Thông điệp từ tục thờ, trò diễn trong lễ hội Ná Nhèm

Lễ hội Ná Nhèm (Ná Nhèm, tiếng Tày có nghĩa là Mặt nhọ) của người Tày ở Lạng Sơn, thường diễn ra vào rằm tháng Giêng hằng năm. Đây là một lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều tầng văn hóa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2015. 3 năm trước đó - Năm 2012, lễ hội độc đáo này mới được phục dựng sau hơn thế kỷ thất truyền. Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu vẫn băn khoăn về các nội dung nằm trong tục thờ, trò diễn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả giới thiệu tóm lược nghiên cứu và bước đầu giải mã các tầng văn hóa trong Lễ hội Ná Nhèm - công việc vô cùng khó khăn bởi thiếu các văn bản ghi chép lại các tục thờ, trò diễn

pdf 5 trang yennguyen 4380
Bạn đang xem tài liệu "Thông điệp từ tục thờ, trò diễn trong lễ hội Ná Nhèm", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Thông điệp từ tục thờ, trò diễn trong lễ hội Ná Nhèm

Thông điệp từ tục thờ, trò diễn trong lễ hội Ná Nhèm
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN
126 JOURNAL OF ETHNIC MINORITIES RESEARCH
THÔNG ĐIỆP TỪ TỤC THỜ, TRÒ DIỄN 
TRONG LỄ HỘI NÁ NHÈM
Bàn Tuấn Năng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Email: bantuannang@gmail.com
Ngày nhận bài: 15/2/2019
Ngày phản biện: 25/2/2019
Ngày duyệt đăng: 10/3/2019
DOI:
https://doi.org/10.25073/0866-773X/276
Lễ hội Ná Nhèm (Ná Nhèm, tiếng Tày có nghĩa là Mặt nhọ) của người Tày ở Lạng Sơn, thường diễn ra vào rằm tháng 
Giêng hằng năm. Đây là một lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều tầng 
văn hóa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 
Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2015. 3 năm trước 
đó - năm 2012, lễ hội độc đáo này mới được phục dựng sau hơn 
thế kỷ thất truyền. Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu vẫn 
băn khoăn về các nội dung nằm trong tục thờ, trò diễn. Trong 
khuôn khổ bài viết này, tác giả giới thiệu tóm lược nghiên cứu và 
bước đầu giải mã các tầng văn hóa trong Lễ hội Ná Nhèm - công 
việc vô cùng khó khăn bởi thiếu các văn bản ghi chép lại các tục 
thờ, trò diễn.
Từ khóa: Lễ hội Ná Nhèm; Tục thờ trò diễn; Mỏ nước Bó 
Vằn; Đình làng Mỏ; Thông điệp của tiền nhân.
1. Đặt vấn đề
Lễ hội Ná Nhèm của người Tày ở khu vực cửa 
đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh 
Lạng Sơn được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng 
năm. Theo tiếng địa phương, “Ná Nhèm” là lễ hội 
bôi nhọ mặt hay còn được hiểu là lễ hội hóa trang, 
giấu mặt. Lễ hội là nghi thức, nghi lễ thờ cúng thần 
thành hoàng Cao Sơn, Quý Minh đại vương, thờ 
đức Vua Miêu Tĩnh và đức Vua Cao Quyết, gắn liền 
với sự tích đánh giặc giữ làng, giữ nước và các hoạt 
động văn hóa, các trò chơi, trò diễn. Lễ hội có rất 
nhiều nội dung liên quan đến tưởng niệm vua Mạc 
như: Tục rước nước – rước Vua, tục thờ Thái tổ Mạc 
Đăng Dung, ẩn dưới việc thờ cây đại đao, trò diễn 
đánh đại đao tại lễ hội, tục cung tiến lễ vật trong 
tiếng hô “vạn tuế”, việc ông tướng mượn lời giáo 
để xưng “trời sinh tôi xuống”, sự khớp nối về thời 
điểm chạy loạn (1677) và sự hiện diện đến đời thứ 
14 của họ Hoàng và họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ
Năm 2012, Lễ hội Ná Nhèm được khôi phục sau 
hơn nửa thế kỷ thất truyền. Nguyên nhân thất truyền 
được kể lại là do vào khoảng những năm 1960, các 
trai đinh phải lên đường tòng quân diệt giặc (theo 
lệ cũ, chỉ trai đinh mới được tham gia các vai diễn 
trong lễ hội), nên việc tuyển lựa khoảng 150 trai 
đinh trong nhà không có việc tang ở khu vực cửa 
đình vô cùng khó khăn. Vậy nên, năm Quý Mão - 
1963, các cụ phải làm lễ xin khất nguyện với thánh 
thần cùng các đức Vua, hẹn đất nước thanh bình sẽ 
xin tổ chức lễ hội trở lại. 
Tuy nhiên, kể cả khi lễ hội Ná Nhèm được 
phục dựng thành công năm 2012, những người làm 
nghiên cứu vẫn băn khoăn về các nội dung nằm 
trong tục thờ, trò diễn, cũng như lý do và thông điệp 
khi các bậc tiền nhân sáng tạo, trao truyền lại cho 
thế hệ sau lễ hội dày đặc các nội dung đặc sắc này. 
Và đây chính là lý do để bắt tay nghiên cứu, giải mã 
các tầng văn hóa trong Lễ hội Ná Nhèm.
2. Giải mã các thông điệp của lễ hội Ná Nhèm
2.1. Những ẩn số sau khi phục dựng lễ hội
Điểm chú ý đầu tiên không nằm ở chuyện thờ 
Vua hay rước tàng thinh – mặt nguyệt, mà là tiếng 
hô “tô mô vạn tuế” trong màn cung tiến lễ vật. Rõ 
ràng, tại một lễ hội dân gian của làng, việc người 
dân kính cẩn bái lạy, cung tiến lễ vật cùng tiếng hô 
chỉ dành riêng cho đức Vua trong lịch sử ngàn năm 
của chế độ phong kiến là khá “bất thường”. Tìm 
hiểu các nội dung cụ thể của từng cơ sở thờ tự tại 
địa bàn xã, được biết:
- Đình Làng Mỏ thờ đức thành hoàng Cao Sơn 
– Quý Minh, song sắc phong thời Duy Tân và Khải 
Định của triều Nguyễn khi ban lại cho cả vùng Trấn 
Yên, chứ không riêng cho cư dân cửa đình Làng 
Mỏ. Đặc biệt ở đình Làng Mỏ thờ Đức Thành hoàng 
Cao Sơn – Quý Minh, nhưng khi cúng lại xướng 
thêm tên đức Vua Cao Quyết. Trên giường thành 
hoàng luôn bày 2 bộ long ngai bài vị và hai cây 
long đao. Hỏi người dân khu vực về nhân vật được 
thờ tại đình chỉ nhận được câu trả lời: Đình là nơi 
thờ thành hoàng của làng. Theo lệ làng, tất cả mọi 
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN
127Volume 8, Issue 1
người, kể cả quan viên, đi qua đình phải xuống 
ngựa. Việc “hạ mã” khi qua cửa đình này không 
lạ ở nhiều địa phương, nhưng đặt trong không gian 
văn hóa Tày ở đây là điều đặc biệt.
- Miếu Xa Vùn thờ đức thành hoàng Cao Sơn – 
Quý Minh và linh hồn 12 giặc cướp. Việc thờ đức 
thánh Cao Sơn – Quý Minh được thực hiện theo 
nguyên tắc phối ngẫu, nhằm trấn yểm, không cho 
linh hồn 12 tên giặc cướp quấy nhiễu dân lành.
- Miếu Bó Vằn (Mỏ Vằn) thờ đức Vua Miêu 
Tĩnh, phía dưới miếu thờ có mạch nước ngầm. Phần 
ao (người Tày quen gọi là giếng) phía trong, tiếp 
giáp với khu vực đặt miếu thờ được gọi là Bó Vằn 
(mỏ Vằn – phần giếng), phía ngoài được gọi là Bó 
Mèo (mỏ nước của Mèo/của ông Vua Mèo/Vua tuổi 
Mèo).
Vua Cao Quyết, Miêu Tĩnh là ông vua nào mà 
khiến người dân ở đây thờ cúng; rồi có hay không 
một ông Vua người Mèo/Mông hay một ông vua 
tuổi Mèo, ông vua tên là Mèo; Vì sao ở đình Làng 
Mỏ lại có hiện tượng thờ một đằng, xướng một 
nẻo; trên giường thành hoàng có tục thờ 2 cây long 
đao là những ẩn số cần có lời giải
2.2. Nghiên cứu giải mã thông điệp của lễ hội
Để tiến hành lễ hội Ná Nhèm, vào lúc tảng sáng, 
ông Mo, 2 ông Hội và 4 anh Tưởng(1) ra mỏ nước 
Bó Vằn thắp hương và làm thủ tục rước nước về 
cửa đình để tế lễ. Tại đình Làng Mỏ, các ông Mo, 
ông Hội thực hiện các tuần tế như: Tế lương thực, 
tế trầu, tế rượu, tế lợn, tế gà và tế ống nước Tiên. 
Ống nước sẽ được thờ tại đình và rước đến trước 
cổng Tam Tiều (chòi canh có 3 lối lên) trước cửa 
miếu Xa Vùn. Đến khi hết lễ hội, ông tướng xưng là 
Thiên Lôi đem rắc ra bốn phương, tám hướng cho 
mùa màng tươi tốt, nhân an vật thịnh. Tiếp đó là các 
trò diễn đánh đại đao, gươm giáo và rước, cung 
tiến lễ vật (cây giống, linh vật) của 2 đoàn quân 
tướng nước Ngô và nước Lào, cùng với các trò diễn 
sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục. 
Các vai diễn của lễ hội đều là nam giới và buộc phải 
hóa trang, bôi mặt nhọ, các trò cung tiến lễ vật diễn 
ra trong tiếng hô “Vạn tuế”. Buổi chiều, trước khi 
lễ hội kết thúc, ông tướng sẽ trèo lên đài cao hô to 
“Trời sinh tôi xuống” và đọc bài tế theo kiểu chúc 
văn.
Trong quá trình nghiên cứu, có rất nhiều câu hỏi 
cần được trả lời thông qua các căn cứ khoa học. Câu 
trả lời đã được đưa ra nhờ sự hỗ trợ về mặt khoa 
học, nghiên cứu của các dòng họ gốc họ Mạc, đồng 
nghiệp trong Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội, Hải 
Phòng, Cao Bằng và Thái Nguyên.
Có thể thấy, trong lịch sử các triều đại phong 
1. Tưởng: Đây là một từ hoàn toàn vô nghĩa trong cả tiếng Kinh 
lẫn tiếng Tày. Theo chúng tôi, có thể đây là cách nhấn, cố tình đọc 
chệch âm của từ “Tướng”.
kiến Việt Nam, tất cả các ông Vua đều có tên tuổi, 
địa chỉ và số phận khá tường minh, chỉ một số ít bị 
làm mờ lai lịch lúc sinh ra. Do đó, nếu liên quan 
đến việc thờ phụng đức Vua, địa điểm thờ tự sẽ có 
lai lịch cụ thể. Vậy nên việc thờ một vị vua bí ẩn, 
danh tính không rõ ràng như vua Miêu Tĩnh hay 
Cao Quyết tại miếu Xa Vùn và đình Làng Mỏ là 
việc làm bất bình thường trong tín ngưỡng thờ cúng 
của cả người Tày, người Kinh ở cả miền xuôi và 
miền ngược.
Có thể hiểu Miêu là Mèo, Tĩnh hoặc Tỉnh (cái 
giếng): Giếng Mỏ Vằn của ông vua người Mèo/
Mông. Có thể vậy bởi ngay tại mỏ nước, từ xa xưa 
người dân đã chia thành 2 khu vực với 2 tên gọi 
khác nhau: Khu sát miếu thờ vua Miêu Tĩnh, được 
gọi là Bó Vằn (mỏ Vằn), khu ngoài được gọi là Bó 
Mèo (mỏ Mèo/mỏ nước của ông vua Mèo). Tuy 
nhiên, ông vua này lại được người dân xin nước 
và rước về, rồi kính cẩn cung tiến lễ vật và tung hô 
“Tô mô vạn tuế” trong lễ hội Ná Nhèm. Vì thế, đây 
không thể là một ông Vua của người dân tộc thiểu 
số (cụ thể ở đây là người dân tộc Mông/Mèo) bởi 
2 lý do: Khu vực cư trú này không phải của người 
Mèo/Mông từ xa xưa. Lịch sử cư trú ở vùng đất này 
chỉ được hình thành trong khoảng trên 300 năm, khi 
họ Hoàng, họ Bế về đây lập nghiệp; Bản thân người 
Mông, vốn cư trú tại vùng núi cao, cách xa triều 
đình phong kiến nhà nước, nên thường không có 
thói quen ứng xử với đức Vua theo mô hình chuẩn 
mực do triều đình quy định. Vì vậy, chỉ có thể là 
một trong hai trường hợp: Ông Vua đó tên là Mèo/
Miêu hoặc sinh tuổi Mèo. 
Đối với đình Làng Mỏ, nơi phối thờ đức vua 
Cao Quyết có mấy điểm đáng lưu ý: Đây là ông vua 
thờ ẩn, bởi người dân thừa nhận đây là nơi thờ 2 vị 
Thành hoàng Cao Sơn và Quý Minh. Tuy nhiên khi 
cúng, các cụ lại xướng tên cả đức Vua Cao Quyết - 
ông vua có mối liên hệ chặt chẽ với thứ binh khí là 
đại đao bởi trong việc phối thờ, trên giường thành 
hoàng của đình Làng Mỏ luôn bày 2 thanh long đao. 
Hình ảnh cây đại đao này còn được tìm thấy trong 
trò diễn đánh Mác (cách gọi của đồng bào với thứ 
binh khí trong trò diễn có hình dáng tựa như cây 
đại đao).
Tuy nhiên, theo tài liệu hồi cố của các bậc cao 
niên ở cửa đình Làng Mỏ, người phụ nữ bị giặc Tài 
Ngàn/Khẻo Đeng bắt đi phục dịch và giúp dân làng 
giết giặc có tên là Nguyễn Thị Mèo. Như vậy không 
thể có việc tên ông Vua và tên người dân trùng hợp 
vì quy định kỵ húy trong các triều đại phong kiến. 
Mà theo lệ cũ, cứ định kỳ 3 năm/1 lần, vào các năm 
Tí, Ngọ, Mão, Dậu(2) tổ chức lễ hội (Đại hội), những 
2. Về đểm này, Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức cùng thời diểm, tương 
tự như lễ hội Nàng Hai ở xã Chí Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng 
Sơn. Một lễ hội có nhiều dấu ấn của công chúa nhà Mạc trong thời 
kỳ trị vì ở Cao Bằng.
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN
128 JOURNAL OF ETHNIC MINORITIES RESEARCH
năm còn lại, người dân trong cửa đình chỉ tổ chức 
hội lệ. Quy định này cộng với các suy luận trên 
khiến chỉ còn một trường hợp xảy ra: Ông vua đó 
sinh tuổi Mèo, con vật mà ở trong một số hoàn cảnh 
nhất định, có thể còn được gọi là Miêu.
Đối với thứ binh khí đại đao, lần giở trong sử 
sách ghi về các triều đại phong kiến Việt Nam, nhận 
thấy: Binh khí đại đao chỉ gắn với tên tuổi 2 vị vua: 
Thái Tổ Mạc Đăng Dung với Định Nam Đao và 
Quang Trung Nguyễn Huệ với Ô Long Đao(3). Như 
vậy có thể xem xét hình ảnh ông vua liên quan đến 
đại đao ở đất Việt qua hình ảnh hai vị vua Mạc Thái 
Tổ và Quang Trung. Triều đại do hai vị vua này 
lập nên đều có kết cục bi thương, khiến con cháu 
phải mai danh ẩn tích. Tuy nhiên ảnh hưởng của 
vua Quang Trung trong đời sống tâm linh các dân 
tộc cư trú ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta 
gần như không có gì. Riêng với vua Mạc Thái Tổ, 
ảnh hưởng trong đời sống văn hóa một số dân tộc 
ở miền núi phía Bắc tương đối rõ rệt, thông qua sự 
hiện diện của một số di tích, phong tục tập quán 
Đặc biệt là kể từ khi nhà Mạc buộc phải rời kinh đô 
Thăng Long, lên trấn thủ tại Cao Bằng. 
Về năm sinh, vua Quang Trung sinh năm 1753, 
tức năm Đinh Dậu. Vua Mạc Thái Tổ sinh năm 
1483, tức năm Quý Mão. Các mật mã: Thân phận 
phải ẩn tích; Đức Vua sử dụng đại đao; Ông Vua 
tuổi Mèo được khớp vào với hình ảnh Mạc Thái Tổ. 
Như vậy, miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh ở mỏ nước 
Bó Vằn cần được hiểu theo 2 cách: Miếu thờ ông 
vua tuổi Mèo, ở một chỗ tĩnh tại (ổn định); Miếu 
thờ ông vua tuổi Mèo ở giếng nước (Tĩnh = Tỉnh, 
tức cái giếng). Cả hai cách hiểu này đều có thể chấp 
nhận được. Đặc biệt là khi miếu thờ được đặt tại 
ngay đầu nguồn nước, tại mỏ nước Bó Vằn với ngụ 
ý trấn yểm cho nguồn nước và cuộc sống ở đây yên 
bình. Cái tên Trấn Yên hiện nay của xã, được các 
cụ đặt khi xưa hẳn cũng không ngoài mục đích đó. 
Sau bao biến động lịch sử, họ rước đức Vua về thờ 
cúng kín đáo, mong ngài tiếp tục trấn giữ, che chở 
cho cháu con cùng sinh sống, sinh sôi và phát triển 
ở chốn này. Như vậy, tên Miêu Tĩnh định danh theo 
âm Nôm được hiểu là: ông vua tuổi Mèo đang ở 
yên một chốn. Tuy nhiên, để che mắt thế gian, các 
bậc tiền nhân đã lập lờ trong việc định danh, nếu ai 
đó truy xét, các cụ sẽ trả lời: Miếu này thờ vua Mèo 
nào đó, được đặt tại giếng (tỉnh) – tức giếng nước 
Mỏ Vằn, danh từ thông dụng mà người Tày ở đây 
vẫn gọi. 
Cũng theo lịch sử, sau khi lùi về thành Phục Hòa 
cố thủ từ năm 1677, Mạc Kính Vũ cùng tàn quân cố 
thủ tại tả ngạn sông Bằng đến tận năm 1685. Tướng 
Đinh Văn Tả đóng quân ở Tổng Lao, sau gọi là xã 
3. Thời Tây Sơn có Tam Thần đao. Bao gồm: - Ô Long đao của 
Quang Trung – Nguyễn Huệ, Huỳnh Long Đao của võ tướng Trần 
Quang Diệu, Xích Long Đao của võ tướng Lê Sĩ Hoàng.
Tiêu Dao, nay là xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa, 
tỉnh Cao Bằng. Việc cố thủ này của Mạc Kính Vũ 
phải chăng cũng được con cháu trong khi chạy loạn 
biết đến. Và ở đây, cùng với việc thờ 2 thanh đại đao 
của Mạc Thái Tổ, cái tên Cao Quyết được nhắc đến 
với sự mong ước đức Thái Tổ phù trợ cho những 
người còn ở lại Quyết giữ lấy đất Cao Bằng. Đó 
cũng là một thông điệp luôn được nhắc nhớ, luôn 
được những người con trong dòng họ mong ước, 
cầu nguyện, trao truyền, khắc cốt ghi tâm..., bởi bản 
chất sâu xa của các triều đại phong kiến Việt Nam 
cũng chỉ là câu chuyện duy trì quyền lực dòng họ. 
Như vậy, dù là vua Miêu Tĩnh hay Cao Quyết, thì 
cũng chỉ có 1 ông vua được con cháu rước ra đồng 
xem đánh trận, nhận đồ cung tiến đó là đức vua 
Mạc Thái Tổ, được tiền nhân che lấp bằng rất nhiều 
mật mã. Nhận định này còn được củng cố thêm ở 
buổi chiều, trước khi kết thúc lễ hội, một ông Tướng 
trèo lên đài cao thực hiện màn giáo Thiên lôi với 
danh xưng mở đầu: “Trời sinh tôi xuống”. Lối xưng 
danh này cho biết đó là con trời, và đã là con của 
trời trong các triều đại phong kiến xưa thì duy nhất 
có “thiên tử”. Sự khéo léo tài ba của tiền nhân đã cất 
giấu rất kỹ các thông điệp về một vương triều sau 
bao biến cố, thăng trầm của lịch sử.
2.3. Thông điệp của tiền nhân
Từ lập luận đó, từng bước đi vào lý giải các nội 
dung của lễ hội, từ nghi lễ Mộc dục – Tắm rửa, tẩy 
uế, xin âm dương để nhập các đồ lễ như ống đựng 
nước tiên, cây thiên tuế, cây lúa, cây ngô, cây khoai 
sọ, cây bông, kén tằm, tàng thinh – mặt nguyệt 
vào đình Làng Mỏ (chiều ngày 14 tháng Giêng 
âm lịch), nghi lễ Rước nước (5 giờ sáng 15 tháng 
Giêng âm lịch), rước long ngai, bài vị đức Vua từ 
đình Làng Mỏ ra đình tạm (hành cung) đặt bên cạnh 
miếu Xa Vùn (7 – 8 giờ sáng ngày 15) đến các trò 
diễn đánh đại đao, gươm mác, cung tiến lễ vật của 
2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào cho đức 
Vua, trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều 
– canh – mục, màn Giáo Thiên lôi của ông tướng, 
rắc ống nước Tiên của đức Vua ra 4 phương, rồi 
rước long ngai bài vị của đức Vua từ đình tạm về 
đình Làng Mỏ. Từ đó có thể khái quát các thông 
điệp từ Lễ hội Ná Nhèm như sau:
- Con cháu (họ Hoàng, họ Bế - gốc Mạc) tri ân 
cho tiền nhân, cho đức vua Thái Tổ, vị vua có công 
khai mở một vương triều mà sử gia triều Hậu Lê, 
dù căm ghét gọi là Ngụy Mạc, cũng buộc phải ghi 
vài câu ngợi khen: “Mạc có lệnh cấm các xứ trong, 
người đi đường không được cầm giáo mác và binh 
khí hoành hành ở đường xá, ai trái thì cho pháp ty 
bắt. Từ đó, những người đi buôn bán và người đi 
đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm 
cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ 
mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng 
không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng 
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN
129Volume 8, Issue 1
vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài 
không đóng, thường được mùa to; trong cõi tạm 
yên” (4).
- Con cháu dòng họ mượn câu chuyện tín ngưỡng 
thờ nước để bày tỏ khao khát về sự lớn mạnh của 
dòng họ, làng xã và quốc gia. Đây đồng thời cũng 
là thông điệp dành cho sự phát triển của cộng đồng, 
dân tộc, quốc gia hôm nay và mai sau.
- Tái hiện màn đánh giặc giữ làng, giữ nước, 
mong muốn dòng họ, quốc gia bình yên và phát 
triển hùng mạnh để các thế lực lân bang phải cúi 
đầu, ngả mũ quy phục và tiến cống hàng năm. 
- Thể hiện rõ mong ước mùa màng bội thu, 
mượn tín ngưỡng phồn thực trong màn cung tiến 
lễ vật để cầu đức vua che chở, giúp con cháu dòng 
họ luôn sinh sôi, trai tráng trong họ có sức khỏe 
hơn người Mọi người cùng đoàn kết để cùng lao 
động, sản xuất, sao cho làng bản đủ cả sĩ – nông – 
công – thương, ngư – tiều – canh – mục. Có như 
vậy, cuộc sống mới thực sự no ấm.
- Ước mong cuộc sống luôn bình an, no ấm, đức 
vua “thiên tử” luôn hiển linh để giáng phúc lành cho 
con cháu, để mùa màng bội thu, nhân an vật thịnh, 
muôn vật tốt tươi.
3. Kết luận
Trong quá trình giải mã các thông điệp trong Lễ 
hội Ná Nhèm, đã có một số nghiên cứu, so sánh 
các tương đồng văn hóa của người Tày ở vùng Trấn 
Yên với người Kinh ở xuôi. Chẳng hạn, họ cùng 
có tục tảo mộ vào dịp áp Tết Nguyên Đán, cùng tổ 
chức ăn rằm tháng Giêng cùng với hội Ná Nhèm. 
Phải chăng vì sợ con cháu lẫn sâu vào trong văn 
hóa Tày, quen dần với tục “đáp nọi” (ăn tết lại) của 
người Tày địa phương, nên tiền nhân đã chọn đúng 
rằm tháng Giêng mà tổ chức lễ hội để con cháu 
không quên tục xưa, lệ cũ. Để ngày nay, mỗi độ rằm 
tháng Giêng cả làng, xã lại cùng tổ chức tết lớn, đón 
con cháu họ Mạc phương xa về hội tụ. Trong việc 
tang ma, điều đặc biệt là hai dòng họ ở đây có tục 
xoay ngang quan tài trước bàn thờ. Tìm hiểu về các 
nguyên tắc thay đổi họ của con cháu gốc Mạc thấy 
có một nguyên tắc là “khử túc bất khử thủ” (bỏ 
chân tay nhưng không bỏ đầu). Nghĩa là, dù đổi tên, 
đổi họ thì cũng phải giữ lấy hình bộ “thảo đầu”. Tuy 
nhiên, có nhiều dòng họ khi thay đổi không thể đảm 
bảo nguyên tắc này (họ Bế ở đây là một ví dụ). Do 
đó câu chuyện xoay ngang quan tài trước bàn thờ, 
bên dưới có 2 đoạn cây gỗ hoặc cây chuối đặt ngang 
làm đòn kê chính là hình ảnh bộ thảo đầu, để linh 
hồn giữ hình ảnh này mà về đoàn tụ cùng tiên tổ. 
Đó cũng là một mật hiệu, một tương đồng giữa văn 
hóa Tày ở Trấn Yên và văn hóa của một số dòng họ 
người Kinh ở vùng đất Dương Kinh. Nhân dịp kỷ 
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Thời đại, Hà Nội - 2013, tr. 829.
niệm 475 năm ngày Mạc Thái Tổ băng hà vào ngày 
22/8/2016 âm lịch, các cụ, các cô bác ở Trấn Yên 
đã hành hương về Hải Phòng lễ tổ. Tại đây, chính 
những người con họ Hoàng, họ Bế đã trực tiếp quan 
sát các phong tục, tập quán, các tuần tế tại lễ cáo giỗ 
và lễ giố ở từ đường họ Mạc, nơi thờ đức Mạc Thái 
Tổ ở Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng. Và 
sự tương đồng trong việc cúng tế tại nghi lễ cáo giỗ 
lại được các cụ, các anh... tự phát hiện và chia sẻ với 
tác giả(5). Đó cũng chính là một phần hiện thực mà 
cháu con đã ghi lại, trên bức Đại tự ở từ đường họ 
Mạc Cổ Trai: 天 潢 派 衍 (Thiên hoàng phái 
diễn. Dịch nghĩa: Dòng họ nhà vua nhiều nhánh, 
nhiều chi nghành còn truyền mãi), với mong ước họ 
sẽ sớm tìm được nhau, đoàn kết, gắn bó, phát triển.
Sự hiện diện của họ Hoàng, họ Bế ở xã Trấn 
Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn năm nay, nhân 
ngày giỗ đức Thái Tổ cũng là góp phần khẳng định 
giá trị hiện thực và nhân văn của đời sống hiện tại. 
Đó đồng thời là hạnh phúc của dòng họ, nhân sinh 
trong một xã hội văn minh, tiến bộ.
5. Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa 
Phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Ná Nhèm” do Ủy ban nhân dân huyện 
Bắc Sơn tổ chức ngày 23/11/2016, ông Hoàng Văn Chủ - người Tày 
ở Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn phát biểu: 
- “Ông đã cùng bà con tham dự lễ cáo giỗ và lễ giỗ Mạc Thái Tổ 
nhân dịp kỷ niệm 475 năm ngày Thái Tổ băng hà. Tại đây, ông đã 
cùng bà con quan sát và thấy như sau: - Các tuần tế trong lễ cáo giỗ 
của người Kinh ở Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng giống 
hệt nghi lễ, tuần tế và nghi thức cáo giỗ của người Tày ở khu vực xã 
Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Từ cách rót rượu, tế nước, 
tế trầu, tế hậu bôi cho đến cách chắp tay ngang đầu, mặc áo tay 
thụng che qua mặt và đi giật lùi như kiểu chầu vua và đi lùi khi xưa. 
Điểm khác biệt duy nhất là ở Trấn yên, người ta cũng, tế bằng tiếng 
Tày, còn ở Cổ Trai thì cúng, tế bằng tiếng Kinh”.
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN
130 JOURNAL OF ETHNIC MINORITIES RESEARCH
Tài liệu tham khảo
Y Phương (2016), Ngôn ngữ di cư, Tham luận 
tại Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy 
giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia 
“Lễ hội Ná Nhèm”, tổ chức tại huyện Bắc 
Sơn, ngày 23/11/2016.
Đại Việt sử ký toàn thư (2011), tập 3, Nxb. Khoa 
học Xã hội, Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư (2013), Nxb. Thời đại, 
Hà Nội.
Hội thảo Khoa học: “Bảo tồn và phát huy giá trị 
Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Lễ hội 
Ná Nhèm” hiện tại và tương lai”, do Ủy ban 
nhân dân huyện Bắc Sơn tổ chức vào ngày 
23/11/2016 tại Ủy ban nhân dân huyện Bắc 
Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
MESSAGE FROM WORSHIP AND PERFORMANCE
IN NA NHEM FESTIVAL
Ban Tuan Nang
Ho Chi Minh National Academy of Politics
Email: bantuannang@gmail.com
Received: 15/2/2019
Revised: 25/2/2019
Accepted: 10/3/2019
DOI:
https://doi.org/10.25073/0866-773X/276
Abstract: The Na Nhem festival (Na Nhem, Tay language 
means the black face) of the Tay people in Lang Son, usually takes 
place in the January full moon every year. This is a special and 
hidden festival containing many cultural layers, which has been 
recognized by the Ministry of Culture, Sports and Tourism as a 
National Intangible Cultural Heritage in 2015. 3 years earlier - 
2012, this unique festival has just been restored after more than 
a century of loss. However, people doing research still wonder 
about the contents of the worship and performance. In this article, 
the author briefly summarizes the research and the first steps of 
decoding the cultural layers in the Na Nhem festival - extremely 
difficult work because of the lack of written records of worship 
and performance.
Keywords: The Na Nhem festival; Worship, performance; Bo 
Van water mine; The village of the Mo Village; The message of 
the predecessor.

File đính kèm:

  • pdfthong_diep_tu_tuc_tho_tro_dien_trong_le_hoi_na_nhem.pdf