Việc thờ cúng tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam thời xưa (Trước triều Nguyễn)

Tóm tắt: Sự thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có từ lâu đời và là nét đẹp

trong văn hóa tâm linh. Các vua chúa ở Việt Nam thời xưa thường truy

nguyên dòng họ, truy phong tước hiệu ông bà tổ tiên đã qua đời, xây dựng

lăng tẩm, miếu điện để thờ cúng nơi quê hương phát tích. Ngoài ra, còn xây

dựng các miếu điện thờ cúng tổ tiên ở kinh đô để cúng tế trong những ngày

kỵ và lễ tiết mang phong cách người Việt Nam.

pdf 10 trang yennguyen 5400
Bạn đang xem tài liệu "Việc thờ cúng tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam thời xưa (Trước triều Nguyễn)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Việc thờ cúng tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam thời xưa (Trước triều Nguyễn)

Việc thờ cúng tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam thời xưa (Trước triều Nguyễn)
Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 
ISSN 1859-1612, Số 01(49)/2019: tr. 98-107 
Ngày nhận bài: 28/6/2018; Hoàn thành phản biện: 10/10/2018; Ngày nhận đăng: 12/11/2018 
VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA VUA CHÚA Ở VIỆT NAM THỜI XƯA 
(TRƯỚC TRIỀU NGUYỄN) 
TRẦN VĂN ÁN 
Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 
Email: tranansps@gmail.com 
Tóm tắt: Sự thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có từ lâu đời và là nét đẹp 
trong văn hóa tâm linh. Các vua chúa ở Việt Nam thời xưa thường truy 
nguyên dòng họ, truy phong tước hiệu ông bà tổ tiên đã qua đời, xây dựng 
lăng tẩm, miếu điện để thờ cúng nơi quê hương phát tích. Ngoài ra, còn xây 
dựng các miếu điện thờ cúng tổ tiên ở kinh đô để cúng tế trong những ngày 
kỵ và lễ tiết mang phong cách người Việt Nam. 
Từ khóa: Thờ cúng tổ tiên, vua chúa Việt Nam, trước triều Nguyễn. 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành trong sự ứng xử của dân tộc đó qua thời gian. 
Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa về mặt tinh thần, tâm linh xuất 
phát từ tâm lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Và do đó việc thờ 
cúng tổ tiên đã ra đời trên lãnh thổ Việt Nam ngay từ thời xa xưa, trước khi người Việt 
Nam có điều kiện giao lưu với các nền văn hóa khác trong khu vực. Từ trong quá trình 
lịch sử, sự thờ cúng tổ tiên có tính chất bản địa này đã thể hiện rất rõ qua việc thờ cúng 
tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam trước triều Nguyễn (riêng triều Nguyễn chúng tôi sẽ có 
dịp bàn sau). 
Mặc dù các triều đại có sự giao lưu tiếp biến văn hóa trong khu vực, nhưng cốt lõi 
xuyên suốt vẫn là bản sắc văn hóa nội tại riêng của dân tộc mình, phát triển trên một cơ 
tầng lịch sử - văn hóa mà người Việt Nam đã dày công sáng tạo. Vì vậy, chúng tôi thấy 
rằng cần thiết phải nghiên cứu nhằm vạch ra những cứ liệu lịch sử trong việt thờ cúng tổ 
tiên của các vua chúa thời xưa để nhận diện về sự hình thành và phát triển trong việc thờ 
cúng tổ tiên thuộc xã hội Việt Nam, trên cơ sở của đời sống dân tộc 
2. HOẠT ĐỘNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA MỘT SỐ HOÀNG TỘC TRIỀU ĐẠI 
TRƯỚC NGUYỄN Ở VIỆT NAM 
2.1. Bước đầu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam thời xa xưa 
Trong tâm thức người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa thiêng liêng bởi vì: “Thờ 
cúng tổ tiên là tín ngưỡng vốn có từ thời nguyên thủy ở người Việt Nam. Nó xuất phát từ 
lòng tưởng nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người sinh thành, dưỡng dục và 
tác thành ra mỗi con người” [2, tr.412]. Đó cũng là lẽ tự nhiên của con người, vì vậy mà 
“người Việt Nam tự xưa vẫn coi việc thờ cúng tổ tiên là việc rất tự nhiên” [12, tr.261]. 
VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA VUA CHÚA Ở VIỆT NAM... 99 
Từ thời đại đồ đá, cư dân văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam1 đã chôn người chết ngay tại 
nơi cư trú. Qua nghiên cứu về những mộ táng này, “nhiều người cho rằng, vài tập tục 
sơ khai cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như tập tục chia công cụ lao động cho người chết 
để họ tiếp tục lao động ở thế giới bên kia” [13, tr.11]. Và như vậy, trong tư duy của họ 
đã “bắt đầu nảy sinh cái nhìn về tính vĩnh hằng của linh hồn và thể hiện một thái độ 
giao cảm giữa người sống và người chết” [1, tr.85]. 
