Dấu ấn của một vị quan thời Chúa Nguyễn qua góc nhìn làng xã vùng Huế
Nguyễn Cửu Thế sinh ngày 18/4/1666, quê gốc ở huyện Tống Sơn, Thanh
Hóa, là con thứ ba của Trấn thủ doanh Bố Chính Nguyễn Cửu Ứng và bà Đặng Thị
Võng. Ông nội của Nguyễn Cửu Thế là Chưởng doanh Nguyễn Cửu Kiều, người
đã mang mật thư và bảo ấn mà Chính phi Nguyễn Phúc Ngọc Tú (con gái của chúa
Nguyễn Hoàng và là vợ của chúa Trịnh Tráng) giao cho từ Đông Đô vào Đàng
Trong dâng lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1623;(1) và cũng từ đó, mở đầu
cho quá trình định cư của dòng họ Nguyễn Cửu ở đất Đàng Trong.(2)
Sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi làm quan nhiều đời lại được mang
quốc tính (họ của chúa),(3) từ nhỏ Nguyễn Cửu Thế đã được ấm tử tiến thân, ban
đầu quản đội Tiểu sai, phụng chức Cần cẩn dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thái
(1687-1691). Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông được thăng làm
chức Chưởng cơ.(4)
Tóm tắt nội dung tài liệu: Dấu ấn của một vị quan thời Chúa Nguyễn qua góc nhìn làng xã vùng Huế
150 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 * Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. ** Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế. DẤU ẤN CỦA MỘT VỊ QUAN THỜI CHÚA NGUYỄN QUA GÓC NHÌN LÀNG XÃ VÙNG HUẾ Võ Khắc Vãng* Mai Văn Được** 1. Sự nghiệp của một vị quan trải ba đời chúa - Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế (1666-1731) Nguyễn Cửu Thế sinh ngày 18/4/1666, quê gốc ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, là con thứ ba của Trấn thủ doanh Bố Chính Nguyễn Cửu Ứng và bà Đặng Thị Võng. Ông nội của Nguyễn Cửu Thế là Chưởng doanh Nguyễn Cửu Kiều, người đã mang mật thư và bảo ấn mà Chính phi Nguyễn Phúc Ngọc Tú (con gái của chúa Nguyễn Hoàng và là vợ của chúa Trịnh Tráng) giao cho từ Đông Đô vào Đàng Trong dâng lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1623;(1) và cũng từ đó, mở đầu cho quá trình định cư của dòng họ Nguyễn Cửu ở đất Đàng Trong.(2) Sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi làm quan nhiều đời lại được mang quốc tính (họ của chúa),(3) từ nhỏ Nguyễn Cửu Thế đã được ấm tử tiến thân, ban đầu quản đội Tiểu sai, phụng chức Cần cẩn dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691). Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông được thăng làm chức Chưởng cơ.(4) Mùa xuân năm Kỷ Sửu (1709), người em của Nguyễn Cửu Thế là Cai đội Khâm Minh hầu Nguyễn Cửu Ta(5) cùng với Nội hữu Chưởng doanh Tống Phúc Thiệu (con Nội tả Chưởng doanh Tống Phúc Trí) “ngầm mưu làm việc trái phép”.(6) Biết chuyện, Nguyễn Cửu Thế đã bỏ qua tình riêng, mật báo lên chúa. Sau đó, Cửu Ta và Phúc Thiệu bị quân chúa bắt, tra xét. Chúa khen Nguyễn Cửu Thế đã vì việc nước, dẹp yên nổi loạn và thăng ông lên chức Nội hữu Chưởng doanh, đồng thời gả con gái thứ hai của chúa cho ông là Công nữ Ngọc Phượng.(7) Ông còn được chúa tặng đôi liễn ngự chế(8) với nội dung như sau: “Vi đống vi lương, trọng trấn Nam triều lương hữu bật. Thức kim thức ngọc, tráng ngô quốc lão điện bàn an.” Nghĩa là: “Làm cột làm rường, trọng trấn Nam triều thật là phụ bật xứng đáng. Như vàng như ngọc, khen người quốc lão giúp cho bàn thạch vững vàng”.