Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Trong hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học, Trung Quốc đã tận dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu công nghệ cao của lĩnh vực khoa học mới này và trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học. Để đạt được kết quả trên, chính phủ Trung Quốc đã đề ra các chương trình để phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học bao gồm việc tiến hành cải tiến hệ thống nghiên cứu và thay đổi thể chế, cơ chế khuyến khích phát triển công nghệ sinh học theo hướng thương mại hóa. Có thể thấy rằng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc là tương đối gần với chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học đang hình thành và phát triển tại Việt Nam. Kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý, phối hợp giữa các Bộ/ngành cũng như sự tham gia của doanh nghiệp ở Trung Quốc là bài học tốt cho việc định hình, nhân rộng và phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam trong thời gian tới

pdf 8 trang yennguyen 6420
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam
52 Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO 
TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ SINH HỌC Ở TRUNG QUỐC 
BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM 
PGS.TS. Lê Tất Khương, ThS. Tạ Thế Hùng, ThS. Trần Anh Tuấn 
Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ 
Tóm tắt: 
Trong hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học, 
Trung Quốc đã tận dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu công nghệ cao của lĩnh vực 
khoa học mới này và trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về nghiên cứu 
phát triển công nghệ sinh học. Để đạt được kết quả trên, chính phủ Trung Quốc đã đề ra 
các chương trình để phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công 
nghệ sinh học bao gồm việc tiến hành cải tiến hệ thống nghiên cứu và thay đổi thể chế, cơ 
chế khuyến khích phát triển công nghệ sinh học theo hướng thương mại hóa. Có thể thấy 
rằng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học 
ở Trung Quốc là tương đối gần với chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong 
lĩnh vực công nghệ sinh học đang hình thành và phát triển tại Việt Nam. Kinh nghiệm 
trong việc tổ chức và quản lý, phối hợp giữa các Bộ/ngành cũng như sự tham gia của 
doanh nghiệp ở Trung Quốc là bài học tốt cho việc định hình, nhân rộng và phát triển 
công nghệ sinh học ở Việt Nam trong thời gian tới. 
Từ khóa: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công nghệ sinh học, Chính sách phát 
triển công nghệ sinh học. 
1. Giới thiệu 
Trong suốt thời kỳ đầu cải cách (1979 - 1984), sản xuất nông nghiệp của 
Trung Quốc được mở rộng và đạt được các thành tích ấn tượng về năng 
suất và sản lượng. Nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành 
nông nghiệp Trung Quốc là do các thay đổi về thể chế, sự tăng cường đầu 
tư, thực hiện thâm canh và những thay đổi về khoa học công nghệ [6]. Tuy 
nhiên, kể từ sau năm 1984 tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp hàng năm của 
Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 3 - 4% so với 7% những năm trước đó. 
Sự giảm tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp của Trung Quốc nói chung hay giảm 
năng suất cây trồng nói riêng cho thấy rằng nông nghiệp Trung Quốc đang 
phải đối mặt với thách thức rất lớn nếu chỉ dựa vào các công nghệ truyền 
thống và các nguồn tài nguyên sẵn có như đất đai, nhân công giá rẻ để sản 
xuất lương thực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước. Ứng dụng 
công nghệ sinh học được coi là một trong những giải pháp cơ bản mà chính 
phủ Trung Quốc đã xác định để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. 
JSTPM Vol 1, No 4, 2012 53 
Mục tiêu phát triển công nghệ sinh học đã được chỉ rõ trong nhiều chính 
sách phát triển nông nghiệp của Trung Quốc. Xuất phát từ quan điểm 
nghiên cứu ứng dụng, Trung Quốc xác định mục tiêu phát triển công nghệ 
sinh học là củng cố an ninh lương thực, phát triển sản xuất nông nghiệp bền 
vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, 
bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và nâng cao giá trị nông sản Trung 
Quốc trên thị trường thế giới [1, 2]. Nhìn nhận một cách khái quát về mục 
tiêu phát triển công nghệ sinh học của Trung Quốc, có thể thấy rằng Trung 
Quốc đang thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cấp hệ 
thống nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế. 
