Một số yếu tố cần xem xét khi tiến hành đánh giá kĩ năng nói tiếng Anh trong các học phần tiếng Anh cơ bản cho sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải
Abstract: In foreign language learning, speaking is always considered the focal point to assess the
ability to use a language and proficiency in this skill requires a lot of effort and time. To help
learners to achieve the goal, assessing is always a useful tool. However, assessing speaking reliably
is often considered very difficult because it is quite subjective. So, what should be done to do it
well? This article will mention some considerations when assessing English speaking skill in basic
English modules for students of University of Transport and Communications.
Bạn đang xem tài liệu "Một số yếu tố cần xem xét khi tiến hành đánh giá kĩ năng nói tiếng Anh trong các học phần tiếng Anh cơ bản cho sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số yếu tố cần xem xét khi tiến hành đánh giá kĩ năng nói tiếng Anh trong các học phần tiếng Anh cơ bản cho sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 449 (Kì 1 - 3/2019), tr 36-41 36 MỘT SỐ YẾU TỐ CẦN XEM XÉT KHI TIẾN HÀNH ĐÁNH GIÁ KĨ NĂNG NÓI TIẾNG ANH TRONG CÁC HỌC PHẦN TIẾNG ANH CƠ BẢN CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI Bạch Thị Thanh - Trường Đại học Giao thông Vận tải Ngày nhận bài: 29/12/2018; ngày sửa chữa: 10/01/2019; ngày duyệt đăng: 25/01/2019. Abstract: In foreign language learning, speaking is always considered the focal point to assess the ability to use a language and proficiency in this skill requires a lot of effort and time. To help learners to achieve the goal, assessing is always a useful tool. However, assessing speaking reliably is often considered very difficult because it is quite subjective. So, what should be done to do it well? This article will mention some considerations when assessing English speaking skill in basic English modules for students of University of Transport and Communications. Keywords: Assessing, speaking skill, English, basic English module, student. 1. Mở đầu Theo Đề án ngoại ngữ 2020, các trường phổ thông và đại học nói chung, trong đó có Trường Đại học Giao thông Vận tải nói riêng phải đào tạo ngoại ngữ có chuẩn đầu ra theo khung năng lực với các bài thi có cả 4 kĩ năng (KN): nghe, nói, đọc và viết. Tuy nhiên, đánh giá (ĐG) KN nói vẫn luôn được cho là khó khăn nhất đúng như Sari Luoma (2009) đã nhận định: “ĐG KN nói đạt độ tin cậy là khó nhất” [1]. Khó khăn này cũng được nêu trong cuốn A practical guide to Assessing English Language Learners: “Nói là một KN rất khó ĐG vì nó quá phức tạp để có được các phân tích đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy” [2; tr 112]. Vậy, làm thế nào để ĐG KN nói thực sự hiệu quả, phản ánh đúng trình độ của người học góp phần thực hiện chuẩn đầu ra được chính xác? Để trả lời câu hỏi này, bài viết đề cập quy trình và các bước cần tuân thủ trong quá trình ĐG KN nói tiếng Anh, từ đó đưa ra nhận xét và đề xuất một số thay đổi đối với việc ĐG KN nói trong các học phần tiếng Anh cơ bản cho sinh viên (SV) Trường Đại học Giao thông Vận tải. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Quy trình thiết kế và thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kĩ năng nói Để đảm bảo được các yếu tố chung của quá trình kiểm tra, ĐG là tính hữu dụng - thỏa mãn được đúng mục đích sử dụng (usefulness), ĐG đúng những gì đang cần được ĐG (validity), phản ánh đúng trình độ của người học (reliability), dễ sử dụng trong thực tiễn (practicality), có khả năng tác động đến quá trình dạy và học (washback), bám sát với tình huống thực của người học (authenticity), tính minh bạch về dạng bài, thang điểm (transparency) và tính bảo mật (security), việc thiết kế và thực hiện quy trình kiểm tra, ĐG KN nói cho SV cần được thực hiện theo các bước sau: 2.1.1. Viết một bản mô tả chi tiết đặc điểm và liệt kê các yêu cầu cần đáp ứng cho một kì thi nói cụ thể (Test specifications) Bước này bao gồm thông tin về mục đích kiểm tra nói (thi cuối kì, thi tuyển vào trường hay ĐG năng lực...), đối tượng thí sinh, giám khảo, người sử dụng kết quả và sử dụng để làm gì, kì thi sẽ được thực hiện như thế nào (phỏng vấn từng thí sinh, theo cặp hay theo nhóm,...), tiêu chí ĐG như thế nào. 2.1.2. Soạn đề thi (Developing speaking tasks) Sau khi đã biết rõ các yêu cầu cụ thể, việc lựa chọn và viết đề thi bắt đầu. Có khá nhiều dạng bài đã và đang được sử dụng trong ĐG KN nói tiếng Anh. Sari Luoma (2009) đã liệt kê một số dạng bài thi nói gồm mô tả (description tasks), kể chuyện (narrative tasks), so sánh đối chiếu (comparing and contrasting tasks), thảo luận và đưa ra quyết định (decision), đóng vai (role-plays and simulations),... [1]. Theo Coombe Christine và cộng sự (2007), nên chọn dạng bài thi nói có tác động tích cực đối với quá trình dạy và học đồng thời sát với tình huống thực của người học. Sau khi đã quyết định được dạng bài, các yêu cầu cụ thể cần được đưa ra cho dạng bài đó (Task specifications) [2]. 2.1.3. Thiết kế thang điểm (Developing scales) Đây là khâu rất quan trọng, cần phải được đưa ra càng chi tiết càng tốt để việc ĐG được công bằng và có độ tin cậy cao, đúng như quan điểm của Arthur Hughes: “Việc chấm điểm chỉ đạt được độ tin cậy và tính giá trị khi cách ĐG và thang điểm cụ thể cho từng trình độ và từng tiêu chí được đưa ra rõ ràng và phù hợp, đồng thời người chấm phải được tập huấn sử dụng chúng” [3; tr 110]. Thông thường, có hai loại thang điểm được sử dụng: - Thang điểm ĐG dựa trên cảm nhận tổng thể bài nói rồi đưa ra một điểm kết luận duy nhất với thang điểm chẵn VJE Tạp chí Giáo dục, Số 449 (Kì 1 - 3/2019), tr 36-41 37 hoặc kết luận về bậc năng lực ngôn ngữ (holistic scoring). Một ví dụ điển hình của loại này là thang điểm chấm bài thi nói The Finish National Certificate scale với thang điểm chẵn từ 1 đến 6 (xem bảng 1); - ĐG theo nhiều khía cạnh nhỏ của bài nói như ngữ pháp (grammar), từ vựng (vocabulary), độ trôi chảy (fluency) và phát âm (pronunciation) (xem bảng 2). Mỗi cách ĐG đều có ưu và nhược điểm riêng như Coombe Christine và cộng sự đã phân tích: “Loại ĐG tổng thể sẽ tiết kiệm thời gian hơn và thí sinh sẽ không bị mất điểm vì những lỗi nhỏ nhưng lại có nhược điểm là sẽ không đáng tin cậy khi bài thi được chấm bởi những giám khảo ít kinh nghiệm và việc trừ 1 điểm chẵn sẽ làm giảm tính chính xác của kết quả, ngoài ra cách chấm như vậy sẽ khó cung cấp được sự phản hồi cho quá trình dạy và học, không cung cấp được tiến trình về khả năng