Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm

Tóm tắt. Để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội hiện đại và thực tiễn nhà trường đối với

người giáo viên, đào tạo giáo viên phải hướng vào người học để giảng dạy tốt hơn – tức là

phải hướng đến việc hình thành ở sinh viên sư phạm những năng lực thực hiện và vận dụng

những gì được học vào giải quyết các yêu cầu của giáo dục phổ thông. Điều này đòi hỏi

việc đánh giá sinh viên nói chung và đánh giá tốt nghiệp đối với sinh viên sư phạm phải

đo được năng lực nghề thật sự của các em. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng đánh giá tốt

nghiệp hiện nay ở các trường sư phạm và trên cơ sở đó đề xuất khung năng lực nghề cần

thiết để đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm.

pdf 8 trang yennguyen 6380
Bạn đang xem tài liệu "Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm

Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0025
Social Science, 2018, Vol. 63, Iss. 2A, pp. 32-39
This paper is available online at 
KHUNG NĂNG LỰC ĐÁNH GIÁ SINH VIÊN
TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội hiện đại và thực tiễn nhà trường đối với
người giáo viên, đào tạo giáo viên phải hướng vào người học để giảng dạy tốt hơn – tức là
phải hướng đến việc hình thành ở sinh viên sư phạm những năng lực thực hiện và vận dụng
những gì được học vào giải quyết các yêu cầu của giáo dục phổ thông. Điều này đòi hỏi
việc đánh giá sinh viên nói chung và đánh giá tốt nghiệp đối với sinh viên sư phạm phải
đo được năng lực nghề thật sự của các em. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng đánh giá tốt
nghiệp hiện nay ở các trường sư phạm và trên cơ sở đó đề xuất khung năng lực nghề cần
thiết để đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm.
Từ khóa: Khung năng lực, đánh giá, thực trạng, sinh viên tốt nghiệp, đại học sư phạm.
1. Mở đầu
Đào tạo giáo viên (ĐTGV) phải hướng đến hình thành các năng lực (NL) đảm bảo cho sinh
viên (SV) khi ra trường hành nghề thành công và có hiệu quả. Định hướng hình thành năng lực
phải được quán triệt trong toàn bộ chương trình ĐTGV, bao gồm từ mục tiêu, nội dung, phương
pháp, phương thức đào tạo và quan trọng là phải đánh giá được năng lực thực hiện, vận dụng kiến
thức đã học vào giải quyết những yêu cầu của giáo dục phổ thông (GDPT) đối với SV tốt nghiệp.
Để SV sư phạm (SVSP) ra trường có thể đáp ứng được những đòi hỏi của chuẩn nghề nghiệp và
yêu cầu thực tiễn GDPT cần có hệ thống các yêu cầu, tiêu chí cụ thể đối với SV ra trường. Đánh giá
SV tốt nghiệp cần đo được năng lực nghề thật sự, không chỉ là kiến thức môn học mà quan trọng
là năng lực thực hiện. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo đã xác định một trong 7 giải pháp trọng tâm là phải đổi mới đánh giá kết quả đào tạo đại học
theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề
nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; năng lực thực hành, năng lực
tổ chức và thích nghi với môi trường làm việc. Liên quan đến đánh giá nhà giáo, Nghị quyết cũng
chỉ rõ: “. . . Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và
đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm,
đạo đức và năng lực nghề nghiệp” [6]. Tức là cần đổi mới đánh giá kết quả đào tạo theo hướng chú
trọng đánh giá năng lực thực hiện.
Ngày nhận bài: 15/12/2017. Ngày sửa bài: 20/2/2018. Ngày nhận đăng: 25/2/2018
Liên hệ: Nguyễn Thị Kim Dung, e-mail: kimdung28863@gmail.com
32
Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thực trạng đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm
2.1.1. Thực trạng đánh giá SVTN theo Quy chế 43/2007/QĐ-BGD&ĐT
Hoạt động đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp cho SV đại học Sư phạm được
thực hiện theo Quy chế về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ của Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 và
Quyết định hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT, ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo.
