Quá trình công nghiệp hóa ở Nhật Bản dưới thời Minh Trị (1868-1912) và một số gợi mở cho công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay

Tóm tắt Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, nếu như cải cách Taika (năm 645) từng bước thiết lập chế độ phong kiến thì Minh Trị duy tân (1868 - 1912) đã đưa đất nước này phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc cải cách Minh Trị, công nghiệp hóa đóng vai trò quan trọng giúp Nhật Bản thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, trở thành một cường quốc kinh tế phát triển nhất châu Á thời bấy giờ. Nhìn lại thời kỳ Minh Trị duy tân (1868 - 1912), chúng ta thấy tầm ảnh hưởng của cuộc cải cách này không còn giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Nhật Bản mà đã vươn ra phạm vi khu vực. Từ những bài học thành công của quá trình công nghiệp hóa Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị duy tân, với nhiều nét tương đồng về địa lý, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, Việt Nam có thể học tập, chọn lựa những kinh nghiệm hữu ích để áp dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra hiện nay

pdf 6 trang yennguyen 2820
Bạn đang xem tài liệu "Quá trình công nghiệp hóa ở Nhật Bản dưới thời Minh Trị (1868-1912) và một số gợi mở cho công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Quá trình công nghiệp hóa ở Nhật Bản dưới thời Minh Trị (1868-1912) và một số gợi mở cho công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay

Quá trình công nghiệp hóa ở Nhật Bản dưới thời Minh Trị (1868-1912) và một số gợi mở cho công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay
Email: hiepdtu@gmail.com
Quá trình công nghiệp hóa ở Nhật Bản dưới thời Minh Trị (1868 - 1912) 
và một số gợi mở cho công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay
The industrialization process in Japan under Meiji Era (1868 - 1912) 
and some suggestions for Vietnam’s renovation 
Trần Xuân Hiệpa,*, Nguyễn Tuấn Bìnhb
Tran Xuan Hiep, Nguyen Tuan Binh
aKhoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam
Faculty of Social Sciences and Humanities, Duy Tan University, Da Nang, Vietnam
bKhoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam
Faculty of History, University of Education, Hue University, Thua Thien Hue, Vietnam
(Ngày nhận bài: 27/08/2019, ngày phản biện xong: 09/12/2019, ngày chấp nhận đăng: 06/01/2020)
Tóm tắt
Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, nếu như cải cách Taika (năm 645) từng bước thiết lập chế độ phong kiến thì Minh 
Trị duy tân (1868 - 1912) đã đưa đất nước này phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc cải cách Minh Trị, 
công nghiệp hóa đóng vai trò quan trọng giúp Nhật Bản thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, trở thành một cường quốc kinh 
tế phát triển nhất châu Á thời bấy giờ. Nhìn lại thời kỳ Minh Trị duy tân (1868 - 1912), chúng ta thấy tầm ảnh hưởng của 
cuộc cải cách này không còn giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Nhật Bản mà đã vươn ra phạm vi khu vực. Từ những bài 
học thành công của quá trình công nghiệp hóa Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị duy tân, với nhiều nét tương đồng về địa 
lý, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, Việt Nam có thể học tập, chọn lựa những kinh nghiệm hữu ích để áp dụng vào 
thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra hiện nay. 
Từ khóa: Công nghiệp hóa, đổi mới, Nhật Bản, Minh Trị duy tân, Việt Nam. 
Abstract
During the historical length of Japan, while the Taika Reforms (645) gradually established feudalism, the Meiji 
Restoration (1868 - 1912) led this country to capitalism. In the Meiji Restoration, industrialization played an important 
role in helping Japan escape from poverty and backwardness, becoming the most powerful economic Asian powers at 
the time. Looking back on the Meiji era (1868 - 1912), we realized this reform’s influence is no longer limited to Japan’s 
territory but has reached out to the region. From the successful lessons of the Japanese industrialization in the Meiji era, 
with many similarities in terms of geography, culture, history and national traditions, Vietnam can learn and select the 
useful experiences to apply to the reality of the current national renovation.
Keywords: Industrialization, Japan, Meiji Restoration, renovation, Vietnam. 
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN
DTU Journal of Science and Technology 07(38) (2020) .........
1. Mở đầu
Năm 1868, sau chiến tranh Boshin, Thiên 
hoàng Minh Trị tiến hành cuộc Minh Trị duy 
tân, mở ra kỷ nguyên hiện đại hóa đất nước Nhật 
Bản. Cải cách Minh Trị, hay Minh Trị duy tân 
(Meiji-ishin) là một cuộc cách mạng tư sản làm 
thay đổi to lớn cấu trúc kinh tế, xã hội và chính trị 
của Nhật Bản. Cuộc cách mạng năm 1868 cũng 
33
mở đường cho việc biến nước Nhật Bản phong 
kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi 
số phận một nước thuộc địa hay nửa thuộc địa. 
Trong tiến trình cải cách, chính phủ Minh Trị coi 
công nghiệp là một trong những trụ cột của một 
quốc gia hiện đại, vì vậy đã đề ra nhiều chính 
sách phát triển nền công nghiệp đất nước. 
Nhìn lại công cuộc Minh Trị duy tân (1868 - 
1912), chúng ta thấy tầm ảnh hưởng của cuộc cải 
cách này không còn giới hạn trong phạm vi lãnh 
thổ Nhật Bản mà đã vươn ra phạm vi khu vực. 
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nhật 
Bản từ Minh Trị duy tân trở đi đã được thực hiện 
thành công và để lại nhiều bài học kinh nghiệm 
quý báu có giá trị phổ biến cho các nước trong 
khu vực và thế giới. Trong đó, Việt Nam là nước 
có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản cho 
nên những bài học kinh nghiệm từ cuộc cải cách 
Minh Trị có giá trị hữu ích và mang tính gợi mở 
cho công cuộc đổi mới đất nước do Đảng và Nhà 
nước ta đang tiến hành hiện nay.
2. Quá trình tiến hành công nghiệp hóa của 
chính quyền Minh Trị ở Nhật Bản (1868 - 1912)
2.1. Tận dụng các nguồn vốn để công nghiệp 
hoá đất nước
Ngay từ khi mới lên nắm quyền, chính phủ 
Minh Trị đã nhận thấy rằng, muốn xây dựng đất 
nước có một nền công nghiệp hiện đại cần phải 
có trình độ khoa học kỹ thuật cao với phương 
châm “học hỏi phương Tây, đuổi kịp và vượt 
phương Tây”. Hiện đại hoá Nhật Bản là áp dụng 
nhanh chóng các thành tựu của phương Tây vào 
quá trình công nghiệp hóa đất nước, làm cho 
Nhật Bản lớn mạnh về kinh tế, giữ vững được 
nền độc lập nhằm loại bỏ các hiệp ước bất bình 
đẳng trong thời kỳ Mạc phủ Tokugawa. Phát huy 
lợi thế về nguồn nhân lực đã được đào tạo, chính 
phủ Minh Trị bao gồm các Samurai tư sản hoá và 
tầng lớp trí thức có đầu óc canh tân, có ý thức dân 
tộc [3; 115]. Do vậy, Nhật Bản đã chú trọng đầu 
tư vốn và đào tạo nguồn nhân lực. 
Trong thời kỳ này, chính quyền Minh Trị chú ý 
vào hai loại vốn sau: Thứ nhất là vốn trong nước: 
chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là khoản thu 
nhập từ thuế đất và thuế nông nghiệp với mức cao 
và số vốn từ nguồn vốn tự tiết kiệm, do nhà nước 
ban hành quy định cấm nhân dân đi du lịch nước 
ngoài, để đầu tư vào phát triển kinh tế đất nước; Thứ 
hai là vốn nước ngoài, nhà nước dùng hình thức vay 
vốn của nước ngoài, mục đích để mua máy móc 
phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa. Số vốn 
thu được từ các lĩnh vực trên đã được nhà nước giải 
quyết một cách hợp lý, linh hoạt, có hiệu quả cao 
góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế. 
2.2. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực khoa 
học kỹ thuật
Chính phủ Minh Trị cũng nhận thức được rằng: 
Muốn xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, phải 
có một đội ngũ trí thức tiên tiến, đủ cơ sở và tiềm lực 
xây dựng đất nước. Ngay trong lời tuyên thệ, Thiên 
hoàng Minh Trị đã nói: “Cầu trí thức ở thế giới, làm 
cho nước nhà trở nên mạnh lớn, vẻ vang” [5; 131]. 
Đây là nhân tố quyết định giúp Nhật Bản phát triển 
kinh tế theo hướng “đón đầu”, tiếp cận khoa học 
kỹ thuật phương Tây. Cho nên việc gửi sinh viên 
ra nước ngoài để học tập được chính quyền Minh 
Trị coi là quốc sách. Chủ trương sử dụng nhân tố 
quốc tế để tiến hành công nghiệp hoá của Nhật Bản 
được triển khai nhanh và vững chắc bằng những 
bước đi và những hình thức cụ thể. Bước đột phá 
lịch sử đưa đến sự “cất cánh” của Nhật Bản là sự 
kiện Thiên hoàng Minh Trị tuyên bố Cương lĩnh cải 
cách (tháng 4-1868), trong đó nhấn mạnh tư tưởng 
“học tập nước ngoài để xây dựng đất nước” [1; 3]. 
2.3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Cùng với việc học tập khoa học kỹ thuật 
phương Tây và chú trọng phát triển giáo dục, Thiên 
hoàng Minh Trị rất quan tâm xây dựng cơ sở hạ 
tầng. Chính phủ Nhật Bản chủ trương muốn công 
nghiệp hóa thành công thì phải có cơ sở hạ tầng 
vững chắc, đặc biệt là ngành giao thông vận tải, 
thông tin liên lạc. Xác định đường sắt là một trong 
34
những mạch máu của sự phát triển kinh tế - xã hội, 
ngay từ đầu Nhật Bản đã chú trọng xây dựng. Năm 
1872, Nhật Bản hoàn thành tuyến đường sắt Tokyo 
- Yokohama dài 19 dặm. Tính đến năm 1870, 
ngành đường sắt Nhật Bản đã chở được 40.000 tấn 
hàng và năm 1880 chở được 2 triệu hành khách 
với giá bằng 1/17 giá cũ [4; 99]. Đến cuối những 
năm 80 của thế kỷ XIX, tổng chiều dài đường sắt 
được xây dựng là 580 dặm, chủ yếu do số vốn vay 
của nước ngoài (nước Anh). Đặc biệt nhất là vào 
năm 1880, tuyến đường sắt Kyoto - Otsu được xây 
dựng. Đây là tuyến đường sắt đầu tiên mà Nhật 
Bản xây dựng không dựa vào sự giúp đỡ của nước 
ngoài [6; 316-317]. Đến năm 1893, Nhật Bản có 
2.000 dặm đường sắt và 100.000 tấn tàu chạy bằng 
hơi nước [8; 143]. Bên cạnh đó, chính phủ Minh 
Trị khuyến khích các tư nhân bỏ vốn xây dựng 
các xí nghiệp, các công trình đường sắt, đường bộ, 
điện tín. Năm 1881, một số tư nhân được nhà nước 
cho phép đứng ra xây dựng hệ thống đường sắt, 
hệ thống đường bộ, đường thủy, hải cảng quốc tế. 
Một số xưởng đóng tàu cũ đã được sửa chữa, ngoài 
ra chính phủ còn cho xây dựng mới một số xưởng 
đóng tàu ở Kobe. Năm 1870, Thiên hoàng Minh 
Trị cho thành lập Bộ Công nghệ nhằm giúp đỡ các 
xí nghiệp tư nhân liên quan đến việc bảo trợ kỹ 
thuật, cho vay vốn và đánh thuế. 
Cùng với sự phát triển về ngành đường sắt, hệ 
thống thông tin liên lạc cũng mở rộng nhanh chóng 
vào năm 1869 và hệ thống bưu điện tăng lên năm 
1871. Số lượng các bưu điện đã tăng, lượng thư 
từ xử lý một năm tăng từ 100 triệu đến 1 tỷ lá thư 
một năm, dịch vụ điện thoại bắt đầu tăng lên sau 
năm 1892. Đến năm 1911, Nhật Bản có khoảng 
180.000 hộ và công sở có điện thoại. Do sự khuyến 
khích của chính phủ, tư bản tư nhân cũng dần dần 
góp vốn vào xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia. Việc 
cung cấp điện bắt đầu tăng lên vào đầu năm 1900 
với công suất 320.000 KWh [7; 43].
2.4. Phát triển hài hòa công nghiệp nhẹ, 
công nghiệp nặng
Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp 
hóa, công nghiệp nhẹ, nhất là công nghiệp dệt, 
được chính phủ Minh Trị chú trọng do đầu tư 
ít vốn hơn công nghiệp nặng. Mặt khác, công 
nghiệp nhẹ thu lãi nhanh hơn, có triển vọng tạo 
thế cân bằng cán cân thương mại cho Nhật Bản. 
Trong thời kỳ này, chính phủ đã xây dựng nhà 
máy dệt đầu tiên ở Satsuma năm 1868, nhà máy 
thứ hai ở Osaka ra đời vào năm 1870. Các nhà 
máy dệt lụa cũng được chú trọng cải tiến kỹ 
thuật, có thể sản xuất hàng lụa tốt vào loại bậc 
nhất thế giới. Năm 1880, hàng lụa chiếm 43% 
so với tổng số các hàng xuất khẩu của Nhật Bản. 
Chính phủ đứng ra tổ chức và điều hành các cơ 
sở sản xuất, đồng thời chủ trương khai thác các 
vùng đất hoang ở Hokkaido để biến thành các 
trung tâm công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, nhà 
nước còn thành lập trường kinh doanh để đào tạo 
các chuyên gia doanh nghiệp có tầm cỡ quốc gia. 
Chính phủ Nhật Bản còn vay tiền của ngoại quốc 
để đầu tư vào các xí nghiệp, tìm mọi biện pháp 
để bảo trợ nền công nghiệp và gia tăng sản xuất. 
Nhờ một loạt các biện pháp trên, chỉ với một thời 
gian rất ngắn các nhà máy dệt tư nhân đã tăng lên 
nhanh chóng và trở thành một trong những ngành 
công nghiệp phồn thịnh nhất của Nhật Bản lúc 
bấy giờ. Chính phủ đã dành cho tư nhân quản lý 
công nghiệp giấy và công nghiệp mỏ. Điều này 
chính là tác nhân quan trọng làm cho giới kinh 
doanh tư nhân ở Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, 
trong đó có một số hãng, công ty nổi tiếng như: 
Mitsubishi, Mitsui, Fujita, Kawazako.
Để tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình công nghiệp 
hóa, năm 1880, chính phủ Minh Trị đã bán các xí 
nghiệp của nhà nước cho tư nhân trực tiếp quản 
lý, chú trọng bảo vệ lợi ích pháp lý, tạo điều kiện 
cho tư nhân phát triển kinh tế. Ngoài ra, Nhật Bản 
cũng đã sử dụng những biện pháp kích thích đòn 
bẩy kinh tế bằng cách: giảm thuế, miễn thuế, cấp 
tín dụng hoặc cho nhân dân vay vốn với lãi suất 
thấp. Nhà nước cũng thông qua đơn đặt hàng của 
chính phủ, các tập đoàn tài phiệt Zaibatsu. Các tập 
đoàn này quan hệ mật thiết với chính phủ và hệ 
thống ngân hàng, để tạo vốn cho tư nhân phát triển 
công nghiệp. Nhờ chính sách tư hữu hóa mà nhiều 
35
ngành sản xuất đã phát triển vượt bậc, từ những cơ 
sở công nghiệp nhỏ trở thành các công ty, xí nghiệp 
lớn, chẳng hạn như ngành dệt, sản xuất giấy, khai 
thác mỏ. Năm 1881, các ngành công nghiệp mới 
xuất hiện sản xuất các mặt hàng xi măng, bia, thủy 
tinh, len. Năm 1881, có 99% than, 94% thép và 
77% đồng ở Nhật Bản do tư nhân sản xuất. Mối 
quan hệ giữa nhà nước và tư nhân đã tạo ra các thế 
hệ doanh nhân có năng lực với nhiều thành phần 
xuất thân khác nhau. Đặc biệt, không ít trong số họ 
đã trở thành những nhân vật sáng lập ra các công 
ty lớn như Mitsui, Sumitomo...
Công nghiệp khai thác mỏ cũng được chú trọng 
với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài và 
sự giúp đỡ vốn của Anh. Vào năm 1869, cơ sở 
khai thác mỏ tối tân đã đi vào hoạt động. Sau đó 
nhà nước quốc hữu hoá cơ sở này bằng cách mua 
lại phần vốn của người Anh (năm 1874) và do 
người Nhật điều hành toàn bộ. Năm 1880, chính 
phủ quyết định đầu tư vốn và công nghệ hiện đại, 
việc khai thác mỏ sắt được chú ý. Chính phủ Nhật 
đã chỉ đạo các cơ sở trong nước tự sản xuất được 
90% số vàng, bạc, hoàn thành xây dựng nhà máy 
sản xuất dụng cụ cơ khí vào năm 1870, nhà máy 
gạch trắng năm 1876. Việc khai khoáng mỏ nằm 
trong tay tư nhân và nhà nước. Trong lĩnh vực này 
có bước tiến bộ đáng kể, từ xí nghiệp quản lý kém, 
ví dụ mỏ vàng, mỏ bạc ở Sado, thì đến năm 1911 
phát triển rất nhanh chóng do có sự hỗ trợ của cố 
vấn nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ còn thực hiện 
một loạt các biện pháp, như chính phủ phát hành 
bán trái phiếu năm 1878, với mục đích lấy tiền để 
mua máy đánh sợi bông của nước Anh, nhằm xúc 
tiến quá trình hiện đại hóa đất nước. 
Tóm lại, quá trình công nghiệp hoá dưới thời 
Minh Trị ở Nhật Bản đã có vai trò quan trọng 
đưa đất nước này thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, 
nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế 
phát triển nhất châu Á đi theo mô hình các nước 
tư bản chủ nghĩa ở phương Tây. Công cuộc Minh 
Trị duy tân nói chung và công nghiệp hóa nói 
riêng của Nhật Bản là tấm gương sáng cho các 
nước khu vực học tập để phát triển kinh tế, ảnh 
hưởng đối với Trung Quốc, Việt Nam.
3. Một số kinh nghiệm gợi mở từ quá trình 
công nghiệp hóa Nhật Bản dưới thời Minh Trị 
đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay
Quá trình công nghiệp hóa Nhật Bản thời kỳ 
Minh Trị diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XIX - đầu 
thế kỷ XX, trong bối cảnh thế giới khác nhiều so 
với hiện nay, thời kỳ toàn cầu hóa và văn minh 
tri thức. Tuy nhiên, đối với một nước đang phát 
triển và trong quá trình chuyển đổi kinh tế như 
Việt Nam, những bài học từ Minh Trị duy tân và 
công nghiệp hóa Nhật Bản vẫn có giá trị thực tiễn, 
giúp Việt Nam học tập, chọn lựa và áp dụng trong 
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. 
Thứ nhất, sự công nghiệp hóa Minh trị của Nhật 
Bản đã để lại nhiều bài học về huy động và sử dụng 
vốn, đầu tư khoa học kỹ thuật, đầu tư giáo dục... 
Trong đó, Việt Nam cần học hỏi và tham khảo kinh 
nghiệm Nhật Bản trong việc huy động và phân bổ 
các nguồn lực trong nước để phát triển kinh tế. Ở 
Nhật Bản, quan hệ giữa lao động và quản lý (quan 
hệ chủ - thợ) được coi như là truyền thống văn hóa 
công nghiệp Nhật Bản và nó đã có tác dụng tích 
cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển [2; 83]. Đó là 
mối quan hệ giao tiếp giữa con người trong quá 
trình sản xuất, một yếu tố tâm lý cần hết sức coi 
trọng trong quản lý xã hội và trong sản xuất, kinh 
doanh. Thành công của Nhật trong kinh tế đã được 
thừa nhận là những thành tựu thần kỳ, là kết quả 
của cái gọi là “hiệu năng Nhật Bản” [2; 87], trong 
đó yếu tố quyết định nhất là con người. Con người 
được đào tạo để phát triển, tức là vai trò đặc biệt 
quan trọng của giáo dục và văn hóa trong phát triển 
kinh tế - xã hội, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân 
tộc, kết hợp chặt chẽ với học tập tinh hoa nhân loại, 
cụ thể là phương Tây [2; 88].
Thứ hai, để công cuộc công nghiệp hóa phát triển 
mạnh cần phải tận dụng thị trường to lớn bên ngoài, 
nhưng trước hết phải phát huy nội lực bên trong. 
Kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản trong 
quá trình công nghiệp hoá có ý nghĩa to lớn đối với 
36
Việt Nam, bởi vì người Việt cũng thông minh và 
cần cù chịu khó như người Nhật. Nhật Bản đã thành 
công trong việc sử dụng nguồn nhân lực con người 
trong phát triển. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết 
định nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế. Tài nguyên 
về sức lao động là nguồn tài nguyên cơ bản nhất 
trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Sức lao động 
là nhân tố năng động nhất trong sản xuất, là nhân tố 
chủ yếu tạo ra của cải vật chất và của cải tinh thần. 
Ảnh hưởng của nguồn tài nguyên sức lao động đối 
với phát triển kinh tế và tác dụng chủ yếu biểu hiện 
ở lực lượng lao động, tố chất hoặc chất lượng lao 
động, chế độ thuê mướn, mức độ giá cả của hàng 
hóa sức lao động. Ở cả ba mặt này, Nhật Bản đều có 
ưu thế tương đối trong quá trình phát triển kinh tế, 
nhanh chóng mở rộng sản xuất, thoả mãn nhu cầu 
lao động. Có thể nói, sự phát triển nguồn nhân lực 
gắn chặt với nhu cầu tăng trưởng kinh tế tạo nên yếu 
tố quyết định cho Nhật Bản “cất cánh”. Điều may 
mắn trước khi hiện đại hoá, Nhật Bản đã có chế độ 
giáo dục tiến bộ hơn cả một số nước phương Tây. 
Đó là chế độ giáo dục phổ cập, bình đẳng nam - nữ, 
không phân biệt giàu - nghèo. Nhật Bản cuối thời 
Tokugawa đã là một xã hội có học vấn và “một thế 
giới đầy những sách” [7; 285].
Với tinh thần lấy con người làm trọng tâm, 
chính phủ Minh Trị đã biết kết hợp khoa học kỹ 
thuật phương Tây với truyền thống đạo đức của 
phương Đông, nổi bật là sự quản lý con người, đề 
cao việc phát triển nguồn lực chất lượng cao. Để 
đảm bảo quá trình công nghiệp hóa, tạo điều kiện 
cho sự tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản đã thực 
hiện nghiêm ngặt chính sách phát triển dân số. 
Đây chính là bài học kinh nghiệm quý giá đối với 
Việt Nam trong công cuộc đổi mới là phải thực 
hiện kế hoạch hóa dân số đảm bảo chất lượng của 
nguồn lực lao động, đó chính là công nghiệp hóa 
cần trình độ, chất lượng của lao động chứ không 
phải cần nhiều số lượng lao động [7; 285].
Thứ ba, yếu tố quan trọng khác góp phần tăng 
trưởng kinh tế nhanh của Nhật Bản là khả năng tiếp 
thu, cải tiến truyền thống văn hóa, tạo nên bản sắc 
văn hóa có lợi cho quá trình hiện đại hóa. Sự kết hợp 
giữa yếu tố truyền thống và hiện đại cũng là một bài 
học cho Việt Nam. Nho giáo ở Nhật Bản đã nhấn 
mạnh sự trung thành với chế độ, lòng hiếu thảo đối 
với cha mẹ, sự chung thủy với bạn bè và sự kính 
trọng những người già [3; 117]. Tất cả những điều 
này đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế 
của đất nước. Qua kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng 
ta có thể thấy rằng không phải mọi truyền thống đều 
có ích cho quá trình hiện đại hóa đất nước, những 
truyền thống nào phát huy tính tích cực hiện đại mới 
nên giữ lại, nếu không thì cần loại bỏ để khỏi cản trở 
sự phát triển kinh tế. Thành công của Nhật Bản cũng 
là bài học quý báu cho Việt Nam - một đất nước 
nhỏ hẹp, người đông và có nhiều nét văn hóa, lịch 
sử tương đồng với Nhật Bản. Việt Nam cần phải có 
chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra 
việc làm, kích thích mọi người dân đưa vốn vào sản 
xuất, kinh doanh, tiết kiệm để tích lũy, mở rộng tái 
sản xuất trên quy mô toàn xã hội. Nhà nước phải có 
chính sách đúng đắn trong việc phát triển khu vực 
sản xuất, dịch vụ, kinh doanh quy mô nhỏ để thu hút 
dư thừa trong toàn xã hội.
Thứ tư, yếu tố quyết định thay đổi cơ cấu kinh 
tế có lợi cho tăng trưởng là khoa học kỹ thuật. 
Thành công của Nhật Bản một phần chủ yếu là do 
có chiến lược đúng đắn, nhờ đó sớm bắt kịp trình 
độ khoa học kỹ thuật thế giới và áp dụng nhanh 
chóng vào sản xuất. Trước đây khi đất nước còn 
lạc hậu, Nhật Bản ưu tiên nhập khẩu kỹ thuật 
hiện đại đối với các ngành mũi nhọn, có tính chất 
quyết định đối với sự phát triển nền kinh tế quốc 
dân. Trong điều kiện thế giới ngày nay đang tiến 
nhanh vào giai đoạn mới của cuộc cách mạng 
khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm trên của 
Nhật Bản như là một động lực to lớn đẩy nhanh 
sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. 
Trong điều kiện nghèo tài nguyên, Nhật Bản 
phải nhập khẩu nguyên liệu để mở rộng quy mô sản 
xuất, phát triển công nghiệp trong nước. Chính phủ 
Nhật Bản thực sự đóng vai trò động lực phát triển 
kinh tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình công 
nghiệp hóa, chính phủ thành lập những nhà máy 
hoa tiêu, về sau chính phủ đã giảm sự can dự trực 
37
tiếp vào công nghiệp hóa, nhưng vẫn giữ vai trò 
tích cực trong việc phát triển giáo dục, xây dựng cơ 
cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ chế thị trường, tạo ra 
môi trường thuận lợi thích hợp cho các xí nghiệp 
kinh tế tư nhân. Chính phủ đã phát huy được vai 
trò có tính quyết định đối với sự phát triển của kinh 
tế tư nhân, luôn quan tâm đến lợi nhuận của xí 
nghiệp, đến việc sử dụng hiệu quả vật tư kỹ thuật. 
Thứ năm, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ 
XX, công nghiệp hóa đã tác động mạnh đến 
những thay đổi địa vị của hệ thống gia đình. Về 
phương diện sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi 
như cách sử dụng trang phục, kiểu tóc, thay đổi 
trong cả bữa ăn hàng ngày, kiến trúc nhà ở để 
phù hợp với xu thế thời đại. Đó cũng là một bài 
học kinh nghiệm cho Việt Nam cần nhanh chóng, 
linh hoạt trong quá trình công nghiệp hóa. Bài 
học về sự tiết kiệm trong chi tiêu của người Nhật 
Bản cũng là một điều mà chúng ta cần suy ngẫm. 
Đất nước Nhật nghèo tài nguyên nhưng họ đã 
thành công trong quá trình công nghiệp hóa. Một 
trong những nguyên tắc tạo sự thành công đó là 
người Nhật luôn dạy cho con em họ rằng: Nước 
Nhật Bản nghèo lắm không có gì ngoài “khối óc 
và đôi bàn tay”. Vì vậy người ta phải lao động 
tích cực, đồng thời phải biết hết sức tiết kiệm. 
Điều đó đã tạo nên một kỳ tích về nước Nhật làm 
cho thế giới khâm phục. Tất cả những vấn đề trên 
đã để lại cho chúng ta nhiều bài học bổ ích trong 
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
3. Kết luận
Trong tiến trình lịch sử Nhật Bản có ba cuộc 
cải cách với ý nghĩa mang tính thời đại, đó là cải 
cách Taika (645), cải cách Minh Trị (1868) và 
cuộc cải cách sau năm 1945. Trong đó, với công 
cuộc duy tân năm 1868, Thiên hoàng Minh Trị là 
người “khai tử” chế độ phong kiến chuyên chế 
tồn tại hơn 1.000 năm trên đất nước Nhật Bản, 
đồng thời giải quyết thành công về cơ bản nhiệm 
vụ độc lập dân tộc, cải cách, tự cường và mở ra 
một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Nhật Bản phát 
triển theo con đường tư bản chủ nghĩa và tham 
gia vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. 
Công cuộc Minh Trị duy tân (1868 - 1912) để 
lại dấu ấn sâu đậm không những đối với Nhật Bản 
mà còn với các nước trong khu vực. Sự thành công 
của công cuộc duy tân Nhật Bản đã có ảnh hưởng 
lớn ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam và 
Nhật Bản gần gũi nhau về mặt địa lý, có nhiều nét 
tương đồng về văn hóa lịch sử, truyền thống lao 
động cần cù, thông minh và sáng tạo. Hai nước đã 
có những mối liên hệ với nhau từ lâu trong lịch sử 
trên các lĩnh vực thương mại, văn hoá, giáo dục... 
Hơn 150 năm trôi qua, những bài học kinh nghiệm 
từ Minh Trị duy tân vẫn còn nguyên giá trị, nhất 
là đối với Việt Nam đang trong thời kỳ tiến hành 
công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong 
quá trình xây dựng đất nước nói chung và công 
cuộc công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị vào nửa 
cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX nói riêng, Nhật 
Bản đã để lại nhiều gợi ý bổ ích về vấn đề huy 
động vốn, đầu tư khoa học kỹ thuật, giáo dục, phát 
triển nguồn nhân lực ... có thể giúp Việt Nam suy 
nghĩ để rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình 
đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay. 
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Hoàng Giáp (2000), “Tạo lập và khai thác 
môi trường quốc tế cho công nghiệp hóa - hiện đại 
hoá: Một số kinh nghiệm của Nhật Bản”, Tạp chí 
Nghiên cứu Nhật Bản, số 5.
[2] Phạm Minh Hạc (2001), Nghiên cứu con người và 
nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, 
Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] Michio Morishima (1991), Tại sao Nhật Bản “thành 
công”? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật 
Bản, (Đào Anh Tuấn dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, 
Hà Nội.
[4] Nguyễn Khắc Ngữ (1969), Nhật Bản duy tân dưới 
thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nxb. Trình bày, Sài Gòn.
[5] Đào Trinh Nhất (2015), Nhật Bản duy tân 30 năm, 
Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[6] R.H.P. Mason, J.G. Caiger (2003), Lịch sử Nhật Bản, 
bản dịch của Nguyễn Văn Sỹ, Nxb. Lao động, Hà 
Nội.
[7] Lê Văn Sang, Lưu Ngọc Trịnh (1991), Nhật Bản - 
Đường đi tới một siêu cường kinh tế, Nxb. Khoa học 
Xã hội, Hà Nội.
[8] Vĩnh Sính (2014), Nhật Bản cận đại, Nxb. Lao động, 
Hà Nội.

File đính kèm:

  • pdfqua_trinh_cong_nghiep_hoa_o_nhat_ban_duoi_thoi_minh_tri_1868.pdf