Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát xoan

Tóm tắt. Bài viết đi vào phân tích nguồn gốc, ý nghĩa cơ bản của 3 câu hát đệm

tiêu biểu trong các bài hát Xoan Phú Thọ. Đó là các câu hát đệm tầm vông, lãi lèn

và tềnh tang. Đây là các câu hát đệm xuất hiện nhiều nhất, tiêu biểu nhất trong các

bài hát Xoan Phú Thọ. Câu hát tầm vông là câu hát đệm thuộc về các bài hát Xoan

ở chặng 1 – hát thờ. Câu hát đệm lãi lèn là câu hát thuộc về chặng 2 – hát Quả

cách. Câu hát đệm tềnh tang là câu hát xuất hiện nhiều nhất ở chặng 3 – hát giao

duyên. Dù chỉ là những câu hát đệm nhưng chúng lại đóng vai trò quan trọng trong

việc hoàn thiện đường nét, giai điệu; mở rộng cấu trúc nhạc và kiến tạo, khắc họa

bố cục cho bài hát Xoan.

pdf 8 trang yennguyen 4720
Bạn đang xem tài liệu "Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát xoan", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát xoan

Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát xoan
50 
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2019-0045 
Social Sciences, 2019, Volume 64, Issue 8, pp. 50-57 
This paper is available online at  
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA CỦA CÂU HÁT ĐỆM 
TIÊU BIỂU TRONG CÁC BÀI HÁT XOAN 
Trần Thị Diễm Hạnh 
Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hùng Vương, Việt Trì, Phú Thọ 
Tóm tắt. Bài viết đi vào phân tích nguồn gốc, ý nghĩa cơ bản của 3 câu hát đệm 
tiêu biểu trong các bài hát Xoan Phú Thọ. Đó là các câu hát đệm tầm vông, lãi lèn 
và tềnh tang. Đây là các câu hát đệm xuất hiện nhiều nhất, tiêu biểu nhất trong các 
bài hát Xoan Phú Thọ. Câu hát tầm vông là câu hát đệm thuộc về các bài hát Xoan 
ở chặng 1 – hát thờ. Câu hát đệm lãi lèn là câu hát thuộc về chặng 2 – hát Quả 
cách. Câu hát đệm tềnh tang là câu hát xuất hiện nhiều nhất ở chặng 3 – hát giao 
duyên. Dù chỉ là những câu hát đệm nhưng chúng lại đóng vai trò quan trọng trong 
việc hoàn thiện đường nét, giai điệu; mở rộng cấu trúc nhạc và kiến tạo, khắc họa 
bố cục cho bài hát Xoan. 
Từ khóa: Hát Xoan, câu hát đệm, tầm vông, lãi lèn, tềnh tang, quả cách. 
1. Mở đầu 
Hát Xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình 
thức nghệ thuật đa yếu tố: nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ 
biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ. Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ VI của 
Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại 
Bali - Indonesia, hồ sơ hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản 
văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tháng 2/2018, hát Xoan chính thức được công 
nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. 
Giá trị của một bài hát dân ca nói chung, bài hát Xoan nói riêng được tạo bởi các 
yếu tố như ca từ, giai điệu, nhan đề, Các câu hát đưa đẩy, câu hát đệm trong các bài 
hát dân ca tuy không phải là yếu tố chính trong ca từ nhưng lại là yếu tố không thể 
thiếu. Thực tế cho thấy, dân ca mỗi vùng miền sẽ có những câu hát đệm, câu hát đưa 
