Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội Bình Dương ngày nay

Trong 19 tộc người thiểu số di dân đến Bình Dương có bảy tộc người chiếm số lượng cao

là người Khmer và người Chăm (đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), người Nùng, người

Tày, người Mường, người Thái và người Sán Chỉ (đến từ các tỉnh phía Bắc). Các tộc người này

chủ yếu sống bằng nghề nông. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa làm nhiều yếu tố văn hóa

truyền thống bị mai một nhưng trong chừng mực nào đó, vẫn bảo lưu được những món ăn, tín

ngưỡng, lễ hội, sinh hoạt văn nghệ truyền thống. Ba mối quan hệ dòng họ, láng giềng và đồng tộc

người thể hiện rõ qua các nhóm di dân cùng một tộc người có cùng thời gian di cư, địa điểm định

cư đầu tiên, và đôi khi có cùng sinh kế. Ba mối quan hệ này là định chế phi chính thức quy định

và điều chỉnh các hành vi ứng xử trong cộng đồng. Mỗi nhóm sẽ có những chuẩn tắc để quản trị

đời sống xã hội của cộng đồng, góp phần tạo khối đoàn kết cộng đồng để hướng tới cuộc sống

phồn vinh hơn.

pdf 9 trang yennguyen 5200
Bạn đang xem tài liệu "Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội Bình Dương ngày nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội Bình Dương ngày nay

Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội Bình Dương ngày nay
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 
 33 
DI DÂN NGƢỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ VẤN ĐỀ 
VĂN HÓA - XÃ HỘI BÌNH DƢƠNG NGÀY NAY 
Trần Hạnh Minh Phƣơng(1) 
(1)Trường Đại học Thủ Dầu Một 
Ngày nhận 28/12/2016; Chấp nhận đăng 29/01/2017; Email: thmphuongkhxh@gmail.com 
Tóm tắt 
Trong 19 tộc người thiểu số di dân đến Bình Dương có bảy tộc người chiếm số lượng cao 
là người Khmer và người Chăm (đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), người Nùng, người 
Tày, người Mường, người Thái và người Sán Chỉ (đến từ các tỉnh phía Bắc). Các tộc người này 
chủ yếu sống bằng nghề nông. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa làm nhiều yếu tố văn hóa 
truyền thống bị mai một nhưng trong chừng mực nào đó, vẫn bảo lưu được những món ăn, tín 
ngưỡng, lễ hội, sinh hoạt văn nghệ truyền thống. Ba mối quan hệ dòng họ, láng giềng và đồng tộc 
người thể hiện rõ qua các nhóm di dân cùng một tộc người có cùng thời gian di cư, địa điểm định 
cư đầu tiên, và đôi khi có cùng sinh kế. Ba mối quan hệ này là định chế phi chính thức quy định 
và điều chỉnh các hành vi ứng xử trong cộng đồng. Mỗi nhóm sẽ có những chuẩn tắc để quản trị 
đời sống xã hội của cộng đồng, góp phần tạo khối đoàn kết cộng đồng để hướng tới cuộc sống 
phồn vinh hơn. 
Từ khóa: di dân, tộc người, thiểu số, văn hóa, xã hội, Bình Dương 
Abstract 
ETHIC MINORITIES’ MIGRATION and BINH DUONG PROVINCE’S 
CULTURAL AND SOCIAL ISSUES TODAY 
 Among 19 minority ethic groups leaving their homeland for Binh Duong, seven of that 
taking up large quantities were of Khmer and Cham peoples (from the Mekong Delta provinces), 
Nung, Tay, Muong, Thai and San Chi peoples (from northern provinces). They lived mainly on 
farming. The process of cultural exchanges has made many elements of traditional culture fall into 
oblivion but, to some extent, their dishes, beliefs, festivals and traditional cultural activities were 
still well-reserved. Three relationships of parentage, neighbour and the same clan may be clearly 
seen in every group of migrations: those of the same clan would share the same time of migration, 
the same place of first settlement, and sometimes have the same livelihood. These three 
relationships were of none government-institutions that defined and adjusted behaviours of all kinds 
in the community. Each group would have its own standard rules (or regulations) to govern its 
community, helping out with strengthening community’s solidarity to head for more prosperous life. 
1. Giới thiệu 
Đầu thế kỷ XX, theo ghi nhận của tác giả công trình Monographie de Thudaumot (1910), 
Bình Dương là “tỉnh miệt vườn” thuần nông, chỉ có hai trục giao thông chính là sông Sài Gòn 
và Quốc lộ 13, dân số chỉ vài vạn người, chủ yếu là nông dân. Từ sau tái lập tỉnh (01/1/1997), 
Trần Hạnh Minh Phương Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội... 
 34 
Bình Dương đã thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất, thị trường lao động rộng mở, nên trở thành 
một trong những đô thị có lực hút dân di cư mạnh nhất. Trong vòng 11 năm qua (1999 -2010) 
dân số tỉnh Bình Dương đã tăng gấp đôi (theo kết quả điều tra dân số năm 2010: 2.185.655 
người với mật độ 675 người/km2) là tỉnh có tốc độ tăng dân số cao nhất cả nước với tỷ lệ tăng 
trung bình 7,3%/năm[1]. Hiện nay, tại Bình Dương đã có 19 tộc người di cư từ nơi khác đến. 
Đó là những tộc người nào, có đời sống văn hóa – xã hội ra sao và có ảnh hưởng đến văn hóa – 
xã hội Bình Dương như thế nào? là mục tiêu của bài nghiên cứu này. Sử dụng kết quả điều tra 
cơ bản về thành phần các tộc người thiểu số của bảo tàng Bình Dương năm 2012, và nguồn tư 
liệu điền dã bài viết đề cập đến hai vấn đề: (1) đặc điểm của di dân người dân tộc thiểu số gồm 
thành phần tộc người, quê quán, năm định cư, địa bàn cư trú, nghề nghiệp, đời sống văn hóa vật 
chất, tinh thần; (2) ảnh hưởng của những cộng đồng di cư này đối với vấn đề văn hóa, xã hội 
của tỉnh Bình Dương hiện nay. 
2. Đặc điểm di dân ngƣời dân tộc thiểu số ở Bình Dƣơng ngày nay 
