Âm nhạc giao hưởng tại Sài Gòn - Vài góp nhặt từ tư liệu

Tóm tắt

Với chặng đường gần một thế kỷ kể từ khi ra đời đến nay, nền âm nhạc mới Việt Nam trải qua nhiều

giai đoạn phát triển khác nhau với nhiều thành tích đáng tự hào mà một trong những đỉnh cao là thể loại

Giao hưởng. Trong khi những thành tựu của âm nhạc giao hưởng tại miền Bắc (giai đoạn trước năm

1975) được ghi nhận, tập hợp, thống kê và phổ biến khá rộng rãi thì những thành tựu của âm nhạc giao

hưởng miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng lại sớm rơi vào quên lãng do biến động của thời cuộc.

Tuy nhiên, nghệ thuật đích thực luôn xuất phát từ trái tim và những giá trị âm nhạc của quá khứ cần

được nhìn nhận lại một cách khách quan và trân trọng.

pdf 8 trang yennguyen 3920
Bạn đang xem tài liệu "Âm nhạc giao hưởng tại Sài Gòn - Vài góp nhặt từ tư liệu", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Âm nhạc giao hưởng tại Sài Gòn - Vài góp nhặt từ tư liệu

Âm nhạc giao hưởng tại Sài Gòn - Vài góp nhặt từ tư liệu
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 31 (56) - Thaùng 8/2017 
103 
Âm nhạc giao hưởng tại Sài Gòn - Vài góp nhặt từ tư liệu 
Symphony music in Saigon – Some notes from historical materials 
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, 
Nhạc viện TP.HCM 
Nguyen Thi Ngoc Dung, M.A., 
Ho Chi Minh City Conservatoire 
Tóm tắt 
Với chặng đường gần một thế kỷ kể từ khi ra đời đến nay, nền âm nhạc mới Việt Nam trải qua nhiều 
giai đoạn phát triển khác nhau với nhiều thành tích đáng tự hào mà một trong những đỉnh cao là thể loại 
Giao hưởng. Trong khi những thành tựu của âm nhạc giao hưởng tại miền Bắc (giai đoạn trước năm 
1975) được ghi nhận, tập hợp, thống kê và phổ biến khá rộng rãi thì những thành tựu của âm nhạc giao 
hưởng miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng lại sớm rơi vào quên lãng do biến động của thời cuộc. 
Tuy nhiên, nghệ thuật đích thực luôn xuất phát từ trái tim và những giá trị âm nhạc của quá khứ cần 
được nhìn nhận lại một cách khách quan và trân trọng. 
Từ khóa: âm nhạc, giao hưởng, Việt Nam, Sài Gòn, trước 1975. 
Abstract 
In nearly a century since its inception, Vietnam's New Music has gone through stages of development 
with outstanding achievements, in which one of the peaks is Symphony style. While the symphonic 
achievements in the North (pre-1975 period) are well documented, collected, estimated and widely 
published, the accomplishments in the South in general and Sai Gon in particular fade into oblivion due 
to political changes. However, real art always emerges from true human feelings, on balance, the 
musical values of the past need to be reconsidered objectively and respectfully. 
Keywords: music, symphony, Vietnam, Saigon, before 1975. 
1. Mở đầu 
Nhà soạn nhạc Áo Gustav Mahler 
(1860-1911) đã từng nhận định về giao 
hưởng: “Một tác phẩm giao hưởng phải 
giống như thế giới, nó phải chứa đựng tất 
cả” (1). Khi có ý so sánh một tác phẩm âm 
nhạc không lời với “cả thế giới”, nhà soạn 
nhạc không chỉ khẳng định vai trò “đỉnh 
cao” về học thuật mà còn đề cao nội dung 
tư tưởng cũng như phạm vi thể hiện của 
giao hưởng so với các loại hình âm nhạc 
khác. Âm nhạc giao hưởng là một trong 
những biểu hiện rực rỡ nhất của sự trưởng 
thành về trí tuệ và tư duy âm nhạc của con 
người, nó cho phép thể hiện những nội 
dung tư tưởng súc tích, phong phú và đa 
dạng nhất của con người, những suy tư triết 
lý, những ước mơ về tương lai, những cảm 
xúc sâu sắc và tinh tế: từ chất trữ tình đến 
chất anh hùng ca, từ sự lạc quan yêu đời 
đến nét bi thương kịch tính Tất cả đều 
được diễn đạt bằng âm thanh với bố cục 
chặt chẽ, logic và hoàn chỉnh. 
