Những cuộc cải cách của Lý Thái Tổ
Tóm tắt: Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi vua, lập ra Vương triều Lý. Ngay sau đó, ông bắt tay vào
thực hiện một loạt các cuộc cải cách toàn diện trên các lĩnh vực hành chính, chính trị, an ninh - quốc
phòng gắn liền với kinh tế, văn hóa - xã hội, thực hiện tư tưởng dời kinh đô, giảm bớt quân đội
thường trực, tăng cường các biện pháp cai trị khoan hòa, bớt hình phạt khắc nghiệt, thúc đẩy phát
triển kinh tế và văn hóa, đặc biệt là chọn lựa hệ tư tưởng chỉ đạo, đặt nền móng cho sự phát triển và
phồn thịnh của đất nước. Việc định đô đã mở ra một thời kỳ văn hóa Thăng Long phát triển rực rỡ.
Sự phát triển và hưng thịnh của đất nước dưới thời vua Lý Thái Tổ đã chứng tỏ tài năng và tầm nhìn
của vị vua khai sáng triều Lý.
Bạn đang xem tài liệu "Những cuộc cải cách của Lý Thái Tổ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Những cuộc cải cách của Lý Thái Tổ
74 Những cuộc cải cách của Lý Thái Tổ Ngô Vũ Hải Hằng1 1 Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: ngovuhaihang@gmail.com Nhận ngày 30 tháng 9 năm 2018. Chấp nhận đăng ngày 24 tháng 11 năm 2018. Tóm tắt: Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi vua, lập ra Vương triều Lý. Ngay sau đó, ông bắt tay vào thực hiện một loạt các cuộc cải cách toàn diện trên các lĩnh vực hành chính, chính trị, an ninh - quốc phòng gắn liền với kinh tế, văn hóa - xã hội, thực hiện tư tưởng dời kinh đô, giảm bớt quân đội thường trực, tăng cường các biện pháp cai trị khoan hòa, bớt hình phạt khắc nghiệt, thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa, đặc biệt là chọn lựa hệ tư tưởng chỉ đạo, đặt nền móng cho sự phát triển và phồn thịnh của đất nước. Việc định đô đã mở ra một thời kỳ văn hóa Thăng Long phát triển rực rỡ. Sự phát triển và hưng thịnh của đất nước dưới thời vua Lý Thái Tổ đã chứng tỏ tài năng và tầm nhìn của vị vua khai sáng triều Lý. Từ khóa: Cải cách, Lý Thái Tổ, Vương triều Lý. Phân loại ngành: Sử học Abstract: In 1010, Ly Thai To ascended the throne, establishing the Ly dynasty. Shortly thereafter, he embarked on a series of comprehensive reforms in the areas of administration, politics, security and defense associated with the development of the economy, culture and society. With the decision of moving the capital, reducing the number of the troops on duty, enhancing measures of ruling with tolerance, lessening the use of harsh penalties, while promoting economic and cultural development, and, especially, the selection of the thought of leadership, he laid the foundation for the development and prosperity of the country. The move to the new capital of Thang Long ushered in a period of flourishing Thang Long culture. The development and flourishing of the country under the reign of King Ly Thai To proved the talent and vision of the king, who founded the Ly dynasty. Keywords: Reform, Ly Thai To, Ly dynasty. Subject classification: History Ngô Vũ Hải Hằng 75 1. Mở đầu Lý Thái Tổ (húy là Công Uẩn) là người châu Cổ Pháp2. Mẹ ông là người họ Phạm. Về cha ông, không thấy tài liệu nào chép rõ ràng. Khi Lý Công Uẩn được 3 tuổi, ông được nhà sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Từ bé ông đã thông minh, có vẻ tuấn tú khác thường. Nhà sư Vạn Hạnh nói: “Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ” [6, tr.240]. Được sự nuôi dạy của hai nhà sư Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn trở thành một người có học vấn trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Năm 1005, Lê Đại Hành qua đời, các hoàng tử đánh nhau để tranh ngôi vua, Thái tử Long Việt (tức