Chính sách phát triển ngành du lịch của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tóm tắt - Trong những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã theo dõi

chặt chẽ, không ngừng đổi mới các chính sách tạo điều kiện cho

sự phát triển của ngành du lịch. Chính sách hỗ trợ phát triển sản

phẩm du lịch và chính sách quảng bá du lịch được thực hiện với

sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp du lịch đưa Hàn Quốc đã

trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á.

Với sự phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du

lịch nhân văn, Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế để phát

triển du lịch. Việt Nam có thể học hỏi chính sách hỗ trợ phát triển

sản phẩm du lịch và chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch để áp

dụng một cách hiệu quả cho sự phát triển của ngành du lịch Việt

Nam trong thời gian tới.

pdf 5 trang yennguyen 7100
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách phát triển ngành du lịch của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chính sách phát triển ngành du lịch của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chính sách phát triển ngành du lịch của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, VOL. 17, NO. 2, 2019 5 
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH CỦA HÀN QUỐC VÀ 
BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM 
TOURISM DEVELOPMENT POLICIES OF KOREA AND LESSONS FOR VIETNAM 
Trần Quốc Trung, Huỳnh Hải Yến 
Trường Đại học Ngoại thương – Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh; tranquoctrung.cs2@ftu.edu.vn 
Tóm tắt - Trong những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã theo dõi 
chặt chẽ, không ngừng đổi mới các chính sách tạo điều kiện cho 
sự phát triển của ngành du lịch. Chính sách hỗ trợ phát triển sản 
phẩm du lịch và chính sách quảng bá du lịch được thực hiện với 
sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp du lịch đưa Hàn Quốc đã 
trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á. 
Với sự phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du 
lịch nhân văn, Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế để phát 
triển du lịch. Việt Nam có thể học hỏi chính sách hỗ trợ phát triển 
sản phẩm du lịch và chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch để áp 
dụng một cách hiệu quả cho sự phát triển của ngành du lịch Việt 
Nam trong thời gian tới. 
Abstract - In recent years, the Korean government has 
continuously supervised and innovated policies supporting and 
developing its tourism industry. Both tourism product development 
policy and tourism promotion policyhave been implemented with 
enthusiastic participation of tourism enterprises,and these polices 
have made Korea become one of the most attractive destinations 
in Asia. With a diverse system of natural and cutural tourism 
resources, Vietnam has several advantages and potential 
opportunities for tourism development. Therefore, Vietnam should 
learn lessons from tourism product development policy and tourism 
promotion policy of Korea to effectively apply them to the process 
of developing Vietnames tourism in the future. 
Từ khóa - chính sách; du lịch; Hàn Quốc; bài học; Việt Nam. Key words - policy; tourism; Korea; lesson; Vietnam. 
1. Đặt vấn đề 
Là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi về tài 
nguyên du lịch nhưng Hàn Quốc đã trở thành một trong 
những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Châu Á. Báo cáo về 
du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch do Diễn đàn Kinh tế 
thế giới (World Economic Forum) phát hành cho thấy vị trí 
của Hàn Quốc không ngừng cải thiện trong bảng xếp hạng 
điểm đến từ hạng 42 năm 2007 tăng đến hạng 31, 32, 25 và 
29 lần lượt trong các năm 2009, 2011, 2013 và 2015. Đến 
năm 2017, Hàn Quốc lọt vào nhóm 20 điểm đến hấp dẫn 
nhất thế giới với thứ hạng mới là 19 – tăng lên 10 bậc so 
với 2015. Sự thành công của Hàn Quốc trong phát triển 
ngành du lịch có vai trò quan trọng của Chính phủ, với 
nhiều chính sách quảng bá thương hiệu quốc gia và hỗ trợ 
doanh nghiệp thu hút khách du lịch trên thị trường quốc tế. 
Cùng là các quốc gia trong khu vực châu Á, Việt Nam có 
các điều kiện về tự nhiên và khí hậu tốt hơn nhiều so với 
Hàn Quốc, có nhiều cảnh quan thiên nhiên được công nhận 
là kì quan thế giới, có nhiều đảo và đường bờ biển trải dài, 
có nền văn hóa và lịch sử lâu đời nhưng vẫn chưa trở thành 
một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế. 
Năm 2017, Việt Nam chỉ xếp hạng 67 trong Báo cáo về du 
lịch và năng lực cạnh tranh du lịch. Vì vậy, nghiên cứu kinh 
nghiệm hoạch định chính sách của Chính phủ Hàn Quốc 
trong phát triển du lịch là cần thiết để các cơ quan quản lý 
nhà nước Việt Nam có thể học tập, áp dụng vào quá trình 
hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển ngành du lịch 
Việt Nam trong tương lai. 
2. Thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến 
Hàn Quốc 
Trong giai đoạn 2010 - 2016, số lượng khách du lịch 
quốc tế đến Hàn Quốc đã tăng gấp đôi từ 8.797.658 lên đến 
17.241.823 với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 
12,41%. Năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Hàn 
Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch 
bệnh MERS xuất hiện vào ngày 20/05/2015 và tâm lý e 
ngại của khách du lịch phát sinh từ những tai nạn hàng 
không liên tiếp xảy ra. Vào thời điểm này, hàng loạt trung 
tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí. nhà hàng, rạp chiếu 
phim,  vốn là điểm đến thu hút khách du lịch đông đúc 
trải qua thời gian sụt giảm doanh số nghiêm trọng. Tuy 
nhiên, đến năm 2016 Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai 
mạnh mẽ các hoạt động quảng bá – xúc tiến du lịch mạnh 
mẽ thông qua các kênh thông tin du lịch, báo, tạp chí, phim 
ảnh, âm nhạc,  để phục hồi sự ngành du lịch. Kết quả là 
số lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc tăng mạnh trở lại 
vào năm 2016 với mức tăng trưởng lên đến 30,3% đạt 
doanh thu 17 tỷ USD. 
Bảng 1. Số lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc 
giai đoạn 2010 - 2016 
Năm Sốlượt khách Tăng trưởng (%) 
2010 8.797.658 12,5 
2011 9.794.796 11,3 
2012 11.140.028 13,7 
2013 12.175.550 9,3 
2014 14.201.516 16,6 
2015 13.231.651 - 6,8 
2016 17.241.823 30,3 
Nguồn: UNWTO Tourism highlight, 2017 [13] 
Về cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc, số liệu 
thống kê của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cho thấy, Hàn 
Quốc thu hút được khách khách du lịch từ nhiều quốc gia 
trên thế giới từ châu Á, châu Phi và các khách hàng đến từ 
các thị trường khó tính có yêu cầu cao như châu Âu, châu 
Mỹ, châu Đại Dương. Mặc dù, có nhiều điểm tương đồng 
về văn hóa với các quốc gia châu Á nhưng Hàn Quốc là 
điểm đến hấp dẫn đối với du khách từ các nước châu Á như 
Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, 
Malaysia, Singapore và Việt Nam. Du khách từ châu Á 
chiếm đến hơn 70% lượng khách du lịch quốc tế đến Hàn 
Quốc mỗi năm. 
6 Trần Quốc Trung, Huỳnh Hải Yến 
Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017 
về năng lực cạnh tranh du lịch Hàn Quốc là một trong năm 
quốc gia phát triển nhanh nhất – tăng 10 hạng trong bảng 
xếp hạng so với năm 2015, đạt hạng 19 trên 136 quốc gia 
vào năm 2017. Trong số các yếu tố cạnh tranh của ngành 
du lịch, Hàn Quốc đã tăng vọt trong bảng xếp hạng về mức 
độ mở cửa quốc tế - đạt hạng 14, tăng 39 bậc. Các yếu tố 
như vệ sinh và chăm sóc sức khỏe; cơ sở hạ tầng giao thông 
mặt đất, sân bãi và tài nguyên văn hóa đều được đánh giá 
cao. Tiêu chí giá cả cạnh tranh cũng tăng 21 hạng, đạt hang 
88 - nhờ vào sự giảm giá của xăng và giá cả khách sạn. Kết 
quả đánh giá này cho thấy, Hàn Quốc không có thế mạnh 
về tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch với điểm 
đánh giá chỉ đạt 2,3 xếp hạng 114/136. Hiện tại đất nước 
này chỉ có 1 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. 
Tuy nhiên, tài nguyên văn hóa – sản phẩm của chính sách 
quảng bá văn hóa sâu rộng với nhiều kênh quảng bá phong 
phú, đa dạng là một thế mạnh mà Hàn Quốc đang khai thác 
để phát triển du lịch. 
