Hướng dẫn sinh viên sử dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh”
Abstract: The paper presents a five-step process of designing mind map in teaching module
“Method for preschool children to explore the surrounding environment”. Also, the paper proposes
some measures to help students apply mind map in collecting information and identify the links
among information. As a result, the memory and creative thinking skills of students will
be improved.
Bạn đang xem tài liệu "Hướng dẫn sinh viên sử dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh”", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Hướng dẫn sinh viên sử dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh”
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12/2017, tr 97-101 97 Email: lnphuong@agu.edu.vn HƯỚNG DẪN SINH VIÊN SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TƯ DUY TRONG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN “PHƯƠNG PHÁP CHO TRẺ MẦM NON KHÁM PHÁ KHOA HỌC VỀ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH” Lê Ngọc Phượng - Trường Đại học An Giang Ngày nhận bài: 22/11/2017; ngày sửa chữa: 07/12/2017; ngày duyệt đăng: 08/12/2017. Abstract: The paper presents a five-step process of designing mind map in teaching module “Method for preschool children to explore the surrounding environment”. Also, the paper proposes some measures to help students apply mind map in collecting information and identify the links among information. As a result, the memory and creative thinking skills of students will be improved. Keywords: Mind map, discovering, surroundings. 1. Mở đầu Sự phát triển không ngừng của khoa học, kĩ thuật và công nghệ trong những thập niên gần đây làm cho khối lượng tri thức nhân loại thu được ngày càng lớn. Điều này tạo cho mỗi người có nhiều cơ hội để học tập và tích lũy kiến thức. Do đó, nhà giáo dục không chỉ chú ý đến việc truyền thụ tri thức, mà quan trọng hơn, đó là dạy “cách” học, “cách” nghiên cứu, kích thích người học tích cực, chủ động, sáng tạo. Một trong những công cụ hỗ trợ dạy học tích cực giúp nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên (SV) là sử dụng bản đồ tư duy (BĐTD) - dạng sơ đồ kết hợp giữa từ ngữ, đường nét và màu sắc giúp chúng ta tập trung các thông tin, tìm ra mối liên hệ giữa chúng để ghi nhớ nhanh chóng, lâu dài và thúc đẩy tư duy linh hoạt, sáng tạo của cá nhân. Hiện nay, chương trình đào tạo giáo viên (GV) mầm non ở nước ta có học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh (MTXQ)” giúp SV có những kiến thức chung về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và học cách tổ chức cho trẻ khám phá khoa học theo xu hướng đổi mới. Trong đó, các hoạt động giáo dục hướng tới việc dạy cho trẻ biết cách học như thế nào nhằm phát huy tối đa tính tích cực của trẻ. Học phần này là cơ hội cho GV hướng dẫn SV sử dụng BĐTD kết nối các kiến thức được học để ghi nhớ tốt hơn, phát huy tính sáng tạo của cá nhân trong thiết kế và sử dụng BĐTD cách linh hoạt khi tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường mầm non. BĐTD là một công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc dạy và học nhưng nếu sử dụng không đúng cách, hình thức tổ chức không phù hợp thì có thể chỉ mang tính hình thức, gây mất nhiều thời gian và quan trọng hơn, SV sẽ không có cơ hội để chủ động tiếp nhận tri thức, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của bản thân. Do đó, chúng tôi đề xuất một số biện pháp hướng dẫn SV sử dụng BĐTD trong giảng dạy học phần này nhằm kích thích hứng thú người học, ghi nhớ các thông tin cần thiết, phát triển khả năng tưởng tượng sáng tạo và biết cách áp dụng hình thức này khi tổ chức một số hoạt động ở trường mầm non. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. BĐTD và công dụng của BĐTD Người xây dựng mô hình và phát triển BĐTD - Tony Buzan - định nghĩa: “BĐTD là biểu hiện của tư duy mở rộng, cho nên nó là chức năng tự nhiên của tư duy. Nó là kĩ thuật đồ họa đóng vai trò chiếc khóa vạn năng để khai thác tiềm năng của bộ não. BĐTD gồm 4 đặc điểm chính: đối tượng nhận thức được tóm lược trong một hình ảnh trung tâm; từ hình ảnh trung tâm, chủ đề chính của đối tượng tỏa rộng thành các nhánh; các nhánh được cấu thành từ một hình ảnh chủ đạo hay từ khóa trên một dòng liên kết. Những vấn đề phụ cũng được biểu thị bởi các nhánh gắn kết với các nhánh có thứ bậc cao hơn; các nhánh tạo thành một cấu trúc nút liên kết nhau” [1; tr 66-67]. Vào những năm 70 của thế kỉ XX, ông đã đưa ra mô hình và phổ biến rộng rãi phương pháp sơ đồ tư duy (Mind Mapping). Cho đến nay, BĐTD đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và giáo dục. Trước tiên, phải kể đến Tony Buzan và Barry Buzan, trong cuốn “The Mind map book”, hai ông đã đưa ra các kĩ năng lập BĐTD, lợi ích của việc sử dụng cho cá nhân (tự phân tích, giải quyết vấn đề, ghi nhật kí) [1; tr 195- 220], trong kinh doanh (hội họp, thuyết trình, quản lí) [1; tr 270-302]. Các tác giả cũng nghiên cứu cách sử dụng BĐTD cho đối tượng là học sinh, SV trong các bài tiểu luận, viết văn, các kì thi và người làm công tác giáo dục trong việc soạn ghi chú cho bài giảng, trình bày bài giảng VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12/2017, tr 97-101 98 trên lớp, làm công cụ để kiểm tra kiến thức và mức độ hiểu bài của người học [1; tr 233-269]. Trong tác phẩm “Ứng dụng của BĐTD”, Joyce Wycoff cho rằng, BĐTD cho phép tổ chức các ý tưởng trong ít phút, thúc đẩy sáng tạo, phá vỡ trở ngại mà người viết gặp phải và cung cấp một cơ chế động não hiệu quả [2; tr 15]. Bà đã nghiên cứu, đưa ra những ứng dụng cụ thể từng bước của BĐTD trong việc phát triển kĩ năng viết [2; tr 85-108], khả năng thuyết trình [2; tr 161-178], xây dựng và quản lí các kế hoạch [2; tr 109-128], Trong mỗi ứng dụng, tác giả trình bày các bước tiến hành và những điểm cần lưu ý để xây dựng và sử dụng hiệu quả BĐTD. Nhóm tác giả J.L.Deladrière, F.L.Bihan, P.Morgin, D.Rebaud trong tác phẩm “Sắp xếp ý tưởng với sơ đồ tư duy” đưa ra lí giải vì sao cần sử dụng BĐTD, cách xây dựng và những lợi ích đạt được khi sử dụng BĐTD trong quản lí công việc, ghi chú, điều hành cuộc họp, quản lí dự án [3]. Ở Việt Nam, BĐTD đã được sử dụng trong giáo dục ở các cấp học và các môn học khác nhau như Toán, Lí, Văn, Anh văn, nhằm tạo hứng thú cho học sinh để các em ghi chú, hệ thống hóa, liên kết các mạch kiến thức và tái hiện bài học tốt hơn. Nhìn chung, có nhiều quan niệm, cách thức sáng tạo một BĐTD nhưng chúng đều có một số điểm giống nhau về hình thức và công dụng. Về hình thức, các BĐTD đều sử dụng màu sắc, có một cấu trúc cơ bản được phát triển rộng