Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ

Tóm tắt. Làm thế nào để trẻ rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) có thể sống độc lập hơn và sớm

hòa nhập cộng đồng là mối quan tâm của nhiều cha mẹ và giáo viên. Để đạt được mục tiêu

đó, một việc quan trọng là cần xây dựng và phát triển ở trẻ RLPTK những kĩ năng xã hội

(KNXH) phù hợp mức độ phát triển và môi trường văn hóa xã hội của trẻ. Các nhà nghiên

cứu, giáo viên và cha mẹ đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số phương pháp và

kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ RLPTK. Chúng tôi đã tổng hợp các phương pháp và kĩ

thuật phát triển KNXH hiệu quả từ các nghiên cứu khác nhau. Hi vọng, đây sẽ là tài liệu

tham khảo hữu ích cho giáo viên và cha mẹ sử dụng trong quá trình giáo dục KNXH cho

trẻ RLPTK.

pdf 7 trang yennguyen 8400
Bạn đang xem tài liệu "Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ

Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0066
Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 4, pp. 144-150
This paper is available online at 
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP VÀ KĨ THUẬT PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG XÃ HỘI
CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ MỨC ĐỘ NHẸ
Nguyễn Thị Hoa
Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Làm thế nào để trẻ rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) có thể sống độc lập hơn và sớm
hòa nhập cộng đồng là mối quan tâm của nhiều cha mẹ và giáo viên. Để đạt được mục tiêu
đó, một việc quan trọng là cần xây dựng và phát triển ở trẻ RLPTK những kĩ năng xã hội
(KNXH) phù hợp mức độ phát triển và môi trường văn hóa xã hội của trẻ. Các nhà nghiên
cứu, giáo viên và cha mẹ đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số phương pháp và
kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ RLPTK. Chúng tôi đã tổng hợp các phương pháp và kĩ
thuật phát triển KNXH hiệu quả từ các nghiên cứu khác nhau. Hi vọng, đây sẽ là tài liệu
tham khảo hữu ích cho giáo viên và cha mẹ sử dụng trong quá trình giáo dục KNXH cho
trẻ RLPTK.
Từ khóa: Khuyết tật phát triển, kĩ năng xã hội, kĩ thuật, phương pháp, trẻ rối loạn phổ tự
kỉ.
1. Mở đầu
KNXH đề cập đến việc chúng ta tương tác với người khác và đáp ứng với những tương tác
của người khác. Tương tác tốt sẽ giúp chúng ta hòa nhập vào xã hội tốt hơn. Muốn hòa nhập vào
xã hội, trẻ cần có kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội, ứng xử phù hợp... Có thể thấy, KNXH là
vấn đề khó khăn đặc trưng của trẻ RLPTK. Do đó việc nghiên cứu phát triển KNXH là vấn đề cần
được quan tâm. Để phát triển KNXH cho trẻ RLPTK một các hiệu quả, cần áp dụng các phương
pháp và kĩ thuật phát triển KNXH phù hợp với trẻ. Hiện nay có khá nhiều nhiều cứu về phương
pháp và kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ RLPTK, có thể kể đến một số nghiên cứu như: Bài
viết Recess is Time-in: Using Peers to Improve Social Skills of Children with Autism của tác giả
Christena Blauvelt Harper, ennifer B. G. Symon và William D. Frea đã nói về kĩ thuật sử dụng bạn
cùng trang lứa để cải thiện KNXH cho trẻ RLPTK [5]. Bài viết Using Video Modeling to Teach
Perspective Taking to Children with Autism của Marjorie và Sbrian (2003) đã chỉ ra rằng video
làm mẫu là phương pháp hiệu quả để dạy trẻ tự kỉ hiểu quan điểm của người khác [8]. Bài viết
Effects of video modeling on social initiations by children with autism của Christos và Michael
(2004) đã chỉ ra hiệu quả của phương pháp video làm mẫu đối với việc tăng cường khởi xướng xã
hội và hành vi chơi của trẻ tự kỉ [6]; Bài viết A Research Synthesis of Social Story Interventions
for Children With Autism Spectrum Disorders của Frank, Kelly, Donald (2004) đã tổng hợp những
can thiệp sử dụng câu chuyện xã hội cho trẻ RLPTK [7]. Tại Việt Nam, nghiên cứu về phương pháp
phát triển KNXH cho trẻ RLPTK có các bài viết như: Bài viết Quy trình xây dựng video làm mẫu
Ngày nhận bài: 13/2/2017. Ngày nhận đăng: 15/4/2017.
