Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt. Một vấn đề của giáo dục đại học nước ta hiện nay là đào tạo thiếu gắn kết với nhu cầu

doanh nghiệp. Để thúc đẩy mối liên kết này, bài viết đã làm rõ hơn một số nội dung trong liên kết

nhà trường - doanh nghiệp như lợi ích, cơ chế liên kết và điều kiện thành công. Lợi ích là đáng kể

cho hai phía, một mặt là sự tiết kiệm chi phí nhờ tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu cho

doanh nghiệp và mặt khác là một đích đến đặt sẵn cho nhà trường để có những thiết kế nội dung

đào tạo, lựa chọn giáo viên tối ưu và giảm bớt khó khăn kinh phí cho nhà trường. Cơ chế đào tạo

của nhà trường sẽ đi theo một quy trình ngược với truyền thống, trong đó bước ban đầu là nắm rõ

gói kỹ năng cần có của người cần đào tạo trên cơ sở hợp tác với doanh nghiệp sau đó mới lựa chọn

công nghệ đào tạo và đầu vào phù hợp. Điều kiện quan trọng cho liên kết thành công là nhận thức

và quyết tâm của lãnh đạo, chiến lược phát triển rõ ràng cũng như các chính sách hỗ trợ tốt và

nhóm chuyên trách hiệu quả.

