Kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Yasunari Kawabata
Tóm tắt. Lựa chọn và phối hợp một cách linh hoạt thủ pháp mờ hóa, quan hệ bổ sung, quan
hệ đối chiếu, tương phản, bút pháp kì ảo, bút pháp hiện thực. . . để xây dựng kiểu nhân vật:
Người nam - người lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp và người phụ nữ – hiện thân của cái
đẹp trong bộ ba tiểu thuyết được giải thưởng Nobel văn học, Y.Kawabata đã thể hiện được
quan niệm về con người, cuộc đời, quan niệm thẩm mĩ rất riêng của Nhật Bản, rất riêng
của Y.Kawabata.
Bạn đang xem tài liệu "Kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Yasunari Kawabata", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Yasunari Kawabata
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0012 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 88-93 This paper is available online at KẾT CẤU NHÂN VẬT TRONG BỘ BA TIỂU THUYẾT XỨ TUYẾT, NGÀN CÁNH HẠC, CỐ ĐÔ CỦA YASUNARI KAWABATA Nguyễn Thị Huân Khoa Sư phạm Mầm non, Đại học Hạ Long Tóm tắt. Lựa chọn và phối hợp một cách linh hoạt thủ pháp mờ hóa, quan hệ bổ sung, quan hệ đối chiếu, tương phản, bút pháp kì ảo, bút pháp hiện thực. . . để xây dựng kiểu nhân vật: Người nam - người lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp và người phụ nữ – hiện thân của cái đẹp trong bộ ba tiểu thuyết được giải thưởng Nobel văn học, Y.Kawabata đã thể hiện được quan niệm về con người, cuộc đời, quan niệm thẩm mĩ rất riêng của Nhật Bản, rất riêng của Y.Kawabata. Từ khóa: Kết cấu, nhân vật, quan hệ, bổ sung, đối chiếu, tương phản. 1. Mở đầu Nói đến kết cấu nhân vật không chỉ là nói đến các thủ pháp xây dựng nhân vật mà còn là nói đến tổ chức các quan hệ nhân vật cụ thể của tác phẩm như quan hệ đối lập, đối chiếu, tương phản, bổ sung. Vì thế khi tìm hiểu kết cấu nhân vật trong tác phẩm văn học như trường hợp “Kết cấu nhân vật trong bộ ba Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Y.Kawabata” một mặt cần tìm hiểu về các thủ pháp xây dựng nên hai kiểu nhân vật chính: nhân vật nam – người lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp và nhân vật nữ – hiện thân của cái đẹp, một mặt cần chú ý tìm hiểu hai kiểu nhân vật này trong “các mối quan hệ” với tất cả chiều sâu, chiều rộng của nội dung tác phẩm. Tuy nhiên cho đến nay việc nghiên cứu về kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết nói trên của Kawabata mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu một vài thủ pháp, kĩ thuật mà chưa có công trình chính thức nào nghiên cứu về “tổ chức các quan hệ nhân vật cụ thể”, chẳng hạn như các công trình: Thi pháp tiểu thuyết của Yasuanari Kawabata, nhà văn lớn Nhật Bản của Lưu Đức Trung [8]; Thi pháp truyện ngắn trong lòng bàn tay của Yasunari Kawabata của Hoàng Long [5]; Những cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật Bản hiện đại của Nguyễn Tuấn Khanh [6]; Yasunari Kawabnata – “Lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp” của Nguyễn Thị Mai Liên [7]; Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata của Đào Thị Thu Hằng [4]; Cái nhìn chủ thể, cái nhìn khách thể. Tái định dạng cái nhìn trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari thời kì 1939 -1962 (Gazing subjects, gazing objects. Reconfiduring the gaze in Kawabata Yasunari novels 1939-1962) của Gloria R. montebruno [1]... Vì thế, bài báo tập trung tìm hiểu cách thức tổ chức, xây dựng hệ thống nhân