Tổ chức cho trẻ 5-6 tuổi nhận biết độ dài thời gian qua hoạt động làm thí nghiệm
Abstract: The article presents the role of teaching children to recognize the length of time, children
doing experiments to develop skills to identify the length of time, the relationship of time, adjust
the speed of activity in accordance with the stipulated time; The sequence of organizing activities
of doing experiment for children to experience the length of time and introduce some experiments
help 5-6-years-old children to identify the length of time that is relevant to the characteristics and
cognitive needs of children which we did experiment in preschool.
Bạn đang xem tài liệu "Tổ chức cho trẻ 5-6 tuổi nhận biết độ dài thời gian qua hoạt động làm thí nghiệm", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tổ chức cho trẻ 5-6 tuổi nhận biết độ dài thời gian qua hoạt động làm thí nghiệm
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 445 (Kì 1 - 1/2019), tr 26-30 26 TỔ CHỨC CHO TRẺ 5-6 TUỔI NHẬN BIẾT ĐỘ DÀI THỜI GIAN QUA HOẠT ĐỘNG LÀM THÍ NGHIỆM Vũ Thị Diệu Thúy - Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình Ngày nhận bài: 17/09/2018; ngày sửa chữa: 25/10/2018; ngày duyệt đăng: 21/11/2018. Abstract: The article presents the role of teaching children to recognize the length of time, children doing experiments to develop skills to identify the length of time, the relationship of time, adjust the speed of activity in accordance with the stipulated time; The sequence of organizing activities of doing experiment for children to experience the length of time and introduce some experiments help 5-6-years-old children to identify the length of time that is relevant to the characteristics and cognitive needs of children which we did experiment in preschool. Keywords: Identify time length, experiment, experience, time relationship, adjust. 1. Mở đầu Sự nhận biết độ dài thời gian có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, giúp trẻ điều chỉnh các hoạt động của mình phù hợp với khoảng thời gian; đồng thời hình thành ở trẻ những phẩm chất quý báu như: tính tổ chức, kỉ luật, chính xác, nhanh nhẹn, biết trân trọng thời gian. Mặt khác, sự nhận biết độ dài thời gian giúp trẻ 5-6 tuổi thích ứng dễ dàng hơn với thời gian biểu hoạt động ở trường mầm non. Tổ chức cho trẻ tham gia làm các thí nghiệm để trải nghiệm độ dài thời gian diễn ra sự kiện và rèn kĩ năng so sánh độ dài khoảng thời gian diễn ra các sự kiện giúp trẻ 5-6 tuổi nhận biết chính xác mối quan hệ độ dài thời gian, sử dụng các từ chỉ quan hệ độ dài thời gian: hết thời gian như nhau, hết ít thời gian nhất, hết nhiều thời gian hơn, hết nhiều thời gian nhất đồng thời giúp trẻ phát triển kĩ năng điều chỉnh tốc độ hoạt động trong thời gian quy định và xác định mối quan hệ tốc độ để sử dụng từ chỉ mối quan hệ tốc độ diễn ra các sự kiện: nhanh nhất, chậm hơn, chậm nhất... Hiện nay, giáo viên (GV) mầm non đã quan tâm tổ chức cho trẻ làm thí nghiệm để khám phá môi trường xung quanh nhưng chưa chú trọng giúp trẻ nhận biết độ dài thời gian qua quá trình tổ chức cho trẻ làm thí nghiệm. GV chưa giúp trẻ nhận ra khoảng thời gian cần thiết cho sự diễn ra một sự kiện cũng như so sánh khoảng thời gian diễn ra các sự kiện. Từ đó, trẻ ít có cơ hội trải nghiệm độ dài thời gian qua hoạt động làm thí nghiệm. Bài viết đề cập việc tổ chức cho trẻ 5-6 tuổi nhận biết độ dài thời gian qua hoạt động làm thí nghiệm. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Trình tự tổ chức cho trẻ 5-6 tuổi trải nghiệm độ dài thời gian qua hoạt động làm thí nghiệm Tổ chức cho trẻ làm thí nghiệm để so sánh độ dài thời gian giữa các sự kiện được thực hiện theo trình tự như sau: 2.1.1. Xác định mục đích làm thí nghiệm Khi tổ chức thí nghiệm cho trẻ cần xác định mục đích cụ thể của mỗi thí nghiệm. Mục đích thí nghiệm được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ. Nhiệm vụ thí nghiệm do GV đặt ra hoặc do GV giúp trẻ tự xác định. Nhiệm vụ phải rõ ràng, được xác định theo từng ý cụ thể. Việc giải quyết nhiệm vụ nhận thức đòi hỏi sự tìm tòi tích cực: phân tích, đối chiếu cái đã biết với cái chưa biết, đưa ra kết luận về nguyên nhân của hiện tượng, lựa chọn biện pháp giải quyết, các điều kiện và việc tổ chức thí nghiệm. Ví dụ, trong thí nghiệm “Cuộc chạy đua của ba cây nến”, GV cần giúp trẻ xác định rõ mục đích làm thí nghiệm: ngoài mục đích nhận biết vai trò của không khí với sự cháy, trẻ còn nhận ra khoảng thời gian mỗi cây nến cháy, so sánh độ dài thời gian 3 cây nến cháy. 2.1.2. Chuẩn bị cho trẻ làm thí nghiệm Việc tổ chức cho trẻ làm thí nghiệm cần chuẩn bị chu đáo những yếu tố sau: - Đối tượng thí nghiệm, số lượng đối tượng cho cô và trẻ. Đối tượng làm thí nghiệm thường có 2 loại: vật liệu tự nhiên (đất, nước, hạt, cây...) và vật liệu nhân tạo (các đồ dùng, phế liệu: vải, nhựa, đường,...). - Dụng cụ, phương tiện làm thí nghiệm: GV mầm non nên sử dụng những vật liệu sẵn có hoặc các phế liệu như vỏ hộp sữa chua, cốc nhựa dùng 1 lần đã qua sử dụng, vỏ ốc, vỏ trai... Cần đảm bảo đủ số lượng đồ dùng cho cô và trẻ. Đồ dùng của cô và trẻ giống nhau để đảm bảo tính khách quan khi cho trẻ làm thí nghiệm... - Thời gian làm thí nghiệm: Tùy vào loại thí nghiệm mà GV xác định thời gian cần thiết để tiến hành thí nghiệm cho phù hợp. Dựa vào thời gian làm thí nghiệm, có thí nghiệm ngắn hạn, ví dụ: “cuộc chạy đua của 3 cây VJE Tạp chí Giáo dục, Số 445 (Kì 1 - 1/2019), tr 26-30 27 nến”, “khi nào cát chảy nhanh hơn”, “cái gì thoát nước nhanh nhất”... Những thí nghiệm này cho trẻ nhận biết những đơn vị thời gian ngắn là giây, phút. Thí nghiệm dài hạn, ví dụ: “hạt nảy mầm”, “cây mọc lên từ đâu”, “điều kiện để hạt nảy mầm”, “cây nào nhanh lớn”... Những thí nghiệm này cho trẻ nhận biết những đơn vị thời gian dài hơn như ngày, tuần, tháng, mùa, năm... - Địa điểm: Địa điểm làm thí nghiệm là khoảng không gian cần thiết có thể tổ chức: trong lớp học, sân trường, góc thiên nhiên... ví dụ: thí nghiệm “cuộc chạy đua của 3 cây nến” có thể tổ chức trong lớp học; thí nghiệm “khi nào cát chảy nhanh hơn”, “cái gì thoát nước nhanh nhất”... có thể tổ chức trong lớp học, góc thiên nhiên hoặc sân trường; thí nghiệm “hạt nảy mầm”, “cây mọc lên từ đâu”, “điều kiện để hạt nảy mầm”, “cây nào nhanh lớn” có thể tổ chức ở góc thiên nhiên hoặc vườn trường. - Dự kiến một số tình huống có thể xảy ra khi tiến hành thí nghiệm. - Cách bố trí vị trí ngồi/đứng... của trẻ, sự tham gia vào thí nghiệm của trẻ. 2.1.3. Tiến hành cho trẻ làm thí nghiệm 2.1.3.1. Dự đoán mục đích, cách tiến hành, kết quả thí nghiệm GV cho trẻ suy nghĩ, phán đoán mục đích, cách tiến hành, kết quả hoặc đưa ra những giả thiết trước khi cho trẻ tiến hành thí nghiệm sau đó thống nhất với trẻ về mục đích làm thí nghiệm. 2.1.3.2. Tổ chức thực hiện làm thí nghiệm GV có thể chia trẻ thành các nhóm thực hiện thí nghiệm, cho các nhóm trẻ tự chọn đồ dùng thí nghiệm. Cô làm thí nghiệm của cô. 2.1.3.3. Cho trẻ quan sát, phát hiện hiện tượng xảy ra Từng trẻ hoặc nhóm trẻ báo cáo kết quả thí nghiệm, so sánh với dự đoán ban đầu. Các bạn khác nhận xét, góp ý, nêu nguyên nhân làm thí nghiệm thành công hay thất bại, đưa ra phương hướng khắc phục để đạt kết quả khách quan nhất. Dùng các thủ pháp nghệ thuật để trẻ tập trung chú ý, phát hiện ra sự thay đổi của đối tượng đang được tác động. GV có thể đặt câu hỏi, ví dụ: - Con đã quan sát thấy điều gì? Hiện tượng gì đã xảy ra? - Cây nến nào cháy ít thời gian nhất? Cây nến nào cháy hết nhiều thời gian hơn? Cây nến nào cháy hết nhiều thời gian nhất? - Cây nến nào tắt nhanh nhất? Cây nến nào tắt chậm hơn? Cây nến nào tắt chậm nhất? Nên cho trẻ lưu giữ thông tin về hiện tượng quan sát được bằng cách điền kí hiệu vào mô hình (sơ đồ). 2.1.3.4. Giải thích hiện tượng Khuyến khích trẻ giải thích các hiện tượng đã quan sát được. Ví dụ: - Cây nến nào cháy ít thời gian nhất? Vì sao con biết? (Cây nến úp cốc nhỏ cháy ít thời gian nhất, vì chỉ cháy trong 3 giây). - Cây nến nào cháy hết nhiều thời gian hơn? Vì sao con biết? (Cây nến úp cốc to cháy nhiều thời gian hơn, vì nó cháy trong 6 giây). - Cây nến nào cháy hết nhiều thời gian nhất? Vì sao con biết? (Cây nến không úp cốc nào cháy nhiều thời gian nhất, vì nó cháy trong 2 phút)... Sau đó GV khái quát lại thông tin cần cung cấp. GV lưu ý sử dụng lời giải thích đảm bảo cơ sở khoa học nhưng đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của trẻ. Ví dụ: Cây nến úp cốc nhỏ cháy hết ít thời gian nhất vì lượng không khí trong lòng cốc có ít nhất, lửa ít không khí nhất nên tắt nhanh nhất. Cây nến úp cốc to cháy hết nhiều thời gian hơn vì lượng không khí trong lòng cốc nhiều hơn cốc 1, lửa có nhiều không khí hơn nên tắt chậm hơn. Cây nến không úp cốc cháy hết nhiều thời gian nhất vì xung quanh cây nến có nhiều không khí, lửa đủ không khí để cháy nên tắt chậm nhất. 2.1.3.5. Rút ra kết luận Khuyến khích trẻ rút ra kết luận, sau đó cô chính xác hóa thông tin kết luận; nên kết hợp với kết quả trên mô hình để cho trẻ kết luận. Ví dụ: Ba cây nến cháy trong khoảng thời gian không bằng nhau. - Cây nến úp cốc nhỏ cháy hết ít thời gian nhất, tắt nhanh nhất. - Cây nến úp cốc to cháy hết nhiều thời gian hơn, tắt chậm hơn. - Cây nến không úp cốc cháy hết nhiều thời gian nhất, tắt chậm nhất. 2.1.3.6. Liên hệ, ứng dụng kiến thức vào thực tế Khuyến khích trẻ liên hệ, vận dụng kiến thức thu được qua hoạt động làm thí nghiệm để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Đun bếp lò, bếp than... có thể sử dụng ống thổi, đưa thêm không khí vào lòng bếp để giúp lửa cháy to. Muốn dập tắt đám cháy cần ngăn vật liệu gây cháy tiếp xúc với không khí như trùm vải (chăn, khăn...) ướt lên vật đang cháy, bình cứu hỏa xịt ra khí cacbonic làm lửa tắt vì không có khí oxi cho lửa cháy... 2.1.4. Đánh giá hoạt động làm thí nghiệm VJE Tạp chí Giáo dục, Số 445 (Kì 1 - 1/2019), tr 26-30 28 Cho trẻ nhận xét, đánh giá kết quả quá trình làm thí nghiệm, tinh thần tham gia làm thí nghiệm, cách thức tiến hành làm thí nghiệm của từng trẻ hoặc nhóm trẻ. GV chính xác hoá thông tin rồi khái quát những thông tin cơ bản. 2.2. Một số thí nghiệm giúp trẻ nhận biết độ dài thời gian 2.2.1. Thí nghiệm “Cuộc chạy đua của ba cây nến” - Mục đích: Giúp trẻ nhận biết không khí xung quanh, biết nến cháy nhờ có khí oxy trong không khí; nhận biết thời gian cháy của mỗi cây nến; phát triển kĩ năng quan sát, tư duy, suy luận; so sánh thời gian 3 cây nến cháy; yêu thích khám phá khoa học, bảo vệ môi trường không khí. - Chuẩn bị: 3 cây nến cao bằng nhau gắn số 1, 2, 3; bật lửa; 2 bình thuỷ tinh lớn và nhỏ, 3 đĩa sứ. - Tiến hành + Thao tác Bước 1: Gắn 3 cây nến vào đĩa sứ, đốt sáng ba cây nến. Bước 2: Úp bình thủy tinh lớn lên cây nến số 2, úp bình thủy tinh nhỏ vào cây nến số 3. + Kết quả: Cây nến số 3 tắt nhanh nhất sau đó đến cây nến số 2, cây nến số 1 cháy lâu nhất. + Giải thích: Cây nến số 3 tắt nhanh nhất (ít thời gian nhất) do lượng khí trong cốc ít nhất, nến đốt cháy không khí hết nhanh nhất. Cây nến số 2 cháy lâu hơn (nhiều thời gian hơn) do lượng khí trong cốc nhiều hơn, nến đốt cháy không khí hết lâu hơn. Cây nến số 1 ở trong môi trường không khí bình thường nên sẽ cháy đến khi hết (nhiều thời gian nhất). + Kết luận: Không khí duy trì sự cháy. + Ứng dụng: Đun bếp lò, bếp than, sử dụng ống thổi để giúp lửa cháy to. Muốn dập tắt đám cháy cần ngăn vật liệu gây cháy tiếp xúc với không khí: trùm vải (chăn, khăn...) ướt lên người bị bỏng lửa, bình cứu hỏa xịt ra khí cacbonic làm lửa tắt vì không có khí oxi... 2.2.2. Thí nghiệm “Khi nào cát chảy nhanh hơn?” - Mục đích: Giúp trẻ nhận biết được cát khi khô thường lăn nhanh hơn khi ướt. Biết thời gian cát chảy ở từng cốc; phát triển kĩ năng đo lường, quan sát; so sánh thời gian cát chảy ở 3 cốc; thích được chơi với cát, trải nghiệm với cát, không để cát vương vãi. - Chuẩn bị: 3 cốc thủy tinh trong suốt có cùng kích cỡ, loại 200ml; 3 cốc thủy tinh trong suốt có cùng kích cỡ, loại 250ml, đánh số 1,2,3; 3 phễu có kích thước như nhau; 1 thìa cán dài; cát sạch phơi khô, cát ẩm tơi, cát ướt dính, bản nhạc có thời gian khoảng 1 phút. - Tiến hành + Thao tác Bước 1: Đong cát khô, ẩm, ướt vào 3 cốc nhỏ. Bước 2: Đặt 3 cốc to theo thứ tự 1,2,3. Đặt lên miệng mỗi cốc 1 cái phễu. Bước 3: Bật bản nhạc, đổ cát khô vào trong lọ số 1, dùng thìa cán dài gạt cát từ cốc vào phễu. Khi bản nhạc kết thúc, cát chảy hết vào cốc 1. Tương tự như vậy với cốc số 2 (cát ẩm) và số 3 (cát ướt). Khi nhạc kết thúc thì dừng đổ cát. + Kết quả: Cốc 1 cát chảy thành dòng qua phễu vào cốc to rất nhanh, chỉ cần nghiêng cốc nhỏ là cát tự chảy xuống phễu. Khi bản nhạc kết thúc, cát chảy hết xuống lọ; cốc 2 cát chảy từng đợt vào trong cốc, chậm và ít hơn, khi bản nhạc kết thúc cát vẫn còn trong phễu; cốc 3 chỉ 1 chút cát rơi qua phễu vào cốc to. Cát bết lại trong phễu. + Giải thích: cốc 1 hạt cát khô, rời nhau nên cát chảy vào cốc nhanh nhất; cốc 2 các hạt cát ẩm, dễ kết dính vào nhau và dính vào thành phễu nên chảy qua phễu chậm hơn; cốc 3 cát ướt, bết dính vào nhau, chỉ 1 chút cát ban đầu lọt qua ống phễu rơi xuống cốc, sau đó cát ướt bết dính làm tắc phễu. + Kết luận: Cát khô chảy vào lọ nhanh nhất. + Ứng dụng: Muối và đường đều có dạng tinh thể giống cát nên muốn bỏ đường, muối... vào các lọ có miệng nhỏ thì những chất đó phải khô; làm đồng hồ cát từ cát khô, sạch để cát chảy đều. 2.2.3. Thí nghiệm “cái gì thoát nước nhanh nhất?” - Mục đích: Giúp trẻ biết đất thịt thoát nước lâu nhất, đất cát thoát nước nhanh hơn, cát thoát nước nhanh nhất. Biết thời gian nước thoát ở từng cốc; phát triển kĩ năng quan sát, so sánh thời gian, yêu thích các hoạt động trải nghiệm khám phá với đất, cát. - Chuẩn bị: 3 cốc nhựa trong suốt có chia vạch, đáy đục các lỗ thủng nhỏ, đánh số 1,2,3; 1 cốc nhựa cùng loại, cùng kích thước, không đục lỗ; 3 mẩu vải to bằng đáy cốc nhựa. đất thịt tơi, đất cát tơi, cát xây sạch, khô, bình nước sạch; 3 cốc thuỷ tinh miệng nhỏ (lớn hơn đáy cốc nhựa 1 chút), đánh số 1, 2, 3. - Tiến hành: + Thao tác: Bước 1: Đặt các cốc nhựa lên các cốc thuỷ tinh tương ứng số thứ tự. Lót mỗi đáy cốc nhựa 1 mẩu vải. Bước 2: Cho đất thịt vào cốc nhựa 1, đất cát vào cốc nhựa 2, cát vào cốc nhựa 3. Cả 3 cốc đều đầy bằng vạch. Bước 3: Rót vào mỗi cốc vật liệu 1 cốc nước. Chờ 10 phút. + Kết quả - Nước trên cốc nhựa đựng đất thịt thoát lâu nhất. Mức nước trong cốc thuỷ tinh số 1 thấp nhất. - Nước trên cốc nhựa đựng đất cát thoát nhanh hơn. Mức nước trong cốc thuỷ tinh số 2 cao hơn. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 445 (Kì 1 - 1/2019), tr 26-30 29 - Nước trên cốc nhựa đựng cát thoát nhanh nhất. Mức nước trong cốc thuỷ tinh số 3 cao nhất. - Giải thích: cốc 1 hạt đất thịt mịn nhất, thấm hút nước nhiều nhất và giữ nước trong hạt đất nên nước thoát ra lâu và ít nhất; cốc 2 hạt đất cát xốp hơn, thấm hút nước ít hơn và ít giữ nước trong hạt đất nên nước thoát ra nhanh và nhiều hơn, cốc 3 hạt cát là chất rắn, không thấm hút nước nên không giữ nước trong hạt cát, nước thoát rất nhanh qua các khe hạt cát nên chảy xuống cốc thuỷ tinh nhiều nhất. - Kết luận: Cát thoát nước nhanh nhất, đất cát thoát nước chậm hơn còn đất thịt thoát nước chậm nhất. - Ứng dụng: Đất thịt nhiều chất dinh dưỡng nhất và giữ nước tốt nhất nên cây trồng trên đất thịt phát triển tốt nhất; đất cát tơi, xốp, thoát nước nhanh nên phù hợp trồng cây lấy củ; cát thoát nước nhanh nên khi trồng cây cảnh trong chậu, có thể cho một lớp cát xuống phần đáy chậu rồi mới rải đất thịt giúp cây không bị chết úng khi tưới nhiều nước. 2.2.4. Thí nghiệm “nóng, lạnh và sự hòa tan của nước” - Mục đích: Giúp trẻ biết được nước khi ở nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra tốc độ hòa tan một số chất khác nhau; biết thời gian đường tan ở từng cốc; phát triển khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, chú ý có chủ định, kĩ năng đo lường, so sánh thời gian hòa tan giữa các cốc nước, sử dụng nước đúng mục đích. - Chuẩn bị: 3 cốc thủy tinh trong suốt có kích cỡ như nhau, đánh số 1, 2, 3; nước sạch ở nhiệt độ bình thường, nước sôi, nước đá; 1 thìa đong sữa (có trong các hộp sữa bột), thước gạt; 1 lọ đường, nhiệt kế, bút dạ. - Tiến hành: + Thao tác Bước 1: Xếp cốc 1,2,3 theo hàng ngang từ trái qua phải. Bước 2: Rót lượng nước như nhau vào 3 cốc: nước sôi vào cốc 1, nước bình thường vào cốc 2, nước đá vào cốc 3. Bước 3: Nhúng nhiệt kế vào các cốc và ghi kí hiệu chiều cao của vạch nhiệt kế (thấp, trung bình, cao) lên thành cốc: cốc 1 vạch nhiệt cao nhất, cốc 2 vạch nhiệt thấp hơn, cốc 3 vạch nhiệt thấp nhất. Bước 4: Cho đồng thời vào mỗi cốc nước 01 thìa đường (gạt bằng miệng). Bước 5: Quan sát trong 10 phút. + Kết quả: Cốc 1 đường tan nhanh nhất, hạt đường còn lại ít nhất; cốc 2 đường tan chậm hơn, hạt đường còn lại nhiều hơn; cốc 3 đường tan chậm nhất, hạt đường còn gần như nguyên vẹn. + Giải thích: Nhiệt độ cao làm hạt đường chảy thành dạng mềm, lỏng nên dễ hòa tan vào nước nhanh nhất (hết ít thời gian nhất). Nhiệt độ bình thường làm hạt đường ngấm nước từ từ nên tan chậm hơn (hết nhiều thời gian hơn). Nhiệt độ thấp làm hạt đường co lại, rắn chắc nên tan chậm nhất (hết nhiều thời gian nhất). + Kết luận: Sự hòa tan của một số chất nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiệt của nước cao hay thấp. + Ứng dụng: khi pha nước chanh, chỉ cho đá vào sau cùng, khi đường đã tan hết. Hạt muối cũng là loại thực phẩm có dạng tinh thể giống đường. Nêm muối vào thức ăn nóng thì muối tan nhanh hơn. 2.2.5. Thí nghiệm “tốc độ dòng chảy và mức nước” - Mục đích: Giúp trẻ biết được lượng nước còn lại trong bình phụ thuộc vào tốc độ nước thoát ra khỏi bình; điều chỉnh tốc độ nước thoát ra sẽ quyết định được mức nước còn lại trong bình; phát triển kĩ năng quan sát, so sánh, suy luận về mối quan hệ giữa tốc độ nước chảy và lượng nước còn lại trong bình; ý thức tiết kiệm nước. - Chuẩn bị: 3 bộ vỏ bình truyền 500 ml nước còn đủ dây truyền, van truyền; kéo, nước sạch, vỏ bình sữa có vạch chia độ, giá treo bình truyền; 3 bình chứa nước có kích thước như nhau. - Tiến hành: + Thao tác Bước 1: Dùng kéo khoét 1 lỗ rộng ở đáy mỗi bình truyền, gần núm treo. Khoá van truyền cả 3 bình. Bước 2: Dùng bình chia độ đong 100 ml nước rót vào bình truyền 1, rót 200ml nước vào bình 2, rót 300ml vào bình 3. Bước 3: Cho 3 trẻ mở van truyền đồng thời ở 3 bình, cô điều chỉnh cho nước chảy ra với tốc độ như nhau. Cho trẻ quan sát nước chảy từ 3 bình truyền dịch xuống dưới các bình chứa nước trong 1 phút (cô bấm giờ). Bước 4: Xả hết nước trong các bình truyền. Lần lượt đong lại nước vào 3 bình như lần đầu: rót 100 ml nước vào bình truyền 1, rót 200ml nước vào bình 2, rót 300ml vào bình 3. Bước 5: Cho 3 trẻ mở van truyền ở 3 bình, cô chỉnh van truyền để thay đổi tốc độ nước chảy: bình 1 giảm tốc độ nước chảy, cho chảy chậm hơn; bình 2 giữ nguyên tốc độ nước chảy; bình 3 tăng tốc độ cho nước chảy nhanh hơn. + Kết quả: Ban đầu bình truyền 1 có mức thấp nhất, bình 2 mức nước cao hơn, bình 3 mức nước cao nhất. Sau khi mở van truyền lần 1bình truyền 1 còn ít nước nhất; bình truyền 2 còn nhiều nước hơn; bình truyền 3 còn nhiều nước nhất. Sau khi mở van truyền lần 2 lượng nước còn lại ở 3 bình truyền là như nhau. + Giải thích: Ba bình đều có kích thước như nhau, bình truyền 1 có mức nước thấp nhất vì đựng ít nước nhất, bình 2 mức nước cao hơn vì đựng nhiều nước hơn, VJE Tạp chí Giáo dục, Số 445 (Kì 1 - 1/2019), tr 26-30 30 bình 3 mức nước cao nhất vì đựng nhiều nước nhất; sau khi mở van truyền lần 1 mức nước ở 3 bình không bằng nhau vì lượng nước ban đầu khác nhau mà tốc độ nước chảy đều như nhau; sau khi mở van truyền lần 2 lượng nước còn lại ở 3 bình truyền là như nhau vì bình 1 có ít nước nhất thì cho nước thoát ra chậm nhất, bình 2 nhiều nước hơn thì cho nước thoát ra nhanh hơn còn bình 3 nhiều nước nhất thì cho nước thoát ra nhanh nhất. + Kết luận: Lượng nước còn lại trong bình phụ thuộc vào tốc độ nước thoát ra khỏi bình. Điều chỉnh tốc độ nước thoát ra sẽ quyết định được mực nước còn lại trong bình. + Ứng dụng: Khi mở vòi nước chảy, nên mở nhỏ vừa đủ dùng để khỏi lãng phí nước sạch. 2.2.6. Thí nghiệm “thời gian nước chảy và lượng nước còn lại” - Mục đích: Giúp trẻ biết được lượng nước còn lại trong bình phụ thuộc vào thời gian nước thoát ra khỏi bình; điều chỉnh thời gian nước thoát ra sẽ quyết định được mực nước còn lại trong bình; phát triển kĩ năng quan sát, so sánh, suy luận; ý thức tiết kiệm nước. - Chuẩn bị: 3 bộ vỏ bình truyền 500 ml nước còn đủ dây truyền, van truyền, kéo; nước sạch; vỏ bình sữa có vạch chia độ; giá treo bình truyền; 3 bình chứa nước có kích thước như nhau. - Tiến hành: + Thao tác Bước 1: Dùng kéo khoét 1 lỗ rộng ở đáy mỗi bình truyền, gần núm treo. Khoá van truyền cả 3 bình. Bước 2: Rót 400ml vào mỗi bình truyền. Bước 3: Cho 3 trẻ mở van truyền ở 3 bình. Cô điều chỉnh cho nước chảy ra thành dòng như nhau. Sau 1 phút khoá van truyền bình 1. Sau 2 phút khoá van truyền bình 2. Sau 3 phút khoá van truyền bình 3. + Kết quả: bình truyền 3 còn ít nước nhất; bình truyền 2 còn nhiều nước hơn; bình truyền 1 còn nhiều nước nhất. + Giải thích: bình truyền 3 còn ít nước nhất vì thời gian để nước chảy ra nhiều nhất (3 phút); bình truyền 2 còn nhiều nước hơn vì thời gian để nước chảy ra ít hơn (2 phút); bình truyền 1 còn nhiều nước nhất vì thời gian để nước chảy ra ít nhất (1 phút). + Kết luận: Lượng nước còn lại trong bình phụ thuộc vào thời gian nước thoát ra khỏi bình. + Ứng dụng: Khi mở vòi nước chảy, dùng nước xong phải khoá ngay vòi nước để nước sạch không chảy ra ngoài, lãng phí nước. 3. Kết luận Tham gia các hoạt động trải nghiệm trong những khoảng thời gian nhất định chính là con đường hình thành biểu tượng về độ dài thời gian một cách trực quan, sinh động, giúp trẻ 5-6 tuổi hình thành năng lực nhận biết và sử dụng thời gian hợp lí hơn, biết tôn trọng thời gian hơn, hoạt động theo giờ giấc phù hợp, góp phần hình thành lối sống văn hóa hiện đại, tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Quá trình thực nghiệm cho thấy, qua hoạt động làm thí nghiệm, trẻ 5-6 tuổi nhận biết chính xác khoảng thời gian diễn ra mỗi sự kiện, từ đó nhận biết mối quan hệ độ dài thời gian, mối quan hệ tốc độ diễn ra các sự kiện chính xác hơn; trẻ sử dụng từ chỉ thời gian đúng hơn, hạn chế tình trạng nhầm lẫn giữa từ chỉ độ dài thời gian và từ chỉ tốc độ diễn ra sự kiện. Quá trình làm thí nghiệm cũng góp phần giúp trẻ phát triển kĩ năng điều chỉnh tốc độ hoạt động phù hợp với thời gian cho phép, bước đầu giúp trẻ biết quản lí thời gian khi thực hiện hoạt động. GV mầm non nên tích cực tổ chức cho trẻ trải nghiệm độ dài thời gian qua các hoạt động, nhất là qua quá trình làm thí nghiệm để giúp trẻ nhận biết thời gian, vận dụng hiểu biết về thời gian vào các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày. Tài liệu tham khảo [1] Đỗ Thị Minh Liên (2008). Phương pháp dạy trẻ mẫu giáo định hướng thời gian. NXB Đại học Sư phạm. [2] Đỗ Thị Minh Liên (2011). Giáo trình lí luận và phương pháp hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non. NXB Đại học Sư phạm. [3] Hoàng Thị Oanh - Nguyễn Thị Xuân (2008). Phương pháp cho trẻ mầm non khám phá khoa học về môi trường xung quanh. NXB Giáo dục. [4] Hoàng Thị Phương (2008). Lí luận và phương pháp hướng dẫn trẻ làm quen với môi trường xung quanh. NXB Đại học Sư phạm. [5] Hoàng Thị Phương (chủ biên, 2018). Tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non. NXB Đại học Sư phạm. [6] J.Piaget (1969). The child’s conception of time. New York, Ballantine Books. [7] Vũ Thị Diệu Thúy (chủ biên, 2016) - Phạm Thị Thanh Vân - Nguyễn Thị Hương Lan - Trương Hải Yến - Lê Thị Tuyết Nhung. Cùng bé tập làm nhà khoa học. NXB Giáo dục. [8] Hoàng Thị Phương (2016). Tích hợp mục tiêu Giáo dục trong hoạt động trải nghiệm của trẻ mầm non. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 12, tr 85-87. [9] Trần Thị Huyền (2018). Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ 5-6 tuổi khám phá văn hóa ẩm thực Bạc Liêu. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 6, tr 286-289.
File đính kèm:
- to_chuc_cho_tre_5_6_tuoi_nhan_biet_do_dai_thoi_gian_qua_hoat.pdf