Tiến trình thống nhất hai miền Nam - Bắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn được người Việt Nam nhắc đến là một cuộc

kháng chiến toàn dân, toàn diện, nhưng khi viết về cuộc kháng chiến này, các sử gia

Việt Nam lâu nay vẫn có xu hướng nghiêng về các hoạt động quân sự, mà chưa thật

sự quan tâm đến tính toàn diện của cuộc chiến. Điều này khiến cho nhận thức của

chúng ta về cuộc chiến nói riêng và công cuộc thống nhất đất nước nói chung chưa

đầy đủ, cũng như không thấy hết tính sáng tạo độc đáo của Việt Nam trong cuộc

kháng chiến này. Thực tế, bên cạnh hoạt động vũ trang, là mảng quan trọng nhất,

cuộc kháng chiến còn bao hàm những hoạt động trên các lĩnh vực khác, như chính trị,

kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này đã được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị

của cách mạng ở miền Nam, thông qua quá trình xây dựng “lực lượng chính trị” tại

chỗ và quá trình điều động hàng vạn cán bộ có trình độ, được đào tạo từ miền Bắc

vào miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến. Chính việc tạo được “thế và lực” trên các

lĩnh vực này ngay trong lòng miền Nam đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng

chiến tới thắng lợi, đồng thời tạo cơ sở quan trọng để hai miền nhanh chóng tiến tới

thống nhất ngay sau cuộc chiến tranh. Đây có thể nói là một đặc điểm đáng lưu ý của

tiến trình thống nhất đất nước của Việt Nam, nếu so sánh với những nước có hoàn

cảnh tương tự như nước Đức hay Triều Tiên trong lịch sử thế giới hiện đại. Bài học từ

thời kỳ lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay

pdf 9 trang yennguyen 5640
Bạn đang xem tài liệu "Tiến trình thống nhất hai miền Nam - Bắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiến trình thống nhất hai miền Nam - Bắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Tiến trình thống nhất hai miền Nam - Bắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
76 
CHUYÊN MỤC 
SỬ HỌC - NHÂN HỌC - NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO 
TIẾN TRÌNH THỐNG NHẤT HAI MIỀN NAM - BẮC TRÊN 
CÁC LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI 
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954 - 1975) 
TRẦN THỊ NHUNG 
Mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn được người Việt Nam nhắc đến là một cuộc 
kháng chiến toàn dân, toàn diện, nhưng khi viết về cuộc kháng chiến này, các sử gia 
Việt Nam lâu nay vẫn có xu hướng nghiêng về các hoạt động quân sự, mà chưa thật 
sự quan tâm đến tính toàn diện của cuộc chiến. Điều này khiến cho nhận thức của 
chúng ta về cuộc chiến nói riêng và công cuộc thống nhất đất nước nói chung chưa 
đầy đủ, cũng như không thấy hết tính sáng tạo độc đáo của Việt Nam trong cuộc 
kháng chiến này. Thực tế, bên cạnh hoạt động vũ trang, là mảng quan trọng nhất, 
cuộc kháng chiến còn bao hàm những hoạt động trên các lĩnh vực khác, như chính trị, 
kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này đã được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị 
của cách mạng ở miền Nam, thông qua quá trình xây dựng “lực lượng chính trị” tại 
chỗ và quá trình điều động hàng vạn cán bộ có trình độ, được đào tạo từ miền Bắc 
vào miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến. Chính việc tạo được “thế và lực” trên các 
lĩnh vực này ngay trong lòng miền Nam đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng 
chiến tới thắng lợi, đồng thời tạo cơ sở quan trọng để hai miền nhanh chóng tiến tới 
thống nhất ngay sau cuộc chiến tranh. Đây có thể nói là một đặc điểm đáng lưu ý của 
tiến trình thống nhất đất nước của Việt Nam, nếu so sánh với những nước có hoàn 
cảnh tương tự như nước Đức hay Triều Tiên trong lịch sử thế giới hiện đại. Bài học từ 
thời kỳ lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. 
Cách đây khoảng ba năm, tình cờ tôi có 
hai lần tiếp xúc với hai nhà nghiên cứu 
người Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) khi họ 
đến làm việc tại Viện Khoa học xã hội 
vùng Nam Bộ. Tuy hai nhà nghiên cứu 
này thuộc những tổ chức nghiên cứu 
khác nhau, nhưng họ đều có một chủ đề 
Trần Thị Nhung. Tiến sĩ. Tạp chí Khoa học Xã 
hội (Thành phố Hồ Chí Minh). 
TRẦN THỊ NHUNG – TIẾN TRÌNH THỐNG NHẤT HAI MIỀN 
77 
chung muốn được trao đổi với các nhà 
nghiên cứu Việt Nam, đó là sau khi cách 
mạng giành được chiến thắng ở miền 
Nam vào tháng 4/1975, hai miền Nam - 
Bắc Việt Nam đã thống nhất với nhau 
như thế nào. Một trong hai nhà nghiên 
cứu người Hàn ấy bày tỏ một băn 
khoăn: sau Chiến tranh thế giới thứ hai, 
trên thế giới có ba nước chịu cảnh bị 
chia cắt đất nước, đó là nước Đức 
(Đông Đức - Tây Đức), nước Triều Tiên 
(Bắc Triều Tiên - Nam Triều Tiên) và Việt 
Nam. Câu chuyện thống nhất của hai 
nước Đức và Triều Tiên khá ồn ào. 
Nước Đức từng là tiêu điểm của thời sự 
quốc tế những năm 1988 - 1990, với sự 
kiện sụp đổ của bức tường Berlin, biểu 
tượng cho sự kết thúc của chiến tranh 
lạnh trên thế giới. Còn tại Triều Tiên thì 
con đường thống nhất cho đến nay vẫn 
mù mịt trong cuộc đối đầu giữa hai 
miền, bên cạnh đó còn là nguy cơ hạt 
nhân, khiến các nước lớn phải can 
thiệp, dàn xếp nhiều năm nay. Chỉ riêng 
tại Việt Nam, sự thống nhất của hai 
miền Nam - Bắc trong hai năm 1975 - 
1976 thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ 
nghĩa Việt Nam là diễn ra một cách ít ồn 
ào nhất, hay có thể nói là khá bình lặng 
và nhanh chóng. Nhà nghiên cứu người 
Hàn này muốn hiểu lý do nào đã tạo nên 
một cuộc hợp nhất hai miền êm thấm 
như vậy. Câu hỏi này đã khiến tôi phải 
suy nghĩ, vì dường như ngày ấy chuyện 
thống nhất hai miền là đương nhiên sau 
khi lực lượng kháng chiến giải phóng 
hoàn toàn lãnh thổ phía Nam. Nhưng 
thực tế không phải vậy, sự kiện này ẩn 
chứa trong nó nhiều vấn đề cần phải 
quan tâm lý giải, và qua đó có thể làm 
rõ hơn những đặc điểm của quá trình 
thống nhất đất nước Việt Nam. 
1. THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CỦA VIỆT 
NAM LÀ MỘT QUÁ TRÌNH DÀI, KHÔNG 
PHẢI CHỈ DIỄN RA TRONG HAI NĂM 
1975 - 1976 
Một số nhà nghiên cứu nước ngoài khi 
tìm hiểu về vấn đề thống nhất đất nước 
của Việt Nam đã đóng khung trong hai 
năm 1975 - 1976, cụ thể là từ sau ngày 
30/4/1975 (khi giải phóng hoàn toàn 
miền Nam) đến ngày 25/4/1976 (khi hai 
miền thực hiện thành công cuộc Tổng 
tuyển cử thống nhất đất nước). Hiểu như 
thế có lẽ là không đầy đủ. 
Nếu nói cho tận ngọn nguồn thì quá trình 
thống nhất đã bắt đầu từ năm 1945, khi 
Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến 
chống Pháp lần thứ hai. Bởi từ năm 
1945 đến năm 1949, Pháp âm mưu chia 
cắt Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, định thực 
hiện chính sách chia để trị như thời Pháp 
thuộc trước đó. Để thực hiện mưu đồ 
này, chính quyền Pháp đã từng thành lập 
những chính phủ riêng ở Nam Bộ: Chính 
phủ Nam Kỳ tự trị của Nguyễn Văn Thinh 
(6-11/1946); Chính phủ Nam Kỳ tự trị 
của Lê Văn Hoạch (12/1946 - 9/1947); 
Chính phủ lâm thời Nam phần Việt Nam 
của Nguyễn Văn Xuân (10/1947 - 
5/1948). Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam 
Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt 
Nam đã đấu tranh quyết liệt trên cả ba 
mặt trận ngoại giao, chính trị và quân sự 
chống lại âm mưu này của Pháp. Trong 
những cuộc đàm phán, phái đoàn ngoại 
giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 
kiên quyết không chấp nhận tách Nam 
Bộ ra khỏi việc giải quyết vấn đề độc lập 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 4 (200) 2015 
78 
của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh 
trước sau khẳng định: “Nam Bộ là một 
miếng đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt 
chúng tôi, máu của máu chúng tôi” (Paris, 
tháng 7/1946). Trên mặt trận quân sự, 
nhân dân Nam Bộ nô nức tham gia “Nam 
Bộ kháng chiến”, đi trước cả nước đứng 
lên chống Pháp. Từ miền Bắc, miền Trung, 
từ Thái Lan, Campuchia và Lào, những 
đoàn quân “Nam tiến” đổ về Nam, chia 
lửa với Nam Bộ. Trên mặt trận chính trị, 
ngày 9/6/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân 
Việt Nam tổ chức “Ngày Nam Bộ” tại Hà 
Nội với một cuộc mít tinh lớn đòi Pháp thi 
hành nghiêm chỉnh Hiệp định Sơ bộ 
ngày 6/3/1946. Báo chí Nam Bộ dấy lên 
phong trào “Báo chí thống nhất”, đả kích 
các chính phủ bù nhìn, phản đối chính 
sách chia rẽ dân tộc Việt Nam của Pháp. 
Trước sức mạnh đoàn kết của người 
Việt Nam, chính phủ Pháp cuối cùng đã 
phải từ bỏ mưu đồ chia cắt này. 
Sau năm 1954, Pháp rút ra, Mỹ thay 
chân trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, 
lập nên chính quyền lệ thuộc Ngô Đình 
Diệm ở miền Nam. Năm 1956, Ngô Đình 
Diệm khước từ Tổng tuyển cử thống 
nhất đất nước theo qui định của Hiệp 
định Genève, đồng thời thực hiện những 
chính sách độc tài “gia đình trị”, gây mất 
lòng dân ở miền Nam, đó là nguyên cớ 
tạo nên cuộc nổi dậy của nhân dân năm 
1960, dẫn đến cuộc kháng chiến kéo dài 
tiếp theo. 
Trong hơn 20 năm chiến tranh với Mỹ và 
chế độ Sài Gòn ở miền Nam, từ năm 
1954 đến năm 1975, những người tham 
gia kháng chiến ở cả hai miền Nam - Bắc 
Việt Nam đều hướng tới mục tiêu: độc 
lập và thống nhất đất nước. Hai mục tiêu 
này gắn với nhau làm một. Ở miền Bắc, 
trên các bức tường, trên cổng các cơ 
quan, ở thành phố hay nông thôn, đâu 
đâu cũng thấy những câu khẩu hiệu “Tất 
cả vì độc lập, thống nhất đất nước”, “Tất 
cả vì miền Nam ruột thịt” hoặc “Mỗi 
người làm việc bằng hai vì miền Nam 
ruột thịt” Đó là những khẩu hiệu ai 
cũng thuộc nằm lòng. Để thực hiện điều 
này, người miền Bắc cụ thể thành những 
khẩu hiệu khác: “Ba sẵn sàng” (của 
thanh niên), “Ba đảm đang” (của phụ nữ), 
hay “Thóc không thiếu một cân, quân 
không thiếu một người” (ở các địa 
phương), vì “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất 
cả để đánh thắng”. Ở miền Nam, mỗi khi 
miền Bắc bị ném bom, trong quân dân 
kháng chiến cũng có những khẩu hiệu 
như “Trả thù cho miền Bắc”, hay “Miền 
Bắc gọi, miền Nam trả lời” Nhiều 
người trẻ bây giờ nghe về những khẩu 
hiệu này thường không hình dung được 
nó có ý nghĩa như thế nào thời ấy. 
Nhưng trong những năm tháng chiến 
tranh ấy, nó đã có sức cổ động rất lớn 
đối với người dân. Mục tiêu thống nhất 
đất nước trở thành khát vọng cháy bỏng 
của những người kháng chiến ở cả hai 
miền, là ý chí dẫn đắt lực lượng kháng 
chiến đi qua những năm dài gian khổ ác 
liệt để đạt tới chiến thắng. Đó thực sự là 
động lực tinh thần, một nguyên nhân 
quan trọng của thắng lợi. Với ý chí giành 
độc lập và thống nhất, trong suốt hơn 20 
năm, lực lượng cách mạng ở cả hai miền 
đã từng bước tạo nên những cơ sở, 
những điều kiện cả về vật chất và tinh 
thần cho bước đường thống nhất. Cuộc 
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 
TRẦN THỊ NHUNG – TIẾN TRÌNH THỐNG NHẤT HAI MIỀN 
79 
năm 1975 giải phóng hoàn toàn lãnh thổ 
ở miền Nam, đã tạo cơ sở quan trọng 
đầu tiên và bậc nhất cho cuộc thống nhất 
hai miền. Tuy nhiên, đó không phải là cơ 
sở duy nhất. Cùng với quá trình nỗ lực 
giành chiến thắng về quân sự, lực lượng 
kháng chiến thực tế đã nỗ lực tạo dựng 
những cơ sở, hay những điều kiện cho 
cuộc thống nhất trên nhiều lĩnh vực khác 
như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội 
Bởi sau chiến thắng quân sự, thì các lĩnh 
vực này sẽ quyết định những bước tiến 
đến cuộc hòa hợp, thống nhất hai miền. 
2. QUÁ TRÌNH THỐNG NHẤT KHÔNG 
PHẢI CHỈ BẰNG CON ĐƯỜNG QUÂN 
SỰ ĐƠN THUẦN, MÀ CÒN ĐƯỢC 
THỰC HIỆN TRÊN CÁC LĨNH VỰC 
CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ 
HỘI NGAY TỪ TRONG CUỘC KHÁNG 
CHIẾN. 
2.1. Xây dựng tổ chức chính trị và lực 
lượng chính trị 
Cố gắng tiến đến thống nhất trên lĩnh 
vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có 
thể nói chính là quá trình “xây dựng lực 
lượng chính trị” cho cuộc kháng chiến ở 
miền Nam. Trong cuộc kháng chiến 
chống Mỹ, đường lối nhất quán của 
Trung ương Đảng Lao động Việt Nam 
(sau này đổi tên là Đảng Cộng sản Việt 
Nam) là phải tiến hành cuộc kháng chiến 
bằng cả “hai chân”, tức là bằng cả quân 
sự và chính trị. Vì vậy, cách mạng không 
chỉ chú trọng xây dựng lực lượng vũ 
trang, mà phải xây dựng cả lực lượng 
chính trị. Hơn nữa phải xây dựng lực 
lượng chính trị thật rộng rãi, làm nền 
tảng để xây dựng lực lượng vũ trang và 
mọi mặt của cuộc kháng chiến. Lực 
lượng chính trị ở đây được hiểu là bao 
gồm đông đảo những người dân ở miền 
Nam (không phân biệt thành phần xã hội, 
giai cấp, dân tộc hay tôn giáo) ủng hộ và 
tham gia các hoạt động kháng chiến. 
Từ đường lối trên, lực lượng kháng 
chiến đã thực hiện nhiều sách lược 
chính trị, nhằm đoàn kết người dân 
quanh lực lượng kháng chiến ở miền 
Nam với mục tiêu giành độc lập và thống 
nhất. Những sự kiện lớn như: thành lập 
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam 
Việt Nam (20/12/1960); thành lập Liên 
minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và 
hòa bình ở miền Nam (1969); thành lập 
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng 
hòa miền Nam Việt Nam (6/6/1969), và 
các hội đoàn (Hội Nông dân Giải phóng, 
Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Liên hiệp 
Thanh niên Giải phóng) là những sách 
lược chính trị lớn và hiệu quả. Mặt trận 
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam 
(sau này là Chính phủ Cách mạng lâm 
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), với 
biểu tượng lá cờ nửa đỏ, nửa xanh và 
Chính sách 10 điểm đề cao mục tiêu hòa 
bình, thống nhất, độc lập và dân chủ đã 
thu hút không chỉ những người công 
nhân, nông dân, những nhân sĩ, trí thức, 
các nhà tư sản dân tộc ở miền Nam, mà 
cả một bộ phận sĩ quan, binh lính của 
chế độ Sài Gòn ngày ấy. Trong khi đó, 
các tổ chức chính trị của cách mạng ở 
miền Nam, thực tế, đặt dưới sự lãnh đạo 
của Trung ương Đảng Lao động Việt 
Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền 
Nam, nên những tổ chức này cũng chính 
là chiếc cầu nối nhân dân miền Nam với 
miền Bắc. Các tổ chức này đã phát huy 
lợi điểm chính trị đã có trước đây, đó là 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 4 (200) 2015 
80 
sự ủng hộ to lớn của nhân dân miền 
Nam với “Chính phủ Cụ Hồ” trong 9 năm 
kháng chiến chống Pháp, để tạo ở nhân 
dân miền Nam sự thiện cảm, gần gũi và 
hướng tới Chính phủ Cụ Hồ ở miền Bắc, 
kéo gần khoảng cách giữa hai miền, cho 
dù lãnh thổ bị chia cắt lâu dài. Hình ảnh 
các Đoàn cán bộ chiến sĩ, nhân sĩ trí 
thức, đoàn Chính phủ cách mạng từ 
miền Nam ra thăm miền Bắc trong 
những năm kháng chiến chống Mỹ, được 
Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo tiếp đón 
nồng hậu, được báo chí đưa tin hàng 
đầu, là một biểu hiện của tinh thần đoàn 
kết gắn bó hai miền mà lực lượng cách 
mạng hướng tới trong suốt cuộc kháng 
chiến. 
Để thực hiện mục tiêu chính trị (và cũng 
là văn hóa, xã hội) trên, lực lượng kháng 
chiến đã tiến hành nhiều phương thức 
tuyên truyền. Ngay từ khi mới thành lập, 
trong hoàn cảnh khó khăn của buổi đầu 
kháng chiến ở vùng chiến khu rừng núi, 
Mặt trận Dân tộc Giải phóng vẫn quyết 
tâm cho ra đời Đài Phát thanh Giải 
phóng tại Chiến khu D (đầu 1962). Sau 
một vài năm, do khó đảm bảo an toàn 
bởi phía quân đội Sài Gòn thường xuyên 
dò sóng phá hoại, Đài Phát thanh Giải 
phóng lập thêm một cơ quan phát thanh 
ở miền Bắc, nhờ vậy “tiếng nói của miền 
Nam” không bao giờ bị gián đoạn. 
Những bài viết, bản tin thời sự, được các 
phóng viên từ miền Nam gửi đến, vẫn 
đều đặn được phát sóng. Cùng với Đài 
Phát thanh, Thông tấn xã Giải phóng, 
Điện ảnh Giải phóng, báo chí giải phóng, 
các đoàn văn công giải phóng cũng giữ 
vững hoạt động trong suốt cuộc kháng 
chiến, dù có lúc lực lượng kháng chiến 
lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, như 
những năm 1969 - 1970, lúc các cơ quan 
đầu não và phần lớn bộ đội chủ lực phải 
tạm thời đứng chân trên đất Campuchia 
sau Mậu Thân 1968. Nhiều phóng viên, 
nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, diễn viên, 
công nhân viên đã hy sinh trên chiến 
trường miền Nam ác liệt, trong đó có 
những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Lê Anh 
Xuân, Hoàng Việt, Nguyễn Đình Thi, 
Nguyễn Mỹ, Hoạt động của các cơ 
quan báo chí truyền thông, các đoàn 
nghệ thuật đã góp phần rất quan trọng, 
không chỉ động viên tinh thần lực lượng 
kháng chiến, mà còn truyền bá những tư 
tưởng về chính trị, văn hóa, xã hội từ 
miền Bắc vào miền Nam, tạo nên những 
ảnh hưởng không nhỏ trong người dân 
miền Nam qua 20 năm chiến tranh. 
Chính những quan chức phía chế độ Sài 
Gòn từng phải công nhận sức mạnh 
tuyên truyền của phía cách mạng và đòi 
hỏi bộ máy chiến tranh chính trị của Sài 
Gòn phải “học tập cộng sản” (Trần Thị 
Nhung, 2002). 
Tuy nhiên, quá trình “xây dựng lực lượng 
chính trị” không chỉ dựa trên các tổ chức 
chính trị và những hoạt động tuyên 
truyền ở bên trên, mà quan trọng hơn 
chính là hàng vạn cán bộ cơ sở - những 
cán bộ, chiến sĩ “ba bám” (bám đất, bám 
dân, bám địch), “ba cùng” (cùng ăn, cùng 
ở, cùng làm với dân) hoạt động ở các địa 
phương. Chính những cán bộ, Đảng viên, 
chiến sĩ ở các địa phương là những 
người bằng những việc làm cụ thể, bằng 
sự gương mẫu của mình đã thuyết phục 
người dân tham gia ủng hộ cách mạng, 
tạo nên một “lực lượng chính trị” hùng 
hậu trong nhân dân miền Nam, là cái gốc 
TRẦN THỊ NHUNG – TIẾN TRÌNH THỐNG NHẤT HAI MIỀN 
81 
quan trọng để nuôi dưỡng và phát triển 
cuộc kháng chiến. Để thấy được vai trò 
to lớn của lực lượng chính trị ở miền 
Nam thời kỳ này có thể nhìn vào những 
thực tế sau. Lấy ví dụ cụ thể ở Nam Bộ 
và cực nam Trung Bộ (B2): trước khi Mỹ 
đổ quân vào miền Nam tháng 3/1965, 
các lực lượng vũ trang kháng chiến ở B2, 
bao gồm 7 trung đoàn chủ lực và hàng 
ngàn bộ đội địa phương và dân quân du 
kích (Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, 2004, 
tr. 172) hầu hết được xây dựng từ tuyển 
quân tại chỗ (ngoài Bắc chỉ đưa vào 
khung cán bộ cho các cơ quan chỉ huy 
cấp Miền-B2, cấp Quân khu và khung 
cho 3 trung đoàn chủ lực B2). Chỉ sau 
khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, miền 
Bắc mới đưa vào Nam từng trung đoàn, 
sư đoàn và sau này là các quân đoàn 
chủ lực. Lúc cao nhất vào tháng 4/1975 
ở Nam Bộ có 4 quân đoàn, 4 sư đoàn, 1 
lữ đoàn, 10 trung đoàn và nhiều tiểu 
đoàn độc lập của chủ lực, ngoài ra các 
tỉnh đều có các đơn vị cấp trung đoàn 
hoặc tiểu đoàn bộ đội địa phương và các 
đội du kích ở phần lớn các xã ấp (Bộ 
Quốc phòng, Quân khu 7, 2004, tr. 555-
561). Nhưng khi đưa quân vào Nam, 
miền Bắc cũng chỉ đưa vào quân chủ lực, 
còn lực lượng bộ đội địa phương và dân 
quân du kích vẫn thường xuyên được bổ 
sung từ nguồn nhân lực tại chỗ. Bên 
cạnh đó, trong hầu hết cuộc chiến tranh, 
trừ vũ khí và một số vật liệu, phương tiện 
chiến tranh khác được chuyển từ ngoài 
Bắc vào, hầu hết các mặt hàng hậu cần 
như gạo, thực phẩm, thuốc men, dụng 
cụ y tế, quân trang, quân dụng và các 
nhu yếu phẩm khác cho lực lượng kháng 
chiến (bao gồm cả lực lượng dân sự và 
quân sự hàng chục vạn người) đều được 
huy động từ chiến trường tại chỗ(1). “Lực 
lượng chính trị” đông đảo ở miền Nam 
nói chung và B2 nói riêng chính là những 
người đã đảm nhận vai trò cung cấp 
nhân lực và vật lực to lớn cho lực lượng 
kháng chiến trong suốt những năm dài 
của cuộc chiến tranh. 
Khó có thể nói hết những việc mà miền 
Bắc và lực lượng kháng chiến miền Nam 
đã làm trong việc thực hiện nhiệm vụ 
“xây dựng lực lượng chính trị”, cũng như 
không thể nói hết những gì mà “lực 
lượng chính trị” ở miền Nam đã đóng 
góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. 
Nhưng có thể khẳng định một điều là 
việc “xây dựng lực lượng chính trị” ở 
miền Nam đã đạt được hiệu quả trên hai 
mục tiêu: vừa nuôi dưỡng cuộc kháng 
chiến tại chỗ, vừa lôi cuốn được bộ phận 
khá đông đảo người dân miền Nam có 
thiện cảm, gần gũi hoặc hướng về miền 
Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo nên một tâm 
thế thuận lợi, hay nói cách khác là có cơ 
sở xã hội rộng lớn cho cuộc hiệp thương 
thống nhất hai miền sau khi lãnh thổ đã 
được nối liền vào ngày 30/4/1975. 
2.2. Chi viện cán bộ trình độ cao cho 
miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến 
Không chỉ tạo nên cơ sở xã hội quan 
trọng từ việc “xây dựng lực lượng chính 
trị” tại chỗ, quá trình thống nhất về chính 
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong cuộc 
kháng chiến còn được thực hiện qua 
việc đưa nhân lực có trình độ, được đào 
tạo từ miền Bắc vào miền Nam. Ngoài 
lực lượng quân sự như đã nói ở trên, từ 
năm 1960 - 1975, miền Bắc đã chuyển 
vào Nam 58.461 cán bộ, nhân viên dân 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 4 (200) 2015 
82 
sự, công nhân kỹ thuật. Năm 1975, số 
lượng cán bộ, nhân viên, công nhân 
được điều động vào Nam chiếm số 
lượng cao nhất với 17.956 người. Trong 
số cán bộ vào Nam trong toàn cuộc 
kháng chiến, chiếm số lượng đông nhất 
là cán bộ nhân viên các ngành kinh tế 
(công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, 
mậu dịch) với 39.216 người, kế đến là 
các ngành văn xã (y tế, giáo dục, văn 
hóa nghệ thuật, thông tin tuyên truyền) 
và nội chính (Phan Thị Xuân Yến, 2011, 
tr 216 - 218). Hoạt động này có vai trò 
quan trọng của Ban Thống nhất Trung 
ương(2), thành lập ngày 17/5/1957, là cơ 
quan đề xuất và phối hợp với các cơ 
quan khác trong việc điều động cán bộ. 
Những năm đầu chiến tranh, nhân lực 
đưa vào Nam hầu hết là cán bộ miền 
Nam tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó, 
do nhu cầu ngày càng lớn của chiến 
tranh, nhân lực được điều động bao gồm 
cả người miền Bắc(3). Phần lớn lực 
lượng dân sự được đưa vào Nam hoạt 
động tại các vùng căn cứ giải phóng - 
một hệ thống những khu vực lớn, nhỏ do 
lực lượng kháng chiến làm chủ nằm đan 
cài với các vùng tạm chiếm của chế độ 
Sài Gòn. Tại các vùng này, Mặt trận Dân 
tộc Giải phóng (sau đó là Chính phủ 
Cách mạng lâm thời) đã tiến hành các 
hoạt động mang tính nhà nước, như tổ 
chức quản lý hành chính và các hoạt 
động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo 
dục,... tạo nên hình ảnh một “chế độ 
mới” giữa lòng miền Nam. Và “chế độ 
mới” này ít nhiều đã mang hình ảnh của 
miền Bắc, thể hiện qua các chính sách 
về ruộng đất, thuế khóa, công tác dân y, 
các nội dung trong giáo dục, văn hóa văn 
nghệ,... Lực lượng dân sự vào Nam là 
những người đảm nhiệm chủ yếu việc tổ 
chức, quản lý và thực hiện các hoạt động 
này trong vùng giải phóng. Chưa kể, một 
bộ phận họ còn bí mật hoạt động trong 
vùng tạm chiếm. Có thể nói, việc đưa 
hàng chục ngàn cán bộ dân sự vào Nam 
trong những năm kháng chiến, đã góp 
phần quan trọng xây dựng nền chính trị, 
kinh tế, văn hóa, xã hội cho cuộc kháng 
chiến, đồng thời chính là một sự chuẩn 
bị dài lâu, “lót sẵn” lực lượng nòng cốt để 
tiến tới xây dựng chính quyền các cấp và 
tiếp quản các Bộ, ngành tại miền Nam 
khi giành được thắng lợi. Điều này đã trở 
thành thực tế sau ngày giải phóng miền 
Nam 30/4/1975. Lấy ví dụ trong ngành 
nông nghiệp, từ năm 1961 đến năm 
1975, miền Bắc đã đưa vào B2 khoảng 
hơn 400 kỹ sư nông nghiệp(4). Những kỹ 
sư này hoạt động ở hầu khắp chiến 
trường B2, từ Khu 6 (Nam Tây Nguyên 
và Cực nam Trung Bộ) đến Khu 9 (Tây 
Nam Bộ). Trong chiến tranh, họ vừa làm 
các công việc chuyên môn (làm nông 
nghiệp, lâm nghiệp, nông vận), vừa tham 
gia chiến đấu, bảo vệ các vùng giải 
phóng. Quá trình hoạt động lâu dài ở 
miền Nam giúp họ hiểu sâu sắc các vấn 
đề chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã 
hội ở địa bàn. Và đó là vốn quí không 
phải chỉ cho kháng chiến, mà cho cả việc 
thống nhất sau này, vì những trải nghiệm 
có thể giúp con người dễ dàng vượt qua 
những bất đồng. Tháng 4/1975, theo một 
kế hoạch cụ thể đã chuẩn bị từ trước, 
các kỹ sư nông nghiệp theo chân các 
đơn vị quân giải phóng tiến vào thành 
phố Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ và các 
địa phương khác để tiếp quản các cơ 
TRẦN THỊ NHUNG – TIẾN TRÌNH THỐNG NHẤT HAI MIỀN 
83 
quan, viện nghiên cứu và các trường đào 
tạo của ngành nông lâm của chế độ Sài 
Gòn. Những kỹ sư cách mạng khi tham 
gia tiếp quản đã thể hiện tinh thần vừa kỷ 
luật, vừa nhân văn, khi kiên quyết bảo vệ 
những máy móc hiện đại ở các cơ quan 
(mà có khi bản thân chưa biết cách sử 
dụng), hoặc những cây, con giống có giá 
trị, vừa lưu dung phần lớn các kỹ sư, 
nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ tiếp tục 
làm việc dưới chính quyền mới (chỉ trừ 
một số trường hợp chống phá đặc biệt). 
Họ nói: quan điểm của chúng tôi là “kỹ 
thuật không có giai cấp”. Tinh thần tiếp 
quản như thế rõ ràng đã tạo nên sự hòa 
hợp tốt hơn đối với những người ở hai 
phía trong thời điểm chuyển giao quyền 
lực. Tình hình với các cán bộ ngành nông 
nghiệp có lẽ cũng diễn ra tương tự đối 
với các ngành nghề khác như tài chính, 
thương mại, công nghiệp, y tế, giáo dục, 
văn hóa nghệ thuật... Chỉ tính riêng tại 
TPHCM, vào tháng 4/1975, Ủy ban Quân 
quản thành phố đã chuẩn bị sẵn một đội 
ngũ 2.820 cán bộ từ các căn cứ địa về 
để tiếp quản thành phố (Ủy ban Nhân 
dân TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển, 
2012, tr 329). Chính đội ngũ cán bộ này, 
phối hợp với những cán bộ cơ sở tại chỗ 
và lực lượng vũ trang, đã thực hiện 
thành công công tác tiếp quản, đồng thời 
họ cũng là lực lượng nòng cốt lập nên 
chính quyền cách mạng từ cấp thành 
phố đến các phường, xã, nhanh chóng 
ổn định trật tự trị an và đưa mọi hoạt 
động của thành phố trở lại bình thường. 
3. THAY LỜI KẾT 
Ngày 17/5/1975, chỉ hơn nửa tháng sau 
ngày giải phóng miền Nam, nhiều tỉnh ở 
Nam Bộ đã tổ chức lễ mừng chiến thắng. 
Tại Sài Gòn - Gia Định, buổi lễ được tổ 
chức qui mô và trọng thể ngay trước 
Dinh Độc Lập (sau này được đổi tên là 
Hội trường Thống Nhất). Hàng vạn tầng 
lớp nhân dân Sài Gòn đã tham gia cuộc 
mít tinh và diễu hành. Trên lễ đài là sự 
có mặt của Chủ tịch nước Việt Nam Dân 
chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng, Tổng Bí 
thư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên 
Giáp, các Bí thư và Phó Bí thư Trung 
ương Cục miền Nam Phạm Hùng, 
Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Mặt trận Dân 
tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam 
Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Chính phủ 
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền 
Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, Tư lệnh 
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam 
Trần Văn Trà cùng nhiều lãnh đạo cao 
cấp của Trung ương Đảng, Trung ương 
Cục, chỉ huy các quân đoàn, các ban 
ngành, đoàn thể Trong buổi lễ, các 
đơn vị vũ trang cách mạng hùng dũng 
diễu binh qua lễ đài trong trang bị còn 
đượm mùi khói súng của cuộc chiến vừa 
chấm dứt. Buổi lễ qui mô và trọng thể ấy 
đã diễn ra trong an ninh tuyệt đối. Đó là 
một kỳ tích nữa của lực lượng kháng 
chiến, của cách mạng tại thành phố vừa 
mới giải phóng 17 ngày sau hơn 30 năm 
và xa hơn nữa là gần 100 năm dưới sự 
thống trị của thực dân cũ và mới. Chỉ có 
thể giải thích cho kỳ tích này rằng trong 
suốt cuộc kháng chiến, lực lượng kháng 
chiến không chỉ tạo được thế và lực về 
quân sự, mà còn tạo được “thế và lực” 
trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn 
hóa, xã hội. Thế và lực đó là: tạo nên 
một tâm thế ngả về phía cách mạng và 
mong muốn hòa bình, hòa hợp trong 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 4 (200) 2015 
84 
lòng người dân miền Nam, đồng thời tạo 
nên những cơ sở xã hội vừa vững chắc, 
vừa rộng lớn ngay trong lòng miền Nam. 
Điều này cũng là nguyên nhân chính 
khiến cho cuộc hợp nhất hai miền Nam - 
Bắc sau ngày 30/4/1975 đã diễn ra 
nhanh chóng. Chỉ sau 5 tháng Hiệp 
thương, ngày 25/4/1976, hai miền đã 
thực hiện thành công cuộc Tổng tuyển 
cử thống nhất đất nước, chính thức 
chấm dứt cảnh đất nước bị chia làm 2 
trong hơn 20 năm trước đó. 
Những lý do đã nêu ở trên, dẫn tới sự 
hợp nhất nhanh chóng của hai miền năm 
1976, có thể nói chính là những đặc 
điểm của tiến trình thống nhất đất nước 
của Việt Nam, thể hiện sự sáng tạo của 
Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập 
và thống nhất dân tộc. 
40 năm đã trôi qua sau cuộc chiến tranh 
và sau sự kiện thống nhất hai miền, đất 
nước Việt Nam đã vượt qua nhiều thăng 
trầm và đang trên đường phát triển, 
nhưng những bài học từ chiến tranh về 
sự nỗ lực và các phương thức thúc đẩy 
tinh thần hòa hợp, thống nhất dân tộc 
vẫn còn cần thiết để không ngừng củng 
cố khối đại đoàn kết toàn dân trong mục 
tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh và 
văn minh.  
CHÚ THÍCH 
(1) Việc đảm bảo hậu cần cho lực lượng kháng chiến ở B2 được thực hiện tại chỗ bằng nhiều 
phương thức: mua bán, thu thuế Nguồn tài chính trang trải cho hoạt động này chủ yếu do miền 
Bắc cung cấp, một phần do B2 tự túc. 
(2) Ban Thống nhất Trung ương có tiền thân là Ban Miền Nam, thành lập từ tháng 6/1955 tại miền 
Bắc. Đến ngày 13/3/1974, Ban Thống nhất Trung ương lại đổi tên lại thành Ban Miền Nam. Năm 
1976, Ban Miền Nam hết nhiệm vụ và được giải thể. 
(3) Hồ sơ cán bộ, công nhân viên được đưa vào Nam (còn gọi là đi B) hiện chiếm một khối lượng 
lớn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tại Hà Nội. 
(4) Theo báo cáo của Ban Liên lạc Ban nông nghiệp Trung ương Cục Miền Nam (2010). 
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 
1. Bộ Quốc phòng, Quân khu 7. 2004. Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961 - 1976). Hà Nội: Nxb. 
Chính trị Quốc gia. 
2. Phan Thị Xuân Yến. 2011. Ban Thống nhất Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 
cứu nước (1954 - 1975). TPHCM: Nxb. Tổng hợp TPHCM. 
3. Tài liệu và chuyện kể của các cán bộ thuộc Ban Liên lạc Ban Nông nghiệp Trung ương Cục 
miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1961 - 1975). 
4. Trần Thị Nhung. 2002. Căn cứ địa miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 
(1954 - 1975) (Luận án tiến sĩ lịch sử). 
5. Ủy ban Nhân dân TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển. 2012. Thành phố Hồ Chí Minh 35 
năm xây dựng và phát triển. TPHCM: Nxb. Tổng hợp TPHCM. 

File đính kèm:

  • pdftien_trinh_thong_nhat_hai_mien_nam_bac_tren_cac_linh_vuc_chi.pdf