Kết quả điều tra cơ bản của Bảo tàng Bình Dương năm 2012 (trừ người Hoa) có 1863 hộ 
(7684 nhân khẩu)[2] gồm 19 tộc người thiểu số di dân từ nơi khác đến, bao gồm: (1) Người 
Cao Lan (4 hộ, 16 nhân khẩu) đến từ Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, sống rải rác tại xã 
Đông Hòa (Dĩ An), Tân Lập (Phú Giáo), Bình Chuẩn (Thuận An), Minh Tân (Dầu Tiếng). (2) 
Người Chăm (138 hộ, 609 nhân khẩu) phần lớn đến từ Châu Đốc (An Giang), một số từ Ninh 
Thuận và thành phố Hồ Chí Minh sống tập trung tại xã Tân Long (Phú Giáo), Tân Hưng (Bàu 
Bàng), Bình An (Dĩ An), Minh Hòa (Dầu Tiếng). (3) Người Châu Ro (13 hộ, 55 nhân khẩu) 
đến từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước hiện sống rải rác tại Phước Vĩnh, Phước Sang, Phước 
Hòa (Phú Giáo), Tân Định (Bắc Tân Uyên). (4) Người Dao (3 hộ, 8 nhân khẩu) đến từ Tuyên 
Quang, Cao Bằng, Thanh Hóa sống ở ba nơi: Phước Sang (Phú Giáo), Bình Hòa (Thuận An) và 
Minh Tân (Dầu Tiếng). (5) Người Ê Đê (8 hộ, 35 nhân khẩu) di cư từ Cao Bằng, Lâm Đồng 
hiện đang cư ngụ rải rác tại Thanh An (Dầu Tiếng), Tân Đông Hiệp (Dĩ An), Thường Tân, Tân 
Định và Tân Thành (Bắc Tân Uyên). (6) Người Khmer là tộc người thiểu số di cư đến Bình 
Dương đông nhất (884 hộ, 3696 nhân khẩu – tăng gấp ba lần so với thống kê của Ủy ban Dân 
tộc năm 1999). Họ đến từ An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà 
Vinh, Vĩnh Long hiện sống tập trung thành cộng đồng ở An Bình, An Thạnh, An Linh và An 
Long (Phú Giáo), An Tây, Chánh Phú Hòa (Bến Cát), Bình An (Dĩ An), Bình Hòa, Bình Nhâm 
(Thuận An). (7) Người Lào (1 hộ, 4 nhân khẩu) từ Lào sang hiện cư ngụ tại Hiệp An (Thủ Dầu 
Một). (8) Người Mán (1 hộ, 5 nhân khẩu) từ Quảng Ninh đến định cư tại An Điền (Bến Cát). 
(9) Người Paco (1 hộ, 4 nhân khẩu) từ Bình Trị Thiên đến định cư tại Phú Hòa (Thủ Dầu Một). 
(10) Người Raglai (5 hộ, không rõ quê quán) hiện cư trú tại Mỹ Phước (Bến Cát). (11) Người 
Sán Chay (2 hộ, 8 nhân khẩu từ Lạng Sơn và Bắc Ninh đến định cư ở Long Hòa (Dầu Tiếng). 
(12) Người Tà mun (6 hộ, 20 người) đến từ Đồng Nai, Bình Phước, hiện ở Minh Hòa (Dầu 
Tiếng). (13) Người Mƣờng (158 hộ, 643 nhân khẩu), phần lớn xuất cư từ Thanh Hóa và Hòa 
Bình, số ít từ Hà Tây, Ninh Bình, Lạng Sơn. Hiện sống tương đối tập trung thành cộng đồng ở 
Cây Trường, Hưng Hòa, Long Nguyên, Trừ Văn Thố (Bàu Bàng), Định An, Long Tân, Minh 
Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân (Dầu Tiếng), An Linh, An Thái, Phước Sang, Phước Vĩnh, Tân 
Hiệp (Phú Giáo). (14) Người Nùng (239 hộ, 978 nhân khẩu) phần lớn đến từ Cao Bằng, Lạng 
Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hải Phòng, hiện sống tập trung tại Hưng Hòa, Phước 
Vĩnh (Bến Cát), An Lập, Long Hòa (Dầu Tiếng), Tân Long, Tân Hiệp, An Linh (Phú Giáo). 
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 
 35 
(15) Người Sán Chỉ (31 hộ, 110 nhân khẩu) gần như toàn bộ đến từ Thái Nguyên chỉ có 1 hộ từ 
Lạng Sơn và họ cũng sống tập trung tại Tam Lập (Phú Giáo). (16) Người Sán Dìu (20 hộ, 77 
nhân khẩu) phần lớn di cư từ Thái Nguyên, rải rác ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc sống 
khá tập trung ở An Bình, Phước Sang, Tân Uyên (Phú Giáo), một số ở Mỹ Phước (Bến Cát), 
Long Nguyên (Bàu Bàng). (17) Người Tày (225 hộ, 919 nhân khẩu) phần lớn di cư từ Cao 
Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, số ít từ Bắc Cạn, Thái Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái 
sống tập trung tại Phú Hòa, Phú Lợi (Thủ Dầu Một) và Bình Chuẩn (Thuận An). (18) Người 
Thái (55 hộ, 211 nhân khẩu), di cư từ nhiều nơi Cao Bằng, Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa, 
Vĩnh Phúc sống nhiều nơi như Tân Hưng (Bàu Bàng), Thới Hòa (Bến Cát), Thanh An (Dầu 
Tiếng), An Linh, Tân Long (Phú Giáo), Tân Vĩnh (Tân Uyên), Phú Lợi (Thủ Dầu Một). (19) 
Người Thổ (14 hộ, 55 nhân khẩu) đến từ Vĩnh Phúc hiện định cư tại Tân Long (Phú Giáo). 
Theo Cục thống kê tỉnh Bình Dương năm 2014, Bình Dương có 20 dân tộc thiểu số, với 
4.499 hộ, 17.133 người sinh sống. Trong đó, nhiều nhất là người Hoa 11.160 người, người 
