Hội đua bò Bảy Núi, An Giang

Bảy Núi (Thất Sơn) là vùng đất thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh

An Giang. Thất Sơn không phải chỉ có 7 ngọn núi mà có tới khoảng 40 ngọn núi

nổi lên giữa đồng bằng, làm tiền đồn tự nhiên của tỉnh hướng về biên giới phía tây,

nên được xem như là “linh huyệt”, nơi kết đọng linh khí của cả một vùng Đồng

bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao la rộng lớn.

Do là vùng bán sơn địa nên Bảy Núi có địa hình đồi núi xen kẽ các cánh đồng

nhỏ, đất cát pha nằm sát chân núi, gọi là ruộng trên. Chính vì địa hình cao ráo

như vậy nên tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây khác

hẳn với vùng đồng bằng thấp xung quanh, mà chủ yếu là việc sử dụng bò thay vì

trâu. Ngoài ra, do đặc thù lịch sử nên cư dân Bảy Núi có đến hơn 30% là đồng bào

Khmer, do đó ảnh hưởng của tập quán lao động sản xuất và hình thức sinh hoạt

văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer thể hiện rất đậm nét trên địa bàn này, trong

đó có sở trường về nuôi bò và sử dụng bò làm sức kéo phục vụ không chỉ cho hoạt

động nông nghiệp mà cả trong việc đi lại (xe bò chở khách thay vì xe ngựa).

Cũng như người Việt, đồng bào Khmer là cư dân nông nghiệp lúa nước điển

hình. Do đó mà hệ thống lễ hội nói chung của người Khmer đều mang dấu ấn nông

nghiệp và gắn với nông lịch truyền thống.

Trước cuộc Cách mạng xanh (1968), nhìn chung cả ĐBSCL đều canh tác mỗi

năm chỉ 1 vụ lúa, gọi là lúa mùa, có tuổi đời 6 - 8 tháng. Hầu hết các giống lúa này

đều là giống lúa bản địa của đồng bào Khmer.

pdf 20 trang yennguyen 5600
Bạn đang xem tài liệu "Hội đua bò Bảy Núi, An Giang", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Hội đua bò Bảy Núi, An Giang