ra từ trung tâm với nhánh là các đường thẳng hoặc cong, những từ ngữ ngắn gọn kết hợp biểu tượng, hình ảnh để diễn đạt sinh động, đầy đủ các thông tin dài. Về công dụng, BĐTD giúp mỗi người suy nghĩ sáng tạo, linh hoạt đồng thời nhìn thấy bức tranh toàn thể của vấn đề. Như vậy, với thiết kế là một sơ đồ mở theo mạch tư duy của cá nhân, không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết khắt khe như bản đồ địa lí, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, cùng một nội dung nhưng mỗi người thể hiện theo cách riêng để phân tích và tổng hợp các vấn đề, ghi nhớ nhiều hơn, sáng tạo hơn. 2.2. Hướng dẫn SV sử dụng BĐTD trong giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” Hiện nay, BĐTD không phải là mới với nhiều SV, họ có thể vẽ được một BĐTD, tuy nhiên để tạo được BĐTD gọn gàng nhưng có khả năng lưu trữ tốt thì cần có nhiều kĩ năng. Do đó, để giúp SV vận dụng hiệu quả hình thức này, GV nên thực hiện theo trình tự gồm hai hoạt động là cung cấp kiến thức cho SV về BĐTD, sau đó rèn luyện cho SV kĩ năng thiết kế và sử dụng BĐTD của các nội dung trong học phần này. 2.2.1. Cung cấp kiến thức cho SV về BĐTD trong giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” GV cần tận dụng thời gian ngay từ những tiết học đầu tiên trong quá trình giảng dạy lí thuyết học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” để người học tiếp cận và có những kiến thức cơ bản về BĐTD. Việc này cũng đưa ra một “hình ảnh” mới nhằm tạo hứng thú cho SV. Chúng ta có thể thực hiện theo các bước sau: - Bước 1: Khi soạn giảng, GV thiết kế BĐTD cho một số nội dung bài học của học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” Chúng tôi đã chọn thiết kế BĐTD nội dung “Bài mở đầu” của học phần này để giúp SV có cái nhìn tổng quát về môn học, đồng thời có phương pháp học tập phù hợp với môn học. Khi thiết kế BĐTD này, cần tuân thủ theo các nguyên tắc vẽ BĐTD và quy trình 5 bước. 1) Chuẩn bị dụng cụ: Để thuận tiện cho việc trình bày bài giảng qua projector/ tivi LCD, GV có thể sử dụng phần mềm Buzan’s iMindmap thiết kế trên máy tính thay cho bút màu trên giấy. Đây là sản phẩm số thể hiện đúng theo tinh thần về BĐTD của Tony Buzan do chính ông và các cộng sự thiết kế. Khi thiết kế, có thể lựa chọn nhiều hình ảnh, màu sắc và các kí hiệu kết nối. Đồng thời, các nhánh luôn có thể điều chỉnh uốn lượn, giống như mạch nơron thần kinh của con người thể hiện sự mềm dẻo của một tư duy linh hoạt. 2) Vẽ chủ đề trung tâm: GV xác định chủ đề trung tâm và biểu thị bằng một hình ảnh biểu thị cho chủ đề. Với “Bài mở đầu”, có thể xác định từ trung tâm là “Nhập môn” với hình ảnh là nút “Start”. Hình ảnh này giúp SV liên tưởng đến việc “bắt đầu” cho một môn học mới. 3) Phân nhánh lớn từ hình ảnh trung tâm: Nội dung “Bài mở đầu” gồm 5 phần: Lịch sử môn học; Đối tượng, nhiệm vụ môn học; Mối quan hệ với các môn học khác; Cấu trúc học phần; Phương pháp học [4]. 5 phần sẽ được vẽ trên 5 nhánh lớn bắt đầu từ hình ảnh trung tâm. Trên Hình 1. BĐTD cấp 1 bài Mở đầu VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12/2017, tr 97-101 99 mỗi nhánh là từ khóa (nội dung chính) và hình ảnh minh họa (nếu có). Chẳng hạn, nhánh đầu tiên có từ “lịch sử” và hình ảnh đồng hồ và mũi tên quay ngược thời gian; nhánh có từ “cấu trúc” sẽ kèm hình ảnh là tòa nhà 5 tầng (kí hiệu 5 chương của học phần) Chúng ta sẽ có BĐTD như hình 1. 