Tại Việt Nam hiện nay, kinh tế và dân 
trí cùng phát triển, âm nhạc giao hưởng bắt 
đầu nhận được sự quan tâm của xã hội. Âm 
ÂM NHẠC GIAO HƯỞNG TẠI SÀI GÒN - VÀI GÓP NHẶT TỪ TƯ LI U 
104 
nhạc kinh viện nói chung và các tác phẩm 
giao hưởng nói riêng đã trở thành đối 
tượng nghiên cứu xuất hiện trong nhiều 
công trình khoa học, sách tư liệu, tham 
luận hội thảo, bài báo, luận án, luận văn, 
phim tài liệu, phóng sự, phỏng vấn trên các 
tạp chí truyền thanh và truyền hình. Các 
thành tựu của âm nhạc giao hưởng miền 
Bắc (trước 1975) và âm nhạc kinh viện 
Việt Nam giai đoạn từ sau năm 1975 đến 
nay được giới học giả quan tâm, ghi nhận 
khá đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên giai đoạn 
trước năm 1975, do ảnh hưởng của thời 
cuộc và sự chia cắt 2 miền đất nước khiến 
cho những thành tựu của giao hưởng miền 
Nam, cụ thể hơn, của Sài Gòn, trong thời 
kỳ này sớm rơi vào quên lãng. 
2. Những tiền đề và những sinh hoạt 
khí nhạc đầu tiên ở Sài Gòn 
Những năm cuối thế kỷ XIX, một số 
trường dòng được mở ra ở Sài Gòn, vừa 
truyền đạo, vừa truyền bá âm nhạc tôn giáo 
phương Tây và truyền dạy kiến thức âm 
nhạc lẫn cách chơi nhạc cụ phương Tây cho 
người Việt Nam. Theo nhận định của giáo 
sư Tô Vũ, “tân nhạc viết solfège đầu tiên 
xuất hiện ở Sài Gòn do một tu sĩ Công giáo 
người Việt Nam viết những bài hát ca ngợi 
Đức Mẹ từ năm 1911” (2). Từ mục đích 
phục vụ tôn giáo lúc ban đầu, âm nhạc 
phương Tây dần phát huy ảnh hưởng đến 
đời sống người dân trong một phạm vi sâu 
rộng hơn. Nhiều bài hát Pháp vui tươi, dí 
dỏm xuất hiện trong các buổi sinh hoạt của 
thanh niên, học sinh sinh viên như Frère 
Jacques, Au clair de la lune, Vive le 
chameau... Sau này (thập niên 1930), một số 
bài hát của phong trào hướng đạo sinh cũng 
được phỏng dịch hoặc đặt lời mới cho phù 
hợp với điều kiện thực tế và dễ phổ biến. 
Từ những năm 20, các loại máy hát, 
đĩa hát (nhãn hiệu Victor, Odéon, Pathé, 
Béka) đã tràn vào Việt Nam. Để đáp ứng 
sở thích nghe nhạc đa dạng của công 
chúng, ông chủ của các hãng đĩa trên đã 
kết hợp những sản phẩm văn hoá tinh thần 
của người Việt và cả sản phẩm văn hoá của 
người phương Tây bằng cách phát hành đĩa 
Tuồng, Chèo, Cải lương song song với các 
đĩa nhạc nhẹ, nhạc cổ điển của châu Âu. 
Thực chất, các loại đĩa nhạc của châu Âu 
đã phần nào đánh đúng tâm lý “thích cái 
mới” của nhiều người dân Việt Nam. Ở các 
phòng trà, tiệm nhảy đã phổ biến các vũ 
điệu phương Tây như tango, valse, fox-
trot..., các tiểu phẩm khí nhạc để hòa tấu... 
Ngoài ra, những năm đầu thế kỷ XX còn có 
một số đoàn ca nhạc kịch từ Pháp sang 
biểu diễn ở Sài Gòn. Âm nhạc phương Tây 
ngấm dần, và trở nên “thân quen” với tai 
nghe nhạc của người miền Nam. 
Năm 1930, đội kèn của lính viễn chinh 
Pháp đã biểu diễn ở Sài Gòn nhân khánh 
thành đường sắt, tác động không nhỏ đến 
công chúng miền Nam từ cách nghe nhạc 
đến việc sử dụng các loại nhạc khí phương 
Tây. Một số người miền Nam ở vào thời 
điểm đó cũng đã biết sử dụng các loại kèn 
Tây, biết xướng âm và làm quen dần với 
ngôn ngữ âm nhạc mới. 
Nghệ thuật sân khấu và điện ảnh cũng 
ảnh hưởng lớn đến cách nhận thức của dân 
chúng về âm nhạc phương Tây. Rạp xi nê 
xuất hiện ngày một nhiều ở các trung tâm 
đô thị. Khoảng những năm 30 của thế kỷ 
XX, khi phim có âm thanh, lời thoại, được 
du nhập vào nước ta thì những bài hát 
trong phim cũng trở nên thịnh hành sau đó, 
lôi cuốn người xem, đặc biệt là lớp thanh 
niên, tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị. 