pdf 8 trang yennguyen 6080
Bạn đang xem tài liệu "Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 
1 
Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp 
ở Việt Nam hiện nay 
Phùng Xuân Nhạ** 
Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, 
 Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam 
Nhận ngày 15 tháng 12 năm 2008 
Tóm tắt. Một vấn đề của giáo dục đại học nước ta hiện nay là đào tạo thiếu gắn kết với nhu cầu 
doanh nghiệp. Để thúc đẩy mối liên kết này, bài viết đã làm rõ hơn một số nội dung trong liên kết 
nhà trường - doanh nghiệp như lợi ích, cơ chế liên kết và điều kiện thành công. Lợi ích là đáng kể 
cho hai phía, một mặt là sự tiết kiệm chi phí nhờ tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu cho 
doanh nghiệp và mặt khác là một đích đến đặt sẵn cho nhà trường để có những thiết kế nội dung 
đào tạo, lựa chọn giáo viên tối ưu và giảm bớt khó khăn kinh phí cho nhà trường. Cơ chế đào tạo 
của nhà trường sẽ đi theo một quy trình ngược với truyền thống, trong đó bước ban đầu là nắm rõ 
gói kỹ năng cần có của người cần đào tạo trên cơ sở hợp tác với doanh nghiệp sau đó mới lựa chọn 
công nghệ đào tạo và đầu vào phù hợp. Điều kiện quan trọng cho liên kết thành công là nhận thức 
và quyết tâm của lãnh đạo, chiến lược phát triển rõ ràng cũng như các chính sách hỗ trợ tốt và 
nhóm chuyên trách hiệu quả. 
1. Đặt vấn đề* 
Trong những năm gần đây, một trong 
những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục đại 
học ở nước ta là đào tạo chưa gắn liền với nhu 
cầu của xã hội, trong đó đặc biệt là nhu cầu của 
các doanh nghiệp. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp 
khó tìm được việc làm hoặc công việc không 
phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Theo 
thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 
63% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, 
37% được tuyển dụng không đáp ứng được 
công việc, nhiều công ty phải mất 1-2 năm đào 
tạo lại [1]. Các doanh nghiệp phải mất nhiều 
thời gian, chi phí để đào tạo lại thì mới sử dụng 
______ 
* ĐT: 84-4-37547506 (606). 
 E-mail: nhapx@vnu.edu.vn 
được. Các doanh nghiệp luôn than phiền 
chương trình đào tạo của các đại học còn nặng 
tính “sách vở” và thiếu tính thực tiễn. 
Trước sự bế tắc về “đầu ra”, ngày càng 
nhiều đại học đã ý thức được phải “thân thiện” 
với doanh nghiệp, do đó đã triển khai nhiều 
hoạt động liên kết đào tạo với doanh nghiệp. 
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp 
còn tỏ ra “hờ hững” với các đại học. Nhiều văn 
bản ghi nhớ (MOU) liên kết đào tạo giữa đại 
học và doanh nghiệp không triển khai được 
hoặc nếu có mới ở mức thăm dò, thực hiện một 
số vụ việc nhỏ lẻ. 
Thực tế trên đang đặt ra câu hỏi nguyên 
nhân nào các đại học và doanh nghiệp chưa 
thân thiện được với nhau (?), phải chăng các 
bên chưa thấy được lợi ích của sự hợp tác (?), 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 2 
hay đã thấy nhưng chưa xác định được rõ nội 
dung và cơ chế hợp tác (?), những điều kiện nào 
để đảm bảo thành công gắn đào tạo với nhu cầu 
của doanh nghiệp (?). Bài viết này sẽ góp phần 
tìm câu trả lời trong hoạt động liên kết đào tạo 
giữa đại học và doanh nghiệp (Hợp tác đầy đủ 
giữa đại học và doanh nghiệp bao gồm các hoạt 
động: đào tạo, nghiên cứu và tư vấn. Các hoạt 
động này có liên hệ với nhau. Tuy nhiên, hoạt 
động đào tạo có tính phổ quát và dễ hợp tác 
hơn, do đó bài viết này tập trung vào phân tích 
đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp). 
2. Lợi ích đào tạo gắn với nhu cầu của doanh 
nghiệp 
Trong hợp tác, yếu tố quyết định thành công 
là các bên phải cùng có lợi ích (Win-Win). Nếu 
mỗi bên theo đuổi mục tiêu lợi ích riêng của 
mình mà không tính đến lợi ích thoả đáng của 
bên kia thì rất khó hợp tác được với nhau. Các 
bên phải nhìn nhận rất rõ là “khách hàng” của 
nhau thì mới có được các “ứng xử” theo nguyên 
tắc cùng có lợi. 
Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp nói 
chung và trong lĩnh vực đào tạo nói riêng còn 
khá mới mẻ ở nước ta. Do đó, sự hiểu biết lẫn 
nhau để thực hiện nguyên tắc cùng có lợi còn 