4) Tiếp tục phân các nhánh nhỏ: Từ BĐTD cấp đầu tiên, tiếp tục phân nhánh nhỏ từ đầu mút của mỗi nhánh lớn. Từ khóa và hình ảnh của các nhánh nhỏ là nội dung được triển khai từ các nhánh lớn. Chúng ta sẽ có BĐTD (hình 2): 5) Hoàn thiện BĐTD: Ở bước này, chúng ta xem lại tổng quát, giúp các ý quan trọng thêm nổi bật (tô màu chữ, viền khung xung quanh nội dung cần lưu ý), bổ sung các liên kết cần thiết, phân bố lại vị trí các nhánh. Riêng nhánh phương pháp học, GV có thể thiết kế riêng một BĐTD (hình 3) để SV dễ dàng theo dõi, đồng thời tìm ra những điểm chung của các BĐTD được xem. - Bước 2: GV giới thiệu và trình bày nội dung bài học thông qua BĐTD. GV sử dụng BĐTD để trình bày nội dung bài học bằng cách: 1) Chuẩn bị hệ thống câu hỏi: GV chuẩn bị hệ thống câu hỏi gồm các câu hỏi đóng và mở theo cấp độ nhận thức của Bloom giúp SV triển khai nội dung bài học theo BĐTD. Ví dụ: Hình ảnh ở trung tâm BĐTD giúp bạn liên tưởng đến điều gì? Hình ảnh đồng hồ quay ngược thời gian làm bạn nghĩ đến điều gì? Để biểu thị hình ảnh về “lịch sử môn học”, bạn có thể dùng những hình ảnh nào khác? Bạn hãy sử dụng từ khóa và những hình ảnh trên nhánh “lịch sử” để tóm tắt lịch sử môn học “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ”. 2) Sử dụng BĐTD trình bày bài giảng: GV dùng BĐTD đã thiết kế để trình bày nội dung bài giảng theo trình tự: hình ảnh trung tâm đến nhánh lớn đến nhánh nhỏ. Khi trình bày xong một nội dung, GV tóm tắt lại nội dung đó. 3) Đề nghị SV thử tóm tắt bài giảng bằng BĐTD: Với những nội dung tiếp theo của bài học, GV có thể đề nghị SV tóm tắt nội dung từng phần thông qua BĐTD. 4) Hệ thống lại bài giảng thông qua BĐTD: Cuối bài học, GV hệ thống bài giảng giúp SV ghi nhớ lại toàn bộ nội dung bài học. Ví dụ: Chúng ta bắt đầu học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” với 5 nội dung chính: + Quay ngược thời gian tìm kiếm lịch sử môn học: Đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và ở Việt Nam với những tên gọi: Phương pháp cho trẻ làm quen môi trường thiên nhiên, Khoa học, Tổ chức cho trẻ làm quen MTXQ và năm 2003 là tên gọi như hiện nay để nhấn mạnh mục tiêu phát triển năng lực chung và tính tích cực hoạt động cho trẻ. + Là môn học khoa học ứng dụng, nghiên cứu quá trình cho trẻ khám phá khoa học ở trường mầm non, môn học có 3 nhiệm vụ chính là giúp SV: lĩnh hội tri thức, có kĩ năng tổ chức và chủ động sáng tạo khi tổ chức hoạt động. + Môn học có mối quan hệ mật thiết với những môn cơ sở và môn chuyên ngành. + Để giúp SV đạt được những nhiệm vụ vừa nêu, môn học có cấu trúc như một ngôi nhà 5 tầng với 5 chương. + Bắt đầu một công việc đều cần những phương pháp phù hợp. Với học phần này, người học cần có 3 phương pháp chính là: đọc hợp lí, tư duy linh hoạt và tích cực thực hành. - Bước 3: Yêu cầu SV tìm điểm chung của những BĐTD đã được xem GV yêu cầu SV liệt kê những điểm giống nhau của những BĐTD đã được xem và đưa ra khái niệm BĐTD. GV có thể sử dụng kĩ thuật “khăn phủ bàn” (hình 4) để kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực, đồng thời tăng cường tính độc lập của SV bằng cách: Hình 2. BĐTD cấp 2 bài Mở đầu VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12/2017, tr 97-101 100 + Chia SV thành các nhóm và phát