Bảng 2. Xếp hạng các yếu tố cạnh tranh du lịch của Hàn Quốc 
Yếu tố cạnh tranh 
Xếp 
hạng 
Điểm 
An ninh và an toàn 37 5,8 
Vệ sinh và chăm sóc sức khỏe 20 6,4 
Mở cửa quốc tế 14 4,3 
Giá cả cạnh tranh 88 4,7 
Phát triển môi trường bền vững 63 4,2 
Cơ sở hạ tầng giao thông hàng không 27 4,3 
Cơ sở hạ tầng giao thông mặt đất và sân bãi 17 5 
Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch 50 4,6 
Tài nguyên thiên nhiên 114 2,3 
Tài nguyên văn hóa 12 4,9 
Nguồn: Báo cáo của World Economic Forum, 2017 [18] 
3. Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thu hút 
khách du lịch quốc tế 
Sự thành công của ngành du lịch Hàn Quốc trong thời 
gian qua có vai trò quan trọng của Chính phủ Hàn Quốc 
với tư cách là cơ quan hoạch định chiến lược, chính sách 
phát triển du lịch để định hướng, hỗ trợ cho cộng đồng 
doanh nghiệp trong quá trình quảng bá, thu hút khách du 
lịch quốc tế. Các chính sách nổi bật Chính phủ Hàn Quốc 
đã thực hiện thành công bao gồm: Chính sách hỗ trợ nghiên 
cứu phát triển đa dạng sản phẩm du lịch và chính sách 
quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế. 
3.1. Chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển đa dạng sản 
phẩm du lịch 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (Ministry 
of Culture, Sports and Tourism – MCST) tổ chức cuộc họp 
nhằm đưa ra các phương án đẩy mạnh du lịch, nâng cao 
chất lượng ngành du lịch lần đầu tiên vào ngày 17/07/2013 
do tổng thống Park Geun-hye chủ trì. MCST cũng đã ra sức 
thực hiện khảo sát nhu cầu du lịch và nghiên cứu các khu 
vực du lịch để đề ra kế hoạch phát triển, điều chỉnh khung 
pháp luật để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong ngành 
du lịch gây ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách. 
MCST cũng đề ra chiến lược xây dựng hệ thống hợp 
tác – liên kết giữa các tổ chức chính phủ, liên kết các ngành 
du lịch giá trị cao để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của 
ngành du lịch Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu. Chính 
phủ không ngừng đổi mới và điều chỉnh chính sách để đẩy 
mạnh chiến lược phát triển du lịch tổng hợp như ẩm thực, 
du lịch MICE (meetings, incentives, conferences and 
events – du lịch hội nghị - hội thảo, triển lãm, tổ chức sự 
kiện, du lịch khen thưởng) và du lịch y khoa – thẩm mỹ. 
Ngoài ra, tận dụng làn sóng âm nhạc Hàn Quốc (K-POP) 
đang không ngừng nhận được sự quan tâm của bạn trẻ trên 
toàn thế giới, chính phủ cũng đưa K-POP vào nhóm du lịch 
văn hóa – loại hình du lịch tích hợp du lịch ẩm thực và du 
lịch trải nghiệm chủ yếu đẩy mạnh vào các khu di tích lịch 
sử, trải nghiệm cuộc sống ở nhà – đền đài truyền thống. Kết 
hợp với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn, Bộ 
Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã tiến hành thí điểm chương 
trình trải nghiệm cuộc sống và ẩm thực truyền thống tại các 
gia đình Hàn Quốc có những thế hệ lớn tuổi. 
Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ nhiều hoạt động nhằm 
mục đích giúp gia tăng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng như 
cưỡi ngựa và hoạt động thể thao dưới nước. Một ví dụ cụ 
thể về hành động hỗ trợ tích cực từ chính phủ trong việc 
thúc đẩy gia tăng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng chính là xây 
dựng trang web dịch vụ trực tuyến Hiking Trails và Trips 
in Korea (www.koreatrails.or.kr) với sự hỗ trợ của nhiều tổ 
chức chính phủ và bộ ban ngành khác. 
