Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

Tóm tắt. Sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi mỗi người,

đặc biệt là giáo viên phải có những năng lực để luôn đổi mới và thích ứng, phải là những

người học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, phát triển nghề nghiệp giáo viên

như thế nào cho có hiệu quả và bền vững luôn là trăn trở của các nhà nghiên cứu, các nhà

quản lí cũng như chính giáo viên. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu có liên quan ở

trong và ngoài nước, bài viết đi sâu làm rõ thế nào là phát triển nghề nghiệp giáo viên

cũng như những mô hình phát triển nghề nghiệp giáo viên hiện nay trên thế giới để từ đó

rút ra 5 bài học cho phát triển nghề nghiệp giáo viên của Việt Nam.

pdf 9 trang yennguyen 6080
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam
137 
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2019-0031 
Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2A, pp. 137-145 
This paper is available online at  
PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG THEO TIẾP CẬN 
NĂNG LỰC - KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM 
Nguyễn Thị Kim Dung 
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 
Tóm tắt. Sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi mỗi người, 
đặc biệt là giáo viên phải có những năng lực để luôn đổi mới và thích ứng, phải là những 
người học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, phát triển nghề nghiệp giáo viên 
như thế nào cho có hiệu quả và bền vững luôn là trăn trở của các nhà nghiên cứu, các nhà 
quản lí cũng như chính giáo viên. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu có liên quan ở 
trong và ngoài nước, bài viết đi sâu làm rõ thế nào là phát triển nghề nghiệp giáo viên 
cũng như những mô hình phát triển nghề nghiệp giáo viên hiện nay trên thế giới để từ đó 
rút ra 5 bài học cho phát triển nghề nghiệp giáo viên của Việt Nam. 
Từ khóa: Phát triển nghề nghiệp, giáo viên, mô hình, tiếp cận năng lực, bài học kinh 
nghiệm. 
1. Mở đầu 
Trong thế giới kết nối vạn vật và thời đại của robot, trí tuệ nhân tạo, chúng ta hoàn 
toàn có thể khẳng định rằng, vị trí, vai trò của người giáo viên (GV) đã và đang thay đổi 
rất nhiều: GV không chỉ là người dạy học trên lớp, một người làm nhiệm vụ truyền thụ 
kiến thức, người cung cấp thông tin là chính, mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá 
trình học của học sinh (HS). Hội nghị thượng đỉnh thế giới về giảng dạy đã chỉ ra rằng 
GV cần giúp HS đạt được không chỉ “các kĩ năng dễ giảng dạy và dễ đánh giá” mà quan 
trọng hơn là những cách thức tư duy (sáng tạo, tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, ra 
quyết định và cách học); những cách thức làm việc (giao tiếp và hợp tác); các công cụ làm 
việc (bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông); và các kĩ năng cần của một công dân, 
cho cuộc sống và nghề nghiệp, cũng như trách nhiệm xã hội và trách nhiệm cá nhân để 
thành công trong xã hội dân chủ hiện đại [2, 8]. 
Bên cạnh đó, sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi mỗi 
người, đặc biệt là GV phải có những năng lực để luôn đổi mới và thích ứng, phải là những 
người học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc. Họ phải là những chuyên gia về việc học của 
chính mình, cũng như cho học sinh [9]. GV học để giúp HS học ở mức độ cao nhất. Ngoài 
ra, công việc giảng dạy rất phức tạp, luôn phải đối mặt với những thách thức hàng năm 
như sự thay đổi trong nội dung giảng dạy môn học, các phương pháp giáo dục mới, những 
Ngày nhận bài: 1/2/2019. Ngày sửa bài: 19/2/2019. Ngày nhận đăng: 2/3/2019. 
Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Kim Dung. Địa chỉ e-mail: kimdung28863@gmail.com. 