rất hạn chế. Các doanh nghiệp là tổ chức lợi 
nhuận nên họ rất quan tâm đến chi phí và lợi 
ích. Họ không thể bỏ thời gian, tiền bạc để hợp 
tác với đại học nếu thấy không đem lại lợi ích 
thiết thực gì. 
Lợi ích lớn nhất mang lại từ hợp tác với đại 
học là có được nguồn nhân lực phù hợp với nhu 
cầu phát triển của doanh nghiệp. Thay vì phải 
tìm kiếm lao động trên thị trường tự do, mất 
thời gian và chi phí để đào tạo lại, các doanh 
nghiệp “đặt hàng” với đại học để đào tạo ra 
những cán bộ, chuyên gia đáp ứng được nhu 
cầu phát triển của mình. Như vậy, đại học sẽ 
đem lại lợi ích rất lớn, tạo nguồn “tài sản” quí 
giá trong tương lai cho các doanh nghiệp. Ngoài 
ra, các doanh nghiệp còn nhận được lợi ích từ 
các đại học trong việc tiếp cận trực tiếp với các 
giải pháp phát triển doanh nghiệp, phát minh, 
sáng chế và các dịch vụ tư vấn. 
Gắn kết đào tạo theo nhu cầu phát triển của 
doanh nghiệp cũng mang lại nhiều lợi ích cho 
đại học. Trước hết, sản phẩm đầu ra đã có nơi 
đặt hàng, nhờ đó nắm bắt được cụ thể yêu cầu 
về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phẩm chất 
nghề nghiệp, số lượng/qui mô cần phải đào tạo. 
Các thông tin này có vai trò cực kỳ quan trọng 
trong việc thiết kế nội dung các chương trình 
đạo tạo và tuyển chọn, phát triển đội ngũ giảng 
viên. Mặt khác, nhờ có đơn đặt hàng, đại học có 
được nguồn kinh phí dồi dào, tăng cường cơ sở 
vật chất. Những lợi ích này sẽ giúp đại học có 
được thương hiệu mạnh, thu hút đầu vào giỏi, 
nhiều đơn đặt hàng, nhận được nhiều tài trợ (đặc 
biệt là tài trợ của các cựu sinh viên thành đạt). 
Đại học gắn kết đào tạo theo nhu cầu của 
doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất 
cả các bên. Sự gắn kết này đã và đang được các 
đại học và doanh nghiệp ở nhiều nước khai thác 
triệt để. Ở nước ta, các đại học và doanh nghiệp 
cũng bắt đầu thấy được lợi ích to lớn nếu gắn 
kết được với nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để 
gắn kết được với nhau vẫn là câu hỏi lớn, chưa 
có lời giải đáp. 
3. Nội dung và cơ chế đào tạo gắn với nhu cầu 
của doanh nghiệp 
Sản phẩm đào tạo là cầu nối, gắn kết giữa 
đại học và doanh nghiệp. Do đó, cả hai bên cần 
phải xác định rõ gắn kết nội dung gì và cơ chế 
gắn kết như thế nào (?). Hình 1 mô phỏng mô 
hình qui trình đào tạo gắn với nhu cầu của 
doanh nghiệp, trong đó bao gồm 3 khâu chủ 
yếu: (1) đầu ra; (2) công nghệ đào tạo; (3) đầu 
vào. Các khâu có liên hệ mật thiết với nhau, trong 
đó khâu đầu ra là điều kiện, mục tiêu quyết định 
nội dung các khâu còn lại. 
Điểm khác biệt quan trọng giữa đào tạo gắn 
với nhu cầu của doanh nghiệp so với phương 
thức đào tạo truyền thống là căn cứ vào đầu ra 
để lựa chọn công nghệ đào tạo và đầu vào phù 
hợp. Từng vị trí công việc trong doanh nghiệp 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 3 
sẽ yêu cầu phải có kiến thức gì, kỹ năng, nghiệp 
vụ nào và những phẩm chất nghề nghiệp cần 
thiết?. Mặt khác, căn cứ vào chiến lược phát 
triển của doanh nghiệp qua các năm sẽ dự báo 
được nhu cầu về số lượng, dạng loại lao động 
cần thiết của doanh nghiệp, nhờ đó đại học mới 
tính toán được qui mô, cơ cấu ngành nghề, trình 
độ đào tạo hợp lý. 
Hình 1: Mô phỏng mô hình qui trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp 
Hình 1. Mô phỏng mô hình qui trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. 
Do trình độ phát triển còn thấp, phần lớn 
các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay chưa có 
chiến lược phát triển rõ ràng nên việc dự báo 
nhu cầu về nhân lực là rất khó khăn. Qua khảo 
sát nhu cầu đào tạo các doanh nghiệp là đối tác 
của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia 
Hà Nội cho thấy mặc dù các doanh nghiệp biết 
rất cần nhân lực nhưng số lượng cho mỗi vị trí 
công việc là bao nhiêu vẫn còn mơ hồ, chưa 
được tính toán cụ thể. Phần lớn các doanh 
nghiệp được khảo sát chưa có kế hoạch phát 
triển nhân lực [2]. Đây cũng là một trong những 
lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp còn 
chưa thiết tha với đại học. 
Trong bối cảnh trên, đại học cần chủ động 
