Khoa học thông tin và thư viện (Library and Information Science)

Thư viện ra đời như là kho tri thức của xã hội : có người cho rằng thư

viện là đền đài của văn hóa và sự uyên thâm. Được hình thành trong thời kỳ

nông nghiệp thống trị trong tư duy của nhân loại, thư viện đã trải nghiệm qua

một cuộc hồi sinh với việc phát minh ngành in trong thời kỳ Phục hưng, và bắt

đầu thực sự khởi sắc khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng phát với hàng loạt

phát minh cơ giới hóa quy trình in ấn.

Lịch sử thư viện đã trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ. Hình ảnh và nghề

thư viện đã có từ lâu đời, tuy nhiên lần đầu tiên nghiệp vụ thư viện được tổ chức

giảng dạy như một ngành khoa học là vào ngày 01 tháng 01 năm 1887 tại

Trường Kinh tế Thư viện thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ do nhà thư viện học

Melvil Dewey khởi xướng (Chan, 1994).

pdf 6 trang yennguyen 4000
Bạn đang xem tài liệu "Khoa học thông tin và thư viện (Library and Information Science)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Khoa học thông tin và thư viện (Library and Information Science)

Khoa học thông tin và thư viện (Library and Information Science)
 1
KHOA HỌC THÔNG TIN VÀ THƯ VIỆN 
(Library and Information Science) 
NGUYỄN MINH HIỆP 
ThS. Khoa học thông tin và thư viện 
GĐ. Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên 
ĐHQG TP. Hồ Chí Minh 
Thư viện ra đời như là kho tri thức của xã hội : có người cho rằng thư 
viện là đền đài của văn hóa và sự uyên thâm. Được hình thành trong thời kỳ 
nông nghiệp thống trị trong tư duy của nhân loại, thư viện đã trải nghiệm qua 
một cuộc hồi sinh với việc phát minh ngành in trong thời kỳ Phục hưng, và bắt 
đầu thực sự khởi sắc khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng phát với hàng loạt 
phát minh cơ giới hóa quy trình in ấn. 
Lịch sử thư viện đã trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ. Hình ảnh và nghề 
thư viện đã có từ lâu đời, tuy nhiên lần đầu tiên nghiệp vụ thư viện được tổ chức 
giảng dạy như một ngành khoa học là vào ngày 01 tháng 01 năm 1887 tại 
Trường Kinh tế Thư viện thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ do nhà thư viện học 
Melvil Dewey khởi xướng (Chan, 1994). 
Từ đó đến nay ngành thư viện được xem như phát triển qua ba giai đoạn: 
 Thư viện học; 
 Khoa học thông tin và thư viện; 
 Cách mạng hóa quan niệm về thư viện. 
1. Thư viện học: 
Chúng ta tính mốc từ thế kỷ XIX. Thư viện là đóng – Sách được xếp theo 
kích cỡ trong những kho kín của thư viện, độc giả chỉ tiếp cận với thủ thư ở 
quầy lưu hành để yêu cầu mượn sách. Tài liệu phục vụ độc giả chủ yếu là sách, 
báo, tạp chí in ấn và vi phẩm (vi phim, vi phiếu). Công tác thư viện chủ yếu là tổ 
chức, bảo quản kho sách; công tác kỹ thuật bao gồm lập thư mục, phân loại, biên 
mục, chỉ mục, tóm tắt nội dung. tổ chức hệ thống mục lục cho độc giả tra tìm tài 
liệu. Ngành học bao gồm nghiệp vụ chính của giai đoạn này được mang một 
danh xưng là Thư viện học (Library Science) và đây là giai đoạn Quản lý tài 
liệu (Material Management), mang ý nghĩa là quản lý vật chất và coi trọng công 
tác nghiệp vụ (technical services) hơn công tác phục vụ (public services), 
Kể từ giai đoạn này hệ thống thư viện được phân chia thành 5 loại hình 
mà có giá trị đến ngày hôm nay, trở thành tiêu chuẩn cho các quốc gia trên thế 
giới. Đó là: 
 2
(1) Thư viện quốc gia (National/State Library) 
(2) Thư viện đại học và nghiên cứu (Academic Library) 
(3) Thư viện chuyên ngành (Special Library) 
(4) Thư viện công cộng (Public Library) 
(5) Thư viện trường học (School Library) 
Trong đó loại 1, 2, vả 3 là loại hình thư viện mang tính chất học thuật 
(academic) và nghiên cứu (study); trong khi đó loại 4 và 5 mang tính chất phổ 
thông (popular) và công cộng (public). 
2. Khoa học thông tin và thư viện: 
Cho đến một lúc, xuất phát từ ý định thư viện xem người sử dụng là trung 