cho mỗi nhóm một tờ giấy A2/A1 (tùy điều kiện thực tế bàn học và số lượng SV). + Trên giấy A2 chia thành các phần (như hình 4) gồm phần chính giữa và phần xung quanh. Phần xung quanh được chia theo số thành viên của nhóm (ví dụ nhóm 4 người, 8 người,). Mỗi SV ngồi vào vị trí tương ứng với từng phần xung quanh. + Mỗi SV làm việc độc lập (thời gian: 3 phút), tập trung suy nghĩ theo cách hiểu riêng của cá nhân và viết vào phần giấy của mình. + Trên cơ sở những ý kiến của mỗi cá nhân, SV thảo luận nhóm, thống nhất ý kiến và viết vào phần giữa của “khăn phủ bàn” (thời gian: 5 phút). - Bước 4: SV trình bày ý kiến và đưa ra kết luận về định nghĩa BĐTD + SV trình bày ý kiến và đưa ra khái niệm BĐTD: Đại diện nhóm trình bày ngắn gọn kết quả theo phần “ý kiến chung của cả nhóm”. Các nhóm khác bổ sung những ý kiến còn thiếu. + GV tổng hợp ý kiến, kết luận: Từ những ý kiến chung của các nhóm, GV tổng hợp những điểm chung về hình thức và công dụng của BĐTD. Từ những điểm chung, rút ra khái niệm: BĐTD là một hình thức ghi chép theo mạch tư duy của mỗi người bắt đầu từ hình ảnh trung tâm là vấn đề chính tỏa ra các nhánh kết hợp nét vẽ, màu sắc và từ khóa để suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt đồng thời tiếp thu và ghi nhớ nhiều thông tin. 2.2.2. Rèn luyện cho SV thiết kế và sử dụng BĐTD trong giảng dạy học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” GV sẽ cùng SV thiết kế BĐTD cho nội dung những bài học tiếp theo nhằm giúp SV ghi nhớ bài học, đồng thời thực hành việc thiết kế một BĐTD và sử dụng chúng trong việc ôn tập, hệ thống hóa. - Bước 1: GV chọn một nội dung bài giảng, cùng SV thảo luận, chia sẻ các ý kiến để làm rõ nội dung đó thông qua BĐTD - Bước 2: GV cùng SV thiết kế BĐTD theo quy trình 5 bước. Khi thực hiện bước này, GV cần chuẩn bị trước: + GV (hoặc yêu cầu SV) chuẩn bị dụng cụ là một hoặc phối hợp các phương tiện sau đây: Phần mềm iMindmap, máy tính có kết nối internet, máy chiếu, phông màn; bảng, phấn trắng, phấn màu; giấy, bút màu, bút chì. + Xây dựng hệ thống câu hỏi liên quan đến nội dung bài học. + BĐTD “quy trình thiết kế BĐTD” (hình 5) để giúp SV ghi nhớ các bước thực hiện. Ví dụ: GV và SV cùng thiết kế BĐTD nội dung phần định nghĩa “Môi trường xung quanh” (mục 2, phần I, chương 1). + Chuẩn bị dụng cụ: Phần mềm iMindmap, máy tính có kết nối internet, máy chiếu, phông màn; bảng, phấn trắng, phấn màu; chia bảng làm 2 phần (một phần lớn, một phần nhỏ) theo bảng dưới đây: Phần để ghi nháp các từ khóa và vẽ nháp các hình ảnh Phần để SV vẽ BĐTD Ý kiến chung cả nhóm Viết ý kiến cá nhân 1 Viết ý kiến cá nhân 3 V iết ý k iến cá n h ân V iế t ý k iế n c á n h ân 4 2 Ý kiến chung cả nhóm 1 3 4 2 5 6 7 8 Hình 4. Kĩ thuật “khăn phủ bàn” Hình 5. Quy trình thiết kế BĐTD VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12/2017, tr 97-101 101 + Vẽ chủ đề trung tâm: GV đặt các câu hỏi như “MTXQ là gì? MTXQ trẻ em là gì? Bạn có thể dùng hình ảnh đơn giản nào để biểu thị MTXQ?” Sau đó, đề nghị một số SV vẽ thử hình ảnh của mình (lưu ý SV vẽ hình ảnh đơn giản, ít chi tiết). Tiếp tục cho cả lớp chọn hình ảnh biểu trưng nhất về “MTXQ” để vẽ vào chính giữa phần rộng của bảng. Đồng thời, GV sử dụng iMindmap chọn một hình ảnh để vẽ hình ảnh chủ đề trên máy tính. + Phân nhánh lớn (nhánh cấp 1) từ hình ảnh trung tâm: GV sử dụng các câu hỏi như “Từ định nghĩa MTXQ, chúng ta có thể phân thành những nội dung nào? Từ khóa và hình ảnh biểu trưng của từng nội dung là gì?”