Để đạt được các mục tiêu trên, chính phủ Trung Quốc đã đề ra các chương 
trình để phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công 
nghệ sinh học bao gồm việc tiến hành cải tiến hệ thống nghiên cứu và thay 
đổi thể chế, cơ chế khuyến khích phát triển công nghệ sinh học theo hướng 
thương mại hóa [2]. Đầu tư ngân sách của Trung Quốc trong lĩnh vực công 
nghệ sinh học giống cây trồng và vật nuôi tăng gấp đôi sau 3 - 4 năm trong 
hơn một thập kỷ vừa qua [8]. Thông qua các chương trình ứng dụng công 
nghệ sinh học phát triển nông nghiệp, đến năm 2011 diện tích gieo trồng 
các cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học ở Trung Quốc đã đạt 3,9 triệu 
ha, đưa Trung Quốc trở thành nước đứng thứ 6 trên thế giới về diện tích 
gieo trồng cây ứng dụng công nghệ sinh học [5]. 
Với điều kiện địa l ý, đặc điểm kinh tế - xã hội và tập quán sản xuất có khá 
nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Kinh nghiệm gần 30 năm phát triển 
nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung 
Quốc chắc chắn sẽ khá bổ ích cho chúng ta tham khảo và vận dụng vào điều 
kiện thực tiễn ở Việt Nam. 
2. Vai trò của chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển nông nghiệp 
ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học 
Kinh phí nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh 
vực công nghệ sinh học chủ yếu được đầu tư bởi chính phủ Trung Quốc, 
các nguồn kinh phí nghiên cứu của tư nhân chiếm tỷ lệ nhỏ. Các chiến lược 
phát triển công nghệ sinh học, các nghiên cứu trọng điểm, và chính sách 
quản lý an toàn sinh học được hình thành bởi một số Bộ như; Bộ Nông 
nghiệp (MOA), Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Ủy ban Cải cách và 
Phát triển Nhà nước (NDRC), Bộ Y tế (MOH) và một số Bộ liên quan khác. 
Trong đó MOA chịu trách nhiệm chung và cùng phối hợp với NDRC, 
MOST, MOH và các Bộ liên quan khác xây dựng các chiến lược nghiên 
cứu phát triển công nghệ sinh học, xác định các chương trình nghiên cứu và 
đề ra các mục tiêu nghiên cứu, quản lý cụ thể trong từng giai đoạn. Sau khi 
các viện nghiên cứu chọn tạo ra các giống biến đổi gen thì việc cấp phép 
54 Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 
thử nghiệm đồng ruộng và chứng nhận an toàn môi trường và cho phép sản 
xuất đại trà thuộc thẩm quyền của Ủy ban An toàn sinh học Quốc gia 
(NBC) của Bộ Nông nghiệp. Trong khi đó Bộ Y tế có thẩm quyền chứng 
nhận an toàn thực phẩm. 
Ở cấp quốc gia, các Bộ Nông nghiệp, Viện khoa học, Bộ Giáo dục Trung 
Quốc là các cơ quan chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu phát triển công 
nghệ sinh học trong nông nghiệp. Trực thuộc MOA có ba viện lớn là Viện 
Khoa học Nông nghiệp (CAAS), Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới 
(CATA) và Viện Khoa học Thủy sản (CAFi). Trong Viện CAAS có 37 viện 
thành viên, trong đó có 12 viện, 2 phòng thí nghiệm trọng điểm và 5 phòng 
thí nghiệm cấp Bộ có các chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ 
sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp. Các Viện CAFi, CATA cũng đều 
thành lập một số phòng thí nghiệm và chương trình nghiên cứu công nghệ 
sinh học và mỗi viện có một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trọng 
điểm. 
Ngoài ra, một số viện ngoài Bộ Nông nghiệp (MOA) cũng có chương trình 
nghiên cứu công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp. Bao gồm 7 
viện nghiên cứu và 4 phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước tại Viện Hàn 
lâm Khoa học Trung Quốc, một số viện nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa 
học Lâm nghiệp (CAFo) và một số trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục 
(MOE). Năm 2001, đã có 7 phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước được 
xây dựng tại 7 trường Đại học hàng đầu Trung Quốc có chức năng nghiên 
cứu công nghệ sinh học nông nghiệp hoặc các vấn đề nông nghiệp liên quan 
đến nghiên cứu khoa học cơ bản về công nghệ sinh học. 
