đó là sản phẩm được hình thành, tạo nên từ trong quá trình rèn luyện, giáo dục, giáo dưỡng của con người, mà nó có ngay trong tâm khi con người mới sinh ra. Cho nên, ngay cả những đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí thực chất là đạo đức của giai cấp phong kiến, Mạnh Tử cũng đã thần thánh hóa và cho đó là biểu hiện tính thiện trời phú cho con người. Bản chất của nhận thức, theo ông không phải hướng ra thế giới khách quan, tìm kiếm chân lý mà hướng vào thế giới nội tâm, theo quy tắc đạo đức “tận tâm”. Nói một cách đầy đủ hơn, Mạnh Tử chưa thấy được trong tính hiện thực của nó, bản chất tính thiện của con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội . Hai là, dấu ấn của sự phân chia đẳng cấp, danh phận khá đậm nét và sâu sắc. Ông cho rằng, chỉ có những bậc thánh nhân, quân tử mới có thể nuôi dưỡng tính thiện. Còn những kẻ thường dân không tự mình làm được thiện. Đây chính là tính chất mâu thuẫn trong chính tư tưởng của Mạnh Tử, biểu hiện bản chất giai cấp trong quan niệm của ông về con người và bản tính con người. 2 . Sự thể hiện của thuyết “tính thiện” trong triết học Hồ Chí Minh Cũng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Hồ Chí Minh khẳng định rất rõ và nhất quán: Đạo đức là gốc, là nền tảng của con người, của xã hội : Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cũng như cây phải có gốc, không có gốc thì cây khô héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân(1). Đạo đức cách mạng bao gồm một hệ thống các chuẩn mực, phẩm chất điều chỉnh mọi hành vi của con người, đáng chú ý nhất là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương, quý trọng con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng. Tất cả những nguyên tắc, chuẩn mực ấy đều xoay quanh phạm trù cái thiện, bởi theo Hồ Chí Minh : Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang Mỗi một người chúng ta nếu hết lòng, hết sức phụcsự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, thế là Thiện; nếu chỉ lo lợi ích của mình không lo cho lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc, thế là Ác. Thực hành chí công vô tư, cần kiệm, liêm chính, thế là Thiện. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng, thế là Âc (2) Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, các phẩm chất đạo đức cách mạng không tự nhiên sẵn có ở mỗi người, không phải từ trên trời rơi xuống mà là kết quả của quá trình giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu. Người từng viết: Ngủ thì ai cũng như lương thiện, Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên.(3) Hoặc : Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công(4) Trong nội dung giáo dục con người phát triển toàn diện, Hồ Chí Minh coi trọng trước hết giáo dục con người về đạo đức, đạo lý sống, nhân cách làm người để hình thành những con người tốt, những cán bộ tốt phục vụ cho công cuộc xây dựng, chấn hưng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quan điểm của Người về giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của con người, nhất là cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền rất thiết thực, cụ thể, dễ lĩnh hội và thực hiện nhưng đã đạt đến chiều sâu tư tưởng và được nâng lên thành triết lý hành động, sáng ngời trí tuệ và bản chất nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, xét về mặt cấu trúc nhân cách, trong bản thân mỗi con người bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập: Tốt và xấu, thiện và ác, nhân tính và vô nhân tính. Hai mặt này thường xuyên đấu tranh với nhau. Nếu mỗi người thường xuyên tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu thì chắc chắn cái ác, cái xấu bị ngăn chặn, đẩy lùi; cái tốt, cái thiện chiếm ưu thế, ngày càng nhiều hơn, họ trở thành người tốt, có ích cho nước, cho dân. Trái lại, nếu không giữ mình, sao nhãng việc phấn đấu, rèn luyện thì cái ác, cái xấu, cái vô đạo đức có điều kiện, cơ hội nảy nở, phát triển làm cho một người tốt có thể trở thành kẻ xấu, thậm chí là có tội với Đảng, với nhân dân. Hồ Chí Minh nhận thức rất đúng rằng: Trên đời này không ai hoàn thiện về mọi mặt, luôn luôn lương thiện, tốt nếu không nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện; cũng không ai mãi mãi đồi bại, xấu xa nếu được giúp đỡ, giáo dục, tự phấn đấu khắc phục hoàn cảnh, vượt lên chính mình với khát vọng làm người có ích, hòa nhập với cộng đồng và để khẳng định tư cách làm người của mình. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, ranh giới giữa tốt - xấu, thiện - ác, anh hùng - tội phạm thật mỏng manh và do ý chí, nghị lực tu dưỡng rèn luyện tự giác của mỗi người quyết định. Bằng sự từng trải chiêm nghiệm cuộc đời, tổng kết thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, các Đảng cộng sản, công nhân trên thế giới và sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, Hồ Chí Minh đã đi đến một nhận thức sâu sắc ở tầm triết lý sống, làm người, có tác dụng cảnh tỉnh lương tri và đúng cho mọi thời đại: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người ca ngợi và yêu mến nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Do đó, để có đạo đức thì con người phải phấn đấu tu dưỡng sao cho phần thiện ngày càng nảy nở như hoa mùa xuân, còn phần ác ngày càng mất dần đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đi sâu và cụ thể hơn nữa khi chỉ rõ: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (5) . Như vậy, đạo đức không phải là kết quả của những hoạt động tu dưỡng nhất thời, một lần là xong, mà là kết quả của quá trình đấu tranh, tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời. Người cho rằng, con người ta khi “ngủ” (không tham gia hoạt động gì khác) thì thiện, ác, tốt, xấu - đạo đức và phi đạo đức không có điều kiện biểu hiện và do đó, không thể phân biệt được; còn khi tỉnh dậy (tham gia vào các hoạt động xã hội) thì các tính thiện, ác, tốt, xấu - đạo đức và phi đạo đức mới bộc lộ và do đó, mới phân biệt được. Như vậy, chỉ có tham gia vào các hoạt động giao tiếp, ứng xử hàng ngày, tức là trong hoạt động thực tiễn, con người mới biết rõ mình cần phải điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình như thế nào cho đúng với các quy phạm đạo đức; đồng thời, cũng biết rõ mình phải đấu tranh chống lại những hiện tượng vi phạm đạo đức như thế nào. Do đó, việc đấu tranh, tu dưỡng đạo đức không đóng kín trong nội tâm, mà chủ yếu được thực hiện trong quá trình tích cực tham gia hoạt động trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Chỉ tích cực đấu tranh, rèn luyện công phu như vậy, con người mới có được và ngày càng nâng cao những phẩm chất đạo đức cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (6) 3. Ý nghĩa của triết lý “tính thiện” trong công tác giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay Giáo dục cái thiện và ác là vấn đề trung tâm của giáo dục đạo đức luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm coi trọng và thường xuyên quán triệt. Thực tiễn những năm qua, vấn đề giáo dục đạo đức thường được xem xét từ góc độ xã hội học đạo đức nhiều hơn là tâm lý học đạo đức. Nên, trong giáo dục đạo đức xã hội, nhiều khi vẫn còn tình trạng “Có lý nhưng không có tình”. Từ những nghiên cứu về thiện và ác trong giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí minh, bài viết dưới đây xin được phân tích từ hướng tiếp cận tâm lý học xã hội. Triết lý sống của Hồ Chí Minh đúng với điều kiện mà chúng ta đang sống. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập mọi mặt đời sống toàn cầu, đại bộ phận cán bộ, đảng viên có ý thức tu dưỡng, rèn luyện vẫn giữ vững nhân cách, bản lĩnh cộng sản, được dân tin, dân phục, dân yêu. Điều đau đớn và đáng suy nghĩ là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã không giữ được mình, chạy theo đồng tiền, danh lợi, thoái hóa về đạo đức, tha hóa về nhân cách, lối sống làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Bài học đắt giá về mất mát cán bộ có liên quan đến các vụ án lớn vừa qua có nguyên nhân từ sự buông lỏng giáo dục, kiểm tra, kiểm soát của các tổ chức đảng, chính quyền, nhưng chủ yếu là do các cán bộ, đảng viên đó không giữ được mình, tuột dốc để rồi từ một cán bộ, đảng viên tốt, thậm chí có chức có quyền, có địa vị cao trong xã hội, từ anh hùng chống tội phạm trở thành kẻ có tội, phạm tội, đánh mất danh dự, nhân cách cao quý của người cộng sản, làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của Đảng cầm quyền trước sự phán xét của quần chúng nhân dân. Các phần tử thoái hóa, biến chất đã, đang và sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nghiêm khắc, nhưng bài học nỗi đau về ở đời và làm người sẽ còn mãi dư âm, không dễ gì một sớm một chiều khắc phục được! Hơn bất kỳ một lĩnh vực nào khác, trong rèn luyện đạo đức phải chú trọng “đạo làm gương”: Trong gia đình, ông, bà, cha, mẹ phải làm gương tốt cho con cháu; trong trường học, thầy, cô giáo phải làm gương sáng cho học sinh cả về nhân cách đạo đức và nhân cách trí tuệ; trong cơ quan, xí nghiệp, công sở, người lãnh đạo, quản lý phải làm gương tốt cho nhân viên, công nhân; trong xã hội, đảng viên phải làm gương tốt cho quảng đại quần chúng. Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên: Lãnh đạo dân là hướng dẫn, làm “công bộc”, đầy tớ cho dân; muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Nói tóm lại, người đảng viên, bất luận ở đâu, khi nào cũng thực hành cho được đạo lý: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nếu đảng viên ai cũng làm được như vậy thì nhân dân quý trọng, tôn vinh; Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh, trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Suy đến cùng, đạo đức cách mạng mà chúng ta xây dựng là đạo đức tập thể, mình vì mọi người, mọi người vì mình; còn cái phi đạo đức nguy hiểm nhất, trở thành “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”, cần phải chống là chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. Hồ Chí Minh xác định chủ nghĩa cá nhân là một loại vi trùng độc hại, làm tha hóa các quan hệ vốn có của mỗi đảng viên: Với mình thì tự cao, tự đại, tự phụ, kiêu ngạo, lo thu vén lợi ích riêng; trong lãnh đạo, quản lý thì độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thích địa vị, quyền hành; đối với quần chúng thì coi thường, coi khinh. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm, cần phải kiên quyết sửa chữa, quét sạch Đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu, cái ác phải đi liền với xây dựng cái đúng, cái tốt, cái đẹp, hướng vào xây và lấy xây làm chính, là một nhiệm vụ chủ yếu, lâu dài. Lấy gương người tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Qua 30 năm đổi mới. cùng với sự phát triển của đất nước, công tác giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam cũng đạt được những thành quả đáng khích lệ, tính tích cực đạo đức vẫn là đường nét, khuynh hướng chủ đạo trong bức tranh đạo đức của xã hội ta hiện nay. Đó là tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, trọng hiếu nghĩa vẫn được nhân dân ta nuôi dưỡng, phát huy sinh động trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều sống giản dị, khiêm tốn, trung thực, tận lực tận tâm với công việc, có trách nhiệm với người thân, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt trong đó xuất hiện những tấm gương tiêu biểu, tiên phong cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số biểu hiện tiêu cực của đạo đức xã hội ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Nó đang bào mòn, phá hủy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, của chế độ gây ra không ít những khó khăn đến sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay ở nước ta. Cụ thể: đó là sự phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, suy thoái về đạo đức lối sống trong gia đình, và quan hệ giữa cá nhân với xã hội. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, suy thoái, ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như giáo dục, ý tế, bảo vệ pháp luật Tệ nạn quan liêu, tham nhũng trở thành quốc nạn; đây là một trong những biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức nghiêm trọng nhất trong xã hội ta hiện nay. Sự suy thoái về mặt đạo đức đang diễn ra ngày một nghiêm trọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Có thẻ kể ra một số nguyên nhân sau đây: Sự phát triển kinh tế thị trường đã có những tác động tiêu cực tới sự biến đổi các giá trị đạo đức. Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập; hiệu lực, hiệu quả lý của nhà nước còn nhiều yếu kém, chưa phát huy hết vai trò của nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Một số cá nhân, gia đình và xã hội nhìn chung còn chủ quan, xem nhẹ việc tự giáo dục và giáo dục đạo đức. Các thế lực phản động ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình với những thủ đoạn ngày càng tinh vi rất khó để nhận biết. Một bộ phận thanh niên, học sinh sinh viên chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước nên lơ là, thiếu cảnh giác và dễ bị dụ dỗ, kích động, lôi kéo tham gia vào những mục đích xấu. Từ việc nghiên cứu học thuyết về “tính thiện” trong triết học Mạnh Tử và trong triết học Hồ Chí Minh, chúng ta rút ra được những bài học cho công tác giáo dục đạo đức con người Việt Nam hiện nay như sau: Một là, muốn xã hội phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững, thì cùng với việc tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất thì phải luôn chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức từ cán bộ cho đến các tầng lớp nhân dân. Bác Hồ đã sớm nhận thấy mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ giữa đạo đức với kinh tế. Theo Người, trung với nước, hiếu