Một tài liệu châu bản về việc xin làm y sinh Thái Y Viện dưới đời vua Minh Mạng

Các thầy thuốc trong Thái Y Viện bất kể dưới triều nào cũng được tuyển chọn

theo quy chế chặt chẽ. Tuy nhiên dưới đời Minh Mạng (1820-1840), Thái Y Viện

triều Nguyễn lại nhận được một lá đơn tự tiến không hề có tiền lệ. Lá đơn này được

ghi nhận trong Châu bản triều Nguyễn cùng lời châu phê của Minh Mạng, có thể

kể là một tài liệu hay lạ cần được giới thiệu.

Tài liệu nằm trong Châu bản Minh Mạng tập 15, tờ 97 (2 trang). Đó là bản

tấu đề ngày 24 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) của thầy thuốc Võ Văn Hoãn

62 tuổi ở ấp Giang Tiền, xã Dương Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên (quê

chính xã Mỹ Lộc, huyện Phong Lộc, phủ Quảng Bình), xin cho bản thân cùng 4

người con và 1 người cháu cả thảy 6 người cùng được vào làm Y sinh ở Thái Y Viện.

Có kèm theo lời châu phê của Minh Mạng về việc xử lý vào ngay ngày hôm sau.

pdf 5 trang yennguyen 4640
Bạn đang xem tài liệu "Một tài liệu châu bản về việc xin làm y sinh Thái Y Viện dưới đời vua Minh Mạng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một tài liệu châu bản về việc xin làm y sinh Thái Y Viện dưới đời vua Minh Mạng