Ở cấp tỉnh cũng đều có các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ 
sinh học nông nghiệp và được tổ chức tương tự cấp quốc gia. Theo đó mỗi 
tỉnh của Trung Quốc đều có một Viện Khoa học Nông nghiệp và có ít nhất 
một trường Đại học Nông nghiệp. Mỗi một Viện Khoa học hoặc trường Đại 
học Nông nghiệp đều có 1 đến 2 viện nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm 
nghiên cứu về công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Nguồn cung cấp tài 
chính để tiến hành các hoạt động nghiên cứu của các viện và trường đại học 
địa phương được lấy từ nguồn địa phương (thông qua các dự án nghiên cứu 
và đầu tư trọng điểm) và nguồn ngân sách nhà nước (thông qua các dự án) 
[7]. 
3. Vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển nông nghiệp ứng 
dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc 
Hàng loạt các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh 
học phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập bởi 
Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu của 
JSTPM Vol 1, No 4, 2012 55 
Nhà nước và các doanh nghiệp cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển nông 
nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Ví dụ, Viện 
Công nghệ sinh học đã hợp tác với Công ty Pioneer về nghiên cứu giống 
ngô biến đổi gen (GM maize), hợp tác giữa Ricetech với Trung tâm Nghiên 
cứu lúa lai Hồ Nam về nghiên cứu lúa biến đổi gen (GM rice), hợp tác giữa 
Delta và Pineland với CAAS về nghiên cứu quản lý an toàn sinh học với 
cây bông biến đổi gen (Bt- cotton), hợp tác với Mosanto về cây ngô, cây 
bông, lúa, hợp tác với Syngenta về lúa biến đổi gen. 
Doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng góp phần vào mục tiêu thị trường 
và thương mại hóa các đối tượng cây trồng quan trọng của Trung Quốc, 
trong đó có ba lĩnh vực nổi bật. Lĩnh vực thứ nhất là ngành công nghiệp sản 
xuất hạt giống đã và đang được thực hiện tự do hóa thương mại dựa vào 
chính sách cải cách thị trường ngành hàng sản xuất hạt giống từ năm 1990. 
Các công ty sản xuất hạt giống đã có hệ thống sản xuất thống nhất từ cấp 
tỉnh đến cấp huyện. Các khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tế đang được 
thu hẹp một phần là kết quả của việc các viện nghiên cứu đã phát triển hợp 
tác với các công ty sản xuất hạt giống hoặc các công ty sản xuất hạt giống 
đã phát triển năng lực nghiên cứu. 
Lĩnh vực thứ hai là sự thay đổi các mối liên kết giữa nghiên cứu và thị 
trường. Một số viện nghiên cứu hoặc thậm chí một số nhà khoa học đã 
thành lập các công ty nghiên cứu sản xuất để thương mại hóa sản phẩm ứng 
dụng công nghệ cao. Ở các kiểu công ty này, nhân lực về khoa học kỹ thuật 
thường là những nhà khoa học đang làm việc trong các viện nghiên cứu, tuy 
nhiên công ty hoạt động dựa trên nhu cầu thị trường, lấy thị trường là mục 
tiêu sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, một số công ty đã phát triển và tham 
gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ví dụ Công ty Công 
nghệ sinh học nông nghiệp Huệ Minh, Bắc Kinh (BWK) 
( được thành lập bởi sự hợp tác giữa trường Đại 
học Bắc Kinh với Viện Sinh học phát triển và Di truyền học của CAS, Viện 
Công nghệ sinh học của CAAS và Học viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp 
Bắc Kinh. Hình thức hợp tác giữa các trường/viện nói trên được MOST phê 
chuẩn và hiện nay công ty BWK được coi như là trung tâm quốc gia về sinh 
học phân tử cây trồng của Trung Quốc [3]. Lĩnh vực thứ 3 là hoạt động liên 
kết công - tư ngày càng được mở rộng trong lĩnh vực công nghệ sinh học. 
Ví dụ điển hình là trường hợp Công ty Mosanto, là công ty có hoạt động 
liên kết công - tư trong lĩnh vực sản xuất các giống biến đổi gen ở Trung 
Quốc. Công ty Mosanto cùng với Công ty Delta và Pineland bắt đầu hoạt 
động tại tỉnh Hà Bắc từ năm 1997 và sau đó tham gia liên doanh với Công 
ty sản xuất hạt giống của tỉnh Hà Bắc, được biết dưới tên Công ty liên 
doanh Jidai. Hình thức liên doanh tương tự cũng đã được hình thành với 
Công ty Sản xuất Hạt giống tỉnh An Huy, Sơn Đông. 