Đến thời Hùng Vương thì cư dân Văn Lang đã đạt đến một trình độ nhận thức và tư duy 
khá cao. Và từ ý thức cộng đồng đã tạo nên tục thờ cúng tổ tiên, tôn vinh anh hùng một 
cách rõ ràng, cụ thể nhằm khẳng định về nguồn gốc, tổ tiên chung của cộng đồng, nêu 
cao kỳ tích của những người có công dựng nước và giữ nước. Thời An Dương vương, 
“cùng với việc thờ phụng, cúng tế tổ tiên, cư dân Âu Lạc đã chăm sóc người thân rất 
chu đáo trước khi chôn cất” [1, tr.198]. Đối với các nhóm người cổ ở khu vực miền 
Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam có phương thức mai táng về mộ vò. Đây là sự độc 
đáo của cư dân Sa Huỳnh trong thời đại kim khí ở vùng Đông Nam Á, mà nét đặc trưng 
của văn hóa Sa Huỳnh là chôn ghép lồng các chum mộ, một sự chăm sóc khá tỉ mẩn đối 
với người chết. 
Ở vùng Tây Nguyên, nơi lưu giữ khá nguyên vẹn những phong tục từ ngàn xưa của một 
số tộc người bản địa ở Đông Nam Á. Với gia đình người Ê-đê truyền thống thì phổ biến 
là theo tục mẫu hệ. Đặc biệt nghi lễ cho tục nối nòi ở người Ê-đê cũng rất đáng chú ý, 
đó là người ta làm lễ hiến sinh một con heo để cúng linh hồn người chết, cúng suối nước 
và cho người thay thế, nhằm cúng khấn linh hồn người chết về phù hộ cho họ. Trước 
khi chôn người chết, người ta cũng hiến sinh các súc vật để tiễn đưa linh hồn người chết 
về với tổ tiên. Tùy theo điều kiện từng gia đình mà lễ bỏ mả có thể được tổ chức 1 năm 
hoặc lâu hơn sau đó. Sau khi làm lễ bỏ mả thì coi như người chết đã được nhập hoàn 
toàn với thế giới tổ tiên. Qua đó cho thấy rằng họ tin người chết có linh hồn và tin có 
thế giới tổ tiên. 
Ở lưu vực sông Cửu Long, qua văn hóa Óc Eo cho biết “Tục thờ người chết là biểu hiện 
rõ nét nhất về tín ngưỡng của các cư dân tiền sử, sơ sử và cổ đại mà khảo cổ học đã ghi 
nhận” [1, tr.291]. Những mộ táng khai quật ở Nền Chùa, Gò Tháp, Óc Eo đều là 
những mộ hỏa táng. Việc hỏa táng người chết là cách phổ biến và được duy trì cho đến 
ngày nay. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long xưa, người dân còn áp dụng các hình thức 
như điểu táng, đem bỏ ngoài đồng cho chim quạ, kên kên ăn thịt, hoặc thủy táng cho cá 
ăn với ý nghĩa là làm phước. Sách Chân Lạp phong thổ ký cho biết: “Người chết không 
có quan tài, chỉ bó trong một loại chiếu” “gánh đến chỗ hẻo lánh xa xôi không có người 
ở ngoài thành thì vứt xuống rồi bỏ đi, đợi diều, quạ, chó đến ăn. Trong giây lát ăn hết 
thì bảo rằng cha mẹ có phúc nên được báo đáp như vậy” [3, tr.36]. Mặc dù xử lý ở hình 
thức nào đối với người chết, thì vấn đề tôn thờ kính trọng người thân đã quá cố luôn 
hiện hữu, hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên một cách tự nhiên và tạo ra truyền 
thống đặc trưng trong tín ngưỡng chăm sóc đối với người quá cố của người Việt Nam. 
1 Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam tồn tại trong khoảng thời gian từ 18.000 – 7.000 năm cách ngày nay. 
100 TRẦN VĂN ÁN 
2.2. Việc xây dựng nơi thờ cúng tổ tiên của một số hoàng tộc triều đại trước 
Nguyễn ở Việt Nam 
Giỗ tổ Hùng Vương được xem là ngày quan trọng của người dân Việt Nam. Bắt đầu từ 
An Dương Vương – Thục Phán đã dựng cột đá trên núi Nghĩa Lĩnh2 để thề: “Nguyện có 
đất trời lồng lộng chứng giám nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, 
xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn đất nước mà Hùng 
Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa đập” [7, tr.119]. Như vậy ở 
đây đối với những người có công dựng nước và giữ nước thì: “Tín ngưỡng sùng bái và 
thờ cúng tổ tiên đồng dạng với tục sùng bái và thờ cúng anh hùng. Anh hùng chính là 
những vị tổ phụ của dân tộc, đất nước, trong khi tổ tiên là tổ phụ của một gia tộc, gia 
đình”[6, tr.270]. Hai Bà Trưng là con gái của Lạc Tướng Mê Linh, người thuộc dòng 
dõi nhiều đời bên ngoại của Hùng Vương [13, tr.54]. Năm 43, “Mùa xuân tháng, tháng 
giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều 
thua chết”[8, tr.156]. Tưởng nhớ công lao Hai Bà, nên vào mùa xuân tháng giêng năm 
1160, vua Lý Anh Tông cho làm đền ở phường Bố Cái để thờ. 
