Lao động nhập cư và những vấn đề đặt ra

Hiện nay, lao động nhập cư và những chính sách đối với lao động nhập cư luôn là

những vấn đề bức thiết của chính quyền TPHCM. Trong bối cảnh đó, bài viết này

nhằm góp phần đánh giá đúng đắn thực trạng lao động di cư, tác động của lao động

nhập cư đối với phát triển, hầu đưa ra phương hướng phát huy vai trò của lao động

nhập cư ở TPHCM.

pdf 10 trang yennguyen 5540
Bạn đang xem tài liệu "Lao động nhập cư và những vấn đề đặt ra", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Lao động nhập cư và những vấn đề đặt ra

Lao động nhập cư và những vấn đề đặt ra
84
CHUYÊN MỤC
TƯ VẤN CHÍNH SÁCH
LAO ĐỘNG NHẬP CƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
LÊ THỊ HỜ RIN
Hiện nay, lao động nhập cư và những chính sách đối với lao động nhập cư luôn là
những vấn đề bức thiết của chính quyền TPHCM. Trong bối cảnh đó, bài viết này
nhằm góp phần đánh giá đúng đắn thực trạng lao động di cư, tác động của lao động
nhập cư đối với phát triển, hầu đưa ra phương hướng phát huy vai trò của lao động
nhập cư ở TPHCM.
1. VÀI NÉT VỀ THỰC TRẠNG LAO
ĐỘNG NHẬP CƯ TẠI TPHCM
Hiện nay, với số dân 7.990.100 người -
TPHCM là địa phương đông dân nhất
Việt Nam (Tổng cục Thống kê, 2013).
Trong đó, một phần ba dân số thành phố
(30,1%) là dân nhập cư (Bảo Hạnh,
2011). Với tỷ lệ như trên, có thể thấy lao
động nhập cư có vai trò đáng kể trong sự
phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong
những năm qua. Thành phần cư dân
chuyển đến thành phố gồm những bộ
phận chủ yếu như: công chức, viên chức,
người làm việc ở các lĩnh vực khoa học,
kỹ thuật; lao động các địa phương
chuyển đến; học sinh, sinh viên đến học
ở các trường đại học, cao đẳng, trung
học chuyên nghiệp, dạy nghề, các
trường phổ thông của thành phố; trong
đó, tỷ lệ đa số là dân nông thôn nhập cư,
chiếm 80% (31,46% đến từ Đồng bằng
sông Cửu Long, 17,7% đến từ đồng
bằng sông Hồng và 30,84% đến từ các
vùng khác) (Thu Hiền, 2009). Với lực
lượng đông đảo như trên, lao động nhập
cư có tác động không nhỏ đến sự phát
triển kinh tế-xã hội, phát triển nguồn
nhân lực trên địa bàn TPHCM. Sự tác
động đó có tính chất hai mặt – tích cực
và tiêu cực. Về mặt tích cực, trước hết,
lao động nhập cư cung cấp nguồn lao
động dồi dào và đa dạng, làm cho thị
trường sức lao động trên địa bàn có tính
cạnh tranh, tác động đến lao động tại
chỗ, thúc đẩy người lao động nâng cao
trình độ tay nghề. Trong số lao động
nhập cư, có nhiều người là lao động có
trình độ cao.
Người lao động nhập cư góp phần thúc
Lê Thị Hờ Rin. Thạc sĩ. Ủy ban Kiểm tra
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
LÊ THỊ HỜ RIN – LAO ĐỘNG NHẬP CƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 85
đẩy sự trao đổi về kinh tế, văn hóa và kỹ
thuật, khuyến khích trao đổi các sản
phẩm hàng hóa và dịch vụ giữa nơi đến
và nơi đi, góp phần quan trọng trong xóa
đói giảm nghèo ở nơi đi, đồng thời góp
phần thúc đẩy sự phát triển các ngành
nghề dịch vụ cho dân cư đô thị, hình
thành thị trường lao động phù hợp. Lao
động nhập cư rất linh động và tích cực
trong việc đảm nhận những công việc có
tính chất độc hại, nặng nhọc, các công
việc có thu nhập thấp và nguy hiểm mà
người dân thành phố dù có thất nghiệp
cũng không muốn làm hoặc nếu có nhận
làm cũng đòi trả công cao hơn. Mặt khác,
lao động nhập cư chính là động lực thúc
đẩy việc hình thành các khu đô thị mới.
Ở thành phố, có những quận, huyện
vùng ven có đến hơn 1/3 dân số là người
nhập cư (Cục Thống kê TPHCM, 2012).
Điển hình là quận Thủ Đức, quận Gò
Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh.
