Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử

Tóm tắt. Cùng với Thủy Hử truyện của Thi Nại Am, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần,

Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử là một trong những bộ tiểu thuyết có giá trị nhất của

nền văn học Trung Quốc. Sở dĩ tác phẩm có sức sống lâu bền với người đọc bởi giá trị nội

dung và nghệ thuật của tác phẩm đã vượt ra khỏi ranh giới của những quy phạm nghệ thuật

thông thường. Tác phẩm không chỉ phản ánh một cách chân xác hiện thực xã hội Trung

Hoa đương thời mà trên các phương diện nghệ thuật Nho lâm ngoại sử cũng đạt được rất

nhiều thành tựu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung làm rõ thêm các phương diện

nghệ thuật trên phương diện chính là ngôn ngữ. Qua đó thấy được nét độc đáo, đặc sắc

trong ngôn ngữ tiểu thuyết Ngô Kính Tử.

pdf 9 trang yennguyen 4460
Bạn đang xem tài liệu "Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử

Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0014
Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 94-102
This paper is available online at 
NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
NHO LÂM NGOẠI SỬ CỦA NGÔ KÍNH TỬ
Lê Sỹ Điền
Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc
Tóm tắt. Cùng với Thủy Hử truyện của Thi Nại Am, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần,
Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử là một trong những bộ tiểu thuyết có giá trị nhất của
nền văn học Trung Quốc. Sở dĩ tác phẩm có sức sống lâu bền với người đọc bởi giá trị nội
dung và nghệ thuật của tác phẩm đã vượt ra khỏi ranh giới của những quy phạm nghệ thuật
thông thường. Tác phẩm không chỉ phản ánh một cách chân xác hiện thực xã hội Trung
Hoa đương thời mà trên các phương diện nghệ thuật Nho lâm ngoại sử cũng đạt được rất
nhiều thành tựu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung làm rõ thêm các phương diện
nghệ thuật trên phương diện chính là ngôn ngữ. Qua đó thấy được nét độc đáo, đặc sắc
trong ngôn ngữ tiểu thuyết Ngô Kính Tử.
Từ khóa: Ngô Kính Tử, Nho lâm ngoại sử, ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ đối thoại, người
kể chuyện.
1. Mở đầu
Trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật của Nho lâm ngoại sử, khảo cứu những tư liệu Trung
Quốc và Việt Nam chúng tôi nhận thấy một số các tác giả đã bàn luận tới vấn đề này, tuy nhiên
những quan điểm, nhận định chỉ mang tính khái quát, tổng hợp. Lỗ Tấn trong Trung Quốc tiểu
thuyết sử lược nhận xét: “Câu văn nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng đầy ý vị sâu xa, chứa đựng sức nặng
công tâm chỉ trích những tệ lậu thời đại” [11]. Đề cập tới nghệ thuật trần thuật của Nho lâm ngoại
sử, trên tạp chí nhà văn trẻ số 21 năm 2011 đăng bài viết Góc nhìn trần thuật trong “Nho lâm
ngoại sử” ( ) của Trương Hồng Yến,
tác giả bài viết cho rằng: “Nho lâm ngoại sử kế thừa những tinh hoa của văn học Trung Quốc tạo
nên những nét đột phá trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn Ngô Kính Tử. Người kể chuyện bị
giới hạn khi tham gia vào câu chuyện, do đó người kể chuyện có sự nhìn nhận và đánh giá khách
quan về nhân vật” [15;25]. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu ở Việt Nam của Phan Võ, Như Thành
cũng nhận định: “Cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả cũng rất đặc sắc. Đó là ngôn ngữ của sử gia,
chữ nào cũng bao hàm tính chất phê phán, cân nhắc. Câu văn xem bên ngoài khá đơn giản, không
có trang sức rườm rà nhưng đọc kĩ thì rất là tinh tế. Trước đây, đó là câu văn của Tư Mã Thiên và
sau này, đó là câu văn của Lỗ Tấn” [13;19]. Các tác giả Nguyễn Khắc Phi, Lưu Đức Trung, Trần
Lê Bảo trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc tập 2 cho rằng “sự châm biếm kín đáo của rừng
Ngày nhận bài: 1/10/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017
Liên hệ: Lê Sỹ Điền, e-mail: diencdvp@gmail.com
94
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
nho nhiều lúc là sự lạnh lùng, bình thản. Tác giả cứ dửng dưng tường thuật, cứ để cho nhân vật
hành động đối thoại và từ đó nảy ra khuynh hướng châm biếm” [6;128].
