Vấn đề giáo dục trong nội dung chủ thuyết phát triển Việt Nam

TÓM TẮT

Mỗi hệ thống đều có cái huyệt, chỉ khi bấm huyệt hệ thống mới vận động và phát triển. Vậy huyệt

của giáo dục Việt Nam hiện nay là gì? Vấn đề này được giải quyết bắt đầu từ sự nghiên cứu bản

chất quá trình giáo dục“Cấu trúc quản lý thuộc tính ”, nghiên cứu thực trạng giáo dục Việt

Nam hiện nay, từ đó phát hiện những vấn đề không hợp qui luật, nêu lên những mâu thuẫn cơ

bản và chủ yếu:

a. Xã hội đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng nhà trường còn bao cấp.

b. Mâu thuẫn giữa mục đích giáo dục và công tác kiểm tra đánh giá.

Giải quyết hai mâu thuẫn này là nội dung đổi mới tư duy giáo dục.

pdf 11 trang yennguyen 7360
Bạn đang xem tài liệu "Vấn đề giáo dục trong nội dung chủ thuyết phát triển Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Vấn đề giáo dục trong nội dung chủ thuyết phát triển Việt Nam

Vấn đề giáo dục trong nội dung chủ thuyết phát triển Việt Nam
VẤN ĐỀ GIÁO DỤC 
TRONG NỘI DUNG CHỦ THUYẾT PHÁT TRIỂN VIỆT NAM 
 THÁI DUY TUYÊN(*) 
TÓM TẮT 
Mỗi hệ thống đều có cái huyệt, chỉ khi bấm huyệt hệ thống mới vận động và phát triển. Vậy huyệt 
của giáo dục Việt Nam hiện nay là gì? Vấn đề này được giải quyết bắt đầu từ sự nghiên cứu bản 
chất quá trình giáo dục“Cấu trúc quản lý thuộc tính”, nghiên cứu thực trạng giáo dục Việt 
Nam hiện nay, từ đó phát hiện những vấn đề không hợp qui luật, nêu lên những mâu thuẫn cơ 
bản và chủ yếu: 
a. Xã hội đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng nhà trường còn bao cấp. 
b. Mâu thuẫn giữa mục đích giáo dục và công tác kiểm tra đánh giá. 
Giải quyết hai mâu thuẫn này là nội dung đổi mới tư duy giáo dục. 
ABSTRACT 
Each system has its own essential point. Thus, only when this point is hit, the whole process will 
be triggered and develop. What is the essential point of the current Vietnamese education? The 
remedy for this issue is discovered by studying the nature of the education process “ The 
structure of property management”.We should have a look at the real state of Vietnamese 
education so that we can identify the non-lawful matters and point out the fundamental, essential 
contradictions. The contradictions are as follow: 
a. The society has been operated in accordance with the market economy whereas schools are 
still subsidized. 
b. There are the contradictions between educational purposes and testing and assessment 
procedures. 
Figuring out the solutions to these contradictions is the target of the changing innovative 
educational thoughts. 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Từ ngày cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng 
và nhân dân ta đã xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới: nền giáo dục của dân, do dân và vì 
dân. 
Ngày 2/9/1945, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Đại tướng Võ 
Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trình bày Chương trình hành động của 
Chính phủ, nêu lên 3 nhiệm vụ: chống giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Giặc dốt được xem 
là kẻ thù nguy hiểm nhất vì sự dốt nát làm hèn người dân, nhân tố tạo nên mọi thắng lợi của cách 
mạng. 
Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, ngay cả trong chiến tranh ác liệt, chúng ta đã xây dựng 
được một nền giáo dục tốt, phục vụ tích cực công cuộc kháng chiến, kiến quốc, là một trong 
những thành tựu quan trọng của cách mạng, là niềm tự hào của nhân dân ta. 
(*)GS.TSKH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam 
Từ ngày đổi mới, phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống hiếu học của 
nhân dân ta, Đảng ta lại khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Thật là một tư tưởng 
quang vinh, đúng qui luật, được lòng dân và hợp thời đại. 
Cùng với sự lớn lên của đất nước, nhà trường chúng ta ngày nay đã khang trang hơn trước nhiều, 
đã đạt được những thành tựu lớn lao, nhưng chưa thỏa mãn những yêu cầu to lớn của sự nghiệp 
xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, chưa theo kịp bước tiến chung của thời đại. Nếu 
không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. 
Tình hình giáo dục hiện nay đang làm cho mọi người lo lắng: từ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà 
nước, những nhà giáo lão thành, những trí thức tâm huyết... đến những người dân thường trong 
và ngoài nước đang tìm cách tháo gỡ. Giáo dục đang như người lâm bệnh và tình huống quá 
nhiều thuốc nên các bộ máy trong cơ thể đang bị rối loạn. 