nói của người học. Cách chấm theo các tiêu chí nhỏ có nhiều ưu điểm nổi trội là giúp giảng viên (GV) biết được điểm mạnh, điểm yếu của SV, dễ chấm đối với những giám khảo ít kinh nghiệm, việc huấn luyện giám khảo sẽ dễ thực hiện hơn do thang điểm rất rõ ràng và chi tiết, nhưng cách chấm này lại rất mất thời gian do phải chấm nhiều chi tiết nhỏ” [2; tr 81-83]. Việc lựa chọn cách chấm nào phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về thời gian, số lượng giám khảo, mục đích của kì thi... Sau đây là ví dụ về hai loại thang điểm: Bảng 1. Thang chấm điểm xét trên tổng thể bài nói (Holistic scoring) [1] 6 Nói trôi chảy, thậm chí có khả năng diễn đạt các ý tinh tế với độ chính xác cao, biết sử dụng các cách diễn đạt mang tính thành ngữ, có khả năng nói về một chủ đề phức tạp, biết phát triển ý, biết trình bày và kết thúc một vấn đề nào đó 5 Nói trôi chảy và hiếm khi bị bí từ, bài nói tự nhiên, có sử dụng các từ kết nối, có khả năng trình bày một vấn đề phức tạp một cách rõ ràng và chi tiết, biết sử dụng các cách diễn đạt mang tính thành ngữ 4 Xử lí khá tốt các tình huống, biết trình bày và giải thích ý kiến, biết trò chuyện, mô tả quang cảnh, âm thanh và trải nghiệm 3 Xử lí được các tình huống lời nói quen thuộc, tốc độ nói có thể hơi chậm nhưng không bị dừng. Mặc dù cách diễn đạt bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ và phát âm không chuẩn nhưng người nghe vẫn có thể hiểu người nói đang nói gì 2 Có thể trao đổi những thông tin đơn giản, khả năng ngôn ngữ hạn chế nên khó diễn đạt được các tình huống phức tạp, phát âm không chuẩn dẫn đến người nghe phải nỗ lực mới hiểu được 1 Có thể hỏi đáp các câu đơn giản, khả năng giao tiếp chậm, để người nghe hiểu được người nói phải sử dụng thêm ngôn ngữ cơ thể Bảng 2. Thang điểm chấm theo từng khía cạnh nhỏ (Analytic scales) [4] Phiếu ĐG KN nói Ngày:............ Tên thí sinh:...................... Tiêu chí Điểm Hướng dẫn chi tiết Ngữ pháp (25 điểm) 24-25: Xuất sắc. Hầu như không mắc lỗi, các ý được truyền đạt rõ ràng 22-23: Rất tốt. Chỉ mắc một hoặc hai lỗi, hầu hết các ý được truyền đạt rõ ràng 20-21: Tốt. Có mắc một số lỗi ngữ pháp nhưng hầu hết các ý chính được truyền đạt rõ ràng 18-19: Trung bình. Mắc các lỗi ngữ pháp có thể ảnh hưởng đến nghĩa của câu 12-17: Kém. Ngôn ngữ sử dụng hầu như mắc lỗi và người nghe có thể phát hiện dễ dàng, nghĩa của câu không rõ hoặc không truyền tải được 0-11: Không đạt. Mắc quá nhiều lỗi, không truyền tải được thông tin Từ vựng (20 điểm) 20: Xuất sắc. Có khả năng lựa chọn và sử dụng từ hoặc cụm từ chuẩn và đa dạng 18-19: Rất tốt. Có khả năng lựa chọn và sử dụng từ hoặc cụm từ đúng và khá đa dạng 16-17: Tốt. Hầu hết các từ sử dụng được lựa chọn phù hợp, nghĩa diễn đạt rõ ràng 14-15: Trung bình. Mắc một số lỗi dễ nhận thấy, đôi khi ảnh hưởng đến nghĩa. Chỉ sử dụng được những từ đơn giản trong giao tiếp VJE Tạp chí Giáo dục, Số 449 (Kì 1 - 3/2019), tr 36-41 38 12-13: Kém. Mắc nhiều lỗi từ vựng và người nghe có thể phát hiện dễ dàng, nghĩa của câu không rõ hoặc không truyền tải được 0-11: Không đạt. Mắc quá nhiều lỗi, không truyền tải được thông tin Độ trôi chảy (30 điểm) 29-30: Xuất sắc. Không hề bị ngắc ngứ 27-28: Rất tốt. Có ngắc ngứ một chút nhưng tiếp tục nói được ngay 24-26: Tốt. Thỉnh thoảng