đẩy đặc trưng. Quan họ Bắc Ninh có câu đệm tính a tinh tính tình tính tinh, các điệu hò 
của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ có câu đệm hò ơ  
Về vấn đề câu hát đệm và câu hát đưa đẩy trong Xoan đã có một số tác giả đề cập 
đến như Tú Ngọc [5, tr.145 – tr.151], Trần Quang Hải [10, tr.65 – tr.70], Thụy Loan [6, 
tr.134 – 136], Huyền Nga [4, tr.216 – tr.218], Dương Huy Thiện [7, tr.112], Nguyễn 
Khắc Xương [9, tr.119]. Tuy nhiên tất cả các ý kiến này mới chỉ nhắc đến các thành 
Ngày nhận bài: 19/6/2019. Ngày sửa bài: 29/7/2019. Ngày nhận đăng: 1/8/2019. 
Tác giả liên hệ: Trần Thị Diễm Hạnh. Địa chỉ e-mail: hanh.tran@ngs.edu.vn. 
Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát Xoan 
51 
phần bổ trợ cho ca từ chính của hát Xoan: từ phụ, tiếng đưa hơi và tiếng đệm lót. Các 
bài viết chưa đề cập đến thành phần bổ trợ ca từ với vai trò là một câu hát đệm trong các 
bài hát Xoan. Bài viết này mong muốn làm đầy khoảng trống mà các tác giả trên còn 
chưa đề cập. Bài viết sẽ đi vào giới thiệu một vài nét về các câu hát đệm (nguồn gốc, vị 
trí, cấu tạo và vai trò) phổ biến trong hát Xoan để thấy được sự đa dạng mà khác biệt 
của chúng. Đây cũng chính là một trong những yếu tố cơ bản dẫn đến sự khác biệt giữa 
bài hát Xoan với bài dân ca ở một vùng đất khác. 
2. Nội dung nghiên cứu 
2.1. Khái quát về câu hát đệm trong các bài hát Xoan 
2.1.1. Quan niệm về câu hát đệm 
Theo tác giả Dương Viết Á, câu hát đệm là “những câu hát phụ có tác dụng đưa 
đẩy, bổ sung cho giai điệu (rymth), làm nên giọng (tone) chính, thành phần chính của 
lời ca trong một bài hát” [1, tr.59]. 
Từ quan điểm trên, chúng tôi cho rằng: câu hát đệm là những câu hát có tác dụng 
đưa đẩy, chuyển đoạn hoặc kết bài bổ sung cho thành phần ca từ chính của một bài hát. 
Câu hát đệm thường xuất hiện trong các loại hình âm nhạc dân ca nhiều hơn loại hình 
âm nhạc hiện đại. Đặc trưng của nó là sử dụng phép điệp cấu trúc câu và phép lặp. Câu 
hát đệm có thể được lặp lại từ 2 – 20 lần tùy theo dung lượng và độ dài của một bài hát. 
2.1.2. Phân loại câu hát đệm trong các bài hát Xoan 
- Câu hát đệm tiêu biểu trong từng bài hát Xoan: Mỗi bài hát Xoan có một vài cụm 
từ phụ, câu hát đệm tiêu biểu. Ví dụ: bài Hát đúm có câu Vậy có thơ đúm rằng, bài Bợm 
gái có câu Bái xa ta xá bái xa, bài Hát ru có câu Ru hời tình ru hỡi ru tình ru, ... 
- Câu hát đệm trong từng chặng của một cuộc hát Xoan 
Trong phạm vi khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào tìm hiểu loại 
thứ hai. 
2.1.3. Thống kê sơ bộ loại câu hát đệm trong các bài hát Xoan về mặt số lượng 
43 bài hát Xoan được ghi âm và kí xướng được chia làm 3 chặng hát (chặng 1 – hát 
thờ; chặng 2 – hát quả cách; chặng 3 – hát hội), có 3 câu hát đệm xuất hiện với tần số 
cao nhất là: 
a. Là tập tầm vông 
b. Tềnh là tang tềnh, tềnh là tềnh tang 
c. Len là len hỡi a len la, 
Dưới đây là bảng thống kê các câu hát đệm tiêu biểu trong từng chặng hát của một 
cuộc hát Xoan. 
Chặng 
hát 
Bài hát Câu hát đệm 
Tần số 
- Tỉ lệ % 
Chặng 1 – 
hát thờ 