Một bộ phận lao động nhập cư đã phấn
đấu vươn lên trở thành những chủ
doanh nghiệp, tạo việc làm cho những
người lao động nhập cư khác và việc
làm cho lao động thành phố. Theo báo
cáo kết quả điều tra năm 2012, có 2,9%
lao động nhập cư tự mình làm chủ các
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh
doanh (Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội - Cục Việc làm, 2012).
Theo số liệu thống kê của Ban kinh tế-
Ngân sách thành phố thì trong những
năm qua, lao động nhập cư đã đóng góp
30% cho GDP của thành phố (Lê Văn
Thành, 2005).
Bên cạnh những tác động tích cực đối
với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành
phố, lao động nhập cư cũng mang đến
những tác động tiêu cực. Thể hiện trước
hết ở chỗ làm gia tăng dân số cơ học
của thành phố và làm gia tăng số lao
động thất nghiệp. Trong năm 2013,
thành phố có 7,9 triệu dân, tăng hơn 2,4
triệu trong vòng 14 năm qua, vượt dự
báo về số lượng dân số đạt mốc này
trước 1 năm (Tổng cục Thống kê, 2013,
tr. 64), nguyên nhân chính là do di dân từ
các tỉnh, thành khác đến làm tăng dân số
cơ học. Điều đó tạo nên áp lực đối với
thành phố về nhiều mặt: quản lý, quy
hoạch, các chính sách xã hội Ngoài ra,
trong tổng số lao động nhập cư ở độ tuổi
15 - 59 di cư đến thành phố, có 81,9%
tìm được việc làm ngay - con số này là
khá lớn nhưng con số 18,1% chưa tìm
được việc làm ngay khi mới đến cũng
không phải là nhỏ (Tổng cục Thống kê,
2010, tr. 97). Hơn nữa, mặc dù tỷ lệ
người nhập cư có việc làm rất cao
nhưng phần lớn công việc của họ có tính
chất tạm thời, không ổn định nên số thất
nghiệp ở khu vực lao động nhập cư luôn
có nguy cơ gia tăng.
Vấn đề nhà ở cho người lao động nhập
cư là một trong những vấn đề nan giải
đối với thành phố trong những năm gần
đây. Nhu cầu của người lao động nhập
cư rất lớn trong khi khả năng đáp ứng
của thành phố còn rất hạn chế. Nhiều
người lao động nhập cư có nhu cầu mua
và thuê nhà ở nên đã dẫn đến tình trạng
nhiều người dân ở đô thị xây nhà để bán
với giá rẻ hoặc cho thuê. Việc xây dựng
tùy tiện không phép dẫn đến hình thành
những khu dân cư tồi tàn, không đảm
bảo chất lượng cơ sở hạ tầng, như hệ
thống điện, hệ thống cấp thoát nước, vệ
sinh đô thị, hình thành những khu “ổ
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 3 (199) 201586
chuột” mới, gây mất cảnh quan và trật tự
đô thị. Năm 2013, có đến 90% lao động
nhập cư sống ở những khu nhà trọ do
người dân tự xây dựng (Minh Thư, 2011)
và đại đa số những ngôi nhà này đều có
chất lượng thấp. Hiện nay, có rất nhiều
phòng trọ nằm ngay cạnh các khu công
nghiệp nên chất lượng cuộc sống của
người lao động nhập cư bị ảnh hưởng
nặng nề bởi môi trường bị ô nhiễm
(nước thải, rác thải, khói bụi, tiếng ồn,).
Lao động nhập cư tăng cũng dẫn đến
tăng áp lực cho công tác phòng - chống
tệ nạn xã hội của thành phố. Ngoài các
điểm nóng về tệ nạn xã hội trên địa bàn
thành phố thì các tệ nạn xã hội cũng
thường xuất hiện ở những khu dân cư tồi
tàn của người lao động nhập cư. Ngoài
ra, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề
đường, và tình trạng một số lượng không
nhỏ người nhập cư chưa có việc làm,
chỗ ở, phải sống lang thang trên hè phố,
gầm cầu... đã góp phần không nhỏ gây
mất trật tự xã hội, cảnh quan và văn
minh đô thị.
Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nhập
cư có trình độ văn hóa, chuyên môn còn
thấp, đa số xuất thân từ nông thôn, mang
nặng nếp nghĩ và tác phong làm việc
trong nông nghiệp tính kỷ luật chưa cao.
