Tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học Phổ thông
Tóm tắt. Giáo dục môi trường cho học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với
việc nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường cho các công dân tương lai. Trong
nhà trường Trung học phổ thông, Giáo dục công dân là môn học có thể tích hợp nhiều nội
dung giáo dục môi trường nhưng trên thực tế chưa được thực hiện một cách tự giác và có
hệ thống. Để việc này đạt được hiệu quả thì người giáo viên cần phải được bồi dưỡng và
cập nhật thường xuyên kiến thức về phương pháp và kĩ thuật dạy học tích hợp, các kiến
thức về môi trường. Bên cạnh đó, các nhà trường phổ thông cần phối hợp với chính quyền
và các đoàn thể xã hội tại địa phương, các tổ chức bảo vệ môi trường. . . tổ chức các hoạt
động ngoại khóa cho học sinh gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đưa công tác
giáo dục môi trường được diễn ra thường xuyên và đi vào thực chất
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học Phổ thông
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0068 Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 4, pp. 158-164 This paper is available online at TÍCH HỢP GIÁO DỤCMÔI TRƯỜNG TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Phạm Việt Thắng Khoa Lí luận Chính trị - Giáo dục Công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Giáo dục môi trường cho học sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường cho các công dân tương lai. Trong nhà trường Trung học phổ thông, Giáo dục công dân là môn học có thể tích hợp nhiều nội dung giáo dục môi trường nhưng trên thực tế chưa được thực hiện một cách tự giác và có hệ thống. Để việc này đạt được hiệu quả thì người giáo viên cần phải được bồi dưỡng và cập nhật thường xuyên kiến thức về phương pháp và kĩ thuật dạy học tích hợp, các kiến thức về môi trường. Bên cạnh đó, các nhà trường phổ thông cần phối hợp với chính quyền và các đoàn thể xã hội tại địa phương, các tổ chức bảo vệ môi trường. . . tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đưa công tác giáo dục môi trường được diễn ra thường xuyên và đi vào thực chất Từ khóa: Tích hợp, Giáo dục môi trường, Giáo dục môi trường ở trường trung học phổ thông, Giáo dục công dân. 1. Mở đầu Một trong những khủng hoảng mà nhân loại đã và đang phải đối mặt là khủng hoảng môi trường, đó là các suy thoái về chất lượng môi trường sống trên quy mô toàn cầu, đe dọa cuộc sống của loài người trên trái đất. Những biểu hiện chủ yếu của khủng hoảng môi trường là ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép tại các đô thị và khu công nghiệp, hiệu ứng nhà kính gia tăng làm biến đổi khí hậu toàn cầu, tầng ô zôn bị phá hủy, sa mạc hóa đất đai, nguồn nước sạch bị ô nhiễm với mức độ ngày càng gia tăng, suy giảm mạnh đa dạng sinh học, chất thải đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và mức độ độc hại. . . Chính vì vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ những thập niên 70 của thế kỉ trước giáo dục môi trường (GDMT) đã trở thành một nội dung giáo dục quan trọng được đưa vào trong nhà trường. Nhiều công trình nghiên cứu không chỉ đề cập đến hoạt động GDMT với vị trí như một hoạt động giáo dục độc lập mà còn đề cập đến vấn đề tích hợp lồng ghép nội dung GDMT trong các môn học (tự nhiên và xã hội) nhằm tăng cường GDMT cho học sinh (HS). Tùy theo cách tiếp cận và quan niệm mà nội dung GDMT ở các nước được đưa vào trong chương trình giáo dục ở nhà trường với các mức độ khác nhau. Ở Việt Nam, ngày 17/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1363/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Hiện nay GDMT đã và đang tiến hành theo hướng tích hợp trong một số môn học như Sinh học, Địa lí, Giáo dục công dân (GDCD). . . Trong những năm gần đây đã có nhiều công trình đi vào nghiên Ngày nhận bài: 12/12/2016. Ngày nhận đăng: 4/5/2017. Liên hệ: Phạm Việt Thắng, e-mail: vietthang271077@yahoo.com 158 Tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học môn giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông cứu vấn đề này. Có thể kể đến các công trình như: Thiết kế bài giảng khai thác nội dung giáo dục môi trường trong sách giáo khoa Địa lí phổ thông (2004) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Đoàn Thị Thanh Phương [1], Giáo dục bảo vệ môi trường trong môn hóa học Trung học phổ thông (2008) của tập thể tác giả Phan Thị Lạc, Trần Thị Nhung, Đặng Thị Oanh, Cao Thị Thặng, Vũ Anh Tuấn [2], Dạy học tích hợp giáo dục môi trường trong bài Dầu mỏ, khí thiên nhiên – Hóa học 9 ở trường Trung học cơ sở (2016) của Phạm Thị Bình, Đỗ Thị Quỳnh Mai, Bùi Thị Thủy [3], Tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng về giáo dục bảo vệ môi trường cho giáo sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Sinh học, Địa lí, GDCD) (2016) của tác giả Ngô Thị Hải Yến [4].v.v.. Đối với môn GDCD, đây là môn học có thể tích hợp nhiều nội dung GDMT xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12 nhưng trên thực tế chưa được thực hiện một cách tự giác và có hệ thống. Chính vì vậy, việc nghiên cứu Tích hợp giáo dục môi trường trong môn GDCD ở trường THPT là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường cho học sinh hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tích hợp GDMT trong dạy học môn GDCD ở trường THPT 2.1.1. Tích hợp GDMT trong dạy học * Giáo dục môi trường Giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp con người có được sự hiểu biết, kĩ năng và giá trị tạo điều kiện cho họ tham gia vào phát triển một xã hội bền vững về sinh thái. Mục đích của giáo dục môi trường: là làm cho cá nhân và các cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của môi trường là kết quả tương tác của nhiều nhân tố sinh học, lí học, xã hội, kinh tế và văn hóa; mang đến cho họ kiến thức, nhận thức về giá trị, thái độ và hành động nhằm giữ gìn và bảo tồn môi trường một cách bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai Mục tiêu của giáo dục môi trường: -Một là, hiểu biết bản chất của các vấn đề môi trường, trang bị cho các đối tượng được giáo dục các kiến thức về môi trường như: tính phức tạp, quan hệ nhiều mặt, nhiều chiều, tính hạn chế của tài nguyên thiên nhiên và khả năng chịu tải của môi trường, mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường và phát triển, giữa môi trường địa phương, vùng, quốc gia với môi trường khu vực và toàn cầu.. - Hai là, định hướng xây dựng thái độ, cách đối xử thân thiện với môi trường. Nhận thức được ý nghĩa, tầmquan trọng của các vấn đề môi trường như một nguồn lực để sinh sống, lao động và phát triển, đối với bản thân mỗi cá nhân cũng như đối với cộng đồng, quốc gia của họ và quốc tế, từ đó có thái độ, cách ứng xử đúng đắn trước các vấn đề môi trường, xây dựng cho mình quan niệm đúng đắn về ý thức trách nhiệm, về giá trị nhân cách để dần hình thành các kĩ năng thu thập số liệu và phát triển sự đánh giá thẩm mĩ. - Ba là, có tri thức, kĩ năng, phương pháp hành động để nâng cao năng lực trong việc lựa chọn phong cách sống thích hợp với việc sử dụng một cách hợp lí và khôn ngoan các nguồn tài nguyên thiên nhiên, để họ có thể tham gia hiệu quả vào việc phòng ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể tại nơi ở và làm việc. * Tích hợp GDMT trong dạy học Tích hợp là một khái niệm rộng, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Tích hợp trong dạy học 159 Phạm Việt Thắng được hiểu là sự kết hợp, tổ hợp các nội dung từ các môn học, lĩnh vực học tập khác nhau thành một môn học mới hoặc lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của một môn học. Tích hợp GDMT vào dạy học là sự kết hợp một cách tự giác và có hệ thống các kiến thức GDMT và kiến thức môn học thành một thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau dựa trên những nguyên tắc nhất định. Sự tích hợp GDMT vào môn GDCD có thể phân thành 2 dạng: - Dạng lồng ghép: Kiến thức GDMT đã có trong chương trình và sách giáo khoa (SGK); - Dạng liên hệ: Các kiến thức GDMT không được đưa vào chương trình và SGK, nhưng dựa vào nội dung bài học, giáo viên (GV) có thể bổi sung kiến thức GDMT có liên quan vào bài học một cách hợp lí qua giờ dạy trên lớp. Các mức độ tích hợp - Mức độ toàn phần: Mục tiêu và nội dung của bài học hoặc của chương phù hợp hoàn toàn với mục tiêu và nội dung của GDMT. Ví dụ: Bài 15 (lớp 10) Công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại; Bài 12 (lớp 11) Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường. . . - Mức độ từng bộ phận: Chỉ có một phần bài học có mục tiêu và nội dung giáo dục bảo vệ môi trường. Ví dụ, Bài 4 (lớp 11) Cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nội dung có thể tích hợp GDMT là mục 3.b: ảnh hưởng hai mặt của cạnh tranh đối với môi trường; sự tác động của con người đến với môi trường và đạo đức môi trường. . . - Mức độ liên hệ: Bài học có một số nội dung có thể liên hệ với nội dung về GDMT nói chung hoặc giáo dục bảo vệ môi trường ở địa phương, gần gũi với HS. Giáo viên chú ý liên hệ một cách hợp lí, vừa sức. Ví dụ, bài 13 (lớp 11) Chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo viên có thể liên hệ đến việc phát triển công nghệ xanh, thân thiện với môi trường ở các nước phát triển và ở Việt Nam hiện nay . Bên cạnh đó, do yêu cầu quan trọng của GDMT là vấn đề thực hành, hình thành các kĩ năng, thói quen, phương pháp hành động cụ thể để HS có thể tham gia có hiệu quả vào các bảo vệ môi trường nên cần quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể tích hợp nội dung GDMT như: sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động dự án, các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ môi trường do các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức bảo vệ môi trường.v.v.. tổ chức. 2.1.2. Nguyên tắc và yêu cầu tích hợp nội dung GDMT trong môn GDCD ở trường THPT * Các nguyên tắc tịch hợp hợp nội dung GDMT trong môn GDCD ở trường THPT Khi tích hợp GDMT qua các môn học ở nhà trường phổ thông thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Thứ nhất, phải đảm bảo mục tiêu và nội dung bài học, không biến thể bài học của bộ môn thành bài học về GDMT, không làm nặng thêm kiến thức bài học Thứ hai, khai thác nội dung GDMT có chọn lọc, cần tập trung khai thác những nội dung GDMT phù hợp với từng chương, từng bài, tránh tràn lan, tuỳ tiện. Thứ ba, phải đảm bảo tính vừa sức và phát huy cao độ các hoạt động tích cực, nhận thức của học sinh, tận dụng tối đa mọi khả năng có thể ở trong và ngoài lớp học để học sinh được tiếp xúc với môi trường cụ thể, sinh động thông qua các trò chơi trong sân trường, các buổi tham quan dã ngoại, tổ chức thi vẽ tranh, thi tái chế chất thải, cắm trại, biểu diễn văn nghệ, trò chơi đóng vai... Thứ tư, phải dựa trên đời sống cộng đồng tại địa phương và trên tinh thần hợp tác. Phải huy động được nhiều người tham gia và có tính thực tế. * Yêu cầu về nội dung GDMT Yêu cầu về kiến thức về GDMT cần khai thác để tích hợp bao gồm: 160 Tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học môn giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông Một là, cung cấp cho HS sự hiểu biết về vai trò của môi trường tự nhiên đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người; Tác động đa chiều của con người đến môi trường, ô nhiễm môi trường và những hậu quả của nó; Quan hệ giữa phát triển và môi trường, dân số, sự bùng nổ dân số và sức ép của nó đối với kinh tế - xã hội và môi trường. Hai là, giáo dục các giá trị, hành vi, ứng xử, sự tôn trọng của con người đối với nhau và đối với tự nhiên. Chỉ khi nào con người thực sự tự giác tôn trọng sự sống của các sinh vật khác trên trái đất thì lúc đó con người mới thực sự sống hài hòa với thiên nhiên. Quan hệ đạo đức giữa con người với tự nhiên nói chung và môi trường nói riêng chỉ có được khi dựa trên nền tảng quan niệm con người và tự nhiên là “cùng loại” và “đồng đẳng”. Ba là, giáo dục hiểu biết về sự quản lí của Nhà nước đối với các vấn đề môi trường bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó chủ yếu là các công cụ tài chính và pháp luật về môi trường. 2.2. Các bước tích hợp và địa chỉ tích hợp GDMT trong dạy học môn GDCD 2.2.1. Các bước tích hợp GDMT trong dạy học môn GDCD Để thực hiện tích hợp các nội dung GDMT vào dạy học môn Giáo dục công dân, giáo viên có thể tiến hành theo các bước sau: * Bước 1. Lựa chọn bài Giáo viên căn cứ vào SGK để lựa chọn những bài mà kiến thức có thể cho phép tích hợp được nội dung GDMT. Có thể đưa ra 3 loại bài sau: - Loại bài 1. Nội dung của bài hoàn toàn phù hợp với nội dung GDMT - Loại bài 2. Trong bài có một hoặc nhiều mục có thể tích hợp từng phần nội dung GDMT - Loại bài 3. Trong bài có một hay nhiều nội dung có khả năng liên hệ, bổ sung kiến thức môi trường mà SGK chưa đề cập. * Bước 2. Xác định mức độ tích hợp nội dung GDMT vào môn học Sau khi chọn và phân loại bài, giáo viên cần xác định mức độ tích hợp phù hợp. Có thể lựa chọn một trong các mức độ sau đây: - Mức độ 1. Nội dung kiến thức của bài phần lớn phù hợp với nội dung GDMT Ở mức độ này, giáo viên căn cứ vào nội dung sẵn có trong bài để triển khai và khắc sâu nội dung GDMT - Mức độ 2. Căn cứ vào nội dung kiến thức của bài để lựa chọn nội dung GDMT cần bổ sung hoặc liên hệ thực tiễn. Ở mức độ này nội dung GDMT đưa vào bài không nhiều. - Mức độ 3. Chọn lọc những nội dung GDMT thích hợp dưới dạng các ví dụ, các liên hệ thực tiễn để đưa vào bài một cách hợp lí. * Bước 3. Xác định kiến thức GDMT để tích hợp vào bài Khi tích hợp nội dung GDMT giáo viên phải đảm bảo các nguyên tắc đã nêu ở trên, đồng thời yêu cầu giáo viên phải nắm chắc những kiến thức về môi trường cũng như các mục tiêu và nội dung của GDMT một cách hiệu quả. * Bước 4. Lựa chọn phương pháp dạy học tích hợp Khi tích hợp, lồng ghép nội dung GDMT trong dạy học môn GDCD giáo viên nên kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để có hiệu quả cao như: phương pháp trực quan (sử dụng tư liệu, tranh ảnh, thí nghiệm. . . ), phương pháp dự án, phương pháp tình huống, nghiên cứu trường hợp điển hình.v.v.. kết hợp sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực như kĩ thuật “KWLH, XYZ và 321”.v.v.. * Bước 5. Kiểm tra, đánh giá 161 Phạm Việt Thắng - Đánh giá theo chuẩn và sản phẩm đầu ra: không chỉ kiểm tra kiến thức, mà quan trọng là kiểm tra kĩ năng (kĩ năng nhận xét, đánh giá, các kĩ năng vận dụng bài học để giải quyết vấn đề, tình huống và thực hành trong cuộc sống), kiểm tra thái độ, tình cảm của học sinh đối với các vấn đề về môi trường. Từ đó thúc đẩy học sinh tích cực rèn luyện theo yêu cầu của các mục tiêu bài học. - Đảo bảo tính khách quan, toàn diện, khoa học và trung thực trong kiểm tra đánh giá. - Căn cứ theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của môn học và kiến thức, kĩ năng và thái độ dạy học tích hợp GDMT để xây dựng nội dung và hình thức kiểm tra. Giáo viên cũng nên hướng dẫn học sinh phát triển kĩ năng tự đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được tham gia đánh giá lẫn nhau. Tự đánh giá đúng và điều chỉnh hoạt động kịp thời là năng lực rất cần cho học sinh. Một điểm cần chú ý trong việc đánh giá đó phải là đánh giá dựa trên quá trình, tránh tập trung đánh giá cuối học kì và đa dạng các hoạt động đánh giá để người học có cơ hội thể hiện sự tiến bộ của mình trong quá trình học. Căn cứ vào những yêu cầu trên, có thể sử dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá như: nghiên cứu sản phẩm học tập của học sinh, quan sát trên lớp, hỏi vấn đáp, tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng trước khi vào bài học (đánh giá kiến thức đã được học), trong quá trình học và kiểm tra sau bài học. 2.2.2. Gợi ý địa chỉ và nội dung tích hợp trong môn GDCD Lớp Địa chỉ tích hợp Nội dung GDMT 10 Bài 5: Cách thức vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng - Những tác động của con người gây biến đổi môi trường. - Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con người. Bài 9: Con người là chủ thể của lịch sử và là mục tiêu của xã hội - Hiểu được mục tiêu phát triển bền vững của xã hội gắn với môi trường. Bài 10: Quan niệm về đạo đức - Đạo đức môi trường. Bài 13: Công dân với cộng đồng - Biết hợp tác trong công tác bảo vệ môi trường. - Tôn trọng pháp luật về bảo vệ môi trường. - Trách nhiệm của công dân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường (trong cộng đồng nơi cư trú, nhà trường, lớp học v.v..). Bài 14: Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi công dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc xanh, sạch, đẹp hơn. - Trách nhiệm của công dân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường (trong cộng đồng nơi cư trú, nhà trường, lớp học v.v..). Bài 15: Công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại - Ô nhiễm môi trường và Đạo đức môi trường. - Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. - Tác động của dân số đến môi trường. 162 Tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học môn giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông Bài 1: Công dân với sự phát triển kinh tế - Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. - Đạo đức môi trường trong sản xuất kinh doanh. 11 Bài 4: Cạnh tranh trong sản xuất và lưuthông hàng hóa - Sự tác động của sản xuất đến môi trường. - Đạo đức môi trường trong sản xuất kinh doanh. Bài 6: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Công nghệp hóa theo hướng bền vững (công nghiệp xanh). - Đạo đức môi trường. Bài 11: Chính sách dân số và giải quyết việc làm - Tác động của dân số đến môi trường. - Trách nhiệm của công dân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường trong đời sống cộng đồng. Bài 12: Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường - Môi trường và ô nhiễm môi trường. - Phát triển kinh tế với sử dụng tài nguyên. - Cạn kiệt tài nguyên. - Đạo đức môi trường. - Chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với sử dụng tài nguyên và BVMT. Bài 13: Chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa - Công nghệ xanh. - Công nghệ tái chế. Bài 1: Pháp luật và đời sống - Pháp luật về môi trường 12 Bài 2: Thực hiện pháp luật - Pháp luật bảo vệ môi trường và việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong đời sống xã hội. Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản - Quyền được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp. - Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi công dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc xanh, sạch, đẹp hơn. Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ - Quyền khiếu nại, tố cáo trong bảo vệ môi trường. Bài 9: Pháp luật với sự phát triển bền vững của đất nước - Pháp luật về môi trường và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. - Đạo đức môi trường. 3. Kết luận Xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và việc tích hợp GDMT vào một số môn học trong đó có GDCD là một việc làm hết sức cần thiết. Đây là môn học có nhiều nội dung, nhiều địa chỉ để tích hợp GDMT. Mục tiêu của tích hợp GDMT trong dạy học môn GDCD là góp phần nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường cho học sinh. Để việc đạt được hiệu quả đó thì người giáo viên cần phải được bồi dưỡng và cập nhật thường xuyên kiến thức về nội 163 Phạm Việt Thắng dung, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích hợp, các kiến thức về môi trường. Bên cạnh đó, các nhà trường phổ thông cần phối hợp với chính quyền và các đoàn thể xã hội tại địa phương, các tổ chức bảo vệ môi trường. . . để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đưa công tác GDMT được diễn ra thường xuyên và đi vào thực chất. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Thu Hằng, Đoàn Thị Thanh Phương, 2004. Thiết kế bài giảng khai thác nội dung giáo dục môi trường trong sách giáo khoa Địa lí phổ thông, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr128 – 133. [2] Phan Thị Lạc, Trần Thị Nhung, Đặng Thị Oanh, Cao Thị Thặng, Vũ Anh Tuấn, 2008. Giáo dục bảo vệ môi trường trong môn hóa học Trung học phổ thông, Nxb Giáo dục. [3] Phạm Thị Bình, Đỗ Thị Quỳnh Mai, Bùi Thị Thủy, 2016. Dạy học tích hợp giáo dục môi trường trong bài Dầu mỏ, khí thiên nhiên – Hóa học 9 ở trường Trung học cơ sở, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 61, tr30 – 38. [4] Ngô Thị Hải Yến, 2016. Tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng về giáo dục bảo vệ môi trường cho giáo sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Sinh học, Địa lí, GDCD), Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp Bộ, B2015-17-01 MT. [5] S.V. Kalesnik, 1970. Các quy luật địa lí chung của trái đất, Nxb Mat-xcơ-va. [6] Nguyễn Thị Ngọc, 2009. Giáo dục môi trường trong các trường THCS ở Việt Nam và Nhật Bản – nghiên cứu so sánh, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3, Trang 2. [7] Luu Duc Hai, 2004. Background on Environment. Hanoi national university publishing house. [8] Nguyen Thi Ngoc, 2006. Vietnamese women with environmental protection. Review of the steering committee for externally oriented information. No 1, pp 30-34 [9] Nguyen Thi Ngoc, 2005. Environment and sustainable development: a political factor in the 21st century. Review of the steering committee for externally oriented information. No 8, pp 31-36. [10] Nguyen Thi Ngoc, 2005. Environmental education and sustainable development in the 21st century. Human Geography Review. No. 1, pp 44-52. ABSTRACT Integrating vocational education in teaching civic education in high schools Pham Viet Thang Faculty of Politic Theory – Civic Education, Hanoi National University of Education Vocational education (VE) in high schools is an important theoretical and practical issue for career orientation activities for students. Incorporating the vocational education in some subjects including civic education is necessary. This is a subject with many contents, many sources to incorporate to VE. Integrating VE in teaching civic education is a reasonable combination of voluntary and systematic knowledge of civic education and knowledge of VE at all levels and assuring the scientific and effective incorporation. Keywords: Integrate, vocational education, vocational education in high schools, civic education. 164
File đính kèm:
- tich_hop_giao_duc_moi_truong_trong_day_hoc_mon_giao_duc_cong.pdf