Khát vọng canh tân đất nước của Nguyễn Bá Trác trong "Hạn mạn du kí"

TÓM TẮT

Trong những năm đầu thế kỉ XX, nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh duy tân đất nước,

Nguyễn Bá Trác đã lên đường sang các nước châu Á cầu học. Hành trình của Nguyễn Bá Trác kéo

dài và gặp nhiều khó khăn. Tuy giấc mơ cứu nước không thành nhưng ông đã sống hết mình với

khát vọng và hoài bão của tuổi trẻ. Điều đó được ông gửi gắm vào thiên du kí sinh động Hạn mạn

du kí. Tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được phần nào tấm lòng yêu nước của Nguyễn Bá

Trác ở giai đoạn còn là “khúc sông trong” trong cuộc đời nhiều khúc đoạn của ông. Bài viết tìm

hiểu hai khía cạnh trong khát vọng canh tân đất nước của ông, đó là mong mỏi có một thể chế

chính trị tiến bộ và đi liền với đó là một xã hội phát triển phồn vinh.

pdf 13 trang yennguyen 5360
Bạn đang xem tài liệu "Khát vọng canh tân đất nước của Nguyễn Bá Trác trong "Hạn mạn du kí"", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Khát vọng canh tân đất nước của Nguyễn Bá Trác trong "Hạn mạn du kí"

Khát vọng canh tân đất nước của Nguyễn Bá Trác trong "Hạn mạn du kí"
 TẠP CHÍ KHOA HỌC 
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH 
Tập 17, Số 4 (2020): 598-610 
HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION 
JOURNAL OF SCIENCE 
Vol. 17, No. 4 (2020): 598-610 
ISSN: 
1859-3100 Website:  
598 
Bài báo nghiên cứu* 
KHÁT VỌNG CANH TÂN ĐẤT NƯỚC CỦA NGUYỄN BÁ TRÁC 
TRONG HẠN MẠN DU KÍ 
Võ Thị Thanh Tùng*, Đặng Phan Quỳnh Dao 
Trường Đại học Thủ Dầu Một, Việt Nam 
*Tác giả liên hệ: Võ Thị Thanh Tùng – Email: thanhtung2212@yahoo.com 
Ngày nhận bài: 02-12-2019; ngày nhận bài sửa: 11-02-2020, ngày chấp nhận đăng: 18-4 -2020 
TÓM TẮT 
Trong những năm đầu thế kỉ XX, nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh duy tân đất nước, 
Nguyễn Bá Trác đã lên đường sang các nước châu Á cầu học. Hành trình của Nguyễn Bá Trác kéo 
dài và gặp nhiều khó khăn. Tuy giấc mơ cứu nước không thành nhưng ông đã sống hết mình với 
khát vọng và hoài bão của tuổi trẻ. Điều đó được ông gửi gắm vào thiên du kí sinh động Hạn mạn 
du kí. Tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được phần nào tấm lòng yêu nước của Nguyễn Bá 
Trác ở giai đoạn còn là “khúc sông trong” trong cuộc đời nhiều khúc đoạn của ông. Bài viết tìm 
hiểu hai khía cạnh trong khát vọng canh tân đất nước của ông, đó là mong mỏi có một thể chế 
chính trị tiến bộ và đi liền với đó là một xã hội phát triển phồn vinh. 
Từ khóa: canh tân; cầu học; Hạn mạn du kí; Nguyễn Bá Trác 
1. Giới thiệu 
Nguyễn Bá Trác sinh năm 1881 tại làng Bảo An (nay là xã Điện Quang), huyện Điện 
Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ học ở Quảng Nam, năm 1906, ông thi đỗ cử nhân ở Huế, 
hai năm sau ông ra Hà Nội học tiếng Pháp nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái 
quốc trong phong trào Đông Du, tiếp đó ông sang Nhật du học. Khi chính phủ Nhật giải 
tán phong trào Đông Du, Nguyễn Bá Trác sang Trung Quốc. Năm 1914, ông trở về Hà 
Nội. Trong khoảng hai năm sau khi về nước, ông làm ở phòng báo chí phủ Toàn quyền 
Đông Dương và chủ bút phần bài chữ Hán của tờ Cộng Thị. 
Năm 1917, khi Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong tạp chí, ông đảm nhiệm phần Hán 
văn của tờ báo này. Năm 1919, sau khi thôi làm ở báo Nam Phong, ông vào Huế làm Tá lí 
Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần vũ Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng 
đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định. Ông mất năm 1945 tại Quy Nhơn (Bình Định). 
Nguyễn Bá Trác để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu 
(1925), Bàn về học thuật nước Tàu (1918), Bàn về Hán học (1920), Hương giang mộng 
Cite this article as: Vo Thi Thanh Tung, & Dang Phan Quynh Dao (2020). Nguyen Ba Trac’s desire to renew 
the country in “Han man du ki”. Ho Chi Minh City University of Education Journal of Science, 17(4), 
598-610. 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Thanh Tùng và tgk 
599 
(1920), Ngã An Nam dân tộc Nam tiến chi lịch sử (1921), Mấy lời chung cáo của các nhà 
nho (1921), Du Thanh hòa kí (1921) Ông sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, 
trong đó có những tác phẩm ông viết bằng chữ Hán, sau đó, tự dịch sang chữ Quốc ngữ, 
Hạn mạn du kí là một tác phẩm như thế. Tác phẩm du kí nổi tiếng này lúc đầu được ông 
sáng tác bằng chữ Hán, đăng trên tạp chí Nam Phong từ số 22 đến số 35 năm 1919, 1920; 
sau đó tự dịch sang chữ Quốc ngữ và tiếp tục đăng trên Nam Phong từ số 38 đến 43 năm 
1920, 1921. 