Tháng 12 năm 938, Ngô Quyền là tổng chỉ huy trận quyết chiến chiến lược ở sông Bạch 
Đằng, quét sạch quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi. Sau đó ông lên ngôi Vương và đóng đô 
tại Cổ Loa. Năm 944, Ngô Quyền qua đời và hiện nay lăng mộ cũng như đền thờ ông 
tọa lạc tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 
968, ông đã định đô tại Hoa Lư, Ninh Bình. Do vậy mà hiện nay đền thờ vua Đinh ở 
nhiều tỉnh như Ninh Bình nơi ông sinh ra và các tỉnh lân cận là Hà Nam, Nam Định. 
Còn Lê Hoàn thì Phan Huy Chú cho biết khi mới lên ngôi, “truy tôn cha làm Trường 
Hưng vương, mẹ là Đặng thị làm hoàng thái hậu” [4, tr.337]. Và Sử thần Ngô Thì Sĩ 
chê là Lê Hoàn “xưng đế mà tôn cha làm vương, từ ông trở lên không tôn thì cũng 
không khác gì Hoàn Huyền3 sao mong được đời đời thờ tự ở tôn miếu? Vả lại cha là 
tước vương, mẹ là hoàng thái hậu, thì điên đảo và nhầm lẫn lắm” [4, tr.337]. Và cũng 
bởi lẽ xuất thân là một võ tướng, thứ nữa là với cách nhìn nhận của “Sử Nho” cho rằng 
ông “rắp tâm làm điều bất lợi” [8, tr.226] đối với nhà Đinh cho nên không bằng lòng 
với sự truy phong ông bà, cha mẹ như vậy. 
Cũng với cách nhìn trên nên khi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế liền truy phong cha là 
Hiển Khánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu thì Sử thần Lê Văn Hưu chê : “Lý Thái 
Tổ ta đã xưng đế mà truy phong cha là Hiển Khánh Vương bấy giờ lễ quan không biết 
cải chính” [8, tr.246]. Năm 1018, vua truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy, Sử 
thần Ngô Sĩ Liên nói: “Vua đến đây mới truy phong cho bà nội, đó là lỗi chậm trễ”. Hai 
năm sau, Lý Thái Tổ cho dựng Thái miếu ở lăng Thiên Đức thì Sử thần Ngô Thì Sĩ nói: 
“Thái Tổ lên ngôi, đến đây 10 năm mới làm nguyên miếu ở quê hương, còn thái miếu ở 
kinh thành thì không thấy sử chép. Đại để cái ý thờ phụng tổ tiên, nhớ đến gốc nguồn, 
2 Hiện nay trên núi Nghĩa Lĩnh là quần thể di tích Đền Hùng, tọa lạc tại xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, 
tỉnh Phú Thọ. 
3 Hoàn Huyền thay nhà Tấn, truy tôn đế hiệu cho cha là Ôn, mà không truy tôn đến ông nội, nên đức 
nghiệp nước Sở không được lâu dài [4, tr.337]. 
VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA VUA CHÚA Ở VIỆT NAM... 101 
không khỏi có lỗi sơ suất và chậm trễ” [4, tr.339]. Miếu thờ Lý Thái Tổ khánh thành 
vào năm 1029. Đến năm 1169, vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) cho “làm điện Thanh 
Hòa để đặt thần vị của tiên đế và tiên hậu, theo thời cúng tế” [8, tr.345]. Phan Huy Chú 
cho biết “Chế độ tôn miếu thời cổ, đằng trước là đô cung, đằng sau là tẩm thất, tuần tiết 
cúng tế đều ở đấy, không có điện nào nữa. Từ nhà Hán về sau, lễ cổ bỏ mất, chỉ theo 
chế độ đồng đường (nhà thờ chung) dị thất (chỗ thờ riêng), rồi sau mới làm nguyên 
miếu rất lớn để làm miếu thờ riêng” [4, tr.339-340]. Hiện nay khu lăng mộ và đền thờ 
nhà Lý tọa lạc tại xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 
Riêng nhà Trần, khu lăng mộ và Thái miếu hiện nay ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng 
Ninh nơi quê gốc dòng họ Trần trước khi dời đến Thái Bình và Nam Định. Năm 1312, 
vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) truy tôn Chiêu vương (Trần Lý) làm Nguyên Tổ 
Hoàng Đế, Cung vương (Trần Hấp) làm Ninh Tổ Hoàng Đế, Ý vương (Trần Kinh) làm 
Mục Tổ Hoàng Đế. Dĩ nhiên việc truy tôn thụy hiệu để thờ cúng ở nhà tôn miếu là việc 
rất cần nhưng Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “đã lên ngôi đế mà lấy tước vương truy phong 
cho ba đời đã là việc không thỏa lòng người, đến đây mới truy tôn đế hiệu thì lại có lỗi 
là để chậm chạp” [9, tr.106]. Sang thời Hồ, vua Hồ Hán Thương (1400 – 1407) trong 
những năm ở ngôi rất quan tâm đến việc thờ cúng tổ tiên, truy nguyên lại họ nội ngoại, 
lập nhiều miếu điện thờ cúng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 4 năm 
Tân Tỵ (1401) Hồ Hán Thương “sai làm sổ hộ tịch trong cả nước, cho ghi họ Hồ có hai 
phái ở Diễn Châu và Thanh Hóa” [9, tr.215]. Năm 1403, ông cho “dựng miếu ở các 
lăng tẩm tại Thiên Xương, để thờ cúng tổ khảo, sớm chiều cúng tế. Lại dựng miếu ở các 
lăng tẩm Bào Đột, Linh Nguyên để thờ cúng tổ tiên. Ở kinh thành thì dựng Đông thái 
miếu để thờ tông phái họ mình, Tây thái miếu để thờ họ ngoại là Trần Minh Tông (1314 
– 1329) và Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)” [9, tr.219]. 