vật trong bộ ba Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô trên cả hai phương diện: thủ pháp xây dựng nhân vật và “các mối quan hệ” như quan hệ bổ sung, quan hệ đối chiếu, tương phản. Ngày nhận bài: 15/9/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017 Liên hệ: Nguyễn Thị Huân, e-mail: huannguyenthi.c17@moet.edu.vn 88 Kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Yasunari Kawabata 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thủ pháp mờ hóa và quan hệ đối chiếu, tương phản trong việc xây dựng kiểu nhân vật nam - người lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp Người lữ khách trong sáng tác của Kawabata thường là những nam nhân. Họ “ra đi” vừa để kiếm tìm, phát hiện vẻ đẹp con người, thiên nhiên, những giá trị văn hóa dân tộc, vừa để tìm lại bản thân và ý nghĩa cuộc sống đích thực cho mình. Nên khi xây dựng kiểu nhân vật này, Kawabata chủ yếu sử dụng thủ pháp mờ hóa để miêu tả ngoại diện, lai lịch. Vì thế Shimamura (Xứ tuyết), Kikuji (Ngàn cánh hạc), Takichiro (Cố đô) là ai, làm gì, cha mẹ và cuộc sống gia đình ra sao, không ai biết, chỉ biết họ là các nhân vật nam chính sinh ra, lớn lên trong những gia đình khá giả ở những thành phố lớn. Lai lịch mờ nhạt, ngoại hình nhân vật cũng khó hình dung nắm bắt, do tác giả không sử dụng chi tiết miêu tả ngoai diện. Nếu có nhân vật nam nhân nào được miêu tả ngoại diện thì cũng chỉ dừng ở đôi nét đơn sơ để phác thảo ra dánh dấp chung cho những lữ khách xuất thân từ thành phố, sở hữu vẻ đẹp phong lưu hấp dẫn giới nữ chứ không phải để nhận diện, khu biệt nhân vật này với nhân vật khác, điển hình như trường hợp Shimamura trong Xứ tuyết. Xây dựng kiểu nhân vật này, Kawabata cũng không chú ý làm nổi bật phẩm chất theo quan điểm đạo đức, cũng không chú ý xây dựng con người tính cách trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội mà chú ý sử dụng quan hệ đối chiếu, tương phản để tạo nên những con người cá nhân vừa đời thường trần tục với xung động dục tính vừa thanh cao, trong sáng với khát vọng khám phá, giữ gìn, nâng niu cái đẹp theo quan niệm duy mĩ, duy tình riêng của Nhật Bản. Về con người đời thường với ham muốn bản năng, Kawabata đã chú ý tô đậm thông qua những chi tiết điển hình cho tính dục trong “sự tiết chế mạnh mẽ” để nhằm mục đích “tôn vinh vẻ đẹp của con người” [4;152]. Nên chỉ với những thiếu nữ đẹp sạch sẽ, tươi mát như Komako mới khơi dậy ham muốn nhục thể ở Shimamura; chỉ Ota – người đàn bà mang vẻ đẹp “người tình – mẫu thân” mới mang lại cho Kikuji cảm giác êm đềm mãn nguyện sau giây phút ái ân và chỉ bé gái kháu khỉnh trên tòa tàu tưởng niệm– biểu tượng cho vẻ đẹp tinh khiết, trong sáng – mới làm cho ông già Takichiro mê thích. Khi những ham muốn bản năng, những xung động dục tính trở nên mạnh mẽ, những lữ khách như Shimamura, Kikuji đã sử dụng đôi bàn tay để ôm, lần, kéo, áp (tay), đặt tay, nắm (chặt tay), xiết chặt, ghì chặt... người đàn bà của mình; hoặc dùng vị giác bằng cách lè lưỡi ra để cho người thiếu nữ thận trọng chạm vào cặp môi ấm nóng, mềm mại của mình rồi hít riết lấy như Takichiro. Ba lữ khách là ba cuộc đời, có số phận, tâm tính, tuổi tác khác nhau nhưng khi đặt họ bên cạnh nhau: Kikuji, nhiệt tình kiếm tìm, phát hiện người đàn ông đích thực trong mình; Shimamura trầm tĩnh thể hiện sự sung mãn của xung động dục tính, còn Takichiro lại khát khao tìm lại nguồn sức lực trẻ trung đã mất. Người đọc thấy hiển hiện ra