Khmer 2.885 người, ít nhất người Mạ 1 người[3]. Bảy tộc người chiếm số lượng cao gồm: hai 
tộc người đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (người Khmer 884 hộ, 3696 nhân khẩu, 
người Chăm 183 hộ, 609 nhân khẩu) và năm tộc người đến từ các tỉnh phía Bắc (người Nùng 
239 hộ, 978 nhân khẩu, người Tày 225 hộ, 919 nhân khẩu, người Mường 158 hộ, 643 nhân 
khẩu, người Thái 55 hộ, 211 nhân khầu và người Sán Chỉ 31 hộ, 110 nhân khẩu). Có những tộc 
người chỉ có từ 1 đến 4 hộ (như người Paco, Sán Chay, Raglai). 
Thời gian di dân tộc người thiểu số đến Bình Dương sớm nhất là năm 1924, trường hợp 
gia đình người Nùng đến từ Lạng Sơn, chủ hộ là Âu Thị D, sinh năm 1924 hiện cư ngụ tại ấp 6, 
xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên. Gia đình di cư đến Bình Dương gần đây nhất là 2012, người 
Khmer từ Sóc Trăng, chủ hộ là Tăng Thị Bích H, cư ngụ tại xã Tân Lập, huyện Tân Uyên. 
Chúng tôi chia thời gian các hộ người dân tộc thiểu số đến định cư ở Bình Dương theo bốn mốc 
thời gian: Từ năm 1924 – 1954: có 36 hộ (2,9%); 1955 – 1975: 430 hộ (22,7%); 1976 -1996: 
791 hộ (49,4%); 1997 – 2012: 439 hộ (23%) và 39 trường hợp (2%) trả lời không nhớ năm đến 
định cư ở Bình Dương. 
Lý do các tộc người từ các tỉnh phía Bắc chọn Bình Dương là nơi đến, như lời ông Lý 
Viết Th (xã An Linh, huyện Phú Giáo), người Nùng Cao Bằng đầu tiên đặt chân đến Bình 
Dương: “Ở Cao Bằng lúc đó còn khó khăn lắm, năm 1989, tôi tìm đến Sài Gòn kiếm sống. Sau 
nhiều năm làm đủ nghề nhưng không thoát khỏi cảnh nghèo, do ở đó đất chật mà người thì rất 
đông. Được mọi người chỉ dẫn, tôi quyết định đến vùng đất chưa ai đến để làm lại từ đầu. 
Mường tượng mảnh đất Bình Dương mầu mỡ nhưng còn hoang sơ, tôi bắt xe khách xuống Phú 
Giáo, đi bộ vào tận khu An Linh, nơi còn nhiều đất để “cắm dùi” lập nghiệp”[4]. Theo ông Kho 
S, Phó Giáo cả, Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa “do cuộc sống tại quê nhà An 
Giang khó khăn, một số người Chăm đã đến Bình Dương lập nghiệp. Cứ như vậy, số hộ người 
Chăm tăng lên hàng năm. Đến nay, riêng ấp Hòa Lộc có khoảng 80 hộ người Chăm”[5]. Theo 
nghiên cứu của Lê Anh Vũ về nguyên nhân những gia đình người Khmer từ Trà Vinh di cư đến 
Bình Dương trong giai đoạn này cũng tương tự như trước: tại quê nhà họ thiếu đất canh tác, 
cuộc sống kinh tế khó khăn, đến Bình Dương vào làm công nhân trong các khu công nghiệp, 
cuộc sống ổn định hơn. Điều này trùng khớp với kết quả điều tra (năm 2004) của Tổng cục 
thống kê nguyên nhân chủ yếu khiến cho người dân di cư Việt Nam di cư lần đầu tiên: “tìm 
được việc làm ở nơi ở mới 51,1%, cải thiện đời sống 47,6%, gần người thân 20,8%, vì tương lai 
Trần Hạnh Minh Phương Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội... 
 36 
con cái 11,9%, để cải thiện đời sống xã hội và môi trường 11,2%, không có việc làm nơi ở cũ 
9,8%. Các nguyên nhân khác như đã học xong, đi học, tái định cư chỉ có dưới 10% người di cư 
xác nhận là họ di chuyển vì những lý do này bên cạnh những lý do khác”[6]. 
Theo kết quả khảo sát, phần lớn các hộ gia đình sống trong nhà xây bán kiên cố (nhà cấp 
4 – dựa theo chỉ báo của Tổng Cục thống kê): 1645 hộ (87,2%), nhà tạm 61 hộ (3,2%), nhà thuê 
một trường hợp, một trường hợp nhà biệt thự và ba trường hợp nhà 1 trệt 1 lầu, số còn lại 
không có thông tin. Về phương tiện đi lại: 1859 hộ (98%) đã có xe máy, 18 hộ (0,9%) đi bằng 
xe đạp, 12 trường hợp đi bộ (0,6%) và 4 hộ có xe ô tô (0,5%). Ngày nay, đối với các tộc người 
thiểu số ở Bình Dương, phương tiện giao thông chủ yếu vẫn giống như người Kinh – xe gắn 
máy. Cơ cấu nghề nghiệp của người trả lời bảng câu hỏi (rất tiếc bản dữ liệu không thu thập hết 
nghề nghiệp của các thành viên trong gia đình): trong 1863 người trả lời – đại diện 1863 hộ, có 
956 người (50,8%) làm nghề nông (trồng rẫy, làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi), kế đến 324 
người (17,2%) công nhân (công nhân ở khu công nghiệp và công nhân cạo mủ cao su), những 
người không tạo ra thu nhập khá cao 227 (12,2%) là những người nội trợ, già yếu, nghỉ hưu, 
bệnh tật; người làm thuê nông nghiệp, phi nông nghiệp, thợ may, làm bánh mì, thợ hớt tóc, thợ 