Để xét tốt nghiệp cho SV chính quy hệ cử nhân sư phạm, Quy chế quy định các trường căn
cứ vào những kết quả sau [7]:
- Kết quả học tập của SV được đánh giá theo kết quả học phần, sau từng học kì. Điểm học
phần được tính theo một phần hoặc tất cả các điểm đánh giá bộ phận kết hợp với điểm thi kết thúc
học phần. Việc tổ chức thi các học phần được thực hiện vào cuối học kì (mỗi học kì có 3 tuần ôn
và thi). Đánh giá tốt nghiệp cho SV theo phương thức tích lũy điểm tín chỉ (học phần) của cả khóa
đào tạo.
- Một số SV có đủ điều kiện theo quy định của Trường và của Khoa đào tạo, được chọn làm
khóa luận tốt nghiệp. Số còn lại học và thi một số học phần (tín chỉ) tương đương. Nội dung các
học phần do Khoa đào tạo đề xuất và Trường quyết định.
- Trong cả khóa học có từ 10 – 12 tuần (6-8 tín chỉ) thực tập sư phạm tại các cơ sở giáo dục
phù hợp. Việc đánh giá kết quả thực tập tốt nghiệp của SV do giáo viên tại các cơ sở thực tập đảm
nhiệm.
- Việc đánh giá, xếp loại tốt nghiệp cử nhân sư phạm cho SV được quy thành 5 mức: A, B,
C, D, E. Các học phần Giáo dục thể chất (GDTC) và Giáo dục quốc phòng (GDQP) được xác định
theo chứng chỉ và không đưa vào bảng điểm xét tốt nghiệp.
- Các thành tích vượt trội của SV trong học tập và nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội
(bài báo khoa học, công trình, giải thưởng nghiên cứu khoa học) được thêm vào điểm các học phần
có liên quan gần và không đưa vào hồ sơ tốt nghiệp.
- Chỉ xét tốt nghiệp cho SV khi có đủ điều kiện và tích lũy đủ điểm tín chỉ. Không tổ chức
kì thi tốt nghiệp, với tư cách là đợt sát hạch cuối cùng để đánh giá về năng lực chuyên ngành và
nghiệp vụ sư phạm của SV trước khi tốt nghiệp.
Như vậy, tiêu chí xét điều kiện dự thi tốt nghiệp, xét công nhận tốt nghiệp và đánh giá xếp
loại tốt nghiệp cho SV chủ yếu dựa trên kết quả học tập văn hoá chung được tích luỹ qua các học
phần. Kết quả kiến tập sư phạm, thực tập sư phạm, khoá luận tốt nghiệp hay điểm thi tốt nghiệp
đều được tính là điểm thành phần của tổng kết quả chung như kết quả của các học phần thuộc khối
kiến thức giáo dục đại cương và giáo dục chuyên ngành khác. Cách đánh giá SV tốt nghiệp này
phù hợp với Quy chế của Bộ GD và ĐT và không có gì khác biệt đối với SV các ngành nghề khác.
2.1.2. Thực trạng đánh giá sinh viên tốt nghiệp qua nhận xét của giảng viên, sinh viên sư
phạm và giáo viên
Để có cái nhìn sâu hơn từ chính những người trong cuộc, chúng tôi có tiến hành khảo sát
giảng viên sư phạm (bao gồm giảng viên các môn cơ bản, giảng viên bộ môn phương pháp giảng
dạy và giảng viên tâm lí – giáo dục) cùng giáo viên trẻ (GVT) như thông tin ở Bảng 1. Nội dung
khảo sát chủ yếu nhận định về mức độ phù hợp giữa đánh giá, xếp loại SVTN so với chất lượng
33
Nguyễn Thị Kim Dung
thực tế. Kết quả được chỉ ra ở Bảng 2.
