Nâng cao chất lượng dạy học cho giọng nữ cao hệ Trung cấp thanh nhạc ở trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Abstract: Vocal music is an artistry of combination between music and language. It requires a
long practicing process with the efforts of both the teacher and students. This article raises the issue
of vocal technique training for sopranoes at the Vocal Music School with aim to propose some
solutions for students to seize the basic techniques and master their vocals.
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao chất lượng dạy học cho giọng nữ cao hệ Trung cấp thanh nhạc ở trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Nâng cao chất lượng dạy học cho giọng nữ cao hệ Trung cấp thanh nhạc ở trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 206-210 206 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CHO GIỌNG NỮ CAO HỆ TRUNG CẤP THANH NHẠC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA Lê Thị Tuyết - Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Ngày nhận bài: 25/05/2018; ngày sửa chữa: 27/05/2018; ngày duyệt đăng: 29/05/2018. Abstract: Vocal music is an artistry of combination between music and language. It requires a long practicing process with the efforts of both the teacher and students. This article raises the issue of vocal technique training for sopranoes at the Vocal Music School with aim to propose some solutions for students to seize the basic techniques and master their vocals. Keywords: Teaching, technique, sopranoes, the Vocal Music School. 1. Đặt vấn đề Nói đến thanh nhạc không thể không nhắc đến một nội dung quan trọng đó là kĩ thuật thanh nhạc. Có giọng hát tự nhiên tốt chưa đủ mà cần phải rèn luyện kĩ thuật thanh nhạc một cách bài bản để giọng hát được vững vàng, mang tính chuyên nghiệp. HS hệ Trung cấp Thanh nhạc (hay còn gọi là Trung cấp năng khiếu) là những đối tượng học chuyển tiếp từ cấp trung học cơ sở. Cơ quan về thanh quản, sinh lí đang trong giai đoạn phát triển nên phần nào cũng ảnh hưởng đến giọng hát của các em. Vì vậy, việc rèn luyện kĩ thuật thanh nhạc, đặc biệt là giọng nữ cao (Soprano) cần có sự kiên trì luyện tập của cả người dạy và người học. Trong chương trình học, HS được trang bị những kĩ thuật chung về thanh nhạc như hơi thở, vị trí âm thanh, cộng minh, nhả chữ nhả lời, kĩ thuật hát liền giọng, hát nảy... để các em có được giọng hát tốt. Với những tiêu chí về giọng hát như: giọng hát vang, âm thanh sáng, hơi thở đầy đặn, cao độ chuẩn xác, có năng lực phô diễn được những câu hát với độ dài ngắn, mạnh nhẹ hay trầm bổng khác nhau một cách nhuần nhuyễn. Để từ đó hướng tới một giọng hát không chỉ tốt về kĩ thuật mà có một giọng hát đẹp, tự nhiên, thoải mái, không bị các cố tật làm giảm thiểu sức truyền cảm của bài hát. Giọng nữ cao là giọng hát khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, do đó có rất nhiều tài liệu nghiên cứu, đề cập đến kĩ thuật và chất liệu của giọng này. Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy, chúng tôi thấy rằng vấn đề giảng dạy cũng như rèn luyện được một giọng hát nữ cao hoàn thiện về kĩ thuật là một vấn đề khó khăn. Một số HS nữ khi thể hiện ca khúc thường mắc phải những vấn đề như: Hơi thở không ổn định, hát theo bản năng, khi hát những nốt cao thường dùng sức nên âm khu cao bị sâu, bóp nghẹt hay vỡ tiếng, hát những âm khu thấp bị xỉn, mờ, tạo cho người nghe cảm giác căng thẳng, mệt mỏi... Điều này dẫn tới những hạn chế trong việc thể hiện đúng sắc thái, tâm tư, tình cảm của tác giả gửi gắm vào ca khúc, cũng như làm giảm giá trị nghệ thuật của bài hát. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thực trạng dạy và học Thanh nhạc ở Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa HS hệ Trung cấp thanh nhạc đa số đều có năng khiếu và tố chất âm nhạc, luôn tìm tòi, sáng tạo trong học tập. Bên cạnh nhiều em chưa từng học qua thanh nhạc còn có một số em đã qua học tập rèn luyện từ nhỏ tại Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố. Những HS đã qua học tập về ca hát đều có những thuận lợi nhất định như: có phong cách biểu diễn, có kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu, giọng hát tốt. Đội ngũ giảng viên của khoa hiện nay đều có trình độ chuyên môn được tốt nghiệp chính quy từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; luôn nhiệt tình, tâm huyết trong giảng dạy, trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như cập nhật cái mới trong công tác giảng dạy. Mặt khác, Trường cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ để có thể phục vụ tốt cho công tác đào tạo cũng như bồi dưỡng tài năng. Hàng năm, nhà trường đã tổ chức một số cuộc thi như: Sinh viên tài năng Âm nhạc, Sinh viên thanh lịch, Câu lạc bộ âm nhạc..., đây là những hoạt động để các em có thể trải nghiệm, thử thách bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng còn gặp những khó khăn khi giảng dạy các kĩ thuật thanh nhạc cho HS như: Hàng năm, nhà trường tuyển sinh một đợt hệ Trung cấp Thanh nhạc vào khoảng cuối tháng 7, khi các em đã hoàn thành kì thi THCS, độ tuổi tuyển sinh là 15, 16 tuổi. Về mặt tâm - sinh lí, các em ở tuổi này đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất nên việc học tập đang còn theo “cảm tính”, chưa thực sự ý thức về sự học tập cho bản thân, thanh đới chưa thực sự hoàn thiện nên khi học thanh nhạc sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là giọng nữ cao. HS Thanh nhạc nói chung và giọng nữ cao nói riêng của Trường chưa đạt được sự đồng đều VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 206-210 207 về trình độ chuyên môn, nhiều em năng khiếu còn hạn chế; mỗi HS lại có những đặc điểm khác nhau về giọng hát (có em phù hợp với những bài có tốc độ nhanh và linh hoạt, có em lại phù hợp với những bài nhịp độ chậm...); ngay trong mẫu luyện thanh, có em có em hợp với mẫu nguyên âm i, a nhưng cũng có nhiều em ô, ê, u... Phần đông HS giọng chuyển chưa tốt, còn hát theo bản năng tự nhiên. Một số HS còn chạy theo thị hiếu âm nhạc thị trường mà bỏ quên việc rèn luyện, dẫn tới chất lượng đạt được không cao. Về giáo trình, các tài liệu giảng dạy Thanh nhạc cho giọng nữ cao chưa tập trung, thiếu chi tiết, hệ thống bài tập chưa cụ thể... 2.2. Nâng cao dạy học một số kĩ thuật thanh nhạc đặc trưng cho giọng nữ cao hệ Trung cấp thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Để việc giảng dạy một số kĩ thuật thanh nhạc nói chung và một số kĩ thuật đặc trưng cho giọng nữ cao nói riêng tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đạt kết quả cao hơn, nhà trường không chỉ tập trung chú trọng việc rèn luyện kĩ thuật mà cần chú ý một số yêu cầu sau: 2.2.1. Cần lựa chọn bài hát phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng năm học Đây là một công việc đối với GV và quyết định đến kết quả học tập của mỗi HS. 3 năm học thanh nhạc tại trường là thời gian quý giá để HS trau dồi, rèn luyện kiến thức. Việc lựa chọn bài hát cần phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu của HS, điều này giúp ích rất tốt cho việc phát triển những kĩ thuật thanh nhạc và phát triển giọng hát; ngược lại, việc lựa chọn không phù hợp sẽ khó có thể phát triển giọng hát và kĩ thuật thanh nhạc một cách toàn diện. Hiện nay, Khoa Âm nhạc - Bộ môn Thanh nhạc có biên soạn các cuốn hệ thống bài tập theo các năm song lại dùng chung cho tất cả các loại giọng mà chưa có hệ thống bài tập dành riêng cho giọng nữ cao theo các năm. Theo chúng tôi, để phù hợp với giọng nữ cao, cần biên soạn bài tập thực hành như sau: - Đối với HS năm thứ nhất: Đây là năm đầu của HS, là năm “nền móng”, do vậy GV cần hướng dẫn thật kĩ ngay từ đầu, tùy theo khả năng tiếp thu của từng em để những “tật” về thanh nhạc không duy trì quá lâu, sẽ dẫn tới sai lệch về sau; trọng tâm là nâng cao kiến thức kĩ thuật thanh nhạc cơ bản cho HS. Không nên giao bài cho HS quá sớm (ít nhất là trong nửa học kì đầu) mà phải xây dựng cơ bản của giọng hát và thói quen áp dụng kĩ thuật bằng các bài tập luyện hơi (cách lấy hơi, nén hơi); luyện giọng (mở khẩu hình bật ngân thanh âm ); luyện các bài vocalise. Cần luyện tập cho HS về tư thế hát: luôn thả lỏng, kết hợp luyện thanh và trạng thái cơ thể luôn được buông lỏng thoải mái. Trong quá trình dạy học, nên lựa chọn các bài vocalise theo tiêu chí: không nên quá dài và phức tạp để giúp người học dễ nhớ, dễ áp dụng kĩ thuật mà không bị áp lực về tâm lí; nên chọn những bài có giai điệu ít có nhảy quãng; bài hát có giai điệu liền bậc, tiết tấu vừa phải, dễ nhớ, không nên nhanh quá hay chậm quá, không dùng tác phẩm chuyển qua nhiều giọng hoặc có nhiều dấu hóa bất thường, li điệu, chuyển điệu; đối với bài hát nước ngoài phải có lời dịch (bài hát nước ngoài phát âm tròn, mở, có thể nghe không rõ lời, không thêm nốt luyến láy; ca khúc dân tộc có thanh âm mở và có hơi thở để dễ nghe rõ lời); từ các bài tập volicase đến tác phẩm nước ngoài hay ca khúc Việt Nam đều cần có sự định hướng mục đích rõ ràng của GV đối với HS khi chọn và giao bài. Một số ca khúc Việt Nam dành cho giọng nữ cao năm thứ nhất: Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Văn Ký), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung), Làng tôi (Hồ Bắc). - Đối với HS năm thứ hai: Với đầu năm thứ hai, các thói quen kĩ thuật cơ bản của HS vẫn còn chưa ổn định; khi vào bài hát, các em sẽ còn gặp khó khăn về xử lí những nốt luyến láy cao có dấu, hay những nốt luyến láy cao. Vì thế, để hoàn thiện hơn về mặt kĩ thuật thanh nhạc cho HS, chúng ta cần chú ý đến tiêu chí chọn bài như sau: số lượng bài nước ngoài và Việt Nam cho sinh viên tăng dần theo mức độ khó; những bài hát có giai điệu uyển chuyển linh hoạt hơn, những tác phẩm có chuyển điệu, tác phẩm hát nhanh, hay tác phẩm có các nốt luyến láy hay hoa mĩ...; xử lí sắc thái, biểu cảm tác phẩm kết hợp kĩ thuật hơi thở, kĩ thuật hát liền tiếng, hát âm nẩy; ca khúc phải có nội dung ý nghĩa, giai điệu có tính thẫm mĩ âm nhạc cao; các bài hát nước ngoài được hát bằng tiếng nước ngoài để nâng cao việc phát âm... Một số ca khúc Việt Nam năm thứ 2: Lên ngàn (Hoàng Việt), Lời ru trên nuơng (Trần Hoàn), Khi thành phố lên đèn (Thái Cơ), Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Làng quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng tạo), Đất nước tình yêu (Lê Giang), Suối Mường Hum còn chảy mãi (Nguyễn Tài Tuệ), Tình em (Huy Du). - Đối với HS năm thứ ba: Thời điểm này giọng hát của HS đã được định hình và ổn định hơn về mặt kĩ thuật để có thể áp