Tác động của Phật giáo tới phụ nữ một số tỉnh phía Bắc Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Bài viết phân tích sự tác động của Phật giáo tới phụ nữ

một số tỉnh thành phía Bắc Việt Nam hiện nay trên hai khía cạnh.

Thứ nhất, tác động của Phật giáo tới tinh thần của phụ nữ. Thứ

hai, tác động của Phật giáo tới lối sống của phụ nữ. Qua khảo sát

thực địa và tổng hợp các nghiên cứu trước cho thấy, Phật giáo đã

và đang tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần,

cũng như có vai trò hình thành lối sống của phụ nữ ở phía Bắc Việt

Nam hiện nay.

pdf 14 trang yennguyen 6120
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của Phật giáo tới phụ nữ một số tỉnh phía Bắc Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tác động của Phật giáo tới phụ nữ một số tỉnh phía Bắc Việt Nam hiện nay

Tác động của Phật giáo tới phụ nữ một số tỉnh phía Bắc Việt Nam hiện nay
72 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
NGUYỄN THỊ THÀNH* 
TÁC ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO TỚI PHỤ NỮ MỘT SỐ TỈNH 
PHÍA BẮC VIỆT NAM HIỆN NAY 
Tóm tắt: Bài viết phân tích sự tác động của Phật giáo tới phụ nữ 
một số tỉnh thành phía Bắc Việt Nam hiện nay trên hai khía cạnh. 
Thứ nhất, tác động của Phật giáo tới tinh thần của phụ nữ. Thứ 
hai, tác động của Phật giáo tới lối sống của phụ nữ. Qua khảo sát 
thực địa và tổng hợp các nghiên cứu trước cho thấy, Phật giáo đã 
và đang tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, 
cũng như có vai trò hình thành lối sống của phụ nữ ở phía Bắc Việt 
Nam hiện nay. 
Từ khóa: Phật giáo, tác động, phụ nữ, phía Bắc, Việt Nam. 
1. Dẫn nhập 
Ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam hiện nay, Phật giáo là một tôn giáo lớn 
có ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống của người phụ nữ. Đã từ lâu, ngôi 
chùa Phật giáo trở thành một địa điểm sinh hoạt tôn giáo, đáp ứng nhu 
cầu tâm linh của giới nữ ở phía Bắc. Đồng thời, các chuẩn mực đạo đức, 
luân lý của Phật giáo cũng đã in dấu ấn không nhỏ trong lối sống, các 
hành vi ứng xử của người phụ nữ. 
Cùng với sự kế thừa các nghiên cứu đi trước, bằng các phương pháp 
xã hội học như quan sát tham dự, phỏng vấn định lượng và định tính, dựa 
trên phương pháp phân tích tương tác xã hội và chức năng xã hội của tôn 
giáo, chúng tôi tìm hiểu tác động của Phật giáo tới phụ nữ ở một số tỉnh 
thành phía Bắc Việt Nam hiện nay. Sự tác động này được đề cập qua hai 
chiều cạnh chính là tinh thần và lối sống của phụ nữ. 
2. Tinh thần của nữ Phật tử dưới tác động của thực hành niềm tin 
tôn giáo 
Đi lễ chùa đối với nhiều phụ nữ đã trở thành một nhu cầu tinh thần 
quan trọng trong cuộc sống của họ. Theo số liệu khảo sát xã hội học được 
* Thích Đàm Thành, ThS., Nghiên cứu sinh Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học 
Xã hội. 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 73 
chúng tôi thực hiện ở một số chùa thuộc các tỉnh thành: Bắc Ninh, Hà 
Nội và Tuyên Quang, số nữ Phật tử trả lời thường xuyên và thỉnh thoảng 
đi lễ chùa vào những ngày rằm, mùng một hằng tháng chiếm tỷ lệ cao với 
37,4% và 48,6%, trong khi số người trả lời hiếm khi và không bao giờ đi 
lễ chùa rất ít chỉ chiếm có 13,5% và 0,5% trong tổng số 430 người được 
hỏi1. Cuộc khảo sát cũng cho thấy mức độ năng đi lễ chùa của phụ nữ 
cũng có sự khác nhau giữa các độ tuổi. Phụ nữ cao niên có mức độ đi lễ 
chùa thường xuyên chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn trung niên và thanh niên, 
trong khi đó mức độ thỉnh thoảng đi lễ chùa của thanh niên, trung niên lại 
nổi trội hơn. 
Bảng 1. Tương quan giữa tuổi của phụ nữ với mức độ đi lễ chùa2 
Mức độ 
Nhóm tuổi của người trả lời 
Thanh niên Trung niên Cao niên 
Thường xuyên 10,2% 30,8% 83,7% 
Thỉnh thoảng 65,6% 57,6% 10,6% 
Hiếm khi 23,4% 11,6% 4,8% 
Không bao giờ 0,8% 0,0% 1,0% 
Nguyên nhân có thể do nhóm tuổi trung niên và thanh niên đang trong 
độ tuổi lao động, học tập nên bận rộn hơn người cao tuổi. Song cũng 
không vì thế mà có thể khẳng định chùa chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo dành 
cho người già. 
Theo khảo sát của chúng tôi, phụ nữ cảm thấy thanh thản, bình an và 
tin tưởng vào cuộc sống hơn sau khi thực hành xong khóa lễ Phật giáo ở 
chùa. Theo đó, cảm giác thấy được bình an chiếm tỷ lệ cao nhất 97,4%; 
sau đó là cảm giác tâm thanh thản chiếm 59,8% và cuối cùng là cảm giác 
tin tưởng vào cuộc sống hơn chiếm 21,3%. 
Điều đó cho thấy, Phật giáo có khả năng đem lại sự an tâm về mặt tinh 
thần cho phụ nữ. Chính các nghi lễ Phật giáo đã thể hiện chức năng giải 
tỏa tâm lý và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người phụ nữ. Bởi sau 
mỗi khóa lễ, họ tin mình được Phật bảo vệ giống như một vị thần bảo trợ, 
tin vào sức mạnh của lẽ phải “ở hiền gặp lành” trong cuộc sống như 
thuyết nhân quả của Phật giáo đã dạy. Không những thế, họ còn cảm thấy 
được chia sẻ, được sám hối về những tội lỗi của mình nhờ tinh thần Từ 
Bi và hướng thiện của Phật giáo. 
74 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
Từ đó, người nữ Phật tử sẽ có thêm niềm tin, sự bình an hơn về mặt 
tâm lý, tinh thần. Chức năng tâm lý này của Phật giáo lại càng dễ phát 
huy hơn đối với người tin theo là phụ nữ. Nghiên cứu của Nguyễn Minh 
Ngọc năm 2004, tiến hành khảo sát số người đi lễ ở một số chùa Hà Nội 
(chùa Hà, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh) cũng cho thấy số phụ nữ đi 
chùa cao gấp nhiều lần so với nam giới. Cụ thể, ở chùa Hà có 78,5% số 
người đi chùa là nữ, chùa Quán Sứ có 72,6% số người đi chùa là nữ và 
chùa Phúc Khánh có 74,3% số người đi chùa là nữ3. 
Chỉ số trên cũng là một trong những minh chứng cho thấy, phụ nữ vẫn 
là một “khách hàng” có nhu cầu lớn hơn, cần hơn “món ăn tinh thần” 
Phật giáo so với nam giới. Bởi phụ nữ thường có thiên hướng sống tình 
cảm và nặng về yếu tố cảm xúc, lại dễ bị tổn thương do có nhiều yếu thế 
trong cuộc sống. Hơn nữa, trong cuộc sống thường nhật, nam giới lại có 
nhiều hình thức giải tỏa tinh thần hơn phụ nữ. Nguyên nhân có thể do 
phụ nữ, nhất là phụ nữ ở Việt Nam, vốn chịu nhiều chế định của Khổng 
giáo. 
Nghiên cứu của Lê Minh Thiện cũng cho thấy, cảm giác tâm lý như 
thấy yên tâm, bình an của phụ nữ sau mỗi khóa lễ thường cao hơn cảm 
giác tương tự của nam giới. Điều đó cũng phần nào nói lên đặc điểm cần 
có chỗ dựa, được an ủi nhiều hơn của phụ nữ so với nam giới4. 
Sự an ủi, bù đắp tinh thần đối với phụ nữ, hay nói cách khác là việc 
thực hiện chức năng tâm lý của Phật giáo đối với phụ nữ càng thể hiện rõ 
trong những lúc người nữ Phật tử gặp khó khăn, khủng hoảng hay những 
tình huống bất trắc, không lường trước được, ví dụ, bản thân hoặc người 
nhà có bệnh nan y; chuẩn bị bước vào hôn nhân; muốn thi cử đỗ đạt, thay 
đổi chỗ ở, làm nhà, chuẩn bị đi xa hay không thuận lợi trong công việc. 
Đây cũng chính là những lúc người phụ nữ cần tới chỗ dựa tinh thần 
nhất, bởi họ cảm thấy có những trắc trở, bất an, hẫng hụt và thậm chí là 
có sự đe dọa tới sự hiện tồn của chính mình. Đó cũng là nguyên do lý giải 
vì sao hầu hết những người đi lễ chùa đều cầu được “tai qua nạn khỏi”, 
cầu được bình an và sức khỏe. 
Kết quả phỏng vấn bằng bảng hỏi của chúng tôi về những điều mong 
cầu của các nữ Phật tử khi đi lễ chùa cũng cho thấy, đại đa số ý kiến trả 
lời cho biết đến chùa lễ Phật chủ yếu là để cầu tai qua nạn khỏi (75,5%) 
và cầu được Phật gia hộ (72,4%). 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 75 
Bảng 2. Những điều được phụ nữ cầu mong khi đi lễ chùa5 
Nội dung Tần số % 
Cầu được Phật gia hộ 310 72,4 
Cầu tai qua nạn khỏi 323 75,5 
Cầu tài, lộc, thăng tiến 248 57,9 
Cầu giải thoát 132 30,8 
Cầu tình duyên 57 13,3 
Cầu may mắn 28 6,5 
Cầu phúc đức 9 2,1 
Cầu sức khỏe 37 8,6 
Tuy nhiên, sự tác động của Phật giáo tới tâm lý, tinh thần của nữ Phật 
tử có mức độ không đồng đều ở các độ tuổi khác nhau. Qua khảo sát về 
mong cầu khi đi lễ chùa của mỗi nhóm phụ nữ chia theo độ tuổi khác 
nhau cho thấy mong cầu ưu tiên của mỗi nhóm có sự khác nhau rõ rệt. 
Nữ Phật tử ở độ tuổi thanh niên thường cầu tình duyên cao nhất (chiếm 
42,5% số ý kiến trả lời); độ tuổi thanh niên, trung niên cầu tài lộc cao 
nhất (chiếm 74,8 % và 68,2% số ý kiến trả lời), còn phụ nữ cao tuổi lại có 
cầu mong được Phật gia hộ và cầu giải thoát cao nhất (chiếm 90,3% và 
85,4% số ý kiến trả lời). 
Bảng 3. Tương quan giữa mong cầu khi đi lễ chùa với độ tuổi của 
phụ nữ6 
Nội dung 
Độ tuổi 
Thanh niên Trung niên Cao niên 
Cầu được Phật gia hộ 59,8% 71,2% 90,3% 
Cầu tai qua nạn khỏi 56,7% 82,8% 84,5% 
Cầu tài, lộc, thăng tiến 74,8% 68,2% 17,5% 
Cầu giải thoát 4,7% 19,2% 85,4% 
Cầu tình duyên 42,5% 1,5% 0,0% 
76 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
Cầu bình an 2,4% 1,5% 0,0% 
Cầu may mắn 10,2% 6,1% 2,9% 
Cầu phúc đức 0,0% 1,5% 5,8% 
Cầu sức khỏe 6,3% 8,1% 12,6% 
Điều này có thể lý giải do nhu cầu tâm lý, tinh thần của mỗi lứa tuổi 
khác nhau. Ở độ tuổi thanh niên, phụ nữ chủ yếu đang trong thời gian tìm 
hiểu bạn đời, lập gia đình cho nên cũng dễ hiểu vì sao nhóm nữ Phật tử 
này lại mong muốn có được tình duyên thuận lợi. Trong khi độ tuổi thanh 
niên, trung niên lại đang là độ tuổi lao động chính, họ mong muốn có 
được công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt, vì thế mà cầu tài, cầu lộc được 
xem là mong muốn ưu tiên của những lứa tuổi này. 
Ngược lại, nữ Phật tử khi đã cao tuổi, họ lại thường có tâm lý, suy 
nghĩ về những vấn đề ở kiếp sau, trả lời những câu hỏi muôn thuở của 
loài người như sau khi chết đi sẽ đi về đâu. Có lẽ vì thế mà ở độ tuổi này, 
các nữ Phật tử quy y Tam Bảo đều mong muốn mình sẽ được giải thoát. 
Nói như vậy để thấy rằng, sự ảnh hưởng của Phật giáo tới phụ nữ không 
phải theo một cách thuần nhất, đơn tuyến. Quá trình tác động của tôn 
giáo này đối với phụ nữ cũng còn tùy thuộc vào đặc điểm lứa tuổi của 
phụ nữ. 
Đồng thời, những người phụ nữ tham gia sinh hoạt Phật giáo còn có 
sự chia sẻ, trao đổi và an ủi lẫn nhau những lúc khó khăn. Không những 
thế, họ còn có sự chia sẻ những kiến thức về Phật học để giúp cho sự hiểu 
biết của mình được thông suốt, chính xác hơn về Phật giáo. 
“Chúng con thường trao đổi những vấn đề Phật pháp với các bạn đồng 
tu với nhau, trong cùng đạo tràng, trong cùng một chùa, cho nên có 
những vấn đề gì khi tụng kinh niệm Phật chưa hiểu biết, chưa được rõ 
ràng thì chúng con cũng hay đem ra để trao đổi những hiểu biết của mình 
và hiểu biết của bạn để hình thành một sự thông suốt” (PV nữ Phật tử, 47 
tuổi, chùa Phật Tích, Bắc Ninh)7. 
Thông qua việc cùng học hỏi và sinh hoạt Phật giáo đã giúp cho phụ 
nữ phía Bắc Việt Nam có thêm niềm tin cá nhân và tạo dựng niềm tin xã 
hội vững chắc. Nói cách khác, việc cùng nhau tham gia thực hành trong 
cùng một tôn giáo (Phật giáo) đã góp phần tăng thêm mạng lưới xã hội 
cho người phụ nữ, giúp họ có thêm các mối quan hệ xã hội và tìm được 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 77 
sự đồng cảm, chia sẻ, tin tưởng nhau. Mạng lưới xã hội này lại càng trở 
nên vững chắc hơn khi họ có cùng niềm tin tôn giáo, lại ở trong cùng một 
cộng đồng thân thuộc. Đây chính là vai trò cầu nối quan trọng của Phật 
giáo để đưa con người gần gũi với nhau hơn và sống thân thiện, tốt đẹp 
trong tình yêu thương, đùm bọc nhau theo đúng tinh thần Lục Hòa và Từ 
Bi của Phật giáo. Thông qua cách thức này, Phật giáo góp phần vào sự 
tăng trưởng niềm tin xã hội và vốn xã hội cho người nữ Phật tử. 
Như vậy, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng “đóng vai trò quan 
trọng trong việc hình thành vốn xã hội. Yếu tố cơ bản nhất để tôn giáo 
thực hiện việc tạo dựng này là niềm tin tôn giáo. Niềm tin tôn giáo góp 
phần hình thành sự cố kết cộng đồng và cố kết xã hội. Có thể nói, niềm 
tin tôn giáo góp phần hình thành niềm tin xã hội”8. 
Khi hỏi các nữ Phật tử thường giúp đỡ người cùng hội Phật tử hoặc 
đạo tràng khi gặp khó khăn như thế nào? Có 87,0% số ý kiến trả lời thực 
hiện thăm hỏi, động viên; 48,0% số ý kiến trả lời chia sẻ quan điểm, cách 
thức để tháo gỡ khó khăn; 20,5% số ý kiến trả lời giúp đỡ người gặp khó 
khăn bằng tiền và vật chất; 14% giúp đỡ bằng việc làm9. 
Có thể thấy, hình thức thăm hỏi, động viên, chia sẻ đối với những 
người gặp khó khăn của cộng đồng Phật giáo chính là một cách thức tác 
động trực tiếp tới đời sống tâm lý, tinh thần của người nữ Phật tử. Thông 
qua những hành động như thế, cộng đồng Phật giáo đã tạo ra sự liên 
thông, kết nối và chia sẻ cao trong các thành viên của mình, và cảm thấy 
mình sống có ý nghĩa, giá trị hơn. Vì vậy, có thể nói, ngôi chùa, một thiết 
chế cơ bản của Phật giáo, đã thể hiện “chức năng củng cố niềm tin vào 
hành động thực tế cho người đi lễ, và phần nào có chức năng tái tạo sự 
cân bằng tâm lý của người đi lễ”10. 
Sự bù đắp đó của Phật giáo đối với nữ Phật tử các tỉnh thành phía Bắc 
Việt Nam là một sự đền bù có thực chứ không phải hư ảo. Bởi, quá trình 
tác động của Phật giáo đã tạo ra những ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần 
của người phụ nữ. Hơn nữa, sự tin tưởng, an tâm và thăng bằng trong tâm 
lý, tinh thần của nữ Phật tử sẽ chắc chắn trở thành động lực cho họ sống 
và hành động đúng đắn hơn trong thực tiễn cuộc sống. 
Như vậy, có thể nói, Phật giáo đã trở thành một trong những phương 
thức hữu hiệu đảm bảo an ninh tinh thần cho người nữ Phật tử. Đây cũng 
là một vai trò quan trọng của tôn giáo nói chung đối với đời sống con 
người. So sánh Phật giáo với Công giáo, Tin Lành hay Islam giáo thì đều 
78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
thấy một điểm chung ở chỗ, các tôn giáo đều là chỗ dựa tinh thần, đều là 
phương thức trấn an, xoa dịu, lấy lại sự cân bằng và đảm bảo an ninh tinh 
thần cho con người. Họ cần đến Phật, Thiên Chúa hay Allah, bởi họ cảm 
thấy mình cũng là một bộ phận nhỏ bé trong vũ trụ và xã hội rộng lớn, 
nhiều bất trắc, chất chứa những tình huống vượt ngoài mức kiểm soát của 
cá nhân. Để che chở cho họ trong một thực tại rộng lớn và phức tạp như 
vậy, họ tin rằng chỉ có các lực lượng thần linh với sức mạnh siêu nhiên 
mới có thể làm được. Đây cũng là một điều phù hợp với tâm lý phụ nữ ở 
Việt Nam “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. 
Sự đảm bảo an ninh tinh thần của Phật giáo đối với nữ Phật tử không 
chỉ giới hạn trong niềm tin có sự bảo hộ của thần linh mà còn được mở 
rộng ra những người xung quanh trong cộng đồng. Tức là sự tin tưởng và 
giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng theo Phật giáo đã củng cố niềm 
tin xã hội ngay trong nhóm, đồng thời cũng góp phần tạo dựng niềm tin 
xã hội trong mối quan hệ với các nhóm khác, qua đó hình thành nên một 
tâm thế lạc quan hơn về xã hội nói chung. Tâm thế tích cực này là một 
trong những động lực giúp người nữ Phật tử có được một thái độ sống và 
động lực sống tốt hơn. 
Nhiều người tin rằng, Đức Phật có thể đem lại những cầu mong về tình 
duyên, thăng tiến, tài lộc, may mắn, phúc đức, trong cuộc sống. Trong 
thực tế, đây là những suy nghĩ, niềm tin tồn tại bấy lâu nay của không ít nữ 
Phật tử ở phía Bắc Việt Nam. Thực tế này xuất phát từ chính cách hiểu, cách 
tin của họ đối với Phật giáo, với Đức Phật. Đức Phật không chỉ được hiểu là 
bậc giác ngộ, người dẫn dắt trong đời sống tu hành giải thoát mà còn được 
hiểu như một vị thần thánh, có tính chất linh thiêng. Đó chính là ảnh hưởng 
bởi xu hướng Phật giáo quyền năng, một vị Phật được hiểu là một vị thần có 
khả năng vượt ra ngoài những giới hạn của thế giới khách quan, đã thấm sâu 
vào trong dân gian từ khi Phật giáo phát triển ở vùng Thuận Thành, Bắc 
Ninh ngày nay. 
3. Tác động của Phật giáo tới lối sống của phụ nữ 
Phật giáo còn tác động dẫn tới những thay đổi trong nhận thức về các 
chuẩn mực đạo đức, quan hệ đạo đức và lối sống của nữ Phật tử thông 
qua việc điều chỉnh hành vi xã hội của họ. Qua nghe giảng đạo, tham gia 
các lớp hoằng pháp, các câu lạc bộ và các hội thi tìm hiểu giáo lý Phật 
giáo, các nữ Phật tử đã có nhận thức đúng đắn hơn về những lời dạy, hệ 
thống luân lý, đạo đức của Phật giáo như các điều thiện, cách ứng xử đối 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 79 
với cha mẹ, anh em, vợ chồng và bạn bè. Chính vì thế, tôn giáo nói chung 
và Phật giáo nói riêng đều có “những giá trị chuẩn mực tôn giáo, ngoài 
những điều khuyên răn cấm đoán tạo nên nội dung riêng của đạo đức tôn 
giáo, còn có những điều khuyên răn, cấm đoán không hề ... a ra rất cụ thể để con người 
tu tập, phấn đấu. Trong đó, phổ biến nhất là Ngũ giới13 và Thập thiện14. 
Những chuẩn mực này, nếu lược bỏ tính chất tôn giáo sẽ là những 
nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, rất có ích cho việc duy 
trì đạo đức xã hội. 
Các nội dung của hệ thống luân lý, đạo đức Phật giáo đã được hiện 
thực hóa, chuyển tải vào trong đời sống thực tiễn của phụ nữ. Những lời 
răn dạy của Phật giáo đã định hướng cho các hành vi ứng xử trong các 
80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
mối quan hệ gia đình, xã hội của những nữ Phật tử, góp phần hình thành 
nhân cách và phẩm chất của người phụ nữ như làm việc thiện, hiếu thảo, 
chung thủy, chăm lo con cái, trách nhiệm với cộng đồng, làm ăn chân 
chính. 
Trong quá trình khảo sát, phỏng vấn bằng bảng hỏi cho thấy, hầu hết 
các nữ Phật tử tại gia đều thực hiện các hành vi của mình tuân theo 
những lời răn dạy của Phật giáo. Trong đó, hành vi làm việc thiện, tránh 
việc ác chiếm tỷ lệ cao, gần như tuyệt đối số ý kiến trả lời (99,8%); hiếu 
thảo với cha mẹ chiếm 39,7% số ý kiến; thực hiện lối sống có trách 
nhiệm với cộng đồng chiếm 35,0% số ý kiến và thực hiện làm ăn chân 
chính chiếm 34,1% số ý kiến15. 
Việc điều chỉnh hành vi, hướng con người tới cái Thiện, chính là một 
trong những chức năng quan trọng của tôn giáo nói chung và Phật giáo 
nói riêng. Sự điều chỉnh hành vi đã tạo ra sự ổn định, giúp cho việc kiểm 
soát hành vi ở cộng đồng, gia đình và cá nhân của người phụ nữ được tốt 
hơn. Từ đó góp phần vào việc củng cố mối quan hệ xã hội, gia đình và 
hình thành phẩm chất đạo đức của những người nữ Phật tử. Không ít 
người sau khi tham gia sinh hoạt Phật giáo đã giảm thiểu được nhiều thói 
hư tật xấu, sống có ích hơn cho xã hội và gia đình. 
Phật giáo tham gia điều chỉnh hành vi, lối sống của nữ Phật tử bằng 
chính các lời răn dạy mang tính nhân văn, đạo đức, những hình phạt ở thế 
giới đời sau đối với những ai sống trái với luân thường đạo lý. Phật giáo 
quan niệm những ai phạm tội sẽ bị đày xuống Địa ngục. 
Cùng với đó, Phật giáo còn tham gia điều chỉnh hành vi của con người 
qua chính những thiết chế Phật giáo như thông qua các chùa, qua các hội 
và thông qua chính cộng đồng những người cùng theo Phật giáo. Trong 
thực tế, niềm tin, lý tưởng, đạo đức Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói 
chung có được quần chúng tin theo và thực hiện hay không, trước hết là 
nhờ tổ chức tôn giáo. Bởi một thực tế, chính các thiết chế Phật giáo đã 
hình thành nên một sức mạnh, một môi trường cộng đồng và cũng là một 
áp lực tập thể áp chế những thói hư, tật xấu, những lối sống không lành 
mạnh của mỗi cá nhân. Nếu một cá nhân nào không tuân thủ theo những 
nguyên tắc đã được định ra thì họ sẽ nhận những “hình phạt” của cộng 
đồng như sự phê phán, lên án và thậm chí là tẩy chay. Điều này đã góp 
phần tạo nên sức mạnh của cộng đồng tôn giáo (Phật giáo), góp phần tạo 
ra những khuôn mẫu ứng xử chuẩn mực chung trong cộng đồng Phật 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 81 
giáo. Chính vì thế, nó đã góp phần quan trọng vào việc hình thành, duy 
trì nếp sống Phật giáo ở ngay trong chính những người phụ nữ tin theo 
Phật giáo. Đồng thời cũng chính tổ chức Phật giáo, cộng đồng Phật giáo 
lại trở thành những mẫu hình điển hình trong việc thực hiện lối sống, đạo 
đức Phật giáo với những hành vi tốt đẹp để từ đó nuôi dưỡng sức sống 
cho Phật giáo và cũng là tạo hình ảnh tốt trong lòng xã hội. 
Ngoài ra, một điểm không thể không đề cập tới trong phương thức 
điều chỉnh hành vi của người nữ Phật tử, đó chính là vai trò của những 
người có uy tín trong cộng đồng Phật giáo, đặc biệt là các vị tu sĩ Phật 
giáo ở các chùa. Chính các vị tu sĩ Phật giáo đã luôn gần gũi, chia sẻ, 
động viên, hơn nữa còn tích cực tham gia hướng dẫn nhiều mặt trong đời 
sống của nữ Phật tử. 
Những lời nói, hành động tốt của tu sĩ Phật giáo đều tạo ra những ảnh 
hưởng lớn đối với sự hướng dẫn và điều chỉnh hành vi của nữ Phật tử. 
Bởi vì, trong tâm thức của người Phật tử, chính những vị tu sĩ Phật giáo 
lại là sự hiện thân, hóa thân của Đức Phật, là người thông hiểu những 
chân lý Phật giáo. Nói cách khác, họ chính là người đưa đường dẫn lối, 
khai thông cho những ai muốn vươn tới chân lý Phật giáo và cũng là hiện 
thân cho sự sống của Phật giáo. 
Cho nên, việc nương tựa vào Tăng (tu sĩ Phật giáo) là một trong ba nội 
dung quan trọng của Tam Quy (Quy y Phật, Quy y Pháp và Quy y Tăng) 
đối với những người Phật tử tại gia. Nhiều khi uy tín của tu sĩ Phật giáo 
còn vượt ra ngoài lĩnh vực tôn giáo. Không ít nữ Phật tử khi gặp khó 
khăn trong cuộc sống hay những băn khoăn, vướng mắc trong cuộc sống 
từ những chuyện liên quan đến gia đình, xây sửa nhà cửa, học hành, sự 
nghiệp cũng tìm đến các tu sĩ Phật giáo ở chùa để xin tư vấn. 
Cùng với việc điều chỉnh hành vi của các nữ Phật tử, Phật giáo còn tác 
động đến lối sống của nữ Phật tử từ việc ăn chay, bố thí, phóng sinh, cưới 
hỏi cho đến tang ma. Trong đó, việc thực hiện ăn chay, bố thí, phóng sinh 
được xem là những hoạt động cơ bản nhất của tín đồ Phật giáo. Những 
hoạt động này xuất phát từ quan niệm Từ bi của Phật giáo. Vì khi đã trở về 
với Phật pháp, mỗi người Phật tử phải thọ giới và trì giới, trong đó giới căn 
bản là không sát sinh hại vật, mà trái lại phải thương yêu mọi loài. 
Để đạt được mục đích đó, theo quan niệm của Phật giáo, người Phật tử 
phải dùng đến phương pháp ăn chay. Tất nhiên, người xuất gia ăn chay 
trường, còn Phật tử tại gia còn nhiều trở ngại nên chỉ ăn chay kỳ. Thông 
82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
thường họ ăn chay mỗi tháng hai ngày, là ngày mùng một và ngày rằm 
mỗi tháng. Có người ăn mỗi tháng 4 ngày là ngày 01, 14, 15 và 30, nếu 
tháng thiếu thì ăn chay ngày 29. Có người ăn mỗi tháng sáu ngày là 
những ngày mùng 08, 14, 15, 23, 29 và 30 (nếu tháng thiếu thì ăn chay 
ngày 28, 29). Có người phát tâm ăn chay mỗi tháng mười ngày là ngày 
01, 08, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 (nếu tháng thiếu thì ăn vào ngày 
27, 28, 29). Có những nữ Phật tử phát nguyện ăn chay cả tháng (thường 
là tháng Bảy âm lịch) hoặc ba tháng (tháng Giêng, tháng Bảy và tháng 
Mười) hay cả năm. 
Cũng xuất phát từ tinh thần Từ bi của Phật giáo, tục bố thí và phóng 
sinh đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng. Đến ngày rằm và 
mùng một, các nữ Phật tử thường hay mua chim, cá, rùa, để đem về 
chùa chú nguyện rồi đi phóng sinh. 
Không những vậy, trong những công việc trọng đại của bản thân và 
gia đình như ma chay, cưới hỏi các nữ Phật tử phía Bắc Việt Nam cũng 
đều gắn với các nghi thức của Phật giáo. Trong đó thể hiện rõ nhất là ở 
tang ma. Khi gia đình có người thân qua đời, họ mời các vị sư về nhà để 
giúp đỡ phần tang lễ (thường gọi là làm ma chay). Thông thường các 
nghi thức trong tang lễ được diễn ra tuần tự như sau: (1) Nghi thức khâm 
liệm người chết; (2) lễ phát tang; (3) lễ tiến linh (cúng cơm); (4) khóa lễ 
kỳ siêu cho hương linh; (5) lễ cáo Triều Tổ (cáo tổ tiên ông bà trước giờ 
di quan); (6) lễ di quan và hạ huyệt; (7) Đưa lư hương, long vị, hình vong 
về nhà hoặc Chùa; (8) lễ an sàng; (9) cúng thất (tụng Kinh cầu siêu và 
cúng cơm cho hương linh trong bảy tuần gồm 49 ngày, mỗi tuần cúng 
một lần); (10) lễ tiểu tường (giáp năm, sau ngày hương linh mất một 
năm); (11) lễ đại tường (lễ xả tang, sau ngày hương linh qua đời hai 
năm). Nhiều gia đình còn gửi bát hương lên Chùa để thờ với hy vọng 
người thân của mình được thanh thản và sớm được siêu thoát. Nữ Phật tử 
còn thường làm lễ cầu siêu cho người thân mới mất ở chùa. Đặc biệt là lễ 
“tứ cửu” (49 ngày) được tổ chức long trọng ở chùa. Những người thân 
trong gia đình nếu như chết đường hay chết vào ngày 30, mồng một, 14, 
rằm, hay chết trùng thì người ta thường tổ chức ma chay mời thầy chùa 
về cúng, không sát sinh trong vòng 49 ngày, và sẽ cúng chay để mong 
người thân được an nghỉ, linh hồn được siêu thoát. Về việc cưới hỏi, tầm 
ảnh hưởng có vẻ ít hơn so với các tôn giáo khác như Công giáo, hay 
Islam giáo. Tuy vậy, trước khi cho con cái tiến tới hôn nhân, nhiều gia 
đình còn tới chùa hỏi ý kiến của các vị sư tăng; hiện nay cũng đã thấy có 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 83 
những đám cưới được tổ chức tại chùa, mặc dù số lượng còn ít song phần 
nào đã cho thấy sức ảnh hưởng sâu sắc của Đạo Phật tới đời sống xã hội. 
Việc đi lễ chùa vào ngày sóc, vọng trở thành một tập tục. Cúng lễ vào 
ngày rằm, mồng một đã trở thành một thói quen với không ít người phụ nữ 
Việt ở phía Bắc. Bên cạnh việc đi chùa vào ngày rằm, mùng một, phụ nữ 
đồng bằng Bắc Bộ còn có tập tục khác là đi viếng chùa, lễ Phật vào những 
ngày tết, lễ lớn như ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm 
tháng Bảy (Vu Lan). Đây là một tập tục, một nhu cầu không thể thiếu được 
trong đời sống của họ. Điểm này thể hiện rõ sự thay đổi về lối sống của một 
bộ phận người dân ở phía Bắc nói chung và người phụ nữ ở đây nói riêng. 
Đối với họ, đêm 30 Tết không chỉ là thời điểm để mọi thành viên trong gia 
đình tập trung tại nhà và đón giao thừa. Chẳng hạn ở Hà Nội, vào những 
ngày Tết cho đến rằm tháng Giêng, người dân đến chùa thường rất đông 
với mong muốn cầu năm mới bình an, mạnh khỏe và nhiều tài lộc. 
4. Kết luận 
Như vậy, Phật giáo có những ảnh hưởng đến nữ Phật tử trong nhiều 
chiều cạnh khác nhau. Đối với phụ nữ, Phật giáo đã và đang là một 
phương tiện an ủi tinh thần, giải tỏa những căng thẳng trong đời sống tâm 
lý, giúp cho phụ nữ có được sự yên tâm, thoải mái và lấy lại được sự cân 
bằng trong cuộc sống. Sự an ủi, bù đắp tinh thần đối với phụ nữ hay nói 
cách khác là việc thực hiện chức năng tâm lý của Phật giáo đối với phụ 
nữ càng thể hiện rõ trong những lúc người nữ Phật tử gặp khó khăn, 
khủng hoảng hay những tình huống bất trắc, không lường trước được. 
Phật giáo đang là một trong những chỗ dựa tinh thần quan trọng của 
không ít người phụ nữ ở phía Bắc Việt Nam. 
Không chỉ thế, Phật giáo còn có hệ thống luân lý, đạo đức góp phần 
điều chỉnh, định hướng cho các hành vi ứng xử trong các mối quan hệ gia 
đình, xã hội của những nữ Phật tử, góp phần hình thành nhân cách và 
phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ như làm việc thiện, hiếu thảo, chung 
thủy, chăm lo con cái, trách nhiệm với cộng đồng, làm ăn chân chính. Từ 
đó đã hình thành nên lối sống nền nếp của người phụ nữ theo những 
khuôn mẫu luân lý, đạo đức Phật giáo với nguyên tắc chung là “làm lành 
tránh ác”. Đây cũng là điểm chung mà hầu hết các tôn giáo đều hướng 
tới. Nó cho thấy, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đã và đang là 
một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước, có nhiều điểm phù 
hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới./. 
84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 
CHÚ THÍCH: 
1 Nguyễn Thị Thành (2013, 2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
2 Nguyễn Thị Thành (2013, 2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
3 Xem: Nguyễn Thị Minh Ngọc (2011), Vai trò của người phụ nữ Việt Nam đối 
với Phật giáo từ góc nhìn xã hội học, trong Nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng 
chặng đường 20 năm 1991-2011, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
4 Lê Minh Thiện (2011), “Mong muốn của người đi lễ chùa qua nghiên cứu thực 
tiễn”, Công tác Tôn giáo, số 4: 14. 
5 Nguyễn Thị Thành (2013, 2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
6 Nguyễn Thị Thành (2013, 2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
7 Nguyễn Thị Thành, Tư liệu phỏng vấn sâu nữ Phật tử tại chùa Phật Tích, Bắc 
Ninh, ngày 17/5/2015. 
8 Nguyễn Thị Minh Ngọc (2014), “Niềm tin tôn giáo trong mối quan hệ với niềm 
tin xã hội”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 12: 83. 
9 Nguyễn Thị Thành (2013, 2014): Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
10 Hoàng Thu Hương (2012), Chân dung xã hội của người đi lễ chùa, Nxb. Khoa 
học xã hội, Hà Nội: 157. 
11 Nguyễn Hữu Vui (1993), “Tôn giáo và đạo đức - Nhìn từ mặt triết học”, Triết 
học, số 4: 46. 
12 Nguyễn Thị Thành (2013, 2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
13 Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống 
rượu. 
14 Ba điều thuộc về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; Ba điều 
thuộc về ý thức: không tham lam, không thù hận, không si mê; Bốn điều thuộc 
về khẩu: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không ác khẩu 
15 Nguyễn Thị Thành (2013,2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Đặng Văn Bài (2008), “Nhận diện để phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo 
Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5. 
2. Nguyễn Khắc Đức (2008), “Vai trò của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay”, Nghiên 
cứu Tôn giáo, số 7. 
3. Hoàng Thu Hương (2012), Chân dung xã hội của người đi lễ chùa, Nxb. Khoa 
học xã hội, Hà Nội. 
4. Nguyễn Thị Minh Ngọc (2011), “Vai trò của người phụ nữ Việt Nam đối với 
Phật giáo từ góc nhìn xã hội học”, trong Nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng chặng 
đường 20 năm 1991-2011, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
5. Nguyễn Thị Minh Ngọc (2014), “Niềm tin tôn giáo trong mối quan hệ với niềm 
tin xã hội”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 12. 
Nguyễn Thị Thành. Tác động của Phật giáo... 85 
6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự Trung ương (2015), Tài liệu Hội 
nghị kỳ 3 khóa VII Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ. 
7. Nguyễn Thị Thành (2011), Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa 
tinh thần của phụ nữ Việt Nam hiện nay, Luận văn cao học, Khoa Triết học, Đại 
học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 
8. Nguyễn Thị Thành (2012), “Phật giáo với đời sống tinh thần phụ nữ người Việt 
vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay”, Công tác Tôn giáo, số 10. 
9. Nguyễn Thị Thành (2013, 2014), Kết quả điều tra xã hội học về sự tác động của 
Phật giáo đối với phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Tư liệu cá nhân. 
10. Lê Minh Thiện (2011), “Mong muốn của người đi lễ chùa qua nghiên cứu thực 
tiễn”, Công tác Tôn giáo, số 4. 
11. Nguyễn Hữu Vui (1994), “Tôn giáo và đạo đức - Nhìn từ mặt triết học”, Triết 
học, số 4. 
Abstract 
IMPACT OF BUDDHISM ON WOMEN IN SOME PROVINCES 
IN THE NORTH OF VIETNAM AT PRESENT 
This article analyzes the impact of Buddhism on women in some 
northern provinces of Vietnam today through two domains. Firstly, the 
impact of Buddhism on the spiritual life of women. Secondly, the impact 
of Buddhism on the lifestyle of women. Basing on fieldwork data and 
synthesis of the previous research, this text indicates that Buddhism has 
currently continued to hold an important position in the spiritual life, as 
well as the role in formation life style of female in the North of Vietnam. 
Keywords: Buddhism, impact, female, north, Vietnam. 

File đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_phat_giao_toi_phu_nu_mot_so_tinh_phia_bac_viet.pdf