Đặc điểm của dịch ca khúc và bản dịch ca khúc Anh-Việt
Tóm tắt: Bài viết của chúng tôi trình bày đặc điểm của dịch ca khúc và bản dịch ca khúc Anh-Việt.
Trên cơ sở lý thuyết dịch ca khúc và chiến thuật dịch ca khúc của Peter Low, chúng tôi chọn 3 bản dịch ca
khúc Anh - Việt để tìm hiểu các đặc điểm trong chuyển dịch. Việc phân tích 3 bản dịch cho thấy bản dịch
nghĩa chứng tỏ sự giống nhau về mặt ngữ nghĩa như nội dung, nhân vật, kịch bản. Ở bản dịch phỏng, dịch
giả đã giữ lại được chủ điểm, kịch bản và nhân vật. Còn với bản dịch thoát ly, nội dung ca khúc được làm
mới hoàn toàn. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tất cả các bản dịch đều tuân theo nguyên lý Pentathlon mà Low
đề xuất - ưu tiên yếu tố giai điệu, các yếu tố còn lại hỗ trợ lẫn nhau. Kết quả nghiên cứu còn chỉ rõ vần điệu
là yếu tố khó đảm bảo nhưng trong ba bản dịch lời Việt vần điệu lại được đảm bảo rất tốt.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đặc điểm của dịch ca khúc và bản dịch ca khúc Anh-Việt
ĐẶC ĐIỂM CỦA DỊCH CA KHÚC VÀ BẢN DỊCH CA KHÚC ANH-VIỆT Đoàn Thúy Quỳnh* Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam Nhận bài ngày 17 tháng 1 năm 2019 Chỉnh sửa ngày 27 tháng 3 năm 2019; Chấp nhận đăng ngày 29 tháng 3 năm 2019 Tóm tắt: Bài viết của chúng tôi trình bày đặc điểm của dịch ca khúc và bản dịch ca khúc Anh-Việt. Trên cơ sở lý thuyết dịch ca khúc và chiến thuật dịch ca khúc của Peter Low, chúng tôi chọn 3 bản dịch ca khúc Anh - Việt để tìm hiểu các đặc điểm trong chuyển dịch. Việc phân tích 3 bản dịch cho thấy bản dịch nghĩa chứng tỏ sự giống nhau về mặt ngữ nghĩa như nội dung, nhân vật, kịch bản. Ở bản dịch phỏng, dịch giả đã giữ lại được chủ điểm, kịch bản và nhân vật. Còn với bản dịch thoát ly, nội dung ca khúc được làm mới hoàn toàn. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tất cả các bản dịch đều tuân theo nguyên lý Pentathlon mà Low đề xuất - ưu tiên yếu tố giai điệu, các yếu tố còn lại hỗ trợ lẫn nhau. Kết quả nghiên cứu còn chỉ rõ vần điệu là yếu tố khó đảm bảo nhưng trong ba bản dịch lời Việt vần điệu lại được đảm bảo rất tốt. Từ khoá: dịch ca khúc, phỏng dịch, nhạc nhẹ, ca khúc tiếng Anh, bản dịch lời Việt 1. Đặt vấn đề1 Dịch ca khúc là một lĩnh vực đang được quan tâm trong nghiên cứu dịch thuật và hoạt động dịch thuật. Ngoài việc dịch những loại hình ngôn bản như phóng sự, hợp đồng, quảng cáo, bài báo khoa học, sách, giáo trình để phục vục cho cuộc sống và sự phát triển của đất nước, các dịch giả còn đặc biệt quan tâm tới dịch các loại ngôn bản phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân như các tác phẩm nghệ thuật, các tác phẩm văn học, thơ và đặc biệt là ca khúc. Các bản dịch ca khúc ra đời đồng nghĩa với việc nghiên cứu dịch ca khúc được quan tâm. Dịch ca khúc được nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau như sư phạm, âm nhạc và dịch thuật. Trong lĩnh vực dịch thuật, các nghiên cứu về dịch ca khúc tập trung vào việc xác định bản dịch ca khúc là một bản dịch nghĩa, dịch phỏng hay là hoạt động viết lại. Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ tập trung vào việc trả lời câu hỏi: Các bản dịch sao phỏng, dịch nghĩa và dịch thoát ly ca khúc được xác định trên cơ sở nào? Dịch ca khúc phải tuân theo những biện pháp và nguyên tắc * ĐT: 84-912548706 Email: quynh.vnu297@gmail.com nào? Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi chọn ba bản dịch ca khúc tiếng Anh lời Việt của ba nhạc sĩ dịch giả Anh Bằng, Lê Hựu Hà và Phạm Duy để phân tích những đặc điểm về ngôn ngữ trong bản dịch, biện pháp được sử dụng để dịch và những nguyên lý tuân thủ trong dịch. Phương pháp nghiên cứu chúng tôi sử dụng là phương pháp miêu tả, so sánh và nghiên cứu được tiến hành theo cách tiếp cận định tính. Nghiên cứu mang lại giá trị hữu ích về mặt lý luận khi cung cấp cơ sở cho lý thuyết dịch ca khúc; về thực tiễn, nghiên cứu giúp cho các dịch giả ca khúc đưa ra những bản dịch chất lượng. Nguồn tư liệu gốc được lấy từ ấn bản “Học tiếng Anh qua những ca khúc nổi tiếng” của Nxb. Phương Đông xuất bản năm 2011. Nguồn tư liệu tiếng Việt được lấy từ trang web có uy tín “Nhạc ngoại lời Việt”, có kèm khuông nhạc và ghi tên nhạc sĩ sáng tác. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Quan niệm về dịch thuật và các biện pháp dịch thuật Newmark (1985) quan niệm rằng: dịch thuật là “thay thế một văn bản viết hay diễn 81Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 ngôn bằng một văn bản viết hay diễn ngôn có cùng nội dung trong ngôn ngữ khác” (tr. 119). Theo ông, mọi văn bản đều có thể dịch sang một ngôn ngữ khác. Theo Catford (1965), dịch thuật “là sự thay thế ngữ liệu trong một thứ tiếng (ngôn ngữ gốc) bằng ngữ liệu tương đương tiếng khác (ngôn ngữ đích)” (tr. 20). Cristal (1992) cho rằng: “Người dịch không những phải nắm vững ngôn ngữ nguồn, họ còn phải hiểu biết cặn kẽ một lĩnh vực xã hội, văn hoá và tình cảm cần thiết để chuyển tải sang ngôn ngữ đích nếu như muốn chuyển tải một cách có hiệu quả nhất” (tr.144). Như vậy, theo ông, dịch thuật phải tính đến các yếu tố như thành ngữ, điều kiêng kị, các lối sử dụng ngôn ngữ phù hợp ở ngôn ngữ đích. Newmark (1988) đã đề ra 8 biện pháp dịch được chia thành hai đường hướng: dịch ngữ nghĩa (semantic translation) và dịch thông báo (communicative translation). Các biện pháp dịch này cũng được Lê Hùng Tiến (2007) đề cập rất rõ trong “Vấn đề phương pháp trong dịch thuật Anh - Việt” và Nguyễn Ninh Bắc (2014) đề cập trong “Biên dịch lời bài hát Anh-Việt, Việt-Anh”. Dịch ngữ nghĩa nhằm chuyển đổi phạm vi ngữ pháp ngữ nghĩa từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích càng sát càng tốt. Dịch thông báo là cách dịch nhằm tạo cho người đọc bản dịch dễ tiếp nhận nhất, tương tự như người đọc ngôn ngữ gốc. Đối tượng hướng tới của hai đường hướng dịch này cũng khác nhau. Dịch ngữ nghĩa hướng tới việc tạo ra bản dịch sát với bản gốc về nội dung ngữ pháp, ngữ nghĩa, kể cả những nét nghĩa của nền văn hoá vốn có trong bản gốc. Dịch thông báo hướng tới sự truyền thông điệp, hướng tới tác động của nó đối với người tiếp nhận bản dịch, những nét nghĩa văn hoá trong bản dịch thông báo phải được dịch ở ngôn ngữ đích. Dịch ngữ nghĩa bao gồm: dịch đối từ (word-for-word translation), dịch sát nghĩa (literal translation), dịch trung thành (faithful translation) và dịch ngữ nghĩa (semantic translation). Dịch thông báo bao gồm: dịch thông báo (communicative translation), dịch đặc ngữ (idiomatic translation), dịch tự do (free translation) và dịch sao phỏng (adaptation), trong đó dịch sao phỏng là biện pháp dịch chủ yếu dùng để dịch thơ, ca khúc và kịch (Newmark, 1988). Biện pháp này cũng sẽ được trình bày cụ thể trong phần lý thuyết dịch ca khúc của Peter Low. 2.2. Cơ sở lý thuyết về dịch ca khúc 2.2.1. Quan niệm về dịch ca khúc Dịch ca khúc là một lĩnh vực nghiên cứu trong dịch thuật nhưng quan niệm về dịch ca khúc khác với quan niệm thông thường về dịch thuật. Dịch ca khúc tuân thủ những biện pháp và nguyên tắc riêng của nó. Ca khúc là thể loại văn bản mà hình thức (giai điệu) diễn đạt quan trọng hơn nội dung diễn đạt. Khi dịch lời bài hát, người dịch phải tạo ra sự tương đương về hình thức trong bản dịch qua việc khai thác các khả năng sẵn có của ngôn ngữ hoặc sáng tạo ra hình thức mới nếu cần thiết. Tương đương hình thức là tương đương mà cả ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch cũng có các đặc điểm thẩm mĩ do hình thức tạo ra (âm nhạc). Peter Low, học giả Đại học New Zealand, là một trong những chuyên gia nghiên cứu dịch thuật và dịch ca khúc, đã áp dụng khung lý thuyết hệ thống của các nhà hình thức Nga từ những năm 1920 vào lý luận dịch ca khúc của mình, cho rằng: “Dịch ca khúc là sự diễn giải văn bản nguồn để tạo thành một văn bản đích sao cho có thể hát được”. Low (2005) còn định nghĩa bản dịch “có thể hát được” là “sự phù hợp về ngữ âm của lời bài hát được dịch” ( tr. 192-194). Franzon (2008), một chuyên gia nghiên cứu dịch ca khúc người Thổ Nhĩ Kỳ, kế thừa quan điểm của Low, cho rằng “trong dịch ca khúc, người nhạc sĩ - người dịch có thể viết lời dựa theo bản nhạc gốc hoặc đưa ra lời mới sao cho có thể hát được theo bản nhạc gốc” (tr. 376). 