Bảng 1. Thông tin chung về đối tượng khảo sát
Đối tượng Hà Nội Huế TP HCM Tổng
Giáo viên trẻ 52 49 52 153
Giảng viên ĐHSP 15 15 18 48
Kết quả thu được như ở bảng sau:
Bảng 2. Mức độ phù hợp giữa đánh giá, xếp loại SVTN với chất lượng thực tế của SV
Giáo viên trẻ Giảng viên SP Chung
Hà Nội TP. HCM Huế Tổng GVT
SL % SL % SL % SL % SL % SL %
Chưa phù
hợp 14 26,9 14 26,9 9 18,4 37 24,2 3 6,8 40 20,3
Phù hợp 1
phần 33 63,5 32 61,5 36 73,5 101 66,0 35 79,6 136 69,0
Phù hợp 5 9,6 6 11,5 4 8,2 15 9,8 6 13,6 21 10,7
Nguồn: Số liệu khảo sát của ĐT B2015-17-71
Bảng trên cho thấy chỉ có 10,7% (trong đó 9,8% là GVT và 13,6% là giảng viên) cho rằng
việc đánh giá như hiện nay là phù hợp. Còn lại số đông – gần 90% cho rằng đánh giá SVTN hiện
nay không phản ánh đúng chất lượng đào tạo, chất lượng thực tế mà SV có được. Lí giải về sự
không phù hợp hoặc chỉ phù hợp một phần thì đa số ý kiến tập trung vào việc phản ánh thực tế
đánh giá hiện nay mới nghiêng về đánh giá chuyên môn, nhẹ về nghiệp vụ sư phạm (NVSP); chú
trọng đánh giá kiến thức chuyên môn chứ chưa đánh giá được phẩm chất và năng lực nghề nghiệp;
đánh giá chưa đảm bảo độ khách quan, công bằng giữa SV trong một trường cũng như giữa sinh
viên các trường sư phạm khác nhau.
Về đánh giá thực tập sư phạm (TTSP): Hiện nay ở hầu hết các cơ sở ĐTGV, TTSP được
đánh giá từ sự kết hợp của điểm đánh giá tổng hợp công tác giảng dạy và điểm đánh giá tổng hợp
công tác chủ nhiệm theo công thức:
Điểm cả đợt = (TTgiangdayX2)+TTchunhiem)3 + điểm thưởng phạt
Trên thực tế, kết quả đánh giá TTSP của các cơ sở ĐTGV cho thấy có đến trên 90% SV có
điểm TTSP đạt loại khá, giỏi. Số SV có điểm thực tập đạt trung bình là rất ít. Tuy nhiên, theo kết
quả khảo sát từ đề tài B2011-17-CT04 thì chính SV cũng như GV hướng dẫn TTSP và giảng viên
đại học phản ánh con số này không phản ánh đúng thực tế năng lực sư phạm của SVTT. Ngoài ra,
sự đánh giá giữa các trường thực tập chưa thống nhất, dẫn đến kết quả không phản ánh đúng năng
lực của SVTT.
"Khi đánh giá SVTT do một phần điểm ở đại học của các em cao nên giáo viên hướng dẫn
có nâng tay để không ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp" - Thầy C. - GVHD SVTT của Khoa SP -
ĐH Cần Thơ);
"Điểm của SVSP ĐHSP TP Hồ Chí Minh bị thiệt, luôn thấp hơn so với các trường khác
mặc dù thực lực chúng em không thua kém và như thế thì thiệt thòi cho chúng em khi đi xin việc"
- Em H - ĐHSP HCM);
“TTSP rất quan trọng với chúng em vì nó liên quan đến điểm tốt nghiệp do đó các thầy cô
chấm cũng dễ hơn. Nhiều bạn dùng các mối quan hệ để có điểm tốt mà không chú ý học nghề qua
34
Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm
TTSP” - SV H. T. X. Th. – Khoa Văn, ĐHSP Thái Nguyên.
2.1.3. Một số bất cập trong đánh giá SVTN so với đổi mới giáo dục hiện nay
Từ sự phân tích những quy định về đánh giá SVTN theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào
tạo đến những nhận định của các đối tượng có liên quan về đánh giá SVTN và TTSP, chúng tôi
nhận thấy có một số bất cập sau:
- Đào tạo và đánh giá theo định hướng nội dung kiến thức. Cách tiếp cận này đã lạc hậu so
với yêu cầu đổi mới của Nghị quyết 29-NQ/TW và so với chương trình đào tạo đang được triển
khai tại các trường ĐHSP.