Hội đua bò Bảy Núi, An Giang
108 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
HỘI ĐUA BÒ BẢY NÚI, AN GIANG*
 Lê Công Lý**
1. Cơ sở tự nhiên và xã hội
Bảy Núi (Thất Sơn) là vùng đất thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh 
An Giang. Thất Sơn không phải chỉ có 7 ngọn núi mà có tới khoảng 40 ngọn núi 
nổi lên giữa đồng bằng, làm tiền đồn tự nhiên của tỉnh hướng về biên giới phía tây, 
nên được xem như là “linh huyệt”, nơi kết đọng linh khí của cả một vùng Đồng 
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao la rộng lớn. 
Do là vùng bán sơn địa nên Bảy Núi có địa hình đồi núi xen kẽ các cánh đồng 
nhỏ, đất cát pha nằm sát chân núi, gọi là ruộng trên. Chính vì địa hình cao ráo 
như vậy nên tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây khác 
hẳn với vùng đồng bằng thấp xung quanh, mà chủ yếu là việc sử dụng bò thay vì 
trâu. Ngoài ra, do đặc thù lịch sử nên cư dân Bảy Núi có đến hơn 30% là đồng bào 
Khmer, do đó ảnh hưởng của tập quán lao động sản xuất và hình thức sinh hoạt 
văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer thể hiện rất đậm nét trên địa bàn này, trong 
đó có sở trường về nuôi bò và sử dụng bò làm sức kéo phục vụ không chỉ cho hoạt 
động nông nghiệp mà cả trong việc đi lại (xe bò chở khách thay vì xe ngựa).
Cũng như người Việt, đồng bào Khmer là cư dân nông nghiệp lúa nước điển 
hình. Do đó mà hệ thống lễ hội nói chung của người Khmer đều mang dấu ấn nông 
nghiệp và gắn với nông lịch truyền thống.
Trước cuộc Cách mạng xanh (1968), nhìn chung cả ĐBSCL đều canh tác mỗi 
năm chỉ 1 vụ lúa, gọi là lúa mùa, có tuổi đời 6 - 8 tháng. Hầu hết các giống lúa này 
đều là giống lúa bản địa của đồng bào Khmer.
Khác với các giống lúa lùn hiện nay có tuổi đời 3 tháng bất kể thời tiết, các 
giống lúa mùa trước đây đều có tính quang cảm nên có quá trình đơm bông và chín 
hạt phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết. Được gieo trồng vào đầu tháng 5 âm lịch (sau 
khi ăn Tết giữa năm/ Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5) và cấy vào khoảng đầu tháng 7 
âm lịch. Tùy vào độ quang cảm mà mỗi giống lúa trổ bông sớm hay muộn. Những 
giống lúa có độ quang cảm cao thì khi thời tiết vừa chuyển sang chu kỳ ngày ngắn 
đêm dài (tiết Thu phân: 23 - 24/9 đến 8 - 9/10 dương lịch) thì bắt đầu trổ bông để 
đến cuối tháng 10 âm lịch thì chín, gọi là lúa mùa sớm, nói tắt là lúa sớm. Trái lại, 
* Bài viết rút ra từ Lý lịch di sản văn hóa thuộc đề tài Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật 
thể Hội đua bò Bảy Núi, An Giang do TS Đinh Văn Hạnh làm chủ nhiệm. 
** Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. 
ĐẤT NƯỚC - NHÂN VẬT
109Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
những giống lúa có độ quang cảm thấp hơn thì trổ bông muộn hơn (khoảng tháng 
10 âm lịch) để đến giữa tháng 12 âm lịch thì chín, gọi là lúa mùa chính vụ. Cá biệt 
có những giống lúa trổ bông muộn hơn nữa và bước sang đầu tháng Giêng âm lịch 
mới chín, gọi là lúa lúa mùa muộn, hay nói tắt là lúa muộn.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí (1819) tóm lược nông lịch đó như sau: 
“Các thứ lúa ấy [tức lúa mùa] đều tháng 5 gieo mạ, tháng 7 cấy, tháng 10 gặt, 
tháng Giêng mới xong việc, đến tháng 2 mới xay thóc”.(1)
Gắn với nông lịch này có nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer ở 
ĐBSCL như sau:
- Tết Năm mới (Chol-chnam-thmay) là lễ hội chào đón năm mới, diễn ra vào 
giữa tháng 4 dương lịch, giai đoạn cuối mùa nắng, đã thu hoạch vụ lúa mùa xong và 
người dân đang trông chờ mùa mưa đến để bắt đầu vụ mùa mới. Chính vì vậy mà 
trong lễ hội này có nhiều nghi thức cầu mưa như đắp núi cát, tắm sư và tượng Phật
- Lễ Nhập hạ (Bon-chôl-vossa) diễn ra vào ngày 15/6 âm lịch. Lễ này đánh 
dấu thời điểm bắt đầu 3 tháng nhập hạ của các sư. Trong thời gian này, các sư 
không còn đi khất thực mà phải tập trung trong chùa để không làm ảnh hưởng đến 
sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của người dân.
- Lễ Cúng ông bà (Sen Đon-ta) diễn ra trong 3 ngày 29, 30/8 và 1/9 âm lịch 
nhằm cầu siêu cho ông bà đã khuất và các vong hồn nói chung. Đây là giai đoạn 
lúa bắt đầu có đòng đòng, công việc đồng áng bắt đầu rảnh rỗi.
- Lễ Xuất hạ (Bon-chanh-vossa) diễn ra vào ngày 15/9 âm lịch nhằm đánh 
dấu thời điểm chấm dứt 3 tháng nhập hạ của các sư. Giai đoạn này lúa bắt đầu trổ 
bông, công việc chăm sóc lúa coi như hoàn tất.
- Lễ hội Đút cốm dẹp (Ok-om-bok) diễn ra vào đêm 15/10 âm lịch, khi mùa mưa 