Nhưng nếu bình tĩnh lại, chọn và bấm đúng HUYỆT thì bệnh tật sẽ qua đi và như một cơ thể vốn 
được nuôi dưỡng bằng dòng máu Lạc Hồng khoẻ mạnh, nó sẽ chóng hồi sinh như bản chất của 
nó. 
Vậy Huyệt của giáo dục hiện nay là gì?. 
Để giải quyết vấn đề này chúng ta sẽ bắt đầu từ sự tìm hiểu bản chất của quá trình giáo dục, mà 
nội dung chủ yếu là cấu trúc, và tính quy luật của nó, rồi quan sát tình hình giáo dục đất nước 
mà phát hiện ra các mâu thuẫn hiện nay, để từ đó xác định mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu và nội tại, 
đó chính là cái HUYỆT cần độ tác động nhằrn thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục hiện 
nay. 
2. NỘI DUNG 
2.1. Cấu trúc và tính quy luật của quá trình giáo dục 
Quá trình giáo dục thường được hiểu là một hệ thống động bao gồm các yếu tố: mục đích, nội 
dung, phương pháp, phương tiện, hình thức và kết quả giáo dục. Hệ thống này vận động và phát 
triển trong môi trường kinh tế xã hội nhất định. 
Về thời gian, quá trình giáo dục có thể diễn ra trong một giờ lên lớp, một học kì, một năm học, 
một cấp học, bậc học hoặc suốt thời gian học tập ở trường. 
Về không gian, quá trình giáo dục có thể tồn tại trong một lớp học, một trường học, trong hệ 
thống giáo dục một xã, một huyện, một tỉnh hay cả nước. Như vậy, quá trình giáo dục là một mô 
hình rất trừu tượng, rất khái quát rất đa dạng xét về mặt không gian và thời gian. 
Có thể xem quá trình giáo dục là một hệ thống có cấu trúc 3 tầng: 
Tầng ngoài cùng cho phép phân biệt nhà trường và xã hội; 
Tầng giữa bao gồm các yếu tố của quá trình giáo dục với nhau. 
Tầng trong là các yếu lố của quá trình giáo dục, lúc này được xem như một hệ thống con (tiểu 
cấu trúc)[1], [2]. 
Các quy luật giáo dục: 
Hoạt động giáo dục chỉ đạt được hiệu quả ổn định và bền vững khi vận động theo những qui luật 
nhất định. 
Khái niệm qui luật ở đây được hiểu là cái gì bản chất, ổn định, là mối liên hệ lặp đi lặp lại giữa 
các hiện tượng giáo dục và tôn tại khách quan ngoài ý muốn con người. 
Dựa trên đặc điểm của cấu trúc hệ thống giáo dục gồm 3 tầng như đã trình bày trên, chúng tôi đã 
chia hệ thống quy luật giáo dục làm 3 loại: 
- Những quy luật chung nhất, 
- Những quy luật chung, 
- Những quy luật đặc thù. 
2.1.1. Những quy luật chung nhất 
Phản ánh mối liên hệ tổng quát giữa xã hội và nhà trường. 
Hệ thống hoá các công trình nghiên cứu về quy luật dạy học của thế giới và Việt Nam có thể nêu 
lên các quy luật chung nhất sau đây: 
Giáo dục và yêu cầu xã hội: Quá trình giáo dục phải thoả mãn các yêu cầu xã hội, đặc biệt yêu 
cầu đào tạo nhân cách phát triển toàn diện, có khả năng tham gia tích cực vào quá trình sản xuất, 
khoa học, xã hội và văn hoá. 
Dạy học và các hoạt động khác: Nếu dạy học phối hợp với nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, văn 
nghệ, thể thao, hoạt động xã hội và lao động sản xuất thì sẽ đạt được hiệu quả cao. 
Giáo dục và điều kiện kiện kinh tế xã hội địa phương: Quá trình giáo dục phụ thuộc vào thực 
trạng xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế địa phương nơi diễn ra quá trình giáo dục. 
Dạy học và giáo dục: Quá trình dạy học liên hệ chặt chẽ với quá trình giáo dục tạo thành một 
quá trình sư phạm hoàn chỉnh. 
Giáo dục và môi trường: Giáo dục có mối liên hệ qui luật và phù hợp với các điều kiện và môi 
trường bên ngoài. 
2.2.2. Những quy luật chung 
Biểu thị mối liên hệ giữa các yếu tố của bản thân quá trình giáo dục. Sau đây xin giới thiệu một 
số quy luật tiêu biểu. 
- Trong giáo dục, tồn tại mối liên hệ quy luật và sự phù hợp giữa mục tiêu phương tiện và kết 
quả. 
- Sự thống nhất giữa dạy và học là một quy luật của quá trình dạy học. 