Vì thế, họ dễ bị lôi kéo, tác động bởi các
luồng tư tưởng không tốt, gây ra những
tiêu cực cho xã hội. Chẳng hạn, họ sẵn
sàng từ bỏ công việc đang làm ở doanh
nghiệp này để đầu quân cho doanh
nghiệp khác vì nghĩ rằng thu nhập bên
doanh nghiệp đó sẽ cao hơn (mặc dù
thực tế không như họ nghĩ). Từ đó, dẫn
đến sự bất ổn, thậm chí gây thiệt hại
nặng nề cho nhiều doanh nghiệp của
thành phố bởi có những lúc doanh
nghiệp bị mất đến hàng trăm lao động.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo
nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường
lao động TPHCM, có khoảng 50% trong
gần 4.500 người tìm việc sau Tết
Nguyên đán 2015 là lao động có từ 2 – 5
năm kinh nghiệm có nhu cầu thay đổi
công việc (Gia Huy, 2015); còn theo
khảo sát trên 12.000 người tìm việc vào
đầu năm 2015 của VietnamWorks
(Hoàng Nguyên, 2015), có khoảng hơn
56% người lao động được khảo sát cho
biết họ sẽ từ bỏ công việc nếu không
thấy có cơ hội thăng tiến hay phát triển
bản thân. Mặt khác, do thiếu quan tâm
và thiếu hiểu biết về pháp luật, lại bị áp
lực về kinh tế nên lao động nhập cư dễ
bị kích động. Chỉ cần một sự va chạm
nhỏ trong quan hệ lao động cũng có thể
dẫn đến đình công – một quyền mà pháp
luật lao động trang bị cho người lao động
nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho
họ và chỉ nên sử dụng khi không còn
phương pháp nào khác, nhưng người
lao động nhập cư luôn sử dụng nó như
là vũ khí tối thượng và hiệu quả nhất
trong mọi trường hợp mâu thuẫn trong
quan hệ lao động, không xem xét đến
tính chất, mức độ vụ việc để có phương
pháp giải quyết phù hợp. Đây chính là
một trong những vấn đề làm đau đầu
chính quyền nhằm tìm ra giải pháp ổn
thỏa để hạn chế đình công.
Lao động nhập cư gia tăng gây thêm áp
lực về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội
của Thành phố.
Mạng lưới giao thông đường bộ của
thành phố hiện nay đã lâm vào tình trạng
quá tải trầm trọng, nạn nghẽn mạch lưu
LÊ THỊ HỜ RIN – LAO ĐỘNG NHẬP CƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 87
thông diễn ra thường xuyên, đặc biệt ở
các giao lộ và vào các giờ cao điểm.
Việc tắc nghẽn giao thông đô thị có nhiều
lý do nhưng có một lý do chính là lượng
dân cư, đặc biệt người nhập cư đổ về
thành phố quá đông; hệ thống đường sá,
phương tiện vận tải không kịp đáp ứng.
Sự ùn tắc giao thông gây tác hại về
nhiều mặt cho đời sống kinh tế-xã hội
của thành phố như: gia tăng tai nạn giao
thông, gia tăng ô nhiễm khói bụi gây ảnh
hưởng xấu đến sức khỏe con người,
lãng phí thời gian, tiền của
Việc cung cấp điện, nước, xử lý rác và
thoát nước cũng phải gia tăng theo dân
số. Một khi những hệ thống này không
phát triển kịp tốc độ tăng dân số sẽ gây
ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức sống
dân cư thành phố. Chẳng hạn tình trạng
ngập lụt, thiếu nước sạch, ô nhiễm rác,
nước thải...
Các cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh ở
thành phố không đủ để đáp ứng sự gia
tăng của lực lượng lao động nhập cư,
gây nên hiện tượng quá tải. Theo số liệu
thống kê của Cục Thống kê TPHCM
(2013), trong năm học 2012 - 2013, toàn
thành có 922 trường phổ thông các cấp,
số lớp học là 27.096, với lượng học sinh
là 1.083,3 em; trung bình có 40 học
sinh/1lớp, trong khi theo chuẩn quốc gia
thì chỉ nên có dưới 35 học sinh/1lớp (Bộ
Giáo dục và Đào tạo, 2007). Nhiều lao
động nhập cư đem theo con em, nhưng
do hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà đành
phải cho con em nghỉ học, làm cho tình
trạng thất học của trẻ em tăng lên.
Về cơ sở khám chữa bệnh, năm 2013,
toàn thành phố có 31.900 giường bệnh
(Nguyễn Hoàng, 2013); số cán bộ y tế
năm 2012 là 43.370 người (Sở Y tế
TPHCM). Nếu chia bình quân số giường
bệnh cho dân cư thành phố thì trung
bình khoảng 39 giường bệnh/10.000 dân.
Một con số quá thấp. Có tình trạng này là
bởi vì, theo thống kê năm 2011, có
khoảng 40,8% bệnh nhân điều trị trong
các bệnh viện không phải là dân thành
phố (Phượng Linh, 2013).