. Yêu cầu lớp chọn hình ảnh biểu trưng từ những hình vẽ nháp bên phần nhỏ của bảng và dùng 2 màu phấn khác nhau vẽ 2 nhánh lớn (ví dụ: xanh, vàng) bắt đầu từ trung tâm. Cùng lúc này, GV tiếp tục sử dụng iMindmap vẽ nhánh lớn. + Tiếp tục phân nhánh nhỏ: Phân các nhánh cấp 2: Từ giáo trình môn học, GV yêu cầu SV phân nhánh cấp 2 là nội dung chính của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Sử dụng màu phấn xanh cho những nhánh, từ khóa và hình ảnh của môi trường thiên nhiên và màu phấn vàng cho nhánh còn lại. Phân nhánh cấp 3: GV chia SV thành 5 nhóm. Mỗi nhóm tiếp tục vẽ nội dung của từng nhánh thông qua những từ và hình ảnh và thuyết trình về nội dung của nhánh đó. + Hoàn thiện BĐTD: GV tổng hợp ý kiến, chỉnh sửa BĐTD và sử dụng kí hiệu để nối kết các nhánh (ví dụ: sử dụng dấu mũi tên 2 chiều để chỉ mối quan hệ qua lại giữa giới hữu sinh và giới vô sinh); dùng BĐTD vừa thiết kế trên máy tóm tắt lại nội dung bài học (hình 6), đề nghị SV khi về nhà tự thiết kế BĐTD cho các bài học theo “phong cách” riêng của mình để ghi nhớ nội dung bài học. 3. Kết luận Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực con người Việt Nam hiện nay, ngành giáo dục được giao trọng trách phải đào tạo được đội ngũ GV đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới, có năng lực chuyên môn, vững vàng và phương pháp làm việc khoa học với tư duy sáng tạo để có khả năng giải quyết vấn đề phức hợp trong các tình huống thay đổi. Với hình thức ghi chép theo mạch tư duy của mỗi người bắt đầu từ hình ảnh trung tâm là vấn đề chính tỏa ra các nhánh kết hợp nét vẽ, màu sắc, từ khóa để suy nghĩ linh hoạt đồng thời tiếp thu và ghi nhớ nhiều thông tin, BĐTD là một trong những công cụ giúp SV ngành giáo dục mầm non có kĩ năng làm việc khoa học, phát triển tư duy sáng tạo. Việc sử dụng BĐTD thông qua trong học phần “Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về MTXQ” là một cách làm mới, phù hợp và khả thi trong nhà trường, giúp SV học được “cách học”, biết cách sắp xếp thông tin và ý tưởng một cách khoa học, hệ thống hơn; kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của bản thân. Tài liệu tham khảo [1] Buzan Tony (2006). The mind map book. Pearson Education Limited, UK. [2] Joyce Wycoff (biên dịch: Thanh Vân, Việt Hà) (2009). Ứng dụng Bản đồ tư duy. NXB Lao động - Xã hội. [3] Deladrière Jean-Luc - Brihan Frédéric - Mongin Pierre - Rebaund Denis (biên dịch: Trần Chánh Nguyên) (2009). Sắp xếp ý tưởng với sơ đồ tư duy. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. [4] Hoàng Thị Oanh - Nguyễn Thị Xuân (2008). Giáo trình Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh. NXB Giáo dục. [5] Buzan Tony (biên dịch: Lê Huy Lâm) (2008). Hướng dẫn kĩ năng học tập theo phương pháp Buzan. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. [6] Trần Đình Châu - Đặng Thị Thu Thủy (2011). Dạy tốt học tốt các môn học bằng bản đồ tư duy. NXB Giáo dục. [7] Hoàng Thị Phương (2008). Giáo trình Lí luận và phương pháp hướng dẫn trẻ làm quen với môi trường xung quanh. NXB Đại học Sư phạm. Hình 6. BĐTD về MTXQ
File đính kèm:
- huong_dan_sinh_vien_su_dung_ban_do_tu_duy_trong_giang_day_ho.pdf