sắp kết thúc và bắt đầu thu hoạch lúa mùa sớm, nhằm tạ ơn thần nước và tiễn nước.
Đó là quy trình một năm của cư dân nông nghiệp lúa nước. Trong đó phần lớn 
các lễ hội lớn của đồng bào Khmer đều diễn ra tập trung vào các thời điểm nông 
nhàn, gồm:
- Tiết nông nhàn (tháng 1 - 3 âm lịch) vào lúc trước khi mùa mưa đến. Đây là 
lúc diễn ra Tết Năm mới, lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer.
- Tiểu nông nhàn (tháng 8 âm lịch)(2) vào lúc lúa đang có đòng đòng (lúa 
chửa), công việc chăm bón cho lúa hầu như đã hoàn tất. Riêng ở Bảy Núi, do là 
vùng bán sơn địa, chủ yếu là ruộng trên nên nông lịch trễ hơn người Kinh ở đồng 
bằng châu thổ khoảng một tháng rưỡi.(3) Nhưng dù sau, theo nông lịch của đồng 
bào Khmer Bảy Núi thì cuối tháng 8 âm lịch cũng đã vừa cấy lúa xong, bắt đầu 
rảnh rỗi. Chính vì thế, đây là lúc diễn ra lễ Sen Đon-ta (Cúng ông bà) và hội đua 
bò ở vùng Bảy Núi.
110 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
Nếu như Tết Năm mới là lễ hội hướng tới tương lai (năm mới) với ước vọng 
mưa thuận gió hòa nhằm bảo đảm miếng cơm manh áo của người đang sống thì lễ 
Cúng ông bà lại hướng về quá khứ, về ông bà quá vãng để tưởng nhớ công ơn sinh 
thành dưỡng dục.
Đặc biệt, khác với cộng đồng Khmer ở các vùng khác của ĐBSCL, lễ Cúng 
ông bà ở Bảy Núi còn có thêm hội đua bò (pro-nang kô) vào ngày 29/8 âm lịch, 
tức là ngày mở đầu của lễ hội Cúng ông bà. 
Hình thức sinh hoạt văn hóa đặc thù này vốn xuất phát từ điều kiện tự nhiên 
đặc trưng của vùng Bảy Núi (loại hình ruộng trên) nên thích hợp cho việc cày bừa 
bằng bò hơn bằng trâu. Theo số liệu thống kê của riêng huyện Tri Tôn năm 2011, 
trong khi số lượng trâu trong huyện chỉ có 588 con thì số lượng bò là 21.848 con 
trong tổng số 32.699 hộ. Như vậy, bình quân cứ 3 hộ thì có 2 hộ có nuôi bò.(4) 
Tương tự, theo số liệu thống kê năm 2004, huyện Tịnh Biên cũng có số lượng bò 
lên đến 17.875 con. Nhìn chung mật độ bò ở hai huyện này (tức vùng Bảy Núi) cao 
gấp hơn 10 lần các huyện còn lại trong tỉnh An Giang.(5) 
Chính vì vậy mà, cùng với nông dân, tiết tiểu nông nhàn vào tháng 8 âm lịch 
là lúc đàn bò ở Bảy Núi rảnh rỗi, có nguồn thức ăn (cỏ) dồi dào nên thuận lợi cho 
việc tổ chức đua.(6) Đây chính là tiết mục hấp dẫn được kết hợp trong những ngày 
lễ hội Cúng ông bà đặc thù của đồng bào Khmer Bảy Núi.
Trong khi ở hội chọi trâu miền Bắc từng cặp trâu chọi nhau thì trong hội đua 
bò Bảy Núi, cả người nông dân và cặp bò của họ hợp thành một đội 3 thành viên 
cùng thi đấu. Cuộc thi này ở tư thế như đang lao động sản xuất, không mang tính 
sát phạt và đòi hỏi sự khôn khéo phối hợp nhịp nhàng, ăn ý không chỉ giữa hai con 
bò cùng kéo bừa mà còn giữa “tài xế” và cặp bò. Chính vì yêu cầu phối hợp, gắn 
bó mật thiết giữa người và bò mà trong cuộc đua, nếu “tài xế” bị té văng khỏi chiếc 
bừa thì coi như thua cuộc. 
So sánh với hội đua bò ở Trung Quốc, cuộc đua không trong tư thế bừa mà 
người tham gia hoặc cưỡi trên lưng bò (như hội đua bò ở huyện Ngọc Thụ, tỉnh 
Thanh Hải, thuộc Tây Tạng) hoặc chạy bộ theo sau con bò của mình (như hội đua 
bò ở xã Bạch Vu, huyện Tiến Hiền, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây). Ở 
Indonesia, hội đua bò diễn ra với hình thức: hoặc là hai tay của nài bò nắm lấy đuôi 
hai con bò để điều khiển, kết hợp dùng miệng cắn đuôi bò để chúng đau mà chạy 
thật nhanh (ở đảo Sumatra); hoặc là cặp bò chạy song song gắn chiếc thang nhỏ ở 
giữa để nài bò đứng điều khiển (ở đảo Java). Ở Ấn Độ, bò đua có khi mang bừa và 
nài bò đứng trên bừa để điều khiển, có khi bò không mang bừa và nài bò cầm dây 
vàm chạy theo sau điều khiển. Ở Pakistan, người ta gắn một đầu tấm ván trượt hình 
tam giác vào chiếc ách nằm giữa hai con bò, đầu còn lại của tấm ván trượt trên mặt 
đất và nài bò đứng trên tấm ván này để điều khiển bò. Ở Thái Lan có hình thức đua 
111Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
xe bò, nài bò đứng trên xe phía sau dùng gậy đâm vào mạn sườn bò để điều khiển. 
Ở Campuchia không thấy đua bò mà lại phổ biến hội đua trâu: mỗi tay đua cưỡi lên 
lưng một con trâu để đua (ở Thái Lan cũng có hình thức đua trâu tương tự).
Rõ ràng các kiểu đua nói trên không mang tính chất mô phỏng hoạt động sản 
xuất nông nghiệp rõ ràng như hội đua bò Bảy Núi.
Ở Việt Nam, ngoài vùng Bảy Núi ra không thấy nơi nào khác có hội đua bò. 
Ở miền Bắc có hội chọi trâu truyền thống ở nhiều nơi (như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, 
Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, v.v) nhưng mang nhiều nét khác biệt 
