Ba kiểu chương trình học và sự lựa chọn cho giáo dục nước ta
Bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục
và Đào tạo (GD&ĐT) mới được công bố (tháng 4/2017) đã nhận được rất nhiều ý
kiến đóng góp theo hướng băn khoăn về tính khả thi của nó. Thậm chí đã có người
đề nghị: nên nhập khẩu chương trình học của nước ngoài để đổi mới nền giáo dục
nước ta. Vậy, nguồn gốc của vấn đề nằm ở đâu? Và vấn đề phải được giải quyết
như thế nào?
Bạn đang xem tài liệu "Ba kiểu chương trình học và sự lựa chọn cho giáo dục nước ta", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Ba kiểu chương trình học và sự lựa chọn cho giáo dục nước ta
113Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 * Thành phố Hồ Chí Minh. BA KIỂU CHƯƠNG TRÌNH HỌC VÀ SỰ LỰA CHỌN CHO GIÁO DỤC NƯỚC TA Lê Vinh Quốc* Bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới được công bố (tháng 4/2017) đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp theo hướng băn khoăn về tính khả thi của nó. Thậm chí đã có người đề nghị: nên nhập khẩu chương trình học của nước ngoài để đổi mới nền giáo dục nước ta. Vậy, nguồn gốc của vấn đề nằm ở đâu? Và vấn đề phải được giải quyết như thế nào? 1. Nền giáo dục hiện đại nảy sinh và phát triển ở các nước tiên tiến phương Tây; nên việc các nước Á Đông đi sau phải tiếp nhận chương trình học của các nước tiên tiến để áp dụng cho nước mình là điều dĩ nhiên. Cho đến nay, trong hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT) quốc tế đã và đang tồn tại 3 kiểu chương trình học chủ yếu là chương trình đồng nhất (uniform curriculum), chương trình phân ban (divisional curriculum) và chương trình tự chọn (elective curriculum). Chương trình đồng nhất là loại chương trình học cổ điển nhất, theo đó tất cả học sinh cùng học các môn học với những chủ đề, dung lượng, thời lượng và tiến độ thực hiện như nhau để đạt mục tiêu đào tạo duy nhất. Chương trình học này thường chỉ bao gồm các môn học văn hóa và khoa học cơ bản, hầu như không có định hướng nghề nghiệp và dạy nghề. Đó là loại chương trình áp đặt, buộc mọi học sinh phải thực hiện mà không có bất cứ một sự lựa chọn nào. Loại chương trình học này hình thành ở miền Bắc nước ta theo mô hình hệ thống GDPT 10 năm của Liên Xô (trước đây) cho đến cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (từ 1980) với hệ thống GDPT 12 năm áp dụng trên toàn quốc. Chương trình học phân ban là kiểu chương trình có sự phân biệt về chủ đề, dung lượng, thời lượng và tiến độ môn học để đạt đến một số mục tiêu khác nhau. Chương trình học này cho phép học sinh lựa chọn những ban học theo sở trường và nguyện vọng nghề nghiệp của mình. Chương trình phân ban đã du nhập vào nước ta dưới thời Pháp thuộc với hai ban là Tú tài Triết và Tú tài Toán. Ngày nay, chương trình Tú tài phân ban của nước Pháp đã trở nên hoàn thiện với 3 khối và 10 ban: Khối Tú tài Cơ bản với 3 ban (Văn chương, Kinh tế-Xã hội, Khoa học Tự nhiên); Khối Tú tài Công nghệ với 5 ban (Khoa học-kỹ thuật phòng thí nghiệm, TRAO ĐỔI 114 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 Khoa học-kỹ thuật công nghiệp, Khoa học-kỹ thuật quản lý, Khoa học-kỹ thuật y tế và xã hội, Quản lý khách sạn) và Khối Tú tài Nghề với 2 ban (Khu vực sản xuất, Khu vực dịch vụ).