Liên hệ: Nguyễn Thị Hoa, e-mail: nguyenthihoa2983@yahoo.com
144
Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ
giáo dục kĩ năng ứng xử với thầy cô giáo và bạn bè cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ trong trường
mầm non hòa nhập của tác giả Đỗ Thị Thảo đã đưa ra quy trình xây dựng video làm mẫu bao gồm
3 giai đoạn 1) Xác định hành vi mục tiêu, chủ đề, nội dung, hình thức, khả năng thực hiện và trang
thiết bị để tạo ra video; 2) Viết kịch bản, thu thập dữ liệu cơ sở, tổ chức làm video; 3) Ráp dựng
video, chỉnh sửa video, viết bản hướng dẫn sử dụng video [2]. Bài viết Thực trạng xây dựng và sử
dụng video làm mẫu giáo dục kĩ năng ứng xử cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ 4-5 tuổi trong
trường mầm non hòa nhập của tác giả Đỗ Thị Thảo và Nguyễn Thị Bích Thảo đã trình bày thực
trạng xây dựng và sử dụng video làm mẫu giáo dục kĩ năng ứng xử cho trẻ RLPTK qua khảo sát
35 GV và 35 CM, từ đó đưa ra các biện pháp nâng cao khả năng xây dựng và sử dụng video làm
mẫu [3]... Tuy nhiên các phương pháp và kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ RLPTK nêu trên mới
được đề cập một cách riêng lẻ. Ở bài viết này, chúng tôi hệ thống hóa các phương pháp và kĩ thuật
phát triển KNXH cho trẻ RLPTK đã và đang được sử dụng hiệu quả trên thế giới và ở Việt Nam
trong thời gian gần đây. Ngoài ra các phương pháp và kĩ thuật này cũng được chúng tôi sắp xếp
cho phù hợp với từng giai đoạn học KNXH của trẻ RLPTK.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Các khái niệm
RLPTK là một dạng khuyết tật phát triển được đặc trưng bởi các khiếm khuyết chính về
giao tiếp, tương tác xã hội và các vấn đề về hành vi rập khuôn định hình. RLPTK bao gồm các
rối loạn có chung đặc điểm song khác nhau về phạm vi, mức độ nặng, thời điểm khởi phát và tiến
triển của rối loạn theo thời gian [2].
Kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri
thức, những khả năng hành động phù hợp với điều kiện cho phép. Kĩ năng không chỉ đơn thuần là
mặt kĩ thuật của hành động mà còn là biểu hiện năng lực của con người.
KNXH có thể được xem xét là bất kì đáp ứng nào tác động, theo một cách tích cực, đến các
mối quan hệ liên cá nhân với một người khác [4]. KNXH là một tập hợp các kĩ năng con người
sử dụng để tương tác, giao tiếp, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống nhằm hướng tới việc hình
thành mối quan hệ xã hội và thích nghi tốt với đời sống xã hội. Căn cứ vào tiêu chí môi trường và
hoạt động của hệ thống, KNXH bao gồm 5 nhóm: 1) KNXH thể hiện trong hoạt động tại gia đình;
2) KNXH thể hiện trong hoạt động tại nhà trường; 3) KNXH thể hiện trong hoạt động tại cộng
đồng; 4) KNXH thể hiện trong hoạt động vui chơi; 5) KNXH thể hiện trong giao tiếp ứng xử [2].
Phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ RLPTK là việc hình thành ở trẻ RLPTK những KNXH phù
hợp mức độ phát triển và môi trường văn hóa xã hội của trẻ, đồng thời giúp trẻ thực hiện và khái
quát hóa các kĩ năng này trong các môi trường khác nhau, với những người khác nhau và ở những
thời điểm khác nhau để có thể hòa nhập cộng đồng và sống độc lập đến mức có thể.