Thời Lê sơ, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị, hẳn nhiên là việc thờ tự 
có sự kế thừa các triều đại trước đó nhưng quy củ hơn. Sách Quốc triều hình luật cho 
biết trong mười tội thập ác thì có tội “Đại bất kính, là ăn trộm đồ thờ trong lăng 
miếu, ” [14, tr.32]. Năm 1434, vua Lê Thái Tông (1433 – 1442) truy tôn mẹ mình là 
Cung Từ quốc thái mẫu và cho rước thần chủ mới (thần chủ trước vẫn để ở Lam Kinh – 
Thanh Hóa) đến Thái miếu làm lễ. Mùa thu năm sau, “đúc xong tượng vàng của Thái Tổ 
và Quốc thái mẫu, sai nhà sư làm phép điểm nhãn (vẽ mắt tượng) rồi rước vào Thái 
miếu để thờ” [9, tr.353]. Vua Lê Nhân Tông (1422 – 1459) xuống chiếu cho Thái úy Lê 
Khả đốc suất công việc xây dựng miếu điện ở Lam Kinh, đến đầu năm 1449 thì miếu 
điện ở Lam Kinh làm xong. Năm 1511, vua Lê Tương Dực (1510 – 1516) sai làm thêm 
Mục Thanh điện đông tây giáp thất ở trước điện Phụng Tiên. Điện Phụng Tiên thờ Thái 
Tổ Cao hoàng đế ở giữa, thờ Tuyên Tổ hoàng đế ở bên tả, thờ Hiển Tổ hoàng đế ở bên 
hữu. Thờ vua Thái Tông, Thánh Tông, Túc Tông ở phía đông Tuyên Tổ về bên tả, thờ 
vua Nhân Tông, Hiến Tông, Dực Tông ở phía tây, Hiển Tổ về bên hữu. Mục Thanh điện 
đông giáp thất gọi là Chương Đức đường để thờ phụ các vị Chiêu Hiếu đại vương, Quận 
Ai vương, Lương vương, Đường vương, Diễn vương, Ứng vương, Triệu vương. Tây 
giáp thất gọi là Chiêu Huân đường để thờ phụ Trung Dũng vương, Cung vương, Tống 
vương, Quảng vương, Trấn vương, Nghĩa vương, Kinh vương [4, tr.343]. Phan Huy chú 
102 TRẦN VĂN ÁN 
cho rằng thờ như vậy là không đúng vì “Triều Lê làm miếu thờ chung tất cả vào một 
nhà, đã không phải là lễ chế thời cổ; Tương Dực đế lại làm điện trước miếu mà chia 
làm giáp thất hai bên để thờ phụ các vương ngành thứ, thế là trong việc phi lễ lại thêm 
thất lễ”. “Thái miếu, thờ Thái Tổ ở giữa, thờ Tuyên Tổ bên tả, thờ Hiển Tổ bên hữu, xét 
ra cũng trái với điển lễ, vì Thái Tổ tuy dựng được nước, nhưng với Tiên Tổ, Hiển Tổ thì 
Thái Tổ còn là hàng con cháu” [4, tr.344]. 
Sau khi đã đánh bại được nhà Mạc, mùa thu năm 1596, vua Lê Thế Tông sai sửa làm 
các điện nhà Thái miếu trong thành Thăng Long. Sau đó “rước thần vị của Cao Hoàng 
Đế và liệt thánh hoàng đế vào điện Thái miếu thành Thăng Long để cúng tế quanh năm” 
[10, tr.200]. Cách bài trí thờ ở Thái miếu thì “thờ Thái Tổ ở giữa, thần vị các vua về sau 
thì bày hai bên tả hữu. Từ Hiển Tổ đến Hiển Tông4 tất cả 18 đời, 25 vua, mỗi đời thêm 
lên, chưa từng cất hay bỏ thần chủ, tuần tiết cúng tế thì cùng thờ làm một. Việc thờ tự 
có vễ long trọng nhưng thứ tự các đời không rõ, thân sơ không phân, không đúng với 
điển lễ” [4, tr.348]. Vậy là trong hoạt động thờ cúng tổ tiên triều Lê đến cuối thế kỷ 
XVIII, vẫn “không đúng với điển lễ” (lễ cổ của người Trung Hoa) mà thờ theo cách của 
người Việt Nam, không phải chỉ có sau 5 đời là cất thần chủ đi mà vẫn thờ tự. 
Về nhà Mạc, năm 1527, Mạc Đăng Dung lên làm vua, xây dựng kinh đô ở Thăng Long 
nhưng đồng thời xây dựng điện thờ, lăng tẩm ở quê như các triều Lý, Trần, Lê. Lê Quý 
Đôn cho biết tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) “Đăng Dung vào kinh thành, ngự nơi chính 
điện tế trời ở đàn Nam Giao, dựng tôn miếu, lấy Hải Dương làm Dương Kinh lập cung 
điện ở Cổ Trai, truy tôn ông tổ 7 đời là Mạc Đỉnh Chi làm Kiến thủy Khâm minh Văn 
hoàng đế” [5, tr.81]. Mạc Đăng Dung còn cho xây lăng cha mình, dựng điện Sùng Đức 
trên nền nhà cũ của Mạc Đỉnh Chi và đắp gò lớn tại bờ sông ở phía bắc mặt trước điện 
để lễ bái. “Ở Cổ Trai, nhà Mạc đã cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm nhưng bị 
nhà Lê Trịnh phá hủy vào năm 1592, ngay sau thắng lợi của họ” [15, tr.647]. 
Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh nắm quyền hành, xây dựng Chính cung miếu để thờ các vị 
Thế Tổ5 trở xuống còn Hữu cung miếu thờ hai vị Lương Mục vương6 và Tấn Quang 
vương7. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm đổi tên Chính cung miếu gọi là Thái miếu, truy tôn 
tôn hiệu rồi rước vào thờ trong Thái miếu theo hàng chiêu hàng mục8. Ngoài ra, chúa 
Trịnh còn cho lập miếu mới gọi là Miếu tứ tổ để truy thờ bốn đời trước Thái vương, tuy 
đã tôn Thái vương làm thủy tổ. Như vậy, “truy tôn tước vương cho bốn vị tổ xa, lập ra 
4 Vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) là vị vua thứ 26 triều Lê (nếu không kể vua Lê Quang Trị làm vua 3 
ngày năm 1516), tiếp sau là vua Lê Chiêu Thống (1786 – 1788) vị vua cuối cùng của triều Lê. 
5 Thế Tổ là tên thụy Thế Tổ Minh Khang Thái vương của Trịnh Kiểm (1503-1570), là người mở đầu sự 
nghiệp nắm quyền của Họ Trịnh. 
6 Lương Mục vương là tước hiệu được truy phong của Trịnh Vịnh (1654-1683), ông là thế tử của chúa 
Trịnh Căn nhưng đã qua đời trước khi truyền ngôi. 
7 Tấn Quang vương là tước hiệu được truy phong của Trịnh Bính (1670-1703), ông là thế tử trong phủ 
chúa Trịnh, con của Trịnh Vịnh nhưng khi chưa được truyền ngôi thì ông đã qua đời. Ông là cha của chúa 
Trịnh Cương. 
8 Theo thứ tự lễ nghi tông miếu thời xưa thì thủy tổ ở giữ, xuống hàng dưới là cha con (tổ, phụ) là “chiêu 
mục”, bên tả là hàng “chiêu” còn bên hữu là hàng “mục”. 
VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA VUA CHÚA Ở VIỆT NAM... 103 
một miếu riêng để thờ, thế chỉ là muốn phô trương phúc đức của tổ tiên để tỏ ra là chúa 
vẫn tôn sùng sự thờ tự, chứ không biết là trái kinh điển, trái lễ cổ” [4, tr.363]. Đối với 
họ Trịnh, Phan Huy Chú nói đúng vì họ Trịnh là bề tôi của vua Lê, không được hưởng 
chế độ của bậc đế. Nhưng việc truy nguyên tiên tổ và xây dựng miếu thờ cũng đâu có gì 
là quá, nếu có quá đi chăng là sự xây dựng vượt quá mức của sức dân thời đó. 
2.3. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên của một số hoàng tộc triều đại trước Nguyễn ở Việt Nam 
Các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trước thế kỷ XV của các hoàng tộc cũng như dân gian ở Việt 
Nam sử sách ít thấy ghi lại. Đến thời nhà Trần, Lê Tắc cho biết vào khoảng canh năm (từ 
3 đến 5 giờ sáng) ngày tết Nguyên Đán vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, con cháu nhà vua và 
các quan cận thần làm lễ sau đó vào cung Trường Xuân vọng bái các lăng tổ. Rằm tháng 
bảy “Ngày Trung nguyên, lập hội Vu Lan Bồn để cúng tế, siêu độ cho người chết, tốn bao 
nhiêu cũng không tiếc”. “Ngày mùng 1 tháng 10 (lương nguyệt), có trưng bày hào soạn 
để cúng ông bà gọi là cúng ‘tiến tân’ (cơm mới)”. “Đến tháng chạp lại cúng ông bà như 
trên”. “Cách để tang, nhà cửa, đồ dùng, hơi giống người Trung Quốc” [11, tr.76]. Ngay 
cả khi đang ở trên đất Nguyên và theo quan điểm của người Nguyên để soạn An Nam chí 
lược, thì Lê Tắc cũng nói về phong tục Việt Nam ta chỉ “hơi giống người Trung Quốc” 
chứ không phải giống. Thế mới rõ là Nguyễn Trãi soạn trong Bình Ngô đại cáo có câu: 
“Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến. Cõi bờ sông núi đã riêng, phong 
tục Bắc Nam cũng khác” [9, tr.302]. Về nhạc khí của người Việt có trống cơm của người 
Chăm cùng với “ống kèn, tháp nứa, cái xập xõa, cái trống lớn gọi là đại nhạc, chỉ có vua 
mới được dùng; các tôn thất quý quan có gặp lễ đám chay, đám cưới mới cho dùng đại 
nhạc. Còn đàn cầm, đàn tranh, tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, 
kèn và quyển, thì gọi là tiểu nhạc, không kể sang hèn, ai cũng dùng được” [11, tr.77]. 