(1) Chương trình phân ban không chỉ có các kiến thức văn hóa và khoa học cơ bản, mà rất chú trọng hướng nghiệp và dạy nghề bằng những bộ môn kỹ thuật và nghiệp vụ; nhờ đó vừa đảm bảo cho học sinh học lên đại học theo chuyên ngành đã lựa chọn, vừa có thể ra đời với nghề nghiệp đã được đào tạo ở nhà trường trung học, rồi vẫn có thể tiếp tục học lên. Chương trình học tự chọn được áp dụng ở Mỹ rồi phổ biến tới một số nước khác. Chương trình học này không phân ban, mà toàn bộ học vấn của các bộ môn được cấu tạo thành những modul, để học sinh tự chọn cho những tín chỉ (credit) thích hợp với sở trường và nguyện vọng của mình. Với những môn học và chủ đề hết sức đa dạng sẵn có, học sinh hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế chương trình học cho chính mình, đáp ứng nguyện vọng học lên đại học hoặc ra đời hành nghề rồi sẽ lại học tiếp. Trong ba kiểu kể trên, chương trình đồng nhất không còn nhiều chỗ ở các nước tiên tiến, thay cho nó là chương trình phân ban hay tự chọn tùy theo điều kiện của mỗi nước. 2. Do chương trình GDPT hiện hành quá lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập với thế giới bên ngoài, Bộ GD&ĐT đã tiến hành đổi mới giáo dục để xây dựng chương trình GDPT mới. Trong cuộc đổi mới giáo dục cuối thế kỷ XX cũng như cuộc đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông đầu thế kỷ XXI, bộ đã cố gắng xây dựng chương trình học phân ban cho bậc Trung học phổ thông (THPT).(2) Tuy nhiên, chương trình đó được xây dựng theo những quan niệm xưa cũ, không tiếp cận được với khoa học giáo dục hiện đại và không tham khảo các mô hình tiên tiến trên thế giới. Bởi thế, cả hai chương trình phân ban theo dự kiến đều tàn lụi dần, khiến cho nhà trường phổ thông lại trở về với chương trình học đồng nhất quen thuộc với tất cả những nhược điểm và bất cập của nó. Chính vì vậy, trong công cuộc đổi mới giáo dục “căn bản và toàn diện” hiện nay, xây dựng Chương trình GDPT mới đã trở thành một nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Năm 2011, Bộ GD&ĐT đưa ra “Đề án Đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015” (kinh phí dự trù 70.000 tỷ đồng). Nhưng đề án này không trở thành hiện thực. Năm 2014, bộ lại đệ trình “Dự án Đổi mới Chương trình-Sách giáo khoa phổ thông” (kinh phí 34.000 tỷ đồng) với lời giải thích của Bộ trưởng: “Giáo dục Việt Nam sẽ không lấy bất cứ mô hình nào của nước ngoài để làm theo”. Với quan điểm đó, bộ đưa ra “Dự thảo Chương trình Tổng thể Giáo dục phổ thông” (4/2014). Nhưng cả kinh phí dự án lẫn dự thảo chương trình này đều bị Quốc hội bác bỏ. 115Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 Nhận thấy cần phải học theo nước ngoài thì mới có thể xây dựng được chương trình mới, lần này Bộ GD&ĐT (chính xác là các chuyên gia giáo dục được bộ tín nhiệm) đã tham khảo những thông tin giáo dục nước ngoài để xây dựng chương trình mới. Theo đó, văn bản “Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới)” đã được đệ trình (8/2015). Mặc dù đã có màu sắc của chương trình học tự chọn kiểu Mỹ, bản dự thảo này vẫn bị dư luận phê phán và Quốc hội không thể thông qua. Bởi thế, bộ phải giao cho nhóm chuyên gia khác biên soạn lại chương trình mới. Kết quả là bản “Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” mới của Bộ GD&ĐT đã được công bố (4/2017) dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2018. Tuy nhiên, dự thảo này cũng lại bị dư luận phê phán vì nó thiếu tính khả thi. Sự phê phán của dư luận là rất có lý, vì những ai am hiểu về giáo dục đều dễ dàng nhìn thấy những sự bất cập và bất hợp lý trong tất cả các dự án và dự thảo đổi mới chương trình GDPT từ trước đến nay của bộ. Thí dụ, trong dự thảo mới công bố, ta thấy mục tiêu chương trình xa rời 3 lĩnh vực cơ bản của mục tiêu giáo dục là nhận thức, kỹ năng và thái độ-tình cảm để biến thành 3 “hoạt động”, 10 “năng lực cốt lõi” và 6 “phẩm chất” trừu tượng. Với mục tiêu chương trình như vậy, giáo viên khó có thể hình dung học sinh sẽ đạt được những kiến thức gì, có