hồ, làm bảo vệ, sửa xe, bán vé số, chạy xe ôm là 194 người (10,3%); buôn bán nhỏ 118 người 
(6,3%) và chỉ có 44 (2,3%) người là công chức trong đó có một bác sĩ thú y, một cán bộ y tế, 
một kỹ sư, cán bộ xã, nhân viên văn phòng. 
Biểu đồ 1. Cơ cấu nghề nghiệp 
chủ hộ của di dân tộc người 
thiểu số ở Bình Dương từ kết 
quả điều tra cơ bản của Bảo 
tàng Bình Dương 2012. 
Biểu đồ 2. Tình hình kinh tế của 
di dân người dân tộc thiểu số từ 
số liệu Cục thống kê tỉnh Bình 
Dương, năm 2014 
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 
 37 
Rời bản quán trong bối cảnh nghèo khó, đến mưu sinh ở vùng đất mới với lòng đầy quyết 
tâm, hầu hết các gia đình di dân người dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu. Theo kết quả của 
Cục thống kê Bình Dương, năm 2014 “838 hộ hộ khá giàu, 950 hộ trung bình, 56 hộ cận nghèo, 
71 hộ nghèo và 30 hộ cần trợ cấp thường xuyên. Bình quân mỗi hộ dân tộc thiểu số sử dụng 
306,50m2 đất ở và 2,32 ha đất sản xuất[7]. 
3. Đời sống của các tộc ngƣời thiểu số và vấn đề văn hóa, xã hội ở Bình Dƣơng 
3.1. Về đời sống văn hóa 
Trong đời sống văn hóa, những món ăn truyền thống từ quê nhà đã được những người di 
dân mang đến quê hương thứ hai – Bình Dương góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực Bình 
Dương. Người Tày đến từ Cao Bằng có món xôi ngũ sắc. Người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận 
có món cà púa, mắm cái, bánh xôi chè, người Chăm An Giang với cà ri bò, gà, dê, cá, gỏi, đồ 
chua. Người Châu ro có các món canh thục, canh bồi, bánh dày mè đen. Món ăn truyền thống của 
người Dao là thịt muối chua. Người Ê Đê thích món thịt nướng. Người Khmer từ vùng Tri Tôn, 
An Giang có các loại mắm, canh bồi, bánh tét, bánh ú nhưng người Khmer từ Bình Phước đến có 
món canh thục, canh bồi, rượu cần giống người Stiêng. Người Khmer đến từ Cà Mau có món 
mắm bohok. Người Khmer từ Sóc Trăng thích mắm cá, cốm dẹp, nước thốt nốt. Người Mường từ 
Thanh Hóa vẫn thích các món ăn truyền thống từ quê nhà thịt trâu muối, các món muối chua, xôi 
nếp, xôi bắp, cơm lam, thịt muối chua, rượu cần. Người Mường từ Hòa Bình có món cơm lam, 
lam nhọ (món thịt nướng, ướp gừng tỏi muối). Người Nùng từ Lạng Sơn thích ăn cháo lỏng với 
củ cải muối vào buổi sáng, món gà hấp gừng, và luộc lúa mới gặt đem về, rồi mới nấu cơm để 
mừng lúa mới, mắm nêm, cá sống ướp muối. Người Nùng từ Cao Bằng có món khâu nhục. Người 
Sán Chỉ từ Thái Nguyên có món bánh chưng, bánh tro, bánh tái, cơm ba màu. Người Sán Dìu từ 
Vĩnh Phúc với món bánh tày nồng ệp. Người Sán Dìu từ Tuyên Quang có cháo loãng, thịt kho 
nhục, cá nấu chua. Người Tày từ Thanh Hóa có món thịt bò nấu với lá mắc mật, thịt vịt quay ăn 
với lá mắc mật. Người Tày từ Cao Bằng có món xôi ngũ sắc, thịt heo phơi khô, cơm lam, thịt xá 
xíu, bánh trứng kiến, bánh chưng, bánh giò. Người Tày từ Hưng Yên có món bánh tro, bánh dày, 
cơm lam. Người Thái từ Thanh Hóa có món rêu đá, cơm lam, xôi sắn, pa pỉnh tập. Người Thổ từ 
Vĩnh Phúc có món thịt trâu (theo kết quả khảo sát của Bảo tàng Bình Dương, 2012). 
Biểu đồ 3. Tình hình sử dụng 
ngôn ngữ của di dân (theo kết 
quả điều tra cơ bản của Bảo 
tàng Bình Dương 2012) 
Vì “ngôn ngữ là dấu hiệu cơ bản để người ta xem xét sự tồn tại của một dân tộc và để 
phân biệt các tộc người khác nhau”[8] nên dù sống xen cư với người Kinh hay sống thành cộng 
đồng, những người di dân vẫn có ý thức giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ, tỷ lệ người trả lời biết chữ 
Trần Hạnh Minh Phương Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội... 
 38 
dân tộc khá cao 1143 người (60,6%) và 744 người không nhớ (39,4%), biết tiếng dân tộc 1506 
(74,6%) và 481 người không biết (25,4%), tỷ lệ biết chữ phổ thông cao hơn 1822 người 
(96,6%), 64 người không biết (3,4%) và 100% người trả lời đều nói thông thạo tiếng phổ thông. 
Đây là một chỉ báo về mức độ hội nhập cao của di dân vào quá trình xã hội tổng thể. 
Đời sống tín ngưỡng của di dân các tộc người thiểu số khá phong phú, họ vẫn giữ gìn 
những tín ngưỡng và một số sinh hoạt văn hóa truyền thống từ quê gốc. Người Chăm vẫn thờ vua 
