Đề xuất biện pháp phát huy vai trò của thư viện đại học số ở Việt Nam

Tóm tắt: Tập hợp các định nghĩa về Thư viện số, thư viện điện tử, thư viện ảo,. đưa ra

các biện pháp cũng như cách thức thực hiện, triển khai nhằm phát huy vai trò các thư

viện số ở Việt Nam.

pdf 7 trang yennguyen 4340
Bạn đang xem tài liệu "Đề xuất biện pháp phát huy vai trò của thư viện đại học số ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề xuất biện pháp phát huy vai trò của thư viện đại học số ở Việt Nam

Đề xuất biện pháp phát huy vai trò của thư viện đại học số ở Việt Nam
ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ 
CỦA THƯ VIỆN ĐẠI HỌC SỐ Ở VIỆT NAM 
TS. Lê Văn Viết
*
Tóm tắt: Tập hợp các định nghĩa về Thư viện số, thư viện điện tử, thư viện ảo,... đưa ra 
các biện pháp cũng như cách thức thực hiện, triển khai nhằm phát huy vai trò các thư 
viện số ở Việt Nam. 
Từ khóa: Thư viện số; Vốn tài liệu số; Khai thác tài liệu số 
1. Xác định thư viện số 
Hiện nay, trên thế giới có hàng trăm định nghĩa về thư viện số. Nhưng định nghĩa 
này ngày càng chuẩn xác hơn. Thời kỳ những năm 1990, phần lớn người làm công tác 
thông tin – thư viện nước ta biết về các khái niệm này thông qua bài viết của Philip 
Berker Thư viện điện tử - hình ảnh của tương lai. Trong bài viết này ông đưa ra 4 loại 
hình thư viện: thư viện đa phương tiện; thư viện điện tử; thư viện số; thư viện ảo [1]. 
Nghĩa là thư viện điện tử khác với thư viện số. Các khái niệm này cùng với nội hàm của 
chúng do Berker đưa ra chưa thật sự thuyết phục nên dẫn đến tình trạng là có nhiều cách 
hiểu khác nhau. Chẳng hạn, theo ThS. Nguyễn Minh Hiệp, trong Từ điển khoa học thông 
tin - thư viện của Joan M. Reitz, đã đưa ra định nghĩa thư viện số như sau: thư viện số là 
một thư viện trong đó ngoài tài liệu in ấn và tài liệu dạng thu nhỏ (vi phẩm), có phục vụ 
bạn đọc một tỷ lệ quan trọng tài nguyên dạng máy đọc được truy cập qua máy tính được 
gọi là tài nguyên số [5]. Định nghĩa này nếu xét theo quan niệm của Philip Berker thì 
tương đương với thư viện điện tử. Nghĩa là Joan M. Reitz đã đặt dấu bằng giữa thư viện 
điện tử và thư viện số (thư viện điện tử/thư viện số). Tất nhiên, còn có nhiều quan điểm 
khác nữa nên vào cuối thập niên 1990, ông Vũ văn Sơn đã đưa ra nhận định: thư viện 
điện tử là một khái niệm chưa được định nghĩa thống nhất và còn nhiều tranh luận, đôi 
khi dùng lẫn lộn và đồng nghĩa với các khái niệm "Thư viện không biên giới", "Thư viện 
được nối mạng", "Thư viện số", "Thư viện ảo", "Thư viện tin học hoá", "Thư viện đa 
phương tiện", "Thư viện lôgic", "Thư viện văn phòng" [8]. 
Tuy vậy, khoa học ngày càng phát triển nên định nghĩa về các thư viện này ngày 
càng được xác định rõ hơn. Về thư viện số, theo định nghĩa do Liên hiệp Thư viện số của 
Mỹ (American digital library federation) đưa ra thì " là các cơ quan/ tổ chức có các 
nguồn lực, kể cả các nguồn nhân lực chuyên hoá để lựa chọn, cấu trúc, diễn giải, phổ 
biến, bảo quản sự toàn vẹn, đảm bảo sự ổn định trong thời gian dài của sưu tập các công 
* Thư viện Quốc gia Việt Nam 
trình số hoá mà chúng ở dạng sẵn sàng để sử dụng một cách kinh tế cho một hay một số 
cộng đồng nhất định" [2]. 
ThS. Cao Minh Kiểm, sau khi điểm qua những quan niệm khác nhau trên thế giới 
về thư viện điện tử, thư viện số, thư viện ảo, cho rằng chúng ta có thể quan niệm rằng 
những thuật ngữ trên là những từ đồng nghĩa và được dùng để đề cập một khái niệm về 
một phương thức tổ chức hoặc mô hình hoạt động thư viện: mô hình thư viện số, trong đó 
thành phần quan trọng nhất là bộ sưu tập trực tuyến các tài nguyên số có tổ chức, có chất 
lượng đảm bảo, được người làm thư viện chọn lọc, sưu tập và quản trị theo những nguyên 
tắc quốc tế về phát triển bộ sưu tập, được bảo quản lâu dài để bạn đọc truy cập, tìm lại và 
khai thác tài nguyên được một cách thuận tiện và bền vững trên những dịch vụ cần thiết. 
[2]. Một định nghĩa khác về thư viện số rõ ràng hơn, cụ thể hơn: "Thư viện số - đó là hệ 
thống phân phối thông tin cho phép bảo quản một cách tin cậy và sử dụng hiệu quả các 
bộ sưu tập đa dạng của tài liệu số và nhận được ở dạng tiện lợi cho người dùng đầu cuối 
thông qua mạng truyền dữ liệu toàn cầu" [9]. 
Chúng tôi cho rằng định nghĩa cuối cùng này dễ hiểu hơn vì nó nêu được các 
thành phần cơ bản của thư viện số, gồm: hệ thống phân phối thông tin (cơ sở hạ tầng 
thông tin - cơ sở vật chất kỹ thuật); vốn tài liệu số (tương đồng với quan niệm của P. 
Berker); người dùng đầu cuối; mạng Internet - nơi thư viện số hiện diện bằng trang web 
của mình và là kênh để thư viện số phổ biến thông tin, sản phẩm, dịch vụ đến người dùng 
trong và ngoài nước. 
Cần phải khẳng định rằng, trên thế giới và ở nước ta hiện nay phần lớn các thư 
viện ở dạng lai1 (hybrid library), nghĩa là thư viện truyền thống kết hợp với thư viện số. 
Tuy vậy, vẫn có thể nói rằng chúng ta đang xây dựng thư viện số. 
2. Nội dung biện pháp phát huy vai trò của thư viện số 
2.1. Tăng cường vốn tài liệu điện tử/số 
Tôi cho rằng, cũng giống như ở thư viện truyền thống, cho đến thời điểm hiện tại, vốn 
tài liệu số vẫn là yếu tố quan trong để thư viện số phục vụ NDT có hiệu quả. Vì thế, các 
thư viện vẫn cần “sở hữu” vốn tài liệu số càng nhiều càng tốt. Nhiều người có thể sẽ phản 
đối quan niệm này với lý do hiện nay, tài liệu trên mạng nhiều, người dùng tin có thể với 
tới một cách tự do, mọi lúc, mọi nơi; khả năng chia sẻ thông tin lớn nên không cần phải 
1
 TS. Nguyễn Hoàng Sơn trong bài t rình bày Tổng quan xây dựng và phát triển thư viện số thế giới và Việt 
Nam cũng gọi thư viện loại này là thư viện lai. Xin xem: Nguyễn Hoàng Sơn. Tổng quan xây dựng và phát triển thư 
viện số thế giới và Việt Nam.  
bổ sung, sở hữu nhiều tài liệu mà nên tiến hành chia sẻ thông tin/tài liệu với các thư viện 
khác 
Sở dĩ chúng tôi đưa ra quan điểm “sở hữu” tài liệu số, vì, nếu Internet có vai trò quan 
trọng như ở trên thì cần gì xã hội phải bỏ tiền ra để xây dựng, vận hành thư viện nói 
chung và thư viện số nói riêng. Đồng thời, chúng ta không nên đánh giá quá cao vai trò 
của chia sẻ thông tin/tài liệu, đặc biệt trong môi trường số. Theo luật pháp, thư viện 
không thể gửi bản sao điện tử hoặc bản sao giấy của tài liệu hiện được nhà nước bảo hộ 
quyền tác giả cho đối tác khác mà chưa có giấy phép của chủ sở hữu thông tin/tác phẩm 
đó. 
Vậy tại sao phải tăng cường vốn tài liệu số? Vì vốn tài liệu số của phần lớn thư viện 
đại học nước ta còn ít về số lượng. 
Trên thực tế, vốn tài liệu số tại các thư viện đại học nước ta thường được bổ sung từ 
các nguồn sau đây: 
+ Thu nhận các bản điện tử các tài liệu nội sinh của trường: đó là kết quả các đề tài 
nghiên cứu khoa học, giáo trình, tài liệu giảng dạy, luận án, luận văn, khóa luận v.v. 
+ Số hóa tài liệu của thư viện, hiện phần lớn các thư viện đại học chỉ mới số hóa các 
tài liệu nội sinh của trường những năm trước (thời kỳ chưa được nhận bản điện tử tài liệu 
nội sinh). 
+ Mua các tài liệu số trên CD – ROM. Một số thư viện đại học lớn mua các CSDL giá 
trị, có tầm cơ quốc tế như EBSCO, ScienceDirect. 
+ Mua quyền truy cập các CSDL trên mạng. 
+ Tải các nguồn tin số miễn phí trên mạng. 
Theo quan sát của chúng tôi, trong số các thư viện đại học nước ta thì các thư viện đại 
học quốc gia, 4 trung tâm học liệu và một số đại học vùng, là có tiềm năng lớn trong phát 
triển vốn tài liệu số. Một trong những thư viện có vốn tài liệu số lớn là Trung tâm Thông 
tin – Thư viện, ĐHQGHN. Trung tâm này cho đến năm 2014 đã bổ sung được một số 
nguồn tin số sau: 
- 6 CSDL tạp chí điện tử tóm tắt và toàn văn với tổng số 9.757 tên tạp chí (8.306.140 
bài), bao gồm các CSDL hàng đầu thế giới như: ScienceDirect; SpringerLink; ACM; 
IEEE; APS Journal; IOP Science,... 
- 5 CSDL sách điện tử với tổng số 56.127 cuốn gồm các CSDL: eBrary Academic 
Complete; International Engineering Consortium; SIAM eBooks; Springer eBooks 
Copyright Collection 2005&2007 
- Bộ Giáo trình học tiếng Anh Lang Master 
- CSDL công trình nghiên cứu khoa học kỷ niệm 100 năm ĐHQGHN bao gồm: Biểu 
ghi các công trình khoa học của cán bộ ĐHQGHN; CSDL thư mục về đạo đức Hồ Chí 
Minh; Bài giảng điện tử, sách điện tử, giáo trình điện tử; Tài liệu nghe nhìn; 
- CSDL trên CD-ROM: Wilson Applied Science & Technology Fulltext; 
Wilson Humanities Abstracts Fulltexts; Wilson Education Abstracts Fulltext; Derwent 
Biotechnology Abstracts / Quarterly Updates; Econlit 1969 - Present / Monthly Update. 
Ngoài nguồn tài liệu điện tử đặt mua kể trên, Trung tâm còn chuyển dạng số hàng 
chục giáo trình chuyên ngành của các tác giả là cán bộ của ĐHQGHN: Hơn 3.000 giáo 
trình và sách tham khảo của NXB ĐHQGHN; Hơn 12.000 luận án, luận văn; Hơn 1.000 
đề tài cấp nhà nước và cấp ĐHQGHN; Hơn 500.000 trang thư tịch cổ Hán Nôm; Tài liệu 
chuyên sâu về Việt Nam học; 7 Chuyên san của Tạp chí ĐHQGHN [7 , tr.69 – 70]. 
Trong khi đó, nhiều trường đại học có vốn tài liệu số rất hạn chế. Chẳng hạn, thư 
viện trường Đại học kinh tế - kỹ thuật công nghiệp (được thành lập từ năm 2007 trên cơ 
sở trường trung cấp kỹ thuật 3 của Bộ Công nghiệp (ra đời năm 1956) với 1067 giảng 
viên với hàng chục ngàn học sinh, sinh viên (năm 2013) chỉ có giáo trình bài giảng điện 
tử của 238/399 môn học của trường, 1420 bản sách điện tử về chuyên ngành kinh tế, điện 
tử, công nghệ thông tin, khoảng 1.000 đĩa CD – ROM thuộc các lĩnh vực tiếng Anh, 
CNTT và một số CSDL liên kết với các thư viện khác như ĐH Thái nguyên v.v. [6, tr.22 
– 23; 46 - 49]. Hay Thư viện ĐH Y tế cộng đồng (trường thành lập năm 1976) đến năm 
2015 tạo lập được CSDL tài liệu điện tử với 2833 tài liệu trong đó có 259 bài trích báo; 
EBSCO có 309 tài liệu, luận án – luận văn 1975 tài liệu; nghiên cứu khoa học có 49 tài 
liệu, Ebook có 14 tài liệu v.v. Ngoài ra, Thư viện còn lien kết và giới thiệu với NDT 
nhiều nguồn tin trực tuyến trong và ngoài nước [4, tr. 39 - 43]. 
Như vậy, vốn tài liệu số của phần lớn thư viện đại học nước ta không chỉ ít về số 
lượng mà còn nghèo về nội dung: chủ yếu là giáo trình, luận án, luận văn v.v. 
Vậy làm gì để phát triển vốn tài liệu số? 
Có thể có nhiều cách, nhưng theo chúng tôi quan trọng nhất là “sở hữu” tài liệu số 
bằng cách tải (download) từ mạng internet về thư viện của mình, biến cái của chung 
thành cái của ta.. 
+ Tải các nguồn từ các các cơ quan chính phủ, các tổ chức, cơ quan khoa học, giáo 
dục, doanh nghiệp, các nhà khoa học có uy tín mà nhiều sản phẩm khoa học của họ cho 
phép người dùng tải về một cách tự do. 
+ Tải về từ các nguồn học liệu mở trong nước và nước ngoài; 
+ Tải từ các CSDL toàn văn mở các công trình nghiên cứu khoa học của thế giới v.v. 
+ Tải về từ các CSDL mà thư viện đã mua bản quyền (trên CD – ROM); 
+ Tải về từ các CSDL toàn văn được phép truy cập tự do. 
+ Tải về từ các CSDL mua quyền truy cập. Thường các thư viện khi mua quyền truy 
cập CSDL nào đó thường có điều khoản được tải về toàn văn một số lượng bài nhất định. 
Khi chọn tài liệu để tải về, thư viện phải tuân thủ những tiêu chí lựa chọn tài 
liệu/thông tin trong chính sách bổ sung của thư viện mình như giá trị khoa học – thực tiễn, 
phù hợp với trình độ, chương trình đào tạo ở Việt nam; phù hợp điều kiện chính trị - xã 
hội của nước ta 
Các tài liệu tải về cần được tổ chức một cách khoa học để dễ tìm kiếm, sử dụng. Tốt 
nhất là xây dựng các CSDL môn học. Đồng thời các tài liệu này phải được xử lý theo quy 
định nghiệp vụ của thư viện/liên hiệp/ngành. 
2.2. Tăng cường khả năng khai thác của thư viện số 
Thực tế, nhiều thư viện số lớn của nước ta, trong đó có thư viện đại học có số lượt 
khai thác tài liệu điện tử/số không nhiều, đặc biệt là các CSDL toàn văn nước ngoài. Có 
thể có một số nguyên nhân sau: 
+ Người dùng tin có trình độ ngoại ngữ chưa cao, chưa đủ tầm để đọc và hiểu tài 
liệu nước ngoài, đặc biệt là tài liệu chuyên ngành. 
+ Các thư viện chưa giới thiệu, quảng bá rộng rãi cho NDT biết về các CSDL đó. 
+ các thư viện chưa có những biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ NDT khai thác, sử 
dụng tốt tài liệu trong các CSDL trên. 
v.v. 
Có thể có nhiều cách để tăng khả năng khai thác tài liệu số nước ngoài nhưng chúng 
tôi đề xuất cách giải quyết cơ bản nhất: Thư viện đứng ra dịch hay tóm lược nội dung của 
tài liệu đó ra tiếng Việt. Hiện nay, các công cụ dịch tự động (chẳng hạn trên Google – 
Google translate) chưa đáp ứng được việc dịch một cách chính xác, theo cách hành văn 
của người Việt tài liệu chuyên môn sang tiếng Việt nên thư viện cần tiến hành công việc 
này. Dịch tất nhiên là tốt nhất nhưng tốn nhiều công sức, tiền của. Tóm lược nội dung có 
tính khả thi hơn. Về dung lượng, bài tóm lược ít nhất nên bằng ¼ số trang của tài liệu gốc. 
Nghĩa là tài liệu gôc có khoảng 10 trang tiếng nước ngoài thì bài tóm lược nên có khối 
lượng từ 2 – 3 trang tiếng Việt, trong đó ngoài phần mô tả thư mục tài liệu gốc, nội dung 
phải nhấn mạnh đến chủ đề, giả thiết khoa học, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên 
cứu, các số liệu, sự kiện, nhận định, đánh giá quan trọng của tác giả Điều quan trọng là 
trong bài tóm lược mỗi chi tiết quan trọng như sự kiện, nhận định, đánh giá của tác giả 
được dẫn ra nên ghi số trang của tài liệu gốc để người đọc khi sử dụng các số liệu, nhận 
định đó dễ dàng dẫn nguồn trích. Cuối mỗi bài tóm lược nên có họ tên tác giả vì đây là 
tác phẩm “phái sinh” của tác phẩm gốc. Khi xử lý nghiệp vụ, bài tóm lược hay dịch nên 
được xử lý riêng đồng thời nên có đường link đến tài liệu gốc và/hoặc ngược lại. 
3. Cách thức thực hiện 
Nghe qua như vậy, chắc chắn nhiều người sẽ lắc đầu: công sức, tiền của bỏ ra sẽ là 
đáng kể; không có tính khả thi v.v. Tuy vậy, nếu tổ chức tốt, các thư viện vẫn có thể làm 
được. Có thể tổ chức công việc như sau: 
- Mỗi thư viện đại học nên có một bộ phận phụ trách công việc này, trong đó một số 
người chịu trách nhiệm lựa chọn, download tài liệu; tổ chức CSDL, xử lý nghiệp 
vụ; một số người phụ trách việc dịch/tóm lược tài liệu v.v. Số người phụ trách 
công việc này có thể lấy từ bộ phận bổ sung – biên mục và các bộ phận khác của 
thư viện. Ngoài ra, cần có sự cộng tác của giảng viên, các nhà nghiên cứu trong và 
ngoài trường tư vấn lựa chọn thông tin/tài liệu trên mạng, dịch/tóm lược 
chúng...và phải được kiểm soát chặt chẽ về nội dung học thuật từ phía nhà trường. 
Có như vậy mới chọn được những tài liệu phù hợp, có chất lượng cao. 
Vì đây là khâu quan trọng nhất quyết định thành công của công việc nên thư viện 
cần chọn ra những người biết tốt ngoại ngữ, nắm chắc lĩnh vực khoa học/môn học 
được phân công phụ trách, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt khâu xử lý 
nội dung tài liệu, biết thuyết phục, hợp tác với các đối tác khác 
- Các thư viện đại học cùng khối hoặc cùng liên hiệp thư viện có thể phối hợp với 
nhau trong phân công, lựa chọn, dịch/tóm lược tài liệu. Trên website của liên hiệp 
có thể có trang riêng, ở đó hàng tuần thông báo về tài liệu đã được thư viện này 
hay thư viện kia lựa chọn, download, dịch/tóm lược. Các tài liệu đã chọn, dịch/tóm 
lược giới thiệu trên trang này những thư viện khác có thể được tải về nếu có nhu 
cầu. Trang này cũng nên có mục diễn đàn để các thư viện trao đổi về những tài 
liệu đã chọn, dịch/tóm lược có đạt yêu cầu chưa, cần rút kinh nghiệm gì. Cũng có 
thể thảo luận tuần này, tháng này thư viện A, B định dịch/tóm lược tài liệu này, tài 
liệu kia để lấy ý kiến chuyên gia và tránh xử lý trùng lặp v.v. Nếu làm được điều 
này thì khối lượng tài liệu số được các thư viện đại học nước ta sở hữu sẽ tăng 
nhanh chóng. 
- Nếu tiến hành công việc này có hiệu quả thì thư viện có thể giảm khối lượng tài 
liệu phải mua; số tiền, nguồn nhân lực tiết kiệm được từ việc giảm này sẽ chuyển 
sang bộ phận download và dịch/tóm lược và thuê người dịch/tóm lược tài liệu. 
- Mỗi trường có thể làm dự án kêu gọi sự đầu tư của lãnh đạo nhà trường và hoặc tài 
trợ của cá nhân/tổ chức trong và ngoài nước. 
Các tài liệu được tải về, được dịch/tóm tắt phải thường xuyên được thư viện giới 
thiệu, quảng bá, marketing cho NDT của thư viện mình biết. 
Chúng tôi tin chắc rằng nếu thư viện đại học số nào làm được điều này thì hiệu 
quả hoạt động sẽ tăng lên đáng kể. Đề xuất này xuất phát từ định nghĩa về thư viện số của 
ThS. Cao Minh Kiểm đã nêu ở trên, trong đó có đoạn: bộ sưu tập trực tuyến các tài 
nguyên số có tổ chức, có chất lượng đảm bảo, được người làm thư viện chọn lọc, sưu tập 
và quản trị theo những nguyên tắc quốc tế. Đồng thời, giúp NDT lựa chọn và sử dụng có 
hiệu quả những tài liệu phù hợp trong hàng triệu triệu tài liệu/ thông tin trôi nổi trên 
INTERNET luôn là trách nhiệm nghề nghiệp quan trọng của bất cứ thư viện số nào. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Berker, Philip. Thư viện điện tử - hình ảnh của tương lai // Tạp chí Thông tin 
& Tư liệu. - 1995. - Số 4. - Tr. 14-20. 
2. Cao Minh Kiểm. Thư viện số : định nghĩa và vấn đề // Tạp chí Thông tin và tư 
liệu. - 2000. - Số 3. - Tr .5-12. 
3. Cao Minh Kiểm. Thư viện số và một số vấn đề cần xem xét khi phát triển thư 
viện số // Kỷ yếu Hội thảo "Thực trạng và giải pháp hoàn thiện mô hình thư viện số tại 
Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện thành phố trực thuộc Trung ương". - H.: Thư 
viện Quốc gia Việt Nam, 2013. - Tr. 3- 4. 
4. Dỗ Thùy Dương. Công tác xây dựng, tổ chức và khai thác nguồn tin điện tử tại 
Thư viện Đại học Y tế cộng đồng: luận văn. – H.: ĐHKHXH&NV, 2015. 
5. Nguyễn Minh Hiệp. Thư viện và những thay đổi trong công tác thư viện // Bản 
tin Thư viện và công nghệ thông tin. - 2011. - Tr. 5. 
6. Trần Văn Diễn. Phát triển nguồn lực thông tin đáp ứng đào tạo theo tín chỉ tại 
Thư viện trường đại học kinh tế - kỹ thuật công nghiệp: luận văn. H. ĐHKHXH&NV, 
2014. 
7. Vũ Thị Thu Hà. Dịch vụ thông tin – thư viện hiện đại tại Đại học quốc gia Hà 
Nội: luận văn. – H.: ĐHKHXH&NV, 2014. 
8. Vũ Văn Sơn. Xây dựng thư viện điện tử ở Việt Nam và tính khả thi // Tạp chí 
Thông tin và tư liệu. - 1999. - Số 2. - Tr. 2. 
9. Xôcôlôpva, N., Riabev, V. Thư viện số trong các trường đại học của chúng ta : 
Kế hoạch và thực tế // Thư viện . - 1999 . - Số 5 . - Tr. 59-62 (Tiếng Nga). 

File đính kèm:

  • pdfde_xuat_bien_phap_phat_huy_vai_tro_cua_thu_vien_dai_hoc_so_o.pdf