dụng xử lí những tác phẩm thanh nhạc ở mức độ cao hơn và khó hơn, vì thế ngoài việc lựa chọn những bài hát cần đáp ứng những yêu cầu cao hơn, cụ thể: Những bài kĩ thuật Legato, Staccato, Non legato, luyến láy, hát sắc thái to nhỏ, hát lướt, những bài nhằm phát triển giọng về âm sắc và âm vực cho HS. Những ca khúc Việt Nam cho giọng nữ cao năm thứ 3: Bài ca hi vọng (Văn Ký), Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 206-210 208 (Nguyễn Tài Tuệ), Huyền thoại Hồ núi cốc (Phó Đức Phương), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Câu hò trên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ). Ngoài ra, cần bổ sung một số ca khúc mang âm hưởng dân ca Thanh Hóa vào giáo trình giảng dạy cho giọng nữ cao năm thứ 3, vì khi đó kĩ thuật thanh nhạc của HS đã tương đối ổn định, các em đã có thể hát được những bài hát khó; bổ sung vào chương trình tốt nghiệp một bài hát mang âm hưởng dân ca Thanh Hóa. Những làn điệu dân ca là sự phản ánh chân thực những tâm tư, tình cảm của nhân dân ta, và cũng là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc bổ sung nhằm tạo hiệu quả trong việc mở rộng và phát triển kĩ thuật (về âm vực, âm lượng, kĩ năng trình bày...). Một số ca khúc mang âm hưởng dân ca Thanh Hóa cho giọng nữ cao: Cây lúa Hàm Rồng (Đôn Truyền), Hát về quê Thanh (Tố Hải), Tiếng cồng gọi bạn, Mặc áo cho rừng (Hoàng Hải), Nhịp cầu sông Mã (Đinh Quang Hợp), Đừng nói xa em (Hoàng Hải), Quê ta Thanh Hóa anh hùng (Đức Nhuận), Tiếng trống trò mùa xuân (Đỗ Hoài Nam). 2.2.2. Từ việc đã lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp với từng năm học thì việc dạy học Thanh nhạc nói chung cũng như một số kĩ thuật thanh nhạc nói riêng là một công việc thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình dạy học. Ở bất kì giọng hát nào cũng cần sự luyện tập các kĩ thuật thanh nhạc khác nhau. Tuy nhiên, do chưa có sách hướng dẫn cụ thể về việc dạy và học các kĩ thuật thanh nhạc đặc trưng cho từng năm nên việc dạy học cũng như nghiên cứu của HS gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao giọng hát, HS phải biết điều khiển giọng hát với những chức năng cộng minh, nắm vững cách vận dụng hơi thở phù hợp...; các kĩ thuật legato, staccato, passage, diminuendo, trillo luôn phải được luyện tập thường xuyên để phát triển kĩ thuật thanh nhạc. GV cần hướng dẫn cho HS luyện tập từ đơn giản đến phức tạp, tập các kiểu kĩ thuật khác nhau một cách khoa học, thường xuyên; sau đó, áp dụng các kĩ thuật đã học vào các tác phẩm như: ca khúc, romance, aria, dân ca, các tác phẩm tiền cổ điển, cổ điển, đương đại... theo phương pháp từ dễ đến khó, phù hợp với từng đặc điểm giọng hát. Bên cạnh một số kĩ thuật thanh nhạc cơ bản là một số kĩ thuật đặc trưng, phát triển chủ yếu cho giọng nữ cao như: cantilena, passage, staccato nhằm hỗ trợ phát triển âm khu cao của giọng hát. Cụ thể: - Kĩ thuật Cantilena (hát liền giọng) là kĩ thuật cơ bản nhất trong thanh nhạc của các trường phái ca hát trên thế giới. Không chỉ với giọng nữ cao mới cần học tập chuyên sâu kĩ thuật này, mà tất cả các giọng hát khác cũng cần luyện tập để phát triển toàn diện giọng hát. Các tác phẩm thanh nhạc của Việt Nam nhìn chung mang tính giai điệu phong phú, uyển chuyển, êm ái, duyên dáng, do đó cách hát liền giọng phải được đặc biệt quan tâm trong kĩ thuật thanh nhạc. Để đạt được những tiêu chuẩn âm thanh của kĩ thuật này như vang, sáng, tròn, đầy. Để hát tốt kĩ thuật cantilena, khi luyện tập, HS cần có tư thế đứng thẳng, hít