(9) ĐẤT NƯỚC - NHÂN VẬT 151Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 Mùa xuân năm Giáp Ngọ (1714), “bọn ác man Cam Lộ quấy rối biên thùy. Chúa sai Nội hữu Nguyễn Cửu Thế (lại tên là Võ, con Nguyễn Cửu Ứng, lấy công chúa Ngọc Phượng) đem quân 5 thuyền súng đao của Cựu dinh đi đánh, bắt được [man] trưởng là Trà Xuy và đồ đảng đem về”.(10) Năm 1725, chúa Nguyễn Phúc Chu mất, chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) lên thay, Nguyễn Cửu Thế được cử làm nguyên lão Phụ chính. Ông còn hết lòng phụ đạo cho hoàng tử Nguyễn Phúc Khoát ở Thanh cung (cung thái tử ở, giống như Tiềm để).(11) Làm quan dưới ba đời chúa, thọ 66 tuổi, Nguyễn Cửu Thế một lòng trung cần với sự nghiệp của chúa. Ông được truy tặng “Tán trị công thần, Đặc tiến khai phủ phụ quốc Thượng tướng quân, Trấn thủ, Hữu quân đô thống phủ đô đốc”.(12) Năm 1739, Nguyễn Cửu Thế được chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) truy tặng “Thiếu phó Trung quốc công”.(13) Ông có 4 người vợ (chánh phối Công nữ Ngọc Phượng, nguyên phối Nguyễn Thị Hoa, thứ phu nhân Bùi Thị Mát và bà thứ thiếp không rõ họ tên), sinh 13 người con trai và 14 con gái. Trong đó có 3 người con trai từng giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền chúa Nguyễn. Người con trai cả Nguyễn Cửu Quý giữ chức Ngoại hữu Chưởng doanh, tặng phong Tá lý công thần, Tả quân Đô đốc phủ trấn phủ, Uyên quận công; con trai thứ ba Nguyễn Cửu Thông làm Cai đội, giữ quân cấm vệ, dần thăng đến Nội tả Chưởng cơ, lại lên Chưởng doanh, tặng Trấn phủ, Kính quận công; con trai thứ tư Nguyễn Cửu Pháp làm đến Ngoại hữu Chưởng doanh, kiêm quản hai bộ Lễ, Hình, cai quản Nhà đồ, tước Hoán quận công.(14) Như vậy, không chỉ cá nhân Nguyễn Cửu Thế mà các con ông đều là những bậc công thần, hết lòng vì việc nước, cùng với cha ông của mình làm nên truyền thống võ tướng của dòng họ Nguyễn Cửu. 2. Dấu ấn của Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế qua góc nhìn làng xã Trong cuộc đời làm quan của mình, Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế không chỉ trung thành phục vụ sự nghiệp của chúa Nguyễn mà còn tận tụy với dân chúng, là tấm gương một vị quan thương dân, được người dân hai làng Mỹ Á (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Thủy Tú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) thờ phụng. 2.1. Miếu thờ Nguyễn Cửu Thế ở làng Mỹ Á Làng Mỹ Á nằm về phía đông-đông nam thành phố Huế. Nơi đây, người dân đã thờ phụng Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế qua nhiều đời trong ngôi miếu có tên “Miếu Nguyễn Cửu”. Gia phả họ Nguyễn Cửu tại làng Vân Dương có chép về việc làng Mỹ Á lập miếu thờ Nguyễn Cửu Thế như sau: “ năm thứ 15 hiệu Cảnh Hưng (1754) Mỹ 152 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 Á ấp lập miếu phụng tự ông tại trong ấp Mỹ Á, đều có dựng một tòa bia, trong khắc phụng tự hương hỏa tại Ma Á, ruộng 5 mẫu (con cháu trước sau, phép tắc ghi nhớ)”.(15) Còn theo những bậc cao niên làng Mỹ Á thì nguyên miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế nằm trên một đồi nhỏ tại vùng Thượng Ma Á.