Hạn mạn du kí gồm 14 chương, ghi lại hành trình gian khổ kéo dài 6 năm qua các 
nước Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Hồng Kông, trong đó thời gian lưu trú tại Nhật Bản 
đã để lại cho tác giả nhiều ấn tượng sâu đậm. Tác phẩm khi được dịch ra chữ Quốc ngữ và 
đăng trên báo Nam Phong đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Bàn về tác phẩm này, 
Phạm Thế Ngũ từng viết: 
Câu Việt văn khá mạch lạc suông sẻ, đôi chỗ đăng đối du dương. Những tình tiết li kì của 
cuộc phiêu lưu nơi đất lạ đã đem lại cho câu chuyện nhiều vẻ hấp dẫn. Nhất là đối với các 
Nho gia ta khi ấy từng ôm cái mộng Đông du; nếu không thì trí não cũng đầy kỉ niệm văn 
chương về danh nhân, danh thắng Trung Hoa, đọc Hạn mạn du kí của Nguyễn Bá Trác thật 
là thú vị. Cả nữ giới cũng hoan nghênh lắm. Bà Tương Phố từng kể hay gối Nam Phong ở 
đầu giường để đọc du kí của ông Quỳnh (Phạm Quỳnh), ông Trác mà mộng du đất Pháp, đất 
Tàu. Ông Dương Quảng Hàm khi làm sách Quốc văn trích diễm (1925) dành hẳn cho thiên 
du kí của Nguyễn Bá Trác hai bài trích, đó là Đường đi Hương Cảng và Điếu Kim Lăng, đủ 
thấy độc giả đương thời đã thích thưởng thức dường nào. (Pham, 1965, p.326-327). 
Có thể thấy đây là tác phẩm du kí không chỉ có giá trị về mặt tư liệu mà còn rất giàu 
tính văn chương, nhưng đóng góp dễ nhận thấy nhất là về mặt cách tân chữ viết, cách hành 
văn, cách phản ánh những vấn đề thẩm mĩ do thời đại đặt ra góp phần vào quá trình hiện 
đại hóa nền văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. 
Đánh giá về cuộc đời của Nguyễn Bá Trác, Quách Tấn từng viết: “Nguyễn Bá Trác 
lúc theo cụ Sào Nam ở hải ngoại và Nguyễn Bá Trác ra làm quan cùng thực dân Pháp là 
hai khúc sông trong đục khác hẳn nhau” (Tran, 2012). Hạn mạn du kí được sáng tác khi 
Nguyễn Bá Trác còn là “khúc sông trong”. Tác phẩm là “nỗi lòng” của một thanh niên trí 
thức yêu nước “khi chưa ngậm mùi danh lợi”. Khi bàn về Hồ trường, một bài thơ nằm 
trong tập Hạn mạn du kí, Quách Tấn giải thích thêm: 
Bởi lòng có thể dối được với nhân thế mà không thể dối được với văn chương. Vì sao vậy, vì 
văn chương phản chiếu tâm sự. Trừ phi tấm gương phản phúc tức văn chương không thành 
văn chương, thì tâm sự mới bị lệch lạc. Mà bài Hồ trường văn chương chân thực, không có 
chút giả tạo, nên đáng tin rằng lòng của Nguyễn Bá Trác lúc còn ở Hải ngoại chưa bị bùn 
danh lợi làm vẩn nhơ. Ít ra lúc làm bài Hồ trường, lòng Nguyễn Bá Trác lắng hết bùn danh 
lợi xuống dưới đáy sâu, nên văn chương mới được thanh tao thế ấy. Đó là mảnh gương phản 
chiếu khúc sông trong của quãng đời tha phương của Nguyễn Bá Trác. (Tran, 2012). 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 4 (2020): 598-610 
600 
Quả như Quách Tấn nhận xét, sau khi đọc xong tác phẩm, ta cảm nhận được tấm 
lòng “chân thực, không có chút giả tạo” của Nguyễn Bá Trác. Trong bài viết này, chúng tôi 
tự nhận thấy bản thân chưa đủ trình độ để phán xét một nhân vật lịch sử vẫn còn nhiều 
điểm chưa thống nhất về cách đánh giá, nên chỉ đi vào tìm hiểu một khía cạnh trong con 
người ông khi còn là “khúc sông trong”, đó là khát vọng canh tân đất nước được ông giãi 
bày trong Hạn mạn du kí, mong đóng góp thêm một cái nhìn đa chiều về nhân vật lịch sử 
này trong phong trào Đông Du. 
2. Nội dung nghiên cứu 
Tình hình chính trị ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX hết sức rối ren. Hầu hết 
các phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược bị chính quyền đô hộ đàn áp dã man. 