2.2.2. Các biện pháp dịch ca khúc Theo Low (2005), dịch ca khúc là kiểu dịch đặc biệt mà văn bản đích được tạo ra có 82 Đ.T. Quỳnh/ Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 thể không có liên quan đến ngữ nghĩa với văn bản gốc. Vì vậy ông cho rằng dịch ca khúc có ba biện pháp: dịch nghĩa, dịch sao phỏng và dịch thoát ly. Và đối với biện pháp dịch ca khúc, dịch giả dịch thành công một ca khúc có thể tự quyết định tính năng nào của văn bản gốc quan trọng và cần giữ lại. Các biện pháp dịch ca khúc của Low được mô tả cụ thể như sau: Biện pháp dịch nghĩa: Dịch nghĩa của một ca khúc đề cập tới sự chuyển đổi lớn từ văn bản nguồn sang văn bản đích, cho phép sự trung thực về ngữ nghĩa. Ở đây, người ta có thể tìm thấy ở văn bản đích có nhiều sự giống nhau về mặt ngữ nghĩa như nội dung, nhân vật, kịch bản. Biện pháp dịch sao phỏng: Dịch sao phỏng một ca khúc đề cập tới sự chuyển đổi từ văn bản nguồn sang văn bản đích mà trong đó dịch giả chỉ giữ lại chủ điểm, kịch bản và nhân vật ở bản gốc khi dịch, các yếu tố văn hoá cũng đã được chuyển đổi thành yếu tố văn hoá của ngôn ngữ dịch. Đây là cách dịch mà dịch giả chủ yếu tập trung tái tạo nội dung được diễn đạt về hình thức. Biện pháp dịch thoát ly: Dịch thoát ly là biện pháp dịch mà bản dịch không mang bất kỳ độ trung thực về ngữ nghĩa hoặc cú pháp nào đối với văn bản nguồn. Ngược lại, văn bản thay thế là văn bản hoàn toàn mới được dịch để hát theo giai điệu có sẵn (Low, 2013). Điểm tương đồng duy nhất với văn bản nguồn là giai điệu. Tuy nhiên, khi phân tích, lời bài hát có cấu trúc khác nhau nhưng thông điệp cảm xúc trong ca khúc là độc nhất. Low chỉ ra rằng các dịch giả bài hát, những người có thể được coi là rành về chữ nghĩa, không cần biết ngôn ngữ nguồn và họ có xu hướng tạo ra lời bài hát mục tiêu theo cách đó. Như vậy, có những ca khúc dịch giả phóng tác mà không bám theo yếu tố ngôn ngữ và dịch thuật, chỉ mượn giai điệu nước ngoài để đặt lời mới cho ca khúc, qua đó truyền đạt những thông điệp văn hóa và xã hội khác nhau. Những biện pháp dịch ca khúc này tương tự như biện pháp dịch sao phỏng của Newmark (1988) mà chúng tôi đã đề cập trong phần lý luận ở trên. 2.2.3. Các nguyên tắc đảm bảo trong dịch ca khúc Mục đích của dịch ca khúc là dịch sao cho người ta có thể hát được ca khúc đó ở bản nhạc có sẵn. Low (2005) đã đề xuất nguyên lý “Pentathlon Principles” (nguyên lý Pentathlon). Sở dĩ Low gọi là nguyên lý Pentathlon vì dịch giả ca khúc phải làm một việc có 5 phần, và 5 phần này được ví như năm môn thể thao phối hợp (Pentathlon) trong thi đấu thể thao Olympic. Nguyên lý Pentathlon trong dịch ca khúc gồm 5 yếu tố: giai điệu, nội dung, độ tự nhiên, nhịp điệu và vần điệu. Theo Nguyên lý Pentathlon, nếu người dịch muốn có một bản dịch với mục tiêu có thể hát được thì họ cần phải phối hợp được 5 yếu tố khi chuyển dịch là giai điệu, nội dung, độ tự nhiên, nhịp điệu và vần điệu, trong đó yếu tố giai điệu của văn bản gốc là quan trọng hơn cả và cần được đảm bảo. Các yếu tố còn lại có chức năng phối hợp với nhau và các yếu tố này hoàn toàn được điều chỉnh bởi dịch giả để tạo thành một bản dịch thành công. Giai điệu: Đây là yếu tố quan trọng nhất của dịch ca khúc mà Low đề xuất trong nguyên lý Pentathlon. Dịch sao cho bản nhạc có thể hát được như giai điệu của bản nhạc gốc. Khả năng có thể hát được được hiểu là sự phù hợp về ngữ âm của lời bài hát (Low, 2005: 