2.2. Đặc điểm KNXH của trẻ RLPTK
Trẻ RLPTK chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của hệ quả do những khiếm khuyết về
KNXH mang lại. Trẻ RLPTK thường thể hiện KNXH nghèo nàn hơn và đơn độc hơn so với các
bạn đồng trang lứa (Bauminger & Kasari, 2000).
Khi tham gia học hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, trẻ RLPTK có thể có nguy cơ cao
trong việc bị các bạn từ chối và cô lập (Chamberlain, 2001).
Những khiếm khuyết về KNXH có thể kéo các vấn đề về tâm trạng và lo lắng sau này của
trẻ (Myles, 2003; Myles, Bock & Simpson, 2001; Tantam, 2003).
Những khó khăn về KNXH ở mỗi trẻ RLPTK khác nhau là khác nhau. Những khó khăn này
145
Nguyễn Thị Hoa
ảnh hưởng đến lời nói, ngôn ngữ có lời và tương tác liên cá nhân. Các khó khăn cụ thể về KNXH
như: chờ đến lượt, ngắt nhịp câu nói, hiểu và thể hiện cảm xúc, hiểu nghĩa bóng của lời nói như
lời mỉa mai hay phép ẩn dụ (Krasny Williams, Provencal & Ozonoff, 2003; Kerbel & Grunwell,
1998; Shaked & Yirmiya, 2003; Tager Flusberg, 2003).
Những khó khăn về KNXH có tính chất dai dẳng và sâu sắc trong suốt quá trình phát triển
và là vấn đề được xác định trước tiên của trẻ RLPTK (Laushey and Heflin, 2000). Những thách
thức về KNXH trở nên sâu sắc hơn ở thanh thiếu niên RLPTK khi các mong đợi của xã hội ngày
càng tăng (White và cộng sự, 2007).
Khó khăn trong sử dụng các cử chỉ, điệu bộ và nét mặt, sử dụng tông giọng nói không phù
hợp, nói quá to hoặc thì thào quá nhỏ.
Gặp thất bại trong phát triển mối quan hệ bạn bè là kết quả của những khiếm khuyết về giao
tiếp, tương tác xã hội hoặc có thể là sự kết hợp của các khiếm khuyết này; Gặp khó khăn trong
nhìn vào người khác khi giao tiếp, khởi xướng tương tác, hạn chế trong tham gia chơi (Frith, 2003;
Tantam, 2012).
Khó khăn về KNXH của trẻ RLPTK thể hiện ở 4 nhóm khó khăn chính: Giao tiếp không
lời, khởi xướng giao tiếp, tương tác qua lại, hiểu người khác. Bốn khó khăn về KNXH này thường
ở 2 dạng: Chưa có KNXH đó hoặc không chịu thực hành/thể hiện KNXH đã có (Baron Cohen,
1999) [4].
2.3. Các phương pháp và kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ RLPTK
Ở phần này, chúng tôi tổng hợp các phương pháp và kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ
RLPTK theo các giai đoạn học KNXH của trẻ.
2.3.1. Giai đoạn 1: Giai đoạn học kĩ năng xã hội
Đây là giai đoạn trẻ RLPTK quan sát, nhận được sự hướng dẫn kèm cặp của người lớn để
tập giải quyết vấn đề xã hội, tập các hành vi đúng. Một số phương pháp có thể sử dụng để phát
triển KNXH cho trẻ RLPTK ở giai đoạn này như:
Câu chuyện xã hội (Social Stories)
Phương pháp câu chuyện xã hội để phát triển KNXH cho trẻ RLPTK được Carol Gray phát
hiện vào năm 1991. Câu chuyện xã hội là một câu chuyện trong đó mô tả một tình huống, một
kĩ năng, một khái niệm trong các nguyên tác xã hội, được thể hiện theo một hình thức xác định,
gồm những thông tin cụ thể về những mong đợi trong tình huống đó. Bất cứ giáo viên, cha mẹ
hay người nào có khả năng đều có thể xây dựng câu chuyện xã hội, dạy câu chuyện xã hội cho
trẻ RLPTK và hướng dẫn trẻ RLPTK thực hành KNXH trong câu chuyện xã hội trong những tình
huống và bối cảnh cần sử dụng KNXH đó. Có một vài kết quả mang tính kinh nghiệm về hiệu
quả của câu chuyện xã hội trong việc tăng cường kĩ năng giao tiếp trong hội thoại (Thiemann và
Goldstein, 2001). Tuy nhiên, dữ liệu có giá trị và sự hiểu biết lại rất hạn chế (Reynhout và Carter,
2006). Một vài vấn đề tồn tại trong tài liệu hiện tại bao gồm: độ hiệu lực của tham biến, phương
pháp tham biến, và thiếu báo cáo về mức độ hiểu biết của cá nhân trong các nghiên cứu [4, 7].