Công cuộc cứu nước ở Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Trước tình hình ấy, do ảnh hưởng 
của phong trào tân thư từ Nhật Bản, Trung Quốc, các sĩ phu có tư tưởng cấp tiến đã cổ 
động phong trào Duy Tân kêu gọi các tầng lớp thanh niên tìm đường mà “cầu học cho rộng 
kiến thức”. Trong số các nước trong khu vực Đông Á cần học hỏi thì Nhật Bản là đích đến 
đầu tiên, vì những năm đầu thế kỉ XX, nhờ học hỏi phương Tây mà Nhật Bản đã trở thành 
quốc gia giàu mạnh. Theo ghi nhận của Nguyễn Bá Trác, lúc bấy giờ Nhật Bản đã là nước 
“Tây hóa” một cách triệt để: 
Như Nhật Bản lúc mới duy tân, lòng người nô nức về Âu hóa. Việc chính trị của chính phủ 
như: việc ngoại giao, việc quân đội, nhất thiết là bắt chước Âu Mĩ đã đành, còn hình trạng 
trong xã hội, cũng vị lòng người hí tân yếm cựu mà muốn thay đổi đi hồ hết. (Nguyen, 2007, 
p.116). 
Phong trào Đông Du ra đời nhằm thỏa mãn khát vọng xây dựng một quốc gia tự lực 
tự cường của một bộ phận thanh niên có lí tưởng. Hưởng ứng phong trào này, Nguyễn Bá 
Trác cũng háo hức lên đường để thực hiện sứ mệnh của một thanh niên yêu nước. Niềm 
đam mê học hỏi, ý chí tiến thủ của tác giả bao trùm toàn bộ tác phẩm: “Cái nhiệt độ về 
lòng tiến thủ của tôi bây giờ đà lên đến cực điểm, lúc ra khỏi nước nhà muốn tìm được nơi 
học hành cho thêm trí thức, biết Bangkok không phải là nơi cầu học, liền từ bạn đáp tàu mà 
đi Hồng Kông” (Nguyen, 2007, p.97), sau đó tìm đường đến Nhật Bản, dù biết rằng hành 
trình đến với đất nước mặt trời mọc này không hề dễ dàng trong bối cảnh Đông Á đang 
trong cơn “dầu sôi lửa bỏng”. 
Là sản phẩm của một thanh niên nhiều trăn trở với vận mệnh của đất nước, Hạn mạn 
du kí không chỉ là “Lời kí của một người đi chơi phiếm” (Nguyen, 2007, p.84) mà còn 
chứa đựng những khát vọng lớn lao, những ước mơ cháy bỏng về một quốc gia hùng 
cường làm tiền đề thoát khỏi sự đô hộ của thực dân, phong kiến. Nói như Nguyễn Tuân thì 
những tác phẩm như thế này sẽ góp phần “thức tỉnh hồn nước và đổi mới hơn lên cái lòng 
yêu nước cũ” (Nguyen, 1986, p.216). Bài viết này chỉ đi vào hai khía cạnh của khát vọng 
ấy, đó là mong muốn đất nước có một thể chế chính trị tiến bộ, đi cùng với thể chế ấy là 
một xã hội phát triển thịnh vượng, văn minh của Nguyễn Bá Trác. 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Thanh Tùng và tgk 
601 
2.1. Khát vọng về một thể chế chính trị tiến bộ 
Ra đi với tâm thế của một nhà chính trị, do đó, sự quan tâm của Nguyễn Bá Trác 
không tập trung nhiều vào các khía cạnh như địa dư, lịch sử, phong tục tập quán, cảnh sắc 
thiên nhiên hay tôn giáo Trong toàn bộ du kí của mình, Nguyễn Bá Trác chủ yếu tập 
trung vào những vấn đề liên quan đến cuộc sống, ý thức chính trị của người dân các nước 
mà ông đã đi qua, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến đời sống chính trị của Nhật Bản, 
thông qua đó giãi bày những trăn trở của một người trí thức đeo nặng nỗi ưu tư trước tình 
trạng lạc hậu, yếu đuối, mất tự do tại quê nhà. Do đó, không khí chung khi đọc du kí này 
là một nỗi buồn man mác của một người con tha phương đang đau đáu về nơi cố quốc. 
Cuối thế kỉ XIX, hầu hết các nước châu Á đều trở thành miếng mồi ngon và đứng 
trước nguy cơ bị biến thành thuộc địa của thực dân phương Tây. Nhật Bản là nước duy 
nhất thoát khỏi ách đô hộ và trở thành một cường quốc. Có được thành tựu ấy là nhờ Nhật 
Bản có một thể chế chính trị tiến bộ. Thể chế ấy được xây dựng nên nhờ những người lãnh 
đạo tài năng, xuất chúng. Bằng tài trí của mình, họ đã lèo lái con thuyền đất nước vượt qua 
sóng gió để đi đến bến bờ bình yên và phát triển thịnh vượng. Chứng kiến sự phồn thịnh 
của Nhật Bản, một nước đồng văn trong khu vực Đông Á, không ít lần Nguyễn Bá Trác 
bày tỏ sự khâm phục, đặc biệt là đối với những nhà lãnh đạo tài ba: 
Đức Xuyên Khánh Hỉ thực là một nhà ái quốc, một người nghĩa hiệp. Đang lúc ngoại hoạn 
nguy cấp mà hết lòng vị nước, không kể đến quyền lợi mình là gì; đem chính quyền trong 
tay trả lại cho triều đình, yên được lòng người, vững được gốc nước, chuyển nguy ra yên, 
chuyển loạn ra trị, thực đã có công lớn với Nhật Bản. (Nguyen, 2007, p.110). 
