Tư tưởng đổi mới giáo dục của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX – Liên hệ với vai trò, vị trí giáo dục của Việt Nam hiện nay
Cải cách nhằm nâng cao dân trí là một trong những điểm nổi bật trong phong
trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Cùng với các chí sĩ yêu nước đương thời, Phan
Châu Trinh đã phát động phong trào Duy Tân về giáo dục. Từ việc phân tích
những quan điểm về vai trò, mục đích, sứ mệnh, nội dung, nhiệm vụ đổi mới
cũng như cách thức tổ chức giáo dục và phương pháp giáo dục của Phan Châu
Trinh, bài viết liên hệ với sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Bạn đang xem tài liệu "Tư tưởng đổi mới giáo dục của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX – Liên hệ với vai trò, vị trí giáo dục của Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tư tưởng đổi mới giáo dục của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX – Liên hệ với vai trò, vị trí giáo dục của Việt Nam hiện nay
1 CHUYÊN MỤC TRIẾT HỌC - CHÍNH TRỊ HỌC - LUẬT HỌC TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CỦA PHAN CHÂU TRINH ĐẦU THẾ KỶ XX – LIÊN HỆ VỚI VAI TRÒ, VỊ TRÍ GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY TRẦN MAI ƯỚC* Cải cách nhằm nâng cao dân trí là một trong những điểm nổi bật trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Cùng với các chí sĩ yêu nước đương thời, Phan Châu Trinh đã phát động phong trào Duy Tân về giáo dục. Từ việc phân tích những quan điểm về vai trò, mục đích, sứ mệnh, nội dung, nhiệm vụ đổi mới cũng như cách thức tổ chức giáo dục và phương pháp giáo dục của Phan Châu Trinh, bài viết liên hệ với sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: tư tưởng đổi mới giáo dục, phong trào Duy Tân, phương pháp giáo dục, Phan Châu Trinh Nhận bài ngày: 16/8/2019; đưa vào biên tập: 20/8/2019; phản biện: 1/9/2019; duyệt đăng: 4/11/2019 1. DẪN NHẬP Thực tiễn quá trình vận động và phát triển của các cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đã chứng minh rằng, những tư tưởng canh tân đã có những đóng góp nhất định vào tiến bộ xã hội đương thời. Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh đề xướng ở giai đoạn này đã nhanh chóng trở thành một cao trào, thậm chí bộc phát tới bạo lực vũ trang vào năm 1908 vượt khỏi tầm nhìn của các nhà lãnh đạo phong trào lúc bấy giờ. Dưới góc độ giáo dục, có thể khẳng định, phong trào Duy Tân là một cuộc cách mạng về giáo dục ở Việt Nam theo hướng khoa học, hiện đại. Phan Châu Trinh (1872 - 1926) tên chữ là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã là một nhà nho học có xu hướng cải cách. Sinh thời, Phan Châu Trinh rất coi trọng vai trò của giáo dục trong sự canh tân đất nước. Khác với những nhà cách mạng khác, Phan Châu Trinh đã nhận thức được * Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. TRẦN MAI ƯỚC – TỪ TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CỦA 2 nguyên nhân căn bản tại sao Việt Nam bị thực dân xâm lược. Theo ông, đó là do dân tộc Việt Nam tụt hậu so với các dân tộc khác hàng thế kỷ, hay nói cách khác, Việt Nam đã đi sau các dân tộc phương Tây một thời đại: khi Việt Nam còn ở nền kinh tế nông nghiệp thì các nước phương Tây đã làm kinh tế công nghiệp và đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa. Theo Phan Châu Trinh, thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang làm rung chuyển dữ dội thế giới, thế nhưng dân chúng Việt Nam vẫn như đang ở trong ốc đảo và hoàn toàn mù thông tin về thế giới xung quanh nên Việt Nam thất bại là điều tất yếu. Vì vậy, muốn cứu dân tộc không còn con đường nào khác là phải đuổi kịp các dân tộc khác về mặt tri thức, đưa dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại với các dân tộc khác trên thế giới. Đến khi đó, Việt Nam mới có thể cùng sinh tồn và cạnh tranh, phát triển. 