192-194). Nội dung (nghĩa): Yếu tố thứ hai của nguyên lý Pentathlon là nội dung (nghĩa). Trong bản dịch ca khúc, người ta cho phép nắn chỉnh nội dung. Low nói rằng bản dịch bài hát là một bản dịch liên ngôn ngữ (interlingual). Điều này khiến một số dịch giả bài hát tạo ra một văn bản đích không liên quan đến ngữ nghĩa với bản gốc. Tuy nhiên theo quan điểm của Low, dịch giả không nên xem thường và bỏ qua nghĩa của văn bản nguồn. Tính tự nhiên: Yếu tố đứng thứ ba trong nguyên lý Pentathlon là tính tự nhiên. Tính tự nhiên được thể hiện ở sự sắp xếp trật tự của từ ngữ trong câu hát. Lúc này dịch giả phải đóng hai vai trò vừa là dịch giả vừa là khán 83Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 giả thưởng thức ca khúc để thưởng thức xem từ ngữ trong từng câu hát có được tự nhiên hay không. Như vậy, nhiệm vụ của dịch giả là phải làm cho ca khúc tự nhiên ngay từ giây phút đầu tiên nghe ca khúc. Nhịp điệu: Nhịp điệu là yếu tố khó đảm bảo nhất trong dịch ca khúc sang ngôn ngữ đích, đặc biệt là bản dịch giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Ấn – Âu như tiếng Anh. Tiếng Việt cơ bản là thứ tiếng đơn âm và đa thanh, trong khi đó tiếng Anh là tiếng đa âm, đơn thanh. Do đó, từ ngữ của các ngôn ngữ này có nhịp điệu lên xuống khác nhau. Lúc này dịch giả vừa đóng vai trò là người sáng tác vừa là dịch giả để điều chỉnh nhịp điệu của từ ngữ trong ngôn ngữ đích cho phù hợp với nhạc cụ chơi trong bản nhạc đích và cho tương đương với giai điệu nhạc của bản nhạc nguồn. Vần điệu: Yếu tố cuối cùng là vần điệu. Đảm bảo được yếu tố vần trong lời ca là một nguyên tắc khá khó đối với dịch ca khúc vì dịch giả đã phải tuân theo nguyên tắc giai điệu, nội dung, độ tự nhiên hay nhịp điệu. Vì vậy, Low cho rằng vần điệu cũng là một yếu tố khó khi dịch ca khúc. Hầu hết các dịch giả bài hát có xu hướng tạo ra một bản dịch có những thay đổi lớn trong vần điệu hoặc không có vần điệu. Tuy nhiên, theo Low, nếu cứ tập trung vào các yếu tố khác mà bỏ qua vần điệu thì bản dịch sẽ không hấp dẫn. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Low về dịch ca khúc là việc chuyển dịch một bài hát từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích là cần phải bảo tồn giai điệu của bài hát ở ngôn ngữ gốc. Chúng tôi cũng đồng tình với những biện pháp dịch ca khúc mà Low đề ra đó là dịch nghĩa (translation), dịch sao phỏng (adaptation) và dịch thoát ly (replacement), đồng thời cũng đi theo quan điểm về yếu tố được ưu tiên trong dịch ca khúc là ưu tiên yếu tố giai điệu (singability) sau đó mới tới các yếu tố khác như yếu tố nội dung (sense), độ tự nhiên (naturalness), nhịp điệu (rhythm) và vần điệu (rhyme). Những yếu tố này phối hợp với nhau để tạo nên sự thành công của một bản dịch ca khúc. 2.3. Phân tích một số bản dịch lời Việt Chúng tôi đã chọn ba bản dịch sau đây để phân tích các biện pháp dịch ca khúc theo mô hình lý thuyết của Low: Bản dịch “Tình nồng cháy” của nhạc sĩ Anh Bằng, bản dịch “Đồng xanh” của nhạc sĩ Lê Hựu Hà và bản dịch “Ôi giàn thiên lý đã xa” của nhạc sĩ Phạm Duy. 2.3.1. Về biện pháp dịch Bản dịch “Tình nồng cháy” được Anh Bằng chuyển thể từ ca khúc “Over and Over” của tác giả nhạc sĩ - ca sĩ Nana Mouskour. Trong bản dịch, dịch giả Anh Bằng đã đảm bảo được một số điểm giống nhau về kịch bản, nhân vật (cô gái tự sự về chuyện tình yêu của mình) và đặc biệt dịch giả đảm bảo được nội dung ngữ nghĩa của bản gốc (những nhóm từ ngữ mang nghĩa biểu trưng trong tình yêu). Theo Lê Quang Thiêm (2008), “nói nghĩa biểu trưng là nói những mức độ của sự hình dung, tưởng tượng mà con người có thể nhận được khi liên hệ nghĩa với hình thức biểu hiện hoặc phạm vi tồn tại khác trong cuộc sống” (tr. 125). Đinh Văn Đức (2001) căn cứ vào ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp và chức vụ cú pháp đã chia từ vựng tiếng Việt thành 9 nhóm từ loại gồm nhóm danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, phụ từ, kết từ, tình thái từ và thán từ. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đề cập tới ba nhóm từ loại chính mang nghĩa biểu trưng cho tình yêu là nhóm danh từ, động từ và tính từ. Như vậy, về nội dung ngữ nghĩa, bản dịch bảo tồn được (1) Nhóm động từ chỉ trạng thái (không thể, hy vọng, không dám), (2) nhóm động từ mang nghĩa biểu trưng của tình yêu (thì thầm, khóc, hôn, trao cho, chia tay, nuối tiếc ), (3) nhóm danh từ mang nghĩa biểu trưng cho tình yêu (cung hằng, kỷ niệm, giấc mơ, giọt lệ, tên, trái tim, mặt trăng, đôi mắt, tình yêu và (4) nhóm tính từ mang nghĩa biểu trưng cho tình yêu (vĩnh cửu, mãi mãi, ). Bản dịch “Tình nồng cháy” là một thí dụ điển hình cho biện pháp dịch sát nghĩa. Chúng ta có thể thấy rõ nội dung của bản dịch nghĩa qua một trích đoạn sau đây: “I never dare to reach for the moon/ Em không mơ hoang kiếp sống trên cung hằng, 84 Đ.T. Quỳnh/ Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 I never thought I’d know heaven so soon/ Em không tham lam diễm phúc trên thiên đàng” “Đồng xanh” là tựa đề được Lê Hựu Hà dịch từ ca khúc “Green Fields” của nhóm The Brothers Four. Chúng ta có thể thấy rằng trong bản dịch, về mặt ngôn từ, tác giả Lê Hựu Hà chuyển dịch chưa sát với nguyên bản, nhưng dịch giả đã khá trung thành và khá thành công với việc tạo ra trong phiên bản tiếng Việt một câu chuyện tương tự (chuyện trên cánh đồng xanh tươi đẹp có những cặp đôi yêu thương nhau và hẹn thề, nhưng khi họ không còn bên nhau nữa thì cánh đồng cũng trở nên buồn hoang vắng), trong một bối cảnh tương tự (thiên nhiên tươi đẹp với bầu trời, đồng xanh, thung lũng, cỏ cây, bờ suối, chim muông và có cả con người đang yêu) một tâm trạng tương tự (hạnh phúc, nuối tiếc, mong chờ, buồn man mác). “Đồng xanh” là một minh chứng cho biện pháp dịch sao phỏng. “Ôi! Giàn thiên lý đã xa” được Phạm Duy chuyển dịch từ bài dân ca Anh “Scarborough Fair”. Bản dịch lời Việt khác hẳn nguyên bản lời Anh. Nội dung của bản gốc nói về phiên chợ thanh bình trong thời loạn, phiên chợ mà người ta tới để vui chơi, gặp gỡ, hẹn hò và trao đổi hàng hóa. Trong bài hát, ngoài 4 thứ hương thảo được bày bán trong lễ hội: Mùi tây, xô, hồng hương và húng tây còn có hình ảnh mộc mạc như cái giếng, áo Cambric (áo được mặc trong các dịp đặc biệt ngày hội, lễ cưới, lễ hỏi), bụi gai, lưỡi liềm, lưỡi hái, hạt tiêu, bờ tường, mảnh đất, bãi cát, đại dương. Đây là những hình ảnh nói lên một cuộc sống đơn giản, thanh bình mà người dân mơ ước. Cái độc đáo của bài hát này là nói về chiến tranh nhưng không hề nhắc tới súng đạn hay cảnh đổ máu, mà chỉ ẩn dụ qua các hình ảnh bình dị trong cuộc sống hằng ngày để mơ ước một cuộc sống thanh bình. Bản dịch lời Việt không có hình ảnh nào liên quan tới khung cảnh phiên chợ thanh bình hay cuộc sống người dân thời chiến mà chỉ nói tới hình ảnh một chàng trai cứ nhớ mãi về tình yêu không thành), tuy nhiên bản dịch rất thành công và được rất nhiều khán giả đón nhận và đã trở thành một bài hát rất phổ biến tại Việt Nam. Đây là một bản dịch thoát ly hoàn toàn với nguyên tác. Chúng ta có thể thấy nội dung của bản dịch thoát ly qua một khúc hát được trích đoạn sau đây: “Are you going to Scarborough Fair?/Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà Parsley, sage, rosemary, and thyme/ Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa Remember me to the one who lives there/ Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi For once she was a true love of mine. / Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi”. 