so với hội đua bò Bảy Núi: con trâu thắng cuộc luôn bị giết thịt(7) để cúng thần và 
chia cho người dân. Trong khi đó, ở hội đua bò Bảy Núi, cặp bò thắng cuộc chẳng 
những không bị giết mà còn được giữ lại nâng niu và chăm sóc cẩn thận. Điều này 
cho thấy rõ tình cảm yêu quý của người Khmer dành cho con bò.
2. Lịch sử hình thành và phát triển của hội đua bò Bảy Núi
Xét về mặt lịch sử, hội đua bò ở vùng Bảy Núi đã có lịch sử hàng trăm năm 
nay, gồm cả hai hình thức: đua xe bò trên vùng đất khô (thường là đường làng) và 
đua bò bừa dưới ruộng xâm xấp nước. Xe bò dùng để đua ở đây không phải như 
các loại xe bò to lớn dùng để chở nông sản như hiện thấy mà là loại xe bò nhỏ, có 
hoa văn thẩm mỹ chuyên dùng chở người ở những gia đình giàu có hoặc trung lưu. 
Tuy nhiên, càng về sau, khi các loại xe cộ trở nên phổ biến thì loại xe bò này ngày 
càng khan hiếm đi, dẫn tới hình thức đua xe bò cũng không còn mà chỉ còn tồn tại 
hình thức đua bò bừa.
Trong tiếng Việt, thông thường “tài xế” chỉ dùng cho người điều khiển xe. Do 
đó, hiện nay việc sử dụng từ “tài xế” (tiếng Việt) hay “bo-kô” (tiếng Khmer nghĩa 
là “tay lái bò”(8)) để chỉ người điều khiển cặp bò đua kéo bừa có thể xem như là dấu 
vết của hình thức đua bò kéo xe (xe bò) ngày trước. Đồng thời, trong một chừng 
mực nhất định, dữ liệu ngôn ngữ này cũng góp phần cho biết hình thức đua bò bừa 
có lịch sử muộn hơn đua bò kéo xe.
Ngoài ra, do địa hình vùng Bảy Núi có nhiều đồi núi, đường đi thường nhỏ 
hẹp nên ngày trước đua xe bò người ta luôn bố trí hai xe đua không đồng hàng mà 
xếp một xe trước, một xe sau. Từ khi chuyển sang đua bò bừa trên mặt ruộng, mặc 
dù đường đua (mặt ruộng) rộng rãi hơn nhiều nhưng cách bố trí cặp trước, cặp sau 
vẫn được duy trì, cho thấy tính bảo thủ của tập quán đua bò Bảy Núi mà nguồn gốc 
của nó chính là hình thức đua xe bò trên lộ và mang dấu ấn địa hình nhỏ hẹp, hiểm 
trở của vùng Bảy Núi.
Cũng chính do ảnh hưởng từ sự khó khăn, hiểm trở của đường đồi dốc nên 
trong điều lệ đua bò Bảy Núi, vòng hô có quy định nghiêm ngặt không cho phép 
cặp bò sau đạp lên bừa của cặp bò trước, rồi đến vòng thả thì lại khuyến khích đạp 
bừa. Sự thay đổi đột ngột về điều lệ như thế trong cùng một cuộc đua phản ảnh sự 
thay đổi đột ngột tính chất của địa hình vùng đất Bảy Núi.
112 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
Riêng về hình thức đua bò bừa, theo thượng tọa Chau Sơn Hy (trụ trì chùa Sà 
Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) thì ban đầu hội đua này xuất phát vào dịp các 
chủ bò tập trung về đám ruộng chùa để bừa “công quả” cho chùa (sau khi đã bừa 
ruộng nhà xong). Sau khi bừa xong đám ruộng chùa, để tạo không khi phấn khởi, 
các vị sư tổ chức thi đấu tài khéo và sự nhanh nhẹn giữa các cặp bò này.
 Phần thưởng cho đôi bò thắng cuộc ngày xưa chỉ đơn giản là cặp dây cà-tha(9) 
gắn lục lạc bò do sư cả chùa trao cho chủ của nó. Tuy nhiên, giá trị tinh thần của 
giải thưởng rất lớn lao, là niềm tự hào không chỉ của chủ đôi bò này mà còn là của 
cả phum sóc. Chính vì vậy mà cuộc tranh tài diễn ra vô cùng sôi nổi và hào hứng. 
Kể từ năm 1989, UBND xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn bắt đầu đứng ra tổ chức 
đua bò và đến năm 1992 Phòng Văn hóa Thông tin và Trung tâm Văn hóa huyện 
Tri Tôn chính thức vào cuộc. Từ năm 1992 đến 2001, hội đua bò Bảy Núi được Bộ 
Văn hóa-Thông tin đầu tư kinh phí thực hiện phim tài liệu khoa học Lễ hội đua bò 
Bảy Núi. Năm 2003, hội đua bò được Tổng cục Du lịch công nhận là sản phẩm du 
lịch, đến năm 2009 được nâng cấp thành Lễ hội Đua bò Bảy Núi mở rộng và tranh 
Cúp Truyền hình An Giang. 
Chính vì quy mô hội thi được mở rộng nên giải thưởng cũng lớn hơn, gồm 
có: cúp, cờ lưu niệm và tiền thưởng lên tới 30 triệu đồng, chưa kể các phần thưởng 
khác của các nhà tài trợ.
Những năm gần đây hội đua bò Bảy Núi thu hút khoảng 60 - 70 đôi bò đua và 
khoảng 50.000 khán giả đủ mọi tầng lớp từ các địa phương lân cận. Đặc biệt gần 
đây có sự tham gia của các đôi bò ở các tỉnh thuộc Campuchia.
Chính vì có quy mô như thế nên đua bò trở thành ngày hội lớn không những 
của đồng bào Khmer Bảy Núi mà còn của đồng bào Khmer các tỉnh lân cận và có 
cả người Kinh, thậm chí cả các địa phương của nước bạn Campuchia. Mỗi dịp đua 
bò đồng bào lại có dịp trẩy hội đông vui, hàng quán đông đặc ở xung quanh “sân 
đua”. Do đó, đây chính là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống 
giàu ý nghĩa của cộng đồng dân cư Bảy Núi.