có ngắc ngứ nhưng sau đó đã linh hoạt tìm được cách khắc phục 21-23: Trung bình. Có những đoạn bị ngừng nghỉ mà người nghe có thể thấy rõ ràng nhưng sau đó lại tiếp tục nói được 12-20: Kém. Có một số khoảng im lặng, có một số đoạn ngắt nghỉ ảnh hưởng đến luồng thông tin và ảnh hưởng đến độ tập trung của người nghe 0-11: Không đạt. Có nhiều khoảng im lặng, nhiều đoạn ngắt nghỉ không tiếp tục được Phát âm (25 điểm) 24-25: Xuất sắc. Hầu như không mắc lỗi, phát âm giống người bản ngữ 22-23: Rất tốt. Chỉ mắc một hoặc hai lỗi, hầu hết thông tin được truyền tải rõ ràng 20-21: Tốt. Mắc một số lỗi phát âm nhưng hầu hết các ý chính được truyền đạt không hề gây khó khăn cho người nghe 18-19: Trung bình. Có thể thấy rõ lỗi phát âm, gây ảnh hưởng đến nghĩa 12-17: Kém. Mắc nhiều lỗi phát âm gây sự chú ý cho người nghe, ảnh hưởng đến nghĩa diễn đạt Tổng điểm:.......... Nhận xét:............. Theo Sari Luoma (2009), trong một kì thi nói, chúng ta có thể sử dụng một thang điểm có sẵn đã được sử dụng chính thức bởi các tổ chức có uy tín nhưng phải phù hợp với mục đích sử dụng cụ thể của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thay đổi một chút nếu cần để áp dụng tốt hơn cho việc ĐG trong một kì thi nào đó [1; tr 82]. 2.1.4. Chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực Cách tổ chức thi có thể ảnh hưởng tới tâm lí của thí sinh; vì vậy, để đảm bảo công bằng, công việc này phải được chuẩn bị kĩ lưỡng trước buổi thi, tất cả thí sinh, giám khảo và những người có trách nhiệm khác đều phải được biết trước những gì và khi nào họ phải làm. Mọi thứ phục vụ kì thi phải được sẵn sàng bao gồm phòng thi, phòng chờ, phòng máy (nếu có dạng thi nói kết hợp với nghe), máy ghi âm, nhân lực hỗ trợ như kĩ thuật viên, giám sát, trợ lí,... 2.2. Các yếu tố cần lưu ý để đảm bảo độ tin cậy và tính giá trị của quá trình đánh giá kĩ năng nói Theo Arthur Hughes (1997), việc ĐG chính xác khả năng nói không hề dễ dàng, việc này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Tuy nhiên, nếu chúng ta cần một kết quả công bằng để đưa ra một quyết định quan trọng thì việc đầu tư thời gian và công sức vẫn là việc phải làm [3; tr 114]. Sau đây là một số điều cần lưu ý để có được một kết quả ĐG tốt: 2.2.1. Một số đặc điểm khác biệt giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết Theo tổng kết của một số nhà ngôn ngữ như Sari Luoma (2009) hay Coombe Christine (2007), ngôn ngữ nói có các đặc điểm khác biệt chính cần phải lưu ý khi ĐG so với KN viết như sau: - KN nói có liên quan đến sự đa dạng về phát âm (pronunciation). Phát âm thường được xem là một trong các tiêu chí ĐG KN nói, tuy nhiên rất khó đưa ra khái niệm chuẩn trong phát âm vì tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ khác đều có sự đa dạng về vùng miền. Hơn nữa, thực tế cho thấy, hầu hết học viên có được dạy về phát âm nhưng rất ít người có thể nói chuẩn như người bản ngữ. Bên cạnh phát âm, việc sử dụng đa dạng về âm lượng, ngữ điệu, tốc độ nói, ngắt nghỉ... cũng giúp người nói diễn đạt tốt hơn những gì muốn nói. Vì vậy, theo các nhà ngôn ngữ khi đưa ra tiêu chí ĐG có thể kết hợp linh hoạt giữa khả năng phát âm và hiệu quả giao tiếp chứ không nên chú trọng quá vào một khía cạnh. Còn nếu phát âm là một tiêu chí ĐG quan trọng thì