Hát nhập tịch chào vua, Hát chúc thành 
hoàng, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ 
nhang, Mời rượu, Đóng đám. 
Là tập tầm 
vông 
24 – 22,6 
Chặng 2 – 
Hát quả 
cách 
Kiều Giang cách, Trường mai cách, 
Nhàn ngâm cách, Xoan thời cách, Hạ 
thời cách, Thu thời cách, Đông thời 
Trần Thị Diễm Hạnh 
52 
cách, Tứ mùa cách, Ngư tiều canh mục 
cách, Đối dãy cách, Hồi liên cách, 
Thuyền chèo cách, Tứ dân cách, Chơi 
giâu xướng cách 
Len là len hỡi 
a len la 
46 – 43,5 
Chặng 3 – 
Hát hội 
Trống quân đón đào, Bợm gái, Thết 
trầu, Bỏ bộ (gồm: Đường đi trên suối, 
Trèo lên cây bưởi, Trồng bông luống 
đậu, Giương cung bắn cò, Cầu bạch 
cầu bông, Xe ván bắc cầu, Xe chỉ vá 
may,Dệt gấm thêu hoa), Hát đúm, Xin 
huê – đố chữ, Đố huê, Gài huê, Giã cá 
(Đánh cá, Mó cá), Hát ru, Hát lý, Phú 
Kiều, Phú Xích Bích, Phú năm canh, 
Bút huê thảo 
Tềnh là tang 
tềnh, tềnh là 
tềnh tang 
36 – 33,9 
Tổng số 43 106 – 
100% 
Các câu đệm trên đều có những biến thể. Đệm a gọi tắt là tầm vông, đệm b gọi tắt là 
tềnh tang và đệm c gọi tắt là lãi lèn. Bài viết sẽ đi vào giới thiệu, mô tả và tìm hiểu 
nguồn gốc, vị trí, vai trò của từng loại câu hát đệm kể trên. 
2.2. Các câu hát đệm tiêu biểu trong từng chặng của một cuộc hát Xoan 
2.2.1. Câu hát đệm Là tập tầm vông 
Câu hát đệm tầm vông xuất hiện 24/106 lần (22,6%) trong 8 bài hát Xoan (~ 3 
lần/bài). Đứng ở vị trí thứ 3 trong so với hai câu hát đệm kia, xét về nguồn gốc, câu hát 
đệm tầm vông là câu đệm phổ biến ở nhiều loại hình dân ca trên cả nước. Đồng dao có 
câu: “Tập tầm vông con công nó múa”. Hát Dậm Nam Hà có câu này hát biến thể: 
Nghe tôi phong pháo 
Cái giông tầm tập 
Cái tập tầm giông. 
Tầm vông là câu đệm mô phỏng âm thanh của tiếng trống cơm. Gọi là trống cơm vì 
khi đánh người ta xoa cơm nguội vào mặt trống. Âm thanh khi đánh lên của tiếng trống 
cơm chính xác là tầm bông. Phạm Đình Hổ đã viết: “Đội bả lịnh có đủ cả trống mõ, lại 
có cả trống phong yêu cổ, giống như trống cơm nhưng mặt hơi to, giữa thắt lưng ong, 
tiếng kêu nhẹ là tầm, nặng là bông, tục gọi là trống tầm bông” [3; tr.49]. 
Quan họ Bắc Ninh cũng có đệm tầm vông với các âm biến thể bông - vông của nó: 
Trống cơm khéo vỗ nên bông 
Một đàn con nít lội sông đi tìm 
Trống cơm khéo vỗ lên vông 
Đàn cầm ai khéo gảy cung sang sừ. 
(Trống cơm - Quan họ Bắc Ninh) 
Vừa bằng cái trống tầm vông 
Đánh ngã đàn ông, đánh ngã đàn bà 
Đánh ngã ông già, đánh ngã kẻ chợ 
Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát Xoan 
53 
Đánh ngã vợ vua. 
 (Câu đố) 
Căn cứ vào các ví dụ nếu trên và xét về thời gian ra đời, câu hát này được Trần 
Quang Hải cho rằng “có thể được coi là câu hát đệm cổ xưa nhất trong các loại hình 
dân ca ở nước ta” [10, tr 69]. 
Xét về vị trí, câu hát tầm vông xuất hiện trong các bài hát Xoan là: Hát nhập 
tịch chào vua, Hát chúc thành hoàng, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Mời rượu 
và Đóng đám. Đây đều là các bài hát Xoan thuộc chặng 1 – chặng hát nghênh thần 
(chặng hát thờ). Ngoài ra câu hát này còn xuất hiện trong bài ca Giã cá (Đánh cá, 