Cuối cùng, có thể thấy lao động nhập cư
đến thành phố phần lớn là dân di cư tự
do nên thường phải thuê nhà để ở và
hay di chuyển để tìm nơi cho thuê nhà rẻ
hơn nên gây khó khăn, phức tạp cho
công tác quản lý nhân khẩu. Bên cạnh
đó, do sống trong điều kiện tạm bợ nên
những người lao động nhập cư không có
điều kiện để tham gia sinh hoạt khu phố,
không có điều kiện để tham gia các đoàn
thể Vì vậy, ít nhiều làm ảnh hưởng đến
các phong trào xã hội ở địa phương.
Như vậy, lao động nhập cư vừa mang
đến những tác động tích cực, vừa tạo ra
những tác động tiêu cực. Tính hai mặt
của lao động nhập cư tác động đến quá
trình phát triển kinh tế-xã hội của thành
phố là điều tất yếu và đòi hỏi phải có
những biện pháp, chính sách phù hợp
đáp ứng nhu cầu phát triển.
3. NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH ĐẶT
RA ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NHẬP CƯ
Từ thực trạng trên, có rất nhiều vấn đề
chính sách đối với lao động nhập cư mà
thành phố cần tập trung giải quyết, tựu
trung lại là các vấn đề sau:
- Chính sách quản lý, đào tạo và sử dụng
đối với lao động nhập cư
Đối với vấn đề chính sách quản lý, đào
tạo và sử dụng lao động nhập cư thì nan
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 3 (199) 201588
giải trước tiên là vấn đề hộ khẩu, lao
động, việc làm.
Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 vừa ra đời
và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đã có
những quy định thoáng hơn rất nhiều
cho người nhập cư so với thời gian
trước. Mặc dù có thuận lợi hơn nhưng
những khó khăn khi tiến hành một số thủ
tục trực tiếp liên quan đến sinh hoạt
thường nhật đòi hỏi phải kèm theo điều
kiện có hộ khẩu thường trú tại thành phố
không phải đã hết. Những khó khăn đó
đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến
cuộc sống của người lao động nhập cư,
gây trở ngại cho họ trong việc thụ hưởng
các quyền cơ bản của công dân. Do
không có hộ khẩu thường trú, người
nhập cư vẫn là “công dân hạng 2”. Với vị
thế đó, họ không có điều kiện hoặc bị
hạn chế trong khi xin việc trong khu vực
nhà nước, hạn chế trong tiếp cận, thụ
hưởng về học hành, chăm sóc sức khỏe,
vay vốn tín dụng, kinh doanh,
Chẳng hạn, theo quy định của Thủ tướng
Chính phủ về các điều kiện được vay vốn
của Quỹ Quốc gia về việc làm, “người
được vay vốn phải có hộ khẩu thường
trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện
dự án và phải có xác nhận của chính
quyền địa phương nơi thực hiện dự án”
(Vụ Các vấn đề xã hội, 2005). Quy định
trên đã hạn chế được sự lợi dụng của
người giàu khi đến nhập cư ở các vùng
khó khăn, nhưng cũng đã tạo ra khó
khăn cho lao động nhập cư có nguyện
vọng vay vốn để phát triển sản xuất.
Theo quy định của Bộ Luật lao động năm
2012, quyền làm việc của người lao
động không liên quan gì đến vấn đề hộ
khẩu, không phụ thuộc vào nơi cư trú
của người lao động: “người lao động có
quyền làm việc cho bất kỳ người sử
dụng lao động nào và bất kỳ nơi nào mà
pháp luật không cấm” (Bộ Luật lao động
năm 2012). Cũng theo quy định của Bộ
Luật lao động, hiện nay, việc tuyển dụng
lao động cũng không gắn kết với nơi cư
trú, có nghĩa là người dân sở tại và lao
động nhập cư đều bình đẳng trước pháp
luật trong tuyển dụng: “người sử dụng
lao động có quyền trực tiếp hoặc thông
qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh
nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển
dụng lao động, có quyền tăng, giảm lao
động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh
doanh” (Bộ Luật lao động năm 1994).
Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động
nhập cư không được tham gia thi tuyển
công chức nhà nước; không thể hoặc rất
khó khăn trong việc chứng thực hồ sơ lý
lịch để xin việc làm và không được
hưởng chế độ trợ cấp làm việc xa thành
phố, khi làm việc cho các đơn vị của
thành phố quản lý nhưng đóng tại địa
bàn của các tỉnh, thành khác.