Trong khi các quốc gia phương Đông khác đang u mê trong chế độ độc tài quân chủ 
phong kiến thì Nhật Bản đã sáng suốt thay đổi theo hướng dân chủ, biết tiếp thu ý kiến của 
những nhà canh tân để ban hành những chính sách cải cách kịp thời nhằm đưa Nhật Bản 
thoát khỏi tình trạng lạc hậu, vươn lên thành một quốc gia phát triển hàng đầu châu Á. Có 
được những thành tựu ngoạn mục ấy, công lớn đầu tiên thuộc về Minh Trị Thiên Hoàng. 
Nhắc đến ông, tác giả Hạn mạn du kí không tiếc lời tán tụng: “Được như thế, cũng là vì có 
Minh Trị Thiên Hoàng biết người khéo dùng và thần dân trong nước đều hết lòng vì nước. 
Đương lúc Mạc Phủ chuyên quyền, triều đình đối với ngoại quốc chỉ dụng một cái chính 
sách tỏa cảng” (Nguyen, 2007, p.115). 
Nguyễn Bá Trác hiểu rằng vai trò của người lãnh đạo cực kì quan trọng nếu không 
muốn nói là mang tính quyết định đối với sự tồn vong của một quốc gia. Người lãnh đạo 
tài năng sẽ tạo nên một thể chế tiến bộ, đó là cơ sở cho sự phát triển. Hơn bao giờ hết, đây 
là lúc Việt Nam cần có những người người lãnh đạo như thế để dẫn dắt đất nước thoát khỏi 
không gian ao tù chật chội châu Á đi đến biển lớn văn minh phương Tây. Đó không chỉ là 
mong muốn của riêng Nguyễn Bá Trác mà còn là nguyện vọng chung của toàn dân tộc lúc 
bấy giờ. 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 4 (2020): 598-610 
602 
Đối với thành phần quan lại Nhật Bản, Nguyễn Bá Trác nhận thấy dù khi còn tại vị 
hay lúc đã về hưu thì người làm quan vẫn luôn mang trong mình trọng trách đối với xã hội: 
“Ôi! Người ta còn một ngày trong xã hội, còn phải có nghĩa vụ một ngày. Lúc từ quan mà 
về chẳng qua từ cái chức trách đối với chính phủ, còn cái nghĩa vụ đối với xã hội đã thoát 
được đâu” (Nguyen, 2007, p.141). Đặt trong thế đối sánh với tầng lớp quan lại Việt Nam, 
ông nhận thấy có sự khác biệt đáng kể trong cách hành xử: 
Hưu quan nước ta, trừ những người thích nhàn tản, hay là lão đại đồi đường thì không kể, 
còn thì phần nhiều mượn thú cúc tùng làm mưu bảo thủ. Lúc còn làm quan, đà lo tậu mấy 
mẫu ruộng, sửa sang cái biệt thự, để lúc vãng niên về mà làm ruộng. Bấy giờ gác xe treo án 
trời đất riêng từ bực cửa trở vào, việc thế giới không còn hỏi gì đến nữa. Cũng có người vui 
thú nông tang, song đối với xã hội thực không có ti hao bổ ích gì cả. (Nguyen, 2007, p.141). 
Qua so sánh, Nguyễn Bá Trác đã phần nào chỉ ra được cái tâm lí chung của người 
Việt là thích yên ổn, sống bàng quan, chỉ chăm chăm cho lợi ích cá nhân mà ít khi quan 
tâm đến lợi ích chung của tập thể. Trong cách hành xử của tầng lớp quan lại, Nguyễn Bá 
Trác nhận thấy phần lớn chỉ lấy việc mưu cầu cho địa vị và danh lợi làm lẽ sống chứ ít khi 
quan tâm đến nghĩa vụ đối với xã hội. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách hành xử của 
người làm quan Nhật Bản. 
Nguyễn Bá Trác cũng không giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với một xã hội đề cao tự 
do, dân chủ như xã hội Nhật Bản. Qua trải nghiệm thực tế, ông nhận thấy người làm quan 
ở đây lấy sự bình đẳng, thanh liêm làm tiêu chuẩn trong cách hành xử với dân: “Quan đối 
với dân vốn là bình đẳng lúc làm quan cũng như lúc ở nhà, mỗi ngày đem lại thuộc ra làm 
việc công. Dân có tội thì chiểu theo luật mà trị tội. Không có tội thì quan cứ việc quan, dân 
cứ việc dân. Quan không lấy điều vô lí mà nạt dân” (Nguyen, 2007, p.143). Ngược lại, dân 
cũng biết tôn trọng pháp luật, sống ngay thẳng, thuần hậu, không luồn cúi, khiếp nhược 
trước quan: “Dân không chịu khuất mà nịnh quan. Trong đường trong xe gặp nhau quan 
dân nhất thể” (Nguyen, 2007, p.143). Lấy lẽ công bằng, sự thanh liêm làm thước đo cho xã 
hội, nên: “Trong nước Nhật Bản, không ai trông thấy hay là nói đến chuyện tham tang hối 
lộ. Nhân thế mà dân được yên phận làm ăn; biết giữ pháp luật thì cả đời không đến cửa 
quan. Quan với dân không có điều gì là ác cảm” (Nguyen, 2007, p.143). 