GV phải được biết để có các ĐG cụ thể hơn về khía cạnh này. - Ngữ pháp trong văn nói (spoken grammar) nên được ĐG khác với ngữ pháp trong văn viết. Các câu trong văn viết thường là câu phức có kết cấu chặt chẽ và sử dụng từ nối liên kết văn bản vì bài viết sẽ được đọc sau đó mà không có mặt người viết để có thể giải thích VJE Tạp chí Giáo dục, Số 449 (Kì 1 - 3/2019), tr 36-41 39 hay giảng giải thêm, còn trong văn nói người nói chủ yếu tập trung vào truyền tải các ý cần nói (idea units), các câu được sử dụng thường là câu đơn kèm các từ nối như và, hoặc, nhưng thậm chí chỉ là các cụm từ ngắn như cụm danh từ, cụm động từ hay cụm giới từ và trong câu không hề có động từ nhưng cuộc trò chuyện vẫn thành công vì đây là hình thức giao tiếp trực tiếp và người nói có thể sử dụng thêm ngữ điệu, thái độ, nét mặt,... để hỗ trợ giao tiếp. Với đặc điểm như vậy nên khía cạnh ngữ pháp trong kiểm tra, ĐG KN nói cũng nên có đặc thù riêng. - Từ vựng trong văn nói (spoken words). Khi viết, người viết thường có thời gian để trau chuốt, lựa chọn từ vựng độc đáo, còn khi nói để làm được việc đó người nói thường phải chèn các từ hoặc cụm từ để lấp chỗ trống (fillers), các từ chỉ sự lưỡng lự (hesitation markers), hô ngữ hoặc nhắc lại,... để có thời gian nghĩ về những gì sắp nói tiếp, ví dụ: That’s a good question (thật là một câu hỏi thú vị), let me see (để tôi xem nào), you see (như bạn biết đấy), well, oh, yes,... Khả năng sử dụng thành thạo những từ này sẽ góp phần tạo được độ trôi chảy của bài nói. Một điều cần lưu ý nữa là nhiều thang điểm nói đưa ra tiêu chí về cách sử dụng từ độc đáo (less common words). Tuy nhiên, trong văn nói thông thường thì các từ thông dụng đơn giản cũng không kém phần thú vị, miễn là chúng được sử dụng tự nhiên và đúng ngữ cảnh. Vì vậy, việc sử dụng thành công những từ này cũng phải được ĐG xứng đáng. Việc biết được những khác biệt giữa KN viết và nói sẽ giúp việc ĐG được linh hoạt và công bằng hơn. 2.2.2. Tập huấn đội ngũ giảng viên chấm thi Theo các chuyên gia, bước quan trọng nhất trong quy trình kiểm tra, ĐG là tập huấn đội ngũ GV chấm thi. Các khóa huấn luyện này có thể diễn ra trong vài ngày. Cuối khóa, học viên phải được kiểm tra để đảm bảo rằng khả năng chấm của họ đã đạt trình độ ngang với những giám khảo có kinh nghiệm. Trong quá trình chấm, nếu giám khảo nào chưa vững sẽ phải được huấn luyện lại [1; tr 177-178]. Điều này cũng được Arthur Hughes (1997) nhấn mạnh: “... tính hiệu quả của các tiêu chí và thang điểm chấm phụ thuộc vào việc tập huấn đội ngũ giám khảo” [3; tr 113]. Sau khi đã được tập huấn, giám khảo phải tuân thủ đúng các bước, thời gian hỏi cho mỗi thí sinh, bám sát các tiêu chí, thang điểm đã được đưa ra. 2.2.3. Tuân thủ đúng các quy định khi chấm - Một yếu tố then chốt để đảm bảo độ tin cậy của việc ĐG KN nói đó là một thí sinh phải được ĐG bởi ít nhất hai giám khảo. Điều này đã được các tác giả Coombe Christine và cộng sự (2007) khẳng định: “Vì yếu tố chủ quan là vấn đề lớn trong ĐG KN nói nên một giải pháp được đưa ra là nhiều GV cùng ĐG một thí sinh. Càng nhiều GV chấm thì độ tin cậy của kết quả càng cao. Thông thường, sẽ có hai GV ĐG và mỗi người có một vai trò khác nhau. Một người sẽ tương tác với SV dựa trên những câu hỏi, nội dung đã có sẵn để đảm