- Mỗi thao tác của hoạt động dạy học đều có ảnh hưởng đến phẩm chất học sinh. Ảnh hưởng này 
có thể tốt hay xấu, mạnh hay yếu phụ thuộc vào nội dung học vấn, quan hệ của thầy giáo đối với 
học sinh và nghệ thuật tiến hành bài học. 
- Nếu phối hợp quá trình tư duy với quá trình xúc cảm trong dạy học thì hiệu quả giáo dục sẽ 
cao. 
- Sự phát triển trí tuệ của học sinh phụ thuộc vào cấu trúc nội dung, vào mức độ khó khăn của tài 
liệu học tập, vào nhịp độ dạy học, vào tính tích cực của học sinh trong quá trình dạy học. 
- Càng có nhiều cơ quan cảm giác tham gia vào quá trình nhận thức. Việc ôn tập kiến thức càng 
được tổ chức một cách có hệ thống, tri thức mới càng liên hệ chặt chẽ với hệ thống tri thức cũ thì 
càng được lĩnh hội một cách bền vững và chắc chắn. 
Hiệu quả giáo dục phụ thuộc vào sự lựa chọn và phối hợp các phương pháp dạy học, sự kích 
thích hứng thú của học sinh và kiểm tra, đánh giá... 
2.2.3. Những quy luật đặc thù 
Biểu thị mối liên hệ giữa các yếu tố của hệ thống con. Các quy luật đặc thù rất cần cho thầy giáo 
khi giải quyết các vấn đề cụ thể trong quá trình giáo dục. Trong thực tiễn giáo dục có rất nhiều 
quy luật đặc thù - Sau đây là một vài qui luật: 
- Khái niệm có thể được lĩnh hội một cách bền vững và sâu sắc khi nhận thức khái niệm mới có 
liên hệ chặt chẽ và được suy ra từ các khái niệm cũ. 
- Kĩ năng có thể được hình thành một cách thành thạo khi thường xuyên tổ chức tái hiện các thao 
tác và hành động liên quan tới kĩ năng đó. 
- v.v 
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu một số quy luật giáo dục bao gồm từ các quy luật chung nhất 
đến quy luật đặc thù. 
Dựa vào thực tiễn phát triển giáo dục đất nước và các quy luật trên đây, có thể tìm thấy những 
mâu thuẫn đang cản trở sự phát triển giáo dục. 
2.3. Các mâu thuẫn trong giáo dục Việt Nam hiện nay 
Qua nghiên cứu hệ thống quy luật của quá trình giáo dục, một câu hỏi tự nhiên nảy sinh là hệ 
thống giáo dục Việt Nam hiện nay có vận động đúng quy luật không? Có những mâu thuẫn gì 
đang cản trở sự vận động và phát triển của nó ? Xác định hệ thống mâu thuẫn của giáo dục hiện 
nay là điều rất cần thiết vì từ đấy ta có thể nắm được mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu, có nghĩa là 
tìm thấy động lực của sự phát triển hệ thống giáo dục và đó là nội dung chủ yếu của đổi mới tư 
duy giáo dục. Để giải quyết vấn đề này ta phải đối chiếu hệ thống các quy luật đã trình bày với 
thực tiễn giáo dục Việt Nam. 
Qua các văn bản của Đảng và nhà nước, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tài liệu 
của các cuộc Hội thảo... có thể hình dung thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay như sau. 
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, của các thầy cô giáo và các em học sinh, chúng 
ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực sau đây : 
- Đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, trước hết là giáo dục phổ thông đạt được 
một số kết quả quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; bồi dưỡng nhân 
tài; 
- Đã thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội của Đảng và nhà nước. 
- Đã có những chuyển biến bước đầu về chất lượng giáo dục. 
- Trường sở khang trang hơn, cơ sở vật chất nhà trường đã được cải thiện nhiều. 
Những thành tựu này là một bộ phận quan trọng trong những thành tựu về phát triển kinh tế - xã 
hội của đất nước thời gian qua, dưới ánh sáng của tư tưởng đổi mới. 
Tuy nhiên, so với yêu cầu CNH - HĐH đất nước và để chuẩn bị hội nhập thành công trong điều 
kiện toàn cầu hoá hiện nay, giáo dục đang đứng trước những nhiệm vụ nặng nề và phải tích cực 
khắc phục những yếu kém hiện nay để vươn lên phía trước, thí dụ: 
- Chất lượng còn thấp, cụ thể là: 
+ Học sinh còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống tri thức, trình độ tư duy độc lập, sáng tạo, kĩ năng 
thực hành, kĩ năng lực tự học... còn kém do bệnh thành tích, do mải miết về thi cử kéo dài trong 
nhiều năm. 
+ Thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy người, không trung thực trong học tập và thi cử, quay cóp tràn 
lan, mua bằng, bán điểm, ảnh hưởng xấu đến đạo đức học sinh và niềm tin của xã hội. 
- Đầu tư cho giáo dục nhìn chung còn thấp, cơ sở vật chất rất thiếu thốn và lạc hậu. Trình độ 
chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên còn thấp, nhất là ở bậc Đại học và chuyên nghiệp. 
Vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục còn nhiều bất cập. Con em gia đình nghèo, con em đồng 
bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong học tập. 
Quản lí giáo dục còn nhiều yếu kém, cơ chế xin cho, quan liêu, bao cấp chưa được đổi mới 
nhiều. 
Ngoài ra, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các diễn đàn của các cuộc hội thảo 
đặt ra rất nhiều vấn đề bức xúc, từ những vấn đề vĩ mô đến vấn đề vi mô. Thí dụ: 
- Vấn đề xã hội hoá giáo dục; 
- Vấn đề trường công, trường tư; 
- Vấn đề thương mại hoá giáo dục; 
- Vấn đề dịch vụ trong giáo dục; 
- Vấn đề chất lượng cao đẳng, đại học, sau đại học... 
- Vấn đề kiểm tra, đánh giá, thi cử, chuẩn đánh giá... 
- Vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học; 
- Vấn đề sách giáo khoa; 
- Vấn đề phương pháp dạy học: học vẹt, học nhồi sọ, giáo điều; 
- Vấn đề chữ a, chữ e; 
- Vấn đề nội dung quá tải, ôm đồm nặng nề; 
- Vấn đề đầu tư, lợi nhuận và sở hữu trong giáo dục; 
- Vấn đề cạnh tranh lành mạnh. 
- Vấn đề học thêm, dạy thêm... 
- Vấn đề dạy nghề và thị trường lao động... 
- Vấn đề hướng nghiệp, phân luồng... 
Tất cả những vấn đề đã nêu chứng tỏ giáo dục là hệ thống rất phức tạp, đầy biến động và rất rộng 
lớn, liên quan hầu hết đến mọi thành viên xã hội. 
Tình hình này không phải chỉ có ở nước ta, mà là lình hình chung của thế giới, tuy mức độ có 
khác nhau, tuỳ theo đặc điểm của mỗi nước. 
Tuy nhiên, một hệ thống tự nhiên hay xã hội, dù phức tạp đến đâu cũng đều vận động theo 
những qui luật nhất định, có trình tự, có lớp lang, vấn đề là phải nhận thức cho được những qui 
luật của nó. Mỗi hệ thống dầu tự nhiên hay xã hội đều có những cái “huyệt”, phải bấm trúng 
huyệt nó mới vận động và phát triển. Vì vậy, vấn đề là phải tìm cho được cái huyệt của giáo dục 
hiện nay là gì. “Cái khoán 10” nó nằm ở đâu? 
Để làm việc này, sau khi nghiên cứu thực tiễn một cách tỉ mỉ, toàn diện và khoa học phải tiến 
hành một quá trình tư duy trừu tượng, vượt lên các sự kiện phức tạp rối rắm của đời thường để 
tìm thấy một cái gì chung, tìm ra những mối liên hệ qui luật ổn định, trường tồn nhằm điều khiển 
các hiện tượng giáo dục có vẻ lộn xộn, không ăn nhập gì với nhau, vận động và phát triển một 
cách qui củ và bền vững. 
Trên cơ sở hệ thống quy luật đã nêu trên, bắt đầu từ những quy luật chung nhất, chúng ta sẽ phân 
tích các hiện tượng giáo dục của đất nước, đặc biệt là qui luật nói về giáo dục có mối liên hệ qui 
luật và phù hợp với các điều kiện và môi trường bên ngoài” 
Mọi người đều biết, từ ngày đổi mới nền kinh tế - xã hội của đất nước vận hành theo cơ chế thị 
trường có sự quản lý của Nhà nưóc theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ vậy mà đất nước phát 
triển như ngày nay. 
Xã hội thì như vậy, nhưng với giáo dục, nhìn chung cơ chế bao cấp, quan liêu còn rất nặng nề. 
Sự không phù hợp giữa nhà trường và xã hội là một hiện tượng không hợp qui luật, và đây là 
loại quì luật chung nhất nên nó có tính chất bao trùm, phổ biến, là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu, 
là nguyên nhân sâu xa và nguồn gốc trực tiếp làm cho chất lượng giáo dục yếu kém. 