Đặc biệt, do gắn chặt với lễ Cúng ông bà (Sen Đon-ta) và ngôi chùa, đồng 
thời diễn ra vào lúc nông nhàn nên ngày hội đua bò mang tính cố kết cộng động 
rất cao và gắn chặt với truyền thống Phật giáo Nam tông cũng như bản sắc văn hóa 
nông nghiệp độc đáo của đồng bào Khmer nơi đây.
3. Khảo tả toàn diện một hội đua bò điển hình
3.1. Thời gian, địa điểm và lực lượng tham gia
Các cuộc đua bò bừa được tổ chức hàng năm tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh 
Biên (tức vùng Bảy Núi) vào ngày 29/8 âm lịch, tức ngày đầu tiên trong 3 ngày lễ 
Cúng ông bà của đồng bào Khmer và do nhà chùa tổ chức. Từ năm 1992, chính 
113Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
quyền và các đoàn thể địa phương bắt đầu đứng ra tổ chức đua bò nhưng vẫn phải 
dựa vào nhà chùa.
Đây là thời điểm giữa mùa mưa nên sân đua (đám ruộng chùa) có nước xâm 
xấp. Đồng thời đây cũng là tiết tiểu nông nhàn nên bà con nông dân có thời gian 
rảnh rỗi để tham gia huấn luyện và tổ chức đua bò. 
Tham gia đua bò và dự khán là mọi người dân không phân biệt nơi cư trú, 
thành phần dân tộc, tôn giáo, nhưng chủ yếu là cư dân vùng Bảy Núi (thuộc hai 
huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) mà chủ yếu là người Khmer và người Việt. Cá biệt 
có năm còn có các cặp bò ở các tỉnh khác và của nước bạn Campuchia về Bảy Núi 
cùng tham gia thi đấu.
Đua bò ngày xưa chỉ là hoạt động tự phát trong phạm vi phum sóc, nhưng 
ngày nay càng lúc càng có quy mô lớn hơn(10) vì có sự tham gia tổ chức và quản lý 
của chính quyền, trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống của tỉnh An Giang 
và cả ĐBSCL nói chung. Do đó, hàng năm lượng khán giả đổ về xem đua bò Bảy 
Núi lên đến khoảng 30.000 người (theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao 
và Du lịch tỉnh An Giang năm 2011).
3.2. Quy cách sân đua
“Sân đua” là đám ruộng chùa và nằm sát khuôn viên chùa, thường có hình 
chữ nhật diện tích chuẩn là 160m x 60m,(11) xung quanh sân đua có bờ mẫu cao 
khoảng 1m để khán giả đứng xem. Mặt r ... ớn của mỗi gia đình, và đua bò là 
“thời điểm mạnh” của cộng đồng Khmer Bảy Núi nên ở đây vai trò tâm linh của 
thần Neak-ta cũng rất lớn. Ngay từ giai đoạn tập luyện bò để chuẩn bị thi đấu, các 
chủ bò cũng đã thường xuyên cúng vái Neak-ta tại sân đua để mong thần phù hộ. 
Đặc biệt, trong ngày đua bò thì các chủ bò càng cúng vái, cầu khẩn thần Neak-
ta phù hộ mãnh liệt hơn. Tại miễu thờ Neak-ta gần sân đua, ngay từ chiều hôm 
trước các chủ bò đã mang lễ vật đến cúng vái Neak-ta. Sáng hôm sau (ngày thi đấu), 
từ tờ mờ sáng, các chủ bỏ đã lục tục mang bò, bừa và lễ vật đến sân đua, không 
quên thủ tục đầu tiên là đến miếu Neak-ta cúng vái cầu khẩn thần hết lòng phù hộ 
cặp bò của mình trên đường đua gặp nhiều may mắn thuận lợi để giành chiến thắng.
Do ảnh hưởng của giao lưu văn hóa nên những chủ bò là người Việt mang lễ 
vật đến cúng Neak-ta ngoài lễ vật như đã nêu trên, còn có thêm giấy tiền vàng bạc 
và đốt (hóa vàng) ngay tại miễu.
Ngoài ra, để tăng thêm sức mạnh tâm linh, nhiều chủ bò còn nhờ các vị thầy 
pháp ban cho các đạo bùa được viết trên giấy, đốt lấy tro pha vào nước cho bò uống 
trước và trong ngày thi đấu để được phù hộ.
Nói chung, đua bò ở Bảy Núi không chỉ là một kỹ thuật mà là cả một nghệ 
thuật, thậm chí những gia đình có nhiều thế hệ đoạt giải quán quân được xem như 
là có những ngón bí truyền gia bảo mà người ngoài không dễ gì biết được. Cũng 
vì vậy mà ngày trước trong phum sóc của đồng bao Khmer Bảy Núi rải rác có các 
vị thầy chuyên về huấn luyện bò đua mà các chủ bò muốn “nâng cao tay nghề” thì 
phải đến “bái sư học đạo”.(20)
Do đua bò đã vượt lên trên một trò chơi thể thao giải trí đơn thuần để đến 
ngưỡng của một thứ tín ngưỡng địa phương nên dụng cụ đua bò đặc biệt như chiếc 
Hình 6: Lễ vật cúng Neak-ta (Ông Tà) tại 
miếu Neak-ta trước sân đua bò, chùa Tà 
Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) trước giờ 
thi đấu. Ảnh LCL.
123Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
xe bò, chiếc ách, chiếc bừa, cây xà-lul chuyên dùng để đua và đã giành nhiều giải 
quán quân thường được mỗi gia đình cẩn thận cất giữ như một thứ gia bảo, để trao 
truyền cho các thế hệ sau. Nếu chẳng may một gia đình vì lý do gì đó không thể 
tiếp tục “nối nghiệp” đua bò thì người ta thường không bán các thứ đồ nghề gia 
bảo đó đi mà đem hiến cúng cho chùa. Hiện nay tại chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, 
huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đang có cả một bộ sưu tập “đồ nghề” đua bò, từ đua 