Nhà văn Ngô Kính Tử viết Nho lâm ngoại sử bằng tâm huyết cá nhân và kinh nghiệm cuộc
đời. Đặc sắc trong cách viết của Ngô Kính Tử là lối văn thâm trầm, kín đáo, câu văn đơn giản
nhưng lại đầy ẩn ý, mỉa ngầm, mang nhiều sắc điệu hướng đến sự châm biếm, phê phán, đả kích
toàn bộ giới trí thức nho sĩ và hệ thống quan lại đương thời. Trên cơ sở những nghiên cứu trước
đó, bài viết này chúng tôi đề xuất những kiến giải mới trong ngôn ngữ trần thuật khách quan của
người kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật để làm rõ hơn nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
của nhà văn Ngô Kính Tử.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học
2.1.1. Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật
Trong cuộc sống, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp hằng ngày của con người, là “cái vỏ
của tư duy” sử dụng một cách tự nhiên, thông dụng với nhiều sắc thái, giọng điệu đa dạng diễn tả
những cung bậc cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ khác nhau của con người. Đây là loại ngôn ngữ toàn
dân, mang phong cách của ngôn ngữ sinh hoạt và được quan niệm là ngôn ngữ phi nghệ thuật.
Xét trong lĩnh vực văn chương, ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ dùng trong các tác phẩm
văn học và nó cũng tương đồng với khái niệm ngôn từ nghệ thuật hay ngôn ngữ văn học. Trong
cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, G.N.Pospelop nhận định: “Văn học là một nghệ thuật ngôn từ;
yếu tố vật chất mang hình tượng của nó là lời nói của con người mà cơ sở là ngôn ngữ của một dân
tộc nhất định” [5]. Các tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học dùng thuật ngữ “ngôn ngữ văn học”
cho rằng: “ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật
ngữ này có ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng
một cách chuẩn mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn hóa, văn
học và khoa học” [2;215]. Theo giáo sư Trần Đình Sử: “Ngôn từ văn học là ngôn từ được lựa chọn,
được tổ chức thành văn bản cố định, sao cho nói một lần mà có thể giao tiếp mãi mãi”. Bàn tới
ngôn ngữ nghệ thuật giáo sư Phương Lựu cho rằng: “nói tới ngôn ngữ nghệ thuật là nói tới “mã”,
nói tới một hệ thống các phương thức, phương tiện tạo hình, biểu hiện, hệ thống các quy tắc thông
báo bằng tín hiệu thẩm mĩ của một ngành, một sáng tác nghệ thuật. Người ta có thể nói tới “ngôn
ngữ ba lê”, “ngôn ngữ chèo”, “ngôn ngữ điện ảnh”. Cũng có thể nói đến ngôn ngữ nghệ thuật của
sáng tác văn học trên cấp độ đó” [4;185-186]. Ở một khái niệm khác, “ngôn ngữ nghệ thuật là
ngôn ngữ dùng trong các tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa
mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp đặt, lựa chọn, tinh luyện
từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật - thẩm mĩ”.
Từ những nhận định trên, có thể khái quát một cách chung nhất khái niệm ngôn ngữ nghệ
thuật “là phạm trù chung bao gồm toàn bộ các yếu tố ngôn ngữ được vận dụng trong tác phẩm văn
chương. Đó là thứ ngôn ngữ đã được chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt, có tính gợi hình, gợi cảm, đem
lại những cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc thông qua những rung động tình cảm, qua đó biểu hiện
cá tính, phong cách sáng tạo của nhà văn”.
2.1.2. Những yếu tố hình thành nên ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn
a. Cá tính sáng tạo của nhà văn
95
Lê Sỹ Điền
Yếu tố đầu tiên góp phần hình thành phong cách ngôn ngữ nhà văn là cá tính sáng tạo của
người nghệ sĩ. Bởi vì văn học không làm giàu cho xã hội bằng của cải vật chất, chân lí mà văn
học đem lại cũng không phải chỉ là chân lí khách quan như trong khoa học mà còn xuyên thấm
tư tưởng chủ quan của người nghệ sĩ. Sự thật có thể chỉ là một nhưng cách nhìn, cách cảm, cách
nghĩ của nhà văn muôn màu, muôn vẻ làm phong phú đời sống tinh thần cho xã hội. Nếu cá tính
của nhà văn mờ nhạt, không tạo được tiếng nói, giọng điệu, phong cách riêng thì đó là sự tự sát
trong văn học. Nam Cao trong tuyên ngôn nghệ thuật của mình đã từng nói: “Nghệ thuật không
chấp nhận những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu nhất định mà chỉ dung nạp những
người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”. Vì thế cá
tính của người nghệ sĩ là yếu tố đầu tiên góp phần hình thành nên phong cách của nhà văn.
b. Hoàn cảnh xã hội, thời đại, môi trường sống
Hoàn cảnh xã hội, thời đại là những yếu tố tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống con
người từ khoa học đến nghệ thuật. Văn học cũng không ngoại lệ bởi văn học có tính xã hội rất cao.
Một tác phẩm văn học ra đời thường chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế,
lịch sử, văn hóa... Những yếu tố đó sẽ tác động đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học,
trong đó tác động tới phong cách ngôn ngữ của nhà văn là rõ nét nhất. Chính vì vậy, có thể dựa vào
ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh xã hội, thời đại mà nhà văn sống và
viết tác phẩm.
