Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay
Tóm tắt. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, qua quá trình tiếp xúc, giao lưu văn
hóa giữa người Êđê và các tộc người khác đã làm cho văn hóa truyền thống của
người Êđê biến đổi rất nhiều. Nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột
cũng không phải là ngoại lệ, sự biến đổi thể hiện ở nhiều mặt, rõ nét nhất là sự biến
đổi về tính thiêng, sau đó là sự biến về nội dung và hình thức trong nghi lễ vòng đời.
Hơn ai hết, chính tộc người Êđê mới có thể hiểu được sự biến đổi nào là phù hợp và
sự biến đổi nào là không phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của họ trong thời
đại hiện nay.
Bạn đang xem tài liệu "Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay
174 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2019-0019 Social Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2, pp. 174-180 This paper is available online at MỘT SỐ BIẾN ĐỔI TRONG NGHI LỄ VÒNG ĐỜI CỦA NGƯỜI ÊĐÊ Ở BUÔN MA THUỘT HIỆN NAY Mai Trọng An Vinh NCS K37, Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, qua quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa người Êđê và các tộc người khác đã làm cho văn hóa truyền thống của người Êđê biến đổi rất nhiều. Nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột cũng không phải là ngoại lệ, sự biến đổi thể hiện ở nhiều mặt, rõ nét nhất là sự biến đổi về tính thiêng, sau đó là sự biến về nội dung và hình thức trong nghi lễ vòng đời. Hơn ai hết, chính tộc người Êđê mới có thể hiểu được sự biến đổi nào là phù hợp và sự biến đổi nào là không phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của họ trong thời đại hiện nay. Từ khóa: Biến đổi, bản sắc, người Êđê, Buôn Ma Thuột, nghi lễ, vòng đời. 1. Mở đầu Người Êđê ở Tây Nguyên có một đời sống văn hóa vô cùng phong phú, vì quan niệm vạn vật hữu linh nên tộc người này có một hệ thống nghi lễ thờ cúng độc đáo. Văn hóa nghi lễ của người Êđê từ rất lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, họ đã cho ra đời rất nhiều công trình khoa học khai thác ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Thế nhưng để khai thác một cách hệ thống và toàn diện về các giá trị trong văn hóa của người Êđê vẫn luôn là thách thức đối với bất kì nhà nghiên cứu nào. Trong từng giai đoạn lịch sử, mỗi công trình của các nhà khoa học đều có những giá trị khoa học nhất định trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu, có thể liệt kê ra một số công trình khoa học tiêu biểu như sau: Trong bài viết Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của các tộc người ở Tây Nguyên hiện nay một số vấn đề đặt ra của mình, tác giả Đỗ Lan Hiền cho rằng đối tượng thờ cúng trong các loại hình tín ngưỡng dân gian của các tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có người Êđê là loại hình tín ngưỡng đa thần [1;75]. Những nghi lễ tôn giáo điển hình của người Tây Nguyên đều liên quan đến sản xuất nông nghiệp như lễ cúng hồn lúa, lễ cơm mớitiếp đến là nghi lễ liên quan đến vòng đời của một con người như lễ đặt tên, lễ trưởng thành..