Qua những bài hát trong phim, người xem 
có thể hình dung khá đầy đủ diện mạo hoàn 
chỉnh của một ca khúc phương Tây từ phối 
khí, nhạc đệm cho đến cách hát. Các gánh 
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG 
105 
hát cũng mời nghệ sĩ tân nhạc về cộng tác 
để thêm phần hấp dẫn cho quần chúng với 
các hoạt động trình diễn đa dạng như chơi 
nhạc sống trong các vở diễn hay hát nhạc 
mới trước khi mở màn chính thức. Nghệ 
thuật sân khấu chính là cái nôi êm ái để các 
nghệ sĩ tân nhạc nương náu và trình diễn 
các ca khúc do mình sáng tác hay của 
những tác giả khác khi nền tân nhạc Việt 
Nam đang trong thời kỳ phôi thai . 
Tất cả các hoạt động âm nhạc đa dạng 
thời gian này đã tác động tích cực đến tư 
duy của những người Việt Nam làm nghệ 
thuật ở thành thị. 
Nhìn chung, âm nhạc phương Tây (mà 
chủ yếu là âm nhạc Pháp) du nhập vào Việt 
Nam và phổ biến bằng nhiều cách: qua con 
đường truyền đạo; qua con đường quân sự 
(đội kèn nhà binh); qua con đường giáo 
dục (trường học và phong trào hướng đạo); 
qua con đường phương tiện thông tin, kỹ 
thuật truyền thanh (đĩa hát); qua con đường 
giao lưu và biểu diễn nghệ thuật. Sự “đổ 
bộ” về văn hoá Pháp ở miền Nam diễn ra 
khá nhanh (theo phương châm “Khai hóa 
văn minh”). Quá trình này đã khiến cho 
nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng 
đổi mới nhanh chóng và ngày càng mang 
màu sắc thị dân rõ rệt. 
Năm 1928, “Ủy ban nghệ thuật Sài Gòn 
- Comité artistique de Saigon” ra đời do ông 
Charles Martin (Pháp) làm tổng thư ký, 
chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc thính 
phòng với các nghệ sĩ mời từ Pháp sang như: 
 acque Thibaud, S igeti (Violon), rmande 
Caron (Piano), tam tấu Schneider... Chương 
trình biểu diễn của họ chủ yếu là những tác 
phẩm thính phòng cổ điển. 
Đi xa hơn, vào năm 1933, Comité 
artistique de Saigon do Charle Martin lập 
ra Conservatoire de Musique, có dạy piano 
( rmande Caron tham gia giảng dạy). 
Một số nhạc sĩ Việt Nam đã được học âm 
nhạc Tây phương từ môi trường này hoặc 
tự học qua sách vở (lý thuyết âm nhạc, hòa 
âm, lịch sử âm nhạc, sách dạy các loại nhạc 
cụ...) để sáng tác âm nhạc theo kiểu “mới”. 
Bên cạnh đó còn xuất hiện một số lớp nhạc 
dạy đàn và truyền bá Tân nhạc của các 
nhạc sĩ Nguyễn Thông, Lê Ngát, D oãn 
Ân Đây là tiền đề cho sự hình thành nền 
âm nhạc chuyên nghiệp phương Tây ở 
miền Nam sau này. Năm 1934, tuyển tập 
30 tiểu phẩm viết cho piano độc tấu của 
nghệ sĩ Thái Thị Lang (dưới bút danh 
Louis Nguyễn Văn Tỵ) được xuất bản tại 
Paris. Bà Thái Thị Lang - là người đã học 
Sáng tác và Piano tại nhạc viện Paris, với 
quan điểm coi “nguồn dân ca vô tận là một 
kho báu đối với người sáng tác” và đã cho 
ra đời nhiều tiểu phẩm piano như Lý ngựa 
Ô, Bình Bán Bà cũng chính là người 
đích thân biểu diễn những tiểu phẩm piano 
của mình tại Hội Nam kỳ Trí đức Thể dục 
năm 1942. Những tiểu phẩm piano của bà 
được xem như những tác phẩm đầu tiên 
của âm nhạc không lời Việt Nam. Năm 
1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên là người 
Việt Nam duy nhất tham gia hội Hiếu nhạc 
(Philharmonique). Năm 1941, một buổi 
diễn thuyết được hội tổ chức tại nhà hội 
Bắc Kỳ ái hữu tại Sài Gòn với đề tài “Câu 
chuyện âm nhạc mới” có sự góp mặt của 
ban nhạc Phi Luật Tân của ulio và sự trình 
diễn Hạ Uy Cầm của hai nhạc sỹ Scawell 
và Nguyễn Thông. Cũng trong thời gian 
này còn có các nhạc sĩ khác tham gia hoạt 
động âm nhạc khá sôi nổi như: nhạc sĩ Võ 
Đức Thu (thường xuyên biểu diễn và trình 
bày sáng tác của mình viết cho đàn dương 
cầm: bản “Việt Nam tân âm điệu”), 
Nguyễn Khắc Cung, Phạm Đăng Hinh, Đỗ 
Thế Phiệt với những bản hòa tấu soạn cho 
Vĩ cầm và Đại vĩ cầm; Họ là những người 
ÂM NHẠC GIAO HƯỞNG TẠI SÀI GÒN - VÀI GÓP NHẶT TỪ TƯ LI U 
106 
làm âm nhạc chuyên nghiệp phương Tây 
(khí nhạc) đầu tiên ở Sài Gòn. Khí nhạc Sài 
Gòn trong giai đoạn này chỉ manh nha 
tượng hình, chủ yếu là các hoạt động biểu 
diễn định kỳ của các đội kèn nhà binh, 
những tác phẩm viết cho nhạc cụ độc tấu, 
một số tiểu phẩm nhạc thính phòng có qui 
mô nhỏ và chưa có những tác phẩm thực 
thụ cho dàn nhạc. 
3. Âm nhạc Giao hưởng Sài Gòn 
1945-1975 
Để có thể đưa ra một nhận định cụ thể về 
nền âm nhạc giao hưởng trong một khoảng 
thời gian nhất định đòi hỏi người nghiên cứu 
phải có một cái nhìn tổng quát trên cả 3 
phương diện sau: (1) Sáng tác, (2) Biểu diễn, 
(3) Đào tạo và Nghiên cứu khoa học. Đây 
chính là thế “chân vạc” giúp cho âm nhạc hàn 
lâm luôn giữ được nền tảng vững chắc để tiến 
lên phía trước theo đúng qui luật “kế thừa và 
phát triển” trong nghệ thuật. 
a. Đào tạo và Nghiên cứu khoa học 
 Trường Quốc gia Âm nhạc ra đời năm 
1956 (đến năm 1960 đổi tên thành Trường 
Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, là tiền 
thân của Nhạc Viện TP.HCM ngày nay) đã 
mời nhiều nhạc sư tên tuổi vào Ban giảng 
huấn của trường gồm 2 ngành là: Nhạc Tây 
Phương và Quốc Nhạc. 
 Lúc mới thành lập, ngành Nhạc Tây 
phương chỉ dạy: Dương cầm, Vĩ cầm, 
Nhạc pháp, Nhạc sử, Hòa âm. Sau này 
trường giảng dạy thêm rất nhiều nhạc cụ 
khác như: Trung Vĩ cầm, Hạ Vĩ cầm, Đại 
Vĩ cầm, Sáo Tây, Clarinette, Trompette, 
Tây Ban cầm, Măng cầm và Hợp ca. Các 
nhạc sư của ngành Nhạc Tây phương đa 
phần đều tốt nghiệp Quốc Gia Nhạc Viện 
Paris - Conservatoire National de Paris 
hoặc Quốc Tế Nhạc Viện Paris - 
Conservatoire International de Paris như: 
Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung - violin; 
Nghiêm Phú Phi, bà Nguyễn Thị Ngọc 
Thuyền, bà Tạ Toàn - Piano, linh mục 
 nton Nguyễn Tiến Dũng - tốt nghiệp Tiến 
sĩ khoa Sáng tác tại Nhạc viện Santa 
Cecilia năm 1962 (hay còn có tên là Học 
viện âm nhạc Giáo hoàng Roma)... Có thể 
nói rằng Trường Quốc gia Âm nhạc và 
Kịch nghệ là cái nôi đào tạo ra nhiều nhạc 
sĩ, giọng ca, tay đàn nổi tiếng của miền 
Nam, góp mặt trong nhiều chương trình 
giao lưu biểu diễn quốc tế cũng như phát 
hành đĩa hát ăn khách trong thời kỳ này. 