Bên cạnh đó, hoàn cảnh xuất thân của gia đình cũng tác động tới phong cách nghệ thuật
của người nghệ sĩ. Gia đình là môi trường sống đầu tiên để nuôi dưỡng và hình thành bản chất,
con người mỗi cá nhân. Sống ở môi trường nào thì sẽ chịu ảnh hưởng của môi trường ấy. Vũ Trọng
Phụng miêu tả thành công, xuất sắc tầng lớp thị dân bằng ngôn ngữ chân thật, phong phú, đặc sắc
đến thế vì ông có sự gắn bó gần gũi với thành thị, chứng kiến hết thảy mọi điều xấu xa của xã hội
đương thời.
Những yếu tố trên kết hợp, tác động, chi phối ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn. Ngoài ra
những nhân tố khác như sở trường, sự lựa chọn thể loại, năng lực cũng chi phối tới ngôn ngữ nghệ
thuật của nhà văn.
2.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
2.2.1. Ngôn ngữ trần thuật khách quan của người kể chuyện
Trần thuật là phần lời của tác giả, của người trần thuật. Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi
bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, thể hiện quan điểm của tác giả hay quan
điểm của người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả. Ngôn ngữ trần thuật có những nguyên
tắc thống nhất trong việc lựa chọn các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ để thể hiện cảm
xúc, quan điểm của tác giả, và cũng là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái
nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả. Một trong những khó khăn đối với nhà văn khi xây dựng tác
phẩm là lựa chọn cho mình một chỗ đứng thích hợp để kể câu chuyện. Việc tìm chỗ đứng này xác
lập cho người kể chuyện một điểm nhìn trần thuật để từ đó câu chuyện được kể ra bằng một ngôn
ngữ nhất định nào đó.
“Nho lâm ngoại sử là cuốn tiểu thuyết dành để trình bày và cắt nghĩa mối quan hệ giữa
chính quyền và văn hóa” [9], nó được cấu thành từ những câu chuyện nhỏ nhưng xuyên suốt từ
đầu đến cuối là sự thống nhất trong nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Xét trên phương diện
trần thuật, đây cũng là một kiểu trần thuật độc đáo của người kể chuyện bởi các câu chuyện trong
tác phẩm tưởng chừng như rời rạc, không liền mạch lại có sức khái quát lớn, cuốn hút người đọc.
96
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
Những câu chuyện mà người kể chuyện trần thuật lại đưa đến cho độc giả cảm nhận đó là những
câu chuyện thật gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội. Trong tác phẩm, điểm nhìn đã đặt
người kể chuyện ở ngôi thứ ba, không tham dự vào câu chuyện và luôn có ý thức giữ một khoảng
cách nhất định với nhân vật. Người kể chuyện có thể nhập vai cùng tác giả tạo ra kiểu người kể
truyện toàn tri, hiểu biết hết tất cả sự việc xảy ra nhưng chỉ đứng ngoài diễn biến của câu chuyện
được kể. Với quan điểm trần thuật này, các câu chuyện trong Nho lâm ngoại sử được kể dưới nhiều
góc độ, nhiều quan niệm với cách lí giải khác nhau vì thế mà tạo nên tính chân thực, khách quan
cho tác phẩm.
Nét đặc sắc trong ngôn ngữ trần thuật tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử chính
là sự “giấu giếm” rất khéo léo. Thái độ của người kể ẩn dưới một bộ mặt lạnh lùng, khách quan.
Người đọc cảm thấy ẩn chứa đằng sau lớp vỏ ngôn ngữ ấy là một thái độ phát phẫn kinh xuất của
nhà văn. Bằng cách viết khách quan, lạnh lùng nhà văn Ngô Kính Tử đã bày tỏ thái độ mỉa mai,
châm biếm đối với toàn bộ giới trí thức nho sĩ; đả kích, lên án mạnh mẽ hệ thống quan lại và chế
độ thi cử đương thời. Khi trần thuật tác giả nhập thân vào người kể chuyện không bộc lộ thái độ
yêu, ghét, khen chê mà để cho các nhân vật tự trao đổi, tranh luận, đi từ phán đoán đến sự thật,
từ sai đến đúng, từ đúng đến sai để cuối cùng nhân vật tự bộc lộ bản chất và tính cách của mình.
Tiếng cười châm biếm, mỉa mai cũng từ đó mà phát lộ không cần sự tham gia đánh giá, nhận xét
của người kể chuyện. Có thể thấy sự khách quan, lạnh lùng đến vô âm sắc của người trần thuật khi
ở một tác phẩm châm biếm mà “ý tại ngôn ngoại” lại đạt đến trình độ trác tuyệt như thế.
Chẳng hạn, người kể chuyện thuật lại cuộc đối thoại giữa Ngưu Bố Y và Khuông Siêu Nhân.