2.3.2. Về nguyên tắc dịch Về nguyên tắc dịch, chúng tôi sẽ tập trung phân tích yếu tố quan trọng nhất trong dịch ca khúc là giai điệu – yếu tố quan trọng nhất phải đảm bảo và vần điệu – yếu tố mà Low cho rằng khó đảm bảo khi dịch ca khúc. Giai điệu: Ba bản dịch đảm bảo nguyên tắc dịch quan trọng nhất mà Low đề ra là đảm bảo yếu tố hình thức (giai điệu). Cả ba bản dịch đều là bản hát được trên nền nhạc của bản gốc, khớp với giai điệu của bản gốc. Theo Lê Hùng Tiến (2010), dịch lời bài hát là loại hình dịch đặc biệt mà trong dịch thuật gọi là kết hợp giữa dịch thông thường và chuyển dịch âm vị học bộ phận. Dịch thông thường là dịch văn bản ở ngôn ngữ nguồn thành văn bản ở ngôn ngữ đích trên ba phương diện từ vựng-ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Dịch âm vị học bộ phận là chuyển dịch văn bản theo các nguyên tắc âm vị học và ngữ âm học để đáp ứng đòi hỏi của văn bản về mặt hình thức (vần điệu, giai điệu): một âm tiết phải rơi vào một nốt nhạc. Với bản nhạc trong tiếng Việt, các âm tiết trong tiếng Việt có tính độc lập, phát âm tách biệt nên mỗi âm tiết được viết tương ứng với một nốt nhạc. Nhưng với bản nhạc trong tiếng Anh, từ đa tiết được viết tách ra để mỗi âm tiết cũng tương ứng với một nốt nhạc. Đây có thể gọi là xu hướng đơn lập hoá về mặt ngữ âm – từ đa tiết sẽ được phát âm theo xu hướng tách rời từng âm tiết một như trong tiếng Việt, 85Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 khác với phát âm trong giao tiếp tiếng Anh, các âm tiết trong từ đa tiết được phát âm thành một khối (Đoàn Thuý Quỳnh & Hoàng Minh Nguyệt, 2019). Đôi khi có những âm tiết được nhấn mạnh, có những âm tiết bị lướt qua, và có thể vài âm tiết mới tương ứng với một nốt nhạc. Bên cạnh đó, dịch giả một ca khúc còn phải tuân theo những quy luật đặc biệt của ngữ âm học. Nếu âm cuối của câu hát trong bản gốc được kết thúc bằng một âm tiết mở (nguyên âm) để kéo dài độ ngân nga của câu hát, thì âm tiết cuối của câu hát trong bản dịch cũng phải được kết thúc bằng âm tiết tương tự. Nếu âm cuối của câu hát trong bản gốc là âm vang mũi (âm mũi) để tạo độ ngân rung trong câu hát, thì âm cuối trong câu hát của bản dịch cũng là âm tương tự. Minh chứng sau đây sẽ đại diện để chứng minh cho quá trình chuyển dịch đặc biệt này: I/ ne/ver/ dared/ to/ reach/ for/ the/ moon I/ ne/ver/ thought/ I’d know/ hea/ven/ so/ soon (“Over and Over” - Nana Mouskour) Em/ không/ mơ/ hoang/ kiếp/ sống/ trên/ cung/ hằng Em/ không/ tham/ lam/ diễm/ phúc/ trên/ thiên/ đàng (“Tình nồng cháy” – Anh Bằng) Để mỗi âm tiết tương ứng với một nốt nhạc, ở câu hát thứ nhất ta thấy từ song tiết “never” vốn phát âm thành một khối đã bị chia thành hai âm tiết “ne/ver”. Câu hát thứ nhất có 9 âm tiết, câu hát thứ nhất trong bản dịch cũng phải có 9 âm tiết. Ở câu hát thứ hai, hai âm tiết “I’d know” đã bị hát lướt để thành 1 âm tiết. Do vậy, ở câu hát thứ hai có 9 âm tiết, và câu hát thứ 2 trong bản dịch cũng có 9 âm tiết. Quy luật đặc biệt của ngữ âm học được thể hiện ở cặp âm tiết “moon/soon” đứng cuối mỗi câu hát ở bản gốc. Đây là cặp âm tiết được kết thúc bằng âm mũi /n/, thì cặp “hằng/đàng” đứng cuối mỗi câu hát trong bản dịch cũng kết thúc bằng âm mũi /ŋ/. Vần điệu: Một yếu tố mà Low cho rằng khó nhất – yếu tố vần điệu thì ở ba bản dịch lại thể hiện rất tốt. Vần trong thơ ca tiếng Anh được phân ra thành các loại khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau. Theo Delaney (2003), dựa vào vị trí của vần được hiệp với nhau (sự hiệp vần), người ta phân thành vần giữa dòng thơ (vần lưng) và vần cuối dòng thơ (vần chân). Dựa vào số lượng âm tiết của vần được hiệp với nhau, người ta phân vần thành vần có một âm tiết (vần đơn), vần có hai âm tiết (vần đôi) và vần có ba âm tiết (vần ba). Dựa vào chức năng hoà âm của các vần được hiệp với nhau, Thompson (2006) phân vần thành vần hoàn hảo (vần chính), vần chưa hoàn hảo (vần thông) và vần chính tả (hiệp vần về mặt chính tả). Vần trong thơ ca tiếng Việt được phân ra thành các loại khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau. Dựa theo vị trí của vần, người ta phân thành vần lưng và vần chân; dựa