tâm, với việc nhấn mạnh trao đổi thông tin với những cơ quan thông tin khác. 
Điều này cũng đồng thời để đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng gia tăng. Giai 
đoạn Quản lý thông tin (Information Management) được xem như ra đời với 
ngành Thông tin học (Information Science). 
Thông tin học là một ngành khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu bản chất, 
cấu trúc, và quy luật phát triển của thông tin, cũng như lý thuyết và phương pháp 
quản lý các nguồn tài nguyên thông tin (information resources). Về lý thuyết, 
Thông tin học có nhiệm vụ tìm ra những quy luật sản sinh, truy hồi, và xử lý 
thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của con người. Về ứng dụng , thông tin 
học có nhiệm vụ tìm ra những phương tiện và phương thức thực hiện các tiến 
trình thông tin một cách có hiệu quả. 
Do đó, Thông tin học được xem xét qua ba khía cạnh: 
 Kỹ thuật; 
 Ý nghĩa; 
 Hiệu quả sử dụng. 
Đối với ngành thư viện người ta chỉ quan tâm chủ yếu đến khía cạnh thứ 
ba. Do đó khi nói đến Thông tin học trong ngành thư viện là việc ứng dụng 
Thông tin học để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành thư viện trong giai đoạn 
thứ hai – Giai đoạn Quản lý thông tin. 
Thông tin học phản ánh bước phát triển thứ hai trong tiến trình phát triển 
ngành thông tin - thư viện, có những nét riêng biệt trong chức năng và nhiệm vụ 
của mình đối với Thư viện học, tuy nhiên chính sự khác biệt này lại thúc đẩy 
quá trình tương tác tự nhiên giữa hai ngành khoa học này như “mình với ta tuy 
hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. 
 3
Rõ ràng ngành thư viện khi phát triển đến giai đoạn thứ hai thì không thể 
nào chỉ có những công tác thư viện (library tasks) với hình ảnh người thủ thư bổ 
sung tài liệu, xử lý kỹ thuật, rồi cất giữ trong kho và thụ động ngồi chờ người ta 
đến đọc như ở giai đoạn thứ nhất mà cần có những hoạt động thông tin 
(information activities) để chủ động mang thông tin đến người sử dụng. Đó là lý 
do từ thập niên 1960, xuất phát từ Hoa Kỳ một thuật ngữ mới ra đời Khoa học 
thông tin và thư viện (Library and Information Science) và Ngành thư viện 
được gọi là Ngành thông tin- thư viện như cả thế giới đang dùng hiện nay. 
Tại giai đoạn này, ảnh hưởng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 
thông tin khiến cho “ngành thông tin - thư viện phát triển với một tốc độ nhanh 
chưa từng có” (như được đánh giá tại hai cuộc hội nghị quốc tế tại Đại học 
Malaya. Malaysia, 1997 và tại Đại học East Anglia, Norwich, Anh Quốc, 1999). 
Ngành thông tin- thư viện được xem như là gắn liền với công nghệ thông 
tin. Hầu hết việc đào tạo ngành thông tin- thư viện được chuyển sang các trường 
trong khối kỹ thuật và công nghệ thông tin. Chẳng hạn như tại Singapore, ngành 
thông tin- thư viện (Master of Library and Information Science) trực thuộc khoa 
Thông tin học (Information Study) thuộc trường Truyền thông và Thông tin 
(School of Information and Communication) của trường Đại học Kỹ thuật 
Nanyang. Tại Anh Quốc, ngành thông tin- thư viện trực thuộc trường Tin học 
(Faculty of Computer Science) của trường Đại học Brighton; cách tổ chức cũng 
tương tự như tại các trường University College London và trường đào tạo từ xa 
Queen Margaret ở Scotland. Tại New Zealand, ngành thông tin - thư viện trực 
thuộc trường Thương mại điện tử (School of e-business) của trường ĐH 
Victoria, Wellington. 
Nói chung, ngành thông tin- thư viện trên thế giới hiện nay được xem như 
một ngành thuộc khối công nghệ thậm chí là một ngành công nghệ mới. Nhờ 
ứng dụng công nghệ mới và có sự liên thông trên phạm vi toàn cầu, cụ thể là 
mạng Internet, công tác nghiệp vụ (technical services) của thư viện được chia sẻ 
giữa các thư viện trong những hệ thống thư viện (library systems) và liên hiệp 
thư viện (library consortium) nên được xem là nhẹ hơn so với công tác phục vụ 