Bên cạnh những nhạc sư tên tuổi trực 
tiếp đứng lớp, thành tựu quan trọng trong 
lĩnh vực đào tạo của âm nhạc Sài Gòn chính 
là phát hiện kịp thời những tài năng âm nhạc 
xuất sắc và gửi ra nước ngoài học như: nhạc 
sĩ Nguyễn Văn Tường (học nhạc tại Pháp từ 
năm 1951, nhạc sĩ nhạc điện thanh đầu tiên 
của Việt Nam); nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo 
(sang Pháp năm 1953, nổi tiếng với những 
tác phẩm khí nhạc theo "chủ nghĩa Tiền 
Phong", đạt nhiều giải thưởng quốc tế, đã 
được ghi danh trong hai từ điển âm nhạc “Le 
Petit Larousse, 1982”, “Le Petit Robert, 
1995” vì những đóng góp trong việc giao 
hòa âm nhạc Đông - Tây); Nhà soạn nhạc 
đương đại - nhà nghiên cứu âm nhạc cổ 
truyền Tôn Thất Tiết (sang Pháp năm 1958, 
đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá); 
Những thành tích quốc tế của các nhạc sĩ nói 
trên vừa góp phần giới thiệu nhạc giao 
hưởng Việt Nam với bạn bè thế giới, vừa 
đem lại niềm tự hào cho âm nhạc Việt Nam, 
đồng thời gợi lên những vấn đề mới về 
chuyên môn đối với các nhạc sĩ trong nước 
và có tác dụng khích lệ rất lớn cho những ai 
đam mê dòng nhạc giao hưởng. 
Trong giai đoạn này, bên cạnh Trường 
Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ còn có 
Trường Quân nhạc Sài Gòn (thành lập năm 
1966, với chương trình giảng dạy chuyên 
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG 
107 
ngành Sĩ quan nhạc trưởng gồm các môn: 
Chỉ huy, Hòa âm, Phối khí - Cải soạn - 
Nhạc khí học, Sáng tác, Lễ nghi quân cách, 
Nhạc nhẹ, Nhạc sử, Nhạc lý - Chính tả và 
Hành chánh - Quản trị nhân viên); Viện đại 
học Minh Đức (Khoa Nhân văn - Nghệ 
thuật) - trình độ Cử nhân Sư phạm Âm 
nhạc với chương trình đào tạo được chia 
thành 21 tín chỉ như: Triết học Đông - Tây 
nhập môn; Sư phạm Âm nhạc, Nhạc lý, 
Hòa âm, Đối âm, Tẩu pháp (Fuga), Phương 
pháp Điều khiển (Chỉ huy), Nhạc khí 
học và trình độ Cao đẳng bao gồm 6 
chuyên ngành: Ca sĩ, Ca nhạc trưởng, 
Quốc nhạc, Dương cầm, Thánh nhạc và 
Đại quản cầm. 
Công tác nghiên cứu khoa học ở miền 
Nam thời kỳ này phát triển khá toàn diện: 
về mảng âm nhạc phương Tây có rất nhiều 
sách phổ biến kiến thức âm nhạc như sách 
Hòa âm, Hòa âm tân thời, Hòa âm thực 
tập dẫn giải, Đối âm, Tẩu pháp (Fuga), 
Nhạc lý, Sáng tác Thánh nhạc Thánh ca, 
Tôi viết ca khúc tiếng Việt, Những điều cần 
biết khi dạy và học Piano, Hướng dẫn học 
Tây Ban Cầm, Sáo... do các nhạc sư đang 
giảng dạy chấp bút. Về mảng âm nhạc Việt 
Nam: nhiều nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc 
dân gian có giá trị được thực hiện và công 
bố như “Dân ca Việt Nam” (1961) Nguyễn 
Hữu Ba; “Hò miền Nam” (1962) Nguyễn 
Văn Hầu; “Điệu thức trong dân ca Nam 
Bộ” (1965) Ngô Đông Hải; “Đặc khảo dân 
nhạc ở Việt Nam” (1972) Phạm Duy; “Dân 
ca Nam Bộ, một kho tàng âm điệu dân gian 
phong phú” (1977) Ngô Huỳnh. 
Nếu đặt yếu tố chính trị ra ngoài, các 
tổ chức đào tạo âm nhạc tại Sài Gòn đã góp 
phần tích cực trong việc tạo ra nguồn nhân 
lực âm nhạc cho xã hội, nâng cao trình độ 
cảm thụ âm nhạc và phổ biến những giá trị 
văn hóa âm nhạc vào xã hội. 
Tương ứng với giai đoạn lịch sử này, 
tại miền Bắc, vấn đề phát triển âm nhạc đã 
được Đảng và Nhà nước quan tâm cụ thể, 
thể hiện qua sự thành lập Ban Nghiên cứu 
Âm nhạc - Vụ Nghệ thuật năm 1955 (từ 
năm 1968 đổi tên là Viện Nghiên cứu âm 
nhạc), sự ra đời của Trường Nghệ thuật 
Quân đội năm 1955 và Trường Âm nhạc 
Việt Nam năm 1956 (tiền thân của Học 
viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam). Trước 
đây đa số các nhạc sĩ miền Bắc bước vào 
nghề bằng cách tự học và trưởng thành 
trong quá trình tham gia kháng chiến chống 
Pháp thì ở giai đoạn này đã có thêm lớp 
nhạc sĩ, diễn viên, nhạc công được đào tạo 
bài bản tại Trường Âm nhạc Việt Nam, 
nhạc sĩ xuất thân từ các lớp tập huấn của 
chuyên gia nước ngoài tại miền Bắc Việt 
Nam, nhạc sĩ được Nhà Nước gửi đi học tại 
Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông 
Âu... đồng thời sử dụng giáo trình của các 
nước khối Xã Hội Chủ Nghĩa trong giảng 
dạy- nghiên cứu âm nhạc và đánh giá kết 
quả học tập trong các cơ sở đào tạo âm 
nhạc chuyên nghiệp miền Bắc. 