Thời Lê, ngày mùng 8 tháng 2 năm Bính Tý (1456), vua Lê Nhân Tông (1442 – 1459) 
rời kinh thành về Lam Kinh cùng các quan bái yết Sơn lăng. Về vật phẩm và nghi tiết để 
cúng tế Đại Việt sử ký toàn thư cho biết khái lược như sau: “Tế tẩm miếu dùng 4 trâu, 
đánh trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng. Về nhạc, võ thì múa điệu ‘Bình Ngô phá 
trận’, văn thì múa điệu ‘Chư hầu lai triều’. Đại tư đồ Lê Bí đến tế miếu Chiêu Hiếu 
Vương và Trung Dũng Vương9, dùng 3 trâu. Thượng thư lệnh Lê Khang đến tế miếu 
Hoằng Hựu Đại Vương10, dùng 1 trâu” [9, tr.407]. Như vậy là có sự phân định các quan 
chủ tế các miếu trong hoàng tộc anh em với Lê Lợi, người tham gia tế tự ngoài thân 
thích còn có “vua đích thân dẫn trăm quan bái yết Sơn lăng” [9, tr.407]. Lễ vật tế chủ 
yếu là dùng trâu, nhạc cụ thì sử dụng trống đồng, tấu nhạc có “Bình Ngô phá trận” và 
“Chư hầu lai triều”. Cũng thật khó khi cho rằng trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên của nhà 
Lê lại tấu nhạc “Bình Ngô phá trận” lại là theo điển lễ của nhà Minh ư? 
Về các ngày kỵ thì Phan Huy Chú cho biết trong một năm có 28 ngày kỵ ở điện Thái 
miếu nhà Lê. Mỗi lễ kỵ tiêu 12 quan tiền quý, 50 bát gạo nếp, 15 bát gạo tẻ và mắm 
9 Chiêu Hiếu vương là tước hiệu truy phong của anh ruột Lê Lợi là Lê Học, còn Trung Dũng vương là 
tước hiệu truy phong của Lê Thạch con của Lê Học. 
10 Hoằng Hựu đại vương là tước hiệu truy phong của Lê Trừ, anh trai thứ hai của Lê Lợi. 
104 TRẦN VĂN ÁN 
muối. Trong đó có 5 ngày kỵ là 21và 30 tháng giêng; ngày 13 tháng 4; ngày 22 và 24 
tháng 8 thì mỗi lễ kỵ thêm 3 quan tiền quý, 21 bát gạo nếp, 10 bát gạo tẻ. Mỗi lễ kỵ có 
cả cỗ chín và cỗ chay cùng hương rượu vàng bạc. “Ngày kỵ Thái Tổ Cao hoàng đế11 (22 
tháng 8), cỗ chín 20 mâm (mỗi mâm 50 bát trị giá 3 quan tiền quý), 2 con trâu, 2 mâm 
xôi (mỗi mâm xôi 250 bát gạo), cỗ chay 17 mâm, mỗi mâm 6 món, và hương rượu, cùng 
giấy vàng bạc” [4, tr.355]. Ngày kỵ Thánh Tông Thuần hoàng đế12 (30 tháng giêng), chỉ 
ít hơn ngày kỵ Thái Tổ 3 mâm cỗ chín, còn lại giống nhau. Các ngày kỵ còn lại lễ vật ít 
hơn hai ngày kỵ trên. 
Về trình tự, thời gian, nghi lễ thì ngày sinh hay kỵ nhật đều buổi sáng. Ngay từ sáng 
sớm các quan chấp sự đều đến Thái miếu chực sẵn. Khi vua đến điện thay áo, các quan 
chấp sự đi ra dưới sân đứng chầu. Lúc vua đi đến bên ngoài cửa thì hai viên đông tán 
tây tán quỳ trước bình phong, đông tán xướng: “tấu nghệ bái vị” sau đó cả hai viên đứng 
dậy đi vào. Vua đến chỗ bái vị thì quan điển lễ quỳ xuống xướng: “tấu thỉnh nghinh 
thần”13. Đông tán xướng: “tấu cúc cung bái” và tây tán xướng: “tấu hưng14” bốn lần như 
vậy. Rồi đông tán xướng: “tấu bình thân15, tấu nghệ quán tẩy sở, tấu quán tẩy, tấu thuế 
cân”16, “tấu nghệ hương án tiền”. Điển lễ lúc này xướng: “thượng hương”. Hai người 
hầu bưng hương quỳ xuống tiến hương lên. Đông tán xướng: “tấu quỵ, tấu tam nẫm 
hương, tấu phủ phục”17. Tây tán xướng: “tấu hưng”. Đông tán xướng: “tấu cúc cung bái” 
và tây tán xướng: “tấu hưng” hai lần. Điển lễ xướng: “sơ hành hiến lễ, tư tôn giả cử 
mịch, chước tửu, nghệ liệt thánh thân ngự tiền”18. Đông tán xướng: “tấu quỵ, tấu phủ 
phục”. Tây tán xướng: “tấu hưng”. Đông tán xướng: “tấu bình thân”. Điển lễ xướng: 
“tuyên chúc”. Đông tán xướng: “tấu quỵ”. Đọc chúc văn xong, đông tán xướng: “tấu 
phủ phục”. Tây tán xướng: “tấu hưng”. Đông tán xướng “tấu bái” và tây tán xướng “tấu 
hưng” hai lần như vậy. Đông tán xướng: “tấu bình thân”. Điển lễ xướng: “hành á hiến lễ” 
tức là làm lễ dâng rượu lần hai và nghi tiết như lần trước, rồi lại xướng: “hành chung 
hiến lễ” tức làm lễ dâng rượu lần cuối và nghi tiết cũng như hai lần trước. Lúc này đông 
tán xướng: “bình thân”. Điển lễ xướng: “triệt soạn” (tức dọn cỗ đi) rồi quỳ xuống xướng: 
“tấu thỉnh hoàn cung”19. Đông tán xướng: “tấu phục bái vị, tấu cúc cung bái” bốn lần. 