Mó cá). Câu hát tầm vông trong bài ca này cho thấy câu hát đệm thường dùng ở các 
bài hát thờ có tính chất trang nghiêm, khẩn nguyện. Ở các bài hát Xoan này, câu 
đệm tầm vông thường nằm ở vị trí đoạn giữa (thân) bài. Ví dụ: 
Trống tôi vỗ bên vông 
thờ vua thờ chúa 
Trống tôi vỗ bên tầm 
thờ đức đại vương 
Cơm nguội mớm cho 
tôi vỗ nó kêu 
Là tầm vông tập. 
 (Giáo trống) 
Câu hát đệm tầm vông đặt giữa câu này với câu kia có tác dụng thay đổi sắc thái 
giai điệu, tiết tấu của ca từ hoặc cả bài hát. Tiếng đệm lót với dung lượng lớn (phát triển 
kéo dài) dù đặt ở đầu hay ở cuối điệu hát lại nghiêng về tác dụng làm cân bằng cấu trúc 
đoạn nhạc. Đó là trường hợp các điệu hát Giã cá (Đánh cá, Mó cá) và Đóng đám. Ví dụ: 
Đánh cá bóng giăng 
(Kìa hỡi í a chúng ta) 
Cá thời (mà) chẳng được thung thăng bắt đào 
là vông í a vông tầm, vông vông tập í a tầm vông 
 (Giã cá) 
Hội minh loan, thánh minh 
Nhà vàng tiệc ngọc 
(Lòng đã nên lòng) 
Náo nức (mời hồi là) huê mơ. 
 Là vông vông tầm 
 (Đóng đám) 
Xét về cấu tạo, câu hát này có hai biến thể: dạng ngắn: là tầm vông tập, là vông 
vông tầm trong các bài hát thuộc chặng hát thờ; và dạng dài: là vông í a vông tầm, vông 
vông tập í a tầm vông trong bài hát Giã cá. Có thể nói, câu hát đệm ngắn phù hợp với 
tính chất trang nghiêm, cần nguyện của bài hát và chặng hát thờ. Câu hát đệm dạng dài 
thích hợp vớ bài ca lao động có nhịp điệu khỏe khoắn, vui tươi. 
Trần Thị Diễm Hạnh 
54 
 Xét về ý nghĩa, có thể thấy câu hát này tuy không mang ý nghĩa biểu đạt, nhưng 
lại có tác dụng kéo dài nhịp cho ca từ chính, giúp cho sự ngân nga được thêm cộng 
hưởng. Câu hát này ngoài tác dụng đưa đẩy còn có tác dụng khẳng định phong cách hát 
Nói (nói và ngâm ngợi) ở các bài hát Xoan chặng hát thờ - chặng hát nghênh thần. 
2.2.2. Câu hát đệm Tềnh tang 
Câu hát đệm tềnh tang là biến thể của câu hát đệm tình tang cũng phổ biến trong 
nhiều loại dân ca trên cả nước. Đó là âm thanh mô phỏng tiếng đàn dây mà ra. Xét về 
nguồn gốc, tác giả Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã viết: “Nước ta có thứ đàn 
đáy, đàn tranh đều gảy bằng dây tơ. Đại lược có 4 tiếng chính là: tinh tính tình tinh, lại 
đặt ra 3 tiếng phụ là: tềnh tang tênh, 7 tiếng ấy thay đổi chủ khách mà nảy ra xoang 
điệu” [3; tr.54]. 
Xét về vị trí, câu hát đệm tềnh tang là một sáng tạo của nghệ nhân hát Xoan ở điệu 
Bỏ bộ. Cái hay và đặc sắc trong âm nhạc của Bỏ bộ là nghệ nhân Xoan đã sáng tạo ra 
một cầu nối rất linh động là tám từ nối: “tềnh là tang tềnh, tềnh là tềnh tang ”. Với cầu 
nối này, người nghệ sĩ hát Xoan có thể bẻ làn nắn điệu ra hàng trăm câu hát bỏ bộ khác 
nhau. Bỏ bộ nghĩa là hát đâu điệu bộ đó, như xe chỉ thì tay đưa mô phỏng động tác xe 
chỉ; giương cung bắn cò thì người hát Xoan làm động tác như người cầm cung đi săn. 
Về cấu tạo, câu hát đệm tềnh tang không có biến thể, nó chỉ đảo vị trí của hai chữ tềnh 
tang và tang tềnh ở cuối câu hát mà thôi. 
Câu hát tềnh tang đóng vai trò là câu hát đệm lót có khi mở đầu bài hát, trổ hát để 
làm đà bắt vào lời ca có nội dung ngữ nghĩa: 