Một tài liệu châu bản về việc xin làm y sinh Thái Y Viện dưới đời vua Minh Mạng
134 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017
MỘT TÀI LIỆU CHÂU BẢN VỀ VIỆC XIN LÀM 
Y SINH THÁI Y VIỆN DƯỚI ĐỜI VUA MINH MẠNG
 Nguyễn Thị Dương*
Các thầy thuốc trong Thái Y Viện bất kể dưới triều nào cũng được tuyển chọn 
theo quy chế chặt chẽ. Tuy nhiên dưới đời Minh Mạng (1820-1840), Thái Y Viện 
triều Nguyễn lại nhận được một lá đơn tự tiến không hề có tiền lệ. Lá đơn này được 
ghi nhận trong Châu bản triều Nguyễn cùng lời châu phê của Minh Mạng, có thể 
kể là một tài liệu hay lạ cần được giới thiệu. 
Tài liệu nằm trong Châu bản Minh Mạng tập 15, tờ 97 (2 trang). Đó là bản 
tấu đề ngày 24 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) của thầy thuốc Võ Văn Hoãn 
62 tuổi ở ấp Giang Tiền, xã Dương Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên (quê 
chính xã Mỹ Lộc, huyện Phong Lộc, phủ Quảng Bình), xin cho bản thân cùng 4 
người con và 1 người cháu cả thảy 6 người cùng được vào làm Y sinh ở Thái Y Viện. 
Có kèm theo lời châu phê của Minh Mạng về việc xử lý vào ngay ngày hôm sau.
Toàn văn phiên âm như sau:
Quảng Bình phủ Phong Lộc huyện, Mỹ Lộc xã, gia cư Thừa Thiên phủ, 
Hương Trà huyện, Dương Xuân xã, Giang Tiền ấp. (Thừa?) y ngu Võ Văn Hoãn kê 
thủ bái thủ cẩn tấu vi phủ lịch ngu trung khấu vu duệ giám sự. Do ngu thế nghiệp y 
gia, sảo tri mạch lý nhi ngu chi tử tôn cộng ngũ danh bản giai tử tòng phụ nghiệp, 
hiện kim niên dĩ trưởng thành vị nhập hà nha ty viện, triếp cảm mạo muội cung 
trần, phục hầu Hoàng thượng lượng quảng hải hàm trước hạ bổ ngu phụ tử nhược 
tôn cộng lục danh nhập Thái Y Viện y sinh, ngưỡng lại dư ba. Sở hữu ngu đẳng 
tính danh khai liệt vu hậu. Ngu thành hoàng thành khủng, bất thắng chiến lật chi 
chí. Cẩn tấu.
Ngu [dân]:
Võ Văn Hoãn, niên sinh lục thập nhị tuế
Võ Văn Duy, niên sinh tam thập nhị tuế
Võ Văn Hằng, niên sinh nhị thập cửu tuế
Võ Văn Thi, niên sinh nhị thập tam tuế
Võ Văn Luật, niên sinh nhị thập nhị tuế
Võ Văn Hi, niên thập bát tuế
* Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
TƯ LIỆU
135Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017
Minh Mạng thất niên nhị nguyệt nhị thập tứ nhật đề
Ngu
Võ Văn Hoãn điểm chỉ.
Bản nguyệt nhị thập ngũ nhật thần Nguyễn Khoa 
Minh phụng chỉ: Võ Văn Hoãn hệ thị niên lão trước 
miễn kỳ trượng trách. Kỳ Võ Văn Hoãn chi tử Võ Văn 
Duy, Võ Văn Hằng, Võ Văn Thi, Võ Văn Luật, tôn Võ 
Văn Hi cai ngũ danh trước Thừa Thiên phủ thần thôi 
sở ngụ chi Dương Xuân xã đăng tịch đương sai.
Khâm thử.
Tạm dịch:
Ngu dân làm nghề y là Võ Văn Hoãn quê xã Mỹ Lộc, 
huyện Phong Lộc, phủ Quảng Bình, ngụ tại ấp Giang 
Tiền, xã Dương Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa 
Thiên rập đầu bái lạy kính cẩn tâu bày (mong bệ hạ) 
anh minh soi xét. 
Nguyên do ngu dân gia thế nghiệp y, hơi biết mạch lý 
mà con cháu ngu dân tổng cộng 5 người vốn đều con 
nối nghiệp cha, hiện đã trưởng thành song chưa vào 
nha, ty, viện nào. (Ngu dân) bèn mạo muội kính trình, 
dám mong Hoàng thượng mở lượng hải hà ban ơn cho 
phép cha con ông cháu ngu dân cả thảy 6 người được 
vào làm Y sinh Thái Y Viện, ngưỡng mong ơn thấm. Tất cả tên tuổi kê ra sau đây, 
ngu dân nơm nớp lo âu, run sợ khôn xiết. 
Kính cẩn tâu bày.
Ngu dân:
Võ Văn Hoãn, 62 tuổi
Võ Văn Duy, 32 tuổi
Võ Văn Hằng, 29 tuổi
Võ Văn Thi, 23 tuổi
Võ Văn Luật, 22 tuổi
Võ Văn Hi, 18 tuổi
Ngày 24 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đề.
Ngu dân:
Võ Văn Hoãn điểm chỉ.
Trang thứ hai trong văn bản 
ghi lời châu phê của vua Minh 
Mạng về việc xử lý Võ Văn 
Hoãn cùng các con cháu.
136 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017
[Châu phê] Ngày 25 tháng này bề tôi Nguyễn Khoa Minh phụng chỉ: Võ Văn 
Hoãn do tuổi già được miễn phạt trượng. Còn các con của Võ Văn Hoãn là Võ Văn 
Duy, Võ Văn Hằng, Võ Văn Thi, Võ Văn Luật cùng cháu Võ Văn Hi, năm tên này 
truyền phủ thần Thừa Thiên sức cho địa phương xã Dương Xuân đem ghi vào sổ 
hộ tịch chịu sai dịch.
Kính đấy.
Theo nội dung trên, thầy thuốc Võ Văn Hoãn đã dâng tấu lên vua Minh 