Sau khi chứng kiến mối quan hệ quan – dân của người Nhật, tác giả không khỏi 
chạnh lòng khi nghĩ về mối quan hệ bất bình đẳng giữa quan và dân tại quê nhà: 
Ôi! Kẻ làm dân đã biết giữ pháp luật, biết trọng nhân cách, thì quan cũng nên đãi lấy bình 
đẳng. Nếu dân còn ngu, chỉ biết sợ oai, không biết giữ phép, cũng phải lập uy cho dân biết 
phục tòng. Song cũng là bởi lòng yêu người tận chức mà ra. Nếu chỉ cậy cường quyền lấn 
hiếp kẻ hèn yếu thì nhân phẩm lại hèn lắm. (Nguyen, 2007, p.143). 
Nguyễn Bá Trác nhận ra một điều quan trọng rằng xã hội Nhật Bản phát tr ... c, đều dùng một cách giản ước, tỉnh phí vô ích. Các 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 4 (2020): 598-610 
606 
công đoàn xã hội đều đồng lòng hợp sức mà kinh doanh công này nghiệp khác. Từ trên đến 
dưới cả nước một lòng, tự mặt ngoài mà trông, thực có cái khí tượng “đại đồng bình trị”. 
(Nguyen, 2007, p.146). 
Từ đó, tác giả Hạn mạn du kí so sánh với lề thói của xứ mình và nhận thấy ở xứ mình 
sự cải cách về phong tục vẫn “còn chậm trễ lắm”, do đó, đa phần nhân dân lao động vẫn 
phải chịu đựng những phong tục vô lí, gây không ít phiền hà và đó cũng là một trong 
những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển: Lễ quan hôn chỉ chuộng hư danh, lễ tang tế chỉ 
mộ ăn uống. Ôi! Phong tục chưa tốt, dân đức chưa hay, cho nên lòng người tán hoán, sinh 
kế cùng quẫn cũng vì đó. Quốc dân ta! Xin đem phong tục nước người mà sinh lòng so 
sánh. (Nguyen, 2007, p.147). 
Trong khi đề cao cách ứng xử của người Nhật, Nguyễn Bá Trác cũng đồng thời liên 
tưởng đến đời sống ở quê nhà và chỉ ra một thực tế rằng cách ứng xử của người Việt ta vẫn 
còn sơ khai lắm. Nguyên nhân chính là do bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa nên trong 
phương thức tư duy, người Việt cũng dần hình thành tính tự tôn tự đại, bảo thủ, hẹp hòi, ít 
cởi mở để có thể tiếp thu cái mới, cái tiến bộ. Đây là rào cản lớn khiến dân tộc Việt Nam 
trì trệ. 
Nước Nhật trở nên giàu mạnh là nhờ cách làm việc đầy tinh thần trách nhiệm của 
mỗi công dân. Chứng kiến cách họ làm việc, Nguyễn Bá Trác không khỏi ngạc nhiên pha 
lẫn khâm phục: 
Tôi xem một việc đưa thư, càng phục quốc dân Nhật Bản có công đức. Những cái thư có đề 
tên họ quán chỉ phân minh đã đành, còn có cái thư để lẩm, cũng phải điều tra cho đến nơi 
đến chốn. Thường thấy có một mảnh danh thiếp, mà phát đệ đến bảy, tám nơi ở, tra hỏi đến 
mười mấy cái giấy. Cho nên thư tín không có khi nào lầm lạc, việc giao thông nhân thế mà 
thịnh hơn. (Nguyen, 2007, p.133). 
Với tinh thần làm việc hăng say, tỉ mỉ và đầy sáng tạo, người Nhật đã tạo nên một 
thứ văn hóa đẹp đẽ. Chính văn hóa ấy đã giúp đất nước Nhật Bản không chỉ thành công 
trên con đường “đuổi kịp người Tây phương” mà còn “vượt qua người Tây phương". 
Trong du kí của mình, Nguyễn Bá Trác không ít lần so sánh, đây là cách giúp chúng 
ta nhận thức được cái ưu của bạn cũng như cái nhược của mình để đổi thay. Chỉ có đi, giao 
lưu, tiếp xúc mới giúp nhà văn có cái nhìn khai phóng như vậy. Nhìn cách làm việc của 
người Nhật, ông không khỏi liên tưởng, so sánh với cách làm việc của người Việt và nhận 
thấy có sự khác biệt khá lớn: 
Hồi tưởng xứ mình, những chỗ hương thôn, thư tín còn chưa được tiện lắm; cũng vì kẻ đưa 
thư có ít lòng công đức. Giây thép, thư tín, nhật báo, tạp chí, nhân chuyển đệ gian nan, hay 
để lại làm cho người ta lỡ việc. Ôi! Những người có nghĩa vụ về việc chuyển đệ thư tín ở xứ 
ta, cũng nên giản minh cái công đức ấy. (Nguyen, 2007, p.133). 