Sử dụng video làm mẫu (Video Modeling)
Video làm mẫu (video Modeling) là một phương pháp giảng dạy trực quan được thực hiện
bằng cách cho trẻ xem một đoạn video của một người nào đó (người lớn hoặc trẻ cùng trang lứa)
làm mẫu hoặc diễn tả hành vi hay một kĩ năng mục tiêu và sau đó trẻ bắt chước các hành vi/ kĩ năng
quan sát được. Video làm mẫu có khả năng mô tả một cách chi tiết và chân thực những KNXH mà
trẻ cần học bằng hình thức hình ảnh kết hợp với âm thanh theo một trình tự liên kết hữu cơ. Toàn
bộ nội dung bài học và kĩ năng mà trẻ cần ghi nhớ được thầy cô, bạn bè của trẻ là người trực tiếp
146
Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ
làm mẫu tạo cho trẻ sự thích thú, tò mò khi xem họ thực hiện qua video. Do đó video phát huy
được thế mạnh trong thu hút sự chú ý của trẻ RLPTK và giúp trẻ học KNXH nhanh hơn và ghi nhớ
lâu hơn. Video làm mẫu có thể được sử dụng để dạy trẻ một loạt các đáp ứng xã hội như kĩ năng
hội thoại (Taylor, Levin & Jasper, 1999), kĩ năng khởi xướng xã hội, đưa ra lời khen, và đưa ra lời
bình luận trong khi chơi (MaxDonal và cộng sự, 2005). Video làm mẫu có hiệu quả trong dạy hàng
loạt các hành vi xã hội cho trẻ tự kỉ (Charlop- Christy, Le và Freeman, 2000), bao gồm chơi hợp
tác, chơi giả vờ lẫn nhau, lời nói hội thoại và nắm bắt quan điểm. Các hành vi dạy qua video làm
mẫu được học một cách nhanh chóng và được khái quát hóa sang những kích thích, môi trường
và con người trẻ chưa được dạy. Video làm mẫu được chỉ ra là một phương tiện hữu ích trong dạy
trẻ RLPTK bắt chước các bạn (Haring, Kennedy, Adams, và Pitts-Conway, 1987), học ngôn ngữ
kí hiệu (Watkins, Sprafkin, và Krolikowski, 1993), phát triển kĩ năng chơi (Charlop- Christy, Le
và Freeman, 2000), và phát triển kĩ năng hội thoại (Charlop và Milstein, 1989; Sherer và cộng sự,
2001). Video làm mẫu đang được sử dụng thành công để xây dựng các kĩ năng khác nhau bao gồm
các kĩ năng học đường chức năng, kĩ năng thể hiện trong tập thể, khả năng trao đổi trong khi hội
thoại, và kĩ năng chơi (ví dụ, Snell và Brown, 2000; Taylor, 2001; Weiss và Harris, 2001) [4, 6, 9].