Song song với những bất cập trong lao
động và việc làm thì thu nhập của người
lao động nhập cư vẫn đang là một vấn
đề cần phải quan tâm. Hiện nay, rất
nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao
động với mức lương cao hơn mức lương
tối thiểu do nhà nước quy định. Mức thu
nhập thực tế của người lao động thường
gấp hai lần mức tiền lương ghi trong hợp
đồng lao động vì ngoài khoảng thời gian
làm việc theo quy định của Luật Lao
động, họ còn làm thêm giờ, tăng ca quá
mức. Đó là cách làm của người sử dụng
lao động nhằm trốn tránh việc phải nộp
thêm bảo hiểm xã hội cho người lao
LÊ THỊ HỜ RIN – LAO ĐỘNG NHẬP CƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 89
động. Vấn đề làm thêm giờ chưa phải là
nghiêm trọng bởi bản thân người lao
động cũng muốn làm thêm, song điều
rắc rối là rất nhiều doanh nghiệp không
thanh toán đủ số tiền làm thêm ngoài giờ
theo quy định. Và đó là nguyên nhân gây
bức xúc cho công nhân và dẫn đến đình
công ở một số doanh nghiệp trong thời
gian qua.
- Chính sách nhà ở, đất đai, cư trú, giáo
dục, y tế đối với lao động nhập cư
Hiện nay, nhà ở cho lao động nhập cư là
một trong những vấn đề nan giải của
thành phố, khó khăn đó tăng lên nhiều
lần khi chính sách đất đai của thành phố
vẫn còn phân định rạch ròi giữa cư dân
của thành phố và dân nhập cư. Chẳng
hạn quy định về việc bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất
trên địa bàn thành phố như sau: “Hộ gia
đình và cá nhân bị thu hồi toàn bộ nhà ở,
đất ở (không sản xuất nông nghiệp) phải
di chuyển chỗ ở đến nơi khác được hỗ
trợ 1.000.000 đồng cho mỗi cá nhân có
tên trong hộ khẩu thường trú hoặc có
thời gian tạm trú trước khi có quyết định
thu hồi đất từ 12 tháng trở lên (không
tính các trường hợp thuê, mướn) tại căn
nhà phải di chuyển đến nơi khác” (Ủy
ban Nhân dân TPHCM, 28/5/2010). Như
vậy, chỉ có cư dân của thành phố, người
đã tạm trú ở thành phố trước khi có
quyết định thu hồi đất 12 tháng trở lên
mới được hỗ trợ chi phí di chuyển, còn
những người thuộc diện lao động nhập
cư có thời gian tạm trú dưới 12 tháng,
người lao động thuê, mướn căn nhà có
quyết định thu hồi đó thì không được hỗ
trợ phí di chuyển. Rõ ràng quy định này
đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng
của người lao động nhập cư mà không
có lý do xác đáng nào được đưa ra.
Cũng theo Quyết định 35, việc bồi
thường về đất và hỗ trợ tái định cư
không phân biệt giữa người có hộ khẩu
thành phố và người không có hộ khẩu
thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, do
chỗ ở tái định cư không phù hợp, không
thuận lợi cho việc làm của mình nên rất
nhiều người dân (có hộ khẩu và không
có hộ khẩu thành phố) đã bán lại căn hộ
tái định cư với giá thấp hơn giá trị thực tế
của căn nhà (việc này còn có lý do là căn
hộ tái định cư chưa được cấp giấy chủ
quyền ngay khi được bàn giao cho chủ
hộ, việc cấp giấy chủ quyền nhà thường
kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn) để có
ngay một số tiền. Với số tiền đó, họ tìm
mua căn nhà khác, nhỏ hơn, thậm chí là
lụp xụp, hoặc mua đất không có giấy tờ
hợp lệ với giá rẻ rồi cất nhà tạm để ở. Từ
đó, lại hình thành nên các khu nhà lụp
xụp mới. Chính quyền địa phương lại
giải tỏa, chỉnh trang, nâng cấp và lại phải
đền bù, hỗ trợ di dời. Cứ như vậy, cái
vòng luẩn quẩn: giải tỏa, đền bù, hỗ trợ,
di dời, rồi lại giải tỏa, đền bù cứ tái
diễn, lặp đi, lặp lại nhiều lần, gây khó
khăn cho ngân sách thành phố và cho
công tác quản lý, chỉnh trang đô thị văn
minh, sạch đẹp
Đối với người lao động có trình độ và tay
nghề cao, có thu nhập khá thì nhà ở ổn
định, chất lượng nhà tốt. Tuy nhiên, do
đa số người lao động ở các khu công
nghiệp, các khu chế xuất thường gặp
khó khăn về kinh tế cho nên giải pháp ưu
tiên mà họ thường lựa chọn trong vấn đề
nhà ở là thuê nhà với chất lượng thấp,
không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 3 (199) 201590
Thoát ly nông thôn được người lao động
nhập cư xem như một phương thức giải
thoát khỏi cái nghèo. Tuy nhiên, với
những khó khăn quá lớn về nhà ở, đất
đai cư trú như thế, vô tình người lao
động nhập cư đã bị đẩy vào đội ngũ
“nghèo đô thị”, và chúng ta đã để cho
“cái nghèo di cư” cùng với người nông
dân ra thành phố.