Đông tán xướng: “tấu bình thân”. Điển lễ xướng: “phần chúc văn” hai viên đông tây tán 
11 Thái Tổ là Miếu hiệu còn Cao hoàng đế là Thụy hiệu của Lê Lợi, sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu 
(1385), qua đời ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433). 
12 Thánh Tông là Miếu hiệu còn Thuần hoàng đế là Thụy hiệu của Lê Tư Thành, sinh ngày 20 tháng 7 
năm Nhâm Tuất (1442), qua đời ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1497). 
13 Tấu thỉnh nghinh thần là tấu xin rước các vị thần. 
14 Tấu cúc cung bái là cúi mình bái xuống, còn tấu hưng là đứng dậy. 
15 Tấu bình thân là đứng thẳng. 
16 Lúc này người chấp sự dâng chậu nước rửa và khăn lau tay (nghệ quán tẩy sở là đến chỗ rửa tay; quán 
tẩy là rửa tay; thuế cân là khăn lau). 
17 Tấu quỵ là quỳ xuống; tam nẫm hương là ba lần nhúm hương bỏ vào đỉnh; phủ phục là đang quỳ cúi 
rạp xuống. 
18 Làm lễ dâng rượu tuần đầu; người giữ chén cất khăn trùm chén; rót rượu, đến rước thần vị các liệt 
thánh [4, tr.354]. 
19 Tức là tâu xin các vị thần trở về cung. 
VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA VUA CHÚA Ở VIỆT NAM... 105 
đều quỳ xuống đối diện nhau. Đông tán xướng: “tấu lễ tất” như vậy là xong lễ. Nếu 
trường hợp quan khâm mạng thay vua làm lễ thì ngay từ đầu xướng: “khâm mạng quan 
nghệ bái vị” còn lại nghi tiết giống như trên [4, tr.353-354]. 
Ở Thái Miếu, ngoài các ngày kỵ còn có các ngày lễ tế bốn mùa. Mùa xuân mùa thu 
cúng vào tháng thứ hai của mùa, mùa hạ mùa đông cúng vào tháng thứ ba của mùa; Lễ 
tứ quý cúng vào tháng cuối cùng của mỗi mùa; Lễ thời tiết lễ thờ cúng trong 3 ngày tết. 
Các tiết có Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh Minh, hàng tháng có ngày sóc (mồng 1) và 
ngày vọng (rằm/ ngày 15 âm lịch). 
Đối với phủ chúa Trịnh, không những xây dựng nơi thờ tự tổ tiên mình quy mô mà 
những ngày kỵ cũng long trọng và đầy đủ hơn so với ngày kỵ mà vua Lê thời Trung 
hưng tổ chức. Như ngày kỵ của Hy Tổ Nhân vương (28 tháng 12) ngay cả ngày dự cáo 
(trước ngày kỵ chính) thì cỗ nấu cũng đã 35 mâm trong khi ngày kỵ lớn nhất của vua Lê 
là Thái Tổ Cao hoàng đế (Lê Lợi) chỉ 20 mâm cỗ chín. Còn ngày chính kỵ của Hy Tổ 
Nhân vương20 thì “cỗ chín 55 mâm, nem, bánh mỗi thứ 18 mâm, bánh ngon 25 mâm, 
trâu 2 con, bò 18 con” [4, tr.371] và còn nhiều lễ vật vật khác nữa. Qua việc thờ cúng tổ 
tiên cũng cho thấy chúa Trịnh nắm mọi quyền hành, còn vua Lê thời kỳ này chỉ có nắm 
được “thần quyền” tham gia chủ tế. 
3. KẾT LUẬN 
Việc chôn cất người chết, ý niệm về thờ cúng tổ tiên và người thân đã diễn ra ngay từ 
thời nguyên thủy ở Việt Nam. Từ việc đoàn kết chống ngoại xâm và tôn vinh anh hùng 
dân tộc, rồi thờ cúng anh hùng dân tộc, mà những người anh hùng dân tộc cũng lại là tổ 
tiên của một gia đình gia tộc cụ thể, cho nên việc thờ cúng tổ tiên của cộng đồng làng – 
nước lại song hành cùng với gia đình – gia tộc. Các triều đại ở Việt Nam trước đây khi 
mới thành lập liền truy nguyên dòng họ, truy phong tước hiệu cho ông bà tổ tiên đã qua 
đời, xây dựng lăng tẩm, miếu điện để thờ cúng ngay tại nơi quê hương phát tích. Ngoài 
ra, người ta còn xây dựng các miếu điện để thờ cúng tổ tiên một cách thành kính tại 
kinh đô, cúng tế trong những ngày kỵ và lễ tiết. 