Mạng. Vấn đề ở đây là vì sao việc xin vào làm Y sinh Thái Y Viện của cha con, 
ông cháu họ Võ không những không được chấp nhận mà Võ Văn Hoãn còn suýt 
bị phạt trượng?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải tìm hiểu Thái Y Viện những năm đầu 
triều Minh Mạng. Minh Mạng lên ngôi năm 1820, kế thừa cơ nghiệp Gia Long 
nhưng “thực trạng tổ chức bộ máy hành chính từ triều đình đến địa phương dưới 
thời Gia Long bộc lộ khá rõ tính chất đơn giản, lỏng lẻo trong thiết chế.”.(1) Thái 
Y Viện hẳn cũng không ngoại lệ. Quả vậy, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (trở 
đi viết tắt là Hội điển), quyển 258, mục Đặt quan, phần viết về Thái Y Viện triều 
Gia Long cho thấy các chức danh trong Thái Y Viện đầu triều Gia Long chỉ gồm 
Ngự y (chính), Ngự y phó, Y chính, Y phó và Y viện:
“嘉隆元年設正醫副醫無定員數四年準定太醫院御醫秩正五品副御醫秩
從五品醫正秩從六品醫副秩從七品醫院秩從八品”(2) (Năm Gia Long thứ nhất 
(1802), đặt Chánh y, Phó y, số lượng nhất định. Năm Gia Long thứ 4 (1805) chuẩn 
định Thái Y Viện Ngự y trật Chánh ngũ phẩm, Phó Ngự y trật Tòng ngũ phẩm, Y 
chính trật Tòng lục phẩm, Y phó trật Tòng thất phẩm, Y viện trật Tòng bát phẩm). 
 Dường như cho tới cuối triều Gia Long, cơ cấu như trên đây của Thái Y Viện 
vẫn không thay đổi. Một bằng chứng là cho tới năm 1820, chức danh Y viện 醫院 
vẫn tồn tại. Hội điển cho biết, vào năm 1820, tức ngay sau khi lên ngôi, một trong 
những cải tổ về Thái Y Viện mà vua Minh Mạng tiến hành đó là điều chỉnh cơ cấu 
thành viên Thái Y Viện bằng cách chỉ lấy 85 nhân viên chính thức, 116 viên còn lại 
(gồm 86 Y viện 醫院 và 30 Ngoại khoa 外科) được gọi chung là Thuộc nhân 屬人, 
đồng thời quy định về sau không bổ sung Thuộc nhân nữa. Năm Minh Mạng thứ 4 
(1823) cấp ấn triện cho Thái Y Viện. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) đặt chức Viện 
sứ cai quản Thái Y Viện. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) đặt chức Tả Viện phán 
và Hữu Viện phán.(3) Rõ ràng là tới đời vua Minh Mạng (1820-1840) Thái Y Viện 
triều Nguyễn đã hoàn thiện hơn cả về cơ cấu cũng như chức năng.
Vì tay nghề của thầy thuốc có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc sức 
khỏe của hoàng gia nên bên cạnh việc sát hạch thầy thuốc trong Thái Y Viện, việc 
tìm và khuyến khích thầy thuốc giỏi ở bên ngoài cũng được vua Minh Mạng rất 
137Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017
chú trọng. Đại Nam thực lục (trở đi viết tắt là Thực lục) - (Đệ nhị kỷ) và Hội điển 
(Quyển 258) cho biết Minh Mạng nhiều lần áp dụng hình thức bạt bổ(4) đối với các 
thầy thuốc trong dân gian có tay nghề và chữa khỏi bệnh cho nhiều binh lính. Đối 
với gia đình thầy thuốc họ Võ đề cập trên đây, Minh Mạng chưa biết về tay nghề 
của họ ra sao nhưng đã coi hành động của họ là đáng phạt trượng và không cho làm 
Y sinh trong Thái Y Viện. Vậy gia đình họ Võ đã mắc sai sót ở điểm gì? 
Trước hết, nếu xét theo chế độ “hồi tỵ” mà Minh Mạng áp dụng trong guồng 
máy hành chính triều đình (tránh bố con, anh em ruột, anh em chú bác cùng làm 
một chỗ) thì tuy Võ Văn Hoãn xin cho bản thân cùng con và cháu (ba thế hệ trong 
một gia đình) cùng vào làm trong Thái Y Viện nhưng điều này không vi phạm quy 
định hành chính của triều đình bởi do đặc trưng của nghề thuốc quý ở cha truyền 
con nối nên nhân sự Thái Y Viện không phải tuân theo chế độ “hồi tỵ”.(5)
Tìm trong Hội điển, Quyển 258, mục Thái Y Viện thấy có đoạn chép:
“凡有遴舉外醫補入院屬及諸地方遴舉諸醫均由機密院内閣侍衛處察核分
項具摺侯奉充補”(Phàm có tiến cử thầy thuốc bên ngoài bổ vào (Thái Y) Viện và 
các địa phương tuyển cử các thầy thuốc đều do Cơ Mật Viện, Nội Các, Thị Vệ Xứ 
sát hạch phân hạng tâu lên đầy đủ, đợi ý chỉ nhà vua rồi mới sung bổ). 
Như vậy, để làm việc trong Thái Y Viện trước hết phải thông qua sự tiến 
cử của đình thần hoặc tuyển cử của quan chức địa phương. Có lẽ chính bởi Võ 
Văn Hoãn không theo cách thức này, tự làm đơn dâng lên vua nên Minh Mạng đã 
“trừng trị” thẳng tay mà không cần biết họ Võ kia tay nghề ra sao. Vậy có phải Võ 
Văn Hoãn không biết quy định của triều đình hay biết mà vẫn “mạo muội” làm đơn 