một mẫu nam nhi rất riêng của Nhật Bản. Mẫu nam nhi này không có tham vọng “trị quốc, bình thiên hạ”, không lấy công danh, học vấn làm lẽ sống mà lấy sự thỏa mãn trong mĩ cảm, sắc dục làm một trong những niềm vui lớn của cuộc đời. Mẫu nam nhi này ta đã bắt gặp ở hình tượng Genji từ thế kỉ X “một nhân vật được xây dựng thành công hơn cả của tiểu thuyết Nhật Bản. Mọi hành động của chàng, vừa quyến rũ mà đầy chất người, một tính chất thuộc về tâm hồn, trái tim (kokoro) mà vẫn không xa rời nhục thể” [2;124]. Nên Genji của Murasaki cũng như Shimamura, Kikuji, Takichiro của Kawabata không hiện lên như những Đông Gioăng của Molie (Pháp) hay Sở Khanh của Nguyễn Du (Việt Nam) mà là những người tình hào hoa và trân trọng tình yêu, trân trọng người phụ nữ - hiện thân của vẻ đẹp thiên tính nữ vĩnh cửu. Vì thế khi bàn đến người lữ khách trong sáng tác của Kawabata nói chung, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô nói riêng, có người đã cho rằng dù rất yêu cái đẹp, yêu các lễ hội, yêu văn hóa truyền thống dân tộc, có trách nhiệm với gia đình “nhưng cuộc sống của họ bao giờ cũng gắn liền với yếu tố sắc dục dù là thể xác hay tinh thần” [4;96]. Đây một trong những yếu tố 89 Nguyễn Thị Huân làm nét độc đáo của văn hóa xứ sở Phù Tang. Đối chiếu, tương phản mà vẫn thống nhất với con người của xung động dục tính là con người thanh cao, trong sáng với khát vọng giữ gìn, nâng niu cái đẹp lại được Kawabata tô đậm bằng thủ pháp dòng ý thức và nghệ thuật độc thoại nội tâm. Nhờ vậy, người lữ khách trở thành những con người hướng nội, con người tâm lí. Họ sống sâu sắc, giàu tình cảm, luôn khát khao kiếm tìm thứ nghệ thuật đích thực của cuộc đời dù xuất thân, dù cuộc sống của họ không có nhiều duyên nợ, không gắn bó sâu sắc với nghệ thuật như trường hợp Takichiro (Cố đô) và Shimamura (Xứ tuyết). Takichiro sinh ra, lớn lên trong gia đình kinh doanh buôn bán vải may kimono nhưng niềm đam mê của ông lại là thiết kế trang phục, vẽ mẫu thắt lưng. Niềm đam mê ấy gặp thời buổi kinh tế thị trường đã mang thêm nỗi ngậm ngùi tiếc nuối, rồi chuyển hóa thành mong muốn tìm lại nguồn cảm hứng sáng tạo. Mong muốn này thôi thúc Takichiro vào chùa ở ẩn để thiết kế mẫu thắt lưng nhưng nguồn cảm ấy mới chỉ khơi dậy ở Takichiro khả năng sáng tạo mà chưa khơi dậy được sự nồng ấm của tâm hồn nên ông chỉ vẽ được mẫu thắt lưng đẹp lộng lẫy, tân kì nhưng thiếu hài hòa, thiếu hơi ấm của tâm hồn, phảng phất nỗi bất ổn cùng một vẻ gì đó bệnh hoạn. . . Shimamura sinh ra, lớn lên ở khu buôn bán lớn của Tokyo nhưng lại yêu thích, say mê nghệ thuật (kịch Kabuki, vũ đạo, kịch câm, biên đạo múa phương Tây, phê bình văn học...). Say mê và liên tục thay đổi sở thích nghệ thuật không phải vì chàng bồng bột mà vì chàng luôn ước mơ về một thứ nghệ thuật hoàn hảo, lí tưởng, cao quý và thuần khiết, thứ nghệ thuật có khả năng nâng đỡ, thanh lọc, làm giàu tâm hồn con người. Đây là ước mơ chính đáng, thể hiện được sự sâu sắc trong suy nghĩ, nghiêm túc trong nghề nghiệp nhưng có phần hoang tưởng trong xã hội đã phần nào bị ô nhiễm bởi đồng tiền, đảo điên vì lợi lộc. Không tìm thấy thứ nghệ thuật đích thực trên sân khấu, trong sách vở, nơi phồn hoa đô thị, Shimamura đi tìm nó trong cuộc đời, ở vùng đất phương Bắc xa xôi, hoang sơ, trinh bạch... Và trên hành trình kiếm tìm ấy, Shimamura cũng như Takichiro và Kikuji đã bộc lộ vẻ đẹp thanh cao, trong sáng của tâm hồn thông qua sự phát hiện và nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong cuộc sống. Đó là vẻ đẹp thanh xuân, tươi trẻ, tinh khiết, thánh thiện – vẻ đẹp không chỉ để chiêm ngắm mà còn khơi gợi nhu cầu chiếm lĩnh hưởng thụ. Như vậy có thể nói, với việc sử dụng thủ pháp mờ hóa, quan hệ tương phản, đối lập Kawabata đã tạo nên một kiểu nhân vật duy mĩ, duy tình độc đáo của văn hóa Nhật Bản trong các sáng tác của mình. Đó là người lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp có sự hài hòa thống nhất giữa con người trần tục với những xung động dục tính và con người thanh cao, trong sáng, có khát vọng về một thứ nghệ thuật đích thực được làm nên từ cái đẹp của cuộc đời. Cái đẹp ấy hội tụ rõ nhất ở người phụ nữ. 2.2. Quan hệ bổ sung, đối chiếu, tương phản trong việc xây dựng kiểu nhân vật người phụ nữ – hiện thân của cái đẹp Với quan niệm cái đẹp chỉ hoàn hảo khi gắn với nỗi buồn và người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp nên người phụ nữ trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Kawabata thường đẹp và buồn. Họ chủ yếu là các cô gái trẻ, sinh ra lớn lên trong những gia đình thiếu vắng, mất mát người thân và có quê quán, tiểu sử không rõ ràng. Vì thế, ấn tượng về họ chỉ là cảm giác mơ hồ, huyền bí trong nỗi cô đơn, lẻ loi. Đặc biệt so với các nam nhân lữ khách, người phụ nữ có xuất thân đa dạng với đủ mọi hoàn cảnh: giàu – nghèo, thành thị và nông thôn, trên núi rừng và trong thành phố. Song dù làm gì, ở đâu, người phụ nữ nữ cũng đều hiện ra trong sự hài hòa giữa vẻ đẹp văn hóa và vẻ đẹp nữ tính. Thứ nhất về vẻ đẹp văn hóa người phụ nữ. Đây là vẻ đẹp gắn với ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống như trà đạo, kimono; giữ gìn phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn học dân tộc theo chuẩn mực, quan niệm của xã hội, đã được Kawabata thể hiện qua “mối quan hệ bổ sung”. “Quan hệ bổ sung” - “quan hệ của các nhân vật cùng loại, nhằm mở rộng phạm vi của một loại 90 Kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Yasunari Kawabata hiện tượng” [9;99] nhưng không phải “quan hệ bổ sung phụ thuộc” mà là “quan hệ bổ sung đồng đẳng”. Bởi các nhân vật phụ nữ – hiện thân của vẻ đẹp văn hóa trong bộ ba tiểu thuyết nói trên “bổ sung cho nhau nhưng không phụ thuộc vào nhau, mà cùng thể hiện cuộc sống của một tầng lớp người” [9;99]. Nên trong Xứ tuyết, bên cạnh geisha Komako xinh đẹp, quyến rũ, tài năng, say sưa tìm hiểu văn học, kịch Kabuki, luôn có ý thức giữ mình, giữ nghề, sống và hành động theo tiếng gọi của con tim là geisha Kikyuu giỏi giang, có bản lĩnh “vứt bỏ hết” nhà cửa, tấm tình của Mạnh Thường Quân nọ để “muốn cưới” người đàn ông mình yêu; là thiếu nữ Yoko yêu thích các bài hát đồng dao, dân ca. Như vậy, Kikyuu và Yoko dù chỉ là nhân vật phụ nhưng đã cùng với Komako tô đậm vẻ đẹp sắc – tài - tâm - tình của cả một bộ phận phụ nữ làm nghề geisha, tô đậm tình yêu, ý thức giữ gìn các giá trị văn học nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ. Còn trong Ngàn cánh hạc, bên cạnh Yukiko - một tia sáng, một làn hương trong trẻo, tinh khôi, tinh khiết trong thế giới xô bồ, ô nhiễm, là cõi “vô trùng” cho hồn trà trú ngụ – là Fumiko, hiện thân một đồ vật thưởng trà có vẻ đẹp mong manh còn vương lại trong thế giới dung tục này. Hai nhân vật đã bổ sung cho nhau để làm nên vẻ đẹp hài hòa giữa “những cô gái trẻ, đồ gốm cổ và những giá trị văn hóa truyền thống” [3;96]. Thứ hai về vẻ đẹp nữ tính. Nữ tính - tính nữ bắt nguồn và là cốt tủy của nguyên lý Mẫu mang tính nhân loại. Tuy nhiên do tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố mang tính dân tộc nên cùng với vẻ đẹp tính nữ mang tính nhân loại, người phụ nữ Nhật Bản nói chung, người phụ nữ trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô nói riêng còn sở hữu vẻ đẹp độc đáo rất riêng mang tính dân tộc. Vẻ đẹp tính nữ mang tính nhân loại là khát khao được làm mẹ, làm vợ, được yêu thương và được hi sinh mang tính bản năng của giới nữ. Xét riêng ở từng nhân vật, vẻ đẹp này thường được Kawabata làm nổi bật qua những hành động chăm chút ân cần người khác hoặc qua mong ước của họ về một mái ấm gia đình. Xét trong cả hệ thống, vẻ đẹp các nhân vật phụ nữ được Kawabata xem xét trong mối quan hệ bổ sung cho nhau, “phản ánh nhau, tác động vào nhau, soi sáng nhau, để cùng phản ánh đời sống” [9;99]. Nên trong Xứ tuyết, bên cạnh một Yoko mang vẻ đẹp người chị, người vợ, người mẹ (khi luôn lấy việc quan tâm, chăm sóc người khác là niềm vui, làm nguồn nuôi dưỡng sự sống cho mình) là một Komako sẵn sàng hi sinh bản thân để làm geisha chuyên nghiệp lấy tiền chữa bệnh cho con trai bà giáo dạy nhạc, luôn mong muốn có một người chồng, một đứa con. Trong Ngàn cánh hạc, Cố đô bên cạnh bà mẹ Ota, Xighe luôn yêu con, chăm lo từng chút cho con là những thiếu nữ như Yukiko, Fumiko, Chieko, Naeko có khát khao thầm kín về một mái ấm gia đình. Như vậy với việc sử dụng quan hệ bổ sung đồng đẳng, Kawabata đã làm nổi bật vẻ đẹp thiên tính nữ của người phụ nữ với thông điệp: dù là ai, dù được sinh thành, nuôi dưỡng trong điều kiện hoàn cảnh nào nhưng đã là phụ nữ thì từ trong sâu thẳm tâm hồn, từ bản năng và thiên chức của giới tính, họ đều khát khao một mái ấm gia đình để được làm vợ, làm mẹ; để được yêu thương, được hi sinh; để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Trong khi vẻ đẹp nữ tính mang tính nhân loại được chú ý xây dựng từ quan hệ bổ sung đồng đẳng thì vẻ đẹp nữ tính đậm đà tính dân tộc lại được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ đối chiếu, tương phản: nước (tuyết) và lửa, nồng nàn và lạnh lùng. . . Từ góc độ văn hóa, nước và lửa là những cổ mẫu, song nếu nước ứng với phương Bắc, gắn với sự mềm mại, dịu dàng, là biểu tượng cho khả năng sinh sôi nảy nở, sự tinh khiết, tính hiền minh, khoan dung và đức hạnh thì lửa lại ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè và trái tim, là biểu tượng cho sự tẩy uế và tái sinh, tượng trưng cho nhiệt huyết và tinh thần. Kết hợp đặc trưng, ý nghĩa biểu tượng của mẫu gốc: nước – lửa, Kawabata đã xây dựng được hệ thống nhân vật mà ở đó từng cặp nhân vật nữ Komako – Yoko, Yukiko – Fumiko, Chieko – Naeko, và ngay trong bản thân từng nhân vật nữ vừa có vẻ đẹp mềm mại, tươi mát như nước, tinh khôi, thanh sạch như tuyết vừa nồng ấm, nồng nàn như lửa giữa bên ngoài - 91 Nguyễn Thị Huân ngoại diện và bên trong - tâm hồn. Khuôn mặt Yoko lúc nào cũng lạnh lùng xa cách, nhưng đôi mắt lại lấp lóa lửa, tâm hồn luôn nồng ấm tình phu thê, tình mẫu tử khi chăm chút người đàn ông bị ốm và dỗ dành trẻ con. Komako luôn sạch sẽ, tươi mát ở tấm thân, lạnh buốt ở mái tóc song lúc nào cũng ấm áp, nóng bỏng, rừng rực, đỏ rực, đỏ bừng, rực lên, ửng hồng ở đôi má, thân thể và ở tình yêu nồng cháy dành cho Shimamura (Xứ tuyết). Không trực tiếp miêu tả như Yoko, Komako nhưng căn cứ vào đặc trưng của nước và lửa, chúng ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa, thống nhất giữa hai mặt đối lập này ở Yukiko, Fumiko (Ngàn cánh hạc), Chieko và Naeko (Cố đô) bởi sự tươi trẻ ở tuổi tác, tươi mát ở thân thể, dịu dàng, giản dị, nghiêm nghị ở động tác, tư thế, phong thái và sự nồng nàn của thứ hương thơm con gái, hơi ấm tuổi thanh xuân. Thứ hương thơm, hơi ấm này có thể xua đi giá lạnh, hong khô được sự ướt át và làm rực cháy con tim người lữ khách. Có thể nói,với cách thức miêu tả này, Kawabata không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo người phụ nữ được sinh thành, tạo tác, kết tụ từ sóng biển, tuyết trắng, mặt trời và núi lửa mà còn cho thấy người phụ nữ là ngọn nguồn của sự sống, là hiện thân của đức hạnh nên có thể tái sinh, tẩy uế những tâm hồn đã úa tàn, ô nhiễm. Mặc dù cùng được xây dựng từ nguyên lí thống nhất của những mặt đối lập là nước và lửa, nóng và lạnh, các nhân vật nữ vẫn mỗi người một vẻ trong một bó hoa đa hương sắc. Trước hết, đối với kiểu nhân vật nữ mang vẻ đẹp thánh thiện, thoát tục, siêu nhiên mà tiêu biểu là Yoko (Xứ tuyết), Yukiko (Ngàn cánh hạc) và Chieko (Cố đô), Kawabata chủ đạo sử dụng bút pháp huyền thoại hóa mà ở đó có cái kì (kì lạ, khác thường) của Trung Quốc, có cái yugen (mơ hồ, bỏ lửng, bí ẩn) của Nhật Bản để tạo nên gia thế nhân vật mơ hồ, huyền ảo: Yoko là dân xứ tuyết nhưng lại sống trong nhà bà giáo dạy nhạc để chăm sóc người ốm, người ốm ấy là người nàng yêu nhưng lại là chồng chưa cưới của Komako. Yukiko là con nhà Inamura, một thương gia buôn bán tơ lụa (nào đó, ở đâu đó) không ai biết, và sau đó nghe đâu (theo lời Chikako) nàng đi lấy chồng (Ngàn cánh hạc). Chieko - đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng bị bỏ rơi ở đâu, không biết, nhưng với ông Takichiro thì nàng nhất định được sinh ra dưới rặng anh đào nở hoa ở Ghion. . . “Giống như Hào quang Thất nữ Kaguyahime của “Truyện lão ông Taketori” mà người đời phát hiện thấy trong gióng trúc” [5; 639]. Cùng với cái “kì” gia thế, xuất thân, các nhân vật còn “kì” ở khả năng bản thân, điển hình như Yukiko (Ngàn cánh hạc) và Chieko (Cố đô) khi con người họ luôn tỏa ra thứ hương thơm nồng nàn, quyến rũ. Đặc biệt, là “kì” ở ngoại diện với nghĩa đẹp khác người – một kiểu ngoại diện thể hiện tố chất, phẩm chất đẹp và buồn của một thứ người tinh khôi, tinh khiết nhất không thể có ở cõi trần thô tục. Đó là vẻ đẹp một nhân vật nào đó xa xưa, một con người lí tưởng của thế giới huyền thoại; vẻ đẹp của Tiểu thư ánh trăng, của Đức mẹ Đồng Trinh, của Quan thế âm Bồ Tát - vẻ đẹp không chỉ làm nên sự say đắm mà còn có khả năng cứu rỗi tâm hồn người lữ khách, vẻ đẹp mà người lữ khách chỉ có thể gặp được ở trong mơ, trong ước vọng về một tình yêu thánh thiện. Còn đối với kiểu nhân vật nữ đẹp trần tục, gợi cảm mà tiêu biểu là Komako (Xứ tuyết), Ota, Fumiko (Ngàn cánh hạc) Naeko (Cố đô), Kawabata lại chú ý sử dụng bút pháp tả thực với việc miêu tả chi tiết đường nét ngoại hình theo nguyên tắc “ngoại diện chịu sự chi phối của điều kiện, môi trường sống” cùng những liên tưởng, ví von độc đáo. Vì thế, Kawabata không chỉ làm nổi bật được cảnh sống đơn côi, cơ hàn của họ trong những căn nhà thanh đạm, đơn sơ, thậm chí tồi tàn, tăm tối - biểu tượng cho cuộc sống vật chất thiếu thốn, nghèo khổ, biểu tượng cho một thứ nhà ngục tinh thần giam giữ tuổi xuân, triệt tiêu niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn làm nổi bật vẻ đẹp đa hương sắc vượt