Lấy việc phụng sự cho đất nước làm vinh dự, nên mỗi thành viên trong xã hội Nhật 
Bản luôn cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến. Đây là một đoạn ghi chép tỉ mỉ, sinh 
động về cách làm việc của cảnh binh Nhật Bản: 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Thanh Tùng và tgk 
607 
Đến đất Nhật Bản ai cũng phải phục chế độ tuần cảnh thật là hoàn bị. Vì có trường học dạy 
việc cảnh sát, cho nên kẻ ra làm cảnh binh đều làm hết nghĩa vụ. Nghĩa vụ cảnh binh là gì? – 
Là giúp việc giáo dục, giữ gìn vệ sinh, ủng hộ pháp luật, duy trì công an, cứu chính phong 
hóa. Mỗi quãng đường hay nơi hiểm yếu có người cảnh binh đeo gươm đứng bên đường, 
ngày đêm thay phiên hộ ứng liên lạc, dù nắng dù mưa, cũng không sai một chút. Có người 
ngoại quốc đến đó không quen đường, không hiểu tiếng, cũng phải chiếu có hộ vệ, hoặc dẫn 
đường, hoặc tìm nhà trọ, khó đến đâu cũng không từ” “Khách đi đường có bỏ rơi vật gì 
cũng giữ gìn chờ đợi cho khách lại mà lấy; khách không đến mới đưa vào sở cảnh sát, để 
đăng báo mà chiêu đề. Từ 11 giờ đêm, nhà nào cũng phải yên lặng cho xóm giềng nghỉ. Nếu 
nhà nào còn có tiếng người tào tạp, phải bảo chủ nhà tắt đèn ngủ ngay. Học trò nhỏ đi đường 
hút thuốc hoặc làm sự gì trái phép, cảnh sát phải khuyên ngăn và can thiệp. Cảnh binh không 
được tự tiện vào nhà ai những khi không có mệnh lệnh quan trưởng. Trong thành phố, có 
người mới dọn nhà đi hay có người mới đến ở, phải đến nhà tra hỏi tên họ, niên canh, quốc 
tịch, chỗ ở và làm nghề nghiệp gì. Từ đó nửa tháng hoặc một tháng, lại điều tra một lần, để 
vào sổ khi tìm hỏi cho dễ. Cách điều tra như thế là bảo hộ cho cư dân không phải là quấy 
nhiễu. (Nguyen, 2007, p.134) 
Sau khi chứng kiến cách làm việc của người Nhật, Nguyễn Bá Trác phải thốt lên: 
“Ôi! Làm cảnh sát mà khiến cho khách trọ coi như bạn tốt, thì biết cái lòng công đức của 
họ hoàn toàn là thế nào?” (Nguyen, 2007, p.135). Với người Nhật, làm việc ngoài việc 
mưu sinh thì còn có ý nghĩa là cống hiến cho dân tộc nên họ làm với tâm thế tự nguyện và 
tinh thần tự hào cao độ. Cách làm việc như vậy đủ hiểu vì sao nước Nhật trở nên 
hùng mạnh. 
Nguyễn Bá Trác nhận thấy sự phát triển của Nhật Bản cũng bắt nguồn từ việc lấy 
giáo dục làm nền tảng. Chính việc cải cách giáo dục một cách toàn diện và sâu sắc đã giúp 
Nhật Bản phát triển bền vững: “Dù đến bực hạ lưu như con ở nhà hàng cơm, vú sữa các 
nhà thường, cũng là có giáo dục, có thể làm hết bổn phận mà mưu sinh. Ôi! Cả nước không 
có một người hư sinh, cho nên phú cường là tại đó” (Nguyen, 2007, p.139). Cuối cùng ông 
đúc kết: 
Nói tóm lại, trong nước Nhật Bản, không có một người nào là không học vấn; không có một 
chỗ nào là không có nhà trường. Trong ba cái cù lao nho nhỏ mà có đến hai vạn nhà trường. 
Những người đã vào trường đại học, chuyên môn, thực nghiệp, cao đẳng, đã có tư cách hoàn 
toàn, cũng là nhờ giáo dục từ trường tiểu học. Cho nên nước Nhật Bản được phú cường, 
người ta không quy công cho tướng sĩ trong những buổi tranh chiến “Nhật – Trung”, và 
“Nhật – Nga”, mà quy công cho các giáo sư ở trường tiểu học. (Nguyen, 2007, p.129). 
Trong khi các nước khác ở châu Á còn ngụp lặn trong những cuộc đấu tranh chống 
ngoại xâm thì Nhật Bản đã tạo nên những kì tích. Một trong những thành tích lớn lao của 
Nhật Bản lúc bấy giờ là phổ cập giáo dục. Chính hành động tiến bộ này đã kích thích sự 
ham học hỏi của mỗi người dân, đó là cơ sở cho sự phát triển thần kì mang tên Nhật Bản. 