Y nói: “Sách tôi sách nào in ra cũng bán đến vạn quyển. Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây,
Bắc Trực, các khách hàng tranh nhau mua, chỉ sợ không có mà xem ... không giấu gì hai vị, những
người đọc sách trong năm tỉnh này rất kính trọng tôi. Họ đều đốt hương thắp đèn ở án sách gọi tôi
là tiên nho Khuông tử”.
Tiếp đó Ngưu Bố Y nói:
“Có lẽ ông đã lầm! Gọi “tiên nho” thì phải là người đã qua đời rồi. Nay tiên sinh còn sống
đây tại sao lại gọi như thế”.
Khuông Siêu Nhân đỏ mặt nói: “Không phải! Nói “tiên nho” cũng là nói tiên sinh đấy thôi”
[12;310].
Như vậy qua đoạn đối thoại trên độc giả thấy được cái dốt nát mà hay khoe khoang, khoác
lác của Khuông Siêu Nhân. Người trần thuật đã để cho y tự bộc lộ bản chất dốt nát, lố bịch của
mình, sự châm biếm thật nhẹ nhàng mà sâu cay. Một người mà không phân biệt được đâu là “tiên
nho”, đâu là “tiên sinh” mà cũng bày đặt tuyển chọn viết sách, thật đáng để lên án và phê phán.
Đoạn tả cảnh Trương Tĩnh Trai, Phạm Tiến chạy trốn khỏi phủ Thang cũng đầy ý vị châm
biếm bởi giọng văn lạnh lùng, mỉa mai của người kể chuyện: “chạy như con chó nhà có tang, như
con cá vừa lọt lưới, chạy suốt cả đêm mới về đến tỉnh thành” [12;85]. Cũng miêu tả hạng nhà nho
chuyên đi lừa gạt người khác, người kể chuyện để cho Ngưu Ngọc Phố tự bộc lộ bản chất của mình.
Khi giới thiệu Vương Nghĩa An, một tên kiếm gái cho Ngưu Phố, y nói: “Anh chào ông ta đi! Ông
ta là người bạn thân thiết với ta đã hai mươi năm nay tên là Vương Nghĩa An, trước thường cùng
làm việc ở nha môn với ta” [12;338]. Y còn khoác lác khi Vạn Tuyết Trai hỏi y làm gì ở Nam Kinh
mãi, y trả lời: “chỉ vì danh tiếng tôi to quá, tôi vừa đến Nam Kinh ở tại chùa Thừa Ân thì đã có bao
nhiêu người đến thăm”, nói đến ai y cũng bảo “nếu ông ta ở trong quan trường thì cố nhiên là biết
tiếng ta” và đó là “ông bạn kết nghĩa của ta đã hai năm nay, ta không biết sao được”. Ngôn ngữ kể
chuyện của người trần thuật đã dẫn dắt, sắp xếp nhân vật trong các cuộc đối thoại để nhân vật tự
bộc lộ là con người đầy giảo hoạt, xảo trá, thực chất Ngưu Ngọc Phố chỉ là hạng nhà nho khoác
97
Lê Sỹ Điền
lác, chuyên lừa gạt người khác.
Viết Nho lâm ngoại sử nhà văn Ngô Kính Tử không bắt nguồn từ ân oán cá nhân, không
buông lời hung dữ, trút nỗi căm phẫn cá nhân mà như một người thợ quay phim, quay lại tất cả
những gì vốn có của hiện thực đời sống, phơi bày một cách chân xác chế độ khoa cử với tầng lớp
nho sĩ trí thức và hệ thống quan lại đương thời. Thông qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật
nhà văn muốn người đọc tự nhận ra sự châm biếm đầy thâm thúy, sâu cay. Lỗ Tấn đã từng nhận
xét: “Văn thì giọng lo buồn mà cũng có khi hài hước, lời uyển chuyển mà chắc nhiều ý răn. Thật là
lời văn tế nhị, kín đáo, chọn chữ đặt câu tuyệt diệu, mà cũng có thể cho là một tay rình mò đánh lén
tuyệt vời” [10; 233]. Cái ý vị châm biếm đó toát lên từ lối trần thuật dửng dưng tuyệt đối của tác
giả khiến nhân vật hiện lên với những nét tính cách riêng biệt. Chẳng hạn qua đoạn văn tả Nghiêm
Cống Sinh khi hắn khoe bản thân mình ngay thẳng: “Nói thực, tôi vốn thực thà, ở đây chưa hề
lấy của người ta một tơ, một hào nào. Các quan phụ mẫu đến đây đều có lòng thương”, liền ngay
sau đó có người đầy tớ hốt hoảng chạy vào bẩm báo: “Người ta đến đòi lợn, ông về ngay”. Y quát
“muốn có lợn thì đem tiền đến” [12;79]. Một kẻ cường hào tham lam, độc ác đã bắt lợn của người
khác nhốt lại và đòi tiền chuộc thế mà mở miệng ra khoe mình tốt bụng, ngay thẳng, thực thà.