lên lên hoàn cảnh sống, vẻ đẹp chịu sự chi phối của môi trường sống. Kawabata không chỉ mô tả được thế giới tâm hồn phong phú phức tạp của nhân vật nữ trần thế với đủ mọi ái ối hỉ nộ, đặc biệt là nỗi góa bụa đơn côi trong sự nồng nàn say đắm mà còn khắc họa thần tình, sống động chân dung, diện mạo tinh thần riêng cho từng nhân vật: Komako nồng cháy mãnh liệt trong một tình yêu vô vọng. Ota đam mê lạc lối trong thứ tình yêu ngang trái đớn đau. Naeko buồn 92 Kết cấu nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Yasunari Kawabata rầu, âu lo, ghen tị cho tương lai đầy bất định. . . 3. Kết luận Nói tóm lại, việc tổ chức, sáng tạo hai kiểu nhân vật cơ bản nói trên bằng thủ pháp mờ hóa, quan hệ bổ sung, tương phản đối lập, bút pháp huyền thoại hóa, bút pháp hiện thực,... Kawabata không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp văn hóa độc đáo xứ sở Phù Tang với quan niệm về sắc dục, tinh thần tôn thờ cái đẹp tự nhiên, đặc trưng duy mĩ duy tình. . . mà còn khắc họa thần tình “bức tranh xã hội với tư duy khoáng đạt, với một niềm cảm thông nhuốm màu sắc bi quan trong buổi giao thời giữa cái cũ và cái mới” [5;959], từ đó “đóng góp vào việc bắc một nhịp cầu tinh thần giữa phương Đông và phương Tây” [5;960]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Gloria R.montebruno, 2003. Cái nhìn chủ thể, cái nhìn khách thể. Tái định dạng cái nhìn trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari thời kì 1939 -1962 (Gazing subjects, gazing objects. Reconfiduring the gaze in Kawabata Yasunari novels 1939-1962). [2] Nhật Chiêu, 2010. Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1869. Nxb Giáo dục Việt Nam. [3] Khương Việt Hà, 2004. Thủ pháp tương phản trong truyện Người đẹp ngủ say (Nemureru Buo) của Kawabata Yasunari. Tạp chí văn học, Số 1. [4] Đào Thị Thu Hằng, 2007. Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata. Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 81, 152, 96. [5] Yasunari Kawabata, 2005. Tuyển tập tác phẩm, Nhiều người dịch. Nxb Lao động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. [6] Nguyễn Tuấn Khanh, 2010. Những cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật Bản. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [7] Nguyễn Thị Mai Liên, 2005. Yasunari Kawabata – Lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp. Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 11, Hà Nội. [8] Lưu Đức Trung, 1999. Thi pháp tiểu thuyết của Yasunari Kawabata nhà văn lớn Nhật Bản. Tạp chí Văn học, Số 9, Hà Nội. [9] Nhiều tác giả, 1987. Lí luận văn học, tập 2. Nxb Giáo dục. ABSTRACT Kinds of characters in three novels including Snow Area, Thousands of cranes, Ancient capital by Yasunari Kawabata Nguyễn Thị Huân Faculty of Early-Childhood Education, Ha Long University Flexible choice and coordination to the fuzzy writing style, additional relation, contrastive relation, magical writing style, realistic writing style etc in order to build a character: a man - the traveler wandering to search for the beauty and the woman - the embodiment of beauty in the 3 novels which gained the Nobel literature prize, has shown Y.Kawabata conception of man, life, unique aesthetic concept of Japan, showing Y.Kawabata’s particularity. Keywords: Structure, character, relationship, addition, contrastive, contrast. 93
File đính kèm:
- ket_cau_nhan_vat_trong_bo_ba_tieu_thuyet_xu_tuyet_ngan_canh.pdf