[1;76]. Cuối bài viết tác giả cho rằng hiện nay đang có xu hướng mai một, chắp vá các nghi lễ thờ cúng truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có người Êđê. Ngày nhận bài: 19/10/2018. Ngày sửa bài: 19/12/2018. Ngày nhận đăng: 12/1/2019. Tác giả liên hệ: Mai Trọng An Vinh. Địa chỉ e-mail: maitronganvinh1977@gmail.com Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay 175 Qua nghiên cứu việc Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên nói chung, người Êđê ở Tây Nguyên nói riêng, trong bài viết Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên cổ truyền trong phát triển bền vững của mình, tác giả Đỗ Hồng Kỳ cho rằng văn hóa Tây Nguyên phát triển theo các xu hướng như xu hướng biến đổi mai một, xu hướng bảo tồn khôi phục văn hóa truyền thống kết hợp với hiện đại và cuối cùng là xu hướng giao lưu, ảnh hưởng hội nhập và thích ứng với văn hóa. Trong mục Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của mình, tác giả đưa ra nhận định rằng trong tình hình hiện nay đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Tây nguyên đối với bộ phận người chuyển trồng lúa trên rẫy sang trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su thì đời sống tâm linh bị khủng hoảng [2;67]. Ngành văn hóa đã rất chú trọng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa Tây Nguyên cổ truyền thế nhưng ít chú ý đến sự biến đổi, chuyển hóa niềm tin tôn giáo trong tâm thức của người Tây Nguyên [2;68]. Tác giả Phạm Quỳnh Phương với bài viết Nhận diện các xu hướng biến đổi trong đời sống tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay của mình đã nghiên cứu ra năm xu hướng biến đổi trong đời sống tôn giáo của các tộc người ở Tây Nguyên nói chung và người Êđê ở Tây Nguyên nói riêng trong giai đoạn hiện nay, bao gồm xu hướng phai nhạt dần tâm thức đa thần-vạn vật hữu linh và giản tiện hóa các lễ thức truyền thống; xu hướng phục hồi các thực hành văn hóa/ tôn giáo cổ truyền theo hướng chọn lọc có định hướng và sân khấu hóa; xu hướng giao thoa văn hóa/tôn giáo giữa các tộc người đồng cư với ưu thế của tộc người đa số- người Kinh; xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ tôn giáo đa thần sang tôn giáo nhất thần và xu hướng nhập thế của các tông giáo lớn, cũng như sự phân rẽ, tranh giành các tín đồ [3;3]. Và còn rất nhiều các bài viết nghiên cứu khác như Bình đẳng giới trong gia đình người dân tộc Êđê ở Đắk Lắk của tác giả Nguyễn Minh Tuấn [7]; Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các tộc người ở Tây nguyên của tác giả Ngô Đức Thịnh [8]; Văn hóa giao tiếp của người Êđê của tác giả Đoàn Thị Tâm [9] tất cả những bài nghiên cứu nêu trên là những thành tựu quan trọng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị trong văn hóa nghi lễ của người Êđê, tuy nhiên tôi nhận thấy rằng chưa có một bài nghiên cứu cụ thể nào có đối tượng nghiên cứu chính là sự biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột. Vì thế đây là “khoảng trống khoa học” cho các người nghiên cứu đi sau như tôi có cơ hội nghiên cứu. Vì thế tôi kế thừa những thành tựu của những người nghiên cứu đi trước để làm cơ sở cho mình nhằm hiểu rõ hơn sự biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số khái niệm liên quan 2.1.1. Khái niệm nghi lễ Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học thì nghi lễ là: “nghi thức và trình tự tiến hành của một cuộc lễ” [5:720]. Theo giáo trình Nhân học đại cương của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM thì đưa ra khái niệm: “nghi lễ trong một phạm vi nào đó cũng như phong tục tập quán, là quy ước lặp đi lặp lại thành thói quen, ăn sâu thành nếp vào tâm thức tôn giáo, đời sống xã hội – văn hóa” [6:35]. Con người là một chủ thể của xã hội, nhu cầu của đời sống văn hóa tinh thần của con người rất đa dạng vì thế có sự xuất hiện tín ngưỡng. Đời sống văn hóa tâm linh của con người luôn hướng về Mai Trọng An Vinh 176 chính con người theo một quan niệm đời thường gắn với thế giới tâm linh, từ đó xuất hiện những nghi lễ trong cuộc sống con người. 