xe bò cho đến bò bừa.
6. Giá trị văn hóa của hội đua bò Bảy Núi 
Như đã nói ở trên, hội đua bò Bảy Núi có cơ sở tự nhiên và xã hội sâu sắc của 
nó. Cơ sở tự nhiên của nó chính là vùng đất bán sơn địa với đa số ruộng trên cao 
ráo, đất cát pha, là môi trường thích hợp cho bò hơn trâu. Cơ sở xã hội của nó chính 
là tín ngưỡng thờ bò từ trong nguồn cội văn hóa Bà-la-môn mà đồng bào Khmer đã 
sớm tiếp thu từ mấy ngàn năm trước, trước cả ảnh hưởng Phật giáo. Trên đà giao 
lưu văn hóa, đặc biệt với Phật giáo, thì tín ngưỡng thờ bò đó “trú ngụ” trong văn 
hóa dân gian của cộng đồng. Do đó, ngày nay, bóc tách các tầng lớp ý nghĩa của hội 
đua bò Bảy Núi chính là công việc đi ngược thời gian, khám phá ký ức tộc người 
và truy tầm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong suốt chiều dài thời gian đó, đồng bào Khmer Bảy Núi đã hun đúc, gìn 
giữ và trao truyền nhiệt huyết tình cảm đối với con bò và hội đua bò, từ hình thức 
đua bò kéo xe trên lộ cho đến đua bò bừa dưới ruộng.
Điều đáng lưu ý là, dù đua bò kéo xe (xe bò) như ngày xưa hay bò kéo bừa 
như hiện nay thì cách thức tiến hành cuộc đua đều mang tính mô phỏng hoạt động 
sản xuất nông nghiệp thường ngày của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Do đó có 
thể xem hội đua bò ở đây như một hình thức khuyến nông tự phát của cộng đồng 
nông dân Khmer Bảy Núi. Đồng thời, do con bò gắn liền với đời sống nông nghiệp 
của cư dân địa phương nên hội đua bò có thể xem như một hành động ma thuật 
nhằm cầu mong cho gia súc mạnh khỏe, mùa màng thuận lợi, đời sống ấm no. Đặc 
biệt, hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào thời điểm mùa mưa bắt đầu nặng hạt, giai 
đoạn thời tiết không thuận lợi khiến bò dễ bị bệnh, nên hội đua này còn mang ý 
nghĩa như là cách tạo ra một “thời điểm mạnh” để bò vượt qua bệnh tật. Do đó, hội 
đua này còn là sản phẩm của sự thích nghi với thời tiết.
Ngoài ra, những phẩm chất dũng mãnh, điêu luyện của cặp bò và tài xế trong 
cuộc đua bò như thế góp phần khuyến khích nghề nuôi bò nói chung và thuần 
dưỡng bò nói riêng để đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất ở vùng đất bán sơn địa 
có địa hình phức tạp, hiểm trở như vùng Bảy Núi.
Tuy nhiên, khác với các cuộc đua thú thông thường (thú đua thường rất hung 
hãn), hội đua bò Bảy Núi chỉ dung nạp được những cặp bò đua hiền lành (bò đực 
đã thiến khoảng hai năm), vì nếu không sẽ dễ dàng phạm quy và thua cuộc ngay từ 
124 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
đầu. Như thế, ngay từ trong luật chơi, hội đua bò Bảy Núi cũng đã thể hiện rõ nếp 
sống hiền lành, chân chất và điềm đạm của người dân nơi đây.
Đua bò Bảy Núi diễn ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, tức vào giai 
đoạn tiểu nông nhàn, nằm trong giai đoạn cầu bông của cư dân nông nghiệp lúa 
nước. Do đó, đây chính là một lễ hội nông nghiệp điển hình của đồng bào Khmer 
Bảy Núi.
Ngoài ra, hội đua bò này còn nằm trong khuôn khổ của lễ hội Cúng ông bà 
(Sen Đon-ta), một hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm tưởng nhớ ông bà quá vãng 
và các vong hồn không nơi nương tựa (cô hồn), tương tự như lễ Vu Lan và thí thực 
cô hồn vào rằm tháng 7 của người Việt, nên càng mang ý nghĩa về nguồn. Đây thực 
sự là “thời điểm mạnh” của cộng đồng cư dân Bảy Núi trong việc củng cố nhiều 
vẻ đẹp văn hóa truyền thống đáng quý: lòng hiếu thảo, đức vị tha xen lẫn tinh thần 
thượng võ và ý chí quả cảm trong cuộc sống.
Đặc biệt, hội đua bò truyền thống của đồng bào Khmer Bảy Núi luôn diễn ra 
tại đám ruộng chùa, nằm sát sân chùa, do nhà chùa tổ chức và phát giải. Từ năm 
1992, chính quyền địa phương mới đứng ra tổ chức nhưng vẫn phải dựa vào nhà 
chùa, vì hệ thống nhà chùa chính là thiết chế văn hóa quan trọng nhất của đồng 
bào Khmer. 
 Tất cả những điều đó cho thấy rõ, hội đua bò Bảy Núi không phải chỉ là 
hoạt động thể thao mang tính giải trí đơn thuần mà nó nằm trong hệ thống lễ hội 
nông nghiệp lúa nước của đồng bào Khmer ở vùng đất bán sơn địa, và gắn với tín 
ngưỡng thờ bò của đạo Bà-la-môn cũng như truyền thống Phật giáo Nam tông. Do 
đó, có thể nói hội đua bò này chính là một dạng thức đặc trưng nhất của văn hóa 
nông nghiệp Khmer vùng Bảy Núi.
 Đồng thời, không gian sân đua mở thoáng tối đa (hình thức đám ruộng có 
bờ mẫu lớn xung quanh) và việc không có (đúng hơn là không cần) rào chắn ngăn 
cách đường đua với khán giả cũng đã chỉ rõ tính cộng đồng và hòa hợp cao của 
hội đua bò Bảy Núi. Đặc biệt, đua bò từ chỗ là một hình thức sinh hoạt văn hóa cổ 
truyền của đồng bào Khmer, từ lâu đã có người Việt tham gia, thậm chí nhiều năm 
quán quân vô địch chính là người Việt. Đồng thời, nhiều lần thi đấu có cả các cặp 
bò ở các tỉnh khác của Đồng bằng sông Cửu Long và ở nước bạn Campuchia tham 
gia. Điều đó cho thấy sức thu hút mãnh liệt và tính chất liên kết cộng đồng mạnh 
mẽ của hội đua bò Bảy Núi.
 L C L
125Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
CHÚ THÍCH
(1) Phan Huy Chú (1819, tái bản 2005), Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch của Viện Sử 
học, tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 202-203.
(2) Ở Việt Nam, ngoài tiết nông nhàn với hàng trăm lễ hội (tháng 1 âm lịch 174 lễ hội, tháng 2 
âm lịch 48 lễ hội, tháng 3 âm lịch 70 lễ hội), trong các tháng còn lại thì tháng 8 âm lịch do là 
tiết tiểu nông nhàn nên có số lễ hội cao nhất: 34 lễ hội. Theo Lê Trung Vũ - Nguyễn Hồng 
Dương (1997), Lịch lễ hội, Nxb Văn hóa-Thông tin, tr. 201-218.
(3) Do đó, mặc dù lễ Vu Lan ở người Kinh và lễ Sen Đon-ta của người Khmer nhìn chung có 
cùng ý nghĩa (hồi hướng về ông bà quá vãng, cúng thí cô hồn) nhưng lễ Sen Đon-ta trễ hơn 
lễ Vu Lan đến một tháng rưỡi.
(4) Chi cục Thống kê huyện Tri Tôn (2012), Niên giám thống kê 2011, Chi cục Thống kê huyện 
Tri Tôn xb, tr. 14, 48.
(5) Tổng cục Thống kê (2006), Tư liệu kinh tế-xã hội 671 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc 
tỉnh của Việt Nam, Nxb Thống kê, tr. 2479-2524.
(6) Tháng 8 âm lịch cũng diễn ra nhiều hội chọi trâu ở miền Bắc như: ở TX Đồ Sơn, TP Hải 
Phòng vào ngày 9/8; ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào ngày 10/8; ở xã Nghi 
Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng vào ngày 10/8 âm lịch.
(7) Riêng hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng ngày xưa, con trâu thắng cuộc được ném xuống 
biển để tế Thủy thần.
(8) Xin cám ơn ông Chau Mô Ni Sóc Kha (Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh 
An Giang) đã giải thích giúp các từ Khmer này.
(9) Cà-tha là một loại bùa hộ mạng của người Khmer được làm từ các loại chỉ màu kết lại với 
nhau, dùng để đeo theo bên người. Ở đây cà-tha cũng dùng để đeo cho bò, mang ý nghĩa 
hộ mạng.
(10) Cá biệt, trong hai năm 2014 và 2015 do chính quyền địa phương chỉ tổ chức đua vòng 
huyện (Tri Tôn và Tịnh Biên) và hai huyện lại tổ chức đua cùng ngày nên sức hấp dẫn của 
nó giảm đi và lượng khán giả cũng giảm theo.
(11) Diện tích sân đua không nhất thiết cố định như vậy mà có thể thay đổi. Chẳng hạn, diện tích 
sân đua chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) khoảng 135m x 45m (khoảng 6.000m2); 
sân đua chùa Thơ Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) là 65m x 115m (khoảng 7.500m2); 
sân đua chùa Rô (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) là 33m x 110m (khoảng 3.500m2).
(12) Trong tiếng Việt có quán ngữ “xỏ vàm” dùng để chỉ sự tuân phục trước một áp lực nào đó.
(13) Tương truyền, ngày xưa ở Bảy Núi từng có trường hợp đua bò mà tài xế của cặp bò trước 
dùng mỡ cọp thoa lên đầu cây xà-lul và gắn râu cọp lên đó để cặp bò sau ngửi thấy mùi cọp 
và trông thấy râu cọp thì hoảng sợ, chạy tán loạn ra khỏi đường đua, dẫn đến bị loại.
(14) Sóc là đơn vị dân cư của người Khmer.
(15) Tuy nhiên, nếu xác định nuôi bò lấy thịt thì người ta sẽ không thiến bò, vì bò thiến có chất 
lượng thịt thấp hơn bò không thiến.
(16) Soda tức natri cacbonat (Na2CO3).
(17) Trên địa bàn nước Chân Lạp xưa (gồm cả Nam Bộ hôm nay) có rất nhiều trâu bò. Năm Bính 
Thân 1296, Châu Đạt Quan theo sứ đoàn nhà Nguyên (Trung Quốc) sang đất Chân Lạp 
126 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
đã ghi nhận: “Bò rất nhiều. Người ta cưỡi bò lúc còn sống, nhưng khi nó chết họ lại không 
dám ăn thịt, không dám lột da Họ chỉ bắt bò kéo xe”. Châu Đạt Quan (1296, tái bản 2007), 
Chân Lạp phong thổ ký, Nxb Văn nghệ, tr. 81.
(18) Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn, 1969, tr. 55.
(19) Trong phương ngữ Nam Bộ, miễu là ngôi thờ nhỏ còn miếu là ngôi thờ lớn, uy nghi.
(20) Chẳng hạn, hiện nay còn ông Chau Son ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn được 
xem như sư phụ trong làng đua bò ở địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Châu Đạt Quan (1296, tái bản 2007), Chân Lạp phong thổ ký, Nxb Văn nghệ, TP HCM.
2. Chi cục Thống kê huyện Tri Tôn (2012), Niên giám thống kê 2011, Chi cục Thống kê huyện 
Tri Tôn xb.
3. Đào Xuân Quý dịch (1985), Ramayana - sử thi Ấn Độ, Nxb Đà Nẵng.