theo mức độ hoà âm của vần, Mai Ngọc Chừ (2005) phân thành vần chính, vần thông và vần ép; dựa theo sự biến thiên của thanh điệu ở âm tiết mang vần, người ta phân chia thành vần bằng và vần trắc. Để bàn luận về vần, chúng tôi căn cứ vào chức năng hoà âm của vần để đưa ra những nhận xét sau đây về vần trong ba bản dịch. Ở bản dịch “Tình nồng cháy” (Đoàn Thuý Quỳnh, 2018: 561), vần được đảm bảo để nối liền các câu hát từ câu đầu tới câu cuối. Hơn nữa số lượng cặp vần trong bản dịch cũng bằng với số cặp vần trong nguyên bản. Bản dịch có 9 cặp vần, trong đó có 3 cặp vần hoàn hảo (vần chính): tình/mình; dài/mãi; đàng/ bàng; 6 cặp vần không hoàn hảo (vần thông): hằng/đàng; rồi/đời; đầy/dài; vàng/tàn; thầm vàng; đời /đầy. So với nguyên bản thì nguyên bản có 8 cặp vần hoàn hảo: moon/soon; feel/ reveal; name/again; eyes/goodbyes; cried/ signed; true/you gold/old; away/stay và 1 cặp vần không hoàn hảo: byes/cried. Trong bản dịch “Đồng xanh”, số lượng cặp vần ít hơn so với số lượng cặp vần trong nguyên tác. Nếu trong nguyên tác có 8 cặp vần hoàn hảo: run/sun, above/love, run/sun, heart/ depart, away/day, me/see, return/learn, roam/ home thì trong bản dịch chỉ có 4 cặp vần; trong đó có 1 cặp vần hoàn hảo (vần chính): 86 Đ.T. Quỳnh/ Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 người/trời và 3 cặp vần không hoàn hảo (vần thông): cây/say, quên/em, hiu/tim. Như vậy, ở những bản dịch nghĩa và dịch phỏng, dịch giả đã thể hiện được sự xuất hiện của vần trong bản dịch, nhưng không thể hiện được nhiều vần ở mức độ hoàn hảo. Tuy nhiên, đây cũng là những bản dịch rất thành công khi cố gắng đảm bảo yếu tố vần điệu trong lời ca. Bản dịch “Ôi! Giàn thiên lý đã xa” là bản dịch thoát ly (tác giả không lệ thuộc vào ngữ nghĩa của từ ngữ trong bản gốc mà đặt lời mới theo giai điệu nhạc của bản gốc) nên bản dịch chứa 6 cặp vần chính (vần hoàn hảo): nhà/xa, rồi/trôi, người/khơi, mà/qua, đường/dương, trời/ơi và 2 cặp vần ép (vần không hoàn hảo): tình/xanh, nàng/thương. Ở nguyên tác, toàn bộ số cặp vần đều là vần hoàn hảo (vần chính): fair/there, thyme/mine, shirt/work, well/fell, leather/feather, land/sand. Như vậy, về mặt vần điệu, bản dịch thoát ly đạt tiêu chuẩn cao về vần hoàn hảo. Qua đây, có thể thấy rằng ba bản dịch ca khúc lời Việt được khảo sát là các bản dịch khá thành công khi đưa yếu tố vần điệu vào trong lời dịch. 3. Kết luận Tóm lại, bài viết của chúng tôi trình bày quan niệm về dịch thuật, dịch ca khúc và cơ sở lý thuyết về dịch ca khúc. Cơ sở lý thuyết dịch ca khúc mà chúng tôi đề cập là cơ sở lý thuyết được Peter Low xây dựng dựa trên khung lý thuyết hệ thống và ông đã đưa ra các chiến thuật dịch ca khúc gồm dịch nghĩa, dịch phỏng và dịch thoát ly. Trên cơ sở lý thuyết đó, chúng tôi chọn 3 bản dịch ca khúc Anh - Việt để tìm hiểu các đặc điểm trong chuyển dịch. Việc phân tích 3 bản dịch cho thấy bản dịch nghĩa chứng tỏ sự giống nhau về mặt ngữ nghĩa như nội dung, nhân vật, kịch bản. Ở bản dịch phỏng, dịch giả đã giữ lại được chủ điểm, kịch bản và nhân vật. Còn với bản dịch thoát ly, nội dung ca khúc được làm mới hoàn toàn. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tất cả các bản dịch đều tuân theo nguyên lý Pentathlon mà Low đề xuất - ưu tiên yếu tố giai điệu, các yếu tố còn lại hỗ trợ lẫn nhau. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy cả ba bản dịch đảm bảo yếu tố vần điệu - yếu tố mà Low cho rằng khá khó đảm bảo khi dịch ca khúc. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi mới chọn 3 bài hát để phân tích và thấy rằng đó là những bản dịch rất thành công. Nhiều bản dịch khác chưa được khảo sát và có thể không thành công bằng 3 bài hát này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những điểm thành công cũng như khiếm khuyết của chúng theo cơ sở lý thuyết đã xác lập trong bài viết này nhằm có những đóng góp hữu ích hơn nữa. Tài liệu tham khảo Tiếng Việt Nguyễn Ninh Bắc (2014). Biên dịch lời bài hát Anh- Việt, Việt-Anh. Ngôn ngữ và đời sống, 11, tr. 65-71. Mai Ngọc Chừ (2005). Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học. Hà Nội: Nxb. Văn hoá – Thông tin. Đinh Văn Đức (2001). Ngữ pháp tiếng Việt – Từ loại. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Thu Huyền chủ biên (2011). Học tiếng Anh qua những ca khúc nổi tiếng. Hà Nội: Nxb. Đại học Phương Đông. Đoàn Thuý Quỳnh (2018). Giá trị của “vần” trong ca khúc “Tình nồng cháy”. Hội thảo quốc tế dành cho nghiên cứu sinh và học viên cao học (tr. 556-564), Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đoàn Thuý Quỳnh, Hoàng Minh Nguyệt (2019). Đối chiếu hiệp vần trong ca khúc “Over and Over” với bản dịch tiếng Việt. Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, 57(1), tr. 91-101. Lê Quang Thiêm (2008). Ngữ nghĩa học. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. Lê Hùng Tiến (2007). Vấn đề phương pháp trong dịch thuật Anh – Việt. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Ngoại ngữ, 23(1), tr. 1-14. Lê Hùng Tiến (2010). Tương đương dịch thuật và tương đương trong dịch Anh - Việt. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Ngoại ngữ, 26(3), tr. 141-150. Tiếng Anh Catford, J.C. (1965). A linguistic theory of translation. London, UK: London University Press. Cristal, D. (1992). The Cambridge Encyclopedia of Language. Cambridge University. 87Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 35, Số 2 (2019) 80-87 Delaney, D. (2003). Fields of vision. London: Longman. Franzon, J. (2005). Musical comedy translation: Fidelity and format in the Scandinavian My Fair Lady. In D. Gorlee (Ed.), Song and Significance: Virtues and Vices of Vocal Translation (pp. 263-298). Amsterdam/New York: Rodopi. Franzon, J. (2008). Choices in Song Translation: Singability in print. Subtitles and Sung Performances. The Translator, 14(2), 373-399. Low, P. (2005). The Pentathlon Approach to Translating Songs. In Song and Significance (pp. 185-212). Amsterdam/New York: Rodopi. Low, P. (2013). When Song Cross Language Borders. The Translator, 19(2), 229-244. Newmark, P. (1985). Approaches to Translation. Oxford Pergarnon Press. Newmark, P. (1988). A textbook of translation. Prentice Hall: New York, USA. Thompson, M. C. (2006). Some Element of Poetry. US Royal Fire Work Press. Nguồn ngữ liệu lyric.karaoke.com/Album/nhac_ngoai_loi_viet CHARACTERISTICS OF SONG TRANSLATION AND ENGLISH-VIETNAMESE SONG TRANSLATIONS Doan Thuy Quynh Faculty of English, VNU University of Languages and International Studies, Pham Van Dong, Cau Giay, Hanoi, Vietnam Abstract: In this article, we review some major theories related to translation and song translation. The song translation strategies, which are introduced by Peter Low, are as follows: translation, adaptation and replacement (text). He has also introduced the “Pentathlon Principle”, which comprises of rhyme, rhythm, naturalness, singability, and sense to song translation. The Pentathlon Principle is illustrated by our analysis of 3 Vietnamese versions of English songs. The results show that all the tunes are maintained as the original, while the semantically translated version ensures the same meaning, content, characters as well as the whole story as the original. By contrast, the adapted version only retains the theme, the plot and the characters. For the last one, the lyrics are completely novel – the translator creates a new story over the original tune. The study results also show that all three versions observe the “Pentathlon Principle”, and singability and rhyme come high on the list of priorities. Keywords: song translation, adaptation, pop music, English songs, Vietnamese versions
File đính kèm:
- dac_diem_cua_dich_ca_khuc_va_ban_dich_ca_khuc_anh_viet.pdf