bảo công bằng cho các SV, còn người kia sẽ tập trung chấm dựa trên các tiêu chí ĐG và thang điểm đã có sẵn đồng thời ghi chép những điều cần lưu ý để nếu cần có thể phản hồi lại cho SV rút kinh nghiệm. Sau khi thí sinh đã rời khỏi phòng hai GV sẽ thảo luận để có kết luận điểm cuối cùng” [2; tr 116]. - Việc ĐG phải tập trung vào khả năng ngôn ngữ chứ không nên bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như hình thức, trang phục,... của thí sinh. - Thời gian tiến hành kiểm tra cần đủ dài để có thể đánh giá chính xác trình độ SV (theo Arthur Hughes (1997) nên tối thiểu là 15 phút, còn lí tưởng là 30 phút. Tuy nhiên, nếu là kiểm tra với mục đích xếp lớp thì chỉ cần 5-10 phút là đủ). - Việc phỏng vấn cần được tiến hành trong phòng yên tĩnh có độ cách âm tốt, đặc biệt là khi cần ghi âm lại phần nói của SV. - GV cần tạo cho SV tinh thần thoải mái khi bước vào phần thi, họ có thể mở đầu bằng những câu hỏi đời thường như thời tiết, sức khỏe, sở thích... GV không nên để SV nhìn thấy việc đánh giá của mình trong quá trình SV thực hiện phần thi vì nó sẽ làm phân tán sự tập trung của SV. - GV có thể khéo léo dừng phần thi của SV trước thời gian quy định nếu thấy SV quá kém vì việc hỏi thêm cũng không đem lại kết quả gì. Mặt khác, đối với những SV cần thêm thông tin để đánh giá chính xác trình độ của họ thì GV có thể hỏi nhiều hơn. - GV khi hỏi thi không nên nói hoặc giải thích quá nhiều vì việc này sẽ giảm bớt thời gian nói của SV. - Nên sử dụng nhiều dạng bài và nhiều câu hỏi, chủ đề đa dạng để tạo sự hứng thú cho thí sinh và có được kết quả ĐG chính xác hơn. 2.2.4. Kết hợp việc đánh giá quá trình với đánh giá cuối kì Theo Coombe Christine và cộng sự (2007), KN nói của SV có thể được tiến hành theo hai cách: ĐG nói trên lớp (Classroom Speaking Assessment) và ĐG KN nói trong các kì thi chính thức (Formal Speaking Asessment). ĐG trên lớp có thể thực hiện thông qua một số dạng như trình bày (Oral Presentations) - đây là một KN thường được sử dụng vì nó rất thiết thực với SV trong môi trường học thuật, việc ĐG này không chỉ chú trọng vào độ chính xác và trôi chảy của ngôn ngữ mà còn bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể, biểu hiện nét mặt, ánh mắt, cử chỉ,... tranh luận về một chủ đề (Debate on a VJE Tạp chí Giáo dục, Số 449 (Kì 1 - 3/2019), tr 36-41 40 Controversial Topic), đọc to (Reading Aloud), kể chuyện (Retelling Stories), nói về một chủ đề đã được chuẩn bị trước (Verbal Essays), nói về một chủ đề chưa được chuẩn bị trước (Extemporaneous Speaking). Trên đây là những điều cần phải lưu ý và tuân thủ khi tiến hành ĐG KN nói tiếng Anh đã được các chuyên gia nghiên cứu và đề xuất. 2.3. Một số nhận xét và đề xuất đối với các phần thi nói thuộc các học phần tiếng Anh cơ bản của Bộ môn Anh văn Trường Đại học Giao thông Vận tải Từ khi thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020, tất cả các học phần thi tiếng Anh tại Trường Đại học Giao thông Vận tải đều có ĐG KN nói của SV. Sau đây là bảng thống kê đề thi nói của các học phần tiếng Anh cơ bản được Bộ môn Anh văn biên soạn (phần nói của tiếng Anh chuyên ngành sẽ không được đề cập và bàn luận do chúng có đặc thù riêng). Bảng 3. Sơ lược các bài thi nói của các học phần tiếng Anh cơ bản từ khi áp dụng chuẩn đầu ra