Po Klong Garai và Pôrômê. Người Khmer thờ ông bà tổ tiên, nhiên thần, thờ đá, tín ngưỡng 
Arak. Thần Arak không có hình dáng xác định, có nguồn gốc từ linh hồn người chết nhưng hiển 
linh được người Khmer tôn làm thần để bảo vệ dòng họ, gia đình, nhà cửa. Người Mường Thanh 
Hóa không thờ cúng thần, mọi nghi lễ trong gia đình đều do thầy mo chủ trì, số khác thờ ông bà 
tổ tiên. Người Nùng Hải Phòng thờ ông bà. Người Nùng Cao Bằng thờ Mẹ cửa, thờ Bà mụ. 
Người Sán chỉ Thái Nguyên thờ ông bà tổ tiên, thờ bà mụ và thổ địa. Người Sán Dìu, người Tày, 
người Thái, người Thổ thờ ông bà tổ tiên. Người Cao Lan từ Thái Nguyên, người Châu Ro từ 
Đồng Nai, người Ê Đê từ Bình Phước thờ ông bà tổ tiên. Tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên chiếm tỷ 
lệ cao nhất (630 hộ, 33,5%) trong đời sống tín ngưỡng nơi di dân tộc người thiểu số. Người Sán 
Chỉ xã Tam Lập lập miếu Thổ địa riêng, vẫn tổ chức lễ hội Cầu Mưa (mùng 6 tháng Giêng âm 
lịch) cầu mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình an. Người Nùng Cao Bằng còn bảo tồn tiếng đàn 
Tính, điệu hát Then, Sli, tổ chức lễ hội Lùng Tùng (Hội xuống đồng) tháng Giêng hàng năm cầu 
thần Mưa, thần Gió, thần Sấm ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời 
sống ấm no và bình yên. Người Mường Thanh Hóa tổ chức lễ cầu mưa vào tháng 4 âm lịch, lễ 
Rửa lá lúa tháng 8 âm lịch. Người Thái từ Thanh Hóa vẫn nhớ về quê nhà với lễ tri ân thầy mo – 
lễ Hết Chá. Người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo sống theo cộng đồng nên lưu giữ được 
khá nhiều nét văn hóa truyền thống qua nghi lễ vòng đời: nghi thức cúng mụ sau ba ngày em bé 
được sinh ra, duy trì tục cưới xin theo chế độ mẫu hệ, lễ cưới được tổ chức bên nhà gái và nhà gái 
phải chịu mọi phí tổn cho lễ cưới (nhưng trong lễ dạm ngõ thì nhà trai mang lễ vật sang nhà 
gái)[9]. Lễ cưới được tổ chức theo nghi thức truyền thống “Đám cưới của người Khmer An Bình 
có sự tham dự của cả làng. Trước ngày cưới, cha và mẹ cô dâu, chú rể sẽ đi mời mọi người trong 
làng bằng rượu, ai đã uống rượu mời đều phải đi. Khi tới đám cưới, khách cột một sợi chỉ trắng 
lên cổ tay cô dâu, chú rể, rắc một ít gạo lên đầu hai người rồi hú lên một tiếng để chúc phúc cho 
đôi trẻ”[10]. Trong lễ tang, người Khmer ở An Bình còn giữ tục chia của cho người chết – nét 
văn hóa truyền thống của nhóm cư dân Môn – Khmer ở Tây Nguyên. Tại Bình Dương chưa có 
chùa hay nơi sinh hoạt dành riêng cho người Khmer nên người Khmer thường quay về bản quán 
(Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng) để tham dự lễ hội Ok Om Bok. Đối với những gia đình 
Khmer không có điều kiện đi xa, họ sẽ làm mâm cơm nhỏ cúng trăng để gia đình đoàn viên, sum 
họp, nhớ về cội nguồn. Người Chăm đến từ An Giang cư trú quanh thánh đường Hồi giáo Kazid 
ở Minh Hòa (Dầu Tiếng) vẫn bảo lưu được những yếu tố văn hóa truyền thống như tổ chức dạy 
chữ Chăm cho trẻ em, đàn ông và phụ nữ vẫn mặc trang phục truyền thống (phụ nữ: áo dài bít tà, 
chui đầu - áo aw loah và váy, đàn ông: áo dài aw tah và váy đen, trắng), lễ cưới hiện nay vẫn 
được tổ chức theo nghi thức truyền thống (đám cưới diễn ra trong ba ngày: ngày thứ nhất họp họ 
(làm bánh dùng trong lễ cưới (gồm ba loại: bánh ha bum (bông lan), tapaikagah, gti kling (bánh 
ba lỗ) và món cơm cà-ri bò), ngày thứ hai “lên ghế” (giường), mỗi gia đình nhà trai, nhà gái, 
người đại diện sẽ đọc những lời cầu nguyện cho cô dâu, chú rể sống bình an, hạnh phúc, sau đó 
mời cơm dân làng), ngày thứ ba “đưa rể”, chú rể cùng đoàn nhà trai đến nhà gái...) [11]. 
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 
 39 
Trong khi những nhóm di dân sống tập trung thành cộng đồng tộc người có không gian 
và cơ hội để bảo tồn yếu tố văn hóa truyền thống, những hộ gia đình di dân sống lẻ tẻ, xen lẫn 
vào người Kinh: người Dao, Lào, Mán, Paco, Raglai, Sán Chay khó có thể bảo lưu được những 
sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, thậm chí nơi gia đình cũng rất khó bảo lưu văn hóa 
truyền thống của tộc người. Ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của những cộng đồng người 
di dân – dân tộc thiểu số phần nào được trở thành hiện thực với chính sách bảo tồn văn hóa các 