- Nội dung đánh giá tốt nghiệp của SV mới chủ yếu hướng đến kiến thức khoa học chuyên
ngành, kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp của sinh viên, chưa đánh giá các giá trị và phẩm chất
nghề sinh viên cần đạt trong khóa trình đào tạo.
- Hạn chế điều kiện, cơ hội tập dượt NCKH đối với những sinh viên không được làm khóa
luận tốt nghiệp, giảm cơ hội hình thành năng lực nghiên cứu khoa học - một năng lực quan trọng
trong các khung năng lực nghề của giáo viên.
- Hạn chế vai trò và trách nhiệm của giảng viên Trường ĐHSP trong đánh giá kết quả thực
tập tốt nghiệp của sinh viên. Trong khi đó, giảng viên là người chịu trách nhiệm chính về sản phẩm
đào tạo của mình.
- Việc đánh giá tốt nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào đánh giá ngoài (của cơ sở đào tạo),
chưa có sự tham gia của SV trong quá trình đánh giá.
- Các thành tích vượt trội của SV trong học tập và nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội
(bài báo khoa học, công trình, giải thưởng nghiên cứu khoa học) được thêm vào điểm các học phần
có liên quan gần và không đưa vào hồ sơ tốt nghiệp.
- Chỉ xét tốt nghiệp cho SV khi có đủ điều kiện và tích lũy đủ điểm tín chỉ. Không tổ chức
kì thi tốt nghiệp, với tư cách là đợt sát hạch cuối cùng để đánh giá về năng lực chuyên ngành và
nghiệp vụ sư phạm của sinh viên trước khi tốt nghiệp.
- Không có tự đánh giá của SV trong đánh giá kết quả học tập và tốt nghiệp của họ.
Những bất cập nêu trên dẫn đến việc đánh giá tốt nghiệp cho SV hệ cử nhân sư phạm hiện
nay của các trường ĐHSP lạc hậu và phiến diện so với yêu cầu đánh giá toàn diện và tiếp cận
năng lực nghề nghiệp trong ĐTGV, được thể hiện trong Nghị quyết 29-NQ/TW và mâu thuẫn với
chương trình mới đang được triển khai.
2.2. Khung năng lực nghề nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học Sư phạm
2.2.1. Những định hướng đổi mới đánh giá sinh viên tốt nghiệp
Ngày nay, triết lí ĐTGV đã thay đổi: chuyển trọng tâm trong ĐTGV trở thành những chuyên
gia dạy học, truyền đạt kiến thức sang ĐTGV theo định hướng hình thành năng lực cho người học
để họ trở thành nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, người học suốt đời. Do đó, nội dung đánh giá phải
lấy năng lực sư phạm mà người học được đào tạo làm chính [1-3, 5].
Như vậy, để đánh giá SVTN theo tiếp cận năng lực cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
(i) Chuyển từ chủ yếu sử dụng đánh giá kết quả học tập cuối môn học/học phần (đánh giá
tổng kết) với mục đích xếp hạng, phân loại, sang sử dụng đa dạng các loại hình đánh giá, coi trọng
đánh giá thường xuyên, định kì sau từng phần, từng chương để phản hồi, điều chỉnh quá trình giảng
dạy và học tập (đánh giá quá trình).
35
Nguyễn Thị Kim Dung
(ii) Chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực người học.
(iii) Chuyển từ đánh giá một chiều (giảng viên đánh giá) sang đánh giá đa chiều (sinh viên
(SV) cùng tham gia đánh giá - tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng).
(iv) Kiểm tra, đánh giá NL sư phạm thông qua các minh chứng.
(v) Đánh giá tốt nghiệp gắn chặt với đánh giá môn học và đánh giá quá trình.
2.2.2. Khung năng lực nghề nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học Sư phạm
Kế thừa các nghiên cứu thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ:
“Đổi mới đào tạo giáo viên trong trường đại học sư phạm đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông thời
kì Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế” (2011-2014), cùng với thực trạng đánh giá
SVTN hiện nay, chúng tôi xác định 3 nhóm giá trị và 3 nhóm năng lực nghề nghiệp cần có của
SVSP khi tốt nghiệp (Bảng 3) [1, 3, 8].
Bảng 3. Khung giá trị và năng lực nghề nghiệp đối với SVTN ĐHSP
A. Các giá trị nghề nghiệp:
Những giá trị hướng vào học sinh:
1. Yêu thương và khoan dung với học sinh;
2. Tin tưởng tất cả trẻ em đều có thể học được và có sự tiến bộ;
3. Cam kết nuôi dưỡng, phát triển tiềm năng của từng học sinh;
4. Coi trọng sự đa dạng của học sinh.
Những giá trị mang bản sắc của người giáo viên:
5. Ham học hỏi
6. Kiên trì, kiên nhẫn
7. Sáng tạo
8. Gương mẫu, Sống lành mạnh, chuẩn mực
9. Cởi mở; Thân thiện
10. Thẳng thắn; Trung thực
Những giá trị phục vụ nghề nghiệp:
11. Yêu nghề
12. Tự hào và say mê với nghề giáo
13. Trách nhiệm nghề nghiệp
14. Cam kết chất lượng
B. Các năng lực nghề nghiệp
Nhóm 1: Các năng lực nền tảng
1. Năng lực giao tiếp và hợp tác
2. Năng lực công nghệ thông tin
3. Năng lực ngoại ngữ
4. Năng lực nghiên cứu khoa học
5. Năng lực thích ứng với sự thay đổi
6. Năng lực hoạt động xã hội
Nhóm 2: Các năng lực chuyên ngành
1. Năng lực hệ thống hóa và cập nhật tri thức mới của khoa học chuyên ngành
2. Năng lực tư duy hệ thống, liên ngành
3. Năng lực ứng dụng khoa học chuyên ngành vào nghiên cứu và giải thích thế giới hiện thực
Nhóm 3: Các năng lực nghiệp vụ sư phạm
1. Năng lực chẩn đoán và định hướng sự phát triển học sinh
2. Năng lực dạy học
3. Năng lực giáo dục
36
Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm
4. Năng lực phát triển nghề nghiệp
Các năng lực thành phần thuộc nhóm năng lực nghiệp vụ sư phạm
NĂNG LỰC CHẨN ĐOÁN VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỰ PHÁT TRIỂN HỌC SINH:
1. Năng lực phân tích, nhận diện đặc điểm cá nhân của người học;
2. Năng lực tạo động lực, nhu cầu học tập cho người học;
3. Năng lực hỗ trợ người học thiết kế chiến lược và kế hoạch phát triển cá nhân;
4. Năng lực hỗ trợ người học xây dựng cách học;
5. Năng lực hỗ trợ người học tự đánh giá khả năng, sở trường của bản thân và biết rút kinh nghiệm,
điều chỉnh.
NĂNG LỰC GIÁO DỤC :
1. Năng lực giáo dục qua giảng dạy môn học;
2. Năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục;
3. Năng lực vận dụng phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức giáo dục;
4. Năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm;
5. Năng lực xử lí các tình huống sư phạm;
6. Năng lực giáo dục học sinh có nhu cầu đặc biệt;
7. Năng lực tư vấn và tham vấn;
8. Năng lực xây dựng môi trường lớp học an toàn, tích cực và thân thiện;
9. Năng lực phối hợp với các lực lượng GD trong và ngoài nhà trường;
10. Năng lực đánh giá sự tiến bộ và kết quả giáo dục HS;
11. Năng lực xây dựng, quản lí và sử dụng hồ sơ giáo dục.
NĂNG LỰC DẠY HỌC:
1. Năng lực phát triển chương trình và tài liệu giáo khoa;
2. Năng lực vận dụng phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức DH bộ môn;
3. Năng lực dạy học phân hóa;
4. Năng lực dạy học tích hợp;
5. Năng lực lập kế hoạch dạy học, kế hoạch bài học;
6. Năng lực tổ chức hoạt động học tập của HS trên lớp /Năng lực thực hiện kế hoạch bài học;
7. Năng lực tổ chức và quản lí lớp học trên giờ học;
8. Năng lực hỗ trợ HS có nhu cầu đặc biệt trong dạy học;
9. Năng lực đánh giá sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh;
10. Năng lực xây dựng, quản lí và sử dụng khai thác hồ sơ dạy học.
NĂNG LỰC PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP:
1. Năng lực tự học và rèn luyện tay nghề;
2. Năng lực tự đánh giá sự phát triển nghề nghiệp cá nhân;
3. Năng lực xây dựng hồ sơ phát triển nghề nghiệp;
4. Năng lực tham gia cộng tác vào phát tiển cộng đồng nghề (tổ, nhóm, trường. . . );
5. Năng lực thu hút sự tham gia của đồng nghiệp với vai trò là một thành viên của cộng đồng nghề.
Trên cơ sở các năng lực sư phạm này, từng học phần hoặc module cần phân tích, xác định
các yêu cầu cần đạt được khi SV kết thúc học phần dưới dạng các chỉ báo để làm cơ sở cho việc
kiểm tra đánh giá từng học phần/môn học. Không phải mỗi học phần hay module phải hướng đến
hình thành và đánh giá tất cả các năng lực thành phần trên, mà tùy theo nội dung của học phần sẽ
hướng đến 1 hay 2 năng lực. Tuy nhiên, tổng toàn bộ các học phần đào tạo nghiệp vụ sư phạm phải
đảm bảo hướng đến tất cả các năng lực sư phạm ở cả khía cạnh nội dung chương trình và kiểm tra,
đánh giá.
2.2.3. Khảo sát về mức độ cần thiết của Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp
37
Nguyễn Thị Kim Dung
Để đánh giá mức độ cần thiết của các năng lực đề xuất, chúng tôi có tiến hành khảo sát lấy
ý kiến của 53 giảng viên sư phạm và 140 sinh viên năm cuối thuộc 3 trường đại học sư phạm là
ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Đà Nẵng, ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy, tất cả các giá trị và năng lực nghề đều được các đối tượng khảo sát ở cả
giảng viên và sinh viên đánh giá ở mức cần thiết cao với điểm trung bình trên dưới 3 điểm (tối đa
là 4 điểm) – tức là ở mức cần và rất cần. Đặc biệt các giá trị như “Trách nhiệm nghề nghiệp”, “Yêu
nghề” và “Kiên trì, kiên nhẫn” có số người được hỏi đánh giá ở mức cao nhất chiếm trên 60% với
điểm trung bình gần 4 điểm. Ngoài ra, Bảng 4 thể hiện điểm trung bình về Khung năng lực nghề
nghiệp cần đánh giá ở SV tốt nghiệp ĐHSP.
Bảng 4. Đánh giá của giảng viên và sinh viên sư phạm về khung năng lực nghề nghiệp
TT Các năng lực nghề nghiệp Sinh viên Giảng viên Chung
TB SD TB SD TB SD
Nhóm 1: Các năng lực nền tảng 3,18 0,706 3,34 0,691 3,23 0,706
1.1 Năng lực giao tiếp và hợp tác 3,43 0,625 3,69 0,613 3,50 0,583
1.2 Năng lực công nghệ thông tin 3,21 0,697 3,34 0,685 3,25 0,673
1.3 Năng lực ngoại ngữ 3,09 0,748 3,26 0,740 3,14 0,729
14 Năng lực nghiên cứu khoa học 3,04 0,728 3,34 0,747 3.12 0,743
1.5 Năng lực thích ứng với sự thay đổi 3,41 0,634 3,45 0,633 3,42 0,635
1.6 Năng lực hoạt động xã hội 2,92 0,805 2,96 0,815 2,93 0,826
Nhóm 2: Các năng lực chuyên ngành 3,18 0,742 3,36 0,754 3,28 0,727
2.1 Năng lực hệ thống hóa tri thức cơ bản và cập nhậtkiến thức mới của khoa học chuyên ngành 3,39 0,726 3,50 0,652 3,45 0,652
2.2 NL sử dụng các phương pháp NCKH chuyên ngành 2,98 0,724 3,21 0,689 3,42 0,762
2.3 Năng lực vận dụng kiến thức khoa học chuyênngành vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn 3,23 0,774 3,44 0,751 3,04 0,776
2.4 NL tích hợp các kiến thức ngành có liên quan 3,18 0,742 3,27 0,779 3,29 0,781
2.5 NL xây dựng mối liên hệ giữa tri thức khoa họcchuyên ngành với chương trình giáo dục phổ thông 3,14 0,745 3,40 0,763 3,20 0,772
Nhóm 3: Các năng lực nghiệp vụ sư phạm 3,47 0,644 3,60 0,551 3,51 0,523
3.1 NL chẩn đoán và định hướng sự phát triển HS 3,29 0,782 3,48 0,735 3,34 0,680