Sáng tác 
Dưới tác động của nhiều yếu tố văn 
hóa - chính trị - xã hội, ca khúc vẫn là thể 
loại chiếm vị trí chủ đạo trong âm nhạc 
miền Nam giai đoạn 1945-1975. Tuy 
nhiên, những nhạc sĩ được đào tạo bài bản 
và đam mê khí nhạc vẫn duy trì con đường 
học thuật riêng của mình và đạt được một 
số thành tựu đáng kể. Một trong những 
nhạc sĩ tiêu biểu đó chính là Nghiêm Phú 
Phi. Ông tốt nghiệp Ưu hạng tại viện Quốc 
Gia Âm Nhạc Paris (Pháp) về Piano và 
Hòa Âm. Tác phẩm “Divertimento I” 
(1960) và “Divertimento II” (1965) của 
ông viết theo thang âm ngũ cung, phối hợp 
các nhạc khí dân tộc cổ truyền với dàn 
nhạc giao hưởng Tây phương, được trình 
ÂM NHẠC GIAO HƯỞNG TẠI SÀI GÒN - VÀI GÓP NHẶT TỪ TƯ LI U 
108 
diễn nhiều lần trước khán giả Việt Nam và 
quốc tế và được đánh giá cao bởi các nhà 
báo viết âm nhạc nước ngoài. Đặc biệt, 
trong tác phẩm “ pollo 14” (1971) do ông 
sáng tác và thu âm trực tiếp còn đưa những 
âm thanh thường được nghe trong các 
phim khoa học giả tưởng vào tác phẩm 
giao hưởng (là điều chưa có ai thực hiện 
trước đó). Tứ tấu dây “Fantasia I” (1974) 
được ông hoàn tất với nhiều thử nghiệm 
mới lạ trong cách diễn tấu. Ngoài ra các tác 
phẩm giao hưởng của nhạc sĩ - nhà chỉ huy 
dàn nhạc Nghiêm Phú Phi, còn có giao 
hưởng của nhạc sĩ Lê Văn Khoa 
(“Symphony Viet Nam 1975” - được sáng 
tác trong 20 năm và trình diễn lần đầu ở c 
năm 1995), một số tác phẩm khác viết ở 
hình thức lớn như: hợp xướng “Cửu Long 
Giang” (5 chương, Phan Miêng, 1972), 
trường ca, vũ kịch: “Kim Trọng Thúy 
Kiều” (1962 - 1966, Phạm Thế Mỹ); ca 
kịch nhỏ: “Hoa bướm và thiếu nữ” (1960, 
Phạm Thế Mỹ), “Nước mắt người 
yêu” (1961, Phạm Thế Mỹ); nhạc kịch: 
 “Sắc lụa trữ la” (1958-1960, Phạm Thế 
Mỹ); các tác phẩm phối khí kết hợp giữa 
nhạc cụ dân tộc (chuông chùa, mõ, sáo 
Việt, trống chầu...) với dàn nhạc giao 
hưởng và nhiều hợp xướng tôn giáo viết ở 
hình thức lớn của linh mục nton Nguyễn 
Tiến Dũng... 
Trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc 
chuyên nghiệp cùng khoảng thời gian này 
tại miền Bắc, đáng lưu ý có: phong trào 
sáng tác hợp xướng và sự ra đời của những 
tác phẩm thể nghiệm khai sinh cho các thể 
loại nhạc đàn và tổng hợp thanh - khí nhạc 
như: thể loại giao hưởng một chương, tổ 
khúc giao hưởng và thanh nhạc, thơ giao 
hưởng Một trong những biểu hiện của 
tính chuyên nghiệp trong âm nhạc miền 
Bắc thời kỳ này chính là mối quan tâm đến 
các thể loại âm nhạc ở hình thức lớn như: 
giao hưởng nhiều chương, nhiều phần, hợp 
xướng kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, 
kịch múa và quy mô nhất là thể loại nhạc 
kịch (opéra). Ngay từ đầu thập niên sáu 
mươi, các nhạc sĩ miền Bắc đã tự đặt ra 
cho mình cái đích cuối cùng phải tiến tới là 
nhạc kịch Việt Nam. 
