Chính sách của Thái Lan đối với dân tộ

Tóm tắt: Chính sách đối với dân tộc thiểu số ở Thái Lan khác biệt nhiều so với các quốc gia láng

giềng trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Chính phủ Thái Lan đề cao quốc gia - dân tộc với vị

thế và vai trò của dân tộc Thái, coi văn hóa dân tộc Thái là văn hóa quốc gia. Chính phủ Thái Lan

không có chính sách riêng về phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số. Hệ lụy từ cách

làm này đang đặt ra cho các dân tộc thiểu số vùng cao hai cách lựa chọn, hoặc là chấp nhận đồng

hóa để hòa nhập vào dòng phát triển chung của Vương quốc Thái Lan và để mất bản sắc văn hóa

của mình, hoặc là duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tức là không hòa nhập

vào văn hóa dân tộc Thái và chấp nhận rằng những lợi ích từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội

của chính phủ cũng như sự phát triển thế hệ trẻ các tộc người bị hạn chế.

pdf 9 trang yennguyen 3600
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách của Thái Lan đối với dân tộ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chính sách của Thái Lan đối với dân tộ

Chính sách của Thái Lan đối với dân tộ
 82 
Chính sách của Thái Lan đối với dân tộc thiểu số 
Trần Văn Hà1, Nguyễn Anh Tuấn2 
1, 2 Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
Email: tranvanha@warecod.org.vn 
Email: nguyenanhtuan.dth@gmail.com 
Nhận ngày 19 tháng 12 năm 2018. Chấp nhận đăng ngày 16 tháng 1 năm 2019. 
Tóm tắt: Chính sách đối với dân tộc thiểu số ở Thái Lan khác biệt nhiều so với các quốc gia láng 
giềng trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Chính phủ Thái Lan đề cao quốc gia - dân tộc với vị 
thế và vai trò của dân tộc Thái, coi văn hóa dân tộc Thái là văn hóa quốc gia. Chính phủ Thái Lan 
không có chính sách riêng về phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số. Hệ lụy từ cách 
làm này đang đặt ra cho các dân tộc thiểu số vùng cao hai cách lựa chọn, hoặc là chấp nhận đồng 
hóa để hòa nhập vào dòng phát triển chung của Vương quốc Thái Lan và để mất bản sắc văn hóa 
của mình, hoặc là duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tức là không hòa nhập 
vào văn hóa dân tộc Thái và chấp nhận rằng những lợi ích từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội 
của chính phủ cũng như sự phát triển thế hệ trẻ các tộc người bị hạn chế. 
Từ khóa: Dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, Thái Lan. 
Phân loại ngành: Nhân học 
Abstract: The policy on ethnic minorities in Thailand differs significantly from those of its 
neighbouring countries in Southeast Asia and Asia. The Thai government values the nation-state 
with the position and role of the Thai people, considering Thai culture the national culture. The 
government does not have a separate policy on socio-economic development for the ethnic 
minorities. The implications of such an orientation are putting the upland minorities before two 
options: either to be assimilated to integrate into the common current of development of the 
Kingdom of Thailand and to lose their cultural identities, or to maintain the traditional cultural 
identities, which would mean not to integrate into Thai national culture, accepting that this would 
limit their benefits from the government's socio-economic development policy and the 
development of their younger generations. 
Keywords: Ethnic minorities, policy on ethnicities, socio-economic development, Thailand. 
Subject classification: Anthropology 
Trần Văn Hà, Nguyễn Anh Tuấn 
83 
1. Mở đầu 
Thái Lan không có chính sách riêng để hỗ 
trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các nhóm 
dân tộc thiểu số như Việt Nam. Chính sách 
hội nhập là chiến lược ứng xử với các nhóm 
dân tộc thiểu số của Thái Lan. Bài viết này 
phân tích chính sách của chính phủ Thái Lan 
đối với dân tộc thiểu số, qua đó cung cấp 
thêm kinh nghiệm cho việc hoạch định chính 
sách đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 
2. Các dân tộc thiểu số ở Thái Lan 
Dân số của Thái Lan hiện nay là 68,8 triệu 
người [15]. Thái Lan là quốc gia đa tộc 
người, gồm 23 dân tộc. Trong đó, dân tộc 
Thái chiếm 75%; 14% là người gốc Hoa và 
3% người gốc Mã Lai; số còn lại là những 
dân tộc thiểu số khác (như Môn, Khơ-me và 
các tộc khác). Ở các tỉnh vùng cao Thái Lan 
năm 1999 có 9 dân tộc (ethnic groups) 
(xem bảng 1). 
Bảng 1: Dân số các nhóm dân tộc các tỉnh vùng cao Thái Lan, năm 1999 
TT Dân tộc Số bản/làng Số hộ Dân số Tỷ lệ % 
1 Karen 2.037 69.821 347.242 46,18 
2 Hmong 235 15.238 122.168 16,32 
3 Lahu 419 14.696 84.262 11,21 
4 Lisu 151 5.114 30.940 4,11 
5 Dao 164 5.848 42.551 5,66 
6 Akha 282 9.516 56.162 7,46 
7 Lua 59 3.231 17.092 2,27 
8 H’tin 143 7.634 40.302 5,36 
9 Kha mu 37 1.972 10.567 1,41 
 Tổng số 3.527 133.070 751.886 100,00 
Nguồn: Số liệu từ Viện Nghiên cứu Bộ lạc, Chiang Mai, Thái Lan năm 1999 
Theo hai nhà nghiên cứu Mudakwan 
Sakboon và Prasit Leepreecha (thuộc Trung 
tâm nghiên cứu tộc người và phát triển, Đại 
học Chiang Mai, Thái Lan), Thái Lan có 10 
dân tộc (thêm dân tộc Mlabri), các dân tộc 
đó phân bố chủ yếu ở 20 tỉnh ở miền Bắc 
Thái Lan gồm Karen, Hmông, Mien (Dao), 
Akha, Lahu, Lisu, Lua, H’tin, Khamu (Khơ 
mú), Mlabri. Trong đó, dân tộc Karen 
là đông nhất, có 438.131 người. Theo một 
số nhà nghiên cứu khác, 9 dân tộc trên, 
cả nước có thêm 13 dân tộc khác nữa. 
Thái Lan có hơn 20 dân tộc tại vùng cao 
(bảng 2). 
Về cơ cấu tộc người, hiện có 3 thuật 
ngữ: chát - xạt (nation), cùm - chát - tị - 
păn hay cùm - xạt (ethnicities - tộc 
người), và chạo - khao (không có quyền 
công dân). Thế nhưng, không phải lúc nào 
3 thuật ngữ này cũng được sử dụng để 
phân loại dân tộc ở Thái Lan. Trên thực tế 
khái niệm tộc người (cùm - xạt, ethnicity) 
và khái niệm dân tộc (chát, nation) là 
trùng khớp [7, tr.403]. 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
84 
Bảng 2: Dân số các dân tộc tại 20 tỉnh miền Bắc Thái Lan 
Dân tộc Cộng đồng Số hộ Nam Nữ Tổng số 
 Karen 1.912 87.628 221.379 216.752 438.131 
 Hmong 253 19.287 76.960 76.995 153.995 
 Mien 178 6.758 22.869 22.702 45.571 
 Akha 271 11.178 33.704 34.949 68.653 
 Lahu 385 18.057 51.489 51.389 102.879 
 Lisu 155 6.553 19.082 19.217 38.299 
 Lua 69 4.361 10.990 11.270 22.260 
 H’tin 159 8.496 21.595 21.061 42.657 
 Kha mu 38 2.256 5.357 5.216 10.573 
Mlabri 2 63 147 135 282 
Palong 7 459 1.135 1.189 2.324 
Tongsu 4 42 123 103 226 
Tai-Lue 16 857 1.849 1.931 3.780 
Haw 55 3.773 13.181 13.144 26.325 
Shan 72 4.059 10.459 10.952 21.411 
Khmer 1 1 - 1 1 
Chinese 8 599 14.865 2.291 4.376 
Burmese 12 285 623 614 1.237 
Mon 31 1.616 3.349 3.476 6.825 
Laotian 2 18 53 51 104 
Others 3 93 289 274 563 
Lowlanders 847 50.257 107.328 105.392 212.720 
Tổng số 4.479 226.696 604.047 559.102 1.203.149 
Theo cách phân loại về ngôn ngữ học, ở 
Thái Lan có trên 60 nhóm ngôn ngữ khác 
nhau. Chính phủ Thái Lan đưa ra sự phân 
loại với 2 loại cư dân: nhóm Thái (Tai) và 
nhóm không phải Thái (non-Tai). Nhóm 
Thái chiếm 91%. Trong số 9% còn lại là 
người Thái gốc Hoa (chiếm 2%, khoảng 1,3 
triệu người); người Thái gốc Mã Lai (chiếm 
6%, tương đương 3,7 triệu người); các tộc 
người bản địa vùng cao (hill-tribe, được 
người Thái gọi là chao khao chiếm 
1.000.000 người). Đối với nhóm không 
phải Thái (non-Tai), chính phủ Thái Lan 
cũng chưa có số liệu thống kê chính thức; 
trong đó bao gồm các đối tượng di dân tị 
nạn, lao động nhập cư trái phép vào Thái 
Lan, những người nước ngoài sinh sống ở 
Thái Lan. Nhóm “non-Tai” hiện nay liên 
Trần Văn Hà, Nguyễn Anh Tuấn 
85 
tục có sự gia tăng về số lượng, do các dòng 
người di cư đến Thái Lan không ngừng 
gia tăng; trong đó có nhóm di cư người 
Trung Quốc, nhóm các dân tộc bản địa 
vùng cao từ các quốc gia láng giềng qua lại, 
nhóm di dân tị nạn, nhóm lao động làm 
thuê hợp pháp (người Mianma, Campuchia, 
Việt Nam), nhóm lao động làm thuê trái 
phép [10]. 
3. Chính sách của chính phủ Thái Lan về 
văn hóa đối với các dân tộc thiểu số 
Quan điểm của chính phủ Thái Lan cho 
rằng Thái Lan chỉ có một dân tộc Thái duy 
nhất, không phân biệt và công nhận sự hiện 
diện các nhóm thiểu số một cách chính 
thức; quốc gia Thái là của người Thái 
(“chat, satsana, phra maha kasat”, “đất 
nước, tôn giáo, nhà vua”). 
Nước Thái là của người Thái, các nhóm 
tộc người khác (cùm - xạt) muốn trở thành 
công dân Thái phải chấp nhận sự đồng hóa 
(nói tiếng Thái, thờ Phật, mang tên Thái và 
sinh hoạt theo văn hóa Thái). Vì vậy, chính 
sách của Thái Lan đối với dân tộc thiểu số 
không giống như chính sách của Việt Nam. 
Trên thực tế, Thái Lan cũng là một quốc gia 
đa tộc người, đa văn hóa. 
Theo nhận xét của Luangaramsri, đối với 
nhà nước Thái, sự đa dạng về văn hóa và 
tộc người luôn được coi là trở ngại lớn đối 
với quá trình củng cố khối thống nhất cũng 
như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung 
của đất nước. Chính vì vậy, quá trình thực 
thi chính sách Thái hóa đối với các tộc 
người thiểu số là cơ chế chính trong việc 
tạo ra sự thống nhất về văn hóa, hay còn gọi 
là bản sắc văn hóa quốc gia Thái. Những 
người dân không mang bản sắc này không 
được coi là người Thái và thường bị quy kết 
là mối đe dọa đối với sự ổn định của quốc 
gia này [12]. 
Theo các nhà nhân học thuộc Đại học 
Chiang Mai, chỉ từ những năm 1960, nhà 
nước Thái Lan mới bắt đầu quan tâm đến 
vấn đề dân tộc, các tộc người thiểu số. 
Trước đó, Thái Lan không những chưa 
quan tâm, mà còn có định kiến rằng, các tộc 
người thiểu số là những người lạc hậu, phá 
rừng, buôn thuốc phiện và không mang lại 
lợi ích gì cho nhà nước Thái Lan. Tuy 
nhiên, trong bối cảnh chiến tranh Đông 
Dương và chiến tranh lạnh, sự lan rộng ảnh 
hưởng của chủ nghĩa cộng sản trong khu 
vực, nhà nước Thái Lan đã quan tâm đến 
vấn đề an ninh quốc gia, lo ngại các hành vi 
phá rừng, buôn thuốc phiện, lo ngại ảnh 
hưởng của chủ nghĩa cộng sản trong các tộc 
người bản địa vùng cao biên giới, từ đó bắt 
đầu kiểm soát và hội nhập các tộc người 
vào quốc gia dân tộc. Để biết dân số các tộc 
người, chính phủ yêu cầu đăng ký hộ khẩu, 
quốc tịch [1, tr.1]. Các nhóm cư dân không 
phải Thái muốn hội nhập, hay chuyển đổi vị 
thế từ không phải Thái (non-Tai) trở thành 
chuẩn Thái (standard Tai), thì phải được 
thừa nhận bởi nhà nước thông qua thẻ căn 
cước công dân Thái. Việc chuyển đổi tư 
cách công dân này được thực hiện theo 
chính sách “integration” (hội nhập), thực 
chất đó là chính sách đồng hóa các dân tộc 
thiểu số. Ba yếu tố then chốt cho việc 
chuyển đổi này gồm: ngôn ngữ (tiếng Thái), 
văn hóa, tôn giáo (đạo Phật), và sự tự ý 
thức tộc người [13]. 
Thái Lan là nước đặc biệt thời cận - hiện 
đại ở Đông Nam Á, vì đó là nước duy nhất 
không trở thành thuộc địa của thực dân 
phương Tây. Yếu tố căn bản và cốt lõi giúp 
Thái Lan “trụ được” trước làn sóng xâm 
lược của thực dân phương Tây là sự ra đời 
của một thể chế nhà nước Thái mới, trong 
đó giới lãnh đạo đất nước sử dụng Phật giáo 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
86 
như là một nhân tố liên kết. Theo đó, cấu 
hình mới cho biểu tượng nhà nước hình 
thành dựa trên 3 nguyên tắc: dân tộc, tôn 
giáo và chế độ quân chủ (chat, satsana, 
mahaketsat). Theo Ngô Văn Doanh, ở đầu 
thế kỷ XX, nhà nước Thái đã gây dựng nên 
một “cơ cấu chính trị - tư tưởng gần như 
độc nhất vô nhị ở châu Á”. Trong đó, Phật 
giáo gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc, 
còn chế độ quân chủ được củng cố bằng 
pháp luật dựa vào mối quan hệ trên. Sau 
năm 1963, chế độ quân chủ ở Thái Lan đã 
chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, và 
quốc gia dân tộc trở thành yếu tố tiên quyết, 
là nguyên tắc cho sự phát triển của Thái 
Lan. Trong chiến lược hội nhập này, Thái 
Lan hướng tới xây dựng hình ảnh một đất 
nước mang bản sắc văn hóa đậm chất Thái 
của người Thái. Ý niệm gốc rễ nằm ở chỗ, 
nhà vua được xem là sự biểu đạt hoàn mỹ 
cho những gì bản sắc văn hóa đậm chất 
Thái. Tiếng Thái là tiếng nhà vua nói, tôn 
giáo (đạo Phật) nhà vua theo trở thành 
những yếu tố chuẩn mực. Theo đó, các vua 
Thái Lan, như vua Môngkút tức Rama IV 
(1840-1868) và vua Chulalongkorn tức 
Rama V (1853-1901), đã tiến hành một 
cuộc phục hưng Phật giáo một cách mạnh 
mẽ để xây dựng một chế độ chuyên chế 
Phật giáo với ngụ ý chính trị xây dựng nên 
một thứ bậc tinh thần duy nhất, dễ sai khiến 
(mục đích đó là nhà nước hóa văn hóa, làm 
trong sạch và hiện đại một cách có điều 
khiển các giáo lý và nghi thức). Thái Lan đã 
biến chế độ chuyên chế Phật giáo thành chỗ 
dựa tư tưởng cho cả chế độ chuyên chế 
chính trị [2, tr.57]. Nhà nước quân chủ Thái 
Lan chủ trương mở rộng và phát triển tiếng 
Thái, đạo Phật ra rộng khắp lãnh thổ quốc 
gia, đặc biệt là, mở rộng ra các khu vực cư 
dân “non-Tai”. Và mô hình này đã thành 
công trong việc trong việc liên kết miền 
Bắc và Đông Bắc Thái Lan với chính quyền 
trung ương Băng Cốc. Mặc dù chuyển dịch 
sang mô hình quân chủ lập hiến, quyền lực 
của chính phủ hiến định tách bạch khỏi các 
thể chế tôn giáo của đạo Phật, nhưng nhà 
nước Thái Lan vẫn tiếp tục có những bước 
nắm giữ, củng cố và kiện toàn các tổ chức 
Phật giáo thông qua Hội đồng Tăng đoàn. 
Đến nay, Thái Lan là quốc gia duy nhất mà 
nhà nước thực hiện việc trả lương cho các 
nhà sư [2, tr.59]. 
Thực tế cho thấy có những thách thức 
đối với những nỗ lực của chính phủ Thái 
Lan trong việc thực hiện chính sách hội 
nhập đối với các khu vực dân cư không 
phải Thái. Những thách thức này liên quan 
đến hai nhóm dân tộc thiểu số có xu hướng 
bảo lưu ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa tộc 
người của riêng họ. Nhóm thứ nhất là nhóm 
các dân tộc bản địa ở vùng cao, vùng sâu, 
vùng xa. Một số dân tộc không có phản ứng 
gì lớn trong việc chuyển đổi đức tin sang 
thực hành đạo Phật, hay phối kết hợp đạo 
Phật với các hình thái tín ngưỡng dân gian. 
Đầu những năm 1970, chính phủ Thái Lan 
đã thông qua dự án Thammacarik truyền bá 
đạo Phật đến các nhóm dân tộc vùng cao. 
Vì vậy, đối với thế hệ trẻ, con em các dân 
tộc ở đây, việc bỏ thờ ma để theo thờ Phật 
cũng đồng nghĩa với việc họ được học 
hành, có trí thức để tìm kiếm việc làm trong 
xã hội Thái [7]. Nhóm thứ hai là cộng đồng 
Hoa/Hán, họ là những người muốn duy trì 
việc nói tiếng Hoa thay vì chỉ nói tiếng 
Thái. Họ ưa thích mô hình song ngữ gồm 
việc thông thạo tiếng Thái và tiếng Hoa. Ở 
nhóm này, tôn giáo cũng không hẳn là vấn 
đề lớn. 
Nhóm người gốc Mã Lai, thuộc nhóm 
các cư dân theo đạo Islam, là cộng đồng 
gặp thách thức từ những vấn đề tôn giáo, 
ngôn ngữ và văn hóa; bởi họ muốn sử dụng 
tiếng Mã Lai hơn tiếng Thái, cũng như khó 
cải đạo sang đạo Phật. Sự xung đột về ngôn 
Trần Văn Hà, Nguyễn Anh Tuấn 
87 
ngữ và tôn giáo tiềm ẩn những rủi ro, xung 
đột trong tiến trình thực hiện chính sách hội 
nhập. Thực tế cho thấy, nhà nước Thái Lan 
nhiều thập kỷ vừa qua phải đối diện với 
nhiều cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, với 
chủ nghĩa ly khai và khủng bố ở vùng miền 
Nam nước này. 
Thẻ căn cước công dân là một bước quan 
trọng để tiến đến xác thực quyền công dân 
hợp pháp tại Thái Lan. Thẻ đó thay cho hộ 
tịch (hay giấy đăng ký hộ gia đình), hộ 
chiếu (để được xuất cảnh). Đây cũng là vấn 
đề quan trọng hàng đầu trong các chính 
sách liên quan đến các nhóm tộc người ở 
Thái Lan. Do chưa có thẻ căn cước công 
dân, nên các tộc người bản địa vùng cao cư 
trú và sinh sống bị coi là bất hợp pháp trên 
lãnh thổ Thái Lan, mặc dù họ đã trải qua 
nhiều thế hệ. Họ cũng không thể chính thức 
xuất cảnh rời khỏi Thái Lan đến một quốc 
gia khác, vì không có hộ chiếu. 
Theo nghiên cứu của các học giả thuộc 
Đại học Chiang Mai, Thái Lan bắt đầu cho 
đăng ký căn cước và quốc tịch đối với các 
tộc người thiểu số bản địa (hill-tribe) từ 
năm 1963. Đến năm 2005, khoảng 2 triệu 
người chưa có quốc tịch. Trong đó, 377.677 
người là các nhóm tộc người vùng cao 
Đông Bắc [13]. Một báo cáo nghiên cứu 
khác đã chỉ ra rằng, trong số 20 tỉnh của 
Thái Lan, tổng số người chưa được cấp thẻ 
căn cước công dân chiếm 10%. 
Đến nay, ở các bản vùng cao còn nhiều 
người chưa có thẻ căn cước công dân, và do 
chưa phải là công dân, nên họ cũng chưa 
chính thức có quốc tịch. Theo Nguyễn Thị 
Thanh Bình (2017), có một nghịch lý rằng, 
mặc dù một số lượng lớn các tộc người 
thiểu số chưa được cấp quốc tịch, chưa 
được hội nhập vào quốc gia Thái Lan, 
nhưng khi chính quyền muốn có được lợi 
ích nào đó thì chính quyền lại thừa nhận sự 
tồn tại đa dạng văn hoá của họ. Chẳng hạn, 
khi các tỉnh muốn phát triển du lịch, chính 
quyền địa phương cho phép các tộc người 
thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc của họ 
trong các chương trình lễ hội, dịp lễ tết. 
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu uy 
tín đã khuyến nghị rằng, chính phủ Thái 
Lan cần phải lưu ý việc xử lý hàng loạt các 
vấn đề liên quan đến quyền công dân cho 
các nhóm cư dân “non-Tai”; phải linh hoạt 
hơn trong khi tiếp cận vấn đề này để gặt hái 
được nhiều hơn nữa những thành công và 
lợi thế cho mình; thay vì nhìn nhận các 
nhóm dân thiểu số bản địa vùng cao là 
những người ngoài xa lạ (foreigner), thì nên 
xem họ như là một đối tượng thuộc thành 
phần tộc người của họ. 
4. Chính sách của chính phủ Thái Lan về 
kinh tế đối với các dân tộc thiểu số 
Mặc dù Thái Lan đã trở thành quốc gia có 
nền kinh tế phát triển trong khu vực Đông 
Nam Á, song trên thực tế cuộc sống của các 
cộng đồng cư dân thiểu số bản địa còn 
nhiều khó khăn. Sinh kế của nhiều nhóm 
dân tộc chủ yếu dựa vào nông nghiệp, canh 
tác nương rẫy, sản lượng lương thực bấp 
bênh. Trong đó, một vài nhóm dân tộc sinh 
sống ở vùng cao biên giới không đảm bảo 
an toàn lương thực. Người Karen tại một 
làng ở Đông Bắc Thái Lan vẫn sống du 
canh du cư, dựa vào nông nghiệp canh tác 
nương rẫy ở các vùng rừng núi để sinh tồn. 
Điều này khiến chính phủ Thái Lan xem họ 
như những kẻ phá rừng [14]. 
Thực hiện chính sách hội nhập, nhà nước 
Thái Lan có đầu tư cơ sở hạ tầng tại các 
vùng các nhóm dân tộc thiểu số. Lực lượng 
cảnh sát biên phòng - văn hoá được thiết lập 
ở dọc vùng biên giới Thái Lan với các quốc 
gia láng giềng. Cho đến nay, ở các bản làng 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
88 
xa xôi, cảnh sát biên phòng đóng vai trò 
quan trọng trong quản lý hành chính, thực 
hiện việc dạy học ở các khu vực này [1]. Từ 
cuối những năm 1960, dự án hoàng gia 
được khởi xướng qua một chuyến thăm của 
Vua Thái Lan lúc bấy giờ tới vùng dân tộc 
thiểu số. Mục tiêu của dự án này là đầu tư 
cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân chuyển đổi 
cây trồng (từ năm 1960 đến năm 1970 là 
phá bỏ cây thuốc phiện, trồng các cây hàng 
hoá; gần đây là các dự án trồng rau sạch 
hữu cơ (organic) cung cấp cho các chuỗi 
cửa hàng tại đô thị). Lúc đầu, ngân sách dự 
án là của Hoàng gia, sau này có sự tham gia 
của chính phủ Thái Lan. Vì vậy, đã hình 
thành quỹ dự án Hoàng gia. Mặc dù hoạt 
động độc lập, nhưng quỹ dự án Hoàng gia 
có quan hệ mật thiết với chính phủ. 
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiang 
Mai cũng cho biết, ở thời điểm từ năm 
1960-1970, song hành với dự án Hoàng gia, 
cũng có một số dự án của các tổ chức quốc 
tế hỗ trợ đồng bào chuyển đổi cây trồng. 
Tuy nhiên, không phải tất cả các làng bản 
đều được nhận dự án, những làng bản nhận 
dự án thường là các làng bản nằm trong khu 
vực an ninh biên giới, những bản gần rừng 
bảo tồn được ưu tiên nhận dự án. Dự án 
trồng rau sạch hữu cơ gần đây cũng ưu tiên 
cho những bản của các nhóm dân tộc thiểu 
số ở cạnh khu bảo tồn, nơi người dân bị khu 
bảo tồn lấy mất đất nương rẫy [1]. 
Theo một số nhà nhân học Thái Lan, dự 
án Hoàng gia là một cơ chế của quyền lực 
nhà nước để đối phó với các tộc người thiểu 
số. Dự án này nhằm mục đích giúp người 
dân tăng thu nhập bằng cách trồng cây hàng 
hoá, gắn kết người dân với thị trường. 
Dự án Hoàng gia là một phần của chính 
sách đồng hoá, sử dụng quyền lực Hoàng 
gia, thể hiện sự quan tâm của Hoàng gia 
trong việc gắn kết người dân với Vương 
quốc Thái Lan. 
Ngoài dự án Hoàng gia kể trên, trong 
phát triển kinh tế - xã hội vùng cao của các 
nhóm dân tộc thiểu số, một đề án có quy 
mô và tầm vóc được Chính phủ Thái Lan 
thực hiện với nhiều tham vọng là chương 
trình “mỗi xã một sản phẩm” (one tambon, 
one product). Đây là sự kế thừa thành quả 
của Hiến pháp Thái Lan (1997), cho phép 
chính quyền tự quản và triển khai các dự án 
kinh tế - xã hội ở cấp độ địa phương. Từ 
năm 1999, Thủ tướng Thái Lan Thaksin 
Shinawatra cho phép mỗi xã xây dựng một 
dự án kinh tế để cung cấp đặc sản là thế 
mạnh của địa phương. Dự án này của các 
xã sau đó được chính phủ Thái Lan hỗ trợ 
quảng bá sản phẩm cũng như hỗ trợ công 
nghệ để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao 
chất lượng sản phẩm [11]. Ý tưởng này 
được Thái Lan học được từ Nhật Bản qua 
mô hình “mỗi làng một sản phẩm” (one 
village, one product). Từ 2006, sau khi 
chính phủ Thaksin bị đảo chính và phải ra 
đi, chính quyền quân sự đã thay đổi tên gọi 
của chương trình thành “những sản phẩm 
địa phương và cộng đồng”, tuy nhiên nhãn 
hiệu hàng hóa mỗi xã một sản phẩm vẫn 
được giữ lại. 
Theo chương trình này, từ năm 2001 đến 
năm 2006, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã 
thu hút được 36.000 nhóm tham gia trên 
phạm vi cả nước, quy mô mỗi nhóm sản 
xuất có thể rất nhỏ từ 30 hoặc rất đông đảo, 
lên tới 3.000 người. Đối với các vùng khác 
nhau, các đặc sản của các địa phương cũng 
có những khuynh hướng phát triển khác 
nhau. Ở Bắc Thái Lan, đó là ưu tiên các sản 
phẩm thủ công, đặc biệt là những sản phẩm 
được chạm khắc bằng gỗ, bạc, hay làm từ 
giấy, gốm sứ, giỏ tre, vải bông và đồ trang 
sức của các dân tộc thiểu số vùng cao. Ở 
vùng Đông Bắc Thái Lan, ưu tiên các sản 
phẩm may mặc, như quần áo mặc thường 
nhật và các bộ quần áo cho các dịp lễ hội, 
Trần Văn Hà, Nguyễn Anh Tuấn 
89 
đám cưới, các dòng sản phẩm làm từ vải lụa 
hoặc sợi bông tự nhiên và nhuộm màu bằng 
nguyên liệu theo qui trình thủ công của các 
tộc người thiểu số tại chỗ. Vùng này cũng 
hướng đến sản xuất các loại thảm sậy, giỏ 
dệt từ sợi thực vật. Ở vùng trung tâm Thái 
Lan, đó là các sản phẩm thủ công làm từ 
tre, các chậu đất lớn, đồ gốm hoặc các mặt 
hàng đất nung. Ở vùng Đông Thái Lan, 
phát triển các sản phẩm trái cây tươi và tẩm 
sấy, giỏ mây tre đan, thảm sậy và vải bùn. 
Ở vùng Nam Thái Lan, đó là các sản phẩm 
dệt, đồ gỗ khảm trai mỹ nghệ và chạm khắc 
truyền thống. 
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” 
bao trùm toàn bộ các xã của Thái Lan, 
hướng tới hỗ trợ sản xuất cho tất cả các 
nhóm cư dân, không chỉ riêng nhóm dân tộc 
thiểu số vùng cao. Năm 2017, các sản phẩm 
thuộc chương trình này đạt mức doanh thu 
153 tỷ baht. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng 
rằng, những năm sắp tới, mức doanh thu 
của chương trình này sẽ đạt mức từ 200 đến 
300 tỷ baht/năm. Dự chi ngân sách cho 
chương trình này niên khóa tài chính năm 
2018 của chính phủ Thái Lan là 8,3 tỷ baht, 
hỗ trợ cho 3.273 làng với dự kiến nâng tổng 
sản phẩm đạt mức đăng ký là 64.570 sản 
phẩm. Mức tăng trưởng kỳ vọng của mỗi 
sản phẩm tính trung bình là 10% năm. Để 
kích cầu, chính phủ còn tổ chức hội chợ 
thường niên cho hệ thống các sản phẩm này 
và ghi nhận những đánh giá công khai của 
người tiêu dùng đối với sản phẩm. 
5. Kết luận 
Thái Lan là một quốc gia hiện có chính 
sách đối với các dân tộc thiểu số khác biệt 
so với các quốc gia láng giềng trong khu 
vực Đông Nam Á và Châu Á. Bên cạnh 
chính sách hội nhập (mà thực chất là đồng 
hóa, gắn liền với một số chương trình, dự 
án), nhà nước Thái Lan không có chính 
sách riêng phát triển kinh tế - xã hội cho các 
dân tộc thiểu số. Trong các chiến lược, kế 
hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không có 
mục nào đề cập đến dân tộc thiểu số. Về 
mặt nguyên tắc, nhà nước Thái xem trọng 
và ưu tiên quốc gia dân tộc với vị thế và vai 
trò dân tộc Thái, coi văn hóa Thái là văn 
hóa quốc gia. Những tộc người thiểu số phi 
Thái “non-Tai” được phân loại dựa trên các 
yếu tố trong mối liên hệ ràng buộc trung 
thành với quốc gia dân tộc Thái. Những 
nhóm có biểu hiện thách thức hay có những 
hành vi ảnh hưởng tới sự ổn định, an ninh 
quốc gia, lợi ích quốc gia, đều chịu các 
hành động đối kháng cứng rắn của chính 
quyền. Về mặt nguyên tắc, chính phủ Thái 
Lan chủ trương thực hiện đồng hóa các 
cộng đồng tộc người “non-Tai” trở thành 
một phần của cộng đồng Thái. Tuy nhiên, 
không phải lúc nào chính phủ Thái Lan 
cũng có những động thái hoan nghênh cởi 
mở. Cơ chế phản ứng của chính phủ Thái 
Lan với vấn đề dân tộc của người gốc Mã 
Lai theo Islam giáo ở khu vực miền Nam 
rất khác biệt. Chính phủ sẵn sàng sử dụng 
các biện pháp vũ lực để giải quyết xung đột 
liên quan đến tộc người gắn với màu sắc 
tôn giáo cực đoan. Hiện nay, chính phủ 
Thái Lan vẫn có quan điểm cứng rắn đối 
với việc xử lý khi tình hình an ninh bất ổn 
bởi xung đột dân tộc tôn giáo ở miền Nam 
Thái Lan. 
Chính sách hội nhập của chính phủ Thái 
Lan đang đặt ra cho các nhóm dân tộc thiểu 
số vùng cao hai cách lựa chọn: hoặc là chấp 
nhận đồng hóa để hòa nhập vào phát triển 
chung, và bản sắc văn hóa của họ bị mất, 
hoặc là duy trì bản sắc văn hóa truyền thống 
tộc người, không hòa nhập vào xã hội Thái. 
Lựa chọn thứ hai đồng nghĩa với việc chấp 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2019 
90 
nhận những lợi ích từ chính sách phát triển 
kinh tế - xã hội của chính phủ cũng như 
sự phát triển thế hệ trẻ các tộc người bị hạn 
chế [7]. Cho đến nay do lực lượng điều 
hành đất nước theo chủ nghĩa dân tộc vẫn 
chủ trương lấy củng cố thống nhất đất nước 
làm mục tiêu ưu tiên, nên quá trình “Thái 
hóa” các tộc người thiểu số và các nền văn 
hóa của họ vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, quá 
trình toàn cầu hóa là nguyên nhân làm cho 
văn hóa và bản sắc tộc người vùng cao Thái 
Lan đang bị tác động mạnh mẽ (như các 
tộc người trong Tiểu vùng Mê Kông). Việc 
thay đổi trong chính sách phát triển các dân 
tộc thiểu số ở Thái Lan trong tương lai đang 
là câu hỏi lớn. 
Tài liệu tham khảo 
[1] Nguyễn Thị Thanh Bình (2017), Báo cáo nội 
dung trao đổi về chính sách dân tộc tại Thái 
Lan và Malaysia, Viện Dân tộc học, Hà Nội. 
[2] Ngô Văn Doanh (2002), “Chế độ quân chủ 
Thái Lan và Phật giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, 
17 (5). 
[3] Đỗ Thị Đông (2014), “Bẫy thu nhập trung 
bình: Thực trạng ở Malaysia và Thái Lan và 
những gợi ý đối với Việt Nam”, Tạp chí Kinh 
tế & Phát triển, số 205. 
[4] Phùng Quang Huy (2017), “Lý giải nguyên 
nhân đảo chính quân sự lật đổ chính phủ 
Thaksin Shinawatra”, Nghiên cứu Đông Nam 
Á, số 3. 
[5] Nguyễn Thị Hồng Lam (2017), “Phật giáo 
trong hệ thống giáo dục Thái Lan hiện đại”, 
Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7. 
[6] Nguyễn Hồng Quang (2015), “Giải quyết xung 
đột tôn giáo - sắc tộc ở miền Nam Thái Lan”, 
Nghiên cứu Tôn giáo, số 147(9). 
[7] Nguyễn Duy Thiệu (2006), “Cách thức ứng xử 
với tình trạng đa văn hóa, đa sắc tộc ở một số 
nước Đông Nam Á”, Thông báo Dân tộc học 
năm 2004 (Kỷ yếu Hội nghị), Nxb Khoa học 
xã hội, Hà Nội. 
[8] Nguyễn Hữu Tuấn (2008), “Vấn đề tôn giáo và 
dân tộc trong xung đột ở miền Nam Thái Lan”, 
Nghiên cứu Tôn giáo, số 60 (6), 58-66. 
[9] Don McCaskill, Prasit Leepreecha và He 
Shaying Editor (2007), Living in a Globalized 
World: Ethnic Minorities in the Greater 
Mekong Subregion, Mekong Press. 
[10] Keyes, Charles F. (2004), Ethnicity and the 
Nation-states of Thailand and Vietnam, Social 
Research Institute, Chiang Mai University. 
[11] Khongsawatkiat, Kittaphun (2002), Isan 
Study: One Tambon, One Product: A 
government policy recovers farmer debts and 
fragile rural sector in Northern of Thailand, 
Nakhon Phanon, Thailand. 
[12] Luangaramsri, Pinkaew (2003), “Ethnicity and 
the politics of ethnic classification in 
Thailand”, Ethnicity in Asia, Colin Mackerras 
(ed.), London, Routlege Curzon, pp. 157-173. 
[13] Sakboon, Mudakwan, & Leepreecha, Prasit 
(2016), Citizenship among highland ethnic 
minorities in Northern Thailand, Chiang Mai 
University, Thailand. 
[14] Singphongphrai Darunee (2017), Karen 
Livelihood, Chiang Mai University, Thailand. 
[15] https://population.un.org/wpp/DataQuery/ 
“World Population Prospects: The 2017 
Revision” ngày 2/1/2019. 

File đính kèm:

  • pdfchinh_sach_cua_thai_lan_doi_voi_dan_to.pdf