tự tiến? Lý do nào đã thúc đẩy Võ Văn Hoãn hành động như thế?
Trở thành thầy thuốc phục vụ trong triều đình đồng nghĩa với trách nhiệm 
nhưng cũng là vinh dự và quyền lợi. Khi đã có phẩm trật thì lương bổng sẽ được 
tính theo phẩm trật. Theo tác giả Nguyễn Minh Tường, biểu lương chính thức của 
các thành viên trong bộ máy hành chính triều Minh Mạng cho tới năm 1839 vẫn 
được tính theo biểu lương được quy định vào năm Gia Long thứ 17 (1818).(6) Tuy 
biểu lương này còn khiêm tốn nhưng ngoài lương bổng, quan lại triều Minh Mạng 
còn được hưởng ruộng khẩu phần (cũng căn cứ trên phẩm trật). Theo Điền chế quân 
cấp lệ 田制均給例 ban hành năm Gia Long thứ 3 (1804),(7) phẩm hàm của nhân 
viên Thái Y Viện lúc đó từ Tòng bát phẩm (Y viện) tới Chánh ngũ phẩm (Ngự y 
chính), tương ứng với số ruộng được cấp từ 8,5 phần tới 11 phần, có thể thấy mức 
chênh lệch phần ruộng được cấp giữa Y viện và Ngự y chính là không quá nhiều. 
Chế độ ruộng khẩu phần này vẫn được áp dụng ở triều Minh Mạng cho tới 1839 mới 
đình cấp, theo Thực lục.(8) Như thế, vào thời điểm Võ Văn Hoãn xin cho bản thân 
cùng con cháu vào làm Y sinh Thái Y Viện năm Minh Mạng thứ 7 (1826), theo quy 
chế, nhân viên Thái Y Viện lúc đó ngoài lương bổng theo phẩm trật còn được hưởng 
138 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017
một phần ruộng nơi quê nhà. Phải chăng đây là một lý do khiến cho Võ Văn Hoãn 
đầu đơn xin cho bản thân cùng các con và cháu vào làm việc trong Thái Y Viện?
Do hạn chế về tư liệu, cho tới nay vấn đề nghiên cứu Thái Y Viện triều 
Nguyễn vẫn còn nhiều khoảng trống. Những thông tin về thể chế Thái Y Viện triều 
Nguyễn chỉ được đề cập một cách khái quát qua Hội điển hay rải rác đi vào một số 
chi tiết cụ thể như trong Thực lục. Những tài liệu Châu bản như tài liệu trên đây sẽ 
cung cấp thêm thông tin cần thiết và góp phần làm rõ thêm hoạt động của Thái Y 
Viện triều Nguyễn.
 N T D
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Minh Tường (1996), Cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng (1820-1840), Nxb 
KHXH, Hà Nội, tr.33
(2) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 欽定大南會典事例, Quyển 258, tờ 4a.
(3) Hội điển, Q. 258, tờ 4ab, 5 ab.
(4) Bạt bổ: tức bổ một viên chức vào vị trí cao hơn vị trí đáng được bổ nhiệm hoặc bổ một người 
chưa từng làm trong bộ máy nhà nước vào một chức mà không phải trải qua các nấc bậc 
tuần tự thông thường.
(5) Nguyễn Minh Tường, sđd, tr.226.
(6) Nguyễn Minh Tường, sđd., tr.215.
(7) Lê Văn Thuyên (cb), Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã 
vùng Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.
(8) Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ, Bản dịch của Nxb Giáo dục, Tập 5, tr.583.
TÓM TẮT
Các thầy thuốc trong Thái Y Viện bất kể dưới triều nào cũng được tuyển chọn theo quy chế 
chặt chẽ. Tuy nhiên dưới đời Minh Mạng (1820-1840), Thái Y Viện triều Nguyễn lại nhận được 
một lá đơn của một vị thầy thuốc tự tiến cử mình và 4 người con, 1 người cháu xin vào làm tại 
Thái Y Viện. Thông qua việc tìm hiểu nguyên do xuất hiện lá đơn cũng như vì cớ gì mà người viết 
đơn không những không được thỏa ý nguyện mà còn bị vua Minh Mạng trách phạt, bài viết góp 
phần cung cấp thêm thông tin về hoạt động của Thái Y Viện triều Nguyễn.
ABSTRACT
A DOCUMENT ON APPLYING FOR MEDICAL APPRENTICESHIP IN THE ROYAL 
MEDICAL INSTITUTE UNDER MINH MANG’S REIGN
The physicians in the Royal Medical Institute under any court were selected according to 
strict regulations. However, under Minh Mang’s reign (1820-1840), the Nguyễn dynasty regiment 
received a petition from a self-nominated physician and his four children and one grandchild 
attended the Royal Medical Institute. Through the investigation of the cause of the application 
and the reasons why the applicant not only did not meet his wishes, but also received King Minh 
Mang’s penalty, the article contributed to providing more information about the activities of the 
Royal Medical Institute under Nguyễn dynasty.

File đính kèm:

  • pdfmot_tai_lieu_chau_ban_ve_viec_xin_lam_y_sinh_thai_y_vien_duo.pdf