tộc người thiểu số của chính quyền Bình Dương. Chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện duy trì và 
phát huy bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống như tổ chức lễ hội Lùng Tùng cho người 
Nùng ở Phú Giáo, Tết của người Sán Chỉ, lễ Ramadan của người Chăm Lễ hội rước và ném 
còn của người Sán Chỉ, xã Tam Lập. 
Ngày nay, tuy một số nét văn hóa truyền thống thay đổi, hoặc bị mai một do không còn 
phù hợp nhưng phần tinh hoa bao hàm trong đó sẽ không ngừng phát triển để thích ứng với yêu 
cầu của thời đại mới, được các thành viên của cộng đồng bảo lưu sẽ trở thành động lực tinh 
thần thúc đẩy cộng đồng phát triển. Văn hóa của các tộc người thiểu số làm phong phú bức 
tranh văn hóa Bình Dương nói riêng, lưu giữ tính đa dạng của văn hóa Việt Nam nói chung, 
duy trì sự đa dạng của văn hóa nhân loại. Mặt khác, văn hóa của các tộc người thiểu số còn góp 
phần làm giàu tài nguyên du lịch văn hóa, thu hút du khách đến với Bình Dương. 
3.2. Về đời sống xã hội 
Quan hệ xã hội của những cộng đồng di dân người dân tộc thiểu số ở Bình Dương ngày 
nay bao gồm: quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, quan hệ dòng họ, quan hệ liên dòng 
họ thông qua hôn nhân, quan hệ cộng đồng tộc người, quan hệ láng giềng, quan hệ đồng hương 
và quan hệ giữa cộng đồng với chính quyền địa phương. Đây là những định chế xã hội góp 
phần cố kết các thành viên trong cộng đồng. 
Đối với những gia đình di dân sống tập trung thành cộng đồng, mỗi thành viên đều ý thức 
mình là một bộ phận của cộng đồng. Khi cộng đồng có việc gì, họ đều cố gắng tham gia để 
không bị trở thành người ngoài. Chẳng hạn, lễ cưới của người Khmer ở An Bình là dịp để mọi 
thành viên trong cộng đồng sum họp nhau. Bất kỳ gia đình nào trong cộng đồng gặp hữu sự như 
gia đình có người bệnh, người chết, người trong cộng đồng sẽ đến phụ việc trong lúc tang gia 
bối rối. Mỗi hộ gia đình ủng hộ đóng góp số tiền theo qui ước của cộng đồng (50-100 ngàn 
đồng mỗi hộ) để chia sẻ khó khăn kinh tế cho gia đình hữu sự. Hình thức góp tiền giúp cho gia 
đình có người thân qua đời trở nên rất phổ biến ở tất cả các cộng đồng di dân. Điều này phần 
nào giúp gia đình có tang đỡ lo lắng về mặt kinh tế, và thông qua hình thức này, tính cố kết của 
cộng đồng được thắt chặt, cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau. 
Ba mối quan hệ dòng họ, láng giềng và đồng tộc người thể hiện rõ qua các nhóm di dân 
cùng một tộc người có cùng thời gian di cư, địa điểm định cư đầu tiên, và đôi khi có cùng sinh 
kế. Nhóm người Chăm An Giang di cư năm 1975 có năm sinh khoảng những năm 1956, 1959, 
1962 cư trú tại Tân Hưng (Bến Cát). Nhóm người Khmer An Giang di cư các năm 1975, 1976, 
1978 sống tại Long Hòa (Dầu Tiếng). Nhóm Khmer quê ở Bình Phước di cư năm 1960 hiện cư 
ngụ tại An Bình (Phú Giáo). Nhóm Nùng Quảng Ninh di cư năm 1975 tại ấp Long Điền, xã 
Long Hòa (Dầu Tiếng)... Ba mối quan hệ này tạo nên sự cố kết cộng đồng chặt chẽ, cùng tương 
trợ nhau trong làm ăn kinh tế và cũng là môi trường để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền 
thống. Ba mối quan hệ này nơi các cộng đồng di dân là định chế phi chính thức quy định và 
điều chỉnh các hành vi ứng xử trong cộng đồng. Mỗi nhóm sẽ có những chuẩn tắc để quản trị 
Trần Hạnh Minh Phương Di dân người dân tộc thiểu số và vấn đề văn hóa - xã hội... 
 40 
đời sống xã hội của cộng đồng, vô hình trung góp phần duy trì trật tự xã hội, tạo khối đoàn kết 
cộng đồng để cùng hướng tới cuộc sống phồn vinh hơn. Điều này giải thích vì sao những nhóm 
di dân theo cộng đồng thường nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu để ổn định 
cuộc sống nơi vùng đất mới hơn những hộ di dân lẻ tẻ. 
Đời sống xã hội cộng đồng được tạo nên bởi quan hệ đồng tộc người, quan hệ dòng họ và 
quan hệ láng giềng đã có chức năng định hướng, điều chỉnh chuẩn mực đạo đức của thành viên 
trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng đồng thời đóng góp vào sự 
phát triển chung của tỉnh Bình Dương. Vì thế, thật dễ hiểu, ngày càng có những hộ di dân người 
