Bảo tồn kiến trúc truyền thống Tây Nguyên trong quá trình phát triển du lịch địa phương
TÓM TẮT: Bài viết khái quát những giá trị cơ bản của các loại hình kiến trúc truyền
thống tiêu biểu ở Tây Nguyên, sơ lược về thực trạng các loại hình kiến trúc này trong bối
cảnh hội nhập, đồng thời chỉ ra những tiềm năng khai thác du lịch địa phương dựa trên
các kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc nhất của một số dân tộc địa phương. Bên cạnh đó, bài viết
giới thiệu một số cơ sở kinh doanh du lịch địa phương, qua đó phân tích một số khó khăn
của du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên hiện nay và thử đề xuất hướng khắc phục.
Bạn đang xem tài liệu "Bảo tồn kiến trúc truyền thống Tây Nguyên trong quá trình phát triển du lịch địa phương", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Bảo tồn kiến trúc truyền thống Tây Nguyên trong quá trình phát triển du lịch địa phương
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Hồ Thị Thanh Nhàn 86 BẢO TỒN KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG TÂY NGUYÊN TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƢƠNG CONVERSE TAY NGUYEN TRADITIONAL ARCHITECTURE DURING THE DEVELOPMENT OF LOCAL TOURISM HỒ THỊ THANH NHÀN ThS. Trường Đại học Văn Lang, Email:hothithanhnhan@vanlanguni.edu.vn TÓM TẮT: Bài viết khái quát những giá trị cơ bản của các loại hình kiến trúc truyền thống tiêu biểu ở Tây Nguyên, sơ lược về thực trạng các loại hình kiến trúc này trong bối cảnh hội nhập, đồng thời chỉ ra những tiềm năng khai thác du lịch địa phương dựa trên các kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc nhất của một số dân tộc địa phương. Bên cạnh đó, bài viết giới thiệu một số cơ sở kinh doanh du lịch địa phương, qua đó phân tích một số khó khăn của du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên hiện nay và thử đề xuất hướng khắc phục. Từ khóa: kiến trúc truyền thống Tây Nguyên, nhà Rông, nhà dài, nhà mồ, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Mnông. ABSTRACT: The paper has outlined principal values of typical traditional architectural forms in Tay Nguyen, summarized the reality of such in the context of integration, pointed out potentials in local tourism exploitation base on the most typical and distinctive architectures of local ethnic groups. Besides, it also introduces some local tourism businesses, from that, analyses difficulties of Tay Nguyen community tourism at this moment and suggest solutions to overcome. Key words: Tay Nguyen traditional architecture, communal house, long house, sepulchre, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Mnông. 1. KHÁI QUÁT VỀ KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG TÂY NGUYÊN Nhìn chung, kiến trúc trong mỗi ngôi làng truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên có thể được chia thành ba nhóm dựa theo mục đích sử dụng, gồm: nhà ở, nhà cộng đồng và nhà mồ, ngoài ra còn có chòi rẫy, kho thóc nhưng quy mô nhỏ và ít đặc trưng. Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng), với 11 dân tộc bản địa (Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Ê Đê, Mnông, Cơ ho, Mạ, Chu Ru) có lịch sử cư trú lâu đời, tuy nhiên kiến trúc truyền thống được biết đến thường chỉ là của những nhóm dân tộc đông dân hơn cả, như người Ba Na, Gia Rai ở phía Bắc (Gia Lai, Kon Tum), người Ê Đê ở phía Nam (Đăk Lăk). Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quy mô dân số và mức độ ổn định của nơi cư trú. Theo một nghiên cứu vào năm 1994 [2], thời gian định cư của các làng dân tộc ở Tây Nguyên chia thành ba cấp độ: Nhóm TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 03 / 2017 87 di cư nhiều nhất là những dân tộc có dân số ít, canh tác rẫy trên những địa bàn nhiều sỏi đá, bạc màu, định cư không quá 10 năm; Nhóm có dân số trung bình di cư ít hơn, canh tác trên những địa hình thoai thoải, quỹ đất dồi dào, khá màu mỡ, điển hình là các nhóm người Ba Na ở huyện An Khê, huyện Kbang (Gia Lai), “trong đời người Ba Na ở vùng An Khê, Kbang thường phải chuyển làng 3-4 lần”; Nhóm dân cư ổn định nhất canh tác lúa nước hoặc làm rẫy trên những vùng đất bằng rộng lớn, điển hình là người Gia Rai, Ê Đê, nhóm Ba Na- Kon Tum và nhóm Mnông-Rlăm. Buôn làng của họ đông đúc, nhà cửa khang trang, chắc chắn, nếu có rời chuyển thì thường chỉ vì lý do tín ngưỡng. “Có những người Ba Na ở Kon Tum cả đời chưa bao giờ phải chuyển làng” [2]. “Buôn Anur của người Ê Đê tính đến năm 1975 đã tồn tại được trên 100 năm” [2]. Buôn này hiện nay vẫn còn ở Huyện Krông Păk (Đăk Lăk) và đã trở thành một địa điểm du lịch văn hóa nổi bật của địa phương. Trong ngôn ngữ Tây Nguyên, tùy theo nhóm dân tộc, làng còn được gọi là pơlơi, pơlei, bon, bôn, buôn,... Làng của người Ê Đê tồn tại ổn định nhất trong số các dân tộc tại đây, kiến trúc nhà ở của họ cũng kiên cố hơn nhằm tồn tại qua nhiều thế hệ. Người Ê Đê có tục lệ mỗi khi trai gái kết hôn sẽ về chung sống ở nhà đằng vợ, ngôi nhà lại được nới thêm một buồng, họ sinh con đẻ cái, ngôi nhà của dòng họ mẹ cứ thế mà dài thêm ra mãi. Ngôi nhà này chia thành hai phần, phía trước là Gah, là nơi sinh hoạt chung, có bếp sưởi, bếp nấu, có cồng chiêng, trống da trâu, hàng cột rượu, những chiếc ghế độc mộc K’pal rất dài dùng để tiếp khách và thực hiện các nghi lễ; phần sau gọi là Ôk, chia thành nhiều buồng nhỏ dọc theo hành lang, được ngăn bởi phên tre, dành cho từng cặp vợ chồng và phòng của các cô con gái lớn, riêng con trai chưa vợ thì đêm ngủ ở nhà Rông. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, khi con gái lấy chồng, con rể về ở chung với đại gia đình bên vợ, ngôi nhà lại tiếp tục được nối dài ra. Nếp sống truyền thống như trên góp phần lý giải vì sao các dân tộc khác chỉ có kiểu nhà sàn đơn lẻ nhưng người Ê Đê lại nổi tiếng với những ngôi nhà dài hàng trăm mét như mô tả trong Trường ca Đam San: “Nhà dài như tiếng chiêng ngân”. Nhà ở của người Gia Rai và người Ba Na khá nhỏ, trang trí đơn giản, nhưng họ lại có niềm tự hào về những mái nhà Rông hình lưỡi búa cao vút trên nền trời, đây là công trình quan trọng nhất luôn được hoàn thành đầu tiên khi lập làng. Nhà mồ của họ cũng nổi bật nhất trong vùng với nhiều chi tiết điêu khắc trên kiến trúc và tượng gỗ, chi tiết đan lát trên mái tinh xảo, đẹp mắt. Người Xơ Đăng cũng có nhà Rông mái cao nhưng nhà mồ thì không đa dạng bằng. Người Giẻ Triêng lại có kiểu nhà Rông có mái hình mu rùa với hai đầu hồi bo tròn, trên mái có chi tiết trang trí hình cặp sừng trâu. Riêng người Mnông có kiểu nhà trệt với bộ mái hình nón lợp cỏ tranh dày dặn. Đây là kiểu kiến trúc địa phương duy nhất được biết đến tại Tây Nguyên không có sàn nâng cao khỏi mặt đất như tất cả những dân tộc còn lại, lý do là vì người Mnông cư trú chủ yếu ở khu vực ven Hồ Lăk (Đăk Lăk), nơi địa hình bằng phẳng, tầm nhìn rộng rãi và quang đãng. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Hồ Thị Thanh Nhàn 88 Ngày nay, kiến trúc truyền thống tại Tây Nguyên đã mai một nhiều trước những nhu cầu công năng và thẩm mỹ của thời đại mới. Tuy nỗ lực bền bỉ, nhưng các cơ quan quản lý văn hóa, các bảo tàng địa phương và trung ương vẫn chỉ có thể giữ lại được những hiện vật nhỏ, hoặc tái tạo bối cảnh sinh hoạt trong các lễ hội văn hóa, riêng các kiểu thức kiến trúc truyền thống địa phương quá phong phú và đa dạng, rất khó bảo tồn lưu giữ đầy đủ. 2. KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG TÂY NGUYÊN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP Sự mai một của các kiểu thức kiến trúc truyền thống Tây Nguyên như ngày nay là hệ quả của cả một quá trình rất lâu dài chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó hai nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi tín ngưỡng - tôn giáo và sự phát triển về nhiều mặt của kinh tế - xã hội. Tôn giáo đầu tiên xâm nhập vào miền đất này là Công giáo, bắt đầu từ chuyến đi thăm dò năm 1850. Trong suốt 50 năm cuối thế kỷ XIX, Công giáo vẫn quanh quẩn trong vùng đất của người Gia Rai, các giáo sĩ phải tìm cách mở rộng phạm vi truyền đạo sang các dân tộc khác. Tính đến năm 1954, “số tín đồ công giáo ở vùng Ba Na khoảng 10.000 người, vùng Xơ Đăng khoảng 8.000 người [6]. Khu vực của người Gia Rai tiếp xúc với Công giáo đầu tiên nhưng sức lan tỏa lại rất chậm. Thống kê năm 1954 cho thấy, “ở vùng người Gia Rai, số tín đồ Công giáo chỉ chiếm khoảng 15% dân số” [6], đến năm 1999 con số này vẫn chỉ đạt khoảng 15.000 người trong khi tổng số tín đồ Công giáo tại Tây Nguyên đã lên đến 635.615 người [4]. Năm 2009, số tín đồ Công giáo tại Tây Nguyên là 1.707.287 người [5]. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm đầu thế kỷ XXI, số lượng tín đồ mới gia nhập Công giáo tại Tây Nguyên đã gấp đôi tổng số giáo dân thu nạp trong suốt 150 năm ròng rã kể từ khi Công giáo đến miền đất này. Đạo Tin Lành vào Việt Nam muộn hơn (1911), gần 20 năm sau mới bắt đầu lên Tây Nguyên, cơ sở truyền giáo đầu tiên đặt tại Đà Lạt năm 1929, sau đó tại Buôn Ma Thuột năm 1934. Giai đoạn đầu, tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên hầu hết là người Ê Đê, từ năm 1954 tôn giáo này lan về phía Bắc, tiếp cận các dân tộc còn lại. Sau năm 1975, đạo Tin Lành có giai đoạn phát triển rất chậm. Năm 1999, số tín đồ trên toàn Tây Nguyên là 244.769 người, tập trung nhiều nhất vẫn ở tỉnh Đăk Lăk (113.120 người, chiếm hơn 46%). Năm 2001, khi Hội thánh Tin Lành Việt Nam chính thức được công nhận, các cơ sở truyền giáo ở Tây Nguyên bắt đầu hoạt động trở lại. Năm 2004, trên toàn Tây Nguyên có 286.219 tín đồ Tin Lành, năm 2005 tăng lên 301.149 tín đồ, trong đó có 282.799 tín đồ là người dân tộc thiểu số chiếm 93,9%, phần lớn vẫn là người Ê Đê [6]. Sức ảnh hưởng của Công giáo và đạo Tin Lành càng lan tỏa sâu rộng, phạm vi của tín ngưỡng truyền thống càng thu hẹp lại, từ đó kiến trúc nhà mồ liên quan trực tiếp đến tín ngưỡng, hoặc kiến trúc nhà Rông là nơi tổ chức các nghi thức tín ngưỡng thờ thần đều bị tác động dẫn đến nguy cơ tàn lụi. 2.1. Kiến trúc nhà mồ Tổng kết hành trình gần mười năm điền dã khắp vùng Tây Nguyên, vào năm TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 03 / 2017 89 1994, nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh đã đánh giá rất cao giá trị nghệ thuật của loại hình kiến trúc này. Theo đó, “Nghệ thuật xây dựng nhà mồ Tây Nguyên là nghệ thuật tạo lập không gian, là nghệ thuật sử dụng chất liệu, là nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau, là nghệ thuật phối hợp tỉ lệ, nhịp điệu và màu sắc giữa các thành phần kiến trúc với nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thống nhất, hoàn hảo và độc đáo” [1]. Tuy nhiên, về giá trị vật chất, khác với các kiến trúc tôn giáo khác thường hướng đến sự trường tồn, nhà mồ Tây Nguyên được tạo tác chủ yếu bằng gỗ không qua xử lý độ ẩm và mối mọt, không chú trọng về chủng loại hay tuổi đời của gỗ, vì vậy kiến trúc này xuống cấp rất nhanh chóng khi bị bỏ mặc giữa thiên nhiên. Về giá trị tinh thần, nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh cũng khẳng định: “nhà mồ chỉ có ý nghĩa sử dụng trong những ngày làm lễ bỏ mả (từ 3 đến 7 ngày) cho nên nó chỉ phát huy hết hiệu quả nghệ thuật của mình trong những ngày đó” [1]. Nói cách khác, nếu tín ngưỡng truyền thống mất đi, kiến trúc nhà mồ cho dù được sưu tầm bảo quản cẩn thận cũng sẽ chỉ còn là các hiện vật đã “đóng băng” trong các bảo tàng, hoặc được tái hiện như một loại hình nghệ thuật trình diễn trong các lễ hội văn hóa du lịch. Tác giả đã tiến hành nhiều cuộc điền dã các khu nhà mồ ven thành phố Pleiku (Gia Lai) trong khoảng từ năm 2009 đến nay. Thực tế cho thấy, mật độ nhà mồ và tượng mồ ngày càng thưa thớt. Về đặc trưng tạo hình, kiến trúc tuy vẫn theo kiểu dáng cũ và các đề tài trang trí vẫn được giữ lại nhưng vật liệu và phương pháp tạo tác truyền thống hầu như không còn, những chi tiết đặc sắc nhất như những mảnh gỗ dày chạm cảnh sinh hoạt thường gắn trên nóc mái ngày nay được cắt bằng tôn mỏng , hàng rào gỗ được thay thế bằng tường xây, tượng mồ khá hiếm hoi, xen kẽ với nhà mồ là những ngôi mộ Công giáo. Ngày nay, vẫn còn một số gia đình tổ chức lễ bỏ mả nhưng quy mô rất nhỏ, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đan lát, múa rối, múa tsoang, thơ ca trong lễ cũng không còn đặc sắc như xưa. Riêng nghệ thuật điêu khắc tượng mồ đang được các cơ quan văn hóa địa phương nỗ lực giữ gìn và phát huy bằng cách mở các lớp cho nghệ nhân truyền dạy, tổ chức những cuộc thi tạc tượng, triển lãm hiện vật và nhiếp ảnh về điêu khắc dân gian,... Sở dĩ điêu khắc gỗ Tây Nguyên vẫn tồn tại được vì nghệ thuật này gần như đã trở thành một loại hình điêu khắc hiện đại mang đậm phong cách địa phương, ngày càng xa dần mục đích tín ngưỡng. 2.2. Kiến trúc nhà Rông Không chỉ kiến trúc nhà mồ có nguy cơ thất truyền mà cả nhà Rông, một thời là linh hồn của làng, cũng không còn giữ vai trò trọng yếu đối với cộng đồng trong thời đại mới. Người Tây Nguyên xưa cũng như nhiều dân tộc sơ khai khác, theo tín ngưỡng đa thần, họ từng tin rằng có vô số các vị thần (Yang) trú ngụ trong vạn vật như thần lửa, thần nước, thần núi, thậm chí thần ngụ trong chiêng, ché, trong lúa gạo, ở những cây to, trong những hòn đá có hình thù kỳ dị,... Ngay từ buổi đầu truyền đạo, muốn người dân bản địa từ bỏ tín ngưỡng đã ăn sâu trong tận tiềm thức từ ngàn xưa, các nhà truyền giáo đã chủ trương “phá thần” bằng nhiều cách, hữu hiệu nhất là cách phá TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Hồ Thị Thanh Nhàn 90 bỏ các vật thiêng mà người Tây Nguyên cho rằng có thần trú ngụ, đặc biệt là linh vật quan trọng nhất của làng được cất giữ ở nhà Rông, nơi Yang Roong (thần bản mệnh của làng) trú ngụ. Những tiến bộ xã hội mà các nhà truyền giáo đã mang lại cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên là yếu tố tích cực không thể phủ nhận, nhưng ở một mặt khác, cũng chính các tôn giáo mới là nguyên nhân chủ đạo làm mất đi tín ngưỡng truyền thống, vốn bao trùm và chi phối mọi hoạt động văn hóa của người Tây Nguyên, từ đó các lễ hội dân gian vốn hầu hết được tiến hành ở nhà Rông và nhà mồ dần bị thay thế bởi những lễ hội tôn giáo được tổ chức tại nhà thờ. Mặt khác, sự phát triển tất yếu của xã hội cũng làm ảnh hưởng đến vai trò của nhà Rông. Xưa kia, những chàng trai chưa vợ ngày lên nương rẫy, đêm về quây quần ở nhà Rông nghe người già kể chuyện, chính bên bếp lửa chẳng bao giờ tắt ấy, người già trao cho người trẻ những kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng sống quý báu của mình. Ngày nay, nông nghiệp Tây Nguyên đã phát triển với đa dạng giống cây trồng, sở hữu đất đai và tổ chức sản xuất không còn theo tập thể mà phân tán vào từng hộ gia đình, kiến thức và kỹ năng được truyền đạt theo nhiều cách khác xưa, rất nhiều người tiếp nhận kiến thức qua trường học và các kênh truyền thông. Những tín hiệu đáng mừng này đồng thời cũng lý giải vì sao nhà Rông và hội đồng già làng không còn giữ vai trò trọng yếu trong quản lý sản xuất và giáo dục thế hệ trẻ được nữa. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, một số làng bắt đầu xuất hiện khái niệm mới là “nhà Rông văn hóa” do Nhà nước xây dựng bằng vật liệu hiện đại, mô phỏng hình dáng nhà Rông. Giải pháp này đã gây nhiều tranh cãi giữa những chuyên gia và các cơ quan quản lý văn hóa. Tỉnh Gia Lai đã tổ chức một hội thảo (năm 2004) để bàn về vấn đề này. Năm 2014, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đăk Nông tiếp tục tổ chức Hội thảo Khoa học “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới - Khu vực Tây Nguyên”, vấn đề bảo tồn kiến trúc nhà Rông tiếp tục được khơi lại, chứng tỏ tầm quan trọng của công trình này đối với văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên hiện nay. 2.3. Kiến trúc nhà ở Trong ba loại hình kiến trúc ở Tây Nguyên, công trình nhà ở ít chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi tín ngưỡng nhất, nhưng lại chịu tác động lớn do sự chuyển đổi của hình thức tổ chức lao động sản xuất và quản lý xã hội kiểu mới. Các sử liệu cũ đã ghi nhận rằng vào khoảng giữa thế kỷ XX trở về trước, những ngôi nhà dài của người Ê Đê thường dài đến 100m, trong đó có 3 đến 4 thế hệ cùng chung sống. Vì nhiều lý do, nhà dài của người Ê Đê càng ngày càng ngắn lại theo năm tháng, đến nay hầu như họ đã tách ra thành các gia đình riên ... ên rất thấp. Tính đến năm 2011 chỉ có 140/1.086 cơ sở trên toàn vùng được xếp hạng, trong đó đa số chỉ đạt chất lượng từ 1 đến 2 sao. Tốc độ cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú cũng diễn ra rất chậm, từ 2009 đến 2011 vẫn chỉ có 1 cơ sở đạt chuẩn 5 sao, dịch vụ 4 sao tăng từ 8 lên 9 cơ sở, 3 sao tăng từ 7 lên 10 cơ sở. Đến năm 2016, theo danh sách của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng có dịch vụ lưu trú phát triển nhất cả về số lượng lẫn chất lượng (hai khách sạn và một resort chuẩn 5 sao; ba khu nghỉ dưỡng và tám khách sạn chuẩn 4 sao, mười tám đơn vị lưu trú khác đạt chuẩn 3 sao trong đó có một số làng du lịch), tiếp đến là Đăk Lăk (hai khách sạn chuẩn 5 sao, một khách sạn chuẩn 4 sao, bốn khách sạn chuẩn 3 sao), Gia Lai và Kon Tum đều chỉ có một khách sạn chuẩn 4 sao và một khách sạn chuẩn 3 sao, riêng Đăk Nông hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng, chỉ có hai khách sạn đạt chuẩn 3 sao. Về phong cách, các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao hầu hết đều sử dụng hình thức kiến trúc hiện đại mang tính quốc tế, không liên quan đến văn hóa địa phương. Đặc biệt, chỉ có một số làng du lịch tại Lâm Đồng lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống được xếp hạng 3 sao, còn lại tất cả các địa điểm đang được địa phương lựa chọn làm điểm phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, chính là những nơi còn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc truyền thống nhất, đều chưa lọt vào danh sách xếp hạng từ 3 sao trở lên. Tháng 12/2016, nội dung hội thảo về “Tiềm năng và phát triển du lịch tỉnh Gia Lai” do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức cho thấy du lịch văn hóa cộng đồng là một trong những hướng chủ lực mà địa phương sẽ thu hút đầu tư. Theo một tham luận tại hội thảo này, mức chi trả trung bình hiện nay của những du khách đến Việt Nam vì mục đích tham quan, nghỉ dưỡng là 70 đến 90 USD/người/ngày [3], như vậy mức chi tiêu của du khách tại Tây Nguyên rất thấp so với cả nước, khách nội địa 22 USD/ngày, khách quốc tế 67 USD/ngày. Đặc biệt, mức chi tiêu phân bố không đều trong vùng, cao nhất ở Tỉnh Lâm Đồng (khách nội địa 31 USD/ngày, khách quốc tế 110 USD/ngày), thấp nhất ở Tỉnh Kon Tum (khách nội địa 15 USD/ngày, khách quốc tế 50 USD/ngày). Bên cạnh đó, thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho biết 68% khách nội địa và 65% khách quốc tế đến Tỉnh Lâm Đồng vì mục đích nghỉ dưỡng, và 83% khách quốc tế đến Tỉnh Kon Tum vì mục đích tìm hiểu văn hóa, đồng thời số lượng khách đến Tỉnh Lâm Đồng luôn vượt trội gấp nhiều lần so với các tỉnh khác (doanh thu năm 2016 của Tỉnh Lâm Đồng chiếm 4.400 tỷ đồng trên tổng doanh thu hơn 4.800 tỷ của toàn vùng). Điều này chứng tỏ doanh thu của du lịch toàn Tây Nguyên hiện nay chủ yếu chỉ nhờ vào du lịch nghỉ dưỡng tại Tỉnh Lâm Đồng. 3.2. Thực trạng một số cơ sở du lịch nghỉ dƣỡng có sử dụng kiến trúc truyền thống Như đã nói ở phần trên, các cơ sở lưu trú được xếp hạng cao ở Tây Nguyên hầu TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Hồ Thị Thanh Nhàn 92 như chỉ sử dụng kiến trúc hiện đại mang tính quốc tế, vì vậy, một số cơ sở kinh doanh lấy cảm hứng từ kiến trúc địa phương được tác giả khảo sát sau đây đều chưa xuất hiện trong danh sách xếp hạng, gồm Memory mini Resort, Lăk Tented Camp (Đăk Lăk) và Bình An Village Resort (Đà Lạt). Được xây dựng tại km 8 quốc lộ 14, Memory mini Resort chỉ có một khối kiến trúc duy nhất, tầng dưới gồm lễ tân, bếp và các công trình phụ, tầng trên gồm các sân sàn đón gió, là nơi khách ngồi ngắm cảnh và giao lưu, cùng 8 phòng lưu trú với diện tích khoảng 10-12m2, giá thuê từ 400 đến 600 ngàn đồng/đêm. Hồ bơi sử dụng công nghệ ion, khuôn viên sân vườn khá khiêm tốn nhưng rất duyên dáng và thoáng mát. Khối kiến trúc hiện đại soi bóng xuống mặt hồ, tường bao xây tô nhưng hệ khung gỗ được lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà dài truyền thống Ê Đê, mái tranh dày gần 20cm, kết cấu đỡ mái hoàn toàn bằng tre buộc dây mây đặc biệt ấn tượng, giúp các phòng nghỉ mát mẻ quanh năm, nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Với cách tiếp đón thân thiện và gần gũi, khách mới hầu hết do khách cũ giới thiệu đến. Có thể gọi đây là mô hình kinh doanh Home-stay chất lượng cao hơn là một Resort đúng nghĩa. Tọa lạc trên một bán đảo phía bắc Hồ Lăk, Lăk Tented Camp có tất cả mười lăm khu nhà lều và bốn bungalow. Giá thuê nhà lều là 2,2 triệu đồng/đêm và giá bungalow là 4,2 triệu đồng/đêm, chỉ dành cho 2 người lớn và miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi ngủ chung giường, trẻ trên 6 tuổi có giường phụ với phụ thu 540 ngàn đồng/đêm, bao gồm ăn sáng. Du khách biết đến resort này nhờ nhiều nguồn thông tin, trong đó đáng kể là nhờ các phản hồi tốt trên diễn đàn du lịch quốc tế TripAdvisor. Resort còn đầu tư một website tiếng Anh, chủ yếu nhắm đến du khách phương Tây. Ngoài các khu lưu trú được thiết kế có thẩm mỹ cao và lợi thế góc nhìn từ bán đảo ra hồ, Lăk Tented Camp còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí khá thú vị như chèo thuyền Kayak, thuyền độc mộc, đạp xe địa hình đi thăm các buôn văn hóa, xem nghệ nhân làm gốm, họ cũng kết hợp với tour du lịch cưỡi voi của địa phương, tổ chức các show diễn cồng chiêng như các cơ sở trên bờ. Cồng chiêng tại đây được biểu diễn trong nhà dài Ê Đê, tuy nhiên ngôi nhà này lại lợp ngói, ngoài cầu thang và hệ cột chính theo phong cách truyền thống thì mọi chất liệu khác đều quá mới, chưa hoàn toàn hòa hợp với phong cách kiến trúc và chất liệu truyền thống. Trong các khu du lịch tại Tây Nguyên, nhà dài Ê Đê là kiểu kiến trúc được lựa chọn nhiều nhất khi chủ đầu tư muốn lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc truyền thống. Nhà Rông với bộ mái quá cao, thường chỉ được ứng dụng trong các công trình có hai đến ba tầng, Bình An Village Resort thuộc trường hợp này. Nhìn tổng quan, quần thể khối tiếp đón và các biệt thự nghỉ dưỡng nổi bật giữa thiên nhiên với bộ mái lấy cảm hứng từ nhà Rông hình lưỡi búa, trang trí bằng họa tiết đặc trưng hình kỷ hà, tuy nhiên tất cả phần kết cấu và vật liệu xây dựng, trang trí đều được hiện đại hóa, nội thất thiết kế theo phong cách bán cổ điển châu Âu. Bình An Village Resort có quy mô khá lớn, giá thuê từ 3,4 triệu đến 34 triệu/đêm. Như hầu hết các khu nghỉ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 03 / 2017 93 dưỡng cao cấp khác, du khách có thể tận hưởng trọn vẹn chuyến đi với rất nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe,... ngay trong khuôn viên khép kín của resort, hoặc tham quan, mua sắm ở khu vực trung tâm, thăm các thắng cảnh hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, các di tích chùa chiền và nhà thờ, lên đỉnh Lang Biang ngắm toàn cảnh thành phố, hoặc chơi golf ở Đồi Cù. 3.3. Thực trạng một số khu du lịch văn hóa cộng đồng Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Đăk Lăk, chỉ trong ba quý đầu năm 2016, tỉnh đã đón 480.000 lượt du khách, trong đó chỉ có 45.000 lượt khách quốc tế, như vậy khách nội địa chiếm số đông tại đây. Đồng thời, thống kê của Cục Phát triển Du lịch cho biết 65% khách nội địa đến Đăk Lăk chọn các tour du lịch cộng đồng vì mục đích tham quan, tuy nhiên doanh thu chỉ đạt 364 tỷ đồng, bình quân 750.000đ/du khách. Con số khiêm tốn này cho thấy hiệu quả khai thác du lịch văn hóa tại đây rất kém. Được biết tỉnh đã chọn một số buôn làng để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng như buôn Akô Dhông (thành phố Buôn Ma Thuột), buôn M’liêng, buôn Jun (Huyện Lăk), buôn Niêng (Huyện Buôn Đôn), Buôn H’Đinh (Huyện Cư M’gar). Vào tháng 10 năm 2016, tác giả đã tìm đến khảo sát thực tế hai trong số các buôn này nhằm tìm hiểu nguyên nhân vì sao du lịch cộng đồng của tỉnh lại có doanh thu quá thấp như vậy. Buôn Akô Dhông của người Ê Đê tọa lạc ngay trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, cách Trung tâm Ngã Sáu chỉ hơn 2 km về phía bắc. Đường sá trong buôn đều trải nhựa sạch sẽ, hàng rào cây cối được cắt tỉa gọn gàng. Ngoài sản xuất nông nghiệp, một số hộ dân đã biến ngôi nhà sàn phía trước thành nơi kinh doanh du lịch (shop lưu niệm, cà phê, nhà hàng, khách sạn,...) và xây nhà trệt phía sau để ở. Đặc biệt, tuy sống trong ngôi nhà mới nhưng một số gia đình vẫn duy trì mô hình đại gia đình, như nhà ông Ma Lin (43 hẻm Trần Nhật Duật) có 9 người con, trong đó có 3 người đã kết hôn và sinh con nhưng vẫn ở chung với cha mẹ, tính cả vợ chồng ông là bốn hộ ở chung một nhà. Buôn Akô Dhông có một vài khách sạn quy mô nhỏ, nổi bật nhất là khách sạn Yang Sing với dịch vụ lưu trú (29 phòng), nhà hàng (sức chứa 400 khách) và quán cà phê đều sử dụng kiểu nhà sàn trong khuôn viên cây xanh khá rộng rãi, mát mẻ. Quán cà phê Arul cách khách sạn Yang Sing vài trăm mét cũng được trang trí lấy cảm hứng từ kiến trúc và điêu khắc truyền thống địa phương. Cuối buôn là một con đường nhỏ rẽ vào khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn có nhà mát câu cá, thư giãn và ăn uống được biến tấu từ nhà sàn tre lợp cỏ tranh. Năm 2008, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thêm một ngôi nhà sàn chung làm nơi sinh hoạt cộng đồng của buôn và biểu diễn cồng chiêng phục vụ các tour du lịch văn hóa. Dân cư tại đây có sự đồng thuận rất cao với quy định riêng: gia đình nào xây dựng nhà trệt theo kiểu mới thì chỉ được phép xây phía sau nhà sàn truyền thống, nếu ai vi phạm sẽ bị hội đồng buôn phạt và buộc phải tháo dỡ, chính nhờ vậy mà buôn Akô Dhông hiện nay vẫn giữ được trên 50 ngôi nhà sàn truyền thống, tuy không dài TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Hồ Thị Thanh Nhàn 94 như mô tả trong các tài liệu xưa. Nhìn chung, kiến trúc buôn thực chất chỉ còn giữ được nét truyền thống ở mặt tiền, còn bên trong đã hiện đại hóa, vì tính chất “nửa buôn làng, nửa thành thị”, đồng thời không có nhiều phòng ốc, dịch vụ giải trí, sản phẩm du lịch đặc sắc. Vì vậy, khách du lịch thường lưu trú tại các cơ sở trong trung tâm thành phố và chỉ đến Akô Dhông tham quan, câu cá thư giãn và ăn trưa. Cùng thời gian này, tác giả cũng đến khảo sát thực địa tại buôn Jun ven Hồ Lăk, Thị trấn Liên Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 50km theo quốc lộ 27, có tuyến xe buýt rất thuận tiện. Cư dân nơi đây chủ yếu là người Mnông. So với Buôn Akô Dhông, đầu tư của các cơ sở du lịch tại Buôn Jun không cao. Khu du lịch cộng đồng quy mô nhất tại đây hiện nay có thể kể đến cơ sở Vân Long, tại đây chỉ có một nhà sàn duy nhất gồm 30 giường đôi, giá thuê 100 ngàn đồng/giường và các giường chỉ cách nhau một lối đi nhỏ. Nếu thuê nguyên căn, giá chỉ 2 triệu đồng/đêm. Ngoài ra, cơ sở này còn có một dãy nhà xây 2 tầng đơn sơ, gồm nhiều phòng nhỏ, một nhà hàng phục vụ tối đa 80 khách, có show diễn cồng chiêng theo yêu cầu, giá 1,5 đến 2 triệu đồng/show tùy theo số lượng chiêng. Dịch vụ lưu trú còn lại trong buôn Jun chủ yếu là các Home-stay tự phát, điều kiện vệ sinh ở các cơ sở này chưa được chú trọng, tập trung vào việc cho thuê chỗ ngủ, du khách cần ăn uống và giải trí đều phải tự liên hệ bên ngoài. Buôn Jun thu hút khoảng 1.000 đến 1.500 khách du lịch mỗi năm nhờ cảnh quan Hồ Lăk cùng với đàn voi hơn 20 con của tư nhân cùng tham gia Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun từ năm 2001, các cơ sở du lịch có thể thuê để tổ chức tour cưỡi voi tham quan các buôn văn hóa và ngắm cảnh hồ. Cách không xa buôn Jun là khu du lịch Lăk resort, tọa lạc trong khuôn viên cây xanh mát mẻ vốn thuộc về cảnh quan dinh Bảo Đại, nơi đây có hai nhà sàn làm nơi lưu trú, tuy nhỏ bé nhưng phong cách kiến trúc gần gũi với kiểu truyền thống hơn so với cơ sở du lịch Vân Long, giá thuê và nội thất đều tương đương, không có gì ngoài nệm, gối và các bóng đèn. Chiếm đa số tại Lăk resort là các bungalow đơn và đôi xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, giá phòng gấp đôi giá nhà sàn. Ngoài ra, resort này cũng cho thuê tất cả các phòng trong dinh với mức giá bungalow, nội thất dinh cũng thiếu đầu tư chăm sóc về trang trí nội thất. Khi tác giả khảo sát, chỉ một vài bungalow có khách lưu trú, nhà sàn và tất cả các phòng trong dinh đều đang bỏ trống, khu nhà hàng và hồ bơi đều rất vắng vẻ. Nhìn chung, chi phí du lịch cộng đồng ở Đăk Lăk rất rẻ, tuy nhiên, giá rẻ không có nghĩa là du khách sẽ hài lòng. Một số du khách ở buôn Jun khi được phỏng vấn đã thẳng thắn chia sẻ rằng họ đặc biệt thích thú với cảm giác ngồi trên lưng voi đi dạo quanh Hồ Lăk và sẽ giới thiệu cho bạn bè và người thân, tuy nhiên, họ không có hứng thú quay trở lại Hồ Lăk vì chất lượng các dịch vụ lưu trú, ẩm thực địa phương quá kém so với kỳ vọng, cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng không gian văn hóa không đặc biệt ấn tượng, ngoại trừ những show diễn cồng chiêng vào ban đêm. 4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Kiến trúc truyền thống còn lại ở Tây Nguyên rất chân thực, tuy nhiên chất lượng TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 03 / 2017 95 của các công trình này và cảnh quan buôn làng trên thực tế hiện nay thấp hơn nhiều so với mong đợi của du khách. Ngoài cao nguyên Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, các cao nguyên còn lại muốn nâng cao doanh thu, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng. Trong số các cơ sở được khảo sát ở trên, mô hình kinh doanh của Lăk Tented Camp là đáng để tham khảo. Theo đó, các cơ sở lưu trú nên chọn vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng hiện đại để có thể thu phí lưu trú cao, kèm theo các dịch vụ vui chơi giải trí nội bộ (chèo thuyền, leo núi), tuy nhiên về thẩm mỹ nên có ý tưởng kiến trúc và bài trí không gian liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương, đồng thời vị trí tọa lạc phải rất gần với các khu bảo tồn văn hóa để có thể tổ chức cho du khách tham gia vào các hoạt động trải nghiệm trong các buôn làng. Chính quyền địa phương nên khuyến khích doanh nghiệp góp phần tu bổ các kiến trúc trong dân và chỉnh trang môi trường theo cách “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhằm khai thác du lịch trên một không gian văn hóa “thật”, sống động, hơn là giả lập những kiến trúc và cảnh quan truyền thống vô hồn trong mô hình kinh doanh khép kín. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2000), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 1999, Tổng cục thống kê, Hà Nội. 2. Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục thống kê, Hà Nội. 3.Ngô Văn Doanh (1995), Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 4. Lưu Hùng (1994), Buôn làng cổ truyền xứ Thượng, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 5. Lê Văn Minh (2016), Xu hướng du lịch toàn cầu hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch tỉnh Gia Lai, Hội thảo Tiềm năng và phát triển du lịch tỉnh Gia Lai, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Gia Lai. 6. Nguyễn Thị Kim Vân (2013), Tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. Ngày nhận bài: 20/02/2017. Ngày biên tập xong: 29/5/2017. Duyệt đăng: 02/6/2017
File đính kèm:
- bao_ton_kien_truc_truyen_thong_tay_nguyen_trong_qua_trinh_ph.pdf