Từ việc so sánh với nước Nhật, tác giả đặt ra câu hỏi nhức nhối về thực trạng cùng 
quẫn của nước ta: “Tôi chép đến đây lại nghĩ đến tình cảnh sinh hoạt của người mình. Nào 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 4 (2020): 598-610 
608 
phải thổ địa không bằng người, nào phải sinh vật không bằng người; thế mà sinh kế cùng 
quẫn là tại vì đâu?”. (Nguyen, 2007, p.139). Và câu trả lời của Nguyễn Bá Trác cũng thật ý 
nghĩa và chuẩn xác: 
Vì người trong xã hội không biết thông công dịch sự, quá nửa số người trong nước là những 
kẻ vô nghiệp ăn không. Thường thấy có nhà một người ra làm việc quan, hay đi buôn bán, 
mỗi tháng lương bổng hay sinh lợi từ 10 đồng bạc trở lên cho đến 100 đồng trở xuống, thì cả 
nhà không còn ai chịu chân lấm tay bùn, cứ ngồi không mà ăn trắng mặc trơn gọi là “thực 
thiên lộc. (Nguyen, 2007, p.139). 
Ý thức phản biện đã giúp Nguyễn Bá Trác nhìn thấy rõ những “tệ nạn” đang tồn 
đọng trong một quốc gia có đầy đủ những điều kiện để phát triển nhưng không thể phát 
triển được. Điều nghịch lí ấy làm cho những trí thức yêu nước như ông không khỏi trăn 
trở, băn khoăn. Là một công dân không thờ ơ trước những vấn đề cấp bách của dân tộc, 
trong du kí của mình, Nguyễn Bá Trác luôn mạnh dạn bày tỏ quan điểm, đề xuất ý kiến, 
đưa ra giải pháp nhằm góp phần làm thay đổi thực trạng đất nước. 
Đi là phương thức giúp Nguyễn Bá Trác trang bị cho mình một thế giới quan mới 
mẻ, giúp nhìn rõ thực trạng của Việt Nam trong mối tương quan với Nhật Bản. Bằng nỗ 
lực của mình, ông muốn góp phần nhỏ bé vào công cuộc “cải tạo phương thức tư duy”, 
giúp người Việt Nam có cái nhìn thoáng mở, nhận thức được những ưu việt của văn hóa 
phương Tây và học hỏi họ để phát triển như Nhật Bản đã từng làm. Đánh giá về đóng góp 
của Nguyễn Bá Trác trong phong trào Đông Du, Phạm Hoàng Quân từng viết: 
Nếu xem học vấn là một nhu cầu mang tính nền tảng trong việc khai mở dân trí, những 
người nối dài phong trào Đông Du ít khi được nhắc đến nói trên đã để lại cho chúng ta rất 
nhiều, ngoài những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự canh tân đất nước sau 
này còn ẩn chứa những bài học về nghị lực cầu tìm tri thức và tinh thần học thuật không biên 
giới, có thể nói còn hơn cả người nay ở giá trị gợi mở, đem đến cho môi trường học thuật 
luồng gió mới. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu. (Pham, 2014) 
Tuy có lúc Nguyễn Bá Trác hơi cực đoan, nhưng ta hiểu đằng sau sự cực đoan ấy là 
một tấm lòng luôn hướng về quê hương đất nước. Với những trang ghi chép tỉ mỉ về cuộc 
sống, sinh hoạt nơi xứ người, Nguyễn Bá Trác góp phần làm cho bức chân dung tự họa của 
ông và thế hệ trí thức giàu lòng yêu nước như ông càng thêm rõ nét. Rong rủi khắp nơi để 
thu lượm kiến thức làm hành trang nhằm góp một phần bé nhỏ vào công cuộc “khai dân 
trí” để “chấn dân khí” và “hậu dân sinh”. Tiếp nối hành trình dấn thân hành đạo của các 
nhà Nho đi trước như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ 
Trạch... Nguyễn Bá Trác và thế hệ trí thức tân tiến như ông tiếp tục công cuộc phá vỡ 
thành trì của những lề thói phong kiến lạc hậu, lỗi thời, đang là lực cản lớn cho sự tiến bộ 
xã hội, từ đó làm tiền đề cho dân tộc Việt Nam từng bước thoát khỏi sự đô hộ của 
phương Tây. 
Ở phương diện sử liệu, Hạn mạn du kí là minh chứng sống động cho một thời kì lịch 
sử nhiều biến động của xã hội Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung những năm đầu 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Thanh Tùng và tgk 
609 
thế kỉ XX. Tác phẩm ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết hoàn cảnh, sự kiện chính trị trên mỗi 
chặng đường mà tác giả đi qua. Hơn hết là số phận mong manh đầy bi thương của những 
thân phận con người trong hoàn cảnh chiến tranh de dọa thường xuyên. Tác phẩm cũng để 
lại cho người đọc nhiều trăn trở về sự lựa chọn đầy khó khăn của thế hệ thanh niên đương 
thời. Có người chọn theo con đường xuất dương để thực hiện lí tưởng cứu quốc, nhưng 
cũng có người chấp nhận làm tay sai cho giặc quả thật là một thời kì đầy “bấn loạn”, con 
người bị quay cuồng trong cơn lốc chiến tranh. 
Về phương diện văn học, tác phẩm có nhiều đóng góp vào quá trình hiện đại hóa nền 
văn học nước nhà. Trước hết, đó là một thiên kí sự hấp dẫn giúp người đọc mở rộng tầm 
nhìn. Sau nữa là góp phần giúp cho một thể loại văn học vốn được xem là “chiếu dưới”, 
“cận văn học” xác lập chỗ đứng trong dòng chảy của nền văn học hiện đại, làm cho đời 
sống văn học trở nên phong phú, hấp dẫn hơn. Du kí viết về thế giới nói chung và Hạn 
mạn du kí nói riêng còn mang “sứ mệnh” của quá trình giao lưu văn hóa, trong đó nổi bật 
là hành trình đi tìm những tư tưởng mới gắn liền với công cuộc duy tân đất nước. 