những kỹ năng gì và thái độ tình cảm như thế nào khi học bộ môn mà mình giảng dạy; nên khó có thể đo lường đánh giá thành quả học tập của các em. Nội dung chương trình được thiết kế theo kiểu chương trình tự chọn, nhưng những vấn đề phức tạp sẽ phát sinh ở những môn “tích hợp” từ những môn đơn lẻ hoặc những môn mới được đặt ra trong chương trình này; bởi vì giáo viên chưa được đào tạo để dạy các môn đó, và chính các môn đó cũng thiếu cơ sở khoa học. Phương pháp dạy học là yếu tố cơ bản quyết định sự thành bại của một chương trình học; nhưng trong bản dự thảo này, yếu tố đó được thể hiện rất mờ nhạt, thậm chí có sự lẫn lộn giữa phương pháp dạy học bộ môn với những hoạt động ngoại khóa bổ trợ cho các môn học. Bản dự thảo còn có những sự nhầm lẫn về yếu tố “Đánh giá” trong giáo dục. Đánh giá là chức năng của giáo viên thông qua những công cụ đo lường của mình để xác định thành quả học tập của học sinh (nói đơn giản là việc giáo viên chấm điểm học trò); nhưng dự thảo lại coi đó là việc của “phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp”, khiến giáo viên không thể thực hiện được chức năng của mình. Sự nhầm lẫn về đánh giá tốt nghiệp theo học chế tín chỉ (ở Hoa Kỳ) và theo niên chế (ở Việt Nam) đã dẫn đến đề xuất không xác đáng về việc hủy bỏ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT. Như vậy, trong suốt 3 thập niên qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành công cuộc đổi mới GDPT theo đường lối “thử và sai” với rất nhiều dự án và dự thảo nối tiếp nhau ra đời và lần lượt bị thực tiễn bác bỏ. Nguồn gốc của thực trạng đáng buồn này là 116 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 ở chỗ: các chuyên gia của bộ chưa tiếp cận được với khoa học giáo dục hiện đại, hoặc tiếp cận chưa thấu đáo, nhất là với Curriculum Development - môn khoa học dạy ta cách thức phát triển chương trình học. 3. Lịch sử đã để lại một khoảng cách xa giữa nền giáo dục nước ta với khoa học giáo dục hiện đại của các nước Âu-Mỹ; nên khó có thể biết đến lúc nào thì các chuyên gia giáo dục của ta lấp đầy được khoảng cách đó để có thể xây dựng được chương trình GDPT mới ngang tầm quốc tế. Bởi thế, với nhu cầu đổi mới giáo dục cấp bách hiện nay, việc nhập khẩu một chương trình GDPT tiên tiến ở nước ngoài để nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam là một giải pháp thiết thực và hữu hiệu. (Giải pháp này đã được Nhật Bản áp dụng từ thế kỷ XIX, sau đó là Hàn Quốc và nhiều nước Đông Á khác). Đối với Việt Nam, việc lựa chọn chương trình học để nghiên cứu áp dụng có thể thu gọn vào hai hướng giữa chương trình tự chọn của Mỹ với chương trình Tú tài phân ban Pháp. Chương trình học tự chọn là kiểu chương trình tiên tiến nhất với hiệu lực rất cao. Nhưng việc thực hiện kiểu chương trình này yêu cầu một nguồn tài chính lớn với những điều kiện rất cao về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý điều hành. Cùng với một quỹ học vấn hết sức phong phú và đa dạng, nó đòi hỏi một đội ngũ giáo viên được đào tạo rất khác với quy trình đào tạo giáo viên hiện hành ở Việt Nam, kèm theo là một đội ngũ cố vấn học tập (councellor) chưa từng có ở nước ta. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất đồ sộ với những phòng học chuyên dùng và trung tâm học liệu, những nguyên tắc tổ chức và quản lý theo học chế tín chỉ mới lạ. Những điều kiện đó là quá cao xa rất khó đáp ứng trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam. Trong khi đó, chương trình Tú tài phân ban Pháp cũng rất có uy tín trên thế giới mà lại gần gũi với Việt Nam (như hệ thống “Trường Tây” đã từng có uy danh ở nước ta trong suốt một thời). Những yêu cầu về cơ sở vật chất và tài chính của loại chương trình này cũng không vượt khỏi khả năng của Việt Nam; đồng thời, việc tổ chức và quản lý điều hành vẫn thực hiện theo niên chế quen thuộc. Hơn nữa, những cách “tích hợp” kiến thức kiểu Pháp đơn giản hơn và dễ thực hiện hơn đối với đội ngũ giáo viên hiện hành ở Việt Nam; còn giáo viên cho những môn mới về kỹ thuật-công nghệ cũng có thể tuyển dụng dễ dàng từ các nguồn đào tạo hiện có ở nước ta. Thêm một lý do thuyết phục để lựa chọn chương trình Tú tài phân ban Pháp: trước năm 1975, miền Nam nước ta đã quen thuộc với chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp - một chương trình phân ban đồng dạng với nó. Với sự trợ giúp của các chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, chương trình này đã được xây dựng và áp dụng thành công ở bậc Trung học Đệ nhị cấp (gồm các lớp 10, 11, 12) với 8 ban: ban A (khoa học thực nghiệm), ban B (khoa học toán), ban C (văn chương sinh 117Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 ngữ), ban D (văn chương cổ ngữ), ban E (kinh tế gia đình), ban F (doanh thương), ban G (công kỹ nghệ) và ban H (canh nông).(3) Phục vụ cho chương trình này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức đã được thành lập để đào tạo giáo viên giảng dạy các môn kỹ thuật nghiệp vụ; bên cạnh đó là Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn cung cấp giáo viên dạy các môn văn hóa và khoa học cơ bản. Tình hình nước ta hiện nay đã khác nhiều so với miền Nam những năm 70, nhưng những nguyên tắc cơ bản của một chương trình phân ban thì vẫn không thay đổi. Vì vậy, nghiên cứu áp dụng chương trình phân ban Tú tài Pháp đồng thời tham khảo chương trình Tổng hợp Trung học Đệ nhị cấp, chúng ta có thể kết thúc quá trình “thử và sai” để đạt được một chương trình Giáo dục phổ thông ngang tầm quốc tế. Tháng 4/2017 LVQ CHÚ THÍCH (1) Les chiffres cles. Baccalaureat 2010, Dossier de presse-Luc Chatel 11/06/2010. (2) Xem: Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình Giáo dục Phổ thông, Chương trình Trung học Phổ thông (ban hành kèm theo Quyết định số 16//2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/05/2006), Nxb Giáo dục, Hà Nội. (3) Bộ Giáo dục (1972), Chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp, Sài Gòn. TÓM TẮT Bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT mới được công bố vào tháng 4/2017 đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp theo hướng băn khoăn về tính khả thi của nó. Thậm chí đã có người đề nghị nên nhập khẩu chương trình học của nước ngoài để đổi mới nền giáo dục nước ta. Tác giả bài viết này tán thành với ý kiến trên và cho rằng cần nghiên cứu ứng dụng Chương trình Tú tài phân ban của Pháp kết hợp với Chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp ở miền Nam trước năm 1975 để xây dựng một chương trình Giáo dục phổ thông phù hợp với hiện trạng đất nước. ABSTRACT THREE TYPES OF CURRICULUM AND OPTION FOR OUR EDUCATION The draft for the overal general education curriculum by Ministry of Training and Education published in April, 2017 has received a lot of comments regarding its feasibility. Some people even suggested to import foreign curricula to renovate our education system. The author agrees with this view and argues that it is necessary to study the application of the French Baccalaureate curriculum in conjunction with the senior high school curriculum in the South before 1975 to develop a General Education Curriculum suitable for the current status of our country.
File đính kèm:
- ba_kieu_chuong_trinh_hoc_va_su_lua_chon_cho_giao_duc_nuoc_ta.pdf