Những khó khăn trong việc “an cư” đối
với thành phần lao động nhập cư còn
gắn liền với những thiệt thòi trong lĩnh
vực y tế, giáo dục và các quyền lợi công
cộng khác.
Về y tế, hiện nay, việc khám chữa bệnh
cho người nghèo, tiêm chủng cho trẻ em
được làm khá tốt. Vì thế, có thể nói, về
cơ bản, không có sự phân biệt giữa
người nhập cư và thường trú. Và khi có
chủ trương khám chữa bệnh miễn phí
cho trẻ em dưới 6 tuổi thì người nhập cư
cũng được thụ hưởng chính sách này.
Tuy nhiên, do không nằm trong danh
sách quản lý theo dõi chặt chẽ, thường
xuyên của các chính quyền quận, huyện
nên người lao động nhập cư không được
hưởng một cách đầy đủ, toàn diện và
liên tục các chương trình chăm sóc sức
khỏe cộng đồng của thành phố như
chăm sóc sức khỏe phụ nữ, quản lý thai
nhi, giáo dục sức khỏe Nguồn kinh phí
để thực hiện công tác chăm sóc và bảo
vệ sức khỏe cho người dân thành phố có
giới hạn, trong khi đó, ngành y tế thành
phố phải gánh vác toàn bộ việc khám
chữa bệnh cho cả người dân tại chỗ,
người lao động nhập cư, dẫn tới quá tải
về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân
viên phục vụ làm cho hoạt động y tế,
chăm sóc sức khỏe nhân dân của thành
phố không đảm bảo yêu cầu. Hiện nay,
với các chương trình sức khỏe sinh sản
và chăm sóc sức khỏe sinh sản, người
lao động nhập cư thiếu khả năng tiếp cận
và được hưởng dịch vụ có chất lượng.
Những nhu cầu về sức khỏe sinh sản
thường bị người sử dụng lao động bỏ qua.
Đó là những thách thức rất lớn trong việc
theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững
và công bằng xã hội của thành phố.
Thực tế hiện nay chính quyền địa phương
và nhiều chủ sử dụng lao động không
quan tâm nhiều đến việc nâng cao khả
năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người
lao động nhập cư. Để gia tăng lợi nhuận,
nhiều chủ doanh nghiệp thường trốn
tránh việc mua bảo hiểm y tế cho người
lao động nhập cư. Theo số liệu Tổng
điều tra dân số năm 2009 thì có đến
59,2% lao động nhập cư không có bảo
hiểm y tế (Tổng cục Thống kê, 2010). Vì
không có bảo hiểm y tế lại lo sợ chi phí
thuốc men cao, người lao động nhập cư
rất ngần ngại trong việc đi khám, chữa trị
khi có bệnh. Họ chấp nhận rủi ro trong
việc tự chữa bệnh hoặc không chữa bệnh.
Về giáo dục, thành phố đã có chủ trương
rất cởi mở trong lĩnh vực giáo dục - đào
tạo, cụ thể là tất cả học sinh dù có hộ
khẩu hay không có hộ khẩu ở thành phố
vẫn được vào học các trường trên địa
bàn thành phố (theo tuyến cư trú). Tuy
nhiên, trong điều kiện thiếu thốn giáo
viên, trường lớp và các cơ sở vật chất
khác, các cơ sở giáo dục công lập của
thành phố buộc phải ưu tiên tiếp nhận
con em của những người có hộ khẩu
thường trú, còn việc tiếp nhận con em
của những người không có hộ khẩu
thường trú tùy thuộc vào điều kiện
LÊ THỊ HỜ RIN – LAO ĐỘNG NHẬP CƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 91
trường lớp ở từng địa bàn, địa phương.
Điều này vô hình trung đã làm cho cơ hội
bình đẳng trong học tập của con em
người lao động nhập cư bị hạn chế.
Như vậy, so với công sức đóng góp của
người lao động nhập cư thì sự hưởng
thụ của con em họ về giáo dục là chưa
tương xứng, thậm chí rất thiệt thòi so với
tổng số dân của thành phố thì người
nhập cư chiếm trên 30% nhưng tỷ lệ học
sinh là con em họ chỉ có 10% (Đức Trung
- Minh Đức, 2005), tức chỉ được hưởng
thụ quyền giáo dục bằng 1/10 so với dân
sở tại.
Việc thụ hưởng đời sống văn hóa tinh
thần đối với lao động nhập cư cũng còn
nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân
khác nhau. Một trong những nguyên
nhân chủ yếu là do thiếu các cơ sở sinh
hoạt văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí,
Điều này là do thiếu sót ngay từ khâu
quy hoạch các khu công nghiệp. Và đây
cũng là tình trạng chung ở rất nhiều địa
phương, đặc biệt tại các khu công
nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông lao
động nhập cư.