Một thái độ châm biếm kín đáo mà thâm thúy, sâu cay của tác giả dành cho nhân vật. Hay trong
đoạn miêu tả Thang Lão Lục, sự châm biêm biếm được người kể chuyện tái hiện qua cử chỉ, điệu
bộ, hành động của nhân vật: “Thang Lão Lục ngồi trên một cái ghế dài, hắn kéo hai cô gái ngồi
xuống, mỗi người ngồi một bên. Hắn sắn quần lên, gác cái đùi đen bóng lên trên đùi cô Tế, kéo cái
bàn tay trắng nõn của cô Tế đặt lên cái đùi đen thui của hắn. Uống trà xong, hắn lấy ra một cái bị
đựng cau, bỏ cau vào miệng nhai rau ráu. Nước giãi tràn ra ngoài, chảy ròng ròng xuống râu. Hắn
ngả người sang bên phải lại nghiêng sang bên trái, môi ghé vào hai cô để chùi nước giãi. Khi hai
cô kia lấy khăn tay ra lau má thì hắn giựt lấy khăn lau nách” [13;219].
Có thể thấy trong Nho lâm ngoại sử, người kể chuyện đóng vai trò là người trần thuật khách
quan, kể lại câu chuyện một cách tự nhiên theo đúng diễn biến, tình tiết của sự việc, nhân vật tiểu
thuyết không hề hay biết tất cả mọi cử chỉ, điệu bộ của mình đã nằm trong tầm ngắm ống kính
tác giả khiến cho hành động, ngôn ngữ nhân vật trở nên lố bịch, buồn cười, từ đó nảy sinh khuynh
hướng châm biếm đầy ý vị, sâu xa. Hòa với giọng điệu châm biếm, đả kích, ngôn ngữ trần thuật
khách quan của người kể chuyện giữ vai trò quan trọng trong ngôn ngữ tiểu thuyết Nho lâm ngoại
sử. Ngôn ngữ trần thuật khách quan của tác giả đã “dồn người đọc đi đến chỗ nhận ra mối quan hệ
giữa thế quyền và đạo thống - một mối quan hệ biểu hiện tập trung con người giai tầng “độc thư
nhân” - sĩ, hạng mà khoa cử đã biến thành động-vật-ứng-thí” [8].
2.2.2. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật
Lí thuyết thi pháp học cho rằng đối thoại trong truyện là đối thoại nghệ thuật đảm nhiệm
chức năng thẩm mĩ bao gồm hai bình diện lời kể và lời thoại. Lời kể hay “lời gián tiếp là lời văn
đảm đương chức năng trần thuật, giới thiệu, miêu tả, bình luận con người và sự kiện (. . . ) là lời của
người trần thuật, người kể chuyện” [7;178]. Bàn về thi pháp tiểu thuyết, M. Bakhtin trong cuốn lí
luận và thi pháp tiểu thuyết khẳng định vai trò của đối thoại: “Đối thoại là bản chất của ý thức,
bản chất của cuộc sống con người. . . Sống tức là tham gia đối thoại: hỏi, nghe, trả lời, đồng ý. . .
Con người tham gia cuộc đối thoại ấy bằng toàn bộ con người và toàn bộ cuộc đời mình: bằng mắt,
môi, tay, tâm hồn, tinh thần, hành vi. Nó trút hết con người nó vào lời nói và tiếng nói của nó gia
nhập dàn đối thoại của cuộc sống con người, gia nhập cuộc hội thảo thế giới. . . Bản ngã không
chết. Cái chết chỉ là sự ra đi. Con người ra đi khi đã nói lời của mình, nhưng bản thân lời nói ấy
còn lại mãi mãi trong cuộc thoại không bao giờ kết thúc” [1;512]. PGS.TS Nguyễn Thái Hòa cũng
cho rằng, trong các tác phẩm tự sự, "lời thoại là hình thức kể bằng lời nhân vật, nó còn được gọi
98
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
là lời trực tiếp của nhân vật trong văn học, là “hình thức kể chuyện cá thể hoá triệt để tính cách và
tình huống đối thoại” [3;65].
Từ một số nhận định về đối thoại ở trên, chúng tôi nhận thấy đối thoại xuất hiện trong giao
tiếp và thực hiện chức năng giao tiếp một cách trực tiếp giữa người này với người khác. Nó gồm
hai yếu tố đặc trưng là trao lời và đáp lời, có sự tương tác qua lại cùng hướng về những mục đích
giao tiếp nhất định. Trong tác phẩm văn học, dấu hiệu để nhận biết đối thoại khi lời thoại của nhân
vật được tác giả truyền đạt trực tiếp, được hình thức hóa bởi các dấu câu kết hợp với sự xuống dòng
để phân biệt với ngôn ngữ của người dẫn chuyện. Bên cạnh đó, khi xuất hiện đối thoại, người dẫn
chuyện sẽ sử dụng một số động từ quen thuộc như: nói, bảo, mắng, quát, hỏi. . . Tùy vào số lượng
nhân vật tham gia giao tiếp trong từng ngữ cảnh cụ thể mà quyết định đến dạng thức của cuộc thoại
đó. Thường có các dạng đối thoại như đơn thoại, song thoại, tam thoại và đa thoại.