phối hợp với bộ phận nhân sự của các doanh 
nghiệp để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển 
nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Kinh nghiệm 
thành công của nhiều đại học trên thế giới đã 
cho thấy, việc đánh giá này phải được làm 
thường xuyên và do một bộ phận chuyên trách 
đảm nhận. Khi doanh nghiệp đã trở thành khách 
hàng thì đại học cần phải đầu tư một cách 
chuyên nghiệp và việc đầu tư này phải được coi 
trọng như chi phí cho nghiên cứu thị trường, 
marketing của các doanh nghiệp. Mặt khác, các 
doanh nghiệp cũng phải “nhiệt tình”, nghiêm 
túc phối hợp với đại học và đầu tư kinh phí để 
(3) Đầu vào 
(các nguồn tuyển 
sinh theo yêu cầu 
của từng chương 
trình đào tạo) 
(2) Công nghệ 
đào tạo 
- Quản lý 
- Giảng viên 
- Chương trình 
đào tạo, Học liệu 
- Cơ sở vật chất 
- Dịch vụ đào tạo 
- Tài chính 
(1) Đầu ra 
- Kiến thức 
 - Kỹ năng 
 - Nghiệp vụ 
 - Phẩm chất 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 4 
đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nhân lực 
của mình. Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế, 
Đại học Quốc gia Hà Nội và các doanh nghiệp 
đối tác tuy mới áp dụng thí điểm cách làm này 
nhưng đã mang lại kết quả rõ rệt. 
Qua kết quả đánh giá nhu cầu “đầu ra”, đại 
học sẽ lựa chọn được công nghệ đào tạo thích 
hợp. Công nghệ này bao gồm ít nhất 6 thành tố: 
chương trình và học liệu; đội ngũ giảng viên; cơ 
sở vật chất; dịch vụ đào tạo; tài chính; và quản 
lý. Các thành tố này phải hướng vào đáp ứng 
yêu cầu đầu ra và tương thích với nhau. Trong 
mỗi thành tố đều có sự tham gia, phối hợp giữa 
đại học và doanh nghiệp. 
Có thể nói, nội dung chương trình đào tạo 
có vai trò là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành 
công của đào tạo gắn với nhu cầu của doanh 
nghiệp. Tuỳ theo từng vị trí công việc trong 
doanh nghiệp sẽ thiết kế nội dung chương trình 
về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và những 
phẩm chất nghề nghiệp cần thiết. Các doanh 
nghiệp cần tham gia trực tiếp vào việc xây 
dựng, cải tiến chương trình đào tạo thông qua 
cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương 
trình. Trong nhóm xây dựng, cải tiến chương 
trình đào tạo cần có một số thành viên của 
doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là những người 
quản lý các bộ phận tác nghiệp (Trường Đại 
học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đang 
thực hiện rà soát, cải tiến toàn bộ các chương 
trình đào tạo. Công việc này được thực hiện 
theo từng nhóm chuyên gia, trong đó mỗi nhóm 
có ít nhất 1 thành viên là doanh nhân). Tuy 
nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, ngoài đào tạo 
theo nhu cầu của doanh nghiệp, đại học còn 
phải đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại của chương 
trình đào tạo mà các doanh nghiệp chưa biết 
đến hoặc ít quan tâm và quan trọng hơn là việc 
đào tạo ra những con người có khả năng tự học 
để học suốt đời. Đây chính là điểm khác biệt 
quan trọng giữa đào tạo đại học và đào tạo nghề. 
Khi có được các chương trình đào tạo đạt 
chuẩn (khoa học, thực tiễn, liên thông quốc tế) 
thì việc xây dựng học liệu không quá khó khăn. 
Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng học 
liệu là tham gia hoặc cung cấp thông tin để viết 
các nghiên cứu tình huống (case stuty). Kinh 
nghiệm thành công và thất bại của các cá nhân 
trong từng vị trí công việc sẽ là những bài học 
vô cùng quí giá cho những sinh viên, học viên. 
Đại học rất cần các nghiên cứu tình huống sống 
động từ thực tiễn của doanh nghiệp và doanh 
nghiệp hoàn toàn có thể tham gia được việc 
này. Doanh nghiệp càng đầu tư đúc rút những 
kinh nghiệm thành công, thất bại của những 
người đi trước bao nhiêu để tham khảo cho 
những người đi sau thì càng tăng được giá trị và 
giảm bớt những tổn thất cho mình trong tương 
lai. Điều này đã được các nhà lãnh đạo, quản lý 
doanh nghiệp (CEO) nổi tiếng trên thế giới đúc 
rút qua nhiều cuốn sách về lãnh đạo, quản trị 
nhân sự. 
Đội ngũ giảng viên là thành tố then chốt 
trong công nghệ đào tạo và quyết định sự thành 