trong mỗi thư viện mà ngày nay mang một tên mới là dịch vụ thông tin 
(information services). Nếu có một tỷ lệ 80% cho công tác nghiệp vụ và 20% 
cho công tác phục vụ trong một thư viện truyền thống trước đây thì ngày nay tỷ 
lệ này hoàn toàn ngược lại. Dịch vụ thông tin là hoạt động chủ yếu trong một 
thư viện ngày nay (Rubin, 2004). 
Do đó để đánh giá hay xếp loại một thư viện ngày nay người ta không dựa 
vào số lượng tài nguyên thông tin hay vốn tài liệu (holdings) thư viện có mà dựa 
 4
vào năng lực đáp ứng nhu cầu thông tin cho người sử dụng từ nhiều nguồn khắp 
nơi thông qua việc ứng dụng công nghệ mới (Stueart, 1995). 
3. Cách mạng hóa quan niệm về thư viện 
Ngày nay, sự bùng phát tài nguyên điện tử, công nghệ web, và năng lực 
số hóa thông tin in ấn, âm thanh, và nghe nhìn đã làm cách mạng hóa quan niệm 
về thư viện. 
Thư viện ngày nay được quan niệm là sự kết hợp những đối tượng vật 
chất được tiếp cận trong không gian vật chất, với đối tượng điện tử hiện hữu 
trong không gian điện tử và có thể được truy cập hầu như khắp mọi nơi. Cụ thể 
hơn, thư viện của hôm nay là sự kết hợp tài nguyên (resources) bao gồm không 
những tài liệu in ấn truyền thống, mà còn có cả sách điện tử và tạp chí điện tử, 
cơ sở dữ liệu trực tuyến, và những bộ sưu tập điện tử do thư viện xây dựng hay 
do nhà thầu cung cấp từ bên ngoài. Rõ ràng thư viện như thế là bao gồm giữa 
thư viện truyền thống dựa trên tài liệu in ấn với thư viện điện tử thuần túy. 
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, quan niệm mang tính “cách mạng 
hóa” về thư viện như được trình bày ở trên được mang một thuật ngữ rất quen 
thuộc – Thư viện số. Theo Joan M. Reitz (2005), “Thư viện số là một thư viện 
trong đó ngoài tài liệu in ấn và tài liệu dạng thu nhỏ (vi phẩm), có phục vụ độc 
giả một tỷ lệ quan trọng tài nguyên dạng máy đọc được truy cập qua máy tính 
được gọi là tài nguyên số. Tài nguyên số có thể là tài liệu nội sinh mà cũng có 
thể được truy cập từ xa qua mạng máy tính. Tiến trình số hóa trong thư viện bắt 
đầu từ hệ thống mục lục, chỉ mục tạp chí và dịch vụ tóm tắt tài liệu, đến ấn phẩm 
định kỳ và tài liệu tham khảo, và cuối cùng là sách in”. 
Trong giai đoạn này, thông tin trở nên quá tải. Người cán bộ thư viện phải 
sử dụng kiến thức chuyên ngành và công nghệ mới để chọn lọc những thông tin 
có ý nghĩa và hữu ích, được gọi là tri thức (knowledge) để phục vụ người sử 
dụng, vì theo Branscomb “Nếu ví thông tin như là bột mì thì tri thức chính là 
bánh mì” . Do đó giai đoạn này được gọi là Quản lý tri thức (Knowledge 
Management). 
Để xây dựng thư viện số, người ta phải tạo nên những bộ sưu tập số 
(digital collections) mà chủ yếu là dựa vào những phần mềm nguồn mở (open 
source software). Art Rhyno, tác giả cuốn sách “Using open source systems for 
digital libraries – Sử dụng hệ thống nguồn mở cho thư viện số” đã viết “Hiện 
nay trên thế giới, xu thế xây dựng và phát triển thư viện số đã trở thành phần 
chủ đạo trong toàn cảnh hoạt động thông tin - thư viện, trong khi phần mềm 
nguồn mở trở thành hiện tượng toàn cầu. Giống như nhiên liệu trong động cơ kỹ 
thuật, nguồn mở và thư viện số là hai yếu tố không tách rời”. 
 5
Sưu tầm thông tin và làm cho thông tin đó trở nên phổ biến hơn đối với 
người khác là một điều liên quan đến vấn đề xã hội. Những người xây dựng thư 
viện số phải am hiểu quyền sở hữu trí tuệ để hành động một cách có trách nhiệm 
và đúng luật xung quanh những ứng dụng cụ thể của mình. 
Thư viện số có thể làm cho việc truy cập trở nên rộng rãi hơn thư viện 
truyền thống. Việc truy cập này mang những đặc trưng: 
 Truy cập thông tin trong thư viện số nói chung ít bị kiểm soát hơn 
tiếp cận sưu tập in ấn trong thư viện truyền thống; 
 Đưa thông tin vào thư viện số là có khả năng làm cho thông tin đó 
trở nên phổ biến ngay đối với một số lượng độc giả hầu như vô hạn. 