Tiến hành khảo sát và thống kê số lượng, tỉ lệ các dạng thức đối thoại của nhân vật xuất
hiện trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử, chúng tôi nhận thấy có những dạng thức đối thoại sau:
Bảng 1. Gia tăng dân số trung bình năm 2000 phân theo quận, huyện
TT Tổng số lượt đối thoại Dạng thức đối thoại Số lần xuất hiện Tỉ lệ (%)
1 Song thoại 337 68.50
2 492 Tam thoại 89 18.08
3 Đa thoại 66 13.42
Qua bảng thống kê, có thể thấy trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử, số cuộc thoại dưới
hình thức song thoại chiếm số lượng và tỉ lệ cao nhất trong tổng số các cuộc thoại của tiểu thuyết:
337/492 cuộc thoại, chiếm gần 68,50%; số lượng và tỉ lệ cao thứ hai là dạng thức tam thoại: 89/492
chiếm 18,08% tổng số các cuộc thoại, dạng thức đa thoại: 66/492 cuộc thoại chiếm 13,42%. Dựa
vào kết quả thống kê trên, chúng tôi khảo lược ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong tiểu thuyết
Nho lâm ngoại sử qua các dạng thức đối thoại sau:
a. Dạng thức song thoại
Song thoại là giao tiếp hai chiều, có sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe.
Trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử hầu hết ngôn ngữ đối thoại của nhân vật thuộc dạng này, bảng
thống kê số lần và tỉ lệ xuất hiện đã phản ánh điều đó: 337/492 cuộc thoại, chiếm gần 68,50%. Đặc
trưng của những đoạn đối thoại giữa hai nhân vật là rất dài, ở đó nhân vật thường đối thoại khá lâu
về một vấn đề hoặc có khi nói nhiều về đặc điểm, cá tính của nhân vật khác để đánh giá, nhận xét
và phơi bày thực tại. Chẳng hạn đoạn đối thoại giữa Khuông Siêu Nhân và Cảnh Lan Giang khi
nói về tên côn đồ, lưu manh Phan Tam:
“Cảnh Lan Giang nói:
- Anh không nghe gì cả sao?
- Không! Có việc gì?
- Phan Tam tối qua bị bắt. Nay đang giam trong ngục.
- Vô lí! Trưa hôm qua tôi vừa gặp ông ta. Lẽ nào ông ta lại bị bắt được!
Cảnh Lan Giang nói:
- Sự thực rành rành! Nếu không tôi biết sao được. . . lệnh bắt do quan tuần vũ đưa xuống
nên quan huyện không dám chậm trễ, bắt ngay lúc canh ba, sợ ông ta chạy trốn. Người ta vây nhà
rồi bắt ngay tại chỗ. . . nếu anh không tin thì anh cùng tôi đến nhà người bà con để xem tờ giấy sức
bắt.
99
Lê Sỹ Điền
Khuông Siêu Nhân nói:
- Như thế thì tốt nhất. Nhờ anh đưa tôi đến đấy xem công việc như thế nào.
Trả xong tiền rượu hai người đến nhà người giữ việc hình” [12; 299-300].
Tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử còn rất nhiều những dạng song thoại như thế. Đây là dạng
thức đối thoại chủ đạo mà nhà văn xây dựng nhằm tạo nên những điển hình tiêu biểu. Thông qua
dạng thức đối thoại này nhân vật hiện lên với những đặc điểm và nét tính cách riêng biệt mà không
thể hòa lẫn với nhân vật khác.
b. Dạng thức tam thoại
Tam thoại là dạng thức đối thoại có sự tham gia của ba người với ba vai khác nhau tại một
địa điểm và thời gian cụ thể. Trong Nho lâm ngoại sử, tam thoại là dạng thức có 89/492 cuộc thoại,
chiếm 18.08%. Cũng như dạng thức song thoại, qua lối dẫn dắt của người kể chuyện nhân vật được
xác định là người có tên tuổi một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, dạng thức tam thoại cũng góp phần
làm rõ hơn đặc điểm và tính cách của nhân vật. Đoạn thoại giữa Đỗ Thiếu Khanh – Trì Hành Sơn
– Trang Thiệu Quang là một ví dụ tiêu biểu:
“Thiệu Quang cung kính chào hai người khách và nói:
- Anh Thiếu Khanh! Xa nhau mấy năm nay, tôi nghe tin anh ở sông Tần Hoài làm cho phong
cảnh nơi này lại càng đẹp thêm. Hôm trước tôi bận ngao du ở Quán Giang, anh đến rồi đi ngay kể
cũng quá vội.