công của đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp. 
Căn cứ vào nội dung, yêu cầu của chương trình 
đào tạo, các giảng viên phải xây dựng, điều 
chỉnh, bổ sung những kiến thức, kỹ năng, phẩm 
chất nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần chứ 
không phải là dựa vào những thứ có sẵn hoặc ý 
muốn chủ quan của giảng viên. Phương pháp 
dạy - học, thực tập của sinh viên cũng phải thay 
đổi theo hướng phục vụ người học, đảm bảo 
được sự linh hoạt và bám sát thực tế. Yêu cầu 
này đã buộc các giảng viên và sinh viên phải đi 
khảo sát, gắn bó với doanh nghiệp. Mặt khác, 
với phương thức đào tạo gắn kết này, các doanh 
nghiệp có nhiều cơ hội và trách nhiệm trong 
việc báo cáo thực tiễn (guest speaker), trực tiếp 
tham gia hướng dẫn thực tập, khoá luận, luận 
văn tốt nghiệp của sinh viên, học viên. 
Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp 
còn được thể hiện rất rõ qua việc tăng cường 
năng lực về cơ sở vật chất cho đại học. Các đại 
học ở nước ta đang gặp khó khăn rất lớn về 
thiếu trầm trọng giảng đường, phòng thí nghiệm 
và thiết bị dạy - học. Các doanh nghiệp có thể 
hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn này thông 
qua việc hiến tặng giảng đường, phòng thí 
nghiệm, thiết bị dạy - học và đào tạo tại doanh 
nghiệp (sử dụng cơ sở vật chất của doanh 
nghiệp). Nhờ đó, sinh viên có cơ hội được làm 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 5 
quen với môi trường doanh nghiệp, các thiết bị, 
công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Đồng 
thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội để lựa 
chọn, hướng nghiệp cho những sinh viên, học 
viên có năng lực tốt phục vụ cho doanh nghiệp 
ngay sau khi tốt nghiệp. 
Các dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của 
doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Các 
dịch vụ này bao gồm tất cả các hoạt động nhằm 
tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các 
chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt là các 
dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm 
cho sinh viên; marketing, PR; hậu cần tổ chức 
các khoá đào tạo (logistics) Phần lớn đại học 
ở nước ta hiện nay, các hoạt động này chưa 
được coi trọng và còn rất hạn chế. Doanh 
nghiệp có nhiều lợi thế để khai thác các dịch vụ 
đào tạo với đại học. 
Công nghệ đào tạo có được thực hiện tốt 
hay không phụ thuộc quan trọng vào nguồn tài 
chính. Sẽ là không tưởng nếu muốn chất lượng 
đào tạo tốt mà nguồn tài chính lại rất hạn hẹp. 
Nguồn tài chính của phần lớn các đại học ở 
nước hiện nay vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà 
nước và một phần nhỏ vốn tự có từ học phí. Cả 
hai nguồn vốn này, về cơ bản mới chỉ đủ cho 
đại học duy trì các hoạt động thường xuyên 
thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Kinh 
nghiệm thành công của nhiều đại học lớn trên 
thế giới cho thấy, muốn có “nguồn tài chính 
khoẻ” cần phải dựa vào doanh nghiệp và tài trợ. 
Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ đại học thông 
qua các hoạt động cung cấp học bổng cho sinh 
viên, trả học phí dưới dạng tài trợ cho đại học 
để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh 
nghiệp, cung cấp tài chính cho đại học thông 
qua việc ký các hợp đồng nghiên cứu, tư vấn và 
đầu tư mạo hiểm (phát minh, sáng chế, ý tưởng 
mới,). Mặt khác, các doanh nghiệp có thể 
đóng góp tài chính với đại học để thành lập các 
công ty, vườn ươm doanh nghiệp, khu công 
nghệ cao Các đại học, doanh nghiệp ở thành 
phố Kawasaki (Nhật Bản) rất thành công trong 
mô hình gắn kết đại học và doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp, đại học, chính quyền thành phố 
cùng góp vốn để xây dựng các vườn ươm doanh 
nghiệp, khu công nghệ cao [3]. 
Quản lý đào tạo là thành tố cuối cùng, 
nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết 
định thành công hoặc thất bại việc vận hành 
công nghệ đào tạo gắn với nhu cầu của doanh 
nghiệp. Nội dung này bao gồm các qui định có 
liên quan đến tất cả các nội dung của qui trình 
đào tạo. Đối với đào tạo theo nhu cầu của 
doanh nghiệp, các qui định tuyển sinh và qui 