56 Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 
4. Tổ chức và quản lý phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 
trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc 
Các Bộ như: Bộ Nông nghiệp (MOA), Bộ Khoa học và Công nghệ 
(MOST), Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước (NDRC), Bộ Giáo dục 
(MOE), và các Bộ liên quan khác chịu trách nhiệm xây dựng các chiến lược 
nghiên cứu, định hướng nghiên cứu và quyết định ngân sách nghiên cứu. Ở 
cấp tỉnh cũng được tổ chức, quản lý theo cấu trúc tương tự, trong đó Sở 
KH&CN tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành chung các chương 
trình khoa học công nghệ sinh học của tỉnh. 
Ở cấp độ quốc gia, một hội đồng gồm các chuyên gia về KH&CN, MOA và 
MOST cùng nhau xây dựng các kế hoạch nghiên cứu và phát triển (R&D) 
công nghệ sinh học nông nghiệp cho mỗi giai đoạn trung hạn (5 năm) và 
dài hạn. Các kế hoạch bao gồm việc xây dựng luật về R&D và các quy định 
để thực thi chính sách. MOA có trách nhiệm hướng dẫn, điều phối, đánh giá 
các kế hoạch R&D và các dự án được đầu tư lớn từ nguồn ngân sách nhà 
nước (thẩm quyền này trước đây thuộc MOST). Bộ Môi trường (MEP) là 
cơ quan đàm phán và thực thi Nghị định thư về an toàn sinh học mà Trung 
Quốc phê chuẩn năm 2005. MOST và NDRC xây dựng 4 chương trình lớn 
về phát triển công nghệ sinh học và công nghệ cao, bao gồm “Kế hoạch 
863”, “Kế hoạch 973”, “Quỹ nghiên cứu đặc biệt về cây trồng biến đổi 
gen”, “Các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm”. Kế hoạch 863, 
hay thường được gọi là kế hoạch phát triển công nghệ cao đã được xây 
dựng từ năm 1986 nhằm hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu ứng dụng và cả 
nghiên cứu cơ bản để phát triển công nghệ cao ở Trung Quốc, trong đó 
công nghệ sinh học là một trong bảy lĩnh vực ưu tiên. 
Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia cũng là một chương 
trình lớn được bắt đầu triển khai từ năm 1990 ở Trung Quốc. Chương trình 
này được đặt dưới sự quản lý của MOST và NDRC để tăng cường đầu tư 
trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao. Tương tự 
như “Kế hoạch 863”, Kế hoạch 973 được bắt đầu xây dựng từ năm 1997 và 
được triển khai năm 1998 để hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học cơ bản 
(lĩnh vực nghiên cứu khoa học sự sống và công nghệ sinh học là các lĩnh 
vực ưu tiên hỗ trợ từ chương trình này). 
Ở Trung Quốc, NDRC là cơ quan phê duyệt ngân sách hàng năm, 5 năm và 
dài hạn cho các Bộ. NDRC ủy quyền cho Bộ Tài chính (MOF) chuyển kinh 
phí cho các Bộ và cho Viện Hàn lâm Khoa học (CAS). Cơ quan trực thuộc 
NDRC về vấn đề công nghệ sinh học là Vụ Công nghệ cao (DHI). Trong 
DHI có một loạt các phòng phụ trách từng lĩnh vực cụ thể về vấn đề thuộc 
công nghệ cao. Phòng Nông nghiệp đặc biệt là công nghệ sinh học nông 
nghiệp cùng với MOST quản lý chương trình khoa học công nghệ trọng 
JSTPM Vol 1, No 4, 2012 57 
điểm (KSEP) là một trong các chương trình lớn về công nghệ sinh học nông 
nghiệp. Năm 2001, NDRC thành lập thêm Vụ Công nghiệp hóa để thúc đẩy 
thương mại hóa và mở rộng phạm vi ứng dụng của công nghệ sinh học ở cả 
trong và ngoài ngành nông nghiệp thông qua một chương trình lớn mang 
tên là “Chương trình Công nghiệp hóa ứng dụng công nghệ cao”. 