2.1.2. Khái niệm nghi lễ vòng đời Tác giả Ngô Đức Thịnh trong công trình Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam cho rằng nghi lễ vòng đời là: “những nghi lễ liên quan đến cá nhân, từ khi sinh ra đến khi chết” [10]. Nghi lễ vòng đời là nghi lễ mà gia đình, tộc họ, cộng đồng tôn giáo thực hiện cho mỗi một con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Theo các nhà nghiên cứu, nghi lễ vòng đời xuất hiện cùng với xã hội loài người. Theo thời gian, nghi lễ ấy một mặt được duy trì, một mặt được phát triển, hoàn thiện dần. Mỗi tộc người trên thế giới hầu hết đều có nghi lễ vòng đời cho riêng mình nhưng nội dung và hình thức thực hành nghi lễ ít nhiều đều có phần khác nhau. 2.2. Sơ lược về người Êđê ở Buôn Ma Thuột và nghi lễ vòng đời của họ 2.2.1. Sơ lược về người Êđê ở Buôn Ma Thuột Êđê là tộc người có nguồn gốc từ nhóm tộc người nói tiếng Mã Lai ở các hải đảo Thái bình dương, họ sinh sống lâu đời ở Buôn Ma Thuột, trong đời sống hàng ngày người Êđê theo chế độ mẫu hệ nên con cái mang họ mẹ. Người vợ sẽ đi cưới chồng về cho mình và người đàn ông sau khi kết hôn sẽ theo về sinh sống bên gia đình vợ. Tóm lại trong hôn nhân người phụ nữ giữ vai trò chủ động. Công việc mưu sinh của người Êđê ở Buôn Ma Thuột trước kia chủ yếu là trồng chọt nhưng ngày nay họ còn chế biến nông sản, trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao... Người Êđê có quan niệm vạn vật hữu linh nên trong đời sống tâm linh của họ có một hệ thống nghi lễ đồ sộ và độc đáo như nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ cúng bến nước, nghi lễ vòng đời... 2.2.2. Sơ lược về nghi lễ vòng đời của người Ê đê ở Buôn Ma Thuột Đối với người Êđê, nghi lễ vòng đời đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của họ vì nó gắn với mỗi bước chuyển tiếp trong cuộc đời mỗi cá nhân và ảnh hưởng nhiều đến từng thành viên trong gia đình. Người Êđê tin tưởng vào sự linh thiêng của thần linh mà các nghi lễ là nhịp cầu nối cho con người tiếp cận được với các vị thần linh. Nghi lễ vòng đời thường được chia thành ba giai đoạn chính: sinh, trưởng thành và tử. - Giai đoạn sinh, gồm các lễ: lễ cầu sức khỏe cho người mẹ và thai nhi, lễ cúng thần linh để bảo vệ thai nhi, lễ cúng thần linh cho người mẹ sau khi sinh con, lễ cúng sức khỏe cho bà đỡ, lễ cúng sức khỏe cho người mẹ, lễ thổi tai, lễ đặt tên cho con. - Giai đoạn trưởng thành, gồm các lễ: lễ trưởng thành cho con, lễ đeo vòng, lễ cà răng, lễ dạm hỏi (tục thách cưới), lễ cưới. - Giai đoạn tử, gồm các lễ: lễ tiễn hồn người chết, lễ cho người chết nạn, lễ chôn người chết, lễ bỏ mả. 2.3. Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời Nguyên nhân chính gây ra sự biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay là do sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa, bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân như các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước, sự phát triển của lực lượng sản xuất với sự ứng dụng khoa học kĩ thuật vào đời sống ngày càng tăng cao và việc nâng cao trình độ dân trí. Sự biến đổi diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay 177 trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến hai khía có sự biến đổi rõ nét nhất, đó là sự biến đổi về tính thiêng và sự biến đổi về nội dung, hình thức của nghi lễ vòng đời. 2.3.1. Sự biến đổi về tính thiêng Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng, hệ thống y tế ở Buôn Ma Thuột ngày càng hiện đại đã làm cho sự phụ thuộc vào thần linh trong đời sống của người Êđê nơi đây giảm đi rõ rệt. Khi người phụ nữ Êđê có thai thì gia đình đưa người phụ nữ đến bệnh viện để khám thai định kì, thậm chí người phụ nữ Êđê còn yêu cầu được bệnh viện siêu âm để chuẩn đoán trước giới tính của thai nhi chứ không phụ thuộc vào sự cầu khẩn xin thần linh về giới tính thai nhi theo mong muốn của gia đình như trước kia vì thế việc tổ chức lễ cúng thần linh để bảo vệ thai nhi ngày càng thưa vắng dần trong gia đình người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay. Trong thời gian mang thai nếu người phụ nữ Êđê bị bệnh thì gia đình thường đưa người phụ nữ đến các cơ sở y tế trên địa bàn để khám bệnh và uống thuốc theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chứ họ không còn thực hiện lễ cầu sức khỏe cho người mẹ và thai nhi như trước kia. Vì thế tính thiêng trong nghi lễ vòng đời cũng giảm so với trước kia. Hiện nay, khi người phụ nữ sắp sinh con thì người Êđê không còn mời bà đỡ đến đỡ đẻ tại tư gia nữa mà gia đình sẽ đưa người phụ nữ đến bệnh viện phụ sản nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người phụ nữ và đứa trẻ sơ sinh hơn. Niềm tin của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay đối với hệ thống y tế ngày càng tăng cao kéo theo sự giảm sút niềm tin vào thần linh trong việc bảo vệ sức khỏe cho tộc người của mình, chính điều đó làm cho lễ cúng sức khỏe cho bà đỡ trong gia đình Êđê ở Buôn Ma Thuột đã dần mai một. Thực tế hiện nay, một bộ phận gia đình người Êđê ở Buôn Ma Thuột thực hiện nghi lễ vòng đời chỉ mang ý nghĩa thủ tục là chính, vì thế vai trò của nghi lễ vòng đời trong đời sống người Êđê ngày càng giảm, kéo theo tính thiêng trong nghi lễ vòng đời cũng giảm. Thời gian thực hành nghi lễ vòng đời hầu như được rút ngắn lại so với truyền thống trước kia nên điều đó cũng đã làm giảm đi tính thiêng của nghi lễ. Lễ cà răng hiện nay đã không còn tồn tại trong các gia đình người Êđê ở Buôn Ma Thuột. Bến nước trong mỗi buôn làng người Êđê ở Buôn Ma Thuột là không gian thực hành nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ vòng đời. Bến nước được người Êđê truyền thống trước kia xem như là nơi hội tụ sức sống của cả buôn làng và là nơi chứa đựng những điều thuộc về tín ngưỡng tâm linh được truyền qua nhiều thế hệ nhưng hiện nay bến nước đang dần mất đi trong hầu hết các buôn làng người Êđê ở Buôn Ma Thuột, nên trong quá trình thực hành nghi lễ vòng đời phải lược bỏ bớt các lễ thức liên quan đến bến nước, thực trạng này đã làm cho tính thiêng trong nghi lễ vòng đời giảm rất nhiều. Các lễ ở giai đoạn trưởng thành trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay đã biến đổi theo xu hướng “Kinh hóa” (giống tộc người Kinh) rất nhiều. Vẫn lưu giữ truyền thống mẫu hệ nhưng sự chủ động của người con gái Êđê ở Buôn Ma Thuột trong hôn nhân đã giảm đi tương đối nhiều. Lễ thách cưới hiện nay gần như là sự thỏa thuận trước tùy theo khả năng của gia đình cô gái chứ không mang nặng vấn đề “thách” lễ vật như tục lệ của người Êđê truyền thống trước kia. Ngày nay gia đình cô gái không còn mang những lễ vật tới để làm cơm thiết đãi bên gia đình chàng trai như tục lệ truyền thống trước kia nữa mà hầu như các lễ vật đều được quy thành tiền mặt và đưa cho bên gia đình chàng trai trước khi lễ cưới diễn ra, những lễ vật gia đình cô gái mang qua cho gia đình chàng trai khi diễn ra lễ cưới trong thời đại ngày nay