đến nay Cấp độ Số lượng và dạng bài Cách thức thi Điểm nói/ tổng điểm bài thi Hướng dẫn chấm A1 Gồm 2 phần: - Phần 1: Hỏi đáp giữa GV và SV về chủ đề quen thuộc (7 câu - 10 điểm) - Phần 2: Miêu tả tranh (10 điểm) Từng thí sinh vào thi 20/100 - Có câu hỏi gợi ý cho phần một, có đưa ra một số tiêu chí chấm cho phần mô tả tranh - Không có thang điểm chấm cụ thể - Không có quy định thời gian A2 Gồm 2 phần theo đề KET: - Phần 1: Hỏi đáp giữa GV và SV về chủ Thi theo cặp 25/100 - Có câu hỏi gợi ý cho phần một đề quen thuộc (5-8 câu trong 5-6 phút, 10 điểm) - Phần 2: Thí sinh hỏi đáp dựa trên các gợi ý đã được in sẵn trong phiếu thi (3-4 phút, 10 điểm) - Có quy định thời gian tổng và thời gian cho từng phần. - Không có thang điểm chấm cụ thể. B1, B1* Gồm 3 phần: - Phần 1: Hỏi đáp giữa GV và SV về chủ đề quen thuộc ( 2-3 phút, 5 điểm) - Phần 2: Miêu tả tranh (3 phút, 10 điểm) - Phần 3: Hai SV thảo luận về chủ đề liên quan tới bức tranh (3 phút, 10 điểm) Thi theo cặp 25/100 - Có câu hỏi gợi ý cho phần một - Có quy định thời gian tổng và thời gian cho từng phần - Không có thang điểm chấm cụ thể B2, B2*, C1, C1* Dạng đề thi IELTS Từng thí sinh vào thi Theo thang IELTS Theo hướng dẫn chấm của IELTS Dựa trên bảng thống kê trên và thực trạng việc ra đề thi, coi thi, chấm thi các phần nói của SV tại Bộ môn Anh văn, đồng thời so với các quy trình chuẩn cũng như những lưu ý đề cập ở trên, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét và đề xuất thay đổi cho việc ĐG KN nói như sau: 2.3.1. Về đề thi và hướng dẫn chấm Đề thi nói của bộ môn có các dạng giống với đề thi nói được các chuyên gia đề cập đó là phỏng vấn, mô tả tranh, thảo luận và đặc biệt là các đề nói của học phần A2, B1, B1*, B2, B2*, C1, C1* lấy dạng chuẩn của đề thi quốc tế khung châu Âu và IELTS nên nhìn chung là ổn. Vấn đề cần rút kinh nghiệm ở đây là phần hướng dẫn chấm. Đối với các bài thi dạng IELTS thì bộ môn có cung VJE Tạp chí Giáo dục, Số 449 (Kì 1 - 3/2019), tr 36-41 41 cấp cho GV phần mô tả thang điểm theo thang điểm 9 của quốc tế, còn các học phần còn lại thì chưa có, vì vậy GV chấm sẽ chỉ chấm vo là chủ yếu và việc chênh điểm giữa các GV sẽ dễ xảy ra. Vì vậy, trong thời gian tới, khi tiến hành rút kinh nghiệm, các nhóm sẽ rà soát lại và bổ sung thêm thang điểm chi tiết. Nên sử dụng loại thang điểm chia nhỏ (Analytic scales) để dễ chấm và độ chính xác cao hơn. Riêng đề nói A1 cần cho thêm quy định thời gian thi của mỗi phần cũng như tổng thời gian thi của mỗi lượt SV. 2.3.2. Về cách tổ chức thi Phần thi nói được tiến hành ngay sau khi SV làm bài viết sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, tuy nhiên nếu số SV của phòng thi đông thì nên hỗ trợ thêm GV hỏi thi để đảm bảo tổng thời gian cho mỗi lượt thi vì như đã đề cập ở trên thời gian cần có cho mỗi thí sinh hoặc một cặp thí sinh ít nhất là 10-15 phút mới đảm bảo có được kết quả ĐG chính xác. Một lưu ý nữa là khi các em đợi ở ngoài phòng thi chờ đến lượt thường hay gây ồn ào, ảnh hưởng đến độ tập trung của cả thí sinh và giám khảo trong phòng thi nên nếu có thể thì nên bố trí cho các em ngồi vào một phòng gần đó, không đứng ngoài hành lang. Trước khi hỏi thi, GV cần kiểm tra kĩ thẻ SV để hạn chế tình trạng thi hộ và yêu cầu SV kí vào bảng điểm. Việc này