Trị liệu phản hồi then chốt (Pivotal Response Treatment)
Trị liệu phản hồi then chốt (Pivotal Response, PRT) là cách tiếp cận hành vi tự nhiên đối
với trẻ RLPTK (Koegel & Koegel, 2006; Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ về Tự kỉ, 2001). Trị
liệu này có thể đặc biệt hữu ích trong cải thiện năng lực xã hội. Trị liệu phản hồi then chốt dựa trên
khoa học của phân tích hành vi ứng dụng (ABA). Tư tưởng của trị liệu phản hồi then chốt là tận
dụng các tình huống tự nhiên để dạy các kĩ năng giao tiếp và xã hội hóa. Ứng dụng trị liệu phản
hồi then chốt bao gồm can thiệp sớm, can thiệp trong môi trường tự nhiên và đào tạo cha mẹ. Một
vài quan điểm và báo cáo gần đây cũng xác định trị liệu phản hồi then chốt như một thực hành
dựa trên chứng cứ và nó có những dữ liệu chứng minh tính hiệu quả. Ví dụ, trong nghiên cứu của
Stahmer (1999) và đồng nghiệp đã sử dụng trị liệu phản hồi then chốt nhắm đến các kĩ năng chơi
phù hợp ở trẻ RLPTK, gồm: chơi với đồ vật (ví dụ, đồ chơi); chơi biểu tượng (ví dụ, các hoạt động
cởi- mặc quần áo cho búp bê); chơi kịch xã hội (hành động đóng vai). Pierce và Achreiman (1995)
đã dạy trẻ không khuyết tật ứng dụng các chiến lược của trị liệu phản hồi then chốt ở lớp học và
thấy rằng trẻ tự kỉ tương tác trong thời gian dài hơn, khởi xướng nhiều hơn, và chú ý tốt hơn vào
các bối cảnh xã hội. Baker (2000) đã có nghiên cứu liên quan ứng dụng trị liệu phản hồi then chốt
với anh chị em của trẻ RLPTK cũng chứng minh kết quả tương tự khi kết hợp chặt chẽ các hoạt
động mang tính nghi thức của trẻ RLPTK vào các trò chơi đặc thù...
Viết sẵn kịch bản (Social Scripting): Gồm hai loại là kịch bản trên giấy và kịch bản bằng
băng ghi âm
Một kịch bản trên giấy là một từ, cụm từ, hoặc câu được viết ra để gợi ý trẻ RLPTK nói
hoặc thực hiện những đáp ứng cụ thể trong bối cảnh cụ thể. Một số nghiên cứu đã cung cấp tư
liệu rằng kịch bản viết sẵn rất hữu ích trong dạy những đáp ứng xã hội khi thực hiện hội thoại với
bạn (Charlop- Christy & Kelso, 2003), đạt được sự chú ý (Krantz & Mc-Clannahan, 1998), đưa ra
bình luận về bữa phụ và hoạt động giải lao yêu thích (Sarakoff, Taylor, & Poulson, 2001). Ví dụ,
mẹ của An đặt vào túi đồ ăn trưa của An một tấm thiệp với văn bản, "Hôm nay mẹ làm cho mình
một chiếc bánh mì xúc xích cho bữa trưa". Vào giờ ăn trưa, GV gợi ý An lấy tấm thiệp ra, đưa cho
một bạn, và đọc dòng chữ trong tấm thiệp. Trong trường hợp này, văn bản được viết để gợi ý cho
lời nói cuả An, tấm thiệp trở thành một kích thích riêng biệt để An khởi xướng hội thoại với bạn.
Khi An sử dụng kịch bản trong tấm thiệp một cách chắc chắn và độc lập để khởi xướng đáp ứng,
mẹ An sẽ bỏ dần kịch bản (đây gọi là kĩ thuật làm mất dần kịch bản) bằng cách bỏ bớt các phần
của văn bản cho đến khi tấm thiệp trống trơn, và An có thể tự nói về những gì mẹ làm cho bữa trưa
của An khi An mang bữa trưa của mình ra khỏi chiếc túi.