với dân, suốt đời hy sinh cho cách mạng để giành độc lập và tự do là nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột, phát triển kinh tế mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Hai là, giáo dục đạo đức phải không ngừng củng cố, bồi dưỡng và phát huy tinh thần nhân nghĩa ở con người. Thực chất của quá trình giáo dục đạo đức là quá trình xây dựng, phát huy tinh thần nhân nghĩa nơi con người. Có thể nói những hành vi con người chỉ thực sự mang ý nghĩa đạo đức, hướng thiện khi nó nảy sinh, xuất phát từ tinh thần nhân nghĩa. Nhằm đáp ứng yêu cầu trên, giáo dục tinh thần nhân nghĩa cho con người, trước hết phải giáo dục tình yêu thướng sâu nặng, bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng của con người đối với những người thân yêu trong gia đình. Mạnh Tử xem đây là biểu hiện, cơ sở, tiền đề để phát huy tinh thần nhân nghĩa trong tâm con người. Ba là, giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam là cần phải xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới cụ thể, sinh động, thiết thực và có cơ chế thực hiện nó. Trong quá trình đổi mới. Đảng ta đã có nhiều chủ trương kịp thời về giáo dục đạo đức cho các tầng lớp nhân dân song nhìn chung còn kém hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới phải có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác giáo dục đạo đức cho con người. Muốn vậy, phải xây dựng chuẩn mực đạo đức trong gia đình, nhà trường, các tổ chức và các ngành. Vấn đề là phải giáo dục, tổ chức thực hiện nó thật sự nghiêm túc. Mạnh Tử, Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu người dạy, dù trình độ người học thế nào cũng không được tùy tiện hạ thấp các phép tắc, chuẩn mực đạo lý. Để thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức, thì nêu gương luôn được xem là phương pháp có hiệu quả nhất. Bốn là, giáo dục đạo đức cho con người phải là một quá trình giáo dục kiên trì, lâu dài đối với tất cả mọi người; với sự tham gia tích cực, kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức và cả cộng đồng trong xã hội. Với tinh thần trên, giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay phải được tiến hành thường xuyên từ thuở ấu thơ cho đến suốt cuộc đời mỗi người. Những chuẩn mực đạo đức cần giáo dục con con người Việt Nam hiện nay là: - “ Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. - Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung. - Có lối sống lành mạnh, nếp sỗng văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. - Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỷ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. - Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lự” (7). Từ nhận thức cái hợp lý về tính thiện trong triết lý Mạnh Tử, thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng, Đảng ta luôn đề ra những chủ trương giáo dục đạo đức mới phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước và thời đại. Nhờ đó, mà tính tích cực đạo đức vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội ta hiện nay./. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hồ Chí Minh ( 1976), Vấn đề đạo đức cách mạng , NXB Sự thật, Hà nội, tr 35-36 [2] Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 276-277 [3] Hồ Chí Minh ( 2000), Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 383 [4] Hồ Chí Minh ( 2000), Toàn tập, tập3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 350 [5] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 557-558 [6] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 293 [7] Đảng cộng sản Việt Nam ( 1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 58-59 Title: THE THEORY OF GOODNESS - FROM MENCIUS TO HO CHI MINH THOUGHT AND ITS MEANING LE DUC THO Da Nang Vocational Training College Abstract: If Mencius’ theory of goodness dismisses the limitations of the historical condition and the imprint of the class interest, it still remains historical values in modern social life under the effects of the development of the market economy and international economic integration. Ho Chi Minh inherited and applied Mencius’ theory of goodness which is reflected in his views on human nature. In this article, the author analyzes some aspects of Mencius’ theory of goodness; pointing out its expression in Ho Chi Minh’s philosophy; from there, drawing its meaning in moral education for Vietnamese people today. Keywords: Mencius; Goodness; Ho Chi Minh; Human; Moral education.
File đính kèm:
- hoc_thuyet_tinh_thien_tu_manh_tu_den_tu_tuong_ho_chi_minh_va.pdf