Biểu diễn 
Giai đoạn từ 1945- 1975, các hoạt 
động biểu diễn văn hóa văn nghệ ở Sài 
Gòn diễn ra khá mạnh mẽ. Với sự góp mặt 
từ rất sớm của các phòng trà, tiệm nhảy, 
cao lâu... nền nhạc mới phía Nam có nhiều 
điều kiện tiếp xúc và giao lưu với âm nhạc 
phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực ca 
khúc. Các hãng đĩa lớn đều được thành lập 
tại Sài Gòn như: Việt Nam, sia, Sóng 
Nhạc, Sơn Ca, Continental, Thiên Thai, Vô 
Tuyến cũng hoạt động thu âm và phát 
hành băng đĩa khá tích cực. Mỗi đài phát 
thanh lớn đều có ban nhạc cổ điển Tây 
phương được dàn dựng và chỉ huy bởi 
những nhạc sĩ tên tuổi đương thời như: đài 
phát thanh Pháp Á - nhạc sĩ Trần Cang, đài 
phát thanh Quân Đội - nhạc sĩ Văn Phụng, 
Dương Thiệu Tước (chương trình “Cổ kim 
hòa điệu”), đài phát thanh Sài Gòn - nhạc 
sĩ Nguyễn Văn Đông, Vũ Văn Tuynh... 
Hơn nữa, với việc thành lập Trường Quốc 
gia Âm nhạc, hoạt động biểu diễn âm nhạc 
chuyên nghiệp được chú trọng và trau dồi, 
đội ngũ những người biểu diễn âm nhạc 
phía Nam đã được bổ sung một cách đầy 
đủ và bài bản. Một số nhạc sư đang giảng 
dạy tại trường cũng là nghệ sĩ biểu diễn 
chuyên nghiệp đoạt giải thưởng quốc tế 
như: Đỗ Thế Phiệt (violin, giải Grand Prix 
du Violon 1954 và giải Danh dự về nhạc 
Thính Phòng 1957)... 
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn 
diễn ra khá sôi nổi trong nước, âm nhạc 
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG 
109 
miền Nam còn đẩy mạnh hoạt động giao 
lưu quốc tế như: Đoàn Văn nghệ Việt Nam 
tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại 
Osaka, Nhật Bản năm 1970 (gồm 100 nghệ 
sĩ tân cổ nhạc và vũ cổ truyền). 
Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc 
chuyên nghiệp tại miền Bắc, có 1 một số sự 
kiện đáng chú ý xảy ra trong khoảng thời 
gian này như: Ngày 2 9 1945 ban nhạc 
Giải phóng quân đã chơi bài Tiến uân ca 
(hòa tấu kèn, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ 
Đinh Ngọc Liên) trong buổi lễ thành lập 
nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản hòa 
tấu “Vũ khúc tưng bừng” (chịu ảnh hưởng 
của thể loại valse thành Vienne) do nhạc sĩ 
Lương Ngọc Trác sáng tác cho dàn nhạc 
đã được trình diễn trong đêm Tuyên ngôn 
Độc lập. Sau đó là sự ra đời hàng loạt các 
đơn vị hoạt động biểu diễn âm nhạc chuyên 
nghiệp ở miền Bắc như: Dàn nhạc Giao 
hưởng Việt Nam được hình thành với 114 
nhạc công (1959), Dàn Hợp xướng (1961), 
2 năm sau hai đoàn này sát nhập, cộng 
thêm bộ phận múa để hình thành Nhà hát 
Giao hưởng - Hợp xướng - Vũ kịch Việt 
Nam (1963, tại Hà Nội) là tiền thân của 
Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc 
vũ kịch Việt Nam ngày nay; thành lập các 
đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp như: 
Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam 
(1960), Đoàn ca múa Hà Nội (1960), Đoàn 
Ca múa Trung ương và Đoàn ca nhạc dân 
tộc Trung ương (1962)... 
4. Thay lời kết 
Cho đến năm 1975, tại Việt Nam đã tồn 
tại 2 trung tâm hoạt động âm nhạc kinh viện 
khá hiệu quả là Hà Nội và Sài Gòn. Tuy 
quan điểm chính trị và phương hướng hoạt 
động khác nhau nhưng mỗi nơi đều có thế 
mạnh riêng, thành tựu riêng đáng được trân 
trọng và ghi nhận. Đối với Sài Gòn, đã hình 
thành một nền âm nhạc giao hưởng hoàn 
chỉnh với những nhạc sĩ có tên tuổi, được 
đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài, 
có nhiều tác phẩm được quốc tế công nhận. 