GV bộ môn đã thực hiện khá tốt và đã nhiều lần phát hiện được các trường hợp nhờ thi hộ. 2.3.3. Về quy trình chấm thi So với các bước chuẩn khi tiến hành chấm thi đã nêu ở trên, Bộ môn Anh văn cũng cần rút kinh nghiệm ở một số khâu. Tập huấn GV là khâu tiên quyết để có được độ tin cậy trong chấm thi, đặc biệt là đối với KN nói, một KN bị ảnh hưởng chủ quan của người chấm rất lớn, nhưng bộ môn Anh văn chưa làm được. Trong thời gian tới, Bộ môn nên tổ chức các khóa học ngắn để hướng dẫn thêm về cách chấm nói và viết, đây là 2 KN rất dễ bị chấm chênh lệch điểm giữa hai giám khảo. Khâu tiếp theo là theo đúng quy định, thí sinh phải được ít nhất hai giám khảo chấm và thống nhất đưa ra điểm cuối cùng, nhưng do điều kiện SV đông nên Bộ môn thường chỉ phân công một giám khảo, vậy nên để hạn chế tối đa việc điểm chấm bị chênh thì các GV phải hội ý thống nhất trước khi chấm. Một chú ý nữa là GV cần tuân thủ đủ các phần và lượng thời gian nói của SV như quy định, trong thực tế vì lượng SV đông nên một số GV đã không làm được như vậy. Tiếp theo là việc ĐG KN nói của SV có thể được thực hiện kết hợp cả hai cách như đề cập ở trên là ĐG quá trình trên lớp và ĐG trong bài thi cuối kì để kết quả ĐG được chính xác hơn. 3. Kết luận Kiểm tra, ĐG luôn là động lực để thúc đẩy quá trình học ngoại ngữ trong đó có KN nói. ĐG chính xác KN này là một việc làm khó do bị tác động bởi yếu tố chủ quan. Hi vọng bài viết sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến vấn đề ĐG KN nói tiếng Anh, đồng thời những nhận xét, đề xuất của chúng tôi đề cập trong đây cũng sẽ được Bộ môn Anh văn quan tâm và có những thay đổi cho phù hợp hơn trong thời gian tới để việc kiểm tra, ĐG môn Tiếng Anh nói chung và việc kiểm tra, ĐG KN nói tiếng Anh nói riêng trong các học phần tiếng Anh cơ bản cho SV Trường Đại học Giao thông Vận tải đạt được hiệu quả như mong muốn. Tài liệu tham khảo [1] Luoma Sari (2009). Assessing Speaking. Cambridge University Press. [2] Coombe Christine - Keith Folse - Nancy Hubley (2007). A practical guide to Assessing English Language Learners. The University of Michigan Press. [3] Hughes Arthur (1997). Testing for Language Teachers. Cambridge University Press. [4] Folse, K. S. (2006). The art of teaching speaking: Research and pedagogy for ESL/EFL classroom. University of Michigan Press. [5] Bachman F. L. - Palmer S. (1996). Language Testing in Practice. Oxford University Press. [6] Heaton, J. B. (1990). Writing English Language Tests. Longman Handbooks for Language Teachers. [7] Weir Cyril (1993). Understanding & Developing Language Tests. Prentice Hall International. [8] Dương Thị Hoàng Oanh (2011). Kiểm tra, đánh giá kĩ năng nói tiếng Anh cấp đại học. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. [9] Lê Thị Minh Nguyệt (2017). Áp dụng đánh giá thay thế trong đánh giá kĩ năng nói tiếng Anh ở bậc đại học. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 7, tr 234-237. [10] Trương Trần Minh Nhật (2018). Thực trạng kĩ năng nói tiếng Anh và đề xuất một số hoạt động tự rèn luyện nói tiếng Anh ngoài lớp học cho sinh viên chuyên ngành Kĩ thuật Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, số 435, tr 54-59.
File đính kèm:
- mot_so_yeu_to_can_xem_xet_khi_tien_hanh_danh_gia_ki_nang_noi.pdf