Tềnh là tềnh tang, tềnh là tang tềnh 
Trồng bông luống đậu, luống cà 
Ai làm cho luống công ta thế này 
Ai làm cho luống công đây 
 (Trồng bông luống đậu) 
Tềnh là tang tềnh, tềnh là tềnh tang 
Bắc cầu xẻ ván anh mong 
Em sang chả được anh bồng em sang 
 (Xẻ ván bắc cầu) 
Cũng có khi câu hát này được đặt ở cuối trổ hát với dung lượng không lớn (từ một 
đến hai dòng theo thể 6 - 8). Kết quả khảo sát cho thấy có 36/106 lần (~33,9%) xuất 
hiện câu đệm tềnh tang trong điệu hát Bỏ bộ. Câu hát này đứng vị trí số 2 trong các câu 
hát đệm tiêu biểu của một cuộc hát Xoan. Điều này cũng phần nào phản ánh khả năng 
tri nhận của người xưa. Đó là người xưa có thể bài bản, mực thước trong lễ nghi (chặng 
hát thờ) nhưng cũng rất cởi mở, say mê trong lao động và giao duyên. Câu hát đệm này 
mang ý nghĩa là câu đưa đẩy trong các bài hát Xoan với đề tài lao động và giao duyên là 
chủ yếu. Các bài hát xuất hiện câu đệm này có thể kể tới như Đường đi trên suối, Trèo 
lên cây bưởi, Giương cung bắn cò, Trồng bông luống đậu, Cầu Bạch cầu Bông, Dệt 
gấm thêu hoa, Xe chỉ vá may, Xẻ ván bắc cầu. Có thể nói, câu hát đệm tềnh tang là câu 
nhận diện các bài thuộc điệu hát Bỏ bộ trong hát Xoan. 100% câu hát đệm tềnh tang 
xuất hiện trong các bài hát Xoan ở chặng 3 – hát vui chơi, giao duyên. Xét về ý nghĩa, 
Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát Xoan 
55 
các bài hát thuộc tổ khúc Bỏ bộ nhờ có thi pháp « hứng » (tức cảnh sinh tình) của ca dao 
xưa và câu hát tềnh tang mới có thể kéo dài ra hàng trăm câu hát không trùng lặp. 
2.2.3. Câu hát đệm Lãi lèn 
Cậu hát đệm lãi lèn xuất hiện 46/106 lần (43,5%), đứng vị trí thứ nhất trong các câu 
hát đệm đã nêu. Về nguồn gốc của câu đệm lãi lèn còn nhiều ý kiến, quan niệm khác 
nhau. Trong các bài hát Xoan, câu hát đệm này thường được nghệ nhân hát đầy đủ là 
“len hỡi là len lãi lèn/ấy giã tiệc này vua là đại vương”Trong bài hát Đối dãy cách có 
câu: “Hầu làng một giải để chúng tôi lãi lèn”. Theo nghệ nhân ở xã Phù Đức (thành phố 
Việt Trì, Phú Thọ), nguyên câu này là: “Lê là lê hỡi là lê” và cho đó là câu đệm nhắc 
đến nhà Lê. Lời giải thích muốn nói về thời điểm hát Xoan ra đời (có quan niệm là đầu 
thời Tiền Lê). Giải thích như vậy có phần gượng ép, nhưng có thể câu đệm nguyên gốc 
là “là lê”. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng câu đệm lãi lèn để giải thích về địa điểm 
phát tích của hát Xoan (miếu Lãi Lèn – thành phố Việt Trì) [8, tr 101]. 
Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có chép: “Đánh ba hồi trống, hát khúc 
Chướng tử, tục gọi Sơ cách luyện la lê” [2, tr.257]. Có lẽ đây cũng là một kiểu hát có 
câu đệm “la lê” chăng? Đáng chú ý là ở làng Nội, xã Chương Lý, huyện Lý Nhân (Hà 
Nam) có hát Lãi lèn thờ tướng Triệu Quang Phục cũng còn gọi là hát Lê la. Hát Dậm Hà 
Nam, xã Quyển Sơn, huyện Kim Bảng bài Hỡi anh xinh có câu đệm rằng: “La hồi la lết 
lê la là ái hồi la”, cũng là biến thể của đệm gốc “Lê la” [6, tr119]. Hát Dô Hà Tây cũng 
có đệm “lên là”: 
Hỡi bạn nàng hỡi 