vua Lê Trung Tông) lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh (em của Long Việt) giết hại. Trong lúc mọi người hoảng sợ, Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi (tức Lê Ngọa Triều) nghĩ ông là người trung thành, cho làm Phó chỉ huy sứ quân Tứ sương. Tháng 10 năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc cùng với nhà sư Vạn Hạnh và một số quan lại trong triều tôn lên làm vua. Đào Cam Mộc nói rằng, Lý Công Uẩn là “người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được!” [6, tr.238]. Lý Công Uẩn đã đồng ý lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, mở đầu Vương triều Lý. Ngô Thì Sỹ cho rằng: “Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp. Cho nên, truyền ngôi hơn 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh, dân giàu, có thể gọi là đời rất thịnh trị. Các vua đời sau noi theo đều giữ gìn được ngôi vua, chống chọi với Trung Quốc. Lý Thái Tổ có thể nói là một bậc vua biết mưu tính việc lớn đấy!” [7, tr.194]. Sự phát triển và hưng thịnh của đất nước dưới thời vua Lý Thái Tổ đã chứng tỏ tài năng và tầm nhìn của một vị vua khai sáng triều Lý. Ông không chỉ là người có công mở đầu cho một vương triều thịnh trị trong lịch sử dân tộc mà còn là người đặt nền móng cho sự phát triển và phồn thịnh của đất nước về sau này. Bài viết này tập trung phân tích những cải cách của Lý Thái Tổ về các mặt hành chính, chính trị, quân đội, an ninh quốc phòng, văn hóa - xã hội. 2. Cải cách về hành chính Ngay sau khi lên ngôi vua, lập ra Vương triều Lý, vua Lý Thái Tổ đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính trên quy mô lớn, góp phần quan trọng trong việc quản lý toàn diện đất nước, tạo nên sức mạnh cho Nhà nước Đại Cồ Việt. Quy định nổi bật nhất trong cải cách hành chính và gắn liền với tên tuổi Lý Thái Tổ chính là quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long (với mong muốn đất nước phát triển như “Rồng bay lên”). Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: sau khi lên ngôi vua, lập ra Vương triều Lý, “Vua [Lý Thái Tổ] thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác” [6, tr.124]. Định đô là một việc quan trọng của mỗi Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 76 quốc gia, vì nó liên quan đến sự an nguy và thinh suy của quốc gia. Cho nên, sau khi đã “xem khắp trong nước Việt”, phân tích cái được, cái thuận lợi và dự tính những thách thức trong tương lai, Lý Thái Tổ đã quyết định chọn Đại La làm kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt. Việc dời đô này không phải là việc làm ngẫu nhiên, hoặc do ý muốn chủ quan hay do tài năng đặc biệt của Lý Thái Tổ, càng không phải vì miền Hà Nội có sẵn cái thành của Cao Biền khi xưa. Việc thiên đô của Lý Thái Tổ năm 1010 chính là do hoàn cảnh xã hội lúc ấy cho phép và cũng là do những yêu cầu phát triển của xã hội Việt Nam lúc ấy đặt ra. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển vượt bậc của Vương triều Lý và quốc gia Đại Cồ Việt, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ Văn hóa Thăng Long. Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ viết: “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh” [6, tr.241]. Tiếp theo đó, tháng 12 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ chia lại khu vực hành chính trong cả nước; chia 10 đạo thời Đinh - Lê thành 24 lộ hay phủ; lấy châu Hoan, châu Ái làm trại, gọi miền núi là châu, gọi đơn vị hành chính dưới phủ là huyện và gọi đơn vị hành chính dưới huyện là hương. “Đây được coi là bằng chứng quan trọng khẳng định sự ra đời của một hệ thống chính quyền địa phương hoàn chỉnh ngay từ thời