Nguyễn Thị Kim Dung 
138 
tiến bộ trong công nghệ, những thay đổi về chính sách, luật pháp, và nhu cầu học tập của 
HS Chính vì thế, GV phải liên tục học tập nâng cao trình độ, cải thiện các kĩ năng nghề 
nghiệp của mình[7]. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phát triển năng lực nghề nghiệp GV 
là chiến lược duy nhất để các cơ sở giáo dục nhà trường có thể nâng cao mức độ thực hiện 
nhiệm vụ của GV. Đây cũng là cách thức duy nhất các GV có thể học tập để thực hiện 
nhiệm vụ được tốt hơn và nâng cao kết quả của HS [5]. Nghiên cứu của Rivkin, Hanushek 
& Kain (2005), cho thấy hơn ¾ những tác động của trường học đến kết quả học tập của 
HS có thể giải thích bởi những tác động của GV [4]. 
Như vậy, thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp không ngừng của GV là đòi hỏi có tính sống 
còn của nhà trường và của nghề dạy học, cũng như của chính GV. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta 
trong những năm qua cho thấy việc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp giáo viên còn nhiều bất 
cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và nhu cầu của chính GV. Bài viết đi sâu làm rõ thế 
nào là phát triển nghề nghiệp GV cũng như những mô hình phát triển nghề nghiệp GV hiện nay 
trên thế giới để từ đó có những đề xuất cho phát triển nghề nghiệp GV của Việt Nam. 
2. Nội dung nghiên cứu 
2.1. Phát triển nghề nghiệp giáo viên theo tiếp cận năng lực 
2.1.1. Khái niệm phát triển nghề nghiệp giáo viên theo tiếp cận năng lực 
Có nhiều cách gọi khác nhau mà các nhà giáo dục hay sử dụng khi nói về phát triển 
nghề nghiệp (PTNN) GV, ví dụ như phát triển đội ngũ, bồi dưỡng, học tại chức, học tập 
chuyên môn hoặc giáo dục liên tục. Dù tên gọi khác nhau nhưng mục đích thì giống 
nhau – để nâng cao việc học của GV và HS. Hayes Mizell cho rằng, phát triển nghề nghiệp 
GV được hiểu là quá trình giảng dạy cung cấp cho GV một số khía cạnh nội dung nhất 
định (ví dụ: công nghệ, các phương pháp giảng dạy mới, nội dung môn học, v.v.) để thúc 
đẩy sự phát triển của họ. PTNN là công cụ, phương tiện mà theo đó tầm nhìn của các nhà 
hoạch định chính sách về sự thay đổi được phổ biến và truyền đạt tới các GV [4]. 
 UNESCO cho rằng, PTNN theo nghĩa rộng liên quan đến sự phát triển con người ở 
khía cạnh vai trò nghề nghiệp. Cụ thể hơn: PTNN GV là sự lớn mạnh về nghề nghiệp mà 
GV đạt được như là kết quả của sự gia tăng trải nghiệm và kiểm soát việc giảng dạy của 
mình một cách hệ thống” [5]. TALIS cho rằng: “Phát triển nghề nghiệp GV là các hoạt động 
phát triển các kĩ năng, kiến thức, chuyên môn và các đặc điểm khác của một cá nhân với 
tư cách là một giáo viên” [7]. 
Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng, PTNN GV bao gồm các quá trình chính quy/chính 
thức như hội nghị/hội thảo, seminar, học tập hợp tác giữa các thành viên trong nhóm; 
hoặc các khóa học ngắn hạn ở các cơ sở đào tạo và các quá trình không chính thức như 
những cuộc tranh luận/thảo luận giữa các đồng nghiệp, tự đọc tài liệu hoặc tự nghiên cứu, 
quan sát hoạt động của đồng nghiệp hoặc những học tập khác từ bạn bè. 
 Nói tóm lại: Phát triển nghề nghiệp GV theo tiếp cận năng lực được hiểu là các hoạt 
động phát triển các kĩ năng, kiến thức, thái độ và các đặc điểm khác của một cá nhân với 
tư cách là một GV để họ giải quyết được những thách thức trong dạy học – giáo dục HS 
cũng như những yêu cầu của thực tiễn đa dạng ở nhà trường phổ thông. Nó bao gồm các 
hoạt động chính thức và không chính thức với mục đích chung là phát triển năng lực nghề 
nghiệp GV và từ đó nâng cao kết quả giáo dục HS (theo nghĩa rộng). 
Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - kinh nghiệm thế giới 
139 
2.1.2. Những đặc trưng của phát triển nghề nghiệp giáo viên hiệu quả 
Phát triển nghề nghiệp GV hiệu quả sẽ làm cho GV phát triển các kiến thức và kĩ năng 
cần thiết để họ giải quyết được những thách thức trong học tập của HS. Để hiệu quả, 
PTNN GV cần được lập kế hoạch khoa học, cẩn thận cùng với việc thực hiện nghiêm túc, 
có phản hồi để đảm bảo chúng đáp ứng nhu cầu học tập của GV. Các GV tham gia vào 
PTNN của mình phải áp dụng các kiến thức, kĩ năng học được vào công việc của 
mình[7]. 
Những đặc trưng của phát triển nghề nghiệp GV hiệu quả [6]: 
- Dựa trên chủ nghĩa kiến tạo, tức là GV được đối xử như là những người học tích 
cực, những người được gắn kết với các nhiệm vụ giảng dạy, đánh giá, quan sát và phản 
ánh cụ thể. Điều đó có nghĩa là GV được tham gia tích cực vào việc phát triển năng lực 
của mình thông qua một kế hoạch cụ thể. PTNN GV hiệu quả cần: 
+ Dựa trên một mô hình rõ ràng về năng lực GV với nền tảng lí thuyết chắc chắn, 
trong đó có sự đồng thuận; 
+ Thúc đẩy tự phản ánh/phản hồi của giáo viên; 
+ Tôn trọng điểm bắt đầu và mức độ quan tâm khác nhau của từng GV bằng cách đưa 
ra các lựa chọn, ưu đãi và yêu cầu; và, 
+ Để lại quyền tự chủ cho nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch phát triển chuyên 
môn liên tục. 
- Đó là quá trình lâu dài bởi vì GV học liên tục, xuyên suốt thời gian để giúp GV có 
được một loại những trải nghiệm có liên quan với nhau cho phép họ liên hệ kiến thức với 
trải nghiệm mới trong thực tiễn. 
- Đó là quá trình diễn ra trong từng ngữ cảnh cụ thể. PTNN hiệu quả nhất khi 
chúng dựa vào nhà trường và liên hệ với các hoạt động thường ngày của GV và người học. 
Nhà trường phải trở thành cộng đồng học tập, cộng đồng khám phá, cộng đồng nghề 
nghiệp và cộng đồng chia sẻ. Cơ hội PTNN tốt nhất là các hoạt động “học tại chỗ”; 
- PTNN được nhìn nhận như là quá trình cộng tác. Cũng có những lúc GV tự PTNN 
nhưng PTNN hiệu quả nhất khi có những tương tác có ý nghĩa giữa GV với nhau, với cán 
bộ quản lí, với cha mẹ và các thành viên cộng đồng khác. Nghiên cứu cho thấy việc học 
tập của GV hiệu quả là dựa vào nhà trường và sự cộng tác. Sự phát triển chuyên môn liên 
tục mang tính hợp tác có hiệu quả hơn việc học cá nhân trong việc mang lại những thay 
đổi tích cực trong thực tiễn, thái độ hoặc niềm tin của GV, trong việc nâng cao kết quả 
học tập, hành vi hoặc thái độ của HS. 
- PTNN sẽ rất khác nhau trong các ngữ cảnh đa dạng, thậm chí ngay cả trong một 
ngữ cảnh thì cũng có đa dạng các khía cạnh. Không có một hình thức hay mô hình PTNN 
nào tốt nhất so với những cái khác. GV và nhà trường cần phải đánh giá nhu cầu của mình, 
các giá trị, niềm tin và thực tiễn để quyết định xem lựa chọn mô hình nào phù hợp, có lợi 
nhất với nhà trường ở thời điểm đó. 
2.2. Các mô hình phát triển nghề nghiệp giáo viên trên thế giới 
Qua phân tích các công trình nghiên cứu [1, 3, 5, 7], chúng tôi thấy có 3 mô hình phát 
triển nghề nghiệp giáo viên nổi bật như sau: 
Nguyễn Thị Kim Dung 
140 
- Mô hình phát triển nghề nghiệp GV được chuẩn hóa – Standardized Teacher 
Professional Development: Đây là cách tiếp cận tập trung nhất, được sử dụng tốt nhất để 
phổ biến thông tin và các kiến thức, kĩ năng giữa nhóm đông GV. 
- Mô hình dựa vào nhà trường/lấy nhà trường làm trung tâm – Sited – based Model : 
Học tập chuyên sâu theo nhóm GV trong một trường học hoặc khu vực, thúc đẩy những thay 
đổi sâu sắc và lâu dài về các phương pháp giảng dạy hay khía cạnh nào đó trong giáo dục. 
- Mô hình GV tự định hướng – Self- directed Model: Học tập độc lập, đôi khi được 
đề xuất theo ý muốn của người học, sử dụng các tài nguyên sẵn có có thể bao gồm máy 
tính và Internet. 
2.2.1. Mô hình phát triển nghề nghiệp giáo viên được chuẩn hóa 
Phát triển nghề nghiệp GV được chuẩn hóa thường đại diện cho một cách tiếp cận tập 
trung, liên quan đến hội thảo, các khóa bồi dưỡng, Các chương trình này tập trung vào 
việc phổ biến nhanh các kĩ năng và nội dung cụ thể, thường thông qua cách tiếp cận "xếp 
tầng/thác nước" hoặc "bồi dưỡng GV cốt cán". 
Các mô hình chuẩn hóa có xu hướng dựa vào các phương pháp bồi dưỡng, trong đó 
các diễn giả chia sẻ các kĩ năng và kiến thức với các nhóm đông GV thông qua mặt đối 
mặt, phát sóng hoặc trực tuyến. Các phương pháp tiếp cận được chuẩn hóa tập trung vào 
việc khám phá một ý tưởng và trình diễn hay mô hình hóa các kĩ năng. Các cách tiếp cận 
chuẩn hóa có thể mang lại hiệu quả, khi: 
- Đưa GV đến những ý tưởng mới, cách thức mới để làm việc gì đó và đồng nghiệp mới; 
- Phổ biến kiến thức và phương pháp giảng dạy cho GV trên toàn quốc hoặc khu vực; 
- Hiển thị rõ ràng cam kết của quốc gia hoặc nhà cung cấp hoặc dự án đối với một 
khóa học cụ thể, thiết thực. 
Tuy nhiên, thông thường, các hội thảo diễn ra cùng một lúc và ở một địa điểm mà 
không có theo dõi, và không giúp GV phát triển các kĩ năng và năng lực cần thiết để sử 
dụng các kĩ thuật mới khi họ quay lại trường học. Các buổi học một lần đó chắc chắn có 
thể giúp giới thiệu và xây dựng nhận thức về kiến thức, kĩ năng mới, hướng dẫn phương 
pháp giảng dạy tập trung vào người học, hoặc chương trình mới. Tuy nhiên, các khóa bồi 
dưỡng mà không có sự hỗ trợ tiếp theo hiếm khi dẫn đến những thay đổi hiệu quả về 
giảng dạy và học tập. 
2.2.2. Mô hình phát triển nghề nghiệp giáo viên dựa vào địa phương/nhà trường 
Phát triển nghề nghiệp GV gắn với địa phương thường diễn ra tại các trường học. Các 
chương trình này thường tập trung vào các quá trình thay đổi dài hạn, thông qua các hoạt 
động phù hợp điều kiện thuận lợi tại địa phương để xây dựng các cộng đồng thực tiễn tại 
chỗ. GV làm việc với những người hỗ trợ tại địa phương hoặc GV cốt cán để tham gia 
dần dần vào các quá trình học tập và phát triển các kĩ năng sư phạm, nội dung giảng dạy và 
kĩ năng công nghệ. Phát triển nghề nghiệp GV gắn với địa phương thường tập trung vào các 
vấn đề cụ thể mà các cá nhân GV gặp phải khi họ cố gắng thực hiện các kĩ thuật mới. 
Các mô hình phát triển nghề nghiệp GV gắn với địa phương có xu hướng: 
- Mang mọi người lại gần nhau để giải quyết các vấn đề và nhu cầu của địa phương 
trong một khoảng thời gian; 
- Khuyến khích các phương pháp tiếp cận sáng kiến cá nhân và cộng tác trong giả 
quyết các vấn đề của thực tiễn; 
Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - kinh nghiệm thế giới 
141 
- Cho phép việc phát triển nghề nghiệp giáo viên linh hoạt, bền vững và chuyên sâu hơn; 
- Cung cấp các cơ hội liên tục cho việc học tập chuyên nghiệp trong một nhóm giáo viên. 
Phát triển nghề nghiệp GV dựa vào địa phương phải là một phần của kế hoạch phát 
triển nghề nghiệp lâu dài của bất kỳ quốc gia nào để cải thiện giáo dục. Các chương trình 
PTNN GV dựa vào địa phương có thể tăng thêm và cung cấp bổ sung cho mô hình chuẩn 
hóa. Ví dụ, các bài khoa học mới hoặc phương pháp đánh giá, có thể được giới thiệu tại 
các hội thảo cấp quốc gia cho GV cốt cán. Các GV này sau đó sẽ trở lại trường học của họ 
và làm việc tại chỗ với các đồng nghiệp để thực hiện các kĩ thuật mới một cách hiệu quả. 
Chính vì thế, nhiều chương trình PTNN GV khó phân loại rõ ràng thành chuẩn hóa hoặc 
dựa vào địa phương. 
2.2.3. Mô hình tự phát triển nghề nghiệp giáo viên 
Phát triển nghề nghiệp cá nhân hoặc tự định hướng: tập trung vào PTNN cá nhân, tự 
định hướng với ít hỗ trợ chính thức. Trong phát triển nghề nghiệp GV tự định hướng, GV 
được yêu cầu xác định mục tiêu phát triển nghề nghiệp của riêng mình và chọn các hoạt 
động sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu này. Phát triển nghề nghiệp GV tự định hướng có thể 
bao gồm xem các ví dụ video về lớp học, đọc tài liệu về giáo dục hoặc nghiên cứu thực địa, 
sưu tầm và đọc các bài tạp chí có liên quan, thực hiện các nghiên cứu điển hình, tham gia 
các khóa học trực tuyến hoặc quan sát các lớp do các đồng nghiệp giảng dạy. Nhiều GV đã 
tham gia vào phát triển nghề nghiệp GV tự định hướng không chính thức, bằng cách tìm 
kiếm một đồng nghiệp có kinh nghiệm để được tư vấn, hoặc tìm kiếm các kế hoạch bài học 
trên Internet. 
Tự PTNN GV đặt mọi trách nhiệm lên GV và đòi hỏi ít từ trường học. Các hoạt động 
tự định hướng là hiệu quả nhất với các GV là những người có động lực tự học, và những 
người đã phát triển các kĩ năng giảng dạy và làm chủ môn học. Vì những lí do này, PTNN 
GV tự định hướng ít hiệu quả để nâng cao các kĩ năng cơ bản hoặc mức giữa, và do đó ít 
có lợi cho GV có tay nghề thấp. Mặc dù chắc chắn các GV nên được khuyến khích tham 
gia vào việc học tập liên tục, tự vận động, các hoạt động tự lập không nên được sử dụng 
làm phương tiện chính để PTNN GV. 
Trên đây là 3 mô hình phổ biến trong phát triển nghề nghiệp GV diễn ra trong thực 
tiễn ở nhiều quốc gia. Mỗi mô hình đều có những ưu điểm và những hạn chế (xem bảng 
dưới). Mỗi mô hình có thể bổ sung cho nhau, và có thể được thực hiện dưới nhiều hình 
thức khác nhau, cho phép các chương trình PTNN GV triển khai để đạt được số lượng GV 
lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, mô hình phát triển nghề nghiệp GV dựa vào 
địa phương đáp ứng nhu cầu và điều kiện của địa phương, nên là nền tảng cho phát triển 
GV trên toàn hệ thống giáo dục. 
Bảng 1. So sánh điểm mạnh, hạn chế của các mô hình phát triển nghề nghiệp GV [3] 
Điểm mạnh Hạn chế 
Mô hình phát triển nghề nghiệp GV được chuẩn hóa 
• Giới thiệu kiến thức cơ bản và kĩ 
năng chung cho nhiều người tham 
gia 
• Mở rộng kiến thức của GV bằng 
• Các vấn đề dựa trên một phía 
• Phương pháp tiếp cận “một kích thước phù hợp 
tất cả" loại trừ các vấn đề gắn với ngữ cảnh có thể 
gây rào cản cho việc thực hiện trong trường học 
Nguyễn Thị Kim Dung 
142 
cách cung cấp các ý tưởng và chiến 
lược mới 
• Cấu trúc bồi dưỡng hình “Kim 
tự tháp” tạo điều kiện cho các dự 
án quy mô lớn và sự khuếch tán 
nhanh chóng trên các hệ thống 
 • Có thể tạo ra các liên minh và 
mối quan hệ mới giữa các giáo 
viên tham gia 
 • Cách tiếp cận một lần của hội thảo không đề cập 
đến bản chất học tập dài hạn, phát triển 
• Giảm thiểu đáng kể các kĩ năng và kiến thức 
trong việc chuyển từ GV cốt cán sang đồng nghiệp 
 • Không cung cấp theo dõi, giám sát tiếp hoặc hỗ 
trợ sau bồi dưỡng 
• Đánh giá là khó khăn - kết quả dựa trên lớp học chỉ 
xuất hiện theo thời gian và nằm ngoài hội thảo 
Mô hình phát triển nghề nghiệp GV dựa vào địa phương/nhà trường 
• Có lợi hơn để xây dựng một 
cộng đồng thực hành 
 • Dựa vào địa phương, tập trung 
vào nhu cầu của địa phương, xây 
dựng và bồi dưỡng sự thành thạo 
ở địa phương 
 • Hỗ trợ các nỗ lực PTNN GV 
bền vững để bồi dưỡng sự thành 
thạo trong các trường học 
• Nhiều thời gian 
• Khó khăn trong cung cấp sự thành thạo cho các 
khu vực nguồn lực nghèo nàn, đặc biệt là những 
khu vực bị ảnh hưởng bởi con người hoặc địa lí xa 
xôi 
Mô hình tự phát triển nghề nghiệp 
• Linh hoạt 
• Cơ hội để lựa chọn và cá nhân 
hóa 
• Giáo viên có thể tham gia vào 
các cộng đồng trực tuyến và truy 
cập các tài nguyên 
• Giáo viên phải có quyền truy cập vào tài nguyên 
công nghệ hoặc các tài nguyên khác 
• Giáo viên đã phát triển trình độ chuyên môn cao 
• Chỉ phù hợp với các GV có động lực và tự chủ cao 
• Vì GV làm việc một mình, tỷ lệ tiêu hao sinh lực 
có thể cao hơn 
2.3. Một số bài học cho phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên ở Việt Nam 
Trên cơ sở phân tích thế nào là PTNN GV hiệu quả và các mô hình PTNN GV hiện 
nay của các nước trên thế giới, chúng tôi rút ra một số bài học cho các chương trình bồi 
dưỡng PTNN GV Việt Nam như sau: 
(i) PTNN GV là quá trình lâu dài, phải diễn ra liên tục, bao gồm đào tạo, thực hành, 
phản hồi và cung cấp đủ thời gian cũng như có sự hỗ trợ tiếp theo để đảm bảo những kiến 
thức, kĩ năng mới được áp dụng vào thực tiễn nhà trường, thực tiễn hoạt động nghề 
nghiệp của GV. Để GV có thể học liên tục trong quá trình lao động nghề nghiệp của mình, 
các chương trình PTNN phải đáp ứng các yêu cầu sau: 
- Đảm bảo liên tục của bồi dưỡng và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ được cập nhật; 
- Kế hoạch và phương pháp dạy học – giáo dục đáp ứng nhu cầu đổi mới của ngành 
để GV có thể thích ứng được với mọi sự thay đổi và tiến bộ trong nghề nghiệp của họ; 
- Phát huy tối đa mọi phương tiện, thoát khỏi giới hạn của các hình thức bồi dưỡng 
truyền thống cũng như sự hạn hẹp về hình thức tổ chức; 
- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa GV, nhà trường và các bên có liên quan. 
Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - kinh nghiệm thế giới 
143 
 (ii) Các chương trình PTNN GV phải gắn với địa phương, với nhà trường từ nội 
dung đến hình thức triển khai. Chương trình PTNN GV chỉ có hiệu quả khi nội dung của 
nó phản ánh những vấn đề của thực tiễn, giải quyết những khó khăn mà GV và nhà trường 
đang phải đối mặt. Các chương trình thành công thu hút GV vào các hoạt động học tập 
tương tự như những gì họ sẽ sử dụng với HS của họ. Ngoài ra, các chương trình PTNN 
GV phải hướng đến tạo ra một cộng đồng học tập ngay trong nhà trường. Nhà trường phải 
trở thành một tổ chức biết học hỏi khi mọi người đều sẵn sàng cho việc học tập, sẵn sàng 
chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của họ một cách có hệ thống. 
 (iii) Giáo viên – phải là những người học tích cực, chủ động. Muốn thế, GV đã được 
tham gia trực tiếp vào việc thiết kế và thử nghiệm những phương pháp giảng dạy với tư 
cách là những người có nhu cầu bồi dưỡng. Nội dung bồi dưỡng GV phải có tính ứng 
dụng thực tế, xuất phát từ đề xuất của người học chứ không phải được xác định trước, bị 
áp đặt từ trên xuống của các cấp quản lí, khiến cho công tác bồi dưỡng mang tính hình 
thức, bắt buộc và kém hiệu quả. Đó phải là những nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu 
thực tế và giải quyết các khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ mà GV gặp phải trong thực 
tiễn. Từ nội dung đến hình thức học tập PTNN GV phải kết nối trực tiếp với lớp học và 
HS của họ. 
Bên cạnh đó, để GV trở thành những người học tích cực rất cần tạo ra nhu cầu, 
động cơ PTNN cho GV. Nghiên cứu của Fuller và đồng nghiệp (2006) cho thấy niềm tin, 
sự hiểu biết, các kĩ năng và thái độ với cuộc sống, với công việc cũng như nhu cầu và quan 
niệm về việc học của GV tác động đến việc học tập của họ [10]. Cùng một cơ hội, môi 
trường học tập như nhau nhưng GV có thể tích cực, tận dụng các cơ hội học tập nhưng có 
GV lại thờ ơ, bỏ qua. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu, thái độ của mỗi GV. 
(iv) Cần sử dụng đa dạng, linh hoạt các mô hình PTNN GV khác nhau –bồi dưỡng 
GV tập trung, bồi dưỡng GV tại chỗ, gắn với nhà trường và tự bồi dưỡng PTNN, trong đó 
đặc biệt chú trọng mô hình PTNN GV tại chỗ. Bởi vì thông qua học tập tại chỗ, GV có 
thể tiếp cận trực tiếp với chuyên gia và tạo ra các tương tác đa chiều, không bị ngăn cách 
về mặt thời gian và không gian. Họ được học hỏi đầy đủ và tận gốc những nội dung bồi 
dưỡng, họ được trao đổi, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ với những GV có kinh 
nghiệm và với nhau. Bên cạnh đó, việc tham gia hàng ngày tại nơi làm việc là những tài 
nguyên học tập không chính thức rất lớn đối với GV khi mà họ nhận được sự hỗ trợ và 
phản hồi từ các đồng nghiệp. Hình thức phát triển nghề nghiệp này vừa đáp ứng được nhu 
cầu cá nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu tập thể và như vậy giúp cho GV kiến tạo các quá 
trình học tập sao cho thích ứng với những thay đổi xã hội trong bầu không khí cởi mở và 
cộng tác . 
(v) Phát triển nghề nghiệp GV phải hướng đến xây dựng cộng đồng học tập trong nhà 
trường: PTNN GV hiệu quả nhất khi tập thể các thành viên trong trường hợp tác nỗ lực để 
cải thiện, học hỏi và cùng nhau đổi mới. PTNN chất lượng cao tạo không gian cho GV 
chia sẻ các ý tưởng và cộng tác trong việc học của họ, thường gắn với ngữ cảnh công việc 
thực diễn ra ở nhà trường phổ thông (nhúng vào thực tiễn). Bằng cách làm việc cộng tác, 
GV có thể tạo ra các cộng đồng học tập nhờ đó thiết lập một văn hóa chia sẻ trong toàn 
trường, lôi cuốn và phát triển liên tục, tập trung vào suy ngẫm thực tiễn để nâng cao kết 
quả học tập của HS và cái đích cuối cùng là tất cả những GV làm việc trong và ngoài 
lớp học đều hướng đến phát triển năng lực chuyên môn và kết quả học tập của người học. 
Nguyễn Thị Kim Dung 
144 
3. Kết luận 
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì phát triển nghề nghiệp GV là nhiệm vụ quan 
trọng, sống còn không chỉ của GV mà của cả nhà trường. Phát triển nghề nghiệp GV phải 
hướng đến các hoạt động phát triển các kiến thức, kĩ năng, thái độ và các đặc điểm khác 
của GV để giúp họ giải quyết những khó khăn, những yêu cầu mới của thực tiễn lớp học 
với đích cuối cùng là nâng cao chất lượng học tập của HS. Để đạt được điều đó, PTNN 
GV phải đảm bảo tập trung vào những nội dung đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của 
GV, kết hợp học tập tích cực và cộng tác, sử dụng các mô hình thực tiễn, gắn với nhà 
trường và đảm bảo đủ dài thời gian để GV có thể áp dụng những gì đã học vào những trải 
nghiệm mới 
Lời cảm ơn: Bài viết này là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ: B2018-
SPH-03HT. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Bainer, D.L.; Cantrell, D.; Barron, P., 2000. Proferrional development of non-formal 
environmental educators through school-based partnerships. Journal of Environmental 
Education. 32 (1), pp 36-45. 
[2] Darling-Hammond, L., 1998. The quiet revolution: rethinking teacher development. 
Journal: Educational Leadership, 53(6), pp 4-10. 
[3] Gaible, Edmond and Mary Burns, 2005. Models and best practices in teacher 
professional development, In: Using Technology to Train Teachers: Appropriate Uses of 
ICT for Teacher Professional Development in Developing Countries. Washington, DC: 
infoDev / World Bank. Available at:  
[4] Hayes Mizell, 2010. Why Professional Development Matters, www.learningforward.org. 
[5] Eleonora Villegas-Reimers, 2003. Teacher Professional development- an international 
review of the literature. Published by International Institute For Educational Planning, 
UNESCO Paris. 
[6] European Commission, 2013. Supporting teacher competence development for better 
learning outcomes, Education and Training, at: 
education/teacher-cluster_en.htm. Section. 
[7] OECD, 2009. The Professional Development of Teachers, In: Creating Effective 
Teaching and Learning Environments: First Results from TALIS at: 
www.oecd.org/publishing/corrigenda. 
[8] Schleicher, A., 2011. Building a High-Quality Teaching Profession: Lessons from 
around the World. OECD Publishing. 
[9] Vũ Thị Sơn, 2015. Mô hình đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực nghề, 
Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 
[10] Tang, S.Y.F. & Choi, P.L.,2009. Teachers’ professional lives and 
continuing professional development in changing times. Educational Review, 61(1),1-18. 
Phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo tiếp cận năng lực - kinh nghiệm thế giới 
145 
ABSTRACT 
Competency – based teacher professional development 
– the experience and lessons for Vietnam 
Nguyen Thi Kim Dung 
Institute for Educational Research, Hanoi National University of Education 
The continuous development of science and technology requires that each person, 
especially the teacher, to have the competency to be innovative and adaptive , to be 
lifelong learners, to learn anytime and anywhere. However, how to effectively develop 
professional qualifications of teachers is always a concern for researchers, administrators, 
and teachers. This article analyses what is the professional development of effective 
teachers as well as the current professional development teacher models in the world to 
draw 5 lessons for the development of teachers in Vietnam. 
Keywords: Professional development, teacher, model, competency approach, lesson. 

File đính kèm:

  • pdfphat_trien_nghe_nghiep_giao_vien_pho_thong_theo_tiep_can_nan.pdf