mô đào tạo cần phải căn cứ vào yêu cầu (kiến 
thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phẩm chất nghề 
nghiệp) của từng vị trí công việc và nhu cầu 
phát triển nhân lực của doanh nghiệp hơn là dựa 
vào các qui định chung hoặc chỉ tiêu được phân 
bổ hàng năm. Qui định chất lượng giảng viên, 
tiền lương, đãi ngộ cũng phải căn cứ vào chất 
lượng công việc, mức độ đóng góp của cán bộ 
chứ không phải chỉ là dựa vào bằng cấp, thâm 
niên công tác. Về mức học phí được thu dựa 
trên nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp và đại 
học cùng trao đổi về các qui định, phương thức 
quản lý để thống nhất trong hợp đồng đào tạo. 
Căn cứ vào các yêu cầu của đầu ra, công 
nghệ đào tạo sẽ lựa chọn đầu vào phù hợp. 
Cách tiếp cận này sẽ lựa chọn được đúng 
“nguyên liệu đầu vào” cho qui trình “chế biến” 
để được đầu ra “như ý”. Do đó, công việc phát 
hiện, tuyển chọn đầu vào hết sức quan trọng. 
Doanh nghiệp cùng phối hợp với đại học để 
giới thiệu/tư vấn hướng nghiệp thật rõ đặc 
điểm, yêu cầu nghề nghiệp, điều kiện phát triển 
của các vị trí công việc trong doanh nghiệp. 
Mặt khác, căn cứ vào các yêu cầu đầu ra, công 
nghệ đào tạo, đại học và doanh nghiệp sẽ chủ 
động tìm nguồn tuyển sinh hướng vào các đối 
tượng tiềm năng, có khả năng tốt tham gia 
Chương trình (Mùa tuyển sinh vừa qua, Trường 
Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối 
hợp với các doanh nghiệp đối tác thực hiện các 
hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng vào 18 
trường chuyên của các đại học ở Hà Nội và các 
tỉnh/thành phía Bắc. Kết quả khả quan (tỷ lệ 
chọi 21/1), nhiều học sinh giỏi, có thành tích 
cao: được giải quốc gia, thành viên đội tuyển 
olimpic quốc tế, đăng ký vào Trường). Việc 
tham gia trực tiếp của doanh nghiệp trong các 
hoạt động tuyển sinh (marketing, PR, tư vấn 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 6 
tuyển sinh,) sẽ không chỉ tăng tính thuyết 
phục của chương trình đào tạo mà còn giúp 
doanh nghiệp thu hút, tiếp cận được những học 
sinh giỏi và cùng với đại học để đào tạo, nuôi 
dưỡng họ trở thành “tài sản” quí giá cho doanh 
nghiệp trong tương lai. 
4. Các điều kiện cơ bản đảm bảo thành công 
đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp 
Điều kiện đầu tiên là nhận thức và quyết 
tâm của những người lãnh đạo đại học và doanh 
nghiệp. Các bên phải thấy rõ được lợi ích của 
sự hợp tác và hiểu đầy đủ cần phải làm cái gì và 
như thế nào. Việc gắn đào tạo với nhu cầu của 
doanh nghiệp còn là lĩnh vực mới mẻ ở nước ta, 
nên các đại học và doanh nghiệm chưa tích luỹ 
được kinh nghiệp và xây dựng được “văn hoá” 
hợp tác. Do đó, cần phải có quyết tâm rất cao từ 
hai phía thì mới triển khai các MOU một cách có 
hiệu quả. 
Đại học và doanh nghiệp cần có chiến lược 
phát triển rõ ràng. Nếu doanh nghiệp không có 
chiến lược nhân sự cụ thể thì đại học khó biết 
được yêu cầu của từng vị trí công việc và không 
dự báo được số lượng nhân sự cho các giai 
đoạn. Một cách tương tự, đại học không có 
chiến lược phát triển thì doanh nghiệp cũng 
không thể biết được ngành nghề, năng lực đào 
tạo như thế nào để đặt hàng. Như vậy, cả hai 
bên cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng và 
sẽ rất hiệu quả nếu các bên tư vấn cho nhau 
trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. 
Cần phải có các bộ phận chuyên trách thực 
hiện công việc hợp tác giữa đại học và doanh 
nghiệp. Các bộ phận này phải đảm nhận được 
vai trò làm cầu nối, điều phối chuyên nghiệp 
các hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu của 
doanh nghiệp. Có thể nói, nếu các bên (đặc biệt 
là đối với đại học) thiếu bộ phận này hoặc có 
nhưng hoạt động không chuyên nghiệp thì các ý 
tưởng, kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu của 
doanh nghiệp chỉ là giấc mơ. 
 điều kiện đảm bảo thành công của 
Hình 2. Các điều kiện đảm bảo thành công của đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. 
Chính phủ 
Đại học 
Doanh nghiệp 
Thành công 
Chính sách, hỗ trợ tài chính, 
đất đai, v.v 
Nhận thức, 
quyết tâm 
Chiến lược 
phát triển rõ ràng 