147
Nguyễn Thị Hoa
Một vài nghiên cứu đưa ra lợi ích của sử dụng kịch bản băng ghi âm (Uwichnick, Vener,
Pyrtek, & Poulson, 2010). Một kịch bản băng ghi âm là một bản đọc được ghi âm lại nhằm sử
dụng để gợi ý cho trẻ đưa ra câu nói của mình trong những bối cảnh nhất định. Ví dụ: Khi mẹ thể
hiện một bày tỏ như "Mẹ sẽ đi có chút việc", mẹ của Linh sẽ muốn Linh hỏi, "Mẹ sẽ đi đâu?". Để
giúp trẻ học câu hỏi này, mẹ của Linhcó thể ghi âm lại câu nói "Mẹ sẽ đi đâu?". Trong khi dạy trẻ
nội dung này, mẹ sẽ thể hiện bày tỏ "Mẹ sẽ đi có chút việc", và ngay lập tức mở đoạn ghi âm vì thế
Linh có thể nghe được mẫu câu và bắt chước đặt câu hỏi. Các lần dạy tiếp theo về nội dung này,
mẹ sẽ bỏ dần mẫu được ghi âm (Bỏ dần từng từ trong câu hỏi, từ từ cuối cùng cho đến từ đầu tiên)
cho đến khi Linh có thể tự mình đặt câu hỏi để đáp ứng với sự bày tỏ của mẹ.
Sử dụng trò chơi giả vờ (Pretend play)
Chơi giả vờ là việc cung cấp cho trẻ những vật liệu chơi (đồ vật thật hoặc đồ chơi) và hướng
dẫn trẻ các hành động chơi và lời nói khi chơi. Các trò chơi giả vờ mô phỏng một tình huống hoặc
sự kiện trong thực tế, là cơ hội để trẻ học và thể hiện một loạt các KNXH như: khởi xướng giao
tiếp, hội thoại, diễn đạt... và thực hành kĩ năng trước khi tham gia vào các tình huống trong thực tế
cuộc sống. Ví dụ: Trẻ chơi với bộ đồ chơi nấu ăn, học cách sử dụng các dụng cụ nấu bếp và những
KNXH cụ thể sử dụng trong khi nấu ăn như: hỏi nếu dụng cụ nấu ăn thiếu; mô tả những hành động
đang thực hiện như: đặt bếp lên, đảo, cho muối...; mời nhau ăn... Để nâng cao hiệu quả hướng dẫn
trẻ chơi người lớn cần xây dựng kịch bản chơi. Có một số nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của việc sử
dụng trò chơi giả vờ trong phát triển KNXH cho trẻ RLPTK như: Goldstein và Cisar (1992) cho
rằng dạy chơi sử dụng kịch bản dẫn đến tăng cường hành vi xã hội liên quan đến chủ đề cho tất cả
trẻ em. Jahr, Eldevik, và Eikeseth (2000) chỉ ra rằng khi nhắc lại lời nói được thêm vào trong mẫu
kịch bản, trẻ sẽ tham gia chơi hợp tác trong thời gian dài hơn.
2.3.2. Giai đoạn thực hành những KNXH đã có
Ở giai đoạn này trẻ RLPTK sẽ thực hành những KNXH đã có sau khi học KNXH xã hội
mới. Lúc này, người lớn tạo điều kiện và giám sát trẻ thực hiện kĩ năng và có những hỗ trợ khi cần.
Có thể sử dụng một số phương pháp và kĩ thuật ở giai đoạn này như:
Giới thiệu trước cho trẻ biết (Priming)
Trước khi tổ chức cho trẻ RLPTK thực hành KNXH cần giới thiệu trước cho trẻ về KNXH
sẽ thực hành bằng cách đưa ra những đồ dùng, vật liệu sẽ sử dụng trong kĩ năng đó để trẻ làm quen
(thường là các đồ dùng trong thực tế cuộc sống). Việc cho trẻ làm quen trước với các đồ dùng như
vậy sẽ giúp trẻ sẵn sàng tham gia vào việc thực hành kĩ năng hơn.
Gợi nhắc (Prompting)
Lúc này trẻ RLPTK có thể chưa thực hiện được kĩ năng một cách thành thục. Các em có thể
còn mắc lỗi. Do đó người lớn cần giám sát và có những gợi nhắc cần thiết. Những gợi nhắc có thể
là gợi nhắc dùng lời hoặc cử chỉ, điệu bộ; không nên sử dụng những can thiệp về mặt thể chất.