Một phần quan trọng trong việc xây dựng thư viện số là số hóa tài liệu. 
Bản quyền đối với tập tin máy tính và tài liệu được xuất bản trên Would-Wide-
Web chưa rõ ràng. Đối với công tác thư viện, khi số hóa tài liệu cần xem xét: 
 Nếu tác phẩm được số hóa ở miền công cộng (public domain) tức là 
không có bản quyền thì không cần xin phép ai hết. Dĩ nhiên kết quả số hóa cũng 
không được bảo vệ bản quyền, trừ phi kết quả nhiều hơn bản gốc; 
 Nếu tài liệu được tặng để số hóa thì có thể tiến hành số hóa với một 
sự chứng nhận cho phép của tác giả (giấy cho phép chẳng hạn). 
Nếu muốn số hóa tài liệu mà không rơi vào hai trường hợp trên thì ta phải 
cân nhắc thử việc số hóa của ta có phải là một việc làm có lợi ích chung mà 
không xâm phạm lợi ích người khác. Cuối cùng nếu không chắc chắn với điều 
cân nhắc trên thì phải tiến hành xin phép trước khi số hóa tài liệu. 
KẾT LUẬN 
Với quan niệm “cách mạng hóa” về thư viện, ngày nay thư viện được xem 
không chỉ là nơi bảo tồn giá trị văn hóa mà còn là nơi tích cực đáp ứng nhu cầu 
thông tin cho người sử dụng thông qua công nghệ mới, như lời của Bà Sharon 
White “Thư viện có truyền thống là người giữ gìn quá khứ, nhưng ngày nay thư 
viện ngày mỗi ngày là người dẫn dắt tương lai” (2006). 
Thư viện ngày nay là một cơ quan thông tin (information agency) tiêu 
biểu nhất bao gồm công tác thư viện và hoạt động thông tin là hai nghiệp vụ 
không thể tách rời, do đó ngành thư viện được gọi là ngành thông tin - thư viện 
với lý luận và thực tiễn của Khoa học thông tin và thư viện (Library and 
Information Science). 
 6
Dịch vụ thông tin với việc sử dụng công nghệ mới, chủ yếu là công nghệ 
thông tin trong bộ phận tham khảo (Reference) ngày càng phát triển trong mỗi 
thư viện là hoạt động chính yếu trong một thư viện ngày nay. Với quan niệm 
“cách mạng hóa” về thư viện – hình ảnh thư viện nay là sự phối hợp giữa thư 
viện truyền thống với thư viện điện tử thuần túy với việc ứng dụng công nghệ 
mới trong việc xây dựng thư viện số là tư tưởng chủ đạo đã được toàn thế giới 
áp dụng do đó được đánh giá là “phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có”. 
Để đạt được điều này người ta phải trả giá, đó là sự đổi mới (innovation) “Đổi 
mới là khó khăn nhưng đó là chìa khóa vào tương lai” (Leslie Burger, 2008). 
Hiện nay, thư viện Việt Nam đang cố gắng hội nhập với cộng đồng thế 
giới và đã có nhiều chuyển biến tốt trong nhận thức về vai trò thư viện đối với 
xã hội. Tuy nhiên, sự đổi mới vẫn chưa đi vào chiều sâu, hơn nữa về mặt quản lý 
nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của thư viện còn nhiều bất cập. Điều này 
khiến cho ngành thư viện Việt Nam phát triển chậm và thiếu đồng bộ. Do đó, 
Luật Thư viện được ban hành trong trong thời gian tới sẽ không những là cơ sở 
pháp lý vững chắc mà còn tạo nên động lực giúp ngành thư viện Việt Nam có 
định hướng đúng đắn trên bước đường phát triển của mình. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. CHAN, LOIS MAI. – Cataloging and Classification : An Introduction. – 
2nd Edition. – New York: McGraw-Hill, Inc., 1994. 
2. NGUYỄN MINH HIỆP. – Cơ sở khoa học thông tin và thư viện. – TP. 
HCM.: Giáo dục, 2009. 
3. REITZ, JOAN M. – Dictionary for Library and Information Science. - 
Westport, Connecticut: Libraries Unlimited, 2005. 
4. RHYNO, ART. – Using Open Source Systems for Digital Libraries. – 
Westport, Connecticut: Libraries Unlimited, 2004. 
5. RUBIN, RICHARD E. Foundations of Library and Information 
Science. – 2nd Edition. – New York: Neal-Schuman Publishers, Inc., 2005. 
6. VILASAL (Liên chi hội Thư viện Đại học Phía Nam). – Điều cơ bản 
nhất trong việc hoạch định chính sách đối với thư viện Việt Nam là 
phân loại lại loại hình thư viện. – TP. HCM.: Bàn tin “Thư viện-Công 
nghệ thông tin”. – Tháng 12/2010. 

File đính kèm:

  • pdfkhoa_hoc_thong_tin_va_thu_vien_library_and_information_scien.pdf