Quyền tự 
chủ cao 
Bộ phận chuyên trách 
thực hiện 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 7 
Đại học phải được quyền tự chủ cao trong 
các quyết định có liên quan đến các hoạt động 
của qui trình đào tạo. Trước hết, cần được tự 
chủ trong các qui định đầu vào, qui mô tuyển 
sinh, nội dung chương trình, thu nhập, đãi ngộ 
và thu chi tài chính. Đào tạo theo nhu cầu của 
doanh nghiệp thì phải căn cứ vào nhu cầu và 
điều kiện của doanh nghiệp để đào tạo chứ 
không thể căn cứ vào các qui định chung, theo 
“kiểu may sẵn” để áp dụng cho “kiểu may đo” 
theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. 
Cần có sự hỗ trợ của chính phủ, các địa 
phương để thúc đẩy hợp tác giữa đại học và 
doanh nghiệp. Sự hỗ trợ không chỉ bằng chính 
sách mà cần được thiết thực hơn thông qua việc 
cung cấp tài chính, đất đai, để xây dựng các 
vườn ươm doanh nghiệp, khu công nghệ cao, 
Sự hỗ trợ này có vai trò rất quan trọng trong 
giai đoạn đầu “khởi sự” đào tạo gắn với nhu cầu 
của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Theo 
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp mới đã được 
Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp sẽ được 
hưởng nhiều ưu đãi khi tham gia vào lĩnh vực 
giáo dục, đào tạo. Đây là một trong những bước 
đột phá thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa đại học 
và doanh nghiệp ở nước ta). 
5. Kết luận 
Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp 
là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường. 
Việc gắn kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho 
cả đại học và doanh nghiệp. Ở nước ta hiện nay, 
mặc dù đại học và doanh nghiệp đã nhận thức 
được lợi ích của việc hợp tác với nhau nhưng 
do vấn đề mới mẻ nên các bên còn lúng túng, 
chưa thực sự quyết tâm hợp tác. 
Đại học và doanh nghiệp cần phối hợp với 
nhau để thực hiện các công việc trong tất cả các 
nội dung của qui trình đào tạo. Đầu ra phải 
được phân tích kỹ lưỡng, làm cơ sở để xây 
dựng chương trình đào tạo, tuyển chọn đầu vào, 
lựa chọn giảng viên và các điều kiện cần thiết 
thực hiện chương trình đào tạo. 
Việc gắn kết đào tạo với nhu cầu doanh 
nghiệp chỉ thực sự thành công nếu lãnh đạo các 
bên thống nhất nhận thức, quyết tâm thực hiện; 
các bên đều có chiến lược phát triển rõ ràng; có 
bộ phận chuyên trách thực hiện; đại học được 
tự chủ cao và có sự hỗ trợ cần thiết cả về cơ chế 
chính sách và tài chính, đất đai của Chính phủ, 
địa phương. 
Tài liệu tham khảo 
[1] Đại Dương, Chất xám tại Việt Nam dưới mắt thiên 
hạ, Vietnamese American Television, 10/6/2008. 
[2] Trường Đại học Kinh tế, Báo cáo kết quả điều tra 
nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp, đối tác 
của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia 
Hà Nội, 7/2008. 
[3] Lê Phương Thảo, Báo cáo kết quả chuyến đi khảo 
sát, nghiên cứu tại Thành phố Kawasaki, Nhật 
Bản, 5/2008. 
Training models based 
on the demands of the business sector 
 Phung Xuan Nha 
Faculty of International Economics, College of Economics, 
Vietnam National University, Hanoi, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam 
An issues to be taken in consideration in Vietnam’s higher education is a lack of education-industry 
linkage. To promote this linkage, the acticle goes to a deep analysis of benefits for two sides, mechanism of 
P.X. Nhạ / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8 8 
linkage and conditions for a success. The benefits are a cost-saving thanks to an access to needed human 
resource for the busineses on the one hand and a final framework of requested skills as well as an 
assisstance in financial resource for schools. Mechanism of linkage is start from bussinesses with an 
identification of skill package and then school will work with business to define training technology and 
other training inputs. However, for a sucessful linkage attentions should be paid to leaderships, 
development strategy, supporting policies and an efficient co-working group by two sides. 

File đính kèm:

  • pdfmo_hinh_dao_tao_gan_voi_nhu_cau_cua_doanh_nghiep_o_viet_nam.pdf