Từ những quy luật chung, đặc biệt là quy luật “Trong giáo dục, tồn tại mối liên hệ quy luật và sự 
phù hợp giữa mục tiêu, phương tiện và kết quả”, ta thấy có độ vênh rất lớn giữa mục tiêu và kết 
quả. Mục tiêu là đào tạo những con người phát triển toàn diện năng động, sáng tạo, đậm đà bản 
sắc dân tộc, vừa hồng vừa chuyên, nhưng đánh giá kết quả, thành tích thi đua, khen thưởng thì 
lại dựa vào tỉ lệ lên lớp, kết quả thi tốt nghiệp, thi đại học.... mà những kết quả này phần lớn lại 
chỉ dựa vào một số môn thi. Thầy trò mải miết lo thi cử, một số trường hợp dùng mọi thủ đoạn 
để đạt điểm cao như quay cóp, gian lận, cắt xén chương trình thay đổi phương pháp, học lệch, 
học tủ... thậm chí phạm pháp cũng không từ. Hoạt động của nhà trường bị biến dạng đáng kể. 
Như vậy, mâu thuẫn trầm trọng thứ hai là giữa mục đích giáo dục và hoạt động thực tiễn của 
nhà trường do cách kiểm tra và đánh giá kết quả. 
Tóm lại, để giải quyết các vấn đề giáo dục hiện nay, có nhiều việc phải làm nhưng trước hết phải 
tập trung giải quyết tốt một số vấn đề quan trọng nhất là: 
- Đổi mới tư duy về cơ chế hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với cơ chế 
vận hành chung của xã hội. 
- Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử để điều chỉnh kết quả giáo dục theo mục đích, mục 
tiêu đặt ra. 
- Đổi mới tư duy về một số vấn đề có quan hệ trực tiếp với hai vấn đề trên. 
2.4. Đổi mới tư duy giáo dục 
Như trên đã nói, đổi mới tư duy giáo dục là đổi mới cách suy nghĩ, cách làm giáo dục hiện nay. 
Có nghĩa là muốn làm giáo dục tốt trong điều kiện hiện nay, phải nhận thức lại một số vấn đề về 
giáo dục. 
Các vấn đề cần được nhận thức lại có nhiều mức khác nhau. Mức cao nhất là các vấn đề triết 
học, triết lí, các vấn đề phương pháp luận. Mức thấp hơn là các giải pháp, biện pháp, các thủ 
thuật cụ thể. 
Ở đây ta đặt vấn đề đổi mới tư duy cho nó linh hoạt, dễ hiểu. Có thể là nhận thức lại các vấn đề 
triết lí, mà cũng có thể là các quan điểm, các giải pháp cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề 
giáo dục. 
2.4.1. Đổi mới tư duy về cơ chế hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân. 
Trong thời gian gần đây, vấn đề cơ chế hoạt động giáo dục được bàn đến nhiều trên các phương 
tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn của các cuộc hội thảo. Các tác giả đã trao đổi, tranh 
luận vấn đề này rất sôi nổi và nghiêm túc, vì đó đúng là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, nó 
quyết định con đường phát triển của giáo dục. 
Nhiều tác giả (số này khá đông) mà một vài đại diện tiêu biểu như GS. Phạm Phụ (Đại học Bách 
khoa thành phố Hồ Chí Minh), nhà báo Mai Lan (Báo Sài Gòn Giải phóng) cho rằng: 
Trong vấn đề thương mại hoá giáo dục, đã có khoảng cách lớn giữa quan niệm và thực tiễn, giữa 
giáo dục của thế giới và giáo dục của Việt Nam. Theo một số văn bản chính thức của Việt Nam 
thì “cấm mọi hành vi thương mại hoá giáo dục” nhưng trong thực tiễn thì dễ dàng thấy nhan 
nhản các hành vi thương mại hoá giáo dục... Đó là tình hình trong nước. Trên phạm vi toàn cầu 
thì hiện nay đã có khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam đang mua dịch vụ giáo dục ở nước ngoài 
theo con đường du học tự túc với tổng kinh phí ước tính khoảng 200 triệu USD/năm. 
Việc cấm thương mại hoá lại được thực hiện không triệu để, không nhất quán. Hậu quả của điều 
đó là: 
- Tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, không hoàn hảo. 
- Các trường không cần hướng đến khách hàng, không cần chú ý đến chất lượng, hiệu quả giáo 
dục, vì trong điều kiện hiện nay, xin giấy phép mở trường là xin quyền được độc quyền. 
Nhà báo Mai Lan đã phê phán hiện tượng này là: 
- Phép nước không nghiêm; 
- Cơ chế bảo thủ. 
Và có kiến nghị : 
- Cần “chính danh định phận” để có cơ chế quản lí phù hợp 
Ngoài ra, theo GS Phạm Phụ, việc tổ chức dịch vụ giáo dục ở Việt Nam là một điều chắc chắn và 
đã có cơ sở pháp lý của nó. Ông viết: Ngày 10/11/2001 vừa qua, Hiệp định thương mại Việt - 
Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực, nghĩa là từ năm 2004, Mỹ đã có quyền thực hiện liên doanh đào tạo, 
từ năm 2008 có quyền tổ chức đào tạo tại Việt Nam với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Từ năm 
2005, Việt Nam sẽ tham gia WTO. Khi đó, nhiều nước khác cũng sẽ có những quyền hạn tương 
tự”[4]. 