Viện nghiên cứu du lịch Hàn Quốc không ngừng phát 
triển các loại hình du lịch mới lạ, khác biệt so với các loại 
hình du lịch thông thường mà các nước khác đã và đang áp 
dụng. Cụ thể, tháng 9 năm 2017, Viện Nghiên cứu phát 
triển du lịch Hàn Quốc đã nghiên cứu, phát triển và ra mắt 
với du khách quốc tế loại sản phẩm du lịch mới nhất mà 
gần như chưa có đất nước nào cho ra đời từ trước tới nay – 
du lịch công nghiệp. Du lịch công nghiệp là loại hình du 
lịch sử dụng ngành công nghiệp truyền thống, các di sản 
công nghiệp như nhà máy, công xưởng sản xuất, phòng 
trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp kết hợp với sản phẩm 
du lịch tạo nên những điểm du lịch tổng hợp, hấp dẫn nhằm 
thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm của 
du khách. Ví dụ điển hình trong thời gian gần đây như sau, 
chính quyền Seoul đã phát triển loại hình du lịch mới – du 
lịch công nghiệp ở khu công nghiệp nặng Doosan, du khách 
được tham quan và xem dây chuyền sản xuất rượu soju, 
công nghệ khuôn đúc cỡ lớn chế tạo ra các sản phẩm công 
nghiệp nặng, công nghệ thực tế ảo; công ty trồng nhân sâm 
với trang thiết bị hiện đại 
Ngoài ra, các Viện nghiên cứu Hàn Quốc tích cực nghiên 
cứu thế mạnh, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của 
từng vùng và định hướng phát triển, khai thác nguồn tài 
nguyên du lịch một cách hiệu quả. Một ví dụ về phương thức 
xây dựng tour du lịch kết hợp, phát huy nguồn tài nguyên du 
lịch tự nhiên và nhân văn một cách hiệu quả điển hình như: 
Vận dụng hang động rượu vang lớn nhất Hàn Quốc, chính 
quyền địa phương phát triển tour tham quan hang động 
Gwangmyeong, quảng trường rượu vang, ngày hội văn hóa 
rượu vang với nhiều trải nghiệm văn hóa truyền thống 
Những năm gần đây, chính quyền các địa phương trực 
thuộc quản lý và phát triển du lịch không ngừng đẩy mạnh 
ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, VOL. 17, NO. 2, 2019 7 
phát triển các loại hình lễ hội văn hóa truyền thống theo xu 
hướng, thị hiếu của du khách, chính quyền phát triển theo 
hướng sáng tạo và có chọn lọc. Các lễ hội được tổ chức để 
thu hút khách du lịch không chỉ dừng lại ở việc trình diễn mà 
chính quyền ở các địa phương tổ chức chương trình lễ hội 
theo định hướng để khách du lịch có thể tham gia trực tiếp 
vào hoạt động lễ hội, tạo điều kiện để khách du lịch có những 
trải nghiệm thực tế thú vị và mới lạ nhất, đem lại ý nghĩa sâu 
sắc cho chuyến đi du lịch. Ví dụ, chính quyền địa phương 
tỉnh Gongju phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương như: 
khi đến thăm làng gốm nghệ thuật Gyeryongsan thuộc tỉnh 
Gongju, Chungcheongnamdo, khách du lịch sẽ được trực 
tiếp làm thử các đồ dùng bằng gốm theo phương pháp mà 
người Hàn Quốc ngày xưa đã làm, trải nghiệm cuộc sống 
nông thôn với văn hóa truyền thống Hàn Quốc ở các ngôi 
làng cổ như làng Sumi ở Gyeonggi Yangpyeong, du khách 
được hướng dẫn muối kim chi truyền thống, thu hoạch nông 
sản và sử dụng trực tiếp nông sản thu hoạch được để chế 
biến các món ăn truyền thống Hàn Quốc. 
3.2. Chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch 
3.2.1. Xây dựng và phát triển nhiều tổ chức du lịch trực 
thuộc chính phủ với các trang quảng bá du lịch Hàn Quốc 
trực tuyến trên phạm vi toàn cầu 
Để đáp ứng nhu cầu du lịch cá nhân ngày càng tăng cao, 
tạo sự thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Hàn Quốc, 
chính phủ Hàn Quốc đã kết hợp với các ban ngành chức 
năng khác xây dựng hệ thống trang thông tin điện tử hỗ trợ 
khách du lịch trong việc tra cứu các thông tin cần thiết khi 
đi du lịch tại Hàn Quốc. Đồng thời, các trang web này cũng 
là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, quảng bá du lịch 
Hàn Quốc đến bạn bè thế giới. Các trang web chính thống 
này được thiết kế với nhiều ngôn ngữ, dễ dàng sử dụng với 
hình ảnh bắt mắt tạo sự thoải mái và cảm giác tin cậy cho 
người truy cập. Khách du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm 
khách sạn, đại lý du lịch, công viên giải trí, với đa dạng 
sự lựa chọn về chất lượng, giá cả, Ngoài chức năng 
truyền bá, mỗi tổ chức dưới đây cũng đảm nhiệm một 
nhiệm vụ riêng trong công tác phát triển du lịch Hàn Quốc. 
Korea Tourism Organization (kto.visitkorea.or.kr): Tổ 
chức Du lịch Hàn Quốc giữ nhiệm vụ đề ra các chính sách 
du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch giá trị gia tăng. 
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc hiện có 31 văn phòng đặt tại 
19 quốc gia trên thế giới, hợp tác chặt chẽ với chính quyền 
địa phương và khu vực để thực hiện các chiến dịch tuyên 
truyền, quảng bá. 
Korea Culture và Tourism Institute (www.kcti.re.kr): 
Viện Du lịch – Văn hóa Hàn Quốc thực hiện các dự án 
nghiên cứu được ủy nhiệm bởi chính phủ trung ương và các 
khu vực, các tổ chức du lịch và liên quan đến du lịch khác. 