4. Dật Sĩ - Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb Từ tâm, Sài Gòn.
5. Huỳnh Ngọc Trảng (1983), Truyện cổ Khmer Nam Bộ, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
6. Lê Công Lý (2014), “Bảy Núi trong tâm thức Nam Bộ”, tạp chí Kiến thức ngày nay, số 866, 
ngày 01/9/2014.
7. Lê Công Lý (2015), “Đua bò trong hệ thống lễ hội nông nghiệp của đồng bào Khmer Bảy 
Núi”, trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2015), Văn hóa dân gian - những công trình 
của hội viên, Quyển 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 48 - 51.
8. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn.
9. Lê Trung Vũ - Nguyễn Hồng Dương (1997), Lịch lễ hội, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
10. Nguyễn Hiến Lê (1943, tái bản 1993), Đế Thiên Đế Thích, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội. 
11. Nguyễn Hữu Hiệp (2010), An Giang - đôi nét văn hóa đặc trưng vùng đất bán sơn địa, Nxb 
Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
12. Nguyễn Ngọc Đệ (2009), Giáo trình cây lúa, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM.
13. Nguyễn Văn Hầu (1970, tái bản 2000), Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Nxb Trẻ, TP HCM.
14. Nguyễn Xuân Nghĩa (1987) “Lễ hội nông nghiệp cổ truyền ở người Khmer vùng ĐBSCL”, 
tạp chí Văn hóa dân gian, số 4.
15. Nhiều tác giả (1994), Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
16. Nhiều tác giả (2012), Kỷ yếu hội thảo khoa học Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang, Viện Văn hóa 
nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức, An Giang, 14/10/2012.
17. Nhiều tác giả (2013), Địa chí An Giang, UBND tỉnh An Giang xb.
18. Nhiều tác giả (2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học Tịnh Biên 175 năm hình thành và phát triển 
(1839-2014), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang - Huyện ủy Tịnh Biên đồng tổ chức, Tịnh 
Biên, ngày 16/8/2014.
19. Phan Huy Chú (1819, tái bản 2005), Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch của Viện Sử 
học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
20. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1865-1882, tái bản 1959), Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh 
Nam Việt, Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn.
21. Sơn Phước Hoan chủ biên (1999), Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, 
Nxb Giáo dục.
127Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016
22. Sorya (1998), Lễ hội Khmer Nam Bộ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
23. Thạch Voi (2001), Bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Trung tâm Văn hóa TP HCM xb.
24. Tổng cục Thống kê (2006), Tư liệu kinh tế-xã hội 671 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc 
tỉnh của Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.
25. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, Nxb Đại học 
Quốc gia Hà Nội.
26. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb 
Đồng Nai.
27. Trường Lưu chủ biên (1993), Văn hóa người Khmer ở ĐBSCL, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
28. Viện Văn hóa (1988), Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang.
29. Võ Công Nguyện (2006), “Các loại hình kinh tế truyền thống của người Khmer ở tỉnh An 
Giang”, trong Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ, Hội Dân tộc học TP HCM, Nxb Khoa 
học Xã hội, Hà Nội. 
TÓM TẮT
Bảy Núi (hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là vùng đất bán sơn địa nên thích 
hợp cho nghề nuôi bò và dùng bò làm sức kéo. Do đó, hàng năm vào dịp lễ Sen Đon-ta (Cúng 
ông bà), đồng bào Khmer nơi đây tổ chức hội đua bò - một hình thức lễ hội nông nghiệp lúa nước 
mang ý nghĩa khuyến nông, cầu mùa, giải trí và liên kết cộng đồng. Đây là sinh hoạt văn hóa nổi 
bật và đặc trưng nhất của vùng Bảy Núi. 
ABSTRACT
COW RACING IN BẢY NÚI, AN GIANG PROVINCE
Bảy Núi (including two districts of Tri Tôn and Tịnh Biên, An Giang Province) is a semi-
mountainous region which is suitable for cattle husbandry and tilling. Therefore, on annual Sen 
Đon-ta festival (worshipping ancestors), the Khmer people residing there organize the cow racing, 
a form of agricultural festival for agricultural extension, praying for good harvest, entertainment 
and community connections. This is the most outstanding and characteristic cultural activity in the 
area of Bảy Núi.

File đính kèm:

  • pdfhoi_dua_bo_bay_nui_an_giang.pdf