Một số tác giả khác lại cho rằng giáo dục thuộc phạm trù cách mạng, không phải là chuyện có 
thể đem ra mua bán, rằng nhà trường không phải là cái chợ. Ở các nước cũng thế. 
Sự tranh luận của các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà cách mạng lão thành đầy tâm 
huyết, đầy trách nhiệm nhằm tìm kiếm con đường phát triển giáo dục vì sự phồn vinh của đất 
nước là hết sức bổ ích và rất đáng trân trọng. Đó là con đường tất yếu trong quá trình tìm tòi cái 
mới. Qua các cuộc hội thảo, tranh luận, ta sẽ nhìn thấy mặt phải, mặt trái của mỗi bên và tìm 
thấy giải pháp đúng, tránh được những sai lầm, lệch lạc do cách nhìn nhận cực đoan, phiến diện. 
Theo quan điểm chúng tôi, nhà trường đúng không phải là cái chợ. Chợ là nơi mua bán, trao đổi 
hàng hoá. Nhà trường, theo J.A.Komensky “là xướng rèn luyện nhân cách, vì vậy phải chú ý đến 
nhân văn của nó. 
Cho nên khi nói quản lí nhà trường theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước theo 
định hướng XHCN cần phải có cách hiểu riêng. 
Trước hết, không được xem nhà trường là cái chợ mà phải trả lời các câu hỏi: 
Sự vận động của Nhà trường có theo qui luật giá trị không? Chỗ nào theo, chỗ nào không? 
Có theo quy luật cung cầu không? Chỗ nào có, chỗ nào không? 
Có theo quy luật cạnh tranh không Chỗ nào có, chỗ nào không? 
Có theo quy luật lợi nhuận không Chỗ nào có, chỗ nào không? Lợi nhuận đến mức nào? 
Thí dụ, đối với đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu cùng xa, dầu họ không có 
nhu cầu học tập cũng phải vận động, giác ngộ họ, cấp học bổng, xây dựng trường sở...tạo điều 
kiện thuận lợi cho họ học tập. Lúc này không vận dụng qui luật cung cầu mà phải vận dụng các 
chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước: Xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, làm cho miền 
núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện công bằng xã hội... 
Tất cả những vấn đề trên cần làm rõ và nhất quán về lí luận, được toàn Đảng, toàn dân, toàn xã 
hội nhất trí đồng tình, ủng hộ. 
Thật ra, vì giáo dục là một hệ thống con trong hệ thống xã hội rộng lớn, nên việc quản lý giáo 
dục theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã được 
thực hiện cùng với quá trình đổi mới. Vì vậy, sau ngày đổi mới hệ thống các trường công lập 
được thành lập, chế độ phân cấp cho các cơ sở giáo dục, các trường đại học, chuyên nghiệp 
được thực hiện bước đầu và được mở rộng dần. Các chủ trương đúng đắn đã góp phần tích cực 
vào sự phát triển giáo dục và làm cho giáo dục đạt được những thành tựu to lớn trong thời gian 
vừa qua. 
Cùng với sự phát triển của xã hội, việc quản lý giáo dục theo cơ chế thị trường sẽ ngày càng 
được hoàn thiện. Nhưng sự thận trọng để tránh những tác dụng tiêu cực của cơ chế thị trường là 
cần thiết, vì nếu vi phạm những sai lầm trong việc giáo dục đào tạo con người thì hậu quả sẽ rất 
lớn, lâu dài và khó khắc phục các hậu quả của nó. 
Hai là, để có thể mở rộng việc quản lý giáo dục theo cơ chế thị trường cần mở rộng nền dân chủ 
XHCN trong quản lí nhà trường nhằm tạo điều kiện cho các ông hiệu trưởng, các thầy cô giáo, 
tập thể học sinh và các nhà quản lí địa phương có thể chủ động điều hành nhà trường, để họ có 
thể phát huy trí sáng tạo, điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức... và đề xuất những biện 
pháp thích hợp nhằm thoả mãn nhu cầu học tập và sát với điều kiện thực tế vốn rất đa dạng và 
đầy biến động. Cụ thể là cần: 
- Phân cấp quản lí cho cơ sở giáo dục, các địa phương. 
- Ở các trường đại học, chuyên nghiệp cần nghiên cứu và giao cho họ một chế độ tự quản lý hợp 
lý. 
- Đối với các trường ngoài công lập cần tạo điều kiện cho họ, để có thể phát triển nhà trường và 
cạnh tranh lành mạnh với trường công, bằng cách cấp đất, cho vay vốn. . . 
Ba là, tích cực triển khai chính sách mở cửa của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nhằm thu hút 
khoa học, kĩ thuật và vốn đầu tư của nước ngoài. Đây là điều rất quan trọng khi tham gia hội 
nhập quốc tế trong điều kiện đất nước còn nghèo và trình độ khoa học, kĩ thuật thấp. 
Ở tầm vĩ mô, nhà nước đã và sẽ xây dựng cơ sở pháp lý cho chính sách này qua các văn bản và 
tham gia các tổ chức quốc tế như hiệp định thương mại Việt Mỹ, gia nhập WTO... nhưng để triển 
khai công tác hợp tác quốc tế có hiệu quả ngành giáo dục cần chuẩn bị tốt hơn về con người và 
cơ sở vật chất. 
Bốn là quản lí giáo dục theo cơ chế thị trường phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau đây: 
- Quản lí giáo dục phải nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. 
- Quản lí giáo dục nhằm thoả mãn nhu cầu học tập của nhân dân 
- Quản lí phải đảm bảo sự công bằng trong giáo dục. 
2.4.2. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử trong giáo dục. 
Một vấn đề quan trọng khác trong đổi mới tư duy giáo dục là đổi mới công tác thanh tra, kiểm 
tra và đánh giá. Kiểm tra, đánh giá là một trong những phương tiện quản lí quan trọng nhất, mà 
các nhà quản lí thường sử dụng để điều chỉnh các quá trình thực tiễn. Trong giáo dục, thay đổi 
cách đánh giá có thể làm xoay chuyển bản chất và quá trình hoạt động của nhà trường . 
Ngoài ra, trong tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay, khi đang chuyển sang cơ chế mới, bên 
cạnh những mặt tích cực, rất nhiều hiện tượng tiêu cực có thể xuất hiện. Vì vậy, tăng cường công 
tác kiểm tra, đánh giá sẽ làm cho nhà trường vận động đúng hướng và cho phép ngăn ngừa sự 
nẩy sinh các hiện tượng không lành mạnh. 
Để tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá cần chú ý đến những vấn đề 
sau: 
Hoàn thiện và xây dựng hệ thống chuẩn đánh giá. Chuẩn đánh giá phải phù hợp với mục tiêu. 
Hiện nay hệ thống chuẩn của chúng ta chủ yếu dựa vào điểm để đánh giá kiến thức, kĩ năng... 
còn trình độ tư duy, năng lực sáng tạo, đạo đức, tác phong  thì còn rất nhiều bất cập, làm cho 
việc đánh giá bị lệch lạc, phiến diện. 
Ngoài ra, việc xây dựng chuẩn trong điều kiện hiện nay phải bảo đảm tiếp cận với trình độ khu 
vực và quốc tế. 
Xây dựng bộ máy kiểm tra, đánh giá có chất lượng, có hiệu lực và gọn nhẹ bằng việc chọn lọc 
những cán bộ có phẩm chất và năng lực tốt và sử dụng các phương tiện hiện đại. 
- Trước mắt, cần cải tiến việc tuyển sinh đại học, cao đẳng theo các hướng sau: 
+ Tích cực mở rộng tỉ lệ tuyển sinh đại học, cao đẳng để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân 
và yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội, hiện còn hết sức bức xúc, trên cơ sở tích cực huy động 
nguồn lực của xã hội 
+ Dần dần thay đổi hình thức 3 chung vốn có tính chất đồng loạt, đại trà rất mâu thuẫn với bản 
chất chuyên ngành, chuyên nghề và rất đa dạng của giáo dục đại học, chuyên nghiệp bằng cách 
phân cấp cho các cơ sở đào tạo. 
2.4.3. Đổi mới tư duy về cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng: liên thông, mở, giữa 
các cấp học, bậc học, giữa các hệ thống giáo dục chính qui (formal education), giáo dục không 
chính qui (non-formal education) và phi chính quy (informal); phát triển mạnh hệ thống phi 
chính quy nhằm tạo cơ hội học tập thuận lợi cho quần chúng và tạo sự cân bằng động giữa nhà 
trường và môi trường xã hội. 
Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay tính liên thông còn yếu làm cản trở nhu cầu học tập của 
người dân. Với hệ thống giáo dục hiện nay những người học cao đẳng nếu muốn học lên đại học 
sẽ gặp rất nhiều trở ngại, nhưng người tự học không thể xin giấy chứng nhận hay văn bằng để 
xác nhận trình độ của họ. 
Chương trình, nội dung, các hình thức tự học phải đảm bảo tính mở để có thể tự vận động, biến 
đổi cho phù hợp với môi trường xã hội luôn luôn biến đổi. 
2.4.4. Đổi mới mối quan hệ giữa tái hiện và sáng tạo trong dạy học 
Mục đích dạy học là đào tạo con người sáng tạo, nhưng thực tế dạy học hiện nay là dạy tái hiện. 
