Quy định về giáo dục của Bộ quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng hòa đối với người Việt gốc Hoa (1955-1975)
Sau năm 1955, giáo dục của người Việt gốc Hoa chuyển từ nền giáo dục Pháp
thuộc sang nền giáo dục mới dưới quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam
Cộng hòa giai đoạn này. Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã đặt ra
nhiều quy định, thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Bài viết tìm hiểu một số
quy định đối với hoạt động giáo dục của người Việt gốc Hoa những năm 1955 -
1975. Các quy định cụ thể bao gồm: quy định về việc thành lập trường; về sách
giáo khoa, số giờ dạy tiếng Việt và tiếng Hoa; về giáo viên giảng dạy.
Bạn đang xem tài liệu "Quy định về giáo dục của Bộ quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng hòa đối với người Việt gốc Hoa (1955-1975)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Quy định về giáo dục của Bộ quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng hòa đối với người Việt gốc Hoa (1955-1975)
50 CHUYÊN MỤC SỬ HỌC-NHÂN HỌC-NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC CỦA BỘ QUỐC GIA GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT GỐC HOA (1955 - 1975) PHẠM NGỌC HƯỜNG* Sau năm 1955, giáo dục của người Việt gốc Hoa chuyển từ nền giáo dục Pháp thuộc sang nền giáo dục mới dưới quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này. Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã đặt ra nhiều quy định, thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Bài viết tìm hiểu một số quy định đối với hoạt động giáo dục của người Việt gốc Hoa những năm 1955 - 1975. Các quy định cụ thể bao gồm: quy định về việc thành lập trường; về sách giáo khoa, số giờ dạy tiếng Việt và tiếng Hoa; về giáo viên giảng dạy... Từ khóa: chính sách, giáo dục, người Việt gốc Hoa, Việt Nam Cộng hòa Nhận bài ngày: 18/3/2019; đưa vào biên tập: 20/3/2019; phản biện: 5/4/2019; duyệt đăng: 10/7/2019 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1954, thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc. Ở miền Nam, Mỹ thay chân Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm. Lúc này giáo dục ở miền Nam Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, từ chịu sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa sang chịu sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1955, chương trình trình tiếng Việt mới bắt đầu chính thức được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Hàng loạt các vấn đề cốt lõi được đặt ra để phục vụ và áp dụng cho một nền giáo dục mới như: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất trường học... Năm 1955, cùng với quy định về quốc tịch đối với người Việt gốc Hoa, hàng loạt các vấn đề đã được đặt ra trong đó có vấn đề giáo dục. Theo báo cáo của Bộ Quốc gia Giáo dục về các * Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. PHẠM NGỌC HƯỜNG – QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC CỦA BỘ QUỐC GIA 51 trường của người Việt gốc Hoa ở Việt Nam năm 1956: Tính đến niên học 1955 - 1956, tại miền Nam có 172 trường học của người Việt gốc Hoa với 924 lớp học và 145.000 học sinh (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ số 22340: 18). Khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn có 88 trường, trong đó 16 trường trung học và 72 trường tiểu học (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16375: 18). Trong thời kỳ thuộc Pháp, các trường học của người Việt gốc Hoa học ngôn ngữ chính là tiếng Hoa, tiếng Việt và các sinh ngữ khác là ngôn ngữ lựa chọn nên khi chuyển đổi sang tiếng Việt các trường phải học một chương trình chuyển tiếp. Chương trình chuyển tiếp này bắt đầu thực hiện từ năm 1958 và được áp dụng đến niên học 1961 - 1962. Hệ thống giáo dục phổ thông lúc này theo một cơ cấu khung thống nhất: Tiểu học (5 năm), Trung học Đệ nhất cấp (4 năm) và Trung học Đệ nhị cấp (3 năm), Trung học Đệ nhất cấp (như Trung học Cơ sở hiện nay) và Trung học Đệ nhị cấp (như Trung học Phổ thông hiện nay). Từ năm 1956, các trường của người Việt gốc Hoa đều được đổi tên và lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy chính, truyền thụ kiến thức bằng tiếng Việt là chủ yếu và quản lý hoạt động theo quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. 2. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ QUỐC GIA GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CỦA NGƯỜI VIỆT GỐC HOA 2.1. Quy định về thành lập, đổi tên và quản trị trường học Việc mở trường học của người Việt gốc Hoa được Bộ Quốc gia Giáo dục quy định cụ thể như sau: căn cứ theo quy định về học sinh người Việt gốc Hoa, cứ có 5 học sinh trở lên theo học đều phải làm thủ tục xin phép chính quyền mới được phép mở trường. Người xin mở trường là người Việt hoặc người Hoa có quốc tịch Việt Nam, có bằng cấp giáo viên phù hợp, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy chứng nhận nhân phẩm của bang, hội. Sau khi được phê chuẩn mới có thể mở trường. Hiệu trưởng mới phải do người Việt hoặc người Hoa sinh ra ở Việt Nam đảm nhận (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 19080: 33). Về việc đổi tên trường: Theo Thông tư số 182-GD/PCI/TT ngày 6/4/1957 của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định đặt tên các trường, Nha Giám đốc Tư thục và Bình dân Giáo dục yêu cầu hiệu trưởng các trường tư thục dạy học sinh người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn đổi tên trường (...) với một trong số ba danh hiệu do nhà trường đề nghị và có ý nghĩa về đức dục, trí dục hay thể dục (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 19339: 17). Thời gian này, nhiều trường học đã sửa đổi tên trường theo quy định. Ví dụ Tuệ Thành học hiệu đổi là Trung Tiểu học Việt Nam Tư thục Tuệ Thành; Nghĩa An học hiệu (trường công lập Bang Triều Châu) sửa tên thành Trung Tiểu học Việt Nam Tư thục Nghĩa An; Shun- Chin học hiệu (trường công lập Bang TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019 52 Hẹ) đã sửa lại là Tiểu học Việt Nam Tư thục Sùng Chánh... (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16992: 07). Về quản trị trường học: Bắt đầu từ năm 1959 các trường trung học áp dụng hoàn toàn chương trình Trung học Đệ nhất cấp Việt Nam nên rất cần có những hiệu trưởng đủ năng lực để quản lý, điều hành trường học. Tuy nhiên, nhiều trường học không thuê được hiệu trưởng phù hợp. Để giúp các trường trong việc tổ chức, từ niên học 1959 - 1960, Bộ quy định mỗi trường trung học dạy trẻ em người Việt gốc Hoa có một hiệu trưởng trung học Việt Nam làm cố vấn. Vị cố vấn này phải thường xuyên có mặt tại trường mỗi ngày ít nhất hai tiếng đồng hồ để chỉ dẫn cách tổ chức và điều khiển trường. Ví dụ ông hiệu trưởng Trường Trung học Trương Vĩnh Ký sẽ được gửi làm cố vấn cho Trường Trung học Tuệ Thành, ông hiệu trưởng Trường Chu Văn An cố vấn cho Trường Tư thục Nghĩa An (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16992: 10). Mặc dù Bộ Quốc gia Giáo dục đã đưa ra nhiều quy định cụ thể đối với mọi hoạt động trong các trường học của người Việt gốc Hoa, tuy nhiên việc thực hiện chưa được sát sao. Ví dụ còn có nhiều thiếu sót như bảng lớp, biểu đồ, thời khóa biểu, trình bày chưa thống nhất. Trình độ học sinh về môn Việt ngữ vẫn còn rất kém. Giáo viên không có giáo án cụ thể theo quy định, không có vở ghi đầu bài, sổ ghi bài dạy hằng ngày Trước tình hình đó, đối với việc học tiếng Việt, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có những chấn chỉnh cụ thể đối với các trường học này. Theo đó, ngày 19/12/1959, Đặc ủy Trung Hoa Sự vụ Nguyễn Văn Vàng đã có công văn gửi Tổng Giám đốc Trung, Tiểu học và Bình dân Giáo dục Sài Gòn, về việc các trường tư thục dạy trẻ em người Việt gốc Hoa: “Các Ty giáo huấn tỉnh nên khuyến khích các trường này trình cho nhiều học sinh thi bằng Tiểu học Việt Nam vào kỳ thi năm 1960. Sau rốt, để có thể đi đến việc áp dụng một chương trình hoàn toàn Việt Nam vào niên học 1961 - 1962, thiểm Nha thiết tưởng cũng nên thông đạt cho các tư thục nói trên biết để họ có đủ thời giờ chuẩn bị, là đến niên khóa 1960 - 1961, trường sẽ phải được điều khiển thật sự do một vị hiệu trưởng có quốc tịch Việt Nam và có đủ điều kiện về văn bằng như hiệu trưởng các trường Việt Nam khác” (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16992: 11). Để những quy định có thể thực thi một cách hiệu quả trong hệ thống trường học của người Hoa, chính quyền đã áp dụng mọi biện pháp để đạt được kết quả tối ưu. Điều đó thể hiện rõ là ở niên học 1961 - 1962 các trường học của người Việt gốc Hoa đã hoàn toàn dạy ngôn ngữ tiếng Việt. 2.2. Quy định về sách giáo khoa, số giờ dạy tiếng Việt và tiếng Hoa Về sách dạy tiếng Việt: Theo báo Dân Nguyện ngày 11/9/1957, các trường học của người Việt gốc Hoa được chỉ thị của Bộ Quốc gia Giáo dục phải dạy mỗi tuần ít nhất 9 tiếng đồng hồ Việt PHẠM NGỌC HƯỜNG – QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC CỦA BỘ QUỐC GIA 53 ngữ cho mỗi lớp. Được chỉ thị, những trường của người Việt gốc Hoa lần lượt tự đặt ra nhiều sách vần chữ Việt dùng dạy học sinh người Việt gốc Hoa một cách gần như lấy có, nếu không nói trắng ra là miễn cưỡng. “Trong lúc biết bao nhiêu sách vần bằng tiếng Việt khác nằm nhan nhản khắp các hàng sách, tại sao những trường ấy không chịu mua về dùng; hoặc tìm người am hiểu rành rẽ nhờ soạn sách giáo khoa bằng tiếng Việt, lại đi làm một việc không tinh thần giáo khoa, cũng như thiếu cả phương pháp sư phạm?” (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 19080: 35). Như vậy các trường học của người Việt gốc Hoa đã thực hiện quy định giảng dạy tiếng Việt do Bộ Quốc gia Giáo dục quy định, nhưng chỉ học cho có lệ. Nhiều trường miễn cưỡng sử dụng nhiều loại sách tiếng Việt không đúng như quy định để dạy cho học sinh. Lý do là trường của người Việt gốc Hoa theo lệ cũ luôn chủ trương dù hay dù dở chỉ dùng sách do người Hoa làm ra. Vì thế mới xảy ra trường hợp làm vần Việt ngữ thiếu phương pháp sư phạm và thiếu cả đức dục ảnh hưởng không tốt đến giáo dục đạo đức trẻ em ở buổi ban đầu. Do đó, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có những động thái kiểm soát chặt chẽ vấn đề sách giáo khoa bằng tiếng Việt, nhằm tránh cho học sinh người Việt gốc Hoa những ảnh hưởng không đáng có về sau. Về số giờ dạy tiếng Việt: Sau khi chính sách Việt tịch được thi hành trong vấn đề giáo dục, các bộ đều đồng ý rằng: “một khi đã thành công dân Việt Nam người Việt gốc Hoa phải hấp thụ văn hóa Việt Nam. Bộ Quốc gia Giáo dục như thấy đông trẻ em đó chưa thông hiểu rành Việt ngữ nên Bộ đã quy định một chương trình chuyển tiếp để áp dụng tại các trường học Hoa kiều hiện nay” (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 11963: 16). Từ năm 1956, số giờ dạy tiếng Việt trong trường học người Việt gốc Hoa ngày càng tăng lên. Người Việt gốc Hoa muốn giữ truyền thống văn hóa Trung Hoa nên đã kiến nghị với chính quyền về việc coi tiếng Hoa cũng là ngôn ngữ chính tương đương với tiếng Việt. Hoa ngữ không phải kể như là một ngoại ngữ và được kể như một sinh ngữ thứ 2, sau Việt ngữ. Và vì Hoa ngữ khó học hơn một ngoại ngữ khác, họ xin Bộ Giáo dục cho phép các trường của người Việt gốc Hoa dạy số giờ Hoa ngữ nhiều hơn so với số giờ ngoại ngữ ấn định cho trường Việt Nam. Họ còn muốn các trường của người Việt gốc Hoa được hưởng chế độ này lâu dài để khỏi phải lo ngại về tương lai và một người dân Việt Nam gốc Hoa có thể được học và cho con cái học Hoa ngữ (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 5559: 16). Bộ Quốc gia Giáo dục cho rằng, căn cứ Điều 16 Dụ ngày 7/12/1955, những trẻ em người Việt gốc Hoa phải theo học Việt ngữ tại những trường thiết lập cho người Việt Nam. Nhưng xét thấy một số đông trẻ em ấy chưa hiểu Việt ngữ và đang theo học các trường tư thục của người Việt gốc Hoa, Bộ TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019 54 Quốc gia Giáo dục cho phép các trường tiểu học tư thục của người Việt gốc Hoa đã có giấy phép từ trước được tiếp tục hoạt động. Mặt khác, Bộ Quốc gia Giáo dục cũng đã cho phép thành lập 15 trường tư thục Trung học Đệ nhất cấp Việt Nam để thu nhận học sinh người Việt gốc Hoa và học sinh Trung Hoa chưa nhập quốc tịch Việt Nam. Các trường tiểu học tư thục của người Việt gốc Hoa vẫn được phép dùng Hoa ngữ là chuyển ngữ như từ trước đến nay, chỉ phải dạy thêm mỗi tuần 8 giờ Việt ngữ ở 3 lớp trên và 5 giờ ở 3 lớp dưới. Còn 15 trường tư thục trung học thì được áp dụng một chương trình chuyển tiếp, căn cứ vào chương trình Trung học Đệ nhất cấp chính thức của Việt Nam. Chương trình chuyển tiếp này ấn định trong số 31 giờ hay 32 giờ hàng tuần, các trường chỉ dạy 9 giờ Việt văn, còn lại 23 hoặc 24 giờ đều dạy bằng Hoa văn. Nếu muốn dạy 1 sinh ngữ khác, chẳng hạn như Anh ngữ, thì số giờ Hoa ngữ vẫn còn nhiều và rất cao đối với số giờ sinh ngữ mà các trường trung học Việt Nam phải dạy (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 5559: 18). Hơn nữa, để cho phụ huynh khỏi lo ngại về tương lai của con em mình, Bộ Quốc gia Giáo dục cũng đã cấp giấy phép tạm cho thành lập những trường tư thục bậc tiểu học để thu nhận trẻ người Việt gốc Hoa. Thủ tục cấp giấy phép được đơn giản hóa để nhà trường tạm thời khai giảng trong khi chờ học bổ sung hồ sơ. Trong thời gian chuyển tiếp (1958 - 1962), các trường học dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ nhưng được phép dạy 1/3 thời lượng là Hoa văn. Ngoài ra, Bộ Quốc gia Giáo dục đã cho lập một số trường Trung học Đệ nhất cấp để thu nhận trẻ em người Việt gốc Hoa đã học hết bậc tiểu học và muốn theo học bậc trung học. Nhìn chung, Bộ Quốc gia Giáo dục đã thi hành mọi biện pháp cần thiết để vấn đề học tập của trẻ em người Hoa mới nhập Việt tịch không bị trở ngại. Tuy vậy, vấn đề giảng dạy Việt ngữ trong các trường học của người Việt gốc Hoa còn nhiều bất cập. Giáo viên dạy tiếng Việt đa số là sinh viên vừa tốt nghiệp, phần nhiều chưa có đủ năng lực cũng như kinh nghiệm giảng dạy, nên hiệu quả giáo dục chưa cao, các giáo viên này phần nhiều cũng không hiểu tiếng Hoa nên bị hạn chế trong việc truyền dạy kiến thức. Thời điểm lúc đó, sách giáo khoa dạy tiếng Việt còn thiếu thốn, trình độ giáo viên chưa cao, nên tiếng Việt chưa thu hút được học sinh, học sinh học tập một cách miễn cưỡng, lấy lệ. Bộ Quốc gia Giáo dục cũng biết rõ tình hình, nên thường xuyên cử người kiểm tra, đốc thúc việc học tiếng Việt. Số giờ dạy tiếng Việt từ năm 1959 - 1962 Niên học 1959 - 1960 Niên học 1960 - 1961 Niên học 1961 - 1962 Sơ, tiểu ... 10 giờ Cao, tiểu 16 giờ Trung học 18 Sơ, tiểu ... 18 giờ Cao, tiểu hoàn toàn Việt Nam Hoàn toàn Việt Nam PHẠM NGỌC HƯỜNG – QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC CỦA BỘ QUỐC GIA 55 giờ (áp dụng hoàn toàn chương trình Đệ nhất cấp Việt Nam) Nguồn: Công văn của Nha Tổng giám đốc Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục số 12.786-GD/TTHTR ngày 10/10/1958 (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 5559: 20). Theo đó, qua niên học 1959 - 1960, Ban Trung học với 18 giờ Việt ngữ áp dụng hoàn toàn chương trình Trung học Đệ nhất cấp Việt Nam, còn lại 6 giờ dạy ngoại ngữ. Theo chương trình Trung học Đệ nhất cấp Việt Nam chỉ có 2 môn ngoại ngữ là Anh ngữ và Pháp ngữ. Để giúp những học sinh người Việt gốc Hoa theo học Ban Trung học Đệ nhất cấp được dễ dàng, Bộ Quốc gia Giáo dục đã đưa thêm vào chương trình dạy ngoại ngữ là môn Hoa ngữ. Như vậy học sinh người Việt gốc Hoa ở Ban Trung học có thể chọn 2 môn trong 3 môn ngoại ngữ (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16992: 08). Ban Tiểu học thu ngắn thời gian chuyển tiếp để qua niên học 1961 - 1962, chương trình tiểu học Việt Nam được hoàn toàn áp dụng giảng dạy bằng tiếng Việt. Thêm môn Hoa ngữ trong chương trình Trung học Đệ nhất cấp Việt Nam. Đến năm 1962 - 1963, các trường học của người Việt gốc Hoa đã hoàn toàn sử dụng tiếng Việt trong việc giảng dạy. Đồng thời học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục theo học ở trường học Việt Nam cấp cao hơn. Năm 1962, ở các trường học của người Việt gốc Hoa sách giáo khoa hoàn toàn sử dụng tiếng Việt, tiếng Hoa trở thành môn ngoại ngữ tự chọn. 2.3. Quy định về giáo viên giảng dạy Bắt đầu từ năm 1956, Bộ Quốc gia Giáo dục quy định giáo viên môn Tiếng Việt trong các trường học người Việt gốc Hoa phải có bằng cấp để dạy tiếng Việt, đi kèm theo quy định này là việc chuẩn hóa giáo viên. “Theo quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục thì các giáo sư Việt ngữ giảng dạy ở các trường của người Việt gốc Hoa đều phải là những giáo viên có bằng trung hay tiểu học do các trường công lập Việt Nam cấp mới có hiệu lực, các văn bằng, chứng chỉ do các trường tư Việt Nam cấp phát đều không hợp lệ” (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 19080: 36). Một số những quy định cụ thể khác đối với giáo viên như: “Giáo viên Hoa kiều phụ trách việc dạy Việt ngữ tại các trường tiểu học hay trung học Hoa kiều phải, hoặc đã trúng tuyển kỳ thi lấy văn bằng Khả năng giáo huấn Việt ngữ do Bộ Quốc gia Giáo dục tổ chức, hoặc có ít nhất bằng Trung học Đệ nhất cấp Việt Nam; Giáo viên có quốc tịch Việt Nam, dạy Việt ngữ tại các trường tiểu học hay trung học Hoa kiều, phải có ít nhất bằng Trung học Đệ nhất cấp hay một văn bằng tương đương” (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 22340: 20). Đồng thời giáo viên phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ như: giấy khai sinh, lý lịch, giấy khám sức khỏe, bản sao bằng cấp... Trước tình hình nhiều giáo viên thiếu chứng TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019 56 chỉ, văn bằng theo quy định, Bộ Quốc gia Giáo dục vẫn cho họ dạy tạm thời nhưng phải thi bổ sung. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức những lớp thi lấy giáo viên tiếng Việt để bổ sung số giáo viên còn thiếu trong các trường tiểu học. Về nguồn giáo viên tiếng Hoa: khi Chính quyền Sài Gòn mới thành lập, những quy định đối với giáo viên chưa triển khai, Ủy ban Sự vụ người Hoa theo thường kỳ đã tổ chức nhiều lớp sư phạm, khuyến khích người Việt gốc Hoa học lên cao vào các lớp sư phạm, mở lớp phụ đạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên người Việt gốc Hoa. Ngoài giáo viên người Việt gốc Hoa là nguồn giáo viên lớn tuyển từ Đài Loan sang, năm 1955, Chính phủ Trung Hoa Tự do ở Đài Loan vẫn gửi giáo viên các cấp qua Việt Nam để kiểm tra về tình hình giáo dục học sinh người Việt gốc Hoa, kiểm soát các tổ chức giáo dục, mở khóa tu nghiệp cho giáo viên. Ngoài ra, mỗi năm một số hiệu trưởng và giáo viên người Việt gốc Hoa được mời về Đài Loan để dự một khóa tu nghiệp riêng dành cho họ (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 22340: 11). Năm 1956 đã tuyển được 26 giáo viên từ Đài Loan sang Việt Nam giảng dạy. Trong niên học 1958 - 1959, Bộ Quốc gia Giáo dục quy định chỉ sử dụng giáo viên người Việt gốc Hoa dạy tiếng Hoa trong các trường học đã chuyển thành trường tư thục Việt Nam (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16992: 5). Để giải quyết vấn đề giáo viên giảng dạy trong các trường học người Việt gốc Hoa, Bộ Quốc gia Giáo dục đã cho phép mở lớp tu nghiệp cho giáo viên Việt Nam dạy ở các trường học của người Việt gốc Hoa (Trung tâm Lưu trữ 2, hồ sơ 16992: 8). Nhìn chung, sau khi các trường học của người Việt gốc Hoa dần đi vào ổn định, các chính sách đào tạo và tuyển dụng giáo viên cho các trường này được quy định cụ thể hơn. 3. KẾT LUẬN Từ quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục, giáo dục của người Việt gốc Hoa giai đoạn 1955 - 1975 đã có sự mở rộng, phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập gia tăng nhanh chóng của người dân. Giáo dục của người Việt gốc Hoa giai đoạn này là một bộ phận trong toàn bộ nền giáo dục Việt Nam đương thời. Việc tìm hiểu những quy định, tổng kết trong giáo dục nhằm làm rõ thêm vấn đề giáo dục trong cộng đồng người Việt gốc Hoa trong một giai đoạn lịch sử vì sự hợp tác theo xu thế phát triển chung. TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 1. Trung tâm Lưu trữ 2. Công văn về việc nhập quốc tịch Viêt Nam, hồ sơ 11963, Phủ Thủ tướng Đệ nhất. 2. Trung tâm Lưu trữ 2. Công văn số 12.786-GD/TTHTR ngày 10/10/1958 của Nha Tổng giám đốc Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục, hồ sơ 5559. PHẠM NGỌC HƯỜNG – QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC CỦA BỘ QUỐC GIA 57 3. Trung tâm Lưu trữ 2. Hồ sơ Tập bản tin, báo cắt về các trường tư thục Hoa Kiều và Quốc học năm 1961, hồ sơ số 19080, Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa. 4. Trung tâm Lưu trữ 2. Tập bản tin, báo cắt nước ngoài về người Hoa sống ở Việt Nam, hồ sơ số 16992, Phủ Thủ tướng Đệ nhất. 5. Trung tâm Lưu trữ 2. Tập báo cáo của Bộ Quốc gia Giáo dục về tình trạng các trường Hoa Kiều ở Việt Nam năm 1950 - 1956, hồ sơ 22340, Phủ Thủ tướng Đệ nhất. 6. Trung tâm Lưu trữ 2. Thông báo về các trường tư thục Hoa kiều và Việt gốc Hoa tại Thủ đô đổi danh hiệu cho phù hợp với ý nghĩa giáo dục, hồ sơ 19339, Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa. 7. Trung tâm Lưu trữ 2. Thông cáo của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về việc thi hành Dụ số 48 ngày 21/8/1955 cho phép Hoa kiều sinh ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ 6579, Phủ Thủ tướng Đệ nhất. 8. Trung tâm Lưu trữ 2. Về nguyện vọng của giới Hoa kiều tại Việt Nam năm 1957 - 1958, hồ sơ 5559, Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa.
File đính kèm:
- quy_dinh_ve_giao_duc_cua_bo_quoc_gia_giao_duc_viet_nam_cong.pdf