Lý Thái Tổ và lộ là cấp hành chính cao nhất, phổ biến nhất trong cả nước” [1, tr.9]. (Tuy nhiên, vua Lý Thái Tổ lại chưa phân biệt rõ cấp lộ và phủ). Đồng thời, vua Lý Thái Tổ cho đổi châu Cổ Pháp (quê hương của mình) thành phủ Thiên Đức, đổi thành Hoa Lư thành phủ Trường Yên, đổi phủ Ứng Thiên3 thành Nam Kinh, đổi trấn Chiêu Dương thành châu Vĩnh An, đổi sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức [3, tr.40]. Năm 1025, Lý Thái Tổ cho đặt trại Định Phiên ở phía nam châu Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), dùng trại đó làm nơi định cư cho tù nhân người Chiêm Thành. 3. Cải cách về chính trị Đinh Tiên Hoàng dựng Vương triều Đinh và Lê Đại Hành dựng Vương triều Tiền Lê từ võ công dẹp nội loạn và chống giặc ngoại xâm. Vì thế, triều đình của hai vương triều ấy còn mang nặng tính chất của một bộ máy quân sự. Khi phân tích về việc họ Đinh mất vương triều của, Sử thần Ngô Thì Sỹ cho rằng: “Đất Hoa Lư thấp trũng hẹp, không phải là nơi địa hình tốt đẹp, thế nước không vững, lòng người dễ dao động, lại nạn mưa đá, động đất luôn luôn xảy ra, 3 thứ thiên thời, địa lợi, nhân hòa không được lấy một, mà muốn xây dựng kế hoạch lâu dài thì làm sao được?” [7, tr.165]. Theo ông điều đó có nguyên nhân là ở chỗ từ tư tưởng quản lý đất nước không phù hợp, đem “thuật trị quân ra mà trị nước”, “đặt vạc dầu làm hình phạt”. Tuy nhiên, xét trên một góc độ nào đó, thì trong bối cảnh đất nước mới thoát khỏi “trăm mối tơ vò”, tư tưởng cai trị như vậy cũng không hẳn là không phù hợp. Lê Đại Hành lên ngôi tuy đã “để ý việc thường dùng của dân, dốc lòng về quốc chính, trọng nông nghiệp, cẩn thận về biên phòng, quy định pháp lệnh tuyển dân làm lính” [3, tr.227], nhưng do vương triều và nhân dân đang đứng trước họa xâm lăng Ngô Vũ Hải Hằng 77 của nhà Tống, nên buộc ông vẫn phải duy trì một bộ máy do những vị tướng lĩnh quân sự đảm đương. Sử thần Lê Văn Hưu cho rằng: “Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý” [6, tr.221]. Rõ ràng là, ngoài lý do địa chính trị của Kinh đô Hoa Lư (không còn phù hợp là kinh đô của một quốc gia độc lập, đang trên đà phát triển), thì chính sách cai trị và quản lý đất nước của chính quyền Đinh, Tiền Lê cũng là một trong những nguyên nhân khiến hai triều đại ấy không thể tồn tại được lâu dài. Trong khi đó, Lý Thái Tổ đã có sự thay đổi hẳn về tư duy quản lý đất nước. Nếu nhà Đinh và nhà Tiền Lê lựa chọn ưu tiên mục tiêu an ninh, quân sự, dựa vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt của Hoa Lư, thì Lý Thái Tổ lại lấy sự phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Từ thay đổi tư duy cầm quyền và quản lý xã hội trên, Lý Thái Tổ đã xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước theo mô hình “nhà nước thân dân”. Đặc trưng nổi trội của thiết chế chính trị này là ở chỗ quyền lực nhà nước được xây dựng dựa trên sự ủng hộ của dân chúng và mối quan hệ làng - nước hòa đồng. Đây là nguồn gốc tạo nên những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Theo Trần Quốc Vượng, câu cuối cùng trong Thiên đô chiếu của vua Lý Thái Tổ (“Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”) là “câu văn đắt nhất trong bài chiếu. Đó là cái thần của bài chiếu nước Việt, là một bản sắc dân tộc, một bản sắc văn hóa Việt đầu đời Lý” [8, tr.238-252]. Sau đó, bề tôi đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo” [6, tr.241]. Lý Thái Tổ đã, “thực thi nhiều chính sách, biện pháp cụ thể nhằm cải tổ thể chế cũ, từng bước dân sự hóa bộ máy chính quyền và thiết lập mối quan hệ gần gũi với dân chúng” [1, tr.7]. Ngay sau khi lên ngôi, tháng 12 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ đã “đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả” [6, tr.242]. Tháng 2 năm Quý Sửu (1013), Lý Thái Tổ cho định ra 6 loại thuế: ao hồ ruộng đất; tiền và thóc về bãi dâu; sản vật ở núi nguồn các phiên trấn; các quan ải xét hỏi về mắm muối; sừng tê, ngà voi và hương liệu của người Man Lão; các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn [6, tr.243]. Đến tháng 10 năm Quý Sửu (1013), ông cho các vương hầu công chúa được quản các thuế theo thứ bậc khác nhau. Năm Bính Thìn (1016), tuy được mùa to, giá lúa được cao (30 bó lúa giá 70 tiền), nhưng vua Lý Thái Tổ vẫn cho miễn tô thuế 3 năm. 4. Cải cách về quân đội, an ninh - quốc phòng Lực lượng quân đội thời Lý gồm hai bộ phận chủ yếu, là cấm quân (hay cấm binh) và lộ quân (hay sương quân). Bên cạnh đó, còn có dân binh ở cấp hành chính cơ sở, (được gọi là hương binh ở đồng bằng, hay thổ binh ở miền núi). Tháng 8 năm Ất Sửu (1025), vua Lý Thái Tổ cho “định binh làm giáp, mỗi giáp Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 78 15 người, dùng một người quản giáp. Lại định các cấp bậc quản giáp. Lại đổi chức hỏa đầu4 làm chính thủ, chỉ con hát mới gọi là quản giáp” [6, tr.247]. Đồng thời, ông cho xây dựng “sáu quân” theo thông lệ và hai đội túc xa quân, mỗi đội 500 người. Lý Thái Tổ không chủ trương duy trì lực lượng quân đội thường trực đông đảo, mà dùng chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi binh ở trong nông), mở đầu cho tư tưởng quân sự dựa vào sức dân mà các triều đại phong kiến sau đó sẽ kế thừa và phát huy. Chính sách này đã “giải quyết được mâu thuẫn giữa việc xây dựng một chính quyền dân sự gọn nhẹ với nhu cầu xây dựng một quân đội vững mạnh” [4, tr163]; đồng thời giải quyết được cả hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước, cân đối giữa yêu cầu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh. Một trong những chính sách củng cố an ninh quốc phòng được xuất phát từ Lý Thái Tổ là dùng hôn nhân tôn thất để thiết lập hệ thống quản lý hành chính ở vùng biên viễn. Chính sách này là chính sách “làm yên biên giới”, hay chính sách “nhu viễn” (mềm dẻo với phương xa). Chính sách “nhu viễn” này đã trở thành một chính sách xuyên suốt trong các triều đại phong kiến sau này. Sau khi thiết lập Vương triều Lý, mặc dù Lý Thái Tổ đã phân phong cho các hoàng tử đi trấn trị các địa phương, hay thân chinh đi đánh dẹp các cuộc bạo loạn ở miền biên viễn (Ái Châu, năm 1011; Diễn Châu, năm 1012; Vị Long, năm 1013), nhưng hiệu quả không cao. Ông đã gả công chúa cho các vị tù trưởng có tầm ảnh hưởng ở các vùng đất trọng yếu nơi biên viễn, nhằm tăng tình đoàn kết bảo vệ biên giới. Bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (tại chùa Sùng Phúc tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, do tác giả Lý Thừa Ân soạn vào năm 1107, do chính Hà Di Khánh nhờ viết) cho biết: ông của Thái phó Hà Di Khánh giữ chức Thái bảo, lấy công chúa thứ ba của Thái tổ Hoàng đế (tức Lý Thái Tổ), nhân đó trao cho ông nội Hà Di Khánh chức Hữu đại liên ban [2, tr.324-334]. Dẫn theo Tống sử, tác giả Hoàng Xuân Hãn cũng cho rằng: Lý Thái Tổ cũng đã gả con gái cho Giáp Thừa Quý, tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (Bắc Giang và Nam Lạng Sơn ngày nay). Giáp Thừa Quý đổi ra họ Thân và được làm Châu mục Lạng Châu [5, tr.65-66]. Thân Thiệu Thái, con Thừa Quý, nối chức cha làm Châu mục Lạng Châu, và năm 1029, được vua Lý Thái Tông gả Công chúa Bình Dương cho. Con trai của Thân Thiệu Thái và Công chúa Bình Dương, là Thân Đạo Nguyên, lại lấy Công chúa Thiên Thành, năm 1066, đời Lý Thánh Tông. 5. Cải cách về văn hóