Hoa văn trên vải của người Tày ở Định Hóa - Thái Nguyên
TÓM TẮT
Nói đến nghề dệt vải, trước hết đó là một hoạt động kinh tế - là một nghề thủ công cổ truyền của
đồng bào Tày. Song ở khía cạnh văn hóa thì đó lại là sự biểu hiện của giá trị nghệ thuật, giá trị
thẩm mỹ. Trang phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu
hoa văn trên vải của họ. Sản phẩm vải thổ cẩm phong phú với nhiều mô típ hoa văn màu sắc đẹp
gần gũi với tự nhiên, thể hiện tín ngưỡng tôn giáo mang đặc trưng riêng của người Tày Định Hóa.
Bạn đang xem tài liệu "Hoa văn trên vải của người Tày ở Định Hóa - Thái Nguyên", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Hoa văn trên vải của người Tày ở Định Hóa - Thái Nguyên
Dương Quốc Huy Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 72(10): 159 - 163 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 159 HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI TÀY Ở ĐỊNH HÓA - THÁI NGUYÊN Dương Quốc Huy* Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên TÓM TẮT Nói đến nghề dệt vải, trước hết đó là một hoạt động kinh tế - là một nghề thủ công cổ truyền của đồng bào Tày. Song ở khía cạnh văn hóa thì đó lại là sự biểu hiện của giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ. Trang phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải của họ. Sản phẩm vải thổ cẩm phong phú với nhiều mô típ hoa văn màu sắc đẹp gần gũi với tự nhiên, thể hiện tín ngưỡng tôn giáo mang đặc trưng riêng của người Tày Định Hóa. Từ khóa: người Tày, hoa văn, thổ cẩm, trang phục, thầy Tào Dân tộc Tày là dân cư chiếm số đông ở huyện Định Hóa. Hiện nay, ở Định Hóa có 43.367 người Tày chiếm 49,2% dân số toàn huyện. Có những xã của huyện Định Hóa người Tày chiếm tới 90% như: Linh Thông, Bộc Nhiêu, Điềm Mặc, Bình Yên Theo Đào Duy Anh trong tác phẩm “Đất nước Việt Nam qua các đời” thì người Tày ở nước ta có nguồn gốc từ người Lão Man ở Trung Quốc. Tác giả “đoán rằng người Nùng ở miền Nam Trung Quốc và người Tày ở Bắc Việt Nam là hậu duệ của họ. Đặc biệt là người Lão ở Tây Nguyên bấy giờ”. “Chúng ta có thể đoán rằng cư dân các châu ki mi thuộc An Nam đô hộ phủ là tiền thân của đồng bào Tày, Nùng ở khu vực Việt Bắc hiện nay”. [1, tr.103] Ngoài nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc. Ở Định Hóa còn một bộ phận người Kinh bị “Tày hóa” trong quá trình di cư và sinh sống cùng người Tày bản bản địa. Cư trú lâu đời trên mảnh đất Định Hóa, người Tày có đời sống vật chất và tinh thần phong phú và đa dạng. Một trong những nghề thủ công truyền thống mà người Tày còn lưu giữ đến ngày nay đó là nghề dệt vải. Nghề dệt đã gắn chặt với phong tục cưới xin truyền thống của người Tày từ bao đời nay. Để chuẩn bị hành trang về nhà chồng, các thiếu nữ Tày phải tự tay dệt rất nhiều vỏ chăn, gối để biếu những người thân trong gia đình nhà chồng. Tel: 0985817689 Người Tày ở Định Hóa rất ít thêu thùa và trang trí hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của mình. Nhưng hoa văn được dệt trên vải thì rất phong phú và đa dạng tùy theo mục đích sử dụng. Hoa văn phong phú đó được thể hiện rất rõ qua vải thổ cẩm và trang phục thầy Tào. Cho đến nay nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình trên vải của người Tày đã có một vài công trình đề cập đến. Cụ thể như trong cuốn “Trang trí dân tộc thiểu số” của tác giả Hoàng Thị Mong, Nxb Văn hóa dân tộc, năm 1994 đã có vài dòng đề cập đến hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm của người Tày như hoa văn trên mặt chăn, mặt địu và màn che. Tuy nhiên tác giả mới chỉ kể ra hoa văn chứ chưa đi sâu vào nghệ thuật tạo hình trên vải và không đề cập đến hoa văn trên trang phục thầy Tào Tày. Như vậy, nghiên cứu về hoa văn trang trí trên vải và trang phục thầy Tào Tày còn rất sơ lược và cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về hoa văn trên vải của người Tày ở Định Hóa để chỉ ra nét đặc trưng riêng của người Tày nơi đây. HOA VĂN TRÊN VẢI THỔ CẨM Vải thổ cầm của người Tày có 4 loại đó là mặt chăn, mặt địu, màn che và túi đeo. Mô típ trang trí hoa văn thổ cẩm đa dạng đó là: - Các mô típ đường viền hoa móc. Mỗi tấm vải thổ cẩm đều bố cục một cách chặt chẽ trong các đường viền xung quanh. Đường viền đó là các hình chữ T và chữ thọ liên tiếp đảo ngược nhau; băng ô cách, mỗi ô cách nhau một khoảng nền có kích thước bằng 1 ô, loại này thể hiện màu tương đối tùy tiện vì Dương Quốc Huy Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 72(10): 159 - 163 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 160 các ô nền màu đen ngăn cách ô làm cho màu sắc ở mỗi ô kia nổi lên; băng hoa 6 cánh tròn rời nhau đồng màu hoặc khác màu - Mô típ hoa, lá, quả như hoa hồi 8 cánh hình thoi xếp thành 4 cặp đối xứng nhau hay hoa hồi kép 16 cánh ở giữa có nhân hình quả trám, mỗi mô típ hoa hồi nằm trong 1 ô hình thoi liên tiếp theo băng chéo và được phối màu tương phản; quả trám được bố trí theo băng chéo, nhân của mỗi hình thoi là một hình thoi nhỏ; hoa móc và quả trám nằm trong mô típ các băng chéo và hình thoi cùng với mô típ hoa hồi kép. Hai loại này đối màu nhau Đặc biệt ở những tấm vải thổ cẩm làm màn che ở nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thường thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo như thêm đường diềm ở phía trên tương ứng cho cõi trời có hình các vị thần linh bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới tương ứng với cõi đất có hình người phụ nữ mặc váy xòe hay hình người đàn ông đứng thẳng, tay buông xuôi, đầu đội mũ, hình con ngựa, con chim là những hình tượng trưng cho cuộc sống, con người, cỏ cây, muông thú như quan niệm về vũ trụ của người Tày. Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo kiểu chữ triện, hồi văn phật giáo-chữ Vạn, Hoa đào, Hoa cúc cách điệu, hình mặt trời, ngôi sao tám cánh Qua hoa văn trên vải thổ cẩm, ta thấy được sự khéo léo, kỹ thuật dệt và sức sáng tạo của người Tày ở Định Hóa. Trước hết về kỹ thuật dệt. Để thổ cẩm với các đồ án hoa văn đã định, ngoài việc dàn sợi trên khung cửi thì vấn đề quyết định là cài sợi lên go. Go là một dàn sợi, chất liệu bằng vỏ đay đứng vuông góc với mặt phẳng của dàn vải. Tùy theo khổ rộng của phần hoa cần dệt, số lượng các sợi go tương ứng với các sợi dọc của phần đó. Khi dệt vải, người thợ đạp một bên guốc để nhấc các sợi dọc, tương ứng với mỗi lần luồn con thoi kéo sợi ngang và một lần cải chỉ màu vào các mô típ hoa văn do bộ go quy định. Cứ như vậy, đồ án hoa văn hiện dần lên mặt dưới của tấm vải đang dệt. Mặt trên là mặt trái với các đầu chỉ thừa của chỉ màu. Trước đây với kỹ thuật pha màu và nhuộm sợi bằng thảo mộc nên hầu hết các loại thổ cẩm có màu sắc sẫm và đơn điệu. Ngày nay, đồng bào đã sử dụng các loại thuốc nhuộm công nghiệp và chỉ nhuộm sẵn nên hoa văn có phần sặc sỡ và phong phú hơn. Hoa văn trên vải của người Tày còn thể hiện sự công phu, khéo léo của người thợ. Chẳng hạn như dệt mặt chăn. Mặt chăn là phần ô vuông nằm giữa mặt trên của chiếc vỏ chăn gồm 4 tấm thổ cẩm ghép lại. Để dệt một mặt chăn sao cho khi ghép, các mô típ hoa văn ăn nhập với nhau, người ta phân ra làm 4 công đoạn hoặc dùng 2 khung cửi khác nhau: Một chiếc dệt hai tấm bên cạnh, 2 tấm ngoài việc dệt hoa văn cải tiếp theo 2 tấm giữa còn cải hoa văn viền (1 tấm viền phải và hai đầu, 1 tấm viền trái và 2 đầu). Chiếc khác dệt hai tấm giữa, chỉ viền hai đầu sao cho khớp với phần viền của các tấm bên. Khi ghép 4 tấm lại sẽ thành 1 tấm mặt chăn có viền xung quanh. Ta cũng thấy rằng, ngoài màn che nơi thờ cúng tổ tiên ra là có mô típ hình người, hình động vật, còn các sản phẩm thổ cẩm khác như mặt chăn, mặt địu, túi đeo, người Tày không sử dụng mô típ trang trí hình người, động vật trên vải thổ cẩm. Điều này cũng khác biệt với hoa văn trên vải thổ cẩm của người Thái và người Mường. Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc khác không có. Nếu như với bố cục hình vuông trên vải thổ cẩm, người Nùng áp dụng lối bố cục đối xứng quay quanh điểm trung tâm tạo cho đồ án trang trí vui mắt thì người Tày lại áp dụng lối đăng đối tuyệt đối. Đây cũng là bố cục trang trí mang đặc trưng của dân tộc Tày. HOA VĂN TRÊN TRANG PHỤC THẦY TÀO Hoa văn trên trang phục thầy Tào của người Tày ở Định Hóa bao gồm mô típ hoa văn trang trí trên mũ và trên áo. Dương Quốc Huy Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 72(10): 159 - 163 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 161 - Mũ: Trên mũ của thầy Tào (loại mũ ngũ nhạc) người ta trang trí hình rồng bán thân hoặc phượng hình gà trống. Hình rồng bán thân, được thêu bằng chỉ màu vàng, đỏ và xanh trên nền đen, thân rồng thêu chỉ vàng theo từng mảng xuôi và phủ kín, tạo thành các mảng vảy to, quanh thân viền chỉ xanh. Rồng có tư thế ngang, đầu tròn hai mắt đen, lồi to, viền nhân mắt bằng chỉ trắng, lông mày dài, màu trắng vuốt về phía sau, mi mắt đỏ, cổ vươn cao, một chân vươn về phía trước, một chân quặp về phía sau gồm 4 ngón. Trên lưng rồng là hình bó lúa nằm dọc theo thân. Phía dưới ngực là một mô típ các quả cau nối nhau, thêu chỉ đỏ viền trắng. Hình hai con rồng bán thân đang chầu quả bầu. Quả bầu này tượng trưng cho sự hoàn chỉnh, trường thọ, giàu sang, hạnh phúc; Phượng hình gà trống thêu chỉ màu trắng, xanh, đỏ, vàng trên nền đen, viền khung theo hình mặt mũ. Phượng có thân ngắn mập, đuôi to tròn. Đầu phượng to, mỏ đỏ, mặt vàng, mắt đỏ. Mào gồm hai phần: phần trên đỉnh đỏ, màu xanh, phần sau dài, nhọn, màu đỏ, dưới cằm có 2 mào hạ màu xanh. Cổ to ngắn viền ngoài có hàng lông trắng, to, 2 cánh xòe rộng, bả cánh đỏ, mỗi cánh có hai tia lông vàng, đỏ từ trên xuống. Chân dài màu trắng, đùi dài, gập về phía trước, 5 ngón chụm vào nhau. Toàn thân thêu chỉ vàng xen màu xanh. Cả hai con phượng ở tư thế nghiêng, xòe cánh chầu vào quả bàu vàng ở giữa. - Áo: Trên hai thân trước áo của thầy Tào của người Tày ở Định Hóa trang trí nhóm rồng – cá – hồ lô và người cưỡi ngựa theo chiều dọc từ trên xuống. Mô típ này thêu bằng chỉ màu trắng, xanh, vàng trên nền đen. Rồng ở đây là rồng toàn thân. Thân rồng uốn lượn, đuôi ngắn, nhọn, thả theo chiều dọc, lưng xanh, bụng trắng. Toàn thân phủ vẩy, đầu nhỏ, mồm dài, lưỡi đỏ, mi mắt đỏ, tóc bờm trắng, vuốt ra phía sau. Từ phần ngực rồng vươn cao, hai chân trước dang rộng xòe 5 ngón hình chân gà. Chân sau đứng thẳng, một chân bị lấp. Loại rồng này được trang trí theo cặp: hai bên thân áo chầu và giữa trong nhóm dọc cùng với cá, hồ lô, người cưỡi ngựa. Mặt sau áo phía trên cùng có trang trí hình phượng bay. Người ta trang trí hình phượng bay ở hàng thứ 2 và 4 của 2 cột dọc bên cạnh của mặt sau áo. Mô típ thêu chỉ màu đỏ, trắng, xanh, vàng nhạt trên nền đen. Các con phượng được bố cục thành hai cặp đối xứng và quay đầu vào nhau theo tư thế nằm nghiêng, cách nhau một mảng trang trí dọc ở phần giữa áo. Phượng có thân thon, cổ to, thấp, phần đuôi to, tròn, thân thêu bằng chỉ trắng xen vàng nhạt. Đầu thon có mào xanh, mỏ dài trắng, mắt chấm đỏ, hai cánh dang rộng, mỗi cánh có 4 tia lông trắng, ba cánh màu đỏ, hai chân nhỏ nằm dưới bụng có 3 ngón, một cựa phía sau, lông đuôi có 3 chiếc to, 2 chiếc sau nhạt, 1 chiếc màu đỏ nằm ở giữa. [3, tr.35] Trên lưng áo thầy Tào có trang trí rồng toàn thân đuôi chùm trong nhóm “Lưỡng long chầu lá đề Đại La Thiên”. Toàn bộ mô típ thêu bằng chỉ màu xanh, đỏ, vàng ở mức độ nhẹ trên nền màu đen. Rồng có thân uốn lượn, buông từ trên xuống, phần ngực đầu ngóc lên, chầu sang hình lá đề. Toàn thân thêu chỉ màu vàng nhạt. Dọc sống lưng có vây nhọn, thưa, thêu chỉ màu xanh nhạt. Đầu rồng to, lộ hàm răng nhọn. Lưỡi ngắn, nhỏ, hai mép bên có hai sợi râu uốn lượn trên hình bướm. Trên đỉnh đầu có hai chiếc sừng ngắn màu trắng, hai chân trước có tư thế đang bước đi, xòe bốn ngón dài, hình móng gà. Đoạn giữa thân bị lấp bởi đường viền cạnh và đám mây hình xoắn. Phần đuôi rồng to, khỏe có chùm lông to, thẳng. Hai con rồng toàn thân đuôi chùm trên có tư thế chầu hai bên lá đề. Lá đề đó tượng trưng cho núi Đại La Thiên là nơi cư ngụ của các vị quyền thế ở trên cõi trời theo quan niệm của người Tày. Lá đề là hình tim có các rìa cạnh, ở chính giữa có ba hình người bán thân Trong khung hình chữ nhật ở hàng thứ 3 cột dưới họa tiết rồng toàn thân đuôi chùm, người ta trang trí họa tiết kỳ lân đầu rồng đuôi cá được trang trí đứng độc lập. Con kỳ lân được thêu chỉ màu trắng trên nền đen. Mặt xanh, dọc sống lưng có vây đỏ, mồm há rộng, hai mắt tròn, đầu quay về phía sau, 4 chân đứng hơi quỳ, đuôi ngắn hình đuôi cá. Dương Quốc Huy Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 72(10): 159 - 163 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 162 Ba hàng phía dưới được trang trí hình người, mỗi hàng có một người ngồi ở giữa và hai bên có bốn người đứng, người hướng về phía người ngồi giữa. Theo đồng bào Tày những vị này tượng trưng cho 28 vì sao trên trời. Mô típ hình người này được thêu bằng chỉ màu vàng nhạt, xanh nhạt và đỏ xen kẽ nhau. Mô típ hình người này được trang trí ở ba hàng ngay phía dưới hình rồng chầu lá đề. Ở hàng tiếp theo là họa tiết hình lá đề ở chính giữa có hình một chiếc miếu nhỏ, có đề tên của các ngọn núi nơi ngự trị của các vị thần cai quản và bảo vệ con người. Bên cạnh đó áo thầy Tào còn được trang trí bởi các hình ngựa lùn thân có vẩy thêu bằng chỉ màu xanh theo dạng lưới tạo thành vảy trên toàn thân; hình cá đầu nhọn, vẩy nhỏ thêu chỉ vàng nhạt và xanh lơ theo dạng mắt lưới. Thân màu vàng, đầu xanh, không có mắt, bốn vây dưới bụng nhỏ, lưng không có vây, đuôi ngắn xòa rộng. Một hàng dọc từ phía trên xuống đến gấu áo mặt sau lưng áo Tày phía bên trái là mô típ hình hoa cách điệu. Đó là hoa mai bốn cánh to. Sở dĩ trang trí hoa mai vì theo đồng bào, hoa mai là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý. Trong lòng bông hoa có thêu các chữ Nôm Tày. Các họa tiết trang trí trên trang phục thầy Tào Tày, ngoài các họa tiết chính trên còn điểm thêm các họa tiết phụ như các loại sao, hình mây, làm cho các họa