Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ

Tóm tắt. Nội dung bài viết đề cập đến tầm quan trọng của các giác quan và điều hòa cảm

giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Bài viết cũng đề cập đến những hoạt động giúp điều hòa

cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ cũng như các hình thức tổ chức hoạt động điều hòa cảm

giác cho trẻ tự kỉ bao gồm: luyện tập, trò chơi, ngoại khóa và tích hợp vào các hoạt động

khác.

pdf 8 trang yennguyen 6620
Bạn đang xem tài liệu "Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ

Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0229
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8C, pp. 102-109
This paper is available online at 
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU HOÀ CẢMGIÁC
CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ
Hoàng Thị Nho, Hoàng Nhật Linh
Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Nội dung bài viết đề cập đến tầm quan trọng của các giác quan và điều hòa cảm
giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Bài viết cũng đề cập đến những hoạt động giúp điều hòa
cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ cũng như các hình thức tổ chức hoạt động điều hòa cảm
giác cho trẻ tự kỉ bao gồm: luyện tập, trò chơi, ngoại khóa và tích hợp vào các hoạt động
khác.
Từ khóa: Trẻ rối loạn phổ tự kỉ, hệ thống giác quan, điều hòa cảm giác, rối loạn xử lí giác
quan.
1. Mở đầu
Rối loạn phổ tự kỉ gây ra cho trẻ những khó khăn về nhiều mặt: Ngôn ngữ, vận động, nhận
thức, giác quan. . . , đồng thời mỗi trẻ lại có những biểu hiện và mức độ khác nhau. Việc lựa chọn
và vận dung những chiến lược, phương pháp, chương trình can thiệp phù hợp với đặc điểm riêng
của từng cá nhân trẻ luôn là những thách thức với các nhà giáo dục. Trẻ RLPTK thường có những
khó khăn nhất định trong việc điều hoà và phối hợp các giác quan do hệ thống tổ chức xử lí thông
tin hoạt động kém hiệu quả, gây ảnh hưởng rất lớn đến các mặt phát triển khác.
Đối với trẻ khuyết tật nói chung, trẻ RLPTK nói riêng, can thiệp sớm sẽ giúp các em có
nhiều cơ hội để thay đổi và phát triển hơn. Giai đoạn tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng tạo lập
những nền tảng cơ bản cho sự phát triển của trẻ sau này. Đây là giai đoạn quan trọng để nhận biết
và phát hiện những cách thức can thiệp, trị liệu kịp thời về giác quan cho trẻ RLPTK.
Kiểm soát và điều chỉnh cảm giác là một trong những khó khăn phổ biến ở trẻ RLPTK. Có
rất nhiều nghiên cứu được tiến hành về đề tài cảm giác của trẻ RLPTK nói chung và các phương
pháp, vai trò của việc điều hoà cảm giác cho trẻ nói riêng. Các tác giả Fazliog˘lu, Yes¸im, Baran,
Gulen, Trường Đại học Trakya, Thổ Nhĩ Kì đã thực hiện nghiên cứu về liệu pháp điều hoà cảm
giác cho trẻ tự kỉ tại Trung tâm đào tạo và phát triển trí tuệ và thể chất trẻ em khuyết tật Thổ Nhĩ
Kì. Các em được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm 15 em tuổi từ 7 đến 11 có RLPTK được xác
định theo các tiêu chí của DSM – IV. Trẻ được đánh giá về cảm giác trước và sau nghiên cứu bằng
bảng “Sensory Evaluation Form for Children with Autism” để thấy được hiệu quả sau quá trình
Ngày nhận bài: 30/07/2015. Ngày nhận đăng: 05/10/2015.
Liên hệ: Hoàng Thị Nho, e-mail: nhotrung2003@gmail.com.
102
Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
can thiệp. Kết quả chỉ ra rằng những hoạt động trị liệu cảm giác đã đem đến những ảnh hưởng tích
cực cho 2 nhóm trẻ tham gia chương trình [9].
Ngoài ra cũng có rất nhiều cuốn sách đã được xuất bản nói về phương pháp, hoạt động điều
hoà cảm giác cho trẻ RLPTK như cuốn Raising a Sensory Smart Child của tác giả Biel và Linsay
xuất bản năm 2009; cuốn Sensory Motor Handbook: A Guide for Implementing and Modifying
Activities in the Classroom của nhóm tác giả Bissell, Julie, Jean Fisher, Carol Owens và Patricia
Polcyn (1998). Các bảng theo dõi về vấn đề rối loạn xử lí thông tin ở trẻ cũng được một số tác giả
đưa ra trong các sản phẩm nghiên cứu của mình như trong cuốn Sensational Kids: Hope and Help
for Children with Sensory Processing Disorder, tác giả Miller. Lucy J (2006) [6,7].
Ở các cơ sở can thiệp cho trẻ RLPTK hiện nay, hoạt động trị liệu cảm giác thường được đưa
vào các tiết học cá nhân nhưng không phải trẻ RLPTK nào cũng có điều kiện để tham gia hoặc cơ
sở nào cũng có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng và thực hiện các hoạt động trị liệu đa dạng để các
em có thể tham gia tích cực và hiệu quả.
Bài báo nhấn mạnh về quá trình hoạt động, xử lí thông tin giác quan và vai trò của điều hòa
cảm giác với việc học tập, các nhóm hoạt động điều hòa giác quan cho trẻ và đề xuất những hình
thức điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỉ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Hệ thống giác quan và điều hoà cảm giác cho trẻ Rối loạn phổ tự kỉ
Hệ thống giác quan của con người có vai trò xử lí thông tin bên trong cơ thể và bên ngoài
môi trường, đáp ứng các nhu cầu của hoạt động sống, bao gồm hoạt động thể chất, hoạt động trí
não, tỉnh cảm, cảm xúc. Khi nói về giác quan, thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến thị giác, thính
giác, xúc giác, khứu giác, vị giác và tối thiểu đều hiểu được những giác quan đó có vai trò thế
nào đối với hoạt động học tập. Ngoài năm giác quan kể trên, còn có thêm hai hệ thống giác quan
khác có vai trò không kém phần quan trọng đó là hệ thống cảm thụ bản thể (thông tin giác quan
bắt nguồn từ các khớp và các cơ góp phần giúp con người ý thức được về cơ thể và điều khiển các
chuyển động) và hệ thống tiền đình (thông tin bắt nguồn từ tai góp phần giữ thăng bằng và kiểm
soát vị trí của đầu khi hoạt động trong môi trường hoặc với cơ thể) [5].
Hoạt động của mỗi hệ thống giác quan đều dựa vào một hoặc nhiều cơ quan với chức năng
như một cơ quan thụ cảm. Ví dụ: Đôi mắt là cơ quan thụ cảm thị giác, đôi tai là cơ quan thụ cảm
thính giác. . . Mỗi một cơ quan thụ cảm chịu trách nhiệm truyền những thông tin cảm giác não bộ
để xử lí, đây được gọi là quá trình tri giác. Những người có bất thường ở một hoặc nhiều cơ quan
thụ cảm, như người khiếm thị hoặc người khiếm thính, rõ ràng sẽ có những sự khác biệt trong cách
học tập do những khó khăn đó gây nên. Tuy nhiên, ngay cả những người không có khó khăn về
tri giác, đều có cách tiếp nhận và phản hồi lại thông tin giác quan khác nhau. Rất hiếm khi con
người chỉ sử dụng duy nhất một giác quan mà mỗi giác quan đều phối hợp với các giác quan khác
để giúp con người có thể tổng hợp thông tin một cách đầy đủ và phức hợp về thế giới xung quanh,
quá trình này được gọi là phối hợp cảm giác.
Vai trò của hệ thống giác quan với hoạt động học tập được William và Schellenberger mô
tả cụ thể trong mô hình hình tháp sau [5]:
Đa phần đối với những người có kĩ năng phối hợp cảm giác tốt, quá trình này xảy ra một
103
Hoàng Thị Nho, Hoàng Nhật Linh
Hình 1. Mô hình hình tháp về Vai trò hệ thống giác quan với hoạt động học tập
cách tự nhiên và vô thức. Còn với những người có kĩ năng kém hơn, thông tin truyền đến não bộ
có thể gặp những sự cố vì thế họ phải tập trung vào mỗi khía cạnh riêng biệt của tình huống, điều
này đôi khi có thể gây ra sự quá tải cho họ. Những vấn đề trong việc phối hợp cảm giác được gọi
là Rối loạn xử lí giác quan hoặc rối loạn phối hợp cảm giác. Đáp ứng nhu cầu khó khăn về giác
quan của một người, có rất nhiều chiến lược có thể giúp cho việc phối hợp thông tin giác quan của
trẻ trở nên hiệu quả hơn.
Những kinh nghiệm về cảm giác có một vai trò quan trọng trong việc định hình hành vi và
cung bậc cảm xúc của con người. Giống như khi cùng lúc thu nhận rất nhiều lượng thông tin từ cơ
thể và từ môi trường, con người cần chọn lọc những cảm giác phù hợp, phớt lờ hoặc loại bỏ những
cảm giác không phù hợp. Quá trình này gọi là điều hoà cảm giác. Khả năng điều chỉnh thông tin
giác quan của con người là khác nhau tuỳ thuộc vào tình huống.
Tác giả Alma Jean Ayres Baker đã đưa ra khái niệm về điều hoà cảm giác: Điều hoà cảm
giác là quá trình thần kinh tổ chức các cảm giác từ cơ thể và từ môi trường, làm cho con người
có thể sử dụng cơ thể một cách hiệu quả trong môi trường. Điều hoà cảm giác là sự điều phối của
những mối liên kết giữa não bộ và hành vi [4].
Cũng nghiên cứu về vấn đề điều hoà cảm giác, tác giả Carol Stock Kranowitz định nghĩa về
điều hoà cảm giác như sau: Điều hoà cảm giác là quá trình thần kinh tổ chức các thông tin mà con
người nhận được từ các giác quan "xa" và các giác quan "gần". "Khi não xử lí thông tin cảm giác
đúng, con người sẽ đưa ra phản hồi một cách thích hợp và tự động [8].
Trong hai khái niệm trên, các tác giả cùng thống nhất trong quan điểm, điều hoà cảm giác
do hệ thần kinh điều khiển trong đó, những thông tin mà giác quan nhận được sẽ được hệ thần kinh
xử lí để cơ thể đưa ra một phản hồi phù hợp.
104
Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
2.2. Phân loại hoạt động và các hình thức thực hiện điều hoà cảm giác cho trẻ
Rối loạn phổ tự kỉ
2.2.1. Phân loại hoạt động
Các vấn đề cảm giác của trẻ biểu hiện theo nhiều kiểu khác nhau, chính vì vậy, người ta
phân chia ra làm các loại hoạt động để có những hình thức tổ chức điều hoà cảm giác với những
chức năng cho phù hợp. Cụ thể [5,7,8]:
Các hoạt động giữ bình tĩnh
- Các hoạt động giữ bình tĩnh và có tổ chức là các hoạt động có ích nhất đối với việc giảm
sự kích thích quá mức từ các nguồn cảm giác. Giúp trẻ có khả năng những điều chỉnh và phản ứng
đúng đối với môi trường khiến trẻ cảm thấy dễ chịu, bình tĩnh. Hình thức này có thể áp dụng khi
trẻ bị kích thích quá mức với bất cứ hệ thống giác quan nào.
- Những điều chỉnh môi trường giúp tạo ra sự bình tĩnh:
+ Thị giác: Giảm sự chói lóa, giảm ánh sáng mạnh, sử dụng đèn trần hoặc đèn bàn, giảm
sự xao lãng về mặt thị giác trong lớp học.
+ Thính giác: Tạo ra nơi yên tĩnh để lẩn trốn khi trẻ yêu cầu, cho trẻ sử dụng tai nghe để
ngăn chặn sự xao lãng hoặc âm thanh lớn nếu trẻ cần; sử dụng thảm trải sàn dày, gối để hấp thụ
âm thanh trong phòng. Cho phép trẻ cầm đồ vật trẻ thấy thoải mái, giảm sự căng thẳng; sử dụng
các thao tác tạo áp lực mạnh như ôm mạnh, quấn chăn. . . ; Duy trì các âm thanh, nhịp điệu ở tốc
độ chậm.
+ Xúc giác: Tránh những sự tiếp xúc về da không mong muốn, nói với trẻ trước khi sờ vào
trẻ, để trẻ là người chủ động sờ, chạm, không bắt ép trẻ...
+ Chuyển động: Giúp trẻ giữ bình tĩnh bằng những sự di chuyển chậm và có tính nhịp điệu
như ghế xích đu hoặc đu đưa, nhún lên nhún xuống nhẹ nhàng.
Các hoạt động giúp cảm nhận đúng, chính xác
Các hoạt động này hầu như luôn luôn liên quan đến việc sử dụng các cơ và cơ quan (thụ
cảm) trong hoạt động mạnh gây ra lực ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Những “hoạt động mạnh” dưới
đây có thể được sử dụng để giúp tổ chức hệ thần kinh một cách toàn diện và giúp mang lại cho
cơ thể mức độ tập trung và chú ý “chính xác”. Những ý tưởng này giúp trẻ có phản ứng giác quan
quá ngưỡng điều chế hệ thần kinh của mình, đồng thời làm cho cho các phản ứng giác quan dưới
ngưỡng trở về mức độ “chính xác”. Nói tóm lại, các hoạt động này có thể có ích cho tất cả các trẻ
có vấn đề về cảm giác:
- Mang vác, đẩy, kéo đồ vật nặng như: Túi, ba lô, chồng sách, hộp đồ chơi. . .
- Treo người bằng cánh tay hoặc trèo cây, các thiết bị ở sân chơi, thang dây thừng. . .
- Bò bằng tay và đầu gối dưới bàn hoặc ghế, trên chiếc gối, qua đường hầm tự xây dựng,
theo một đường thẳng. . .
- Các trò chơi xâm nhập vào cơ thể như xô vào chồng gối lớn, đệm, ghế sofa. . .
- Mát xa hoặc sờ chạm với áp lực mạnh: Bò dưới gối hoặc đệm, mặc một chiếc áo khoác
nặng, tạo ra áp lực cho trẻ với quả bóng to hay gối to, cuộn tròn trong chăn. . .
- Các hoạt động cắn, nhai, thổi, hoặc các hoạt động bú mút: Thức ăn cứng và giòn, ống để
105
Hoàng Thị Nho, Hoàng Nhật Linh
nhai, ống hút để uống hoặc các trò chơi để thổi. . .
- Sử dụng các dụng cụ yêu cầu hoạt động mạnh như búa, xẻng, tua vít...
Các hoạt động thức tỉnh
Các hoạt động thức tỉnh giúp những trẻ cảm giác dưới ngưỡng và cảm giác tìm kiếm thụ
động tự điều hoà. Tăng cường độ và độ bền của hoạt động sẽ giúp trẻ nhận ra các cảm giác và
mang lại cho cơ thể những gì trẻ cần hoặc muốn để giúp duy trì hệ thần kinh có khả năng điều hoà
tốt. Sau đây là một vài ví dụ về các hoạt động thông báo:
- Các trò chơi xúc giác như chơi với đất nặn, chơi với bột mì nhào. . . hoặc bất cứ đồ vật có
sự trung hòa điện trở nào khác. Để các ngón tay vào sơn, kem cạo râu,. . . để tạo ra các hình/tranh.
Thêm cát hoặc gạo để tăng cường độ ma xát.
- Chà xát các hình vuông nhỏ với các chất liệu vải khác nhau vào da của trẻ.
- Tìm kiếm bằng tay với các đồ chơi nhỏ ở trong hộp đầy gạo hoặc đỗ.
- Trò chơi dùng đèn chiếu sáng, hoặc đồ chơi có đèn sẽ có ích vì chúng chúng tạo ra cường
độ thị giác mạnh và có sự tương phản. Trẻ có thể cần một khu vực nhỏ được bố trí tốt trong phòng
để tăng cường sự tập trung vào hoạt động.
- Những âm thanh hay bài hát có cường độ mạnh và bất thường sẽ kích thích hệ thần kinh
của trẻ. Những bài hát đi kèm vận động cũng là lựa chọn tốt đối với sự thông báo.
Các hoạt động chuyển động hàng ngày sẽ cung cấp cho trẻ những thông tin đầu vào cần
thiết để trẻ duy trì sự điều hoà giác quan hiệu quả. Những hoạt động này cần có cường độ mạnh và
có khoảng dừng thường xuyên để tác động đến hệ thần kinh một cách hiệu quả. Những hoạt động
dựa trên hệ thống tiền đình có hiệu lực nhất đối với việc tăng sự nhanh nhạy của trẻ có phản ứng
cảm giác dưới ngưỡng. Sau đây là một vài ví dụ về các hoạt động chuyển động:
- Lăn toàn cơ thể, lăn trên một phía hoặc lăn về phía trước, lăn trên quả bóng. . .
- Chạy, nhảy tại chỗ, trên tấm bạt lò xo, đệm, nhảy dây, nhảy qua chướng ngại vật. . .
- Bơi.
- Đạp xe đạp, xe ba bánh; chơi bập bênh.
2.2.2. Hình thức tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ Rối loạn phổ tự kỉ
Luyện tập
Luyện tập là một hình thức điều hoà cảm giác được thường xuyên áp dụng với trẻ RLPTK.
Với đặc điểm khó thích nghi với những sự thay đổi cũng như thói quen rập khuôn cứng nhắc, mục
đích của hình thức luyện tập là giúp cho trẻ hình thành và duy trì những thói quen; trẻ quen với
những kích thích từ môi trường, tăng cường khả năng xử lí thông tin và đưa ra những phản hồi phù
hợp với tình huống, hoàn cảnh.
Yếu tố quyết định thành công của hình thức luyện tập là giáo viên cần xây dựng, lựa chọn
hệ thông các bài tập. Các bài tập cần tuân thủ theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ tái tạo đến sáng
tạo, nghĩa là học sinh cần thuần thục với những bài tập mẫu trước khi có sự vận dụng linh hoạt.
Đặc biệt với vấn đề khó khăn trong điều hoà cảm giác, những bài tập giáo viên đưa ra cho trẻ cần
đảm bảo độ chính xác, chặt chẽ, tính khoa học bởi những tác động tới giác quan gây ảnh hưởng
lớn đến nhưng hoạt động sống của cơ thể. Chỉ cần một tác động sai rất nhỏ cũng có thể làm đảo
lộn cơ chế sinh học của trẻ. Các bài tập cần đưa ra từ từ, nâng dần cường độ và tần suất để cơ thể
106
Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
của trẻ có được sự thích nghi.[10].
Thực hiện thông qua các hoạt dộng trò chơi, ngoại khóa
Hoạt động trò chơi và hoạt động ngoại khoá là những hoạt động mang tính chất thoải mái,
giải phóng cơ thể. Khác với hoạt động học tập hay luyện tập, trẻ phải tham gia vào một kế hoạch
được lập sẵn, mới những trình tự và quy tắc thực hiện cần đảm bảo nghiêm chỉnh, trong hoạt động
trò chơi trước hết đem lại cho trẻ sự thoải mái về mặt tinh thần. Những trò chơi có yếu tố vận động
đem lại cho trẻ sự thích thú, hào hứng tham gia mà không cần đặt nặng những mục tiêu, nhiệm
vụ cần phải đạt được. Trẻ tham gia với một tâm thế sẵn sàng, vui vẻ, rèn luyện sức khoẻ, sự deo
dai, khéo léo của các cơ và hệ thống giác quan. Trẻ được di chuyển trong một không gian rộng
lớn với những chướng ngại vật đòi hỏi bản thân phải tăng cường sự tự điều chỉnh, kiểm soát. Các
hoạt động trò chơi, ngoại khoá thường được tổ chức ngoài trời, trẻ được rời xa khuôn viên lớp học,
trải nghiệm môi trường bên ngoài. Trẻ có cơ hội được cảm nhận về thế giới xung quanh thông qua
những hoạt động khám phá. Mỗi môi trường hoạt động có những nét đặc trưng khác nhau mà chỉ
bản thân môi trường đó mới có được, vì vậy sẽ đem đến cho trẻ những trải nghiệm phong phú,
riêng biệt [1],[[8], [10].
Tham gia vào các hoạt động trò chơi, ngoại khoá cũng là một cách để trẻ làm quen dần mới
những kích thích từ môi trường sống. Thế giới xung quanh luôn vận động và thay đổi, trẻ cần được
va chạm để thích nghi và có điều chỉnh phù hợp.
Tích hợp vào các hoạt động khác nhất là với hoạt động tạo hình
Ngoài hai hình thức phổ biến trên, hoạt động điều hoà cảm giác còn được tích hợp vào trong
các hoạt động học tập khác hay các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ, ví dụ: Hoạt động tạo
hình, âm nhạc, thể dục; các hoạt động chuyển tiếp giữa các giờ học;... Khi tích hợp, giáo viên cần
lưu ý đến việc lựa chọn, xác định và điều chỉnh các mục tiêu, hoạt động để hướng đến điều hoà
cảm giác cho trẻ RLPTK; thiết kế hoạt động theo từng chủ đề khác nhau, có mối liên hệ chặt chẽ
giữa các chủ đề, giúp cho trẻ được hoạt động xuyên suốt, có tổ chức và hiệu quả. Giáo viên cần
cân bằng giữa các nội dung hoạt động sao cho vừa đảm bảo đạt được mục tiêu chung, vừa hỗ trợ
trẻ trong việc điều hoà cảm giác. Tích hợp vào các hoạt động khác nhau giúp cho việc điều hoà
cảm giác cho trẻ được thực hiện thường xuyên, đa dạng ở nhiều môi trường khác nhau góp phần
làm tăng hiệu quả can thiệp [1,2,3].
Nghệ thuật là một phương thức thú vị cho trẻ RLPTK vì nó là một hoạt động mà điểm mạnh
(học thị giác, sở thích cảm giác) và những hạn chế (trí tưởng tượng, nhu cầu kiểm soát cảm giác)
hợp nhất. Trẻ thường rất muốn tham gia vào các hoạt động nghệ thuật và sử dụng nghệ thuật như
một cách để thoả mãn những nhu cầu về giác quan, hành vi, cảm xúc. . . của mình. Trong hoạt
động tạo hình, trẻ có cơ hội được tiếp xúc với các chất liệu khác nhau, đáp ứng các nhu cầu giác
quan của trẻ, đặc biệt là cảm giác xúc giác [1,9].
Trẻ RLPTK thường quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm với các kích thích do khả năng nghèo
nàn của cơ thể trong việc lọc những thông tin giác quan đầu vào. Vì thế, trẻ thường nhờ đến sự
giúp đỡ của người lớn để giúp tcác em có thể bình tĩnh hoặc được tiếp thêm năng lượng. Sử dụng
nghệ thuật là một cách để giúp trẻ RLPTK điều chỉnh cơ thể. Trong hoạt động, người giáo viên
hay nhà trị liệu có sẽ là người đưa tới cho trẻ các vật liệu ở mức độ phù hợp nhằm làm dịu lại trạng
thái cảm giác hiện tại của trẻ; việc đem đến quá nhiều hoặc quá ít sẽ càng làm cho trạng thái cảm
giác của trẻ khó điều tiết hơn. Mỗi cá nhân trẻ RLPTK có những đặc điểm, biểu hiện cảm giác
107
Hoàng Thị Nho, Hoàng Nhật Linh
khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn các nguyên vật liệu được sử dụng là một trong những yếu tố quyết
định tính hiệu quả của hoạt động.
Cảm nhận về các chất liệu không chỉ thông qua đôi bàn tay mà thông qua hoạt động tạo
hình cho phép trẻ được tác động lên cả những bộ phận khác của cơ thể như mặt, thân người, chân...
qua việc kết hợp các hình thức thể hiện nghệ thuật phong phú (vẽ mặt nạ, làm trang phục, sử dụng
bàn chân để vẽ, in hình...).
Các yếu tố âm thanh, màu sắc, mùi vị... cũng đem lại cho trẻ RLPTK những trải nghiệm
mới trong hoạt động tạo hình. Bằng sự sáng tạo giáo viên có thể lựa chọn, tổ chức những hoạt động
mà trong đó, trẻ được nghe, được nhìn, được ngửi, được nếm... Những sự vật thân quen trong cuộc
sống của trẻ hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu của hoạt động tạo hình hay những nguyên vật
liệu của hoạt động tạo hình trẻ hoàn toàn có thể sờ thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy.
3. Kết luận
Hỗ trợ điều hoà cảm giác cho trẻ RLPTK là hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với đặc
điểm của trẻ, đặc biệt là về mặt rối loạn xử lí thông tin giác quan. Các hoạt động tổ chức điều hòa
cảm giác cho trẻ tự kỉ cần chú trọng đến việc phối hợp các giác quan bao gồm cả cảm nhận bản
thể và hệ thống tiền đình.
Các hoạt động điều hòa cảm giác cần tập trung theo nhóm các hoạt động giúp trẻ RLPTK
đạt được các mục tiêu: Giúp trẻ bình tĩnh, cảm nhận đũng, chính xác và thức tỉnh.
GV và cha mẹ cần kết hợp linh hoạt và đa dạng các hình thức tổ chức nhất là các hoạt động
tích hợp nhằm hỗ trợ điều hoà cảm giác cho trẻ RLPTK phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở:
Về trang thiết bị đồ dùng, cơ sở vật chất, môi trường học tập cũng như phù hợp với đặc điểm các
lĩnh vực phát triển của trẻ.
- GV cũng cần tự tìm tòi, sáng tạo, áp dụng các hình thức mới trong tổ chức hoạt động điều
hòa cảm giác cho trẻ RLPTK nhất là những hoạt động sáng tạo như hoạt động tạo hình, đóng vai,
trò chơi....
- Cần có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với phụ huynh để phụ huynh nhận ra
vai trò, tác dụng của các hoạt động khác nhau đối với vấn đề rối loạn xử lí thông tin cảm giác của
trẻ, hướng dẫn và khuyến khích phụ huynh tổ chức các hoạt động điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỉ
tại gia đình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ giáo dục và đào tạo, 2011. Chương trình giáo dục mầm non. Nxb Giáo dục Việt Nam.
[2] Lê Thanh Thuỷ, 2014. Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non. Nxb Đại
học Sư phạm.
[3] Angermeier P, Krzyanowski J. and Moir K.K., 2009. Learning in Motion: 101+ Sensory
Activities for the Classroom. 2nd edition. Arlington, TX: Future Horizons.
[4] Angie Voss, OTR,. 2013. Understanding Your Child’s Sensory Signals. ASensoryLife.com
[5] Arkwright, Jan, 1998. An Introduction to Sensory Integration. Pro-Ed, Inc. Austin, Texas.
108
Tổ chức hoạt động điều hoà cảm giác cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
[6] Diane Kearns, 2004. Art Therapy with a Child Experiencing Sensory Integration Difficulty.
Art Therapy: Journal of the American Art Therapy Association, 21(2), 95 - 101.
[7] Dunn, Winnie, 2008. Living Sensationall: Understanding Your Senses. Jessica Kingsley
Publishers, Philadelphia, PA, USA.
[8] Kranowitz, Carol, 2005. The Out-of-Sync Child, Recognizing and Coping with Sensory
Processing Disorder. Penguin Group (USA) Inc. New York, NY. 10014, USA.
[9] Lisa A. Kurtz, 2014. Simple Low-Cost Games and Activities for Sensorimotor Learning.
Jessica Kingsley Publishers.
[10] Natasha Parker and Patrick O’Brien, 2011. Play Therapy Reaching the Child with Autism.
International Journal of Special Education, 26(1), 80 - 87.
ABSTRACT
Sensory regulation activities for children with autism spectrum disorders
The contents of the article refers to the importance of the senses and sensory intergration for
young children with autistic spectrum disorders. The article also suggests groups of activities that
will help sensory regulation for young people with autistic spectrum disorders and other forms
of organized activities for children. These activities include exercise, games and extracurricular
activities.
Keywords: Children with autism spectrum disorders, sensory systems, sensory regulation,
sensory processing disorder.
109

File đính kèm:

  • pdfto_chuc_hoat_dong_dieu_hoa_cam_giac_cho_tre_roi_loan_pho_tu.pdf