hơi nhẹ nhàng, nén hết hơi thở xuống sâu rồi đẩy ra phía sau sao cho hai bên sườn nâng lên; giữ hơi trong vài giây rồi đẩy âm thanh ra liên tục đều đặn; âm thanh khi đưa ra phải được vang, sáng, tròn, đầy đặn; những chỗ có nốt luyến từ hai âm trở lên thì nên hát bằng các nguyên âm. Với kĩ thuật này, việc nén hơi và đẩy hơi rất quan trọng, không đưa hơi ra hết một lúc và không để bụng xẹp xuống đột ngột - vì nếu không, âm thanh sẽ bị ngắt quãng, không vang, tròn. Khi luyện tập như vậy, vị trí âm thanh luôn được ổn định, không bập bõm. Để đạt được những điều này cần phải có một quá trình luyện tập lâu dài. Lúc bắt đầu tập, nên tập những bài có quãng hẹp, đơn giản, sau đó tăng độ khó dần. Đầu tiên, GV hướng dẫn cho HS thực hành qua các mẫu luyện thanh: Ví dụ 1: Hát với tốc độ chậm Tư thế cơ thể đúng, trạng thái chuẩn bị hát hơi phải nhẹ nhàng, không tiếng động, xương sườn dưới hơi giãn rộng ra, giữ tới cuối câu như trong tư thế hít hơi, bật âm thanh mềm mại, chuẩn xác. Ví dụ 2: Chậm Bài tập luyện thanh này cũng tương tự như bài tập luyện thanh ở ví dụ trên, tuy nhiên, quãng giọng phát triển cao hơn, lên quãng 5 của giọng C Dur, nên HS cần một hơi thở sâu hơn và nén tốt thật chặt hơi. Khi giai điệu chuyển tiếp đi lên và đi xuống cần sự liền mạch về âm thanh, điều chỉnh âm thanh sao cho thật đều, nét. Hơi thở và âm thanh luôn có sự hòa quện thì âm thanh sẽ được dày và sáng. Sau khi hướng dẫn cho HS luyện tập với các mẫu luyện thanh thì GV áp dụng kĩ thuật này vào bài hát, thị phạm riêng từng đoạn để HS dễ hiểu, từ đó có thể rút kinh nghiệm khi luyện tập các bài hát khác. Chẳng hạn, áp dụng vào bài hát Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý). Bài hát này được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác trong những năm mưa bom bão đạn, tình cảm mẫu tử của VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 206-210 209 người mẹ dành cho đứa con bé bỏng được gửi gắm trong tình yêu quê hương đất nước. Mở đầu bài hát là một lời ru rất bình dị của người mẹ “à á ru hời ơ hời ru”, câu hát nhẹ nhàng, mộc mạc nên khi hát, HS chú ý hơi thở được quện cùng âm thanh để câu hát được dày, ấm; miết hơi để âm thanh được nối tiếp từ âm nọ sang âm kia liền mạch, nhả từ tròn. Ngoài vấn đề về kĩ thuật hát, HS cần cú ý về mạch cảm xúc trong bài hát để thể hiện được tình cảm, mềm mại. - Kĩ thuật passage (hát lướt nhanh) đặc biệt cần thiết cho giọng nữ cao, giúp cho giọng hát phát triển tốt, nhẹ nhàng, linh hoạt, hơi thở tiết kiệm, hát được nhiều câu nhạc dài. Kĩ thuật passage cũng tạo điều kiện thuận lợi để hát những nốt cao và phát triển âm khu cao, đó cũng là yêu cầu quan trọng của nghệ thuật ca hát. Hát lướt nhanh là một kĩ thuật khó vì trong câu hát có nhiều nốt với tốc độ nhanh, có thể còn kết hợp với staccato, legato, luyến láy...; và một yêu cầu quan trọng của hát nhanh nhiều nốt là phải rõ lời, rõ âm, không được nhòe nốt, dính nốt hay mất nốt... Thực tế cho thấy, HS nữ năm thứ 3 tuy đã trải qua hai năm học tập, nắm khá vững kĩ thuật, nhưng khi hát kĩ thuật này, rất ít HS làm tốt, bởi trong quá trình giảng dạy, GV ít cho HS làm mẫu âm này và HS chưa thực sự nghiêm túc trong tập luyện... Do vậy, cần luyện tập từ dễ đến khó, từ ít nốt đến nhiều nốt; ban đầu luyện tập ở tốc độ vừa phải; khi kĩ thuật đã củng cố và phát triển mới dần dần nâng tốc độ. Ví dụ 3: Ban đầu, GV hướng dẫn cho HS hát tốc độ chậm, sau đó tăng dần tốc độ lên. Hít hơi thật sâu và nhanh, không hít hơi chậm sẽ ảnh hưởng