tiết bớt nặng nề và trở nên hòa nhập hơn giữa thế giới huyền ảo với thế giới thực. Nhìn chung, hoa văn trên trang phục thầy Tào chủ yếu là mô típ hình rồng, phượng, kỳ lân, hình người, hình núi cách điệu lá đề. Người Tày đã tiếp thu một cách có chọn lọc các yếu tố nghệ thuật ngoại lai và ít nhiều cải biến thành nét văn hóa đặc trưng của mình. Đồng thời nó cũng thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của người Tày. Thầy Tào là lớp người có khả năng giao tiếp với các vị thần trên cõi trời, là cầu nối giữa con người và các vị thần theo quan niệm của đồng bào nơi đây. Do vậy, mà hoa văn trang trí trên trang phục thầy Tào cũng thể hiện sự linh thiêng, huyền bí và đậm màu sắc tôn giáo. Màu sắc của trang phục thầy Tào người Tày gồm các mầu đỏ, vàng, trắng, lục, lam, chàm. Màu nền của áo là màu chàm. Trên nền chàm người Tày đã thêu và ghép vải tạo thành một dải hoa văn đan sít nhau khiến cho màu chàm của nền áo bị thu hẹp còn hoa văn lại hiện ra sặc sỡ. Hầu hết các họa tiết chính đều là mầu đỏ và màu vàng đặt cạnh nhau. Các nghệ nhân dân gian đã khéo léo sử dụng các màu sắc nhằm đấu chọi với màu chàm của nền áo tạo nên sắc rực rỡ của trang phục thầy Tào. Trang phục thầy Tào thực sự là bức tranh nghệ thuật phản ánh đậm nét vũ trụ quan của người Tày ở Định Hóa. Tóm lại, hoa văn trang trí trên trang phục thầy Tào người Tày ở Định Hóa là những họa tiết có tính khái quát và tính biểu tượng rất sâu sắc. Mỗi họa tiết thêu, vẽ và ghép vải đều hàm chứa một hay nhiều ý và tuân theo một nguyên tắc khắt khe về màu sắc, bố cục và đường nét. Có những yếu tố khác với tính tự nhiên, phóng khoáng của nghệ thuật dân gian. Nhưng nhìn chung đó là những ước lệ phản ánh tín ngưỡng nên mặc dù đạt ở trình độ thẩm mỹ cao nhưng lại bó hẹp trong khuôn mẫu. Chính vì thế, trang trí hoa văn trên trang phục tín ngưỡng của người Tày đã trải qua nhiều thời kỳ, đến nay nó vẫn bảo lưu gần như nguyên vẹn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. [2]. Bộ Văn hóa thông tin – Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (2005), 45 năm Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Thái Nguyên [3]. Diệp Trung Bình (1997), Hoa văn trên vải các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [4]. Đỗ Thị Hòa (2004), Trang phục các dân tộc thiểu số nhóm ngôn ngữ Việt – Mường và Tày – Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [5]. Hoàng Thị Mong (1994), Trang trí dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội Dương Quốc Huy Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 72(10): 159 - 163 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 163 SUMMARY PATTERN ON THE FABRICS OF THE TAY IN DINH HOA (THAI NGUYEN) Duong Quoc Huy College of Education – Thai Nguyen University When talking of fabric weaving, firstly it is an economic activity – and it is a traditional handicraft of the Tay ethnic minority. However, in the cultural aspect, that is an expression of artistic value, aesthetic value. The Tay’s costumes are simply an indigo color, outstanding features is reflected in the patterns on their fabrics. Products made of brocade fabrics are plentiful with many pattern motifs, beautiful color and very friendly with the nature, expressing religious beliefs which are personal characteristics of the Tay in Dinh Hoa. Key words: the Tay, patterns, fabrics, costumes, the master Tao Tel: 0985817689
File đính kèm:
- hoa_van_tren_vai_cua_nguoi_tay_o_dinh_hoa_thai_nguyen.pdf