Phải làm thay đổi tình hình này qua nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là qua kiểm tra, đánh 
giá và thi cử. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sáng tạo cần có được trên cơ sở tái hiện tốt. Vì vậy, cần 
duy trì mối quan hệ hài hoà giữa tái hiện và sáng tạo. 
2.4.5. Bảo đảm tính hệ thống trong việc giải quyết các vấn đề giáo dục. 
Hệ thống giáo dục tuy có nhiều bậc học, cấp học nhưng chúng liên hệ với nhau rất chặt chẽ và 
cùng hướng tới một mục đích chung. Vì vậy khi giải quyết các vấn đề giáo dục cần bảo đảm tính 
đồng bộ. 
Hiện nay, ngay trong cơ cấu nghiên cứu đã không bảo đảm tính đồng bộ. Thí dụ, trước đây 
chúng ta có một Viện nghiên cứu các vấn đề đại học, sau nhiều lần cải tổ đến nay chỉ còn lại một 
tổ với 3 cán bộ nghiên cứu bậc học quan trọng này. 
Trong các bậc học của chúng ta hiện nay, có lẽ đại học và chuyên nghiệp là yếu nhất xét cả về số 
lượng lẫn chất lượng. Điều đó không những không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân 
lực cho CNH - HĐH đất nước, mà còn không đáp ứng được nhu cầu học nghề, liên quan mật 
thiết đến việc giải quyết công ăn việc làm khiến thanh niên và mọi gia đình đều lo lắng. Đó là cơ 
sở tâm lý tạo ra tình trạng dạy thêm, học thêm lan tràn, lo lắng, bi quan về tiền đồ sự nghiệp 
trong đại bộ phận thanh niên. 
Vì vậy, cần lưu ý thích đáng giải quyết vấn đề đại học, chuyên nghiệp. Giáo dục phổ thông 
không thể giải quyết tốt nếu giáo dục đại học, chuyên nghiệp không được giải quyết tốt. 
3. KẾT LUẬN 
Trên cơ sở tìm hiểu tư tưởng phương pháp luận về phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng 
tôi đã trình bày một số quan điểm chủ yếu về đổi mới tư duy giáo dục. Nội dung chủ yếu của nó 
là đổi mới tư duy về quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô, sao cho vận động của nhà trường phù hợp với 
xã hội, trong điều kiện của cơ chế thị trường. Ở tầm vi mô, cần đổi mới công tác kiểm tra, đánh 
giá, đặc biệt là giáo dục đại học, chuyên nghiệp và dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nhà 
trường. 
Thay đổi tư duy theo những phương hướng trên sẽ tạo ra động lực lành mạnh, tạo đà cho việc 
chấn hưng nền giáo dục nước nhà, làm cho giáo dục vượt qua mọi khó khăn trở ngại để vươn lên 
phía trước, hoàn thành sứ mệnh quang vinh mà Đảng và nhân dân giao cho trong giai đoạn cách 
mạng mới. 
CHÚ THÍCH 
[1]. Thái Duy Tuyên (1998), Vấn đề nghiên cứu tính quy luật của quá trình dạy học hiện nay, 
Tạp chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, N: 5 
[2]. Thái Duy Tuyên (1998), Về hệ thống các quy luật dạy học của nhà trường Việt Nam, Tạp 
chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, N: 8, tr 10-12. 
[3]. Thái Duy Tuyên (1998), Về hệ thống các quy luật dạy học của nhà trường Việt Nam, Tạp 
chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, N: 9, tr 8-11. 
[4]. Phạm Phụ Luận (2004), Phong hóa dịch vụ giáo dục đại học và công bằng xã hội, Kỷ yếu 
Hội thảo Khoa học xã hội hóa giáo dục – đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh 25-26/03/2004, Nxb 
Giáo dục. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, (1995, 1996), H. NXB Chính trị quốc gia. 
2. Nhiều tác giả (2000), Danh nhân Hồ Chí Minh, H. NXB Lao động. 
3. Babanxki Iu.K (1982), Tối ưu hoá quá trình dạy học, M. Giáo dục. 
4. Kedrop B.M Lenin (1963), Khoa học sự tiến bộ xã hội, M. NXB Chính trị. 
5. Kôpnin P.V (1965), Logic nghiên cứu khoa học, M.NXB Khoa học. 
6. Lecne I.Ia (1980), Quá trình dạy học và tính quy luật của nó, M. Kiến thức. 
7. Thái Duy Tuyên (2001), Giáo dục học hiện đại, NXB Đại học Quốc gia. 

File đính kèm:

  • pdfvan_de_giao_duc_trong_noi_dung_chu_thuyet_phat_trien_viet_na.pdf