chỉ còn mang tính tượng trưng là chủ yếu. Khâu tổ chức nghi lễ cưới của các gia đình người Êđê ở Buôn Ma Mai Trọng An Vinh 178 Thuột hiệu nay chủ yếu được họ thuê những dịch vụ tổ chức lễ cưới từ bên ngoài buôn làng thực hiện và mang đến khi lễ cưới diễn ra. Những yếu tố vừa nêu trên đã làm cho vai trò của nghi lễ vòng đời trong đời sống của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay ngày càng giảm đã dẫn đến việc tính thiêng trong nghi lễ vòng đời cũng giảm theo như là một tất yếu. Hầu như các buôn làng người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay không có khu mộ địa riêng như trước kia vì thế khi có người thân trong gia đình qua đời thì họ phải đưa đến chôn tại những nghĩa trang do nhà nước quy định, nên lễ chôn người chết và lễ bỏ mả cũng lược bỏ bớt một số lễ thức cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hiện nay. Kiến trúc ngôi nhà mồ của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay cũng biến đổi rất nhiều theo xu hướng “Kinh hóa” chứ không còn làm theo lối kiến trúc truyền thống của người Êđê trước kia vì thế đã làm cho tính thiêng trong nghi lễ vòng đời giảm. Trong lễ chôn người chết của người Êđê truyền thống trước kia, khi đưa quan tài đến khu mộ địa của buôn làng người Êđê thì gia đình sẽ thả xuống huyệt một con gà mái và một vài hạt cơm hoặc gạo với quan niệm đó là tài sản dành cho người chết khi về thế giới bên kia. Sau khi hạ quan tài xuống huyệt, trước khi lấp đất, người Êđê lấy một ché rượu đã đục thủng đáy đặt ở phía đầu huyệt và một cây tre được đục thông hết các mắt tre phía bên trong rồi đặt từ đáy vượt lên khỏi miệng huyệt phía trên đầu quan tài nhằm mục đích hàng ngày gia đình của người chết sẽ đem cơm, thức ăn, rượu... đổ vào ống tre cho trôi tuột vào trong mộ huyệt với quan niệm là để “nuôi” người chết. Nhưng hiện nay, những nghi thức đó hầu như không còn được thực hiện ở rất nhiều gia đình người Êđê ở Buôn Ma Thuột, vì thế tính thiêng trong nghi lễ vòng đời cũng giảm đi đáng kể. 2.3.2. Sự biến đổi về nội dung và hình thức Nhà sàn dài truyền thống của người Êđê là không gian thực hành chủ yếu trong nghi lễ vòng đời nhưng hiện nay qua quá trình tiếp biến văn hóa với các tộc người khác, nhà sàn dài trong các buôn làng của người Êđê ở Buôn Ma Thuột đã bê tông hóa rất nhiều và lối kiến trúc truyền thống của người Êđê cũng mất dần thay vào đó là những ngôi nhà bê tông cốt thép được thiết kế theo lối kiến trúc của các tộc người khác. Vì thế không gian thực hành nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trong gia đình người Êđê truyền thống trước kia khi thực hành nghi lễ vòng đời thì tất cả những người tham dự nghi lễ hầu hết đều mặc trang phục truyền thống của người Êđê. Nhưng hiện nay, các thành viên tham dự nghi lễ vòng đời còn rất ít người sử dụng trang phục truyền thống mà thay vào đó là những Âu phục của các tộc người khác. Những lễ trong giai đoạn sinh đã được người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay đơn giản hóa và lượt bỏ tương đối nhiều những tục lệ kiêng cữ mà họ cho rằng không còn phù hợp trong thời đại hiện nay. Hiện nay những cặp vợ chồng Êđê hiếm muộn con thường dắt nhau đến các bệnh viện để khám tìm nguyên nhân để chữa trị chứ họ không còn thực hiện lễ cầu thần linh để cầu xin cho họ có con như trước kia. Nhiều gia đình người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay đã bỏ hẳn một vài lễ trong nghi lễ vòng đời mà họ cho rằng không còn phù hợp, những lễ còn lại họ thường lược bỏ bớt một