Về quyền hưởng thụ điện, nước, mặc dù
nhà nước đã có quy định về định mức
điện, nước cho người lao động nhập cư
nhưng họ vẫn phải chịu giá điện, nước
cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với người
dân sở tại. Về vấn đề này có 2 lý do. Thứ
nhất là mặc dù thành phố có quy định về
định mức nước đối với lao động nhập cư
nhưng định mức nước mà họ được
hưởng là định mức 2 chứ không phải
định mức 1, nghĩa là nếu trong 4m3 nước
đầu tiên, người có hộ khẩu thành phố
được hưởng ngay mức giá thấp (định
mức 1) thì lao động nhập cư ngay từ 4m3
nước đầu tiên đã phải trả giá nước cao
hơn ở định mức 2 (Ủy ban Nhân dân
TPHCM, 2010). Thứ hai là mặc dù thành
phố đã thực hiện việc yêu cầu chính
quyền, đoàn thể địa phương vận động
chủ các nhà trọ thực hiện việc thu giá
điện, nước theo quy định của nhà nước
nhưng phần đông người lao động nhập
cư không được thụ hưởng quyền lợi này.
Điều đơn giản là hầu hết chủ nhà thì
không muốn đi đăng ký định mức điện,
nước cho họ mà tự định ra giá điện,
nước cao hơn nhiều lần so với quy định
nhằm hưởng lợi. Theo thống kê của
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thì
trong năm 2011 và 2012, chính quyền và
các đoàn thể địa phương đã vận động và
cấp định mức nước được 4.619 khu nhà
trọ với 189.692 định mức – một con số
quá nhỏ so với hơn 2 triệu lao động nhập
cư đang sống và làm việc tại thành phố.
Như vậy, liệu có công bằng không khi
mà mức đóng góp của người lao động
nhập cư cho sự phát triển kinh tế-xã hội
thành phố thì cao nhưng mức thụ hưởng
các chính sách xã hội của họ lại thấp?
Về quyền lợi chính trị, theo luật pháp,
người nhập cư được bảo đảm đầy đủ
các quyền công dân cơ bản. Trên thực tế,
người dân sở tại hay người nhập cư đều
thực hiện thuận lợi quyền bầu cử, ứng
cử. Tuy nhiên, với tâm lý e ngại vì là
“công dân hạng 2”, không ít người nhập
cư hoặc không đủ tự tin ứng cử vào các
cơ quan chính quyền sở tại hoặc xem
mình là người ngoài cuộc. Thực tế họ chỉ
tham gia ứng cử ở cấp thấp (cấp xã,
phường hoặc tổ dân phố). Trong trường
hợp này, rõ ràng trí tuệ của một bộ phận
nhân dân chưa được chính quyền địa
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC XAÕ HOÄI soá 3 (199) 201592
phương quan tâm và phát huy đúng mức,
năng lực của một bộ phận nhân dân vẫn
còn ở dạng tiềm năng, quyền cống hiến
của một bộ phận nhân dân chưa được
sử dụng.
Bên cạnh đó, người nhập cư thường bị
cản trở nhiều hơn so với người dân
thành phố trong tiếp cận các dịch vụ, dễ
trở thành nạn nhân của nạn tham nhũng.
Trong những năm trước đây, hầu hết
người nhập cư phải nhờ “người trung
gian” trong việc đăng ký nhập cư. Hiện
nay, việc phải nhờ “người trung gian” để
có hộ khẩu thành phố chưa phải đã hết.
Việc lạm dụng thủ tục đăng ký cư trú
không những cản trở người nhập cư cải
thiện mức sống mà còn là một trong
những nguyên nhân làm cho nạn hối lộ
và tham nhũng tăng lên, làm băng hoại
đạo đức xã hội và làm biến chất bộ máy
công quyền.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì
công dân từ 17 đến 25 tuổi đều phải
đăng ký nghĩa vụ quân sự ở nơi cư trú,
dù là thường trú hay nhập cư (Luật Sửa
đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ Quân sự
2005). Tuy nhiên, khi triển khai quy định
này về cơ sở thì lại kèm theo yêu cầu là
phải có hộ khẩu thường trú. Điều này sẽ
gây thiệt thòi cho những người có mong
muốn đi nghĩa vụ quân sự và làm việc
trong quân đội tại địa phương mà họ
đang sinh sống.
4. KẾT LUẬN
Trong những năm qua, chính quyền
thành phố đã đề ra và thực hiện được
một số chính sách quản lý đối với lao
động nhập cư. Mặc dù đã có nhiều cởi
mở so với trước, nhưng hệ thống chính
sách đó vẫn nghiêng về những biện
pháp nhằm hạn chế số người nhập cư.