Lẽ thường, trong quá trình phát triển về văn hóa, có sự tiếp biến theo quy luật trong giao 
lưu để phát triển và biến đổi theo đặc thù của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, lớp văn hóa 
bản địa đã có một bề dày lịch sử trước khi giao lưu với khu vực. Mặt khác, các vị vua 
thường xuất thân từ võ tướng và mang tinh thần tự cường dân tộc rất cao nên giao lưu 
về văn hóa thường không tiếp nhận một cách “mọt sách” đối với văn hóa nước ngoài, và 
càng không làm theo nguyên xi, mà thuận theo phong tục, điều kiện của tự nhiên ở Việt 
Nam. Nên việc thờ cúng tổ tiên của các vua chúa ở Việt Nam thời xưa có sự khác biệt 
nhất định với một số quốc gia ở trong vùng. Trong nghi lễ, cách thức bài trí mãi đến 
cuối thế kỷ XVIII thì vẫn không hoàn toàn giống với cách thức tiến hành ở Trung Quốc 
mà là theo cách thức thờ cúng của người Việt Nam. Từ việc xây dựng về miếu điện, 
lăng tẩm, cho đến việc truy phong đối với tổ tiên và cả cách thức bài trí về thần chủ 
20 Hy Tổ Nhân vương là Miếu hiệu và Thụy hiệu của chúa Trịnh Cương, ông sinh năm 1686, lên ngôi 
chúa năm 1709, đến 1729 thì qua đời. 
106 TRẦN VĂN ÁN 
cũng có sự khác biệt rất rõ rệt, một lần nữa cho thấy tính chất bản địa trong hoạt động 
thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. 
Nhưng sự khác biệt này lại chính là lý do khiến cho nhiều “Sử Nho” do học hành đã 
chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa phương Bắc, nên thường hay nhận xét và phê bình 
trong hoạt động thờ cúng tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam thời xưa là không theo điển 
lễ. Nhưng rõ ràng đó lại là nét độc đáo và biểu hiện của tính bản địa trong văn hóa Việt 
Nam rất cần được biểu dương và tự hào. Chính xuất phát từ tình cảm giữa con cháu đối 
với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã có công sinh thành dưỡng dục, trao truyền 
kinh nghiệm trong lao động và ứng xử, và cũng nhờ có tổ tiên mà thế hệ sau mới tạo ra 
được cơ nghiệp của dòng họ. Nên việc thờ cúng tổ tiên của vua chúa ở Việt Nam thời 
xưa vẫn rất Việt Nam là vậy. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Huỳnh Công Bá (2008). Lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế. 
[2] Huỳnh Công Bá (2012). Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế. 
[3] Chu Đạt Quan (2011). Chân Lạp phong thổ ký, Hà Văn Tấn dịch, NXB Thế giới, Hà Nội. 
[4] Phan Huy Chú (2014). Lịch triều hiến chương loại chí (Quan chức chí – Lễ nghi chí), 
Bản dịch, Tập Ba, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 
[5] Lê Quý Đôn (2012). Đại Việt thông sử, Ngô Thế Long dịch, Quyển 2, NXB Trẻ, TP. Hồ 
Chí Minh. 
[6] Nguyễn Thừa Hỷ (2015). Văn hóa Việt Nam truyền thống – Một góc nhìn, NXB Thông 
tin và Truyền thông, Hà Nội. 
[7] Phạm Bá Khiêm (2013). Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, NXB Văn 
hóa Thông tin, Hà Nội. 
[8] Sử thần triều Lê (2004). Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc 
năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Tập I, NXB Khoa học 
Xã hội, Hà Nội. 
[9] Sử thần triều Lê (2004). Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc 
năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Tập II, NXB Khoa 
học Xã hội, Hà Nội. 
[10] Sử thần triều Lê (2004). Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc 
năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Hoàng Văn Lâu – Ngô Thế Long dịch và chú thích, Tập 
III, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 
[11] Lê Tắc (2016). An Nam chí lược, Bản dịch của Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam 
Viện Đại Học Huế năm 1960, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 
[12] Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu (2005). Phong tục làng xóm Việt Nam, NXB Phương 
Đông, TP Cà Mau, Cà Mau. 
[13] Nguyễn Khắc Thuần (2010). Đại cương lịch sử cổ - trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục 
Việt Nam, Hà Nội. 
[14] Viện Sử học Việt Nam (2017). Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), NXB Chính trị 
Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 
[15] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2017). Văn khắc Hán Nôm thời Mạc, NXB Khoa học Xã 
hội, Hà Nội. 
VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA VUA CHÚA Ở VIỆT NAM... 107 
Title: ANCESTOR WORSHIP OF THE ANCIENT VIETNAM KING (BEFORE THE 
NGUYEN DYNASTY) 
Abstract: Ancestor worship in Vietnam has been for a long time, and it is beautiful in spiritual 
culture, it is indigenous. The ancient Vietnam king usually to trace back a parentage, award of 
ancestors has passed away, build mausoleum, temple for worship in the capital to sacrifice in 
the feast days and it is also Vietnamese style. 
Keywords: Ancestor worship, the king of Vietnam, before the Nguyen Dynasty. 

File đính kèm:

  • pdfviec_tho_cung_to_tien_cua_vua_chua_o_viet_nam_thoi_xua_truoc.pdf