Viện cũng đảm nhiệm việc xây dựng hệ thống kiến thức, 
biên soạn và cung cấp thông tin du lịch cho ngành du lịch. 
Nhóm tổ chức kinh doanh du lịch: bao gồm các hiệp hội 
gắn kết các doanh nghiệp trong từng nhóm ngành du lịch. 
Hiệp hội là đại diện của nhóm ngành kinh doanh đó, đưa ra 
tiếng nói chung của ngành đến chính phủ trung ương, đảm 
bảo quyền lợi của các thành viên trong hiệp hội, đưa ra thanh 
đánh giá và thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động của các 
doanh nghiệp trong ngành, theo sát hoạt động của các doanh 
nghiệp trong ngành, từ đó đưa ra các đề xuất về chính sách 
cho chính phủ cũng như nắm được tình hình hoạt động, hiểu 
được những khó khăn, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, 
hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Cho đến thời điểm 
hiện tại, Hàn Quốc có 12 hiệp hội đã được thành lập và đang 
hoạt động liên quan đến ngành du lịch. 
Ngoài trang web chính thống, Chỉnh phủ Hàn Quốc còn 
kết hợp với các doanh nghiệp trong ngành du lịch xây dựng 
một hệ thống thông tin du lịch được cập nhật thường xuyên 
trên các trang mạng xã hội, được đông đảo người dùng ưa 
chuộng và có số lượng người dùng ngày càng gia tăng như 
Facebook, Instagram, Twitter, Các trang thông tin này 
thường xuyên cập nhật tin tức về thời tiết, lễ hội, văn hóa, 
ẩm thực, các địa điểm du lịch tại Hàn Quốc, các chương trình 
khuyến mãi giá vé máy bay đến Hàn Quốc, giá vé tham quan 
các địa điểm du lịch, hướng dẫn đi du lịch Hàn Quốc hiệu 
quả, chia sẻ kinh nghiệm từ những du khách đã đi du lịch 
Hàn Quốc, với các hình ảnh, đoạn phim bắt mắt thu hút 
khách hàng tiềm năng. Đội ngũ truyền thông của các trang 
thông tin du lịch trực thuộc Chính phủ và các đại lý du lịch 
tư nhân đều ra sức đưa nhiều thông tin hấp dẫn về Hàn Quốc 
để khơi gợi sự tò mò của du khách, xây dựng hình ảnh Hàn 
Quốc thành một quốc gia du lịch đáng mơ ước của lữ khách. 
Các trang web cung cấp thông tin cũng có nhiều ngôn ngữ 
để tạo sự thuận tiện cho du khách khi tra cứu. Việc quảng 
cáo trên Internet cũng là một trong những chiến lược quan 
trọng bằng việc mua quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm 
như Facebook, Instagram, Google, Bing, 
Đưa các ngôi sao Hàn làm đại sứ du lịch cũng là một 
cách truyền bá mà chính phủ Hàn Quốc và các doanh 
nghiệp trong ngành du lịch đang sử dụng nhằm đẩy mạnh 
lượt khách du lịch, bởi lẽ ngôi sao Hàn Quốc có sức tác 
động lớn tới hành vi của người tiêu dùng, tạo nên sự tin cậy 
đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành. 
3.2.2. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch 
thông qua đầu tư vào phim ảnh 
Phim ảnh là công cụ truyền bá văn hóa hiệu quả hơn bất 
kì một hình thức truyền bá truyền thống nào, bởi lẽ con 
người thường dành những thời gian rảnh rỗi với một trạng 
thái thư thái nhất để giải trí, trong đó một phần dành cho 
phim ảnh. Với trạng thái thư thái như thế, não người sẽ dễ 
dàng tiếp thu, chính vì thế nội dung phim ảnh dễ dàng đi 
vào tâm thức người xem. Để thực hiện quảng bá du lịch 
thông qua phim ảnh, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho một 
nhóm hơn 300 người trong độ tuổi 18 – 25 tuổi có năng 
khiếu sang Hoa Kỳ học hỏi mô hình phát triển điện ảnh để 
về áp dụng một cách sáng tạo cho nền điển ảnh Hàn Quốc. 
Từ đó, Hàn Quốc có một đội ngũ tham vấn cho các công ty 
giải trí, điện ảnh cho ra đời các bộ phim ăn khách, đưa điện 
ảnh Hàn Quốc trở nên nổi tiếng khắp thế giới với các bộ 
phim có các cảnh quay hết sức sinh động trong sự chăm 
chút, đầu tư kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật dàn dựng phim ảnh, 
từ phim trường cho đến từng bộ trang phục đạo cụ và trong 
từng lời thoại của nhân vật [3]. 