số bước trong quá trình thực hành nghi lễ nhằm giản tiện hơn và phù hợp hơn với đời sống hiện nay. Các lễ vật dâng cúng thần linh trong thực hành nghi lễ vòng đời cũng được các gia đình người Êđê hiện nay thực hiện rất linh hoạt, cụ thể như lễ vật truyền thống dành cho lễ cúng thần linh cho người mẹ sau khi sinh con là một con heo nhưng ngày nay được họ thay đổi tùy theo điều Một số biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay 179 kiện cụ thể của mỗi gia đình. Các món ăn dâng cúng thần linh trong quá trình thực hành nghi lễ vòng đời của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột cũng phong phú hơn trước kia. Trong thực đơn, ngoài những món ăn truyền thống của người Êđê thì họ còn bổ sung thêm rất nhiều món ăn của các tộc người khác, đặc biệt là các món ăn của tộc người Kinh. Hiện nay khi sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa người Êđê và các tộc người khác ngày càng phát triển thì thành phần tham dự nghi lễ vòng đời cũng đa dạng hơn về tộc người và lứa tuổi. Đối với người Êđê truyền thống thì khi cô gái đến tuổi trưởng thành đem lòng yêu thích một chàng trai nào đó thì sẽ chủ động làm quen và cùng gia đình mua sắm lễ vật sang hỏi cưới chàng trai về làm chồng. Nhưng hiện nay trong giai đoạn hôn nhân, người con trai Êđê không còn bị động như trước kia, các nghi thức trong lễ thách cưới hiện nay thường đã có sự thỏa thuận của hai gia đình trước đó. Vì thế các bước thực hành lễ thách cưới ngày nay được đơn giản hóa rất nhiều, chủ yếu chỉ còn mang tính hình thức. Thậm chí ở một số gia đình khi thấy những đứa trẻ trong gia đình đã ngoan ngoãn, khỏe mạnh thì gia đình không còn tổ chức lễ cầu thần linh ban sức khỏe cho đứa trẻ. Việc thực hành lễ cưới của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay cũng đã biến đổi rất nhiều, ngoài những nhạc cụ truyền thống thì họ sử dụng thêm những nhạc cụ hiện đại của các tộc người khác. Không gian tổ chức lễ cưới của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay không phải lúc nào cũng được tổ chức tại buôn làng do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay không gian tổ chức lễ cưới có khi ở những nhà hàng, hội trường nhà văn hoá ở địa phương, thời gian thực hành lễ cưới ngày nay cũng được rút ngắn lại và đơn giản hóa rất nhiều, thường chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một ngày chứ không kéo dài nhiều ngày nhiều đêm như lễ cưới của người Êđê truyền thống ngày trước. Trong quá trình diễn ra lễ cưới, ngoài những bài hát truyền thống của người Êđê thì họ sử dụng rất nhiều những bài hát của các tộc người khác với nhiều thể loại nhạc khác nhau. Lễ lại mặt của người Êđê truyền thống trước kia thường được diễn ra 7 ngày sau lễ cưới nhưng hiện nay số ngày được rút ngắn hơn rất nhiều, ở một số gia đình, có khi chỉ còn 2 ngày hoặc 3 ngày sau khi tổ chức lễ cưới. Lễ vật dành cho lễ lại mặt cũng thay rất đổi nhiều tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình chứ không theo quy định của tục lệ người Êđê trước kia. Hình thức cư trú sau đám cưới của những cặp vợ chồng người Êđê hiện nay cũng có nhiều biến đổi, cụ thể rất nhiều cặp vợ chồng tộc người Êđê ngày càng có xu hướng tách ra ở riêng thành hình thức tiểu gia đình chứ không còn là hình thức đại gia đình cùng sống chung trong căn nhà dài truyền thống như trước kia vì nhiều lí do khác nhau. Lễ tang trong gia đình người Êđê truyền thống trước kia, thi thể người đã qua đời có khi được lưu ở nhà đến 7 ngày rồi mới đưa ra khu mộ địa chôn nhưng