Thực hành thờ cúng thần/thánh vùng châu thổ Bắc Bộ

Tóm tắt: Theo các nguồn tài liệu, vùng châu thổ Bắc Bộ Việt

Nam, từ xa xưa, việc thờ cúng thần thánh rất phổ biến. Mỗi loại

thờ cúng lại có những nghi thức tế lễ khác nhau. Trải thời gian,

việc thờ cúng thần thánh cũng bị mai một và thường ẩn dưới

hình thức lễ hội. Nhằm tìm hiểu niềm tin và thực hành thờ cúng

các loại hình thần thánh (tôn giáo truyền thống) vùng châu thổ

Bắc Bộ Việt Nam trong bối cảnh đa dạng tôn giáo, bài viết này

bên cạnh việc phân biệt nội hàm khái niệm: thực hành tôn giáo

và thực hành mang tính tôn giáo, sẽ khái quát hiện trạng thờ

cúng thần/thánh vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam đang diễn ra

như thế nào, có bao nhiêu loại hình thờ cúng và các biểu hiện

thực hành trong thờ cúng thần/ thánh.

pdf 23 trang yennguyen 2220
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Thực hành thờ cúng thần/thánh vùng châu thổ Bắc Bộ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Thực hành thờ cúng thần/thánh vùng châu thổ Bắc Bộ

Thực hành thờ cúng thần/thánh vùng châu thổ Bắc Bộ
100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
NGUYỄN NGỌC MAI* 
THỰC HÀNH THỜ CÚNG THẦN/THÁNH 
VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ 
Tóm tắt: Theo các nguồn tài liệu, vùng châu thổ Bắc Bộ Việt 
Nam, từ xa xưa, việc thờ cúng thần thánh rất phổ biến. Mỗi loại 
thờ cúng lại có những nghi thức tế lễ khác nhau. Trải thời gian, 
việc thờ cúng thần thánh cũng bị mai một và thường ẩn dưới 
hình thức lễ hội. Nhằm tìm hiểu niềm tin và thực hành thờ cúng 
các loại hình thần thánh (tôn giáo truyền thống) vùng châu thổ 
Bắc Bộ Việt Nam trong bối cảnh đa dạng tôn giáo, bài viết này 
bên cạnh việc phân biệt nội hàm khái niệm: thực hành tôn giáo 
và thực hành mang tính tôn giáo, sẽ khái quát hiện trạng thờ 
cúng thần/thánh vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam đang diễn ra 
như thế nào, có bao nhiêu loại hình thờ cúng và các biểu hiện 
thực hành trong thờ cúng thần/ thánh. 
Keywords: Thực hành tôn giáo, thờ cúng, thần/thánh, Bắc Bộ, 
Việt Nam. 
1. Thực hành tôn giáo và thực hành mang tính tôn giáo 
Là một trong ba yếu tố cốt lõi để cấu thành một thực thể tôn giáo, 
thực hành tôn giáo là yếu tố không thể thiếu của bất cứ tôn giáo nào. 
Thực hành tôn giáo không chỉ nhằm biểu thị niềm tin tôn giáo mà 
còn là phương thức/phương cách chính để các cá nhân, cộng đồng 
tôn giáo liên hệ với đấng thiêng của mình. Từ đặc tính này mà thực 
hành tôn giáo có mặt ở mọi tôn giáo kể cả những tôn giáo đã phát 
triển hoàn thiện như Công giáo, Phật giáo hay những tôn giáo còn 
đang trong quá trình hoàn thiện, thậm chí cả những tôn giáo còn 
mang nhiều đặc điểm của những hình thức tôn giáo sơ khai (tôn giáo 
dân gian/niềm tin). 
*
 TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
Bài viết được trích yếu từ Đề tài cấp Bộ (2015-2016): Niềm tin và thực hành tôn 
giáo truyền thống trong cộng đồng nông thôn Việt Nam do Viện Nghiên cứu Tôn 
giáo chủ trì. 
Nguyễn Ngọc Mai. Thực hành thờ cúng thần/thánh... 101 
Thực hành tôn giáo có đặc điểm là sự lặp đi lặp lại trong cộng đồng 
nhằm khơi dậy niềm tin, nhắc nhở các tín đồ về sự hiện diện của các 
đối tượng thiêng, gợi lên cho từng cá nhân thấy rằng mình thuộc về 
một cộng đồng tôn giáo hay một nhóm xã hội nhất định và thấy mình 
được sự đùm bọc và che chở của cộng đồng đó. Vì vậy, trong các 
nghiên cứu về tôn giáo, các tác giả đều nhắc đến thực hành tôn giáo 
như một yếu tố cơ bản không thể thiếu để cấu thành một tôn giáo và 
đồng thời nó cũng là cái để nhận diện một hình thức cấu trúc tập thể 
xã hội có phải là tôn giáo hay không. 
Phụ thuộc vào mỗi tôn giáo với những đặc tính về sự hoàn thiện, 
nhân sinh quan và vũ trụ quan khác nhau mà các hình thức thực hành 
tôn giáo cũng mang những màu sắc khác nhau, được thực hiện và thể 
hiện bằng những hình thức khác nhau, được chỉ dẫn bởi những nguyên 
lý/giáo lý và mang những nội dung, ý nghĩa cũng khác nhau. Thực 
hành tôn giáo có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cộng đồng và 
trên thực tế thực hành tôn giáo cũng biểu hiện bởi rất nhiều các hành 
vi khác nhau. Có khi là thực hành các nghi lễ trong một môi trường 
tôn giáo nhất định (tế lễ tại không gian tôn giáo) cũng có khi chỉ là 
những giây phút các tín đồ tự đọc/ học kinh bổn hay hát các bài thánh 
ca, hoặc cũng có khi chỉ đơn giản là cầu nguyện bằng một vài động 
tác, hoặc phù chú với vài đường nét khó hiểu vào một vật gì đó,. 
Tất cả những cách thực hành nghi lễ đó đều được coi đó là thực hành 
tôn giáo. Ngoài ra, những hoạt động như ăn kiêng, giữ trai giới 
trong cuộc sống đời thường của các tín đồ chỉ là những hoạt động 
mang tính tôn giáo. Trong tất cả các thực hành tôn giáo thì thực hành 
nghi lễ tôn giáo là quan trọng nhất và cũng thể hiện được bản chất, cấp 
bậc của tôn giáo đó. 
Trong bất kỳ một tôn giáo nào thì thực hành tế lễ/thực hiện nghi lễ 
tại không gian tôn giáo (không gian thiêng) là thực hành tôn giáo quan 
trọng và cơ bản nhất. Thực hiện nghi lễ có tầm quan trọng rất lớn đối 
với các tín đồ tôn giáo. Nếu huyền thoại hay giáo lý thu hút con người 
ta bằng lời thì nghi lễ làm phong phú thêm lời nói bằng những hành vi 
tạo ra một trường tôn giáo - một ngôn ngữ hành động - cuốn hút con 
người ta không chỉ một lần mà nhiều lần, được lặp đi lặp lại, nhằm tạo 
nên một tập quán ăn sâu vào tâm thức tôn giáo của các thành viên 
102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
trong cộng đồng - một cộng đồng thống nhất và sống động. Có rất 
nhiều loại thực hành nghi lễ nhưng có thể chia thành 3 loại sau: 
Nghi lễ tuân thủ theo chu kỳ thời gian: đây là những nghi lễ được 
các tôn giáo tổ chức theo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng 
năm, hoặc theo chu kỳ 10 năm, 12 năm, 100 năm 
 Nghi lễ tuân thủ theo chu kỳ đời người: đây là những nghi lễ liên 
quan đến những giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời một con người. 
Những nghi lễ này có khi công khai nhưng cũng có những nghi lễ 
được tiến hành bí mật trong một nhóm người của một tôn giáo hoặc 
chỉ riêng với các tín đồ của một tôn giáo. 
 Nghi lễ riêng của từng tôn giáo: những nghi lễ này nhằm mục đích 
giáo dục các tín đồ hay chức sắc hiểu giáo lý, tuân thủ giáo luật, giữ 
gìn phẩm chất đạo đức theo mục đích của tôn giáo đó. 
Đối với các tín đồ tôn giáo, việc thực hiện nghi lễ có tác dụng dẫn 
con người đến với các đối tượng mà họ thờ cúng. Thực hành nghi lễ 
tôn giáo là nhằm thỏa mãn một yêu cầu phi trần tục và giúp tín đồ có 
một đảm bảo an toàn trong cuộc sống đạo cũng như đời. Trong một 
nghi lễ tôn giáo có thể chỉ có một lễ thức, hoặc có nhiều lễ thức được 
thực hành liên tục với những công đoạn khác nhau và mang nhiều ý 
nghĩa bổ trợ cho nhau. Những biểu hiện cụ thể của lễ thức được thể 
hiện qua những hành vi khác nhau. Hành vi đó có thể là các dấu hiệu, 
hay lời cầu nguyện, cầu xin hoặc khấn lễ, kể cả những động tác nhảy 
múa (trong shaman và lên đồng). Ở một số tôn giáo, trong khi cầu 
nguyện còn kèm theo việc dâng lễ vật, thậm chí hiến sinh, có tôn giáo 
khi cầu nguyện còn đi đôi với những hành vi khắc kỷ, những hành 
động hành xác nhằm biểu lộ đức tin. 
Trong một tôn giáo cụ thể thì cũng có nhiều nghi lễ, có nghi lễ được 
tiến hành đơn lẻ, ví dụ, trong thờ cúng thần thành hoàng thì có tiến hành 
nghi lễ tế thần thành hoàng làng vào các ngày tuần rằm; nhưng cũng có 
nghi lễ tế thần lại được thực hiện trong một môi trường lớn đa, phức 
hợp hơn: tế trong ngày kị húy (tức là khi có lễ hội); Trong thực hành 
nghi lễ lên đồng thờ thánh thì bất kể các dịp kị húy (Thánh Mẫu, Thánh 
Trần, Hoàng Bẩy, Hoàng Mười, Cô Bơ, Cô Bé) các thanh đồng có 
thể tổ chức thực hành nghi lễ lên đồng bất kỳ lúc nào thấy thuận tiện. 
Nguyễn Ngọc Mai. Thực hành thờ cúng thần/thánh... 103 
Ngoài thực hành nghi lễ tôn giáo thì các thực hành tôn giáo nói 
chung lại đa dạng hơn rất nhiều, có thực hành mang tính nghi lễ: có 
chắp tay, vái, đọc/nói lời khấn lễ (trong cúng tổ tiên); lạy, múa, hát, 
nhảy (trong thực hành lên đồng thờ Thánh); hát thánh ca, ăn bánh lễ 
làm dấu thánh (trong các thực hành Công Giáo) nhưng cũng có thực 
hành không mang tính nghi lễ: ăn chay, niệm Phật, thiền (trong thực 
hành Phật giáo); sinh hoạt ban giới, hội đoàn để chia sẻ lời của chúa 
(trong Công giáo), v.v.. Ngoài ra, thực hành tôn giáo còn là những sự 
kiêng cữ (là việc con người không được làm điều gì khác với lệ tục 
quy định). Những kiêng cữ này có thể là sự kiêng cữ đối với các lễ 
vật, thức ăn mang tính nghi lễ, đối với những người được coi là 
thiêng. Một số kiêng cữ được áp dụng trong thời kỳ lễ hội hay trong 
các chu kỳ thực hiện nghi lễ, có khi trong cả đời thường. Những kiêng 
cữ này rất đa dạng và liên quan đến hầu hết đến các lĩnh vực trong đời 
sống con người (kiêng ăn thịt lợn/heo trong tín đồ Islam giáo; kiêng ăn 
thịt chó, kiêng ăn tanh, ăn tỏi trước khi thực hành lên đồng thờ thánh 
mẫu; kiêng dâng cúng chất tanh, thịt chó, tỏi trong dâng cúng cơm cho 
tổ tiên), v.v.. 
Như vậy thì thực hành tôn giáo là rất đa dạng và biểu hiện ra thành 
nhiều hành vi khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là các thực hành 
tôn giáo dù ở hình thức nào cũng được thôi thúc, quy định bởi niềm 
tin tôn giáo và được hướng dẫn bởi các hệ thống, quy định của giáo lý, 
giáo luật hay những quy định, ước định (bất thành văn) của các tôn 
giáo mà mỗi tín đồ sở hữu niềm tin vào tôn giáo đó phải tuân thủ. Khi 
thực hành các hoạt động tôn giáo khác nhau, họ tin là có đấng thiêng 
chứng cho hành động của mình, hoặc các thực hành đó sẽ giúp họ đạt 
được những sở nguyện nhất định, các sở nguyện đó có thể thuần túy là 
biểu thị đức tin hoặc mong muốn liên hệ với đấng thiêng hay thậm chí 
đạt được một trình độ nào đó nhất định của quá trình tu hành, hoặc tạo 
ra trạng thái tinh khiết cho cá nhân trước khi tiến hành nghi lễ tôn 
giáo. Điều khác biệt với các thực hành đời thường là thực hành tôn 
giáo luôn được thực hiện một cách tự nguyện với một thái độ hỉ xả và 
ít suy xét cân nhắc đến các chi phí kinh tế. 
Một trong những chức năng chính của thực hành nghi lễ tôn giáo là 
làm thay đổi/ biến đổi con người từ trạng thái này sang trạng thái khác 
104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
(trạng thái mang tính chất quy ước và được thừa nhận bởi cộng 
đồng/giáo hội/chức sắc tôn giáo). Ví dụ, khi thực hiện nghi lễ tôn giáo 
con người trần tục trở thành tín đồ của Chúa (khi chịu lễ rửa tội trong 
Công giáo); khi chịu một nghi lễ thành đinh thì một đứa trẻ đã trở 
thành công dân trưởng thành (nghi lễ thành đinh), hoặc khi chịu Bí 
tích Thánh thể thì một con người thành một phần của chúa (ăn bánh 
thánh tức là được thụ nhận một phần thân thể chúa). Trong một số 
trường hợp khác khi thực hành nghi lễ, con người thậm chí được lột 
xác để trở thành một cá thể thiêng khác (lên đồng đề trở thành chính 
đối tượng thiêng), hoặc thực hành nghi lễ để linh hồn thoát đi vào vũ 
trụ để tìm gặp các thần hoặc linh hồn (trong shaman giáo). Như vậy, 
mỗi một nghi lễ tôn giáo khác nhau lại có những chức năng khác 
nhau, việc thực hành các nghi lễ tôn giáo khác nhau của một tín đồ sẽ 
đem lại cho họ những cảm xúc, trạng thái và sự công nhận khác nhau 
(ngay cả trong một tôn giáo cụ thể). Với một tín đồ trong suốt cuộc 
đời mình có thể thực hiện một hay nhiều nghi lễ khác nhau. Điều này 
không chỉ thể hiện và xác tín niềm tin cao thấp, sâu sắc hay hời hợt 
với những mức độ khác nhau mà còn cho biết cách mà người ta tuân 
phục theo những quy định, lệ luật của tôn giáo mà họ theo đuổi và 
nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho những lý tưởng mà tôn giáo đó 
vạch ra, vì thế mức độ nghiêm cẩn của hành vi thực hành nghi lễ tôn 
giáo cũng phản ánh chất lượng niềm tin tôn giáo. 
Nếu như bản chất của việc thực hành nghi lễ tôn giáo là để liên 
thông/ tương giao giữa 2 thế giới thiêng - tục, thì các thực hành tôn 
giáo khác không mang tính nghi lễ lại có tác dụng củng cố, hỗ trợ tạo 
ra môi trường để tín đồ thực hiện nghi lễ một cách hoàn chỉnh nhất. Ví 
dụ, sự ăn kiêng giúp cho tín đồ thấy mình thực sự thanh sạch khi thực 
hành nghi lễ; hành vi tẩy rửa, khai quang (mặc dù chỉ là ước lệ) cũng 
giúp cho tín đồ tin chắc mình đảm bảo đã không còn trần tục. Điều 
này cho thấy các thực hành tôn giáo nói chung giống như một chuỗi 
các phản ứng có điều kiện để tạo ra cho nghi lễ và việc thực hiện nghi 
lễ mang tính thiêng. 
Từ đây, có thể thấy khi đánh giá niềm tin tôn giáo bao giờ cũng 
phải được kiểm chứng qua thực hành tôn giáo (bao gồm cả thực hành 
nghi lễ và thực hành phi nghi lễ). Mật độ, tần xuất thực hành tôn giáo 
Nguyễn Ngọc Mai. Thực hành thờ cúng thần/thánh... 105 
ngoài việc có tác dụng củng cố sự bền vững cho niềm tin tôn giáo còn 
thể hiện những yếu tố khác nữa như nhu cầu tâm lý, yếu tố kinh tế.... 
2. Các loại hình thờ cúng thần/thánh ở châu thổ Bắc Bộ 
2.1. Thờ cúng thần thành hoàng làng 
Thờ cúng thần thành hoàng ở làng quê Việt Nam cho tới nay cũng 
có niên đại khá lâu. Các tư liệu lịch sử, văn hóa cho biết khái niệm 
Thần thành hoàng là có nguồn gốc Trung Hoa1 từ thời Tam quốc 
(Phan Kế Bính, 1990: 77-82). Dấu tích của việc thờ cúng Thần thành 
hoàng ở Việt Nam đã được ghi chép từ thời Bắc thuộc với sự kiện Lý 
Nguyên Gia, sau đó là Cao Biền, phong tước vị cho thần sông Tô Lịch 
làm Thần thành hoàng của thành Đại La. Tuy nhiên, câu chuyện cũng 
hàm chứa một sự thật rằng vị thần sông Tô lịch đó đã là vị thần bản 
thổ và có từ trước thời gian Cao Biền sang Đại La trị nhậm, tuy nhiên 
vị thần bản thổ đó có được thờ với danh xưng thần thành hoàng không 
thì lại là vấn đề vẫn còn nhiều tranh luận. 
Trong một nghiên cứu về “tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam”, 
Nguyễn Duy Hinh cho rằng thờ thành hoàng ở Việt Nam là “thành 
hoàng làng”. Đó là vị thần được dân thờ từ trước, sau mới được vua 
phong tước vương với chức danh thành hoàng. Như vậy, về thực chất 
đây là hệ thống thờ Ma làng - là vị thần bảo hộ làng, “đó là hình tượng 
về người hùng khu vực - người hùng làng - sợi dây liên kết những 
người chung một cộng đồng lãnh thổ - Làng” (Nguyễn Duy 
Hinh,1996: 388) về sau bị Hoa hóa mà mang chức danh thành hoàng. 
Thành hoàng làng thường được dùng với các từ Đương cảnh thành 
hoàng, Bản cảnh thành hoàng. Những khái niệm này chỉ vị thần vốn 
có của địa phương và là vị thần sở tại chứ không phải vua phái tới. Vị 
này cũng thường âm phù cho vua khi hành quân đi qua địa phương 
nên được vua công nhận là Thành hoàng. Những vị thần kiểu này về 
sau đều được cấp sắc phong và lưu truyền trong Bách thần lục2. 
Thần thành hoàng làng phổ biến khắp các làng trong cả nước, nhưng 
đậm đặc nhất vẫn là khu vực châu thổ Bắc Bộ. Theo các cung cấp về 
“sự thần” của Phan Kế Bính thì mỗi làng người Việt xưa đều phụng sự 
một vị Thần hoàng3; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi 
chung là Phúc Thần. Tư liệu điền dã của chúng tôi năm 2015 cũng cho 
106 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
biết số lượng các làng thờ từ 2 vị trở lên khá nhiều (làng Nhân Huệ (Hà 
Đông) thờ 2 mẹ con bà lái đò; làng Tây Đằng (Ba Vì) thờ Tản Viên và 
Cao Sơn); Đình Giếng (làng Viêm Xá (làng Diềm)/ Tp. Bắc Ninh) thờ 
nhị vị công chúa là Ngọc Dung và Thủy Tiên; Đình Diềm thờ 5 vị 
(Chương Hống, Bảo Vị, Giáp Ngọ, Đê Thống và Vua Bà). Đa số các 
thần thành hoàng được thờ cúng trong dân làng đến nay đều có sắc 
phong qua các đời và tập trung thành 3 hạng: 
Thượng Đẳng thần là Thần Danh sơn Đại Xuyên, và các bậc thiên 
thần như Đông Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu 
Hạnh Công Chúa. Các vị ấy có thần tích linh dị, mà không rõ tung 
tích ẩn hiện thế nào, nên cho gọi là Thiên Thần. Thứ nữa là các vị tên 
thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,. Các vị này khi sinh 
tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua 
tinh biểu công trạng mà lập nên đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công 
đức mà thờ. Các bậc ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và có họ 
tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần. 
Trung đẳng thần là những vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có họ tên 
mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên 
hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, 
cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm 
Trung đẳng thần. 
Hạ đẳng thần do dân tron ... ùng 1, ngày rằm hàng tháng và các tiết theo âm lịch: Tết Nguyên 
đán, Thượng nguyên, Thanh minh, Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết 
Trung Thu, Hạ nguyên. Lễ vật cúng tế các dịp này đơn giản chỉ có 
hương, đăng, trà quả và một mâm xôi gà11. Trong những ngày này, 
thực hiện nghi lễ tế thần chỉ có từ 5 đến 7 cụ lão niên trong làng tham 
gia. Thời gian thực hành nghi lễ tế thần/thánh thường vào lúc 12 giờ 
trưa, đội tế gồm một trống hiệu, một chiêng hoặc thêm bộ trống con 
do 1 nhạc công điều khiển và một Đông xướng, không có giàn bát âm. 
Trong đội hình tế gồm một đến hai chánh tế và bốn bồi tế. Nghi lễ tế 
cũng bao gồm các bước 1 tuần tế (dâng hương đăng), một tuần rượu 
và đọc chúc văn, sau đó là lễ tất. 
2) Tế ngoại 
Là nghi lễ tế có quy mô lớn, được cử hành trong ngày lễ hội và 
thường làm vào đúng ngày kỵ húy của thần, hoặc ngày khai hội. Tế 
ngoại là nghi lễ diễn ra với quy mô lớn cả về số lượng thành viên đội 
tế và lễ vật (thường là từ 18 - 24 thành viên tham gia). Nghi lễ tế ngoại 
bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ rước chúc văn từ nhà ông Tư văn ra 
đình. Đoàn rước từ 7 - 10 người có cờ quạt đàng hoàng và một người 
cầm trống con đi cùng để gióng trống, tất cả đều vận lễ phục (hằng 
năm cứ đến dịp lễ hội, người Tư văn chịu trách nhiệm thảo một tờ 
chúc văn mới để đọc trong nghi lễ tế thần)12. Sau khi chúc văn được 
rước về đình là bắt đầu vào tế thần khai hội. 
Nguyễn Ngọc Mai. Thực hành thờ cúng thần/thánh... 117 
Tế thần/thánh cũng là mở đầu cho khai hội, thông thường là đội tế 
của dân làng gốc (làng có đình/đền) tế đầu tiên sau đó lần lượt đến các 
đội tế từ các địa phương khác theo đăng ký vào tế (đội tế của làng kết 
chạ). Tuy nhiên, cũng có trường hợp làng có đình lại tế sau và làng 
khác lại vào tế trước như quy trình lễ tế tại đình thờ Thần Cao Lỗ (Bắc 
Giang)13. 
Tế ngoại cũng có nơi thường được tổ chức một hoặc hai lần mỗi 
năm vào dịp kỷ niệm ngày đản sinh, hoặc ngày lễ giỗ, hoặc dịp Xuân 
tế, Thu tế, tùy nơi và được quy định chặt chẽ trong thần tích. Tế thần 
thực hiện ngay trong khuôn viên của Đình/ đền với phạm vi 4 chiếu tế: 
chiếu 1 chiếu thần vị, chiếu thứ hai là chiếu tế chủ thụ tộ, chiếu thứ ba 
là chiếu ngôi tế chủ, và chiếu thứ tư là chiếu bồi tế. Khi vào tế, các 
thành viên đội tế và các chấp sự đều mang lễ phục: đội mũ, mặc áo 
thụng xanh, đi hia chỉnh tế đứng sắp hàng hai bên và theo sự điều 
khiển chung của Đông xướng. 
Lễ vật chính trong lễ tế thần gồm ‘vật tam sinh’ (dê, bò, heo), ngoài 
ra còn có hoa trái, trầu rượu, xôi bánh, v.v.. Dự lễ những dịp này rất 
long trọng, có bá tánh, thiện tín, các hội viên hội thờ cúng và quan 
khách cùng tham dự. Ban tế lễ gồm có: ông chánh niệm hương, ông 
chánh tế, các vị bồi tế, các vị thị lập, các lễ sinh hay trò lễ, phường 
nhạc bát âm. Nghi thức bao giờ cũng gồm có: một tuần hương, ba tuần 
rượu, đọc văn tế, một tuần trà, lễ dâng bánh trái, thụ tộ và ẩm phước 
(ăn và uống một chút lễ vật thần ban lại cho) và sau hết là lễ hóa văn 
tế. Như vậy, các cuộc rước và tế là một trong những thực hành chính 
trong thờ cúng thần/thánh. Sau nghi thức tế lễ thần thì đến các đoàn 
khách, dân làng vào khấn lễ và sau đó là những cuộc thi, diễn trò dân 
gian, chủ yếu là mô tả lại sự tích hay chiến tích của Thành hoàng làng. 
Sau nghi thức tế, đôi khi còn tổ chức các nghi thức phụ như lễ cúng 
tiền hiền, hậu hiền, lễ cầu siêu cho chúng sinh. 
Quan sát, so sánh một số nghi lễ tế thần ở châu thổ Bắc Bộ (gồm tế 
thần ở đình Triều Khúc (Hà Nội), tế thần tại Hoàng Thành Thăng 
Long (Hà Nội); tế thánh tại đền Trần (Nam Định), tế thần ở đền Hệ 
(Thái Thụy/Thái Bình) với nghi lễ tế thần do Nguyễn Văn Huyên 
cung cấp tại hai làng Yên Sở và Đắc Sở14 thấy rằng về cơ bản các nghi 
lễ tế thần/thánh ở châu thổ Bắc Bộ hiện nay khá giống với các nghi lễ 
118 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
tế thần đầu thế kỷ XX, và khá giống nhau giữa các địa phương. Sự 
khác nhau chỉ là những chi tiết nhỏ trong nghi thức tế thần tại đình và 
đền Diềm (Hòa Long/Bắc Ninh). Ở đây, khi bái lạy thần/ thánh, các 
thành viên đội tế không giai quỵ bằng đầu gối như ở các nơi mà các 
Mạnh tế và tế viên đều quỳ úp sát mặt và thân người xuống nền chiếu, 
hai tay và hai chân xoạc ra trong tư thế úp xấp phủ phục. Đây là tư thế 
quỳ rất lạ so với nhiều địa phương khác, khi phỏng vấn sâu cũng chỉ 
được biết là đời xưa truyền lại và mọi người không lý giải được ý 
nghĩa. Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn gốc ngôi đình, thần phả của 5 vị 
thần, hình tượng hai phỗng quỳ còn lưu lại tại đình với tư thế quỳ 
khoanh tay; hệ thống cửa võng độc nhất vô nhị, chúng tôi cho rằng 
ngôi đình mang đậm dấu ấn văn hóa Chiêm Thành. Từ đó cho phép 
đặt ra giả thiết, có lẽ cách thức tế lễ này có nguồn gốc Chăm. 
Tế Nữ quan 
Sự biến đổi của hình thái kinh tế xã hội đã làm thay đổi nhận thức 
về các thành viên tham gia tế thần, thánh, các quan niệm nam tôn nữ ti 
tại chốn tâm linh cũng đã phai nhạt. Nhiều địa phương hiện nay đã 
chấp nhận, thậm chí còn khuyến khích thành lập các đội tế nữ. Theo 
khảo sát của chúng tôi thì đa phần các đội tế nữ mới xuất hiện từ sau 
năm 2000. Số lượng đội tế nữ cũng không cố định, có khi là 24 người, 
có khi là 18 người. Nếu như lễ phục của đội tế nam về cơ bản giữa các 
làng ở châu thổ Bắc Bộ giống nhau thì lễ phục của các đội tế nữ lại 
khá linh hoạt, giữa các địa phương có sự khác nhau rất nhiều. Có địa 
phương mặc áo tế thụng dài màu hồng điều/ đỏ, đội khăn vành dây, đi 
giầy thêu (đội tế nữ đình Nhân Huệ). Có nơi, ngoài 2 Mạnh tế áo 
thụng đỏ và 8 tế viên áo thụng dài màu vàng lại thêm 6 tế áo ngắn thắt 
ngang lưng, đầu cài hoa mặc quần lụa mềm chít ống, hai tay sử dụng 
một thứ đạo cụ làm bằng hai thanh tre có cài hoa để múa tế thần15, 
cộng với hai tay trống và chiêng (áo đỏ ngắn) tổng cộng 18 người (đội 
tế nữ đình Diềm, Bắc Ninh). 
Tế nữ quan chỉ bắt đầu thực hành nghi lễ sau khi tế nam quan đã 
kết thúc và hầu hết chỉ được đứng tế ở các chiếu trải ngoài sân đình 
chứ không được dâng hương đăng, trà quả, rượu vào hậu cung cho 
thần. Mọi nghi thức dâng vào hậu cung đều vào tới mép cửa đình, sau 
đó có hai cụ ông áo the khăn đóng đứng đón để mang tiếp vào hậu 
Nguyễn Ngọc Mai. Thực hành thờ cúng thần/thánh... 119 
cung dâng lên thần/thánh. Những quy định này rất chặt chẽ và phổ 
biến khắp các đình thờ thần/ thánh mà chúng tôi có dịp khảo sát ở 
châu thổ Bắc Bộ. Ngay cả tại đình Nhân Đạo (Mai Lĩnh, Hà Đông, Hà 
Nội) trong đình thờ hai mẹ con bà lái đò (thần nữ) nhưng cũng vẫn 
bảo lưu quy định này. Một địa điểm tế nữ quan được dâng lễ vật vào 
hậu cung mà chúng tôi chứng kiến là tại phủ mẫu bên cạnh đền Hệ 
(Thái Thụy, Thái Bình). 
Về cơ bản, các nghi thức trong tế nữ quan cũng giống như tế nam 
quan (chủ yếu do quan sát hoặc được các cụ ông truyền dạy lại) nhưng 
tế nữ quan nói chung không chuẩn mực khuôn đóng như trong tế nam 
quan, thể hiện rõ nhất ở số lượng thành viên, lễ phục (thiên về các 
màu tươi, sáng, rực rỡ và phong cách cũng ngẫu hứng), lối đi đứng, 
quỳ, phủ phục nhiều địa phương còn chưa chuẩn chỉ bằng tế nam)16. 
Trong tế nữ quan, thường rất hay lồng câu niệm “Nam mô A di đà 
phật”. Điều này cho thấy tính dung hợp, hòa trộn tôn giáo trong tâm 
thức mỗi người phụ nữ Việt. 
Ngoài các hình thức thực hành nghi lễ tế nam và tế nữ, thực hành 
tôn giáo trong thờ cúng thần/thánh ở châu thổ Bắc Bộ còn tồn tại một 
loại hình nữa là nghi lễ lên đồng hầu bóng. Thực hiện nghi lễ này hiện 
nay ở châu thổ Bắc Bộ chủ yếu trong thờ đức Thánh Trần và Thánh 
Mẫu Liễu Hạnh. Lên đồng hầu bóng trong tế lễ thánh là một thực hành 
tôn giáo mang đậm sắc thái diễn xướng dân gian Việt - Chăm với sự 
góp mặt của nhiều yếu tố dân gian khác nữa như: ma thuật, bùa ếm, 
trừ trùng, trừ tà của Đạo giáo và cả những dấu hiệu phù chú, bùa ngải 
của Mật tông. Chi tiết loại hình thực hành nghi lễ đặc biệt này, chúng 
tôi đã có dịp trình bày rất kỹ trong tài liệu “Nghi lễ lên đồng - Lịch sử 
và giá trị” (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 2013) nên sẽ chỉ nêu một một vài 
nét ngắn gọn. Nghi lễ này có nguồn gốc từ sự hỗn hợp/ dung hợp của 
khá nhiều yếu tố: Tục lập thi (xác cốt/ nhập hồn) vốn dĩ lưu truyền 
trong dân gian từ rất xa xưa ở Trung quốc và có lẽ du nhập vào Việt 
Nam khoảng thời Bắc Thuộc và lưu hành trong dân gian với các hình 
thức gọi hồn, nhập hồn, về sau được sử dụng trong thờ Mẫu Tam phủ 
như một phương cách để tiếp nhận với linh hồn Thánh Mẫu. Trong 
hình thức lên đồng còn du nhập cả các điệu thức trong múa bóng thờ 
thần của người Chăm (do sự thâu hóa văn hóa Chăm của người Việt 
120 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
trong khoảng thế kỷ X - XV) để rồi đến thế kỷ XVI - XVII khi thờ 
Thánh Mẫu thịnh hành thì những yếu tố này được cấu trúc lại mà làm 
thành diễn xướng nghi lễ lên đồng như chúng ta thấy ngày nay (ở 
Miền Trung, Việt Nam xưa gọi là “tiệc hát”17. 
Tóm lại, với nhiều hình thức thực hành tôn giáo khác nhau, trong 
thờ cúng thần/thánh ở châu thổ Bắc Bộ Việt Nam, con người xưa cũng 
như nay đều sử dụng đó như là những phương thức, cách thức để biểu 
lộ đức tin của mình và thông qua đó tạo ra cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với 
thần linh để đề đạt nguyện vọng và giải quyết những nhu cầu thiết 
thực/thực dụng trong cuộc sống hiện sinh của mình chứ không nhằm 
tìm ra cuộc sống sau khi chết, hay con đường để giải thoát khỏi những 
bế tắc của cuộc sống trần tục như ở những tôn giáo lớn. Đó cũng 
chính là khác biệt về bản chất của thực hành tôn giáo dân gian./. 
CHÚ THÍCH: 
1 Khái niệm này được giải thích là xuất phát từ tục thờ thần đô thị của Trung quốc: 
Thành Hoàng đọc chệch từ thành - hào (thành và có hào chạy bao quanh làm 
thành chiến lũy) và mỗi thành đều có thờ môt vị thần cai quản khu vực đó và có 
chức năng phù trợ cho dân chúng trong thành. 
2 Sách chép tay chữ Hán vốn có 4 tập nay còn lại 2 tập mang ký hiệu VH. 1276 và 
VHv. 1276/2 lưu tại Thư viện Viện Hán Nôm 
3 Tư liệu điền dã của chúng tôi cho biết riêng ở Thái Thụy, Thái bình thì số di tích 
(đình, đền, từ đường) cấp tỉnh đã có tới 75 cơ sở; di tích cấp quốc gia có tới 22 di 
tích. Ở Bắc Ninh, theo số liệu của ngành văn hóa cung cấp, hiện toàn tỉnh có 
1.558 cơ sở tôn giáo, bao gồm cả đình, đền, chùa, nghè, nhà thờ, từ đường, văn 
chỉ, trong đó có 108 cơ sở tôn giáo (đình, đền thờ thần và thánh) được xếp hạng 
di tích cấp quốc gia và 217 cơ sở tôn giáo (đình, đền, nghè) được xếp hạng cấp 
tỉnh. 
4 Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp: 77-88. 
5 Các nghiên cứu về Đình cho biết: Đình lúc đầu chỉ là những dịch trạm, về sau 
đến thời Trần (Trần Thái Tông) mới lệnh cho các hương tô tượng Phật để thờ, 
lúc này đình mới có thêm chức năng tôn giáo. Về sau, đình mở rộng thành nơi 
hội họp, làm việc của các “quan chức” làng, từ đó, đình thêm chức năng là trụ 
sở hành chính làng quê. Về sau, khi nhà nước quân chủ chuẩn hóa việc thờ tự thì 
đình chính thức là nơi cúng tế thần thành hoàng làng. 
6 Tư liệu phỏng vấn sâu tại các đình: Diềm (Bắc Ninh), Nhân Huệ (Hà Đông) năm 
2015. 
7 Vũ Ngọc Khánh (2001), Đạo Thánh ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà 
Nội: 275. 
8 Trong dân gian khi lên đồng hầu phủ Trần Triều đều là hầu đồng để chữa bệnh 
và bắt tà ma ám. 
9 Chúng tôi sẽ trình bày nội dung này sau phần nghi thức tế thần tại đền/đình 
Diềm. 
Nguyễn Ngọc Mai. Thực hành thờ cúng thần/thánh... 121 
10 Viện Sử học (1993), Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, 
Huế: 15. 
11 Lễ vật do sự phân công có tính chất luân phiên. Lần này nhà cụ A lo, lần sau đến 
cụ B cứ thế lần lượt (tiền mua lễ vật là trích từ quỹ nhang đèn của đình/ đền. Sau 
khi tế xong tất cả những người dự hôm đó đều được hưởng lễ vật tại đình 
12 Người tư văn cũng là người am hiểu chữ Hán trong làng và thường là người 
nhiều đời làm tư văn 
13 Tư liệu phỏng vấn sâu cho biết xưa kia làng kết chạ với 4 làng khác đều gọi là 
các làng Bưởi. Khi tổ chức lễ hội đã xảy ra sự tranh chấp giữa các làng. Hội 
đồng các cụ trong làng đã họp và ra quy chế mỗi làng lấy 1 quả bưởi khắc tên 
của làng mình rồi đem lễ trước điện thánh, sau đỏ bỏ vào hố (dưới chân tượng 
thánh có một hố sâu, hố này có đường thông ra cửa sông trước mặt đình, hố này 
nay đã bị bịt kín) và đổ nước vào, các quả bưởi sẽ theo nước trôi ra cửa lỗ phía 
ngoài sông, nếu quả bưởi có tên làng nào ra trước thì đó là làng anh, và quả nào 
ra sau thì đó là làng em và cứ thế theo lệ làng anh vào tế đầu tiên sau đó đến các 
làng em. Chi tiết về sự hiện diện một lỗ sâu có đường thông ra sông của đình thờ 
thần Cao Lỗ tại thực địa càng củng cố cho giả thuyết của Trần Quốc Vượng về 
bản chất của thần Cao Lỗ = đô lỗ = nỗ = nõ = linga. Tục bỏ bưởi vào lỗ sau đó 
đổ nước vào giống như mô phỏng hành vi giao phối. Do vậy, có lẽ lớp thần sớm 
xa xưa của 5 làng chính là thờ linh vật Linga và Yoni. Nhưng về sau đã được cấu 
trúc lại thành mô típ người anh hùng Đô Lỗ có công phụ tá An Dương Vương 
chế tạo ra nỏ thần và tục bỏ bưởi vào lỗ được giải thích thay thế bằng tục kết chạ 
giữa 5 làng. 
14 Xem: Nguyễn Văn Huyên (2000), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Nxb. 
Khoa học xã hội, Hà Nội: 542- 545. 
15 Theo khảo sát của chúng tôi thì điệu múa này rất lạ mắt và đẹp, nhưng chưa biết 
rõ nguồn gốc từ đâu. 
16 Khi hỏi về lý do này nhiều cụ cho biết do nữ giới mới tham gia đội tế, số lượng 
các thành viên trong đội lại hay xáo trộn thay đổi do các bà dễ bị chi phối bởi các 
nhu cầu khác của gia đình nên thường xuyên biến động. 
17 Lê Hữu Trác (1971), Thượng Kinh Ký sự, Nxb. Văn học, Hà Nội: 19. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp. 
2. Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã 
hội, Hà Nội. 
3. Nguyễn Văn Huyên (2000), Góp phần tìm hiểu văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa 
học xã hội, Hà Nội. 
4. Vũ Ngọc Khánh (2001), Đạo Thánh ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà 
Nội. 
5. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị, Nxb. Văn hóa, 
Hà Nội. 
6. Lê Hữu Trác (1971), Thượng Kinh Ký sự, Nxb. Văn học, Hà Nội 
7. Tư liệu điều tra thực địa của tác giả tại Nam định, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh 
năm 2015. 
8. Viện Sử học (1993), Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, 
Huế. 
122 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 - 2016 
Abstract 
PRACTICES OF WORSHIP THE DIVINITIES 
IN THE RED RIVER DELTA 
According to many documentary sources, the cult of divinities 
(traditional religions) has been popular in the Red river delta for a 
long time ago. Each type of worship has had a different ritual. 
Experiencing the time, the worship of divinities has been gradually 
lost and hidden in the form of festivities. To study its faith and 
practices in the Red river delta, Vietnam in the context of religious 
diversity, this article, on the one hand, distinguishes the connotation of 
concepts: practices of religion and religious practices; on the other 
hands, it generalizes the current situation of the cult of divinities in the 
Red river delta, the number of worship forms and manifestations of 
the cult of divinities’ practices. 
Keywords: Divinity; religious practices; worship; North; Vietnam. 

File đính kèm:

  • pdfthuc_hanh_tho_cung_thanthanh_vung_chau_tho_bac_bo.pdf