Một đường (là lên) 
Lấy chén (là lên là lên lên là). 
Về vị trí, trong các bài hát Xoan thuộc chặng hát quả cách, đệm lãi lèn là câu hát 
đệm chính. Câu hát đệm lãi lèn thường xuất hiện ở vị trí giữa bài và cuối bài. Nếu xuất 
hiện ở vị trí giữa bài thì câu hát đệm này sẽ đứng độc lập và có tác dụng chuyển trổ hát, 
đoạn hát. Ví dụ : 
Xoan đã ra về thời lại lại 
Chớ ở lâu ngày não cố nhân 
Mới lại hành la la 
Len la, len hỡi là len á len la 
 (Xoan thời cách – Mừng Xoan cách) 
Hoặc : 
Kim phong thôi tàn ngồi hóng mát 
Ngày tháng nhận xem hết cảnh hè 
Là hơi lê là len lê la 
 (Hạ thời cách) 
Các bài hát Xoan xuất hiện câu hát đệm lãi lèn ở vị trí giữa bài là các bài hát chỉ 
mùa như: Xoan thời cách (Mừng Xoan cách), Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời 
cách (Đưa đông cách) và Tứ mùa xoan cách. Chín bài hát Xoan còn lại thì câu đệm lãi 
lèn luôn đứng cuối bài, gồm: Kiều Giang cách, Trường mai cách, Ngư tiều canh mục 
cách, Đối dãy cách, Nhàn ngâm cách, Tứ dân cách, Hồi liên cách, Thuyền chèo cách 
Trần Thị Diễm Hạnh 
56 
(Hò đò cách), Chơi giâu xướng cách. Ở những bài này, câu hát đi cùng (Ấy giã tiệc này, 
vua là đại vương) sau câu hát đệm lãi lèn cho thấy tính nghi thức của hát Xoan. Hai câu 
hát này cũng chính là hai câu kết thúc bài quả cách. Ví dụ: 
Trông ơn đại vương lại được hiển vinh 
Các miền phù hộ dân đinh tứ phường 
Lê la, lê hỡi (là lê, á) lê la 
Ấy giã tiệc này, vua là đại vương 
 (Tứ dân cách) 
Hoặc : 
Chữ rằng: lại được bình an 
Nức lòng bền vững thênh thang bốn mùa 
Lê la, lê hỡi (là lê, á) lê la 
Ấy giã tiệc này, vua là đại vương 
 (Nhàn ngâm cách) 
Mỗi bài hát ở chặng này đều có ít nhất 1 câu hát đệm lãi lèn. Có bài dài, câu hát 
đệm này sẽ xuất hiện 2 – 3 lần. Kết quả khảo sát cho thấy có 46 lần/14 bài câu hát này 
xuất hiện. Câu hát đệm cũng phần nào cho thấy tính chất của dân ca Xoan – dân ca nghi 
lễ phong tục [5]. Có thể nói, câu hát đệm lãi lèn chính là câu hát mang « linh hồn » của 
hát Xoan. Vì chỉ có hát Xoan mới có câu hát đệm riêng và độc đáo như vậy. 
3. Kết luận 
Thông thường câu hát đệm được hiểu theo đúng bản chất của nó là: bộ phận phụ 
được bổ sung vào thành phần chính của lời ca nên nó đứng ở vị trí thứ yếu về mặt biểu 
cảm. Nhưng đứng ở góc độ bố cục, nhiều khi vai trò và vị trí của câu hát đệm ngang 
bằng với ca từ chính. Bởi lúc này, câu hát đệm cũng là một thành phần hữu cơ của bài 
hát. Thiếu nó cấu trúc của tác phẩm sẽ bị biến dạng theo hướng: hoặc bị triệt tiêu hoặc 
chuyển sang một thể khác. 
Như vậy, ba câu hát đệm tầm vông, lãi lèn và tềnh tang là ba câu hát đệm phổ biến 
nhất trong các bài hát Xoan Phú Thọ. Xét về nguồn gốc, câu hát đệm tầm vông và câu 
hát đệm tềnh tang là hai câu hát bắt nguồn từ việc mô tả âm thanh của tiếng trống cơm 
và tiếng đàn dây. Câu hát đệm lãi lèn được cho là có nguồn gốc lịch sử, nơi phát tích 
của hát Xoan. 
Câu hát đệm tầm vông là câu hát xuất hiện trong các bài hát thuộc chặng 1 – hát thờ 
của Xoan. Câu hát đệm lãi lèn xuất hiện 100% trong các bài hát thuộc chặng 2 – hát quả 