tới tốc độ và âm thanh dễ bị nặng nề. Hát âm “la”, âm thanh khi di chuyển pha thêm âm “h”; khi chuyển động âm thanh, hơi thở phải thật tĩnh, không để hơi “dềnh”; âm thanh phải nhẹ nhàng, dứt khoát. Muốn làm được điều này thì hàm dưới không được căng cứng, vị trí âm thanh phải cao. Áp dụng kĩ thuật hát passage vào bài hát “ Nổi lửa lên em” (Huy Du). Bài hát với tốc độ nhanh, sôi nổi, thể hiện ý chí chiến đấu không lùi bước của các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ. HS hát với tinh thần sảng khoái, thoải mái, hơi thở đều, mỗi câu nhạc cần lấy hơi nhanh “cướp hơi”, nếu không chú ý có thể lỡ nhịp của câu hát sau, khẩu hình linh hoạt. Kĩ thuật staccato (hát nảy): Là một là một yêu cầu của các giọng hát, đặc biệt là giọng nữ ca. Bất cứ kĩ thuật nào trong thanh nhạc đều có tầm quan trọng riêng của nó: nếu kĩ thuật legato làm liên kết âm thanh được liền mạch, passage làm linh hoạt âm thanh thì kĩ thuật staccato tạo cho âm thanh chắc, sáng thể hiện sự vui tươi, sôi động. Là một kĩ thuật cơ bản nhằm phát triển giọng hát như: mở rộng, phát triển âm khu đặc biệt là mở rộng âm khu cao của giọng soprano, luyện khẩu hình. Giọng nữ cao khi hát legato có khả năng hát tới nốt a2, nhưng khi hát âm nảy có thể hát tới nốt h2 hoặc c3, thậm chí cao hơn nữa. Vì staccato có ý nghĩa quan trọng nên được áp dụng thường xuyên trong các kĩ thuật luyện hằng ngày cùng với các kĩ thuật khác của HS, nhất là với giọng nữ cao. Khi hát âm nảy, cần chú ý buông lỏng hàm dưới, môi không chúm lại, môi trên hơi nhếch lên để lộ hàm răng trên như khi cười, càng lên cao miệng càng mở rộng. Vị trí âm thanh phải nông như phát ra từ âm thanh hàm trên. Hơi thở lấy vào một cách tự nhiên, giữ liên tục và đẩy nhẹ nhàng, không nên bật hơi ra theo từng nốt nhạc, mà mỗi nốt nhạc được cất lên cùng với sự điều tiết cơ bụng, cố gắng giữ cho bụng ổn định mềm mại, đàn hồi. Đảm bảo khi hát âm nảy, âm thanh cần gọn gàng, sắc và rõ ràng từng âm một. Ví dụ 4: Bài tập này, vào đầu ô nhịp đầu tiên là những nốt ở vị trí cao, mà chúng ta thực hiện với kĩ thuật staccato, nên HS chú ý để chuẩn bị hơi thở sâu, cơ bụng đàn hồi. Mẫu luyện thanh này tương đối khó bởi cao độ còn có sự nhảy quãng. Áp dụng kĩ thuật hát satccato vào bài hát “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh). Bài hát “Cánh chim báo tin vui” thể hiện niềm hân hoan của buôn làng, qua hình tượng vui tươi của cánh chim báo tin chiến thắng. Bài hát sử dụng nhiều kĩ thuật linh hoạt như legato, hát nhanh, trong đó chủ yếu là sử dụng staccato, dùng để mô tả tiếng chim hót. Staccato là một kĩ thuật khó, đặc biệt trong bài hát này vị trí các nốt luôn ở vị trí cao g2, h2, c3 nên việc thực hiện yêu cầu HS có kĩ thuật thanh nhạc tốt, và sức khỏe tốt. Để xử lí được VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 206-210 210 những âm khu cao, HS cần hít hơi sâu, nén hơi thật chắc, bật âm thanh thật gọn, không cần âm thanh quá to nhưng nét, chắc, sáng. Mỗi âm khi bật âm thanh. Rèn luyện các kĩ thuật thanh nhạc là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của GV trong dạy học cũng như học tập một cách nghiêm túc của HS. Với mỗi kĩ thuật thanh nhạc, hay từng bài hát thì sử dụng từng loại kĩ thuật phù hợp, ngay trong một bài hát cũng sử dụng linh hoạt nhiều kĩ thuật khác nhau, và mỗi đối tượng HS thì giáo viên cần phân loại để có phương pháp dạy học một cách phù hợp, nâng cao chất lượng giọng hát. 2.2.3. Nâng cao rèn luyện phong cách biểu diễn GV là người trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn các kĩ thuật cũng như hướng dẫn một cách tổng quát cho HS; tuy nhiên, để việc giảng dạy những kĩ thuật thanh nhạc đạt hiệu quả cao, không bị khô cứng, được thẩm thấu và áp dụng một cách linh hoạt với từng ca khúc hay từng đối tượng HS cụ thể thì việc nâng cao rèn luyện phong cách biểu diễn là một vấn đề hết sức quan trọng. Đối với lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, việc học tập và rèn luyện bản lĩnh biểu diễn là rất quan trọng, đặc biệt đối với ngành Thanh nhạc. Có bản lĩnh, HS mới làm chủ được quá trình biểu diễn, thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, chất lượng của hoạt động biểu diễn đặt ra; mới bộc lộ được hết năng lực biểu diễn, khả năng kĩ thuật và thể hiện âm nhạc... Để hình thành được năng lực biểu diễn cho HS, chúng ta thấy cần có nhiều yếu tố khác nhau; trong đó, yếu tố có tầm quan trọng là xây dựng cho HS một nền tảng kĩ thuật vững chắc, một khả năng thể hiện âm nhạc phong phú. Sự hoàn thiện về mặt kĩ thuật sẽ giúp các em có tâm lí tự tin, chủ động khi ra biểu diễn. Không những vậy, HS còn phải thể hiện tốt các tác phẩm âm nhạc, thể hiện phong cách phù hợp với từng tác phẩm, đây chính là cơ sở để “người nghệ sĩ tương lai” có sự độc lập, sáng tạo trong học tập và biểu diễn... 3. Kết luận Để hát được một ca khúc hay là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, yếu tố sân khấu, biểu diễn, cảm xúc..., trong đó kĩ thuật thanh nhạc đóng góp phần quan trọng trong sự hoàn thiện, phát triển giọng hát. Có kĩ thuật thanh nhạc tốt nhưng phải biết kết hợp nhuần nhuyễn với các yếu tố khác thì mới có thể hát hay. Trong dạy học, giáo viên cần áp dụng phù hợp kĩ thuật thanh nhạc với từng đối tượng HS khác nhau, còn HS cần học tập, rèn luyện một cách nghiêm túc mới có thể hoàn thiện phát triển giọng hát cũng như hoàn thiện bản thân. Bên cạnh việc học tập các kĩ thuật thanh nhạc, HS cũng cần học tập, trau dồi kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau để từ đó ứng dụng linh hoạt trong học tập, rèn luyện khả năng ca hát của mình. Tài liệu tham khảo [1] Dương Viết Á (1996). Âm nhạc - Lí luận cây và đời. NXB Âm nhạc. [2] Thang Tuyết Canh (1962). Luyện tập ca hát như thế nào? (Mai Khanh dịch). NXB Âm nhạc. [3] Phạm Lê Hòa (2004). Những âm điệu cuộc sống. NXB Âm nhạc. [4] Mai Khanh (1982). Sách học Thanh nhạc. Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa và Thông tin. [5] Nguyễn Trung Kiên (2001). Phương pháp sư phạm Thanh nhạc. [6] Nguyễn Trung Kiên (2002). Giáo trình Thanh nhạc hệ trung học 4 năm. Nhạc viện Hà Nội. [7] Ngô Thị Nam (2001). Phương pháp dạy học âm nhạc. NXB Giáo dục. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO... (Tiếp theo trang 269) Tài liệu tham khảo [1] Ăngghen (1971). Biện chứng của tự nhiên. NXB Sự thật. [2] Mác C., - Ăngghen Ph. (1994). Toàn tập (tập 20). NXB Chính trị Quốc gia. [3] Vũ Văn Viên (1998). Sự hình thành và phát triển của khái niệm. Tạp chí Triết học, số 6, tr 31-35. [4] Lênin V.I. Toàn tập (tập 1). NXB Tiến bộ, Mátxcơva. [5] Ilencôp E.V. Logic học biện chứng (người dịch: Nguyễn Anh Tuấn, tài liệu tham khảo). Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. [6] Nguyễn Văn Hợi (1992). Xây dựng phương án tối ưu điều khiển quá trình nhận thức của học sinh. Luận án tiến sĩ Triết học. [7] Bộ GD-ĐT (2013). Giáo trình Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
File đính kèm:
- nang_cao_chat_luong_day_hoc_cho_giong_nu_cao_he_trung_cap_th.pdf