Do vậy, các chính sách đó vẫn còn kém
hiệu quả. Thực tiễn đã chứng minh rằng
bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn cản hiện
tượng di dân mà không tìm kiếm các giải
pháp thay thế là rất khó thực hiện. Hơn
nữa, nếu cố gắng chống lại các dòng di
dân một cách duy ý chí có thể gây ra
những tổn thất cho cả người di cư và
không di cư. Trên thực tế, lao động nhập
cư đem đến cho thành phố đồng thời cả
những đóng góp và những thách thức.
Và thành phố đối xử với họ cũng đầy
mâu thuẫn, chưa bảo đảm mục tiêu “tăng
trưởng kinh tế” với “công bằng xã hội”.
Vượt qua những định kiến trước đây về
kiểm soát di dân là một thách thức lớn
đối với các nhà quản lý, đặc biệt là
những quan điểm cho rằng di dân là
gánh nặng. Do đó, thành phố cần xây
dựng một môi trường kinh tế-xã hội có
khả năng thu hút, chọn lọc, điều tiết một
cách tối ưu số lượng và cơ cấu lao động
nhập cư. Có như vậy thì về góc độ kinh
tế, thành phố mới xứng tầm là trung tâm
kinh tế của cả nước, và về khía cạnh
nhân văn mới đạt được mục tiêu là thành
phố “văn minh - hiện đại - nghĩa tình” mà
thành phố đã đặt ra. 
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. 2010. Tổng điều tra dân số và nhà
ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
2. Bảo Hạnh. 2011. Bài toán dân nhập cư tại TPHCM: Thách thức cần giải quyết. 
LÊ THỊ HỜ RIN – LAO ĐỘNG NHẬP CƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ 93
com, ngày 20/9/2011.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2007. Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 02 tháng 4 năm
2007, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường
trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
4. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Cục Việc làm. 2012. Vấn đề lao động di cư ra thành
thị, khu công nghiệp trong bối cảnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO – thực trạng và giải pháp.
5. Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2012. Hà Nội: Nxb.
Chính trị Quốc gia.
6. Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1994 (sửa đổi, bổ
sung các năm 2002, 2006, 2007). 2007. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
7. Cục Thống kê TPHCM. 2012. Niên giám thống kê TPHCM năm 2011. Diện tích, dân số và
lao động. TPHCM: Nxb. Thống kê.
8. Cục Thống kê TPHCM. 2013. Tình hình kinh tế-xã hội TPHCM năm 2013 và tháng 12/2013.
 gso.gov.vn, ngày 24/12/2013.
9. Đức Trung - Minh Đức. 2005. Dân nhập cư: Bao giờ hết bị kỳ thị? Báo Thanh niên, ngày
16/12/2005.
10. Gia Huy. Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao
động TPHCM Trần Anh Tuấn: Việc không thiếu, chỉ sợ yếu nghề. 
nhanluchcmc.gov.vn/, ngày 17/3/2015.
11. Hoàng Nguyên. 2015. 1000 người tìm việc tham gia hội thảo phát triển bản thân của
VietnamWorks.  ngày 11/3/2015.
12. Lê Văn Thành, 2005. Tình hình và đặc điểm dân nhập cư ở TPHCM qua một số công trình
nghiên cứu gần đây.
13. Minh Thư. 2011. Người nhập cư và vấn đề xã hội.  ngày 29/7/2011.
14. Nguyễn Hoàng. 2013. Thủ tướng chỉ đạo giảm quá tải bệnh viện tại TPHCM, (từ Cổng
Thông tin Chính phủ),  ngày 7/9/2013.
15. Phượng Linh. 2013. Những nỗ lực giảm tình trạng quá tải bệnh viện tại TPHCM,
 ngày 11/3/2013.
16. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 2005. Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Nghĩa vụ Quân sự 2005.
17. Sở Y tế TPHCM. Thống kê nhân lực y tế 2000 - 2012. 
city.gov.vn.
18. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Hoạt động Đảng bộ Tổng công ty năm 2012.
 ngày 18/4/2013.
19. Thu Hiền. 2009. Làn sóng di cư gây áp lực lên địa phương. 
ngày 5/12/2009.
20. Ủy ban Nhân dân TPHCM. 11/3/2013. Quyết định Số 11/2013/QĐ-UBND điều chỉnh đơn
giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn.
21. Ủy ban Nhân dân TPHCM. 2010. Quyết định Ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM ngày 28/5/2010.
22. Vụ Các vấn đề xã hội. 10/2005. Dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá chính sách
di dân đến đô thị. Hà Nội.

File đính kèm:

  • pdflao_dong_nhap_cu_va_nhung_van_de_dat_ra.pdf