MOA bao gồm các Vụ khoa học, Vụ Công nghệ, Vụ Giáo dục có nhiệm vụ 
quản lý các chương trình công nghệ sinh học trong các hệ thống nghiên cứu 
trực thuộc Bộ và phối hợp quản lý các chương trình R&D ở mức độ quốc 
gia và địa phương. Các hoạt động nghiên cứu của các viện không trực thuộc 
Bộ Nông nghiệp thì thông thường không phụ thuộc vào các hoạt động R&D 
của MOA. Ngoài ra, việc quản lý hoạt động nghiên cứu của MOA đối với 
các viện cấp tỉnh cũng rất hạn chế. 
Trước đây, MOA chỉ tham gia chủ yếu vào các chương trình nghiên cứu 
công nghệ sinh học nông nghiệp thông qua quá trình xây dựng khung kế 
hoạch tổng thể nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học (ví dụ kế hoạch 
5 năm và kế hoạch dài hạn, luật R&D) và thực thi các chính sách về công 
nghệ sinh học. Tuy nhiên MOST trực tiếp phụ trách toàn bộ hoạt động về 
công nghệ sinh học. Chỉ có duy nhất một quỹ về đào tạo và khoa học nông 
nghiệp được thành lập năm 1990 là trực thuộc MOA nhưng kinh phí hoạt 
động của quỹ này rất nhỏ nếu so với các chương trình do MOST và NDRC 
phụ trách. Cũng tương tự như ở Việt Nam, ở Trung Quốc trước đây đã có 
những tranh luận về việc MOA hay MOST là Bộ thích hợp để quản lý các 
chương trình nghiên cứu nông nghiệp nói chung và công nghệ sinh học 
nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay MOA được lựa chọn để giao 
quản lý các chương trình nghiên cứu. 
Căn cứ vào các hướng dẫn của NDRC, MOST, MOA, các kế hoạch phát 
triển của tỉnh và sự tư vấn của các đơn vị chức năng khác, Sở KH&CN sẽ 
xây dựng một chiến lược tổng thể nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh 
học thông qua các kế hoạch 5 năm, kế hoạch dài hạn và quyết định phân bổ 
kinh phí cho các đơn vị nghiên cứu trên cơ sở nguồn kinh phí của tỉnh. 
Thẩm quyền hướng dẫn, quản lý và đánh giá hiệu quả các kế hoạch R&D, 
các dự án và kinh phí sử dụng ở cấp địa phương đều do Sở KH&CN phụ 
trách. 
Năm 2010 là năm kết thúc thực hiện “kế hoạch phát triển công nghệ sinh 
học 5 năm lần thứ 11” của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã phát triển 
rất thành công cây bông chuyển gen với diện tích gieo trồng chiếm 70% 
tổng diện tích trồng bông ở trong nước [9], tuy nhiên các cây trồng khác 
vẫn chưa hoàn toàn được thương mại hóa, Trung Quốc vẫn chưa xuất khẩu 
cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học ra nước ngoài và vẫn còn thiếu 
vắng các công ty lớn hoạt động về công nghệ sinh học, hầu hết các nghiên 
58 Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 
cứu và phát triển công nghệ sinh học vẫn ở trong các trường/viện [4]. Hiện 
nay, Trung Quốc đang dự thảo “Kế hoạch phát triển công nghệ sinh học 5 
năm lần thứ 12” với những điểm đáng chú ý sau; nhấn mạnh đến chuyển 
giao công nghệ từ các viện/trường tới các công ty đầu tàu về công nghệ sinh 
học, hỗ trợ kinh phí để thành lập các công ty công nghệ sinh học và khuyến 
khích đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân tham gia thành lập các viện nghiên 
cứu và các dự án hợp tác nghiên cứu. Thành lập hệ thống giao dịch cấp 
chính phủ để hỗ trợ các sản phẩm bản địa ứng dụng công nghệ sinh học. 
Chính quyền ở tất cả các cấp phải giảm trừ 50% thuế cho các hoạt động 
R&D ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm mới và giảm trừ 
15% thuế thu nhập cho các công ty công nghệ sinh học nếu được chứng 
nhận là công ty công nghệ cao. 