2. NỘI DUNG 2.1. Tư tưởng đổi mới giáo dục qua quan điểm “Khai dân trí” Là người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã xác định rất rõ mục đích của phong trào là dùng con đường giáo dục - bằng cách cử học sinh đi du học ở nước ngoài hoặc mở các trường học, lớp học trong nước trên các địa bàn dân cư, góp phần “hóa quốc cường dân” giành lại độc lập, tự chủ, canh tân xã hội. Giai đoạn này, các chí sĩ của phong trào Duy Tân, trong đó có Phan Châu Trinh, đã thống nhất quan niệm rằng nước Nam ta lúc này, bị lâm vào cảnh tối tăm, nhục nhã, là chỉ tại bởi chế độ quân chủ, mà nền móng của nó là tư tưởng phong kiến đã thấm sâu vào đầu óc người dân hàng ngàn năm. Thời điểm lịch sử mới của nhân loại đã tới từ lâu. Các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản đã tân tiến, cường thịnh đủ sức đè bẹp nhiều nước. Phải Duy Tân xã hội theo hướng Tây Âu, Nhật Bản đã làm. Đó là việc cấp bách của nền giáo dục. Nên phải cấp bách thay thế nền giáo dục Nho giáo bằng một nền giáo dục mới về hình thức và về nội dung giáo dục. Từ quan niệm ấy, Phan Châu Trinh chủ trương tiến hành cuộc cách mạng về giáo dục cho học sinh và dân chúng. Tư duy đổi mới của Phan Châu Trinh được diễn giải ngắn gọn trong Thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18/2/1922, với ba mục tiêu hành động là: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (dẫn theo Nguyễn Văn Dương, 1995: 696). Trong đó nội dung “khai dân trí” thể hiện tư duy sâu sắc của chí sĩ Phan Châu Trinh liên quan đến: thái độ dứt khoát chống nền học cũ; chống nền giáo dục khoa cử; cổ súy mạnh mẽ việc học chữ quốc ngữ; chủ trương học theo cách mới; xây dựng nền giáo dục có phần nội dung cơ bản phổ cập và có nội dung chuyên sâu. Theo Phan Châu Trinh, khai dân trí là: đẩy mạnh truyền bá quốc ngữ, mở trường dạy học những kiến thức khoa học thực dụng, xây dựng một nền học vấn và văn hóa tiến bộ, xây dựng con TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 11 (255) 2019 3 người toàn diện thích ứng với cuộc sống văn minh. Muốn khai thông dân trí, giành độc lập cho dân tộc, ông chủ trương cải cách bằng việc mở các trường học, đem thực tài mà giảng dạy, dùng các hình thức thơ ca, sách vở, báo chí diễn thuyết để mở mang kiến thức và thức tỉnh lòng người. “Từ những đấng hoàng thân quý tộc, Chẳng ai không đi học lấy một nghề Còn những kẻ sĩ, nông, công, cơ Đều học cho trí đủ làm ăn. Cũng là nữ tử, phụ thân Ai ai cũng có trong thân một nghề” (dẫn theo Nguyễn Văn Dương, 1995: 127-128). 2.2. Quan điểm của Phan Châu Trinh về vai trò, mục đích, sứ mệnh của giáo dục Trong lúc xã hội Việt Nam đang rên xiết dưới sự thống trị của thực dân, phải cam chịu nô lệ, một bộ phận nho sĩ vẫn chìm đắm trong hư văn, chưa kịp chuyển biến theo thời thế. Phan Châu Trinh nhận ra rằng, chính tình cảnh ấy sẽ làm cho đất nước nhanh chóng đi vào con đường suy tàn, và cho rằng, nền giáo dục nho học, tư tưởng “trọng xưa hơn nay”, “trọng quan, khinh dân”, coi trọng văn chương phù phiếm mà coi nhẹ lao động chân tay đã tạo ra không ít những con người thích phẩm hàm, quan tước để mong một chốn nương thân trong chế độ thực dân phong kiến. Đến lúc mất nước, chế độ phong kiến và nền khoa cử ấy vẫn mặc nhiên, không kịp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ để cứu dân tộc khỏi cảnh nô lệ. Kiến thức nho học không còn phù hợp, không có khả năng lý giải những hiện tượng mới nảy sinh của đời