(16) Miếu được làm bằng gỗ, mái lợp tranh; trong miếu có thờ bài vị Nguyễn Cửu Thế cùng các bà vợ và bia đặt ruộng hương hỏa. Phía trước miếu có ruộng hương hỏa 5 mẫu dùng để phụng thờ.(17) Trải qua thời gian, miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế bị hư hại, sụp đổ (hiện nay không còn dấu tích tại vị trí cũ nơi miếu tọa lạc). Do đó, vào năm 1941 dân làng Mỹ Á đã rước bài vị Nguyễn Cửu Thế và tấm bia về thờ trong miếu khai canh của làng.(18) Miếu khai canh làng Mỹ Á vốn trước đó thờ ba vị khai canh của làng (ba vị họ Phạm, Nguyễn và Lê); nhưng đến thời điểm này được dân làng di dời vào thờ ở đình làng Mỹ Á, nhường lại miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế. Như vậy, kể từ năm 1941 đến nay, miếu khai canh làng Mỹ Á trở thành miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế. Sự chuyển tiếp đối tượng thờ cúng ở trong một ngôi miếu cổ, đặc biệt là miếu khai canh làng, đặt ra câu hỏi: mối liên hệ nào giữa nhân vật Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế với người dân làng Mỹ Á, để ông nhận được sự trân trọng tưởng nhớ của họ như vậy? Trong gia phả họ Nguyễn Cửu tại làng Vân Dương có chép: “làng Mỹ Á cảm ân đức của ông ngày thường vun xới, lập miếu phụng thờ”.(19) Còn trong trí nhớ của những bậc cao niên làng Mỹ Á thì “ngài Nguyễn Cửu (Thế) là một vị võ tướng, có công đánh dẹp giặc, có công đối với làng và được nhiều nơi thờ phụng, không chỉ làng Mỹ Á mà còn nhiều làng khác cũng lập miếu thờ”.(20) Điều đáng tiếc là trong quá trình khảo cứu, chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu nào nói rõ hơn về công lao của ông đối với làng Mỹ Á và câu chuyện mà các bậc cao niên trong làng kể lại cũng rất mơ hồ. Với những chi tiết đó chưa đủ cơ sở để khẳng định rõ ông có công lao như thế nào đối với dân làng Mỹ Á nhưng nó cũng nói lên rằng ông có đóng góp không hề nhỏ cho người dân nơi đây. Hiện tại, miếu tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ hướng ra Biển Đông, nhận con hói nhỏ chảy từ vùng Thượng Ma Á về Hạ Ma Á làm yếu tố minh đường. Miếu Miếu Nguyễn Cửu ở làng Mỹ Á. 153Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 có bình đồ hình chữ nhật (dài 6m32, rộng 4m50), được xây bằng gạch và vôi vữa; lợp ngói liệt, nhưng phần mái làm theo kiểu giả mái - mái đổ vôi, gắn ngói liệt lên, sau đó đổ thêm một lớp vôi tạo hình mái giả ngói âm-dương. Phía dưới phần mái, viền xung quanh được gắn các mảnh gốm sứ có niên đại phổ biến khoảng thế kỷ XIX. Tường được trát vôi, ở phần đầu hồi có đắp nổi hình con dơi nằm ngược với ý nghĩa “Phúc đáo”. Miếu có ba cửa vào hình chữ “U”, một cửa trước (cao 1m42; rộng 0,92m) và hai cửa bên (cao 1m42; rộng 0,75m) (hai cửa bên nay đã bị bít). Để cung cấp thêm những chứng cứ và thông tin góp phần làm sáng tỏ về nhân vật Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế, chúng tôi đi sâu tìm hiểu những di vật thờ trong miếu: bài vị và tấm bia. - Bài vị: Bài vị đặt thờ ở án giữa của miếu. Bố cục văn khắc trên bài vị chia làm hai phần: Phần phía trên khắc bài thơ nói về công trạng của Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế: Nguyên văn: 功名顯赫三朝貫 事業薰香六紀餘 恩德迩遐千古仰 大哉爲止孝忠慈 Phiên