3. Kết luận 
Với những hải trình hàng vạn dặm, Hạn mạn du kí đã chiếm lĩnh một không gian 
nghệ thuật rộng lớn, đặt ra những vấn đề quan trọng đối với công cuộc duy tân ở Việt 
Nam. Tuy nhiên, cái làm nên sức nặng cho du kí này chính là những trang ghi chép nặng 
trĩu tâm tư của Nguyễn Bá Trác: “Thế giới như ngày nay, phong trào cạnh tranh càng ngày 
càng kịch. Đại trượng phu sinh ở thời, cũng nên đi cho cùng bốn bể, học cho khắp năm 
châu, thu lấy mây Mĩ mưa Âu mà tẩm nhuận cho thiên hạ” (Nguyen, 2007, p.181). Nó là 
minh chứng cho khát vọng vươn lên để tự khẳng định mình của một dân tộc phương Đông 
vốn nhỏ bé đang chịu sự thống trị của ngoại bang. Đi và chứng kiến một thế giới khác lạ 
rộng lớn hơn để mở rộng tầm mắt, để nhìn lại chính mình và thấy cần thiết phải thay đổi. 
Hạn mạn du kí nói riêng và du kí Quốc ngữ viết về thế giới nói chung “đòi hỏi người viết 
cả vốn tri thức, yêu cầu công việc, ý chí của người ham hoạt động, ham xê dịch và điều 
kiện, khả năng kinh phí. Đặt trong bối cảnh văn hóa – xã hội đương thời thì các du kí này 
quả đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi 
chép, miêu tả sống động của người trong cuộc, người trải nghiệm, chứng nghiệm” 
(Nguyen, 2011, p.633). 
 Tuyên bố về quyền lợi: Các tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi. 
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 4 (2020): 598-610 
610 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
Nguyen, D. N. (2001). Vietnamese narrative prose of the medieval period [Van xuoi tu su Viet Nam 
thoi trung dai]. Episode II. Hanoi: Education Publishing House. 
Pham, T. N. (1965). New and simplified compilation of Vietnamese historical literature [Viet Nam 
van hoc su gian uoc tan bien]. Episode 3. Saigon: Quoc hoc tung thu Publishing House. 
Pham, H. Q. (2014). Dong Du – a point of view [Dong Du – mot goc nhin]. Tuoi Tre online, 
January 30, 2014. Retrieved September 20, 2019 from: https://tuoitre.vn/dong-du---mot-goc-
nhin-591749.htm 
Tran, T. S. (2012). Ho Truong memorabilia [Ki vat Ho Truong]. Retrieved September 20, 2019 
from: 
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18147. Post 
date: March 13, 2012. 
Nguyen, H. S. (Selection, introduction) (2007). Viet Nam travel writing, Nam Phong magazine 
1917 – 1934 [Du ki Viet Nam, Tap chi Nam Phong 1917-1934]. Episode I. Hochiminh City: 
Tre Publishing House. 
Nguyen, H. S. (2011). Travel writing of Vietnamese writing about other countries and their 
contributions to the modernization of Vietnamese prose in the nineteenth and early twentieth 
centuries [Du ki cua nguoi Viet Nam viet ve cac nuoc va nhung dong gop vao qua trinh hien 
dai hoa van xuoi tieng Viet giai doan the ki XIX - dau the ki XX. In Modern East Asian 
literature from a comparative perspective [trong sach Van hoc can dai Dong A tu goc nhin 
so sanh] (Đoan Le Giang editor). Hochiminh City: Tre Publishing House. p.632-645. 
Nguyen, T. (1986). Profession stories [Chuyen nghe]. Hanoi: Tac pham moi Publishing House. 
NGUYEN BA TRAC’S DESIRE TO RENEW THE COUNTRY IN “HAN MAN DU KI” 
Vo Thi Thanh Tung*, Dang Phan Quynh Dao 
Thu Dau Mot University, Vietnam 
*Corresponding author: Vo Thi Thanh Tung – Email: thanhtung2212@yahoo.com 
Received: December 02, 2019; Revised: February 11, 2020; Accepted: April 18, 2020 
ABSTRACT 
In the early years of the twentieth century, in order to contribute to the realization of the 
country's renovation mission, Nguyen Ba Trac went to other Asian countries to learn how. Nguyen 
Ba Trac's journey was long and difficult. Although his dream of liberating the country was not 
fulfilled, he lived his life with the aspirations and ambitions of youth. These were reflected in his 
vivid travel writing “Han man du ki”. The work has helped readers feel partly the patriotism of 
Nguyen Ba Trac at the stage of so-called "a clear river" in his multi-stage life. The article explores 
two aspects of his desire to reform the country: to have a modern political ideology accompanied 
by a prosperous developed society. 
Keywords: renew; to learn; Han man du ki; Nguyen Ba Trac 

File đính kèm:

  • pdfkhat_vong_canh_tan_dat_nuoc_cua_nguyen_ba_trac_trong_han_man.pdf