hiện nay họ thường chỉ lưu thi thể người chết ở nhà khoảng 3 ngày rồi đưa đi chôn. Việc chuẩn bị cho lễ tang cũng diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn xưa, tất cả mọi lễ vật dành cho lễ tang người Êđê hiện nay thường được họ mua sẵn từ những dịch vụ chuyên tổ chức tang lễ, cụ thể như chiếc quan tài dành cho người chết trong thời đại hiện nay được người Êđê ở Buôn Ma Thuột đến mua ở dịch vụ mai táng là chủ yếu chứ họ không còn lên rừng đốn hạ cây rừng về tự làm quan tài như trước kia. Phương tiện đưa tang của người Êđê hiện nay được sử dụng những phương tiện hiện đại như ô tô, mô tô, chứ không còn là nhưng phương tiện thô sơ như trước kia. Mai Trọng An Vinh 180 3. Kết luận Trong tiến trình cộng cư phát triển của mình đã tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa ng- ười Êđê ở Buôn Ma Thuột với các tộc người khác làm nghi lễ vòng đời biến đổi. Sự biến đổi trong nghi lễ vòng đời hiện nay diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng trong phạm vi bài viết này tôi chỉ nghiên cứu một vài biến đổi trong nghi lễ vòng đời của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột ở khía tính thiêng, nội dung và hình thức trong thực hành nghi lễ vòng đời. Sự nghiên cứu này là cần thiết nhằm góp phần gìn giữ bản sắn văn hóa người Êđê trong xu thế Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với thế giới như hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Lan Hiền, 2011. Đời sống tín ngưỡng tôn giáo của các tộc người ở Tây Nguyên hiện nay, một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 4,tr.75-76. [2] Đỗ Hồng Kỳ, 2012. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên cổ truyền trong phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 2,tr.67-68. [3] Phạm Quỳnh Phương, 2015. Nhận diện các xu hướng biến đổi trong đời sống tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2,tr.3. [4] Ngô Đức Thịnh, 2006. Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [5] Trung tâm Từ điển học, 2007. Từ điển tiếng Việt. Nxb Từ điển, Hà Nội, tr.720. [6] Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, 2008. Giáo trình Nhân học đại cương. Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr.35. [7] Nguyễn Minh Tuấn, 2012. Bình đẳng giới trong gia đình người dân tộc Êđê ở Đắk Lắk. Tạp chí Xã hội học, số 2, tr.81-89. [8] Ngô Đức Thịnh, 2012. Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các tộc người ở Tây nguyên. Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, số 6,tr.23. [9] Đoàn Thị Tâm, 2016. Văn hóa giao tiếp của người Êđê. Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 8, tr.89-96. ABSTRACT Some changes in practising Buon Ma Thuot-Based Ede people's life cycle rituals Mai Trong An Vinh Postgraduate K37, Faculty of Philosophy, Hanoi National University of Education In the era of current globalization, direct contact and cultural exchange between Ede people and other ethnic groups have brought a far-reaching change in the traditional culture of Ede people. The life cycle ritual of Ede people in Buon Ma Thuot is notexceptional. The changes manifest in many ways. The most obvious is the change in sacredness, then in content and in form of the life cycle ritual. It is Ede people who understand whether a transformation is appropriate or not to their cultural and spiritual life. Keywords: Changes, identity, the Ede people, Buon Ma Thuot, rituals, life cycles.
File đính kèm:
- mot_so_bien_doi_trong_nghi_le_vong_doi_cua_nguoi_ede_o_buon.pdf