Tự giám sát (Self-Monitoring)
Tự giám sát là kĩ năng quan trọng giúp trẻ RLPTK thực hiện kĩ năng độc lập hơn. Để hỗ
trợ kĩ năng tự giám sát trong giai đoạn này, người lớn có thể sử dụng cấu trúc hoạt động bằng hình
ảnh với trình tự các bước thực hiện kĩ năng để trẻ RLPTK có thể nhìn vào và tự thực hiện kĩ năng.
Hướng dẫn KNXH theo nhóm (Social skill Group Training)
Hướng dẫn KNXH theo nhóm là phương pháp tổ chức hoạt động cho một nhóm trẻ RLPTK
(thường có từ 3-5 trẻ) nhằm giúp trẻ thực hành những KNXH đã học theo các hình thức học tập cá
nhân và học với những người khác nhau như cha mẹ, giáo viên.
Hướng dẫn KNXH theo nhóm được sử dụng để dạy trẻ RLPTK cách tương tác phù hợp với
các bạn. Tham gia vào nhóm KNXH, trẻ RLPTK sẽ được phát triển hàng loạt các KNXH như:
148
Một số phương pháp và kĩ thuật phát triển kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ
chào hỏi, kết bạn, khởi xướng và đáp ứng tương tác, hội thoại, yêu cầu sự giúp đỡ, lần lượt, chia
sẻ... Theo Collet-Klingenberg, L. (2009), hướng dẫn KNXH theo nhóm là phương pháp có thể sử
dụng để dạy trẻ RLPTK hàng loạt các hành vi xã hội như: nắm bắt quan điểm, kĩ năng hội thoại,
kĩ năng giải quyết vấn đề, những kĩ năng tương tác cụ thể như: khởi xướng, đáp ứng, chào hỏi, đưa
ra phê phán và chấp nhận lời phê phán, chia sẻ, yêu cầu sự giúp đỡ...
Sử dụng bạn cùng trang lứa (Peer Mediated Interventions)
Một hạn chế của cách tiếp cận sử dụng người lớn hướng dẫn đó là họ có thể lờ đi môi trường
tự nhiên của những tương tác xã hội của trẻ và những KNXH được yêu cầu khi làm việc với người
lớn không dễ khái quát sang bạn bè của trẻ (Rogers, 2000). Vì thế, một kĩ thuật can thiệp bổ sung
và được ưa thích hơn trong dạy KNXH đó là sử dụng bạn cùng lứa. Vì thế kết hợp chặt chẽ với các
bạn không khuyết tật trong can thiệp và dạy trẻ RLPTK khởi xướng, gợi ý và củng cố những tương
tác xã hội sẽ tạo ra một môi trường xã hội tự nhiên hơn. Tiếp cận sử dụng bạn cùng lứa được chỉ
ra là cải thiện tương tác xã hội giữa trẻ không khuyết tật và trẻ có khuyết tật, bao gồm trẻ RLPTK.
2.3.3. Giai đoạn khái quát hóa các KNXH
Ở giai đoạn này, trẻ RLPTK sẽ khái quát hóa các KNXH trong nhiều bối cảnh, với nhiều
người, tình huống và thời điểm khác nhau. Một số kĩ thuật có thể sử dụng trong giai đoạn này như:
Học KNXH với nhiều người, trong nhiều bối cảnh
Những KNXH trẻ học được từ những hướng dẫn của GV nên được cha mẹ tiếp tục hướng
dẫn và ngược lại. Và các KNXH học được ở trường sẽ được cha mẹ hỗ trợ để thể hiện tại nhà,
KNXH học được ở nhà sẽ được giáo viên hỗ trợ để trẻ thể hiện ở trường. Kĩ thuật này giúp cho trẻ
thực hiện KNXH một cách thành thạo và việc thể hiện KNXH của trẻ được duy trì và mang tính
ổn định, nhất quán.
Thực hành KNXH trong môi trường tự nhiên
Thực hành KNXH trong môi trường tự nhiên chính là việc tạo điều kiện và cơ hội để các
tình huống thực tế xảy ra và tận dụng các tính huống đó cho trẻ thể hiện KNXH. Ví dụ: Khi khác
tới chơi nhà là cơ hội để trẻ RLPTK luyện tập kĩ năng chào hỏi, khởi xướng giao tiếp...