sống xã hội. Vốn là người nổi tiếng thông minh, Phan Châu Trinh muốn dùng tài trí của mình để cứu vớt giang sơn đang chìm đắm trong cảnh nô lệ. Nhưng sau khi được bổ nhiệm làm quan, ông thấy rằng, việc khoa cử cũng chỉ là kiếm chức quan nhằm “vinh thân phì gia” mà thôi, chứ không thể thực hiện được mục đích. Đối với chế độ phong kiến, sau khi nhìn nhận rõ ràng, Phan Châu Trinh kịch liệt lên án sự thối nát, mục ruỗng, nhu nhược, quyền lực chính trị rơi vào thực dân Pháp, bộ máy của chế độ phong kiến chỉ là bù nhìn, ông viết: “Khoa cử cũng lò mò bắt chước, Đi càng ngày càng lạc, càng xa. Con ta chẳng học sử ta, Bắt ra học những chuyện nhà người dưng” (dẫn theo Nguyễn Văn Dương, 1995: 341). Theo quan điểm của Phan Châu Trinh, phải nâng cao quyền dân, khi dân đã có quyền lực, lúc đó mới có thể làm việc lớn được. Nhưng hiện nay quyền bính trong nước còn nằm trong tay vua quan. Thế thì phải đánh đổ vua quan đi. Nhưng làm thế nào để đánh đổ vua quan? Vì hoàn cảnh nước ta là không thể tự làm được, cho nên, phải dựa vào Pháp là bọn thống trị vua quan ta, mà làm việc cải cách ấy. Mặc dù quan điểm dựa vào Pháp để cải cách đất nước của Phan Châu Trinh bộc lộ hạn chế về phương pháp thực TRẦN MAI ƯỚC – TỪ TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CỦA 4 hiện, nhưng tinh thần bài trừ tư tưởng hủ nho, cải cách phong tục tập quán, bài trừ mê tín dị đoan, cải thiện lối sống, xây dựng thuần phong mỹ tục có tính cấp tiến trong thời kỳ này. Công việc này được tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt mở những trường dạy học như là cách tuyên truyền hữu hiệu nhất. Chính vì thế, mà hàng loạt những ngôi trường lớn mở ra từ Nam chí Bắc. Nội dung học gồm những môn lịch sử, địa lý, vệ sinh và tất cả đều dạy bằng chữ quốc ngữ, đôi khi có kèm theo tiếng Pháp. Trường còn tổ chức biên soạn, dịch thuật một số sách báo thấm đượm tinh thần Duy Tân. Ngoài việc giảng dạy là chính, trường còn tổ chức những buổi diễn thuyết, bình thơ văn, cổ động học chữ quốc ngữ, lập ra các “Hội buôn” gọi là “Quốc thương” để kiếm tiềm nuôi thầy giáo mở thêm trường học, cung cấp sách vở cho học sinh. Sau một thời gian ngắn, nhiều trường học, cơ sở văn hóa được tổ chức rải rác ở khắp các vùng quê tỉnh Quảng Nam, nhằm tạo ra một mẫu người toàn vẹn với trí óc sáng suốt trong một thân thể tráng kiện. Một số trường học nổi bật được hình thành trong thời kỳ này như trường Dục Thanh (Phan Thiết), do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Nhà yêu nước Nguyễn Tất Thành cũng đã có thời gian giảng dạy ở trường này (tháng 8/1910 - 2/1911). Chỉ trong năm 1906, riêng tỉnh Quảng Nam đã có tới 40 trường lớn nhỏ được thành lập. Đặc biệt, trường Diên Phong là tiêu biểu nhất về tổ chức cũng như về nội dung giảng dạy trong phong trào Duy Tân, cải cách ở vùng đất Quảng. Bên cạnh đó là trường Phú Lâm, thuộc huyện Tiên Phước, do ông Lê Cơ là bà con của Phan Châu Trinh chỉ đạo. Trong trường có lớp riêng của nữ sinh. Ông đã đào tạo hai cô giáo phụ trách lớp này. Đó là lớp nữ đầu tiên ở khu vực này, một việc làm rất có ý nghĩa trong phong trào cải cách, tân tiến. Ngoài việc mở trường học, Phan Châu Trinh đặc biệt chú ý đổi mới nội dung giảng dạy. 2.3. Quan điểm của Phan Châu Trinh về nội dung, nhiệm vụ đổi mới, phát triển; về cách thức tổ chức và phương pháp giáo dục Phan Châu Trinh có tầm nhìn xa, ông cho rằng phát triển dân tộc cũng quan trọng như đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nếu có độc lập dân tộc mà nhân dân ngu muội so với các dân tộc khác thì sớm hay muộn, Việt Nam sẽ lại bị phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại bang. Từ quan điểm đó, Phan Châu Trinh đã cùng với hai người bạn tâm huyết nhất của mình là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, còn được gọi là “bộ ba Quảng Nam” phát động phong trào Duy Tân vào năm 1906. Cả ba ông đã bôn ba khắp mọi miền đất nước, mở trường dạy những môn khoa học mới của phương Tây. Đến đâu các ông cũng gióng trống mời gọi người dân trong làng ra nghe những tư tưởng mới, những giá trị mới của phương Tây. Phong trào đã nhanh chóng lan rộng từ Trung Kỳ ra cả TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 11 (255) 2019 5 nước. Mục đích của phong trào là truyền bá cho người dân Việt Nam những kiến thức và tư tưởng mới, giúp dân chúng Việt Nam ý thức được công cuộc toàn cầu hóa đang diễn ra và mình phải vươn tới để hòa nhập vào thế giới ấy, đưa dân tộc tiến lên. Phong trào Duy Tân chủ trương chấn hưng cổ học, tăng cường việc học thực nghiệm, nhất là đề cao chữ quốc ngữ, mở mang dân trí. Tư tưởng Duy Tân xác định tất cả mọi người, mọi giới phải học, và học tập tất cả mọi nền văn minh của các dân tộc khác, có như vậy, xã hội mới tiến bộ và dân chủ, mới có quyền sống, quyền bình đẳng. Chủ trương của hội Duy Tân thật mới và có tính cách mạng. Vì vậy khi chủ trương triển khai và vận dụng vào việc học, chỉ sau một thời gian thì đã có kết quả rất tốt. Đó là cách học có tính thực dụng, hướng nghiệp, không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn này mà còn có ý nghĩa cho đến thời đại sau này. Để mở mang dân trí, phải tiến hành học theo lối thực dụng, cốt để phục vụ cuộc sống dân sinh chứ không phải là học bình thơ văn, phù phiếm của người xưa. Bản thân Phan Châu Trinh là người rất ham học hỏi và biết nhiều nghề, đi đến đâu ông đều kêu gọi mọi người phát triển hội nghề nghiệp, nhằm phát triển kinh tế. Còn học thuật, ông quan niệm cần phải đổi mới về nội dung, phương pháp, đặc biệt là chú trọng phát triển khoa học, kỹ thuật. Đối với nền văn minh phương Tây, ông cho rằng cần phải học hỏi cái hay, biết cái dở của họ để vận dụng vào phát triển và mở mang dân trí cho dân chúng trong nước. Đây cũng là một trong những tư tưởng rất tiến bộ, ông cũng giống như Nguyễn Trường Tộ, đã nhận thấy những giá trị văn minh của phương Tây, đi ngược lại tư duy cũ “trọng Đông, khinh Tây”. Ông viết: “ đem cái sự học Âu Tây để so sánh lại với cái học cũ của ta, để xem điều gì hay, điều gì dở, cho người ta xét đoán mà tìm lấy đàng tấn tới về sau” (dẫn theo Nguyễn Văn Dương, 1995: 795). Trong bối cảnh đất nước bế tắc về con đường cách mạng, Phan Châu Trinh không như một số nhà nho thanh liêm về quê ở ẩn, mà ông luôn trăn trở đi tìm con đường cách mạng cho dân tộc. Tư tưởng khai dân trí, thực sự làm cho dân tộc biết thay đổi tư duy cũ, để vươn lên tầm nhận thức mới cao hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của thời đại. Những hoạt động khai dân trí nêu trên đã tạo cho xã hội Việt Nam một khuôn mặt mới, một dòng suy nghĩ mới. Ở đâu người ta cũng nghe nói đến tân thơ, tân học, hội nông, hội thương, cắt tóc, Âu trang và đặc biệt là văn học, giáo dục, bước sang một hướng đi mới tràn đầy sinh khí. 2.4. Liên hệ về vai trò, vị trí giáo dục Việt Nam hiện nay Có thể nói rằng, những vấn đề mà “Khai dân trí” nêu ra vẫn có ý nghĩa đến ngày hôm nay. Trước hết, thể hiện ở mục đích của nền giáo dục là phải tạo nên những con người quốc dân mạnh mẽ, biết tự chủ, tự lập và tự TRẦN MAI ƯỚC – TỪ TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CỦA 6 cường. Thứ hai, thể hiện ở phương thức giáo dục, đó chính là khơi gợi khả năng tư duy của người dạy và người học, tạo sự chủ động tiếp thu. Xác định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, làm thế nào để phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà luôn là nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những nội dung quan trọng trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI xác định: giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội. Sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp, trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội. Đến Nghị quyết Đại hội VII nêu rõ: mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đến Đại hội VIII, về giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh với những nội dung chủ yếu: cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tại Đại hội IX, về vấn đề giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Tại Đại hội X, Văn kiện Đại hội khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đảng chủ trương: đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh hơn nữa mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện, nhất là thế hệ trẻ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ đã nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”. Thực hiện tinh thần của Đại hội, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29- NQ/TW) với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 11 (255) 2019 7 ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có thể nói rằng, Nghị quyết 29 - Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) là nghị quyết chuyên đề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giáo dục - đào tạo, là yêu cầu, cũng đồng thời là cơ sở cho quá trình đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo của đất nước giai đoạn hiện nay. 3. KẾT LUẬN Tìm hiểu tư tưởng đổi mới tư duy giáo dục của nhà văn hóa Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX, liên hệ về vai trò, vị trí giáo dục của Việt Nam hiện nay chúng ta có thể nhận thấy rằng, trong đời sống xã hội, giáo dục là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại. Trong xu thế phát triển tri thức ngày nay, giáo dục được xem là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển xã hội, muốn phát triển xã hội phải chăm lo nhân tố con người về thể chất và tinh thần, nhất là về học vấn, nhận thức về thế giới xung quanh để họ có thể góp phần xây dựng và cải tạo xã hội. Và chính giáo dục góp phần nâng cao dân trí ở mọi quốc gia, dân tộc. Ngày nay, giáo dục không chỉ góp phần tạo ra hệ thống giá trị xã hội mới mà còn đào tạo bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Đào tạo nhân lực có trình độ cao góp phần quan trọng phát triển khoa học công nghệ là yếu tố quyết định của kinh tế tri thức, làm giàu của cải vật chất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới, giáo dục góp phần bảo vệ chế độ chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc, bởi giáo dục góp phần xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức đề kháng chống lại những tư tưởng văn hóa độc hại du nhập vào Việt Nam trong chính quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu. Giáo dục cung cấp nguồn nhân lực có trình độ góp phần phát triển kinh tế, phát huy năng lực nội sinh “đi tắt, đón đầu” rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 1. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2013. Văn kiện Đại hội thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI). Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia. 2. Nguyễn Văn Dương. 1995. Tuyển tập Phan Châu Trinh. Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng.
File đính kèm:
- tu_tuong_doi_moi_giao_duc_cua_phan_chau_trinh_dau_the_ky_xx.pdf