Ngoài chính sách phát triển nhân lực cho ngành điện 
ảnh nước nhà, Chính phủ Hàn Quốc còn quy định hạn 
ngạch, bảo vệ gần như tuyệt đối cho điện ảnh nội địa phát 
triển: Quy định tỉ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn 
phim nhập tại các rạp chiếu; Giám sát chặt chẽ việc nhập 
phim; Giảm thuế và các chi phí sản xuất cho phim nội địa... 
8 Trần Quốc Trung, Huỳnh Hải Yến 
Từ đó, các nhà làm phim và các cụm rạp buộc phải đẩy 
mạnh quảng bá cho phim nội địa, các bộ phim Hàn Quốc 
ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận đến công chúng. Nhờ 
đó, văn hóa Hàn Quốc và các địa danh ở Hàn Quốc ngày 
càng được biết đến nhiều hơn, giúp thúc đẩy ngành du lịch 
Hàn Quốc. Các bộ phim Hàn Quốc khơi gợi tính tò mò của 
người dân các nước khác, là đòn bẩy để thúc đẩy khách du 
lịch quyết định lựa chọn ghé thăm Hàn Quốc và trải nghiệm 
cuộc sống thú vị đáng mơ ước mà phim ảnh thể hiện. Bên 
cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra các chính sách 
khuyến khích các nhà làm phim Hàn Quốc đưa các danh 
lam thắng cảnh vào các cảnh quay trong phim để tận dụng 
phim ảnh truyền bá du lịch Hàn Quốc. 
4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 
4.1. Những điểm tương đồng để phát triển du lịch giữa 
Việt Nam và Hàn Quốc 
Với một nền văn hóa lâu đời và trải qua nhiều giai 
đoạn thăng trầm của lịch sử, Việt Nam là điểm đến có sức 
hút với du khách nước ngoài với thị hiếu thích khám phá, 
tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng. Hơn 
nữa, vị trí địa lý thuận lợi với đường bờ biển trải dài nhiều 
danh lam thắng cảnh tự nhiên kết hợp với khí hậu nhiệt 
đới gió mùa là điều kiện lý tưởng cho các hoạt động vui 
chơi giải trí ngoài trời vào bất kì thời điểm nào trong năm 
[1]. Đặc biệt, với xu hướng du lịch thế giới hiện nay là du 
lịch bền vững - kết hợp du lịch với các hoạt động bảo vệ 
môi trường, Việt Nam càng có nhiều lợi thế hơn bởi lẽ đất 
nước chúng ta sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch 
chằng chịt, nhiều loại rừng rậm, rừng tràm, rừng ngập 
mặn, khu dự trữ sinh quyển, rất phù hợp để đáp ứng thị 
hiếu du lịch của du khách trên toàn thế giới. Tuy nhiên, 
ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng 
với tiềm năng [2]. Trong khi đó, Hàn Quốc - một quốc gia 
có địa hình và lợi thế địa lý khá tương đồng với Việt Nam 
- được bao quanh chủ yếu bởi biển, chỉ có một phần giáp 
với Triều Tiên ở phía Bắc, địa hình có nhiều núi và đồng 
bằng nhưng lại có thời tiết lạnh nóng khá “khó chịu” từ 
tháng 11 đến tháng 4 nhưng đã đạt được những thành 
công vượt bậc trong thu hút khách du lịch. Năm 2017, 
Hàn Quốc xếp hàng 18 trong danh sách 50 các quốc gia 
đáng để ghé thăm nhất do tạp chí Cosmopolitan bình chọn 
(World Economic Forum, 2017). 
4.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 
4.2.1. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch 
Hàn Quốc đã và đang phát triển đa dạng các loại hình 
du lịch để phù hợp với thị hiếu, độ tuổi, giới tính, quốc tịch 
của du khách quốc tế. Hàn Quốc có rất nhiều lễ hội văn 
hóa, trò chơi dân gian, âm nhạc dân gian và họ đã gặt hái 
được nhiều thành công trong việc đưa các lễ hội, trò chơi 
dân gian thành một phần quan trọng trong sản phẩm du 
lịch, tạo nên dấu ấn trong lòng du khách về thương hiệu du 
lịch Hàn Quốc. Sự thành công của Hàn Quốc trong việc 
phát triển sản phẩm du lịch với tài nguyên du lịch nhân văn 
không phải do số lượng lễ hội văn hóa, trò chơi dân gian 
mà Hàn Quốc có. Sự thành công của việc xây dựng lễ hội 
văn hóa thành điểm thu hút du khách trong sản phảm du 
lịch nhờ vào sự tổ chức lễ hội có chọn lọc chặt chẽ. Lễ hội 
được lựa chọn để phát triển thành đặc trưng của từng vùng 
phải có sự khác biệt với các vùng khác, lễ hội cũng phải 
được chọn lọc và xây dựng phù hợp với thị hiếu của du 
khách, xu hướng du lịch thế giới. Các hoạt động lễ hội cũng 
được tổ chức có chiều sâu, không chỉ dừng lại ở việc trình 
diễn cho du khách xem mà các lễ hội, trò chơi dân gian 
được tổ chức để du khách có thể trực tiếp tham gia vào hoạt 
động – một trải nghiệm thú vị hơn và tạo dấu ấn sâu sắc, 
có sức hút hơn nhiều đối với du khách. 