5. Kết luận 
Trong gần 30 năm thực hiện chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ 
sinh học, Trung Quốc đã tận dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu công 
nghệ cao của lĩnh vực khoa học mới này và trở thành một trong các nước 
đứng đầu thế giới về nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học. Kinh 
nghiệm từ chính sách phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ 
sinh học ở Trung Quốc cho thấy, để đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu các rủi 
ro trong khi ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất thì trước 
tiên phải thống nhất cơ chế tổ chức thực hiện từ cấp Trung ương đến cấp 
Địa phương. Ở cấp Trung ương, Ủy ban Kế hoạch và Phát triển Quốc gia 
nay là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Nông nghiệp và 
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ liên 
quan xây dựng các chiến lược nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học, 
xác định các chương trình nghiên cứu, phê duyệt và đánh giá hiệu quả 
nghiên cứu. Tương tự ở cấp tỉnh, do Ủy ban Kế hoạch và Phát triển tỉnh và 
Sở KH&CN tỉnh phụ trách. 
Các quy trình đề ra chính sách phát triển công nghệ sinh học cần đảm bảo 
nhiều thành phần tham gia bao gồm các nhà khoa học, chính phủ, các công 
ty đa quốc gia, các ngành chế biến thực phẩm, tổ chức thương mại, các tổ 
chức nông dân, người tiêu dùng và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo 
chính sách được ban hành phù hợp với bối cảnh của đất nước và các quy 
định quốc tế. 
Thực hiện xã hội hóa nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ cao 
trong lĩnh vực công nghệ sinh học thông qua các cơ chế khuyến khích các 
viện nghiên cứu hoặc các nhà khoa học thành lập các công ty để trực tiếp 
ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất góp phần thu hẹp khoảng cách 
giữa nghiên cứu và thực tiễn. Thúc đẩy phát triển đa dạng các hình thức liên 
kết công - tư như thành lập Công ty liên doanh, liên kết hoặc Công ty có 
JSTPM Vol 1, No 4, 2012 59 
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực 
sinh học đóng vai trò rất quan trọng góp phần vào mục tiêu thị trường và 
thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. 
Có thể thấy rằng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong 
lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc là tương đối gần với chính sách 
phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học 
đang hình thành và phát triển tại Việt Nam. Kinh nghiệm trong việc tổ chức 
và quản lý, phối hợp giữa các Bộ/ngành cũng như sự tham gia của doanh 
nghiệp là bài học tốt cho việc định hình, nhân rộng và phát triển công nghệ 
sinh học trong thời gian tới. 
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và cụ thể trong 
lĩnh vực công nghệ sinh học nói riêng đã được thực hiện tại Trung Quốc và 
rất đa dạng về hình thức. Các thành công cũng như hạn chế rút ra từ quá 
trình phát triển công nghệ sinh học tại Trung Quốc sẽ là bài học quý báu 
cho việc xây dựng cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp 
ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiệu quả của 
Việt Nam./. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Ministry of Science and Technology. (1990) Biotechnology Development Policy. 
China S&T Press. Beijing. 
2. Ministry of Science and Technology. (2000) Biotechnology Outline. 
3. US. China Economic and Security Review Commission. (2009) Research report on 
Chinese High-tech industries. 
4. USDA. (2011) China-Peoples Republic of Biotechnology - GE Plants and Animals 
Annual 2010. 
5. USDA. (2012) China-Peoples Republic of Agricultural Biotechnology Annual 2012. 
6. Huang. J., Lin. J.Y và Rozelle. S. (2000) What will make Chinese agriculture more 
productive? Working paper No. 56, Stanford Institute on for Economic Policy 
Research. Stanford University. 
7. Huang. J., Wang. Q và Keeley. J. (2001) Agricultural biotechnology policy processes 
in China. 
8. Huang. J. K., Hu. R., Rozelle. S và Pray. C. (2005) Insect-resistant GM Rice in 
Farmer Fields: Assessing Productivity and Health Effects in China. Science, Vol. 
308 No. 5722: 688-690. 
9. Huang. J và Yang. J. (2011) China’s agricultural biotechnology regulations. Export 
and import consideration. 

File đính kèm:

  • pdfphat_trien_nong_nghiep_ung_dung_cong_nghe_cao_trong_linh_vuc.pdf