Một trong những thành tựu đáng tự hào của 
âm nhạc giao hưởng Sài Gòn trong giai 
đoạn này chính là tính “thời sự” thể hiện 
trong tác phẩm, từ nội dung đến hình thức 
và cả những kỹ thuật sáng tác, thể hiện sự 
cập nhật của người nhạc sĩ đối với những 
bước tiến mới trong âm nhạc thế giới. Tuy 
nhiên, điều đáng buồn là hiện nay, các tư 
liệu âm thanh cũng như văn bản âm nhạc 
của thời kỳ này gần như đã thất lạc hết (do 
sự thay đổi về thời cuộc cũng như sự hạn 
chế trong quá trình lưu trữ), những ghi chép 
về tác giả-tác phẩm của giai đoạn này chỉ 
mang tính tản mạn, thể hiện hồi ức cá nhân 
của người trong cuộc, thiếu hẳn sự thẩm 
định và phân loại một cách hệ thống và 
khoa học. Chính vì vậy, mong sao các cơ 
quan chức năng, các đơn vị trong ngành và 
các cá nhân có tâm huyết với nghệ thuật 
cùng chung tay tìm kiếm, sưu tầm, khôi 
phục và phổ biến lại những giá trị âm nhạc 
đã mất. Như nhà soạn nhạc Gioachino 
Rossini đã từng nói: “Ngôn ngữ của âm 
nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế 
hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, 
bởi nó được hiểu bằng trái tim” (2). 
Krakow-3.2017 
Chú thích: 
(1) “ symphony must be like the world. It must 
contain everything” 
(2) “The language of music is common to all 
generations and nations; it is understood by 
everybody, since it is understood with the 
heart”. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Thụy Kha (2009), “60 năm âm nhạc Việt 
Nam - Nửa của chiến tranh, nửa thuộc thanh 
bình”, Tạp chí Sông Hương, số 199. 
ÂM NHẠC GIAO HƯỞNG TẠI SÀI GÒN - VÀI GÓP NHẶT TỪ TƯ LI U 
110 
2. Ngô Hoàng Linh (2015), “Sự phát triển nghệ 
thuật âm nhạc giao hưởng ở Việt Nam”, Tạp 
chí Sóng Nhạc, số 124. 
3. Nguyễn Thị Nhung (2001), Âm nhạc Thính 
phòng Giao hưởng Việt Nam - Sự hình thành 
phát triển - tác giả - tác phẩm, Nxb Viện 
Âm nhạc. 
4. Nguyễn Đình San (2006), Nhạc Việt Nam 
những vùng sáng tối, Nxb Thanh Niên. 
5. Hữu Trịnh (2004), Sơ lược về tác phẩm âm 
nhạc giao hưởng Việt Nam, website 
giaidieuxanh.vn. 
6. Nguyễn Thế Tuân (2006), Nhạc Giao hưởng 
Việt Nam - 1 tiến trình lịch sử, luận án tiến sĩ 
chuyên ngành nghệ thuật âm nhạc, Học viện 
Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 
7. Tư liệu phỏng vấn NGƯT Nguyễn Văn Đời 
tại Nhạc viện TP.HCM ngày 6 8 2016. 
8. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam - Truyền 
thống và hiện đại, Nxb Viện Âm nhạc. 
9. Trần Nhật Vy (2000), “Tân nhạc Việt Nam từ 
năm 1911”, báo Tuổi trẻ xuân Canh Thìn. 
10. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2007), Tự hào nửa thế 
kỷ Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt 
Nam xuất bản. 
11. Viện Âm Nhạc (2000), Âm nhạc mới Việt Nam-
tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc. 
12. Viện Âm Nhạc (2004), Hợp tuyển tài liệu 
nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt 
Nam thế kỷ XX, Nxb Viện Âm nhạc. 
13. Viện Âm Nhạc (2005), Những tác phẩm giao 
hưởng Việt Nam, Nxb Viện Âm nhạc. 
14. Viện Âm Nhạc (2007), Âm nhạc Việt Nam: 
tác giả-tác phẩm, Nxb Viện Âm nhạc. 
15. Viện Âm Nhạc (2010), “Tổng tập Âm nhạc 
Việt Nam: Tác giả - Tác phẩm, Nxb Viện 
Âm nhạc. 
Website 
1. www.vienamnhac.vn 
2. www.tiengquehuong.wordpress.com 
3. www.giaidieuxanh.vn 
4. www.dinh.dk 
5. www.tranquanghai.info 
6. www.hoinhacsi.com.vn 
7. www.vnam.edu.vn 
8. www.hcmcons.vn 
9. www.nguyenthiendao.com 
10. www.tonthattiet.com 
11. www.dongnhacxua.com 
 www.brainyquote.com 
Ngày nhận bài: 14/3/2017 Biên tập xong: 15/8/2017 Duyệt đăng: 20 8 2017 

File đính kèm:

  • pdfam_nhac_giao_huong_tai_sai_gon_vai_gop_nhat_tu_tu_lieu.pdf