3.2 Năng lực dạy học 3,55 0,604 3,75 0,578 3,60 0,542
3.3 Năng lực giáo dục 3,64 0,565 3,75 0,545 3,67 0,523
3.4 Năng lực phát triển nghề nghiệp 3,41 0,623 3,42 0,634 3,41 0,645
Nguồn: Số liệu điều tra năm 2017
Số liệu cho thấy có sự thống nhất khá cao trong ý kiến của giảng viên và SVSP về các năng
lực cần có để đánh giá SVTN được thể hiện qua điểm trung bình và độ lệch chuẩn. Trong đó, các
năng lực nghiệp vụ sư phạm có điểm trung bình cao nhất (3,51), còn các năng lực chuyên ngành
và năng lực nền tảng có điểm trung bình tương đương nhau (3,28 và 3,23). Điều này một lần nữa
khẳng định sự cần thiết phải đổi mới đánh giá SVSP theo hướng chú trọng các năng lực thực hiện,
cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp sau này của giáo sinh tương lai.
3. Kết luận
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi lớn theo hướng đặt
trọng tâm vào người học và chú trọng hình thành năng lực. Điều này kéo theo những thay đổi trong
công tác ĐTGV nói chung và kiểm tra, đánh giá SVSP. Đánh giá tốt nghiệp sinh viên sư phạm
38
Khung năng lực đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm
phải có những đổi mới mạnh mẽ theo hướng hình thành năng lực nghề nghiệp cho giáo viên tương
lai, để giúp họ đáp ứng những yêu cầu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Quang Báo, 2014. Giải pháp đổi mới chương trình đào tạo giáo viên trình độ đại học
theo học chế tín chỉ. Đề tài cấp Bộ, mã số: B2011-17-CT03.
[2] Cherry Collins, 2003. “Beyond standards and appreticeships: professional teacher education
for 21 century”. The Australian Curriculum Studies Association, 12.2003.
[3] Nguyễn Thị Kim Dung, 2014. Giải pháp đổi mới đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho SV Đại học
Sư phạm đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông thời kì mới. Đề tài cấp Bộ, mã số: B2011-17-CT04
[4] Nguyễn Thị Kim Dung, 2016. Đánh giá năng lực nghề của sinh viên sư phạm theo yêu cầu
của đổi mới giáo dục phổ thông. Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà
Nội: “Trường sư phạm trong phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông đáp ứng
chương trình giáo dục mới”, Hà Nội, 28 tháng 5 năm 2016, tr. 255 – 262.
[5] Linda Darling-Hammond, 2006. Reconstructing 21st-Century Teacher Education. Journal
of Teacher Education,Vol. 57, No. 3, May/June 2006 300-314, Downloaded from
 by on August 7, 2009.
[6] Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
[7] Quy chế về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ của Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 và Quyết định
hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT, ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo.
[8] Vũ Thị Sơn, 2015. Mô hình đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực nghề. Nxb
Đại học Sư phạm Hà Nội.
ABSTRACT
The professional competencies’ framework for assessing graduates
in the university of teacher education
Nguyen Thi Kim Dung
Institute for Educational Research, Hanoi National University of Education
In order to meet the demands of modern society and the current needs of teacher education
university, Teacher Education must focus towards the learners for better teaching - that is,
towards the development of professional competencies for students and apply what is learned in
addressing the requirements of general education. This means that student assessment in general
and graduation assessments for graduating teachers-students in particular should measure their
competencies. This paper analyzes the present status of graduates in the university of teacher
education and suggests the frame of professional competencies needed to assess graduates from
teacher education university.
Keywords: Competency framework, Assessment, Status, Graduating Student, University of
teacher education.
39

File đính kèm:

  • pdfkhung_nang_luc_danh_gia_sinh_vien_tot_nghiep_dai_hoc_su_pham.pdf