- Hôm ấy tôi định đến thăm nhưng gặp lúc có người bạn cũ mất, phải đến đó ít ngày. Đến
khi trở về thăm ông thì ông đi Chiết Giang rồi.
- Anh Hành Sơn thường vẫn ở nhà, tại sao không hay đến chơi?
- Tôi cứ mải lo đến đền thờ Thái Bá, chạy vạy bao nhiêu ngày. Bây giờ đền đã bắt đầu dựng
lên. Tôi đã viết bản lễ nhạc, đem nó đến đây để được anh chỉ giáo.
Hành Sơn bèn rút trong ống tay áo ra một quyển đưa cho Trang. Trang cầm xem từ đầu đến
cuối rất kỹ rồi nói:
- Việc này là việc lớn, nghìn năm mới có một lần. Cố nhiên tôi sẽ xin hết sức góp phần.
Nhưng hiện nay tôi có việc phải đi, nhiều là ba tháng, ít nhất là hai tháng mới trở về. Bấy giờ tôi
sẽ lại cùng bàn bạc với ông” [13; 112-113].
c. Dạng thức đa thoại
Cùng với song thoại, tam thoại, dạng thức đa thoại cũng góp phần không nhỏ trong việc
tạo nên văn tài Ngô Kính Tử. Đa thoại là dạng thức lời có từ bốn nhân vật trở lên đan xen vào
nhau trong một ngữ cảnh hội thoại cụ thể. Nó còn được gọi là đối thoại đám đông. Loại này tuy ít
hơn dạng thức song thoại và tam thoại nhưng vẫn chiếm một số lượng đáng kể 66/492 cuộc thoại,
chiếm 13.42%. Điều đó chứng tỏ Ngô Kính Tử đã dành cho đa thoại một lượng trang viết khá lớn.
Đặc trưng của dạng thức đa thoại trong Nho lâm ngoại sử là lời thoại diễn ra giữa nhiều nhân vật,
lời đối thoại dài, các nhân vật cùng bàn luận về một vấn đề nào đấy. Chẳng hạn đoạn đối thoại giữa
Chu Tiến - Kim Hữu Dư - Nhóm bạn của Kim Hữu Dư:
“Trong bọn có một người hỏi:
- Không hiểu ông Chu trong lòng uất ức việc gì mà đến nỗi khóc lóc thảm thương như vậy?
Kim Hữu Dư nói:
- Các vị không biết, cậu tôi đây vốn không phải là dân buôn, ông ta học hành khó nhọc mấy
mươi năm nay, mà tú tài cũng không đỗ. Hôm nay nhìn cảnh trường thi, mới đâm ra thương cảm
100
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
như thế.
Nghe lời nói đúng nỗi lòng mình, Chu Tiến khóc òa. Một người khách nói:
- Xét ra lỗi ở ông Kim cả! Ông Chu đã là văn nhân, thì đưa ông ta vào đây làm gì, để đến
nông nỗi này.
.. Một người khách khác nói:
- Xem vậy thì ông Chu là người học rộng tài cao. Chỉ vì không có ai biết đến, cho nên mới
ra nông nỗi này.
. . . Người khách kia nói:
- Hễ là sinh viên quốc tử giám, thì có thể vào trường. Ông Chu đã là người tài như thế, tại
sao không mua cho ông chức sinh viên quốc tử giám? Nếu thi đỗ thật là thỏa mãn cái tâm sự hôm
nay.
. . . Mọi người đều nói:
- “Quân tử thành nhân chi mĩ” thấy nghĩa mà không làm là không có gan. Chúng ta có ngại
gì! Chỉ sợ ông Chu không chịu nhận thôi.
Chu Tiến nói:
- Nếu quả thật vậy thì thật là ơn trùng sinh như cha mẹ, Chu Tiến này xin đền ơn trâu ngựa”
[12; 52-54].
Như vậy có thể thấy, đối thoại đám đông xuất hiện khá nhiều và rất sinh động. Trong khi
đa số chủ thể của lời song thoại, tam thoại được gọi tên ngay trước lời nói của nhân vật thì ở dạng
thức này hầu hết các cuộc thoại được tung ra liên tiếp, hỗn độn mà người đọc không thể và cũng
không cần xác định chủ thể là ai.