dân tộc thiểu số khi đã khá giả họ sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người đồng hương, đồng 
tộc của mình mới di dân đến. Chẳng hạn hộ ông Âu Đại M (người Nùng, xã Tân Định, Bắc Tân 
Uyên) thường xuyên giúp đỡ những hộ người Nùng nghèo. Ông cũng thường xuyên quan tâm, 
đóng góp cho công tác từ thiện xã hội tại địa phương, tích cực tham gia đóng góp quỹ khuyến 
học, quỹ đền ơn đáp nghĩa Để hài hòa mối quan hệ giữa chính quyền và người dân tộc thiểu 
số, chính quyền ngày càng quan tâm đến yếu tố văn hóa, yếu tố tộc người. Hiện nay, nhà nước 
nói chung và chính quyền tỉnh nói riêng đã chủ trương tại những địa phương có đông di dân 
người dân tộc thiểu số sinh sống cần duy trì định chế phi chính thức – “già làng” để làm cầu nối 
giữa người dân với chính quyền. Điển hình ông Hứa Tăng Ch, người Tày đã làm già làng của 
67 hộ người dân tộc thiểu số với gần 300 nhân khẩu (không chỉ người Tày mà còn có người 
Khmer, Mường, Thái) ở xã Tân Hiệp từ 18 năm qua. 
CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Lê Thị Thanh Thảo (2013), Di dân ở tỉnh Bình Dương và những ảnh hưởng của nó đến sự phát 
triển kinh tế - xã hội Bình Dương, luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tr. 9. 
[2] Trừ 11.160 người Hoa, kết quả khảo sát của Bảo tàng Bình Dương 7684 người (1863 hộ) dân 
tộc thiểu số khá khớp với thống kê của Cục thống kê. Bảo tàng Bình Dương (2012), Kết quả 
khảo sát 1863 hộ gia đình người dân tộc thiểu số, File excel. 
[3] Phương Chi (2015), Bình Dương thực hiện tốt công tác dân tộc, 
 Truy cập ngày 1-9-2016. 
[4] Đỗ Tuân (2014), Người Nùng Bình Dương thay đổi từ vùng đất lành,  
Truy cập ngày 1-9-2016. 
[5] Cuộc sống mới của người Chăm tại Bình Dương, Báo Bình Dương,  
Truy cập ngày 1-9-2016. 
[6] Lê Thị Thanh Thảo (2013), Bài đã dẫn, tr. 20-21. 
[7] Phương Chi (2015), Bình Dương thực hiện tốt công tác dân tộc, 
 Truy cập ngày 1-9-2016. 
[8] Khoa Nhân học (2008), Nhân học đại cương, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, tr. 71. 
[9] Đỗ Thanh (2014), Độc đáo nghi lễ vòng đời của người Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo, 
 Truy cập ngày 31-8-2016. 
[10] Đỗ Thanh (2014), Bài đã dẫn. 
[11] Đồng bào dân tộc Chăm tích cực lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Báo Bình Dương, 
 Truy cập ngày 1-9-2016. 
[12] Đinh Thị Hòa (2015), Thực trạng tiếp cận dịch vụ công của các hộ gia đình Chăm huyện Dầu 
Tiếng, tỉnh Bình Bương, Đề tài cấp cơ sở, Trường Đại học Thủ Dầu Một. 
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 
 41 
[13] Đồng bào dân tộc Chăm tích cực lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Báo Bình Dương, 
 Truy cập ngày 1-9-2016. 
[14] Khoa Nhân học (2008), Nhân học đại cương, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM. 
[15] Lê Anh Vũ (2016), “Hành trình mưu sinh trên đất khách, sinh kế và bản sắc” trong Nguyễn 
Đức Lộc (chủ biên) “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại: chọn lựa, trở thành, khác biệt”, 
NXB Tri thức. 
[16] Lê Anh Vũ (2016), “Hội nhập xã hội của nữ di cư người Khmer ở Bình Dương” trong Kỷ yếu 
hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu giới và xã hội, Trường Đại học Hoa Sen, tr.23-35. 
[17] Lê Anh Vũ (2016), “Nguyên nhân di cư đến Bình Dương của gia đình người Khmer Trà Vinh” 
trong hội thảo khoa học Hai mươi năm đô thị Bình Dương – lý luận và thực tiễn, Đại học Thủ 
Dầu Một. 
[18] Nguyễn Kim Nhật Thư (2009), Sự biến động dân cư trong quá trình đô thị hóa tỉnh Bình 
Dương từ năm 1997 đến 2009, Luận văn thạc sĩ. 
[19] Nguyễn Thị Thu Hoài (2014), “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số trong phát 
triển bền vững”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 360. 
[20] Phan Xuân Biên (1999), “Cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử” trong Thủ Dầu Một – 
Bình Dương đất lành chim đậu, NXB Văn nghệ. 
[21] Trịnh Hoài Đức (2008) (Bản dịch của Lý Việt Dũng), Gia định thành thông chí, NXB Tổng 
hợp Đồng Nai. 
[22] Ủy ban Dân tộc (2009), Một số thông tin cơ bản [tỉnh Bình Dương],  

File đính kèm:

  • pdfdi_dan_nguoi_dan_toc_thieu_so_va_van_de_van_hoa_xa_hoi_binh.pdf