Hơn nữa, Chính phủ Hàn Quốc ra sức phát triển các 
chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý cũng như tài chính để ủng 
hộ các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, cũng như 
ban hành các chính sách, đạo luật tạo ra nhiều cơ hội thuận 
lợi cho các doanh nghiệp du lịch phát triển mở rộng các 
loại hình du lịch đòi hỏi khai thác các nguồn tài nguyên 
thiên nhiên của đất nước, từ đó giúp đa dạng hóa sản phẩm 
du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. 
Việt Nam nên học tập cách thức phát triển sản phẩm 
du lịch này của Hàn Quốc, cách thức ứng dụng có hiệu 
quả nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vào phát triển sản 
phẩm du lịch, thay vì chỉ dừng việc khai thác các tài 
nguyên du lịch nhân văn, hoạt động lễ hội ở hoạt động 
trình diễn. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần 
phối hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành chọn lọc 
và phát triển một số lễ hội tiêu biểu, có khả năng phát 
triển nhiều hoạt động mang tính trải nghiệm cho du khách 
để đầu tư và mở rộng thành lễ hội biểu trưng của vùng, 
tạo dấu ấn riêng cho địa phương. 
4.2.2. Chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch 
Hàn Quốc có sự đầu tư vào các hoạt động xúc tiến du 
lịch quốc gia như việc tham gia các hội chợ, festival 
không chỉ với tư cách là người được mời, tham dự mà còn 
với danh nghĩa là người tổ chức. Tuy nhiên, trong các hoạt 
động đẩy mạnh, phải kể đến hoạt động đáng chú ý và 
thành công nhất – hoạt động quảng bá, xúc tiến thông qua 
ngành giải trí Hàn Quốc. Hàn Quốc với sự đầu tư vào phát 
triển của nền giải trí với các bộ phim nổi tiếng hay có 
những ca sĩ, diễn viên thần tượng được yêu mến trên toàn 
thế giới là một kênh quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả, 
khi mà mọi người đều mong muốn được trải nghiệm nền 
văn hóa, đặc biệt là các đoạn phim quảng cáo về trải 
nghiệm du lịch ở các điểm đến du lịch có sự xuất hiện của 
các ca sĩ, diễn viên thần tượng. 
Tại Việt Nam, ngành giải trí đang trên đà phát triển và 
đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn chưa 
có sự liên kết giữa ngành giải trí và du lịch. Công nghiệp 
giải trí (âm nhạc, phim ảnh) Việt Nam ngày càng có nhiều 
tiến bộ hơn về chất lượng âm thanh cũng như chất lượng 
quay phim. Việt Nam có thể học tập Hàn Quốc, đưa các 
cảnh quay về các địa điểm du lịch, thể hiện đậm nét hơn 
văn hóa đời sống Việt Nam song vẫn lồng ghép vào đó nét 
đẹp của nếp sống hiện đại, xu hướng phim ảnh của thế giới 
để thu hút người xem, tạo một hiệu ứng quảng báo, truyền 
thông cho các địa điểm của Việt Nam mà các chuyên gia 
vẫn gọi đây là phương thức truyền bá miễn phí và khôn 
khéo. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước 
trong việc tăng mức đầu tư nhất định đối với ngành giải trí, 
đặc biệt là phim ảnh, tìm được con đường đi riêng cho 
ngành giải trí, để nâng tầm ảnh hưởng, từ đó thuận tiện 
trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. 
ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, VOL. 17, NO. 2, 2019 9 
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần học tập Hàn Quốc trong 
việc đẩy mạnh phát triển hoạt động xúc tiến, quảng bá hình 
ảnh du lịch thông qua kênh truyền thông Internet với các 
trang web quảng bá du lịch chính thống được quản lý trực 
tiếp bởi Chính phủ. Các trang web quảng bá du lịch Hàn 
Quốc luôn được cập nhật các thông tin liên quan đến du 
lịch một cách thường xuyên, các trang web cũng được thiết 
kế với hình ảnh bắt mắt, có nhiều ngôn ngữ để người theo 
dõi có thể lựa chọn. Việt Nam cũng có những trang web 
quảng bá du lịch nhưng mức độ cập nhật thông tin còn chưa 
thường xuyên, mức độ tương tác trên trang web còn thấp, 
thiết kế trang web chưa đủ bắt mắt để thu hút người theo 
dõi. Hiện nay, với xu hướng quảng bá kĩ thuật số, với sự 
phát triển vượt bậc của Internet và sức ảnh hưởng của nó, 
với xu hướng sử dụng mạng xã hội, tìm kiếm thông tin chủ 
yếu trên các trang web, Việt Nam cần cân nhắc đầu tư mạnh 
vào việc xây dựng các trang web quảng bá, truyền thông 
chuyên nghiệp cho ngành du lịch [7]. 
5. Kết luận 
Trong những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã hoàn 
thành tốt vai trò của mình trong việc theo dõi sát sao, không 
ngừng đổi mới, phát triển, đưa ra, áp dụng các chính sách, 
định hướng, biện pháp xuyên suốt cụ thể và hợp lý để tạo 
điều kiện cho sự phát triển của ngành. Chính phủ và doanh 
nghiệp đã và đang hợp tác nhịp nhàng, đặc biệt là trong 
công tác tuyên truyền, quảng bá – hoạt động đóng vai trò 
chính yếu đối với sự phát triển của ngành du lịch, từ đó đã 
tạo nên một hình ảnh đất nước du lịch tuyệt vời, thương 
hiệu du lịch ấn tượng trên bản đồ du lịch trên toàn thế giới. 
Việt Nam có thể học hỏi những chính sách phát triển du 
lịch của Hàn Quốc từ đó vận dụng tương thích với những 
lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn 
của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du 
lịch trong thời gian tới để Việt Nam trở thành một trong 
những điểm đến hấp dẫn với du khách trên toàn thế giới. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Báo cáo chuyên đề: Du lịch Việt Nam, 
thực trạng và giải pháp phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014. 
[2] Hoàng Văn Hoan, Để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi 
nhọn, Tạp chí Du lịch Việt Nam, 2003. 
[3] Hiệp hội Du lịch Hàn Quốc, www.koreatravel.or.kr. 
[4] Hiệp hội Khách sạn Hàn Quốc, www.hotelskorea.or.kr. 
[5] Hiệp hội Đại lý du lịch Hàn Quốc, www.kata.or.kr. 
[6] Hiệp hội Quản lý khu lưu trú tích hợp – nghỉ dưỡng Hàn Quốc, 
www.condo.or.kr. 
[7] Hiệp hội Công viên giải trí và khu danh lam thắng cảnh Hàn Quốc, 
www.kaapa.or.kr. 
[8] Hiệp hội Nhà tổ chức hội nghị chuyên nghiệp Hàn Quốc, www.kapco.or.kr. 
[9] Invest Korea Organization, Tourism and Leisure 2015, 
www.investkorea.org, 2015. 
[10] Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 
Quyết định số 2743/QĐ – TTg, 2011, Quyết định Phê duyệt “Chiến 
lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 
2030, Hà Nội, 2011. 
[11] Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 
Quyết định số 92/ NQ-CP, 2014, Một số giải pháp đẩy mạnh phát 
triển du lịch Việt Nam trong thời kì mới, ban hành ngày 10 tháng 12 
năm 2014, Hà Nội, 2014. 
[12] Tổng cục Du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 
2020 và tầm nhìn đến 2030, Hà Nội, 2012. 
[13] United Nation World Tourism Organization – UNWTO, Tourism 
Highlights 2016, www.unwto.org, 2016. 
[14] United Nation World Tourism Organization – UNWTO, Tourism 
2016 Vision, www.unwto.org, 2016. 
[15] United Nation World Tourism Organization – UNWTO, Case 
Studies of Traditional Cultural Accommodations in the Republic of 
Korea, Japan and China, www.unwto.org, 2016. 
[16] World Economic Forum,The Travel & Tourism Competitiveness 
Report 2015, www.weforum.org, 2016. 
[17] World Economic Forum, Korea Travel & Tourism Competitiveness 
Index, www.weforum.org, 2017. 
[18] World Economic Forum, Vietnam Travel & Tourism 
Competitiveness Index, www.weforum.org, 2017. 
[19] World Travel and Tourism Council, Travel and Tourism Economic 
Impact 2015 South Korea, www.wttc.org, 2015. 
(BBT nhận bài:29/11/2018, hoàn tất thủ tục phản biện: 20/02/2019) 

File đính kèm:

  • pdfchinh_sach_phat_trien_nganh_du_lich_cua_han_quoc_va_bai_hoc.pdf