Ôn lại thường xuyên
Do những khó khăn về nhận thức và động cơ nên trẻ RLPTK có thể quên các KNXH học
được. Vì vậy, các KNXH của trẻ RLPTK cần được ôn tập thường xuyên để đảm bảo trẻ có thể thực
hiện kĩ năng thành thạo và duy trì KNXH trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc sống.
3. Kết luận
Qua quá trình tổng hợp thông tin liên quan, chúng tôi thấy rằng, hiện nay trên thế giới và
tại Việt Nam đang sử dụng rất nhiều phương pháp và kĩ thuật phát triển KNXH khác nhau cho trẻ
RLPTK. Mỗi phương pháp và kĩ thuật có thế mạnh riêng cũng như những hạn chế nhất định. Do
đó, khi lựa chọn phương pháp và kĩ thuật phát triển KNXH cho trẻ RLPTK, GV và cha mẹ cần cân
nhắc đặc điểm của trẻ để lựa chọn phương pháp và kĩ thuật cho phù hợp. Ngoài ra, GV và cha mẹ
có thể phối hợp các phương pháp và kĩ thuật phù hợp với trẻ để phát huy tốt điểm mạnh của các
phương pháp. Từ đó giúp quá trình phát triển KNXH cho trẻ RLPTK đạt hiệu quả cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thanh Bình, 2010, Giáo trình chuyên đề Giáo dục kĩ năng sống, Nxb Đại học Sư
phạm, Hà Nội.
149
Nguyễn Thị Hoa
[2] Đỗ Thị Thảo, 2016, Quy trình xây dựng video làm mẫu giáo dục kĩ năng ứng xử với thầy cô
giáo và bạn bè cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ trong trường mầm non hòa nhập, Tạp chí Khoa
học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 61(8), trang 148-158.
[3] Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích Thảo, 2016, Thực trạng xây dựng và sử dụng video làm mẫu
giáo dục kĩ năng ứng xử cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ mức độ nhẹ 4-5 tuổi trong trường mầm non
hòa nhập, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 61(6B), trang 140-150.
[4] Andy Bondy, Mary Jane Weiss, 2013, Teaching Social Skills to People with Autism,
Woodbine Publishing House.
[5] Christena Blauvelt Harper, ennifer B. G. Symon, William D. Frea, 2008, Recess is Time-in:
Using Peers to Improve Social Skills of Children with Autism, Journal of Autism and
Developmental Disorder, Volume 38, Issue 5, pp 815–826.
[6] Christos K. Nikopoulos, Michael Keenan, 2004, Effects of video modeling on social
initiations by children with autism, Journal of Applied Behaivior Analysis, Doi:
10.1901/jaba.2004.37-93.
[7] Frank J. Sansosti, Kelly A Powell Smith, Donald Kancaid, 2004, A Research Synthesis of
Social Story Interventions for Children With Autism Spectrum Disorders, Focus on Autism
and Other Developmental Disabilities, Vol 19, Issue 4, p.399-409.
[8] Marjorie. H Charlop Christy, Sabrina Daneshvar, 2003, Using Video Modeling to Teach
Perspective Taking to Children with Autism, Journal of Positive Behavior Intervention, Vol
5, Issue 1, p.235-241.
ABSTRACT
Some methods and techniques developing social skills for mild autism spectrum disorders
Nguyen Thi Hoa
Faculty of Special Education, Hanoi National University of Education
How to help children with autism spectrum disorders (ASDs) living more independently
and integrating early into community is concerned by many parents and teachers. To achieve that
goal, one important thing is to build and develop social skills that are appropriate to developmental
level and socio-cultural environment of children with ASDs. Researchers, teachers and parents
have researched and implemented some methods to develop social skills for children with ASDs
successfully. We have synthesized methods to develop social skills for children with ASDs from
many different studies. Hopefully, this will be a useful material for teachers and parents in process
of social skills education for children with ASDs.
Keywords: Children with Autism Spectrum Disorders, developmental disability, , methods,
social skills, techniques.
150

File đính kèm:

  • pdfmot_so_phuong_phap_va_ki_thuat_phat_trien_ki_nang_xa_hoi_cho.pdf