cách. Câu hát đệm tềnh tang xuất hiện trong điệu hát Bỏ bộ - điệu hát thuộc chặng 3 – 
hát giao duyên. Xét về vị trí và ý nghĩa, câu đệm tầm vông chủ yếu nằm ở giữa bài hát, 
có vai trò kết thúc trổ hát trước và chuyển sang trổ hát kế tiếp. Câu đệm lãi lèn nằm ở 
giữa và cuối bài quả cách, có tác dụng chuyển đoạn và kết thúc cả bài hát. Câu đệm 
tềnh tang luôn nằm ở đầu bài hát, là câu hát mở đầu đưa đẩy, tạo đà để nhân vật trữ tình 
biểu lộ. Vị trí của 3 câu hát đệm khác nhau và có thể chúng không có nghĩa nhưng 
chúng cùng có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện đường nét, giai điệu; mở rộng 
cấu trúc nhạc và kiến tạo, khắc họa bố cục cho bài hát Xoan. 
Bước đầu tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của câu hát đệm tiêu biểu trong các bài hát Xoan 
57 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Dương Viết Á, 2007. Ca từ trong âm nhạc Việt Nam. Nxb Âm nhạc, Hà Nội. 
[2] Lê Quý Đôn, 2008. Lê Quý Đôn tuyển tập (Nguyễn Khắc Thuần biên dịch và chú 
giải), tập 4, Kiến văn tiểu lục. Nxb Giáo Dục, Hà Nội 
[3] Phạm Đình Hổ, 1972. Vũ trung tùy bút. Nxb Văn học, Hà Nội. 
[4] Huyền Nga, 2013. Cấu trúc dân ca người Việt. Nxb Lao động, Hà Nội. 
[5] Tú Ngọc, 1997. Hát Xoan – dân ca nghi lễ phong tục. Nxb Âm nhạc, Hà Nội. 
[6] Nhiều tác giả, 2018. Tổng tập hát Xoan Phú Thọ. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch 
Phú Thọ, Việt Trì. 
[7] Dương Huy Thiện, 2015. Hát Xoan – Dân ca cội nguồn. Nxb Khoa học xã hội, Hà 
Nội. 
[8] Viện Âm nhạc, 2017. Tổng tập hát Xoan Phú Thọ. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 
[9] Nguyễn Khắc Xương, 2008. Hát Xoan Phú Thọ. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch – 
Hội Văn nghệ Dân gian Phú Thọ. 
[10] Vietnamese Institute for Musicology, 2010. Proceedings international scientific 
conference: Xoan Singing in Phú Thọ. Department of Culture, Sports and Tourism 
in Phú Thọ province. 
ABSTRACT 
The first step is to understand the origin and meaning 
of typical accompaniment sentences in Xoan singing 
Tran Thi Diem Hanh 
Hung Vuong High school for the Gifted, Viet Tri, Phu Tho 
The articleanalyses the origin and basic meaning of three typical accompaniment 
songs in Phu Tho Xoan singing. There are extra sentences: tầm vông, lãi lèn, and tềnh 
tang. These are the most popular and most typical singing sentences in Phu Tho Xoan 
singing. The sentence tầm vông is a accompaniment that belongs to Xoan singing on the 
first stage - worship song. The extra sentence lãi lèn is the verse that belongs to the 
second stage – quả cách singing. The extra sentence tềnh tang appears the most in the 
third stage - love song. Although they are only accompaniment sentences, they play 
important roles in perfecting lines and melodies, expanding the structure of music, 
creating and depicting compositions for Xoan singing. 
Keywords: Xoan singing, extra sentences song, tầm vông, lãi lèn, tềnh tang, quả cách. 

File đính kèm:

  • pdfbuoc_dau_tim_hieu_nguon_goc_y_nghia_cua_cau_hat_dem_tieu_bie.pdf