Trên cơ sở phân tích các dạng thức đối thoại trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử, chúng tôi
nhận thấy hoạt động đối thoại của nhân vật dù ở dạng thức đối thoại nào cũng là hình thức cá thể
hóa tính cách triệt để nhất, từ đó nhà văn Ngô Kính Tử đã khắc họa thành công đặc điểm nhân vật
một cách khách quan, tạo nên những điển hình bất hủ trong lịch sử văn học như Chu Tiến, Phạm
Tiến, Mã Thuần Thượng . . . Thế giới nhân vật ấy hiện lên đầy chân thực và sinh động thể hiện
được ý đồ sáng tác của nhà văn về một xã hội chạy theo công danh, tiền tài. Thông qua đối thoại,
nhân vật là phương tiện để nhà văn Ngô Kính Tử khái quát các nét tính cách, tâm lí và hình thành
nên quan niệm nghệ thuật về con người trong thời hiện tại. Điểm thành công lớn nhất của nhà văn
Ngô Kính Tử là xây dựng được một hệ thống nhân vật đông đảo trong sự phong phú của các dạng
thức đối thoại, nổi bật lên là dạng thức song thoại với những điển hình tiêu biểu có sức khái quát
lớn, mang những dấu hiệu trực quan sinh động về tâm lí và tính cách con người trong xã hội Minh
- Thanh suy tàn.
3. Kết luận
Thế giới nghệ thuật là tổng thể những kĩ xảo ngôn ngữ ẩn chứa đằng sau bao tâm huyết của
chủ thể sáng tạo. Ngôn ngữ nghệ thuật là một trong những yếu tố, bộ phận cấu thành nên cái tổng
thể ấy. Trong thế giới Nho lâm ngoại sử, ngôn ngữ đã góp phần thể hiện cá tính và phong cách
sáng tạo của nhà văn. Qua việc khảo sát những đặc sắc ngôn ngữ trần thuật khách quan của người
kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong Nho lâm ngoại sử đã góp phần tạo nên phong
cách riêng của nhà văn Ngô Kính Tử, một nhà văn châm biếm xuất sắc trong dòng tiểu thuyết
châm biếm, tiểu thuyết có đề tài khoa cử, quan trường. Với những đặc sắc về ngôn ngữ nghệ thuật,
Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử xứng đáng là một trong những bộ tiểu thuyết có giá trị nhất và
101
Lê Sỹ Điền
có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] M.Bakhtin, 1992. Lí luận và thi pháp tiểu thuyết. Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, Trường
Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
[2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2004. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục
Hà Nội.
[3] Nguyễn Thái Hoà, 2000. Những vấn đề thi pháp của truyện. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Phương Lựu (chủ biên), 1997. Lí luận văn học. Nxb Giáo dục.
[5] G.N. Pospelop, 1985. Dẫn luận nghiên cứu văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[6] Nguyễn Khắc Phi, Lưu Đức Trung, Trần Lê Bảo, 2002. Lịch sử văn học Trung Quốc tập 2.
Nxb Đại học Sư phạm.
[7] Trần Đình Sử, 1998. Giáo trình dẫn luận thi pháp học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8] Lê Thời Tân, 2015. Suy ngẫm về chế độ khoa cử Trung Hoa nhân đọc Nho lâm Ngoại sử. Tạp
chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 31, Số 3, tr. 58-65.
[9] Lê Thời Tân, 2015. Sĩ nhân trên chiếc cầu khoa cử bắc giữa Đạo Thống và Thế Quyền (Lạm
bàn nội hàm văn hóa tiểu thuyết Nho lâm Ngoại sử). Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại
học Đà Nẵng, số 02 (87), tr.82-86.
[10] Lỗ Tấn, 2002. Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Lương Duy Tâm, Lương Duy Thứ dịch. Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội.
[11] Lỗ Tấn, 2002. Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Bách hoa văn nghệ xuất bản xã.
( )
[12] Ngô Kính Tử, 1989. Chuyện làng nho, tập 1, Phan Võ - Nhữ Thành dịch. Nxb Văn học, Hà
Nội.
[13] Ngô Kính Tử, 1989. Chuyện làng nho, tập 2, Phan Võ - Nhữ Thành dịch. Nxb Văn học, Hà
Nội.
[14] Ngô Kính Tử, 2001. Nho Lâm Ngoại Sử. Tân thế giới Xuất bản xã.
( )
[15] Trương Hồng Yến, 2011. Góc nhìn trần thuật trong Nho lâm ngoại sử. Tạp chí nhà văn trẻ số
21, tr.25. ( )
ABSTRACT
Artistic language in Rú lín wài sh of Wu Jing Zi
Le Sy Dien
Department of Training, Vinh Phuc College
Along with Shu h Zhuàn of Shi Nai, Hóng lóu mèng of Cao Xueqin, Rú lín wài sh of Wu
Jing Zi is one of the most valuable novels of Chinese literature. The reason for its long-lasting
vitality in readers is that its content and art value have been beyond the boundaries of conventional
artistic norms. Rú lín wài sh not only reflected exactly the reality of the contemporary Chinese
society but also gained a lot of achievements in terms of artistic aspects. Within the scope of the
article, we focus on the artistic aspect on language aspect, from which the unique and distinctive
features in language in novel Wu Jing Zi would be made clearer.
Keywords: Wu Jing Zi, Rú lín wài sh, Narrative language, Language dialogue, storyteller.
102

File đính kèm:

  • pdfngon_ngu_nghe_thuat_trong_tieu_thuyet_nho_lam_ngoai_su_cua_n.pdf