âm: Công danh hiển hách tam triều quán Sự nghiệp huân hương lục kỷ dư Ân đức nhĩ hà thiên cổ ngưỡng Đại tai vi chỉ hiếu trung từ. Tạm dịch: Công danh hiển hách trải ba triều Sự nghiệp hương thơm sáu kỷ dư Ân đức gần xa ngàn năm kính Lớn thay cũng bởi hiếu trung từ. Phần dưới là bài vị của ông và hai bà vợ. Dòng bên trái: 朝宗命婦宋山郡主武郡夫人阮氏玉鳳謚慈雅 Triều tông mệnh phụ Tống Sơn quận chúa Võ Quận phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Phượng thụy Từ Nhã (có một phần bài vị bị hư hại, chúng tôi không nhận diện được). Bài vị thờ Nguyễn Cửu Thế và hai người vợ. Tấm bia trong miếu Nguyễn Cửu ở làng Mỹ Á. 154 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 Dòng ở giữa: 贈贊治公臣鎭府武忠候謚愼謹阮公諱福世正直大神之位 Tặng Tán trị công thần Trấn phủ Võ Trung hầu thụy Thận Cẩn Nguyễn công húy Phúc Thế chính trực đại thần chi vị. Dòng bên phải: 依夫鎭府武忠候元配阮氏花謚慈順貞淑夫人 Y phu Trấn phủ Võ Trung hầu nguyên phối Nguyễn Thị Hoa thụy Từ Thuận Trinh Thục phu nhân (có một phần bài vị bị hư hại, chúng tôi không nhận diện được). - Tấm bia: Được đặt trong ngôi miếu, phía trước án thờ gian chính - nơi đặt bài vị và bát nhang thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế và hai bà vợ của ông. Bia cao 84,7cm, rộng 47cm, dày 15cm, được dựng trên một bệ đá cao 27cm, dài 91cm, rộng 52,5cm; làm từ chất liệu đá sa thạch màu xám. Thân bia, trán bia, đế bia, tai bia được làm tách rời (phần tai bia đã bị mất), giữa các bộ phận có đục lỗ và làm mộng để tra lại với nhau. Mặt bia chạm nổi hình 4 cặp rồng và các mặt trời có đao lửa bao quanh, theo kiểu “Lưỡng long triều nhật”. Thân rồng uốn lượn mềm mại bởi nét chạm khắc tỉ mỉ, sắc sảo. Ở góc độ này, có thể nhận thấy có sự tương đồng với tấm bia “Chiêu Nghi Từ Mẫn Trần liệt phu nhân” có niên đại năm 1751 ở làng Dương Xuân, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.(21) Đế bia dạng hình “sập gụ/chân quỳ”; xung quanh đế ở phía trên trang trí hồi văn dạng chữ vạn; phía dưới ở trước trang trí hình hai con nghê ngậm dải dây lá mềm mại, uyển chuyển, ở chính giữa có đồng tiền. Hai bên đế bia trang trí hai con rồng hướng tới trước dưới dạng “Long hóa”, phía trước có mặt trời và đao lửa, phần đầu rồng vẫn được chạm khắc sắc nét, biểu lộ sự uy dũng. Trên bia có khắc hình ba dấu ấn, một dấu ấn hình chiếc lá có chữ “Lưu phương” (流芳) và hai dấu ấn hình vuông “Hiếu tư duy tắc” (孝思維則) và “Phước lý tuy xuất” (福履綏出) đều khắc theo kiểu chữ triện. Các dấu ấn này gợi mở ra nhiều điều thú vị cần được lưu tâm tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Nhìn chung, tấm bia này có những đặc điểm chung của bia thời chúa Nguyễn; đồng thời mang phong cách chuyển tiếp ở cuối thời chúa Nguyễn. Về nội dung bia, nguyên văn chữ Hán: 奉 祀 香 火 磨 亞 處 田 五 畝 準 用 各 務 永 遠 爲 例 子 子 孫 孫 終 始 如 壹 一 正 旦 端 午 忌 日 臘 節 各 期 田 貳 畝 一 三 元 及 四 季 朔 望 各 期 香 燈 田 壹 畝 一 正 旦 禮 猪 壹 盤 𥸷 壹 盤 一 端 午 禮 殽 饌 壹 盤 𥸷 壹 盤 155Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 一 三 月 十 七 日 正 忌 猪 壹 盤 𥸷 壹 盤 一 四 月 八 月 二 期 新 飯 禮 隨 用 一 五 月 二 十 七 日 正 忌 殽 饌 壹 盤 𥸷 壹 盤 一 留 貯 脩 理 祀 堂 各 務 田 壹 畝 一 十 月 十 六 日 正 忌 猪 壹 盤 𥸷 壹 盤 一 發 看 守 祀 堂人 等 月 糧 田 壹 畝 景 興 十 五 年 嵗 次 甲 戌 仲 秋 月 榖 日 立 石 此 田 牛 錢 貳 拾 貫 付 許 美 亞 坊 奉 耕 代 代 Phiên âm: Phụng tự hương hỏa Ma Á xứ điền ngũ mẫu chuẩn dụng các vụ vĩnh viễn vi lệ, tử tử tôn tôn, chung thủy như nhất. Nhất Chính đán, Đoan Ngọ, kỵ nhật, lạp tiết các kỳ: điền nhị mẫu. Nhất tam nguyên cập tứ quý sóc vọng các kỳ hương đăng: điền nhất mẫu. Nhất chính đán lễ: trư nhất bàn, xôi nhất bàn. Nhất Đoan Ngọ lễ hào soạn nhất bàn, xôi nhất bàn. Nhất tam nguyệt thập thất nhật chính kỵ: trư nhất bàn, xôi nhất bàn. Nhất tứ nguyệt, bát nguyệt nhị kỳ tân phạn lễ: tùy dụng. Nhất ngũ nguyệt nhị thập thất nhật chính kỵ: hào soạn nhất bàn, xôi nhất bàn. Nhất lưu trữ tu lý tự đường các vụ: điền nhất mẫu. Nhất thập nguyệt thập lục nhật chính kỵ: trư nhất bàn, xôi nhất bàn. Nhất phát khán thủ tự đường nhân đẳng nguyệt lương: điền nhất mẫu. Cảnh Hưng thập ngũ niên, tuế thứ Giáp Tuất, trọng thu nguyệt cốc nhật lập thạch. Thử điền ngưu tiền nhị thập quan, phó hứa Mỹ Á phường phụng canh đại đại. Dịch nghĩa:(22) “Năm mẫu ruộng xứ Ma Á dùng để phụng thờ hương hỏa, dùng cho các việc, vĩnh viễn làm thành lệ, con con cháu cháu trước sau như một. Lễ mồng một Tết (Nguyên Đán), Tết Đoan Ngọ, các ngày kỵ và tiết tháng Chạp: 02 mẫu ruộng. Hương đèn các kỳ tam nguyên, rằm, mồng một trong bốn mùa: 01 mẫu ruộng. Lễ mồng một Tết: một cỗ heo, một cỗ xôi. Lễ Đoan Ngọ: một cỗ hào soạn, một cỗ xôi. Lễ chính kỵ ngày 17 tháng Ba: một cỗ heo, một cỗ xôi. Lễ cơm mới 2 kỳ tháng Tư và tháng Tám: tùy dùng. Lễ chính kỵ ngày 27 tháng Năm: một cỗ hào soạn, một cỗ xôi. Lưu trữ để lo các việc tu sửa tự đường: 01 mẫu ruộng. Lễ chính kỵ ngày 16 tháng Mười: một cỗ heo, một cỗ xôi. 156 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 Phát lương thực hằng tháng cho những người trông coi tự đường: 01 mẫu ruộng. Cảnh Hưng năm thứ 15, ngày tốt tháng Tám năm Giáp Tuất (1754) lập bia. Ruộng này tiền thuê trâu cày 20 quan, để cho phường Mỹ Á canh tác đời đời.” Nội dung bia là một dạng hương quy (mức độ thấp hơn hương ước) do làng lập nên, quy định về việc phụng thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế và hai bà vợ để con cháu trong làng ghi nhớ, trở thành “lệ” của làng. Điều đó phần nào cho thấy thêm công lao quan trọng của ông đối với làng Mỹ Á. Trước đây, dân làng Mỹ Á vẫn luôn tuân theo “lệ” ấy tiến hành các nghi lễ thờ cúng. Tuy nhiên, trải qua thời gian chiến tranh, ngôi miếu dần bị lãng quên. Mới đây, Hội đồng làng Mỹ Á đã có chủ trương trùng tu tôn tạo lại ngôi miếu này và khôi phục lại các kỳ lễ trong năm của ngôi miếu. Mặc dù hơi muộn song đó là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quay trở về với những giá trị truyền thống và tiếp nối cha ông phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân làng Mỹ Á. 2.2. Miếu thờ Nguyễn Cửu Thế ở làng Thủy Tú Thủy Tú là một ngôi làng nhỏ nằm ven Sông Hương, ngay ngã ba Sình, thuộc địa phận thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng có 4 họ chính là Lê, Nguyễn Đại, Nguyễn Đăng, Nguyễn Quang; trong đó họ khai canh là họ Lê, còn họ Nguyễn Đại, Nguyễn Đăng, Nguyễn Quang là các họ khai khẩn. Dưới thời chúa Nguyễn, Thủy Tú là một trong chín xã của tổng An Vân, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong.(23) Điểm đặc biệt là làng chỉ có đất thổ cư, không có đất canh tác. Đổi lại, làng Thủy Tú lại có được đặc ân khai thác một vùng mặt nước rộng lớn trên Sông Hương và phá Tam Giang, lấy mặt nước để thay thế ruộng (thủy diện thế vi điền). Giống như làng Mỹ Á, miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế ở làng Thủy Tú cũng được người dân tự nguyện lập nên. Miếu nằm ở khu vực ngã ba Thủy Tú; người dân nơi đây gọi là miếu Quan Hữu (hay miếu Quan Võ). Vậy, vấn đề đặt ra ở đây cũng giống với làng Mỹ Á đó là tại sao dân làng Thủy Tú lại lập miếu thờ ông? Trong gia phả họ Nguyễn Cửu cũng chép về việc làng Thủy Tú lập miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế tương tự như làng Mỹ Á: “làng Thủy Tú cảm ân đức của ông ngày thường vun xới, lập miếu phụng thờ đến ngày nay vẫn còn”.(24) Tìm hiểu qua các bậc cao niên làng Thủy Tú, chúng tôi được nghe kể về công lao của một vị quan có tấm lòng vì dân, vì nước đã giúp cho dân làng Thủy Tú tạo Miếu Quan Hữu ở làng Thủy Tú. 157Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 dựng cuộc sống. Chuyện kể rằng: “Thời bấy giờ dân làng làng Thủy Tú có một vụ kiện tụng tranh chấp mặt nước ở vùng đầm Diên Trường với làng Diên Trường và chính ngài đã giúp dân làng kiện thắng vụ kiện đó, nhờ đó diện tích cai quản mặt nước của làng Thủy Tú được mở rộng thêm”.(25) Và trong ký ức của người dân nơi đây vẫn còn nhớ ngày giỗ của ông vào tháng Năm âm lịch hằng năm (ngày giỗ chính xác của Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế là ngày 27 tháng Năm âm lịch). Cũng theo lời kể của các bậc cao niên thì trước đây miếu được xây bằng gạch vồ, vôi mật, kích thước khoảng 1,6m x 1,0m, phía trước có bức bình phong. Qua thời gian với bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, miếu bị hư hỏng nặng, bài vị của ông cũng bị lụt cuốn trôi. Đến năm 1995, miếu được nhân dân trong làng cùng nhau tu sửa lại. Trước đây, hằng năm làng Thủy Tú vẫn tổ chức kỵ giỗ ông và tế lễ trong các dịp lễ. Đặc biệt, trong dịp Thu tế vào tháng Bảy, làng tổ chức lên miếu ông làm lễ rước về đình làng để tế lễ cùng các vị thần trong làng. Kể từ cuối những năm 1970, do điều kiện kinh tế của làng khó khăn nên lễ kỵ ông không được tổ chức nữa. Hiện nay, vào dịp Tết, rằm, mồng một, dân làng vẫn duy trì việc thờ cúng ông. 2.3. Đền thờ Nguyễn Cửu Thế ở làng Vân Dương Làng Vân Dương là quê hương thứ hai của Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế (sau quê gốc Tống Sơn). Đây là nơi định cư của biết bao thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cửu, tính từ thủy tổ Chưởng doanh Nguyễn Cửu Kiều đến nay đã truyền được 13 đời. Để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Cửu Thế, chúa Nguyễn đã cho lập đền thờ ông ở xã Vân Dương.(26) Nguyên đền thờ tọa lạc tại xứ Bà Ác, ở ngã ba sông Như Ý (nay thuộc địa phận làng Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), lấy sông Như Ý làm minh đường. Trong đền có thờ một bức chân dung Nguyễn Cửu Thế và một bộ “y quan đoan nhã”.(27) Điều đáng tiếc là ngôi đền này đã bị đốt cháy dưới thời Tây Sơn. Hiện nay không còn dấu vết nào. 3. Thay lời kết Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế là một vị tướng, một vị quan dưới thời chúa Nguyễn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của chúa ở Đàng Trong. Không những vậy, ông còn là một người có tấm lòng nhân đức, giúp đỡ nhiều làng quê tạo dựng cuộc sống. Điều này cho thấy cốt cách của một vị quan tận tâm, tận lực với chính quyền, tận tụy với nhân dân, gần gũi dân chúng. Từ đường họ Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương (phường Xuân Phú, thành phố Huế). 158 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 Việc chúa Nguyễn cho lập đền thờ ông tại làng Vân Dương - nơi ông sinh sống là một minh chứng cho chính sách trọng đãi hiền tài, tưởng nhớ người có công đối với đất nước của chính quyền Đàng Trong lúc bấy giờ. Về miếu thờ Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế ở hai làng Mỹ Á và Thủy Tú là những chứng tích góp phần làm sáng tỏ thêm công trạng của một vị quan “thân dân”. Những công lao của vị quan này sẽ còn mãi được dân làng tưởng nhớ đến, những dấu tích còn lại trên các làng quê sẽ mãi là tấm gương soi cho các thế hệ con cháu mai sau nhớ đến truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. V K V - M V Đ CHÚ THÍCH (1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 121. (2) Ông Nguyễn Cửu Kiều trước tịch về ở xã Vân Dương, huyện Hương Thủy, mở đầu dòng họ Nguyễn Cửu. (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 1, tr. 121 có chép: “họ Nguyễn (Cửu) được cho theo quốc tính. Minh Mạng năm thứ nhất (1820) cho đổi làm họ Nguyễn Cửu”. (4) - Theo Nguyễn Cửu tộc phổ, lưu tại nhà ông Nguyễn Cửu Dảnh, Trưởng họ Nguyễn Cửu, số 94/1 Tôn Thất Cảnh, phường An Đông, thành phố Huế, tr. 25. - Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 124. (5) Trong Đại Nam liệt truyện, tập 1, trang 124 chép ông tên là Khâm; nhưng qua đối chiếu bản gia phả Nguyễn Cửu tộc phổ, ở trang 29 chép ông là “Nguyên Cai đội Khâm Minh hầu Nguyễn Cửu Ta”. (6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 124. (7) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 124. (8) Hiện nay tại gian giữa nhà thờ họ Nguyễn Cửu (làng Vân Dương, phường Xuân Phú, thành phố Huế) treo bản khắc lại bằng chữ Hán hai câu đối này. (9) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 124. (10) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 130. (11) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr. 148, 149. (12) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 125. (13) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr. 148. (14) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 125,128. (15) Theo Nguyễn Cửu tộc phổ, tlđd, tr. 26. (16) Ma Á là tên gọi cũ khi mới lập làng đầu thời chúa Nguyễn (khoảng cuối thế kỷ XVI-đầu thế kỷ XVII), sau này đổi lại thành phường (làng) Mỹ Á (chưa rõ thời gian đổi tên làng từ khi nào). Thượng Ma Á và Hạ Ma Á là vùng đất phía trên và vùng đất phía dưới của làng, danh xưng này đến nay vẫn còn. (17) Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Doãn (84 tuổi), Trưởng làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. [thời điểm điều tra, phỏng vấn 20/10/2015]. (18) Theo lời kể của ông Huỳnh Văn Lan (84 tuổi), nguyên Trưởng làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. [Phỏng vấn 20/10/2015]. (19) Theo Phổ hệ họ Nguyễn Cửu, tlđd, tr. 34. 159Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) . 2016 (20) Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Doãn (84 tuổi), Trưởng làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. [Phỏng vấn 20/10/2015]. (21) Xem thêm: Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Mỹ thuật thời chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2014, tr. 132. (22) Bản dịch này được sự góp ý của thầy Vĩnh Cao (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) và ông Võ Vinh Quang (Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế). Chúng tôi xin cảm ơn. (23) Lê Quý Đôn (2007), Phủ Biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr. 98. (24) Theo Phổ hệ họ Nguyễn Cửu, tlđd, tr. 34. (25) Theo ông Lê Văn Sự (60 tuổi), Trưởng làng Thủy Tú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. [Phỏng vấn 10/11/2015]. (26) Hiện nay một nửa làng Vân Dương thuộc xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy; một nửa thuộc phường Xuân Phú, thành phố Huế. (27) Theo Nguyễn Cửu tộc phổ, tlđd, tr. 27. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Quý Đôn (2007), Phủ Biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội. 2. Nguyễn Cửu tộc phổ, lưu tại nhà ông Nguyễn Cửu Dảnh, Trưởng họ Nguyễn Cửu, số 94/1 Tôn Thất Cảnh, phường An Đông, thành phố Huế. 3. Phổ hệ họ Nguyễn Cửu, lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Cửu, làng Vân Dương, phường Xuân Phú, thành phố Huế. 4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế. 5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 6. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) (2014), Mỹ thuật thời chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ, Nxb Thuận Hóa, Huế. TÓM TẮT Nguyễn Cửu Thế (1666-1731) sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ tướng, phụng sự cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ông là người đã tiếp nối và phát huy truyền thống đó của gia đình, dòng họ. Ông làm quan trải ba triều chúa Nguyễn, một lòng trung cần với sự nghiệp của chúa. Không những vậy, ông còn là một vị quan yêu dân, đã giúp đỡ cho nhiều người dân có cuộc sống tốt hơn. Những công lao đó của ông vẫn còn được lưu dấu lại trên các làng quê Thừa Thiên Huế, mà cụ thể là các làng Mỹ Á, Thủy Tú, Vân Dương với những di tích, di vật gắn liền với sự thờ phụng của người dân nơi đây đối với ông. ABSTRACT THE HALLMARK OF A HIGH-RANK OFFICIAL UNDER THE REIGN OF NGUYỄN LORDS VIEWED IN HUE VILLAGES Nguyễn Cửu Thế (1666-1731) was born into a martial family serving the Nguyen Lords in Cochinchina. He was the one who closely followed and promoted the tradition of his family. He underwent three reigns of Nguyen Lords as a righteous and diligent official. In addition, with his love for the masses, he also helped many people to have a better life. His merits still exist in Hue’s villages, namely the villages of Mỹ A, Thủy Tú and Vân Dương through relics and artifacts closely associated with his worship there.
File đính kèm:
- dau_an_cua_mot_vi_quan_thoi_chua_nguyen_qua_goc_nhin_lang_xa.pdf