Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông

Tóm tắt. Hồ Chí Minh luôn đề cao giáo dục đạo đức trong mối quan hệ với các nhiệm vụ

khác ở nhà trường phổ thông. Người coi đạo đức là gốc của người cán bộ, vì vậy giáo dục

đạo đức phải là nhiệm vụ gốc của nhà trường nói chung, nhà trường phổ thông nói riêng.

Nội dung giáo dục đạo đức học sinh cần thiết thực, phù hợp với đối tượng, tập trung vào

một số chuẩn mực: Yêu và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân; yêu người lao động; tham gia những

việc có ích lợi chung; kính trọng thầy cô, yêu, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè; kính yêu, giúp đỡ

cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình; thật thà, dũng cảm, trong sạch, chất phác, hăng

hái, cần kiệm. . . Có nhiều phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh, Người lưu ý hơn

phương pháp nêu gương của giáo viên trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh.

pdf 7 trang yennguyen 8780
Bạn đang xem tài liệu "Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0061
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 6, pp. 158-164
This paper is available online at 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC
TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Dương Văn Khoa, Mai Thị Tuyết
Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Hồ Chí Minh luôn đề cao giáo dục đạo đức trong mối quan hệ với các nhiệm vụ
khác ở nhà trường phổ thông. Người coi đạo đức là gốc của người cán bộ, vì vậy giáo dục
đạo đức phải là nhiệm vụ gốc của nhà trường nói chung, nhà trường phổ thông nói riêng.
Nội dung giáo dục đạo đức học sinh cần thiết thực, phù hợp với đối tượng, tập trung vào
một số chuẩn mực: Yêu và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân; yêu người lao động; tham gia những
việc có ích lợi chung; kính trọng thầy cô, yêu, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè; kính yêu, giúp đỡ
cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình; thật thà, dũng cảm, trong sạch, chất phác, hăng
hái, cần kiệm. . . Có nhiều phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh, Người lưu ý hơn
phương pháp nêu gương của giáo viên trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
Từ khóa: Giáo dục đạo đức, Hồ Chí Minh, trường phổ thông.
1. Mở đầu
Tư tưởng, minh triết, đạo đức Hồ Chí Minh là chủ đề được đông đảo giới nghiên cứu trong
và ngoài nước quan tâm tìm hiểu từ sớm, điển hình như: Báo Le Monde với “Ho Chi Minh – La
figure de l’ind épendance retrouvée du Vietnam” xuất bản năm 2015; Phạm Văn Đồng với “Hồ
Chủ Tịch tinh hoa của dân tộc lương tâm của thời đại”, xuất bản năm 1976; Võ Nguyên Giáp với
“Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, xuất bản năm 1997; “Tư tưởng Hồ
Chí Minh về giáo dục” do Đào Thanh Hải, Minh Tiến sưu tầm, tuyển chọn, xuất bản năm 2005;
Thái Bình Dương với “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên”,
Tạp chí Giáo dục lí luận, năm 2007; “Quan điểm về giáo dục đạo đức cho sinh viên trong tình hình
hiện nay” của Nguyễn Thị Thủy, Tạp chí Lí luận chính trị và truyền thông, số 3/2015; “Sự cần thiết
của việc giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện
nay” của Phạm Hữu Hoàng, Tạp chí Tâm lí, số 3/2015; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế
hệ trẻ” của Nguyễn Đắc Vinh, Tạp chí Lí luận chính trị, số 5/2015... Về cơ bản, các bài viết, công
trình nêu trên đều đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức nói riêng, cũng
như cuộc đời và sự nghiệp của Người. Tất cả đều có giá trị tham khảo tốt. Tuy vậy cho đến nay,
chưa có một chuyên luận nào bàn đến vấn đề: “Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức
trong nhà trường phổ thông”. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước,
chúng tôi sẽ đi sâu phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đạo đức và giáo dục
đạo đức, nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam ừ đó,
đề xuất hướng vận dụng những quan điểm ấy vào thực tiễn hoạt động giáo dục của chúng ta hiện
nay.
Ngày nhận bài: 11/11/2015. Ngày nhận đăng: 20/6/2016.
Liên hệ: Dương Văn Khoa, e-mail: duongvankhoagdct@gmail.com
158
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của đạo đức và giáo dục đạo đức
trong trường phổ thông
Hồ Chí Minh luôn có quan điểm biện chứng về phạm trù đức và tài. Tuy nhiên, đối với
người cách mạng, Người coi đạo đức là yếu tố quan trọng hơn. Đạo đức phải là gốc của người cách
mạng. Không có đạo đức, người cách mạng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ và không lãnh
đạo được dân chúng “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có
đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” [9, tr.283].
Giống như cây phải có gốc, sông phải có nguồn, cây không gốc thì cây héo, sông không nguồn thì
sông cạn. Tháng 10 năm 1964, Hồ Chí Minh đến thăm trường Đai học Sư phạm Hà Nội, Người
nói: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái
gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” [10, tr.329]. Điều
đó có nghĩa là, công tác giáo dục đạo đức cho người học là gốc của nhiệm vụ giáo dục và đào tạo
trong các nhà trường.
Nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên năm 1959, Hồ Chí Minh căn dặn: “Chính trị
là linh hồn, chuyên môn là cái xác. . . Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo,
cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. . . Thầy giáo phải
gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này” [9,
tr.492-494].
Ý thức được tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, Người từng lưu ý ngành Giáo dục và
Đào tạo cần phải giáo dục đạo đức cho người công dân ngay từ cấp học mầm non. “Công tác giáo
viên và mẫu giáo có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích đào tạo những người công dân
tốt, cán bộ tốt cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức” [ 9,
tr.509]. Trong bản Di chúc, Người đã cẩn thận căn dặn lại chúng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng
cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [11, tr.510].
Vì sao công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất là nhi đồng lại quan trọng như vậy, Hồ
Chí Minh nói: “Ngày nay chúng là nhi đồng. Ít năm nữa, chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy,
Chính phủ, các đoàn thể và tất cả đồng bào đều có trách nhiệm giúp vào việc giáo dục nhi đồng”
[12, tr.77].
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc của người cán bộ, “cán bộ là gốc của mọi công
việc”, “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Hơn nữa, về cơ bản cán
bộ trước đó đều từ học sinh mà trưởng thành dần. Từ đây cho thấy, cái gốc của sự học trong nhà
trường phổ thông Việt Nam hiện nay phải là đức dục. Suy cho cùng, trong đức cũng đã chứa tài.
Học sinh có đức tính ham học hỏi, ham tiến bộ, nhất định các em sẽ có trí tuệ và sự hiểu biết.
2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục đạo đức trong trường phổ
thông
Hiểu theo nghĩa chung nhất, nội dung đạo đức (hay chuẩn mực đạo đức) theo quan điểm của
Hồ Chí Minh là: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu
con người, sống có tình có nghĩa; có tinh thần quốc tế trong sáng thủy chung. Thái Bình Dương
trong bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên” đăng trên
Tạp chí Giáo dục lí luận cho rằng, chuẩn mực của đạo đức cách mạng cho đảng viên trong tư tưởng
Hồ Chí Minh là “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” [1, tr.17]. Tuy nhiên, với học sinh phổ thông,
Người đưa ra quan điểm cụ thể hơn và phù hợp với đối tượng này.
Năm 1954, khi về thăm trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà
159
Dương Văn Khoa, Mai Thị Tuyết
Nội) Người nói: “Chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa
bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động” [7, tr.399].
Năm sau, trong thư “Gửi các em học sinh” toàn quốc, Người nêu cụ thể hơn“Đức dục là yêu
Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công; các em cần rèn luyện cái
đức tính thành thật và dũng cảm; ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau; ở
nhà thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ; ở xã hội thì tùy sức mình mà tham gia những việc có ích lợi
chung” [ 8, tr.75].
Đặc biệt, nhân dịp kỉ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong (15/5/1961),
Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng, động viên các cháu thiếu niên, nhi đồng, trong đó có 5 điều
sau:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt; Giữ gìn vệ
sinh thật tốt; Thật thà, dũng cảm”.
Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” năm 1963 của ngành
giáo dục phổ thông và sư phạm, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn
nữa về mặt đức dục. Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội,
yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và
bảo vệ Tổ quốc” [10, tr.615].
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, nhà trường phổ thông cần tập trung giáo dục đạo đức cho học
sinh theo một số chuẩn mực sau: Yêu và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân; tham gia những việc có ích lợi
chung; kính trọng thầy cô; yêu, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè; kính yêu, giúp đỡ cha mẹ, ông bà, người
thân trong gia đình; thật thà, dũng cảm, trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm. . .
2.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục đạo đức
2.3.1. Phương pháp nêu gương
Theo Hồ Chí Minh, phương pháp giáo dục cần hướng tới thực tiễn, không dùng lí thuyết
suông. Nói chuyện với cán bộ trường Chính trị, Người nói: “Học chính cương, chính sách rồi thì
phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng” [ 5, tr.318].
Cần tăng cường phương pháp nêu gương, trong đó Bác đặc biệt nhấn mạnh tới những phẩm
chất đạo đức và trình độ của người thầy trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh “Học trò tốt hay
xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu” [12, tr.239].
Người giáo viên trước hết phải là người có đức “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên
phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm, giáo viên trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo
phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất vẻ vang, quan trọng”[12, tr.240].
Người giáo viên cần gần gũi với người học, để hiểu tâm tư nguyện vọng của họ “Giáo viên
chưa được coi trọng vì chưa có hương (hữu xạ tự nhiên hương), còn xa rời quần chúng. Có nhiều
giáo viên được quần chúng coi trọng, như chiến sĩ thi đua, giáo viên bình dân học vụ, học cùng với
nhân dân kết thành một khối nên được quần chúng yêu mến. Nếu giáo viên tách mình ra, tự cho
mình là tri thức, thì làm sao quần chúng coi trọng được”[12, tr.241].
Người giáo viên phải luôn trau dồi thêm kiến thức, cập nhật thông tin, tri thức mới, phải cầu
thị để tiến bộ “Cán bộ giáo viên phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự
túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước.
Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo con em và giúp vào cải tạo xã hội. Muốn
cải tạo tư tưởng thì phải nắm lấy vũ khí của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà ở trong xã hội cũ không
thể có được, đó là thật thà tự phê bình và phê bình”; Giáo viên phải có bản lĩnh chính trị, phải “lập
trường vững vàng và cách xem xét đúng đắn” [9, tr.492 – 494].
160
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông
Không chỉ có tấm gương của người thầy, Hồ Chí Minh còn lưu ý đến việc nêu cao những
tấm gương sáng trong lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc “Yêu Tổ quốc. Yêu Tổ quốc
như thế nào? Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc ta giàu mạnh
thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Yêu nhân dân: Mình phải
hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng,
những vui buồn, những công tác nặng nhọc với nhân dân” [9, tr.173].
Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực trong việc thực hành đạo đức cách mạng ở
tất cả các vai trò, từ vai trò của một người dân bình thường cho đến lãnh tụ vĩ đại của cách mạng,
Người đã tận hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng thế giới. Đúng như những
người bạn ở Đảng Cộng sản Mỹ đã viết: “tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó
với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại” [3, tr.121].
2.3.2. Phương pháp kể chuyện, thuyết trình
Ngoài các phương pháp nêu trên, giáo viên phổ thông hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng phương
pháp thuyết trình, kể chuyện trong việc giáo dục, giáo dưỡng học sinh. Chúng ta luôn suy nghĩ,
làm thế nào để phương pháp thuyết trình trở nên hiệu quả, làm cho học sinh hào hứng, chủ động
hơn khi tham gia vào quá trình giáo dục. Tìm hiểu, trong cách nói, cách trình bày của Hồ Chí
Minh, chúng tôi rút ra một số đặc điểm sau:
Thuyết trình ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ cần
phải chống “bệnh nói dài, viết rỗng”. Tuy nhiên, dài mà có nội dung thiết thực thì vẫn tốt, nhưng
dài mà rỗng thì phản tác dụng. Trong bài nói chuyện tại lớp Hướng dẫn giáo viên cấp II, III và hội
nghị Sư phạm tháng 7 năm 1956, Người nói: “văn hay không cần nói dài”. Người căn dặn cán bộ
tuyên truyền: “chớ có nói quá một tiếng đồng hồ, vì nói dài người ta chán tai, không thích nghe
nữa” [ 5, tr.162].
Ngắn gọn ở đây không phải là cắt xén nội dung, sơ sài hoặc không nói được nội dung gì,
ngắn gọn cần hiểu theo nghĩa lược bỏ những chi tiết thừa, không phục vụ cho nội dung cần nói,
nói cô đọng, lột tả vấn đề chính. Văn kiện nổi tiếng, có vai trò tối quan trọng đối với cách mạng
nước ta là Chánh cương và Sách lược, Điều lệ Đảng (1930) cũng được Người viết và trình bày hết
sức vắn tắt. Nói chuyện với nông dân và điền chủ Hưng Yên năm 1946, Bác mở đầu bằng câu:
“Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê. . . ”
[4, tr.154]. Nói chuyện với ủy viên tuyên truyền các tỉnh Bắc Bộ về việc tại sao lại kí Hiệp định Sơ
bộ năm 1946, để mọi người tuyên truyền cho nhân dân hiểu, Người nói đúng 9 câu, tương đương
khoảng 12 dòng. [ 4, tr.205]. Thống kê trong bài nói chuyện (dài 5 trang) tại lớp Hướng dẫn giáo
viên cấp II, III và hội nghị Sư phạm tháng 7 năm 1956, Hồ Chí Minh trình bày 17 đoạn văn, hội
trường trao đổi với Bác 12 đoạn văn. Trong chuyến về thăm và nói chuyện với Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội năm 1964 có đoạn: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Bác
không cần giải thích học gaọ, học vẹt là thế nào vì các cháu biết cả rồi”. Bác không giải thích dài
dòng thế nào là học gạo và học vẹt, vì người nghe quá quen thuộc rồi - Đó là ngắn gọn. Mở đầu
bài nói chuyện, Bác tự phê bình vì ít đến thăm trường, sau đó đi thẳng vào nội dung “Bây giờ Bác
nói mấy ưu điểm của Trường. . . ” [12, tr.153]. Buổi nói chuyện tại Hội nghị Đại biểu những người
tích cực trong văn hóa quần chúng năm 1960, báo Nhân dân đăng tải bài nói của Người vẻn vẹn
hơn 1 trang [12, tr.176]. Một lần nói chuyện với cán bộ tuyên truyền, Người nói: “Khi tuyên truyền
trường kì kháng chiến. Trước hết, mình phải hiểu rõ vì sao phải kháng chiến. Không kháng chiến
có hại như thế nào. Kháng chiến có lợi như thế nào. Vì sao kháng chiến phải trường kì. Trong cuộc
trường kì kháng chiến phải qua những gian nan cực khổ thế nào. Vì sao ta phải gắng chịu những
sự gian nan cực khổ ấy. Trong lúc kháng chiến, mỗi một lớp nhân dân phải làm những công việc
gì. Vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi” [ 5, tr.162].
161
Dương Văn Khoa, Mai Thị Tuyết
Nói ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, không những tiết kiệm được thời gian mà người nghe sẽ
tiếp thu nhanh, dễ dàng nội dung chính, không mệt mỏi cho cả khách thể và chủ thể.
Thuyết trình luôn gắn với nêu vấn đề. Hồ Chí Minh có thể nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi
ngay ở đầu bài nói chuyện hoặc trong cả bài nói chuyện để định hướng nội dung toàn bài và các
mục. Đơn cử: Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam năm 1955,
sau khi có lời hỏi thăm mọi người, Hồ Chí Minh nêu luôn câu hỏi định hướng cho cả bài nói
chuyện: “Trước hết phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?” [12, tr.81]; nói chuyện
tại lớp Hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị Sư phạm năm 1956, Người nói: “Bác nói
thanh niên không thích làm thầy giáo, làm thầy giáo không oanh liệt, không anh hùng, có đúng
không?” [12, tr.110]; nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ Đảng ngành giáo dục năm 1957, Người đặt
câu hỏi mở đầu cho cuộc nói chuyện “Nhiệm vụ của cán bộ Đảng trong ngành giáo dục phải như
thế nào?” [12, tr.118]; nói về công tác huấn luyện và học tập năm 1950, mỗi nội dung chính Người
đặt một câu hỏi, cụ thể là: “1. Từ trước đến nay Đoàn thể đã huấn luyện được mấy người?; 2. Huấn
luyện ai? 3. Ai huấn luyện? 4. Huấn luyện gì? 5. Huấn luyện thế nào? 6. Tài liệu huấn luyện?”
hoặc ở mục II “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, Người cũng đặt các câu hỏi: “1. Học để
làm gì? 2. Học ở đâu?”.v.v. . .
Có bài, Người lại nêu các vấn đề dưới dạng các câu hỏi gợi mở để kích thích tư duy và tạo
sự tập trung, lôi kéo mọi người. Trong buổi nói chuyện tại lớp Hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và
Hội nghị Sư phạm năm 1956, Người đặt ra 16 câu hỏi. Có câu hỏi đặt ra, Người tự giải quyết, có
câu hỏi, mọi người trong hội trường phát biểu. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo
dục năm 1957, Người cũng đặt 16 câu hỏi. Ví dụ: “Lao động trí óc có quý không? – Quý. Lao
động chân tay có quý không? – Quý. . . Ai cũng muốn ăn no mặc ấm. Nhưng chỉ muốn một mình
ăn no mặc ấm, có đúng không? – Không đúng. . . ” [12, tr.121].
Chúng ta thấy, các vấn đề đặt ra rất trúng với nội dung chính người muốn truyền đạt tới
người nghe. Số lượng các câu hỏi vừa phải, mức độ cũng phù hợp. Nhiều lúc, Người chỉ hỏi đúng
hay sai để mọi người thể hiện thái độ và gây sự tập trung. Ví dụ: “Dạy sao cho học sinh mau hiểu,
mau nhớ, lí luận đi đôi với thực hành. Các cô các chú có thấy khác trước không?” [12, tr.111].
Thuyết trình gắn với kể chuyện, lấy dẫn chứng sinh động, hài hước. Truyện có ảnh hưởng
rất lớn đến đời sống tinh thần, thái độ, tình cảm của mọi người. Qua những câu truyện, người nghe
sẽ suy ngẫm, rút ra bài học cho mình. Hồ Chí Minh thường xuyên dùng những mẩu truyện ngắn
lồng vào các bài nói chuyện để minh họa cho nội dung đang nói. Khi còn bôn ba hoạt động ở
nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã viết truyện ngắn, dùng nó như một vũ khí chĩa mũi nhọn vào bọn
đế quốc thực dân, phong kiến tay sai, ví dụ: truyện Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu
(1925); Con Rùa (1925). . .
Người có thể dùng một mẩu truyện để so sánh với nội dung, chẳng hạn khi nói đến thành
quả của giáo dục nhân buổi nói chuyện với Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác kể một câu chuyện để
so sánh: “Quốc hội Mỹ có một ban trông nom trẻ con, ban ấy báo cáo rằng năm 1963 hơn 1/5 trẻ
con Mỹ từ 7 tuổi đến 10 tuổi đã phạm tội: ăn trộm, ăn cắp, thậm trí giết người cũng có, v.v. . . Vậy
thử hỏi: Mỹ văn minh hơn, hay ta văn minh hơn? Ta có 40 vạn cháu ngoan, mà Mỹ có 1/5 trẻ em
phạm tội. Ta có thể nói: ta văn minh hơn!” [12, tr. 155].
Thông thường, Người sử dụng mẩu truyện để minh chứng cho một nội dung nào đấy, đơn
cử: khi nói với cán bộ tuyên truyền, Người kể một câu chuyện của đồng chí Đimitơrốp: “Hồi đó ở
Đức mới có một cuộc bãi công rất to. Đảng cử một đồng chí đến để tuyên truyền. Đáng lẽ người ta
đang bãi công, thì phải nói bãi công nên làm thế nào. Nhưng đồng chí này lại nói chủ nghĩa Mác
là gì, thặng dư giá trị là gì. . . Như thế là nói không đúng chỗ, không thiết thực. May mà đồng chí
đó không bị quần chúng ném đá. Tuyên truyền như thế không ăn thua gì” [12, tr.197]. . .
Các mẩu truyện Hồ Chí Minh sử dụng thường rất ngắn gọn, rõ ràng, liên quan chặt chẽ với
162
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông
nội dung cần minh họa, so sánh. Bao giờ Người cũng phân tích nội dung câu chuyện và đưa ra kết
luận để làm rõ nội dung mình cần trình bày.
Bên cạnh những mẩu truyện, Hồ Chí Minh khai thác triệt để các ví dụ minh họa. Hầu hết
các bài nói chuyện đều có ví dụ dưới những góc độ và cách thể hiện khác nhau, chúng đều gần
gũi, chính xác, dễ hiểu và sinh động. Đây là cách mà Người sử dụng phổ biến nhất và rất hiệu quả
(lối nói hình ảnh). Các nhà nghiên cứu đánh giá “Hồ Chí Minh là người tài tình nhất trong việc
dùng hình ảnh để giải thích các khái niệm trừu tượng”. Người luôn nhắc nhở cán bộ tuyên truyền
chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối của Đảng ta là: “phải nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân
làm”; trong cách nói thì phải “hết sức giản đơn, rõ ràng, thuýêt phục. . . ” [ 5, tr.162].
Vì mục đích minh họa cho nội dung thuyết trình, các ví dụ bao giờ cũng đặt ra sau những
kết luận về một vấn đề nào đó. Tiếp xúc với cán bộ tỉnh Thanh Hóa năm 1947, Người nói: “Đối
với đồng chí mình thì phải thân ái với nhau. . . Thí dụ: một anh nói giỏi, một anh không, khi ra
quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh
hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói” [ 5, tr.54].
Các ví dụ minh họa rất phong phú, đa dạng, sinh động. Có lúc Người lấy ví dụ về những
tấm gương sáng, hoặc dùng sự vật để dẫn chứng, có lúc, Người dùng con số để minh họa: “Ta càng
xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng giúp cho đồng bào miền Nam mau đuổi Mỹ - Diệm, thống nhất
nước nhà. Ví dụ: Tất cả các hợp tác xã sản xuất tốt, năng suất tăng, trước mỗi mẫu tây lúa được 2
tấn, thì nay phải 2 tấn 3, 2 tấn 4 hoặc nhiều hơn nữa, như thế là trực tiếp làm cho miền Bắc giàu
mạnh, gián tiếp giúp cho đồng bào miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Diệm, thống nhất nước nhà”
[12, tr.188] – Bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình.v.v. . .
Nói chung, các ví dụ rất phong phú, tùy thuộc vào nội dung buổi nói chuyện Bác sẽ đưa ra
các ví dụ phù hợp. Không chỉ phù hợp với nội dung buổi nói chuyện, mà phù hợp cả với đối tượng
cần nói về trình độ, nhận thức, tập quán. Đơn cử như: khi nói chuyện với cán bộ, học viên trường
Đại học Nhân dân, Bác lấy ví dụ về việc chống đế quốc Pháp và Mỹ để bảo vệ Tổ quốc và hòa bình
thế giới. Ngoài ra, Người còn lấy ví dụ về những anh hùng mọi lĩnh vực để giáo dục cho cán bộ và
học viên của trường phải học ở nhân dân như: anh hùng La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn
Thị Chiên (quân đội); Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi (công trường xe lửa). . . ; nói về giáo dục đạo
đức của giáo viên cho học sinh, Bác lấy ví dụ: nếu như “bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì
trưa mới dậy” thì không giáo dục được ai.
Có nhiều buổi nói chuyện, Bác đưa vào những thí dụ, dẫn chứng rất hóm hỉnh, hài hước, dễ
hiểu. Khi nói chuyện tại Hội nghị tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác lấy một ví dụ để phê phán
hủ tục của nhân dân vùng cao “Vệ sinh còn kém, lấy vợ, lấy chồng quá sớm. Bác nhớ lúc Bác còn
ở trên đó, con đồng chí A lấy con gái đồng chí B, đến khi về nhà chồng, cô dâu còn bé khóc lóc
đòi trả về nhà mẹ” [12, tr.201].
Một nguyên tắc cần chú ý, công tác giáo dục cho học sinh không phải là việc riêng của
nhà trường, cần có sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng khác nhau, chủ yếu là gia đình, nhà
trường và xã hội. Trong thư “Gửi các em học sinh” năm 1955, Người viết: “Giáo dục các em là
việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ
trách” [8, tr.74].
Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, đạo đức học sinh và giáo dục đạo đức cho học sinh là vấn
đề quan trọng hàng đầu ở nhà trường phổ thông. Nội dung giáo dục cần lựa chọn phù hợp với
đối tượng này. Giáo viên có vai trò quyết định đối với việc giáo dục đạo đức học sinh. Trong các
phương pháp giáo dục đạo đức, nêu gương là phương pháp hữu hiệu hơn cả.
163
Dương Văn Khoa, Mai Thị Tuyết
3. Kết luận
Đạo đức, giáo dục đạo đức là nội dung quan trọng trong nhà trường phổ thông. Hồ Chí
Minh luôn nhấn mạnh, đề cao đạo đức khi đặt trong mối quan hệ với tài. Tuy vậy, Người không
tuyệt đối hóa đạo đức mà nhìn các yếu tố đó trong mối quan hệ biện chứng. Nội dung giáo dục
đạo đức học sinh cần thiết thực, phù hợp với đối tượng. Không “đao to, búa lớn” hoặc hô hào khẩu
hiệu. Người luôn coi cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, trong nhà trường phổ thông, cán bộ,
giáo viên là gốc của việc dạy học; đồng thời, phương pháp nêu gương (nêu cao phẩm chất, đạo đức
của người giáo viên) là phương pháp giáo dục đạo đức tốt nhất, hiệu quả nhất cho học sinh.
Hồ Chí Minh đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc, Người đã thực hành một tấm
gương đạo đức mẫu mực cho cả dân tộc ta noi theo. Minh triết và hành động đạo đức của Người
đã tạo ra một sức mạnh, sự lan tỏa to lớn, định hướng cho hành vi đạo đức của cán bộ, đảng viên
và nhân dân trong cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thái Bình Dương, 2007. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng
viên. Tạp chí Giáo dục lí luận. Số 03, tr.17-21
[2] Phạm Văn Đồng, 1976. Hồ Chủ Tịch tinh hoa của dân tộc lương tâm của thời đại. Nxb Sự
thật, Hà Nội.
[3] Dương Văn Khoa, 2014. Hồ Chí Minh với khát vọng về độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam,
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 59 (10), tr.117-121.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 4. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 6. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 7. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 8. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 9. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 11. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập (CD ROM), tập 12. Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
[12] Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục (Đào Thanh Hải, Minh Tiến – sưu tầm, tuyển chọn). Nxb
Lao động, 2005.
ABSTRACT
Ho Chi Minh’s viewpoint on the teaching of ethics in schools
Ho Chi Minh always held moral education high in relation to other duties of the schools. He
considered ethics is the basic of officers. Thus, ethics education must be schools’ duty. The content
of moral education for students needs to be practical and consistent . It should focus on loving and
protecting the country and the people; getting input from employees; participatation in a collective
interest; respect for teachers; love, unity and helping friends, beloveds, parents, grandparents and
other family members; being naive, enthusiastic, frugal, trustworthy, loyal, helpful, brave, clean
and reverent. There are many ways to provide students with a moral education and he noted the
more exemplary methods that teachers use in providing a moral education.
Keywords: Moral education, Ho Chi Minh, schools.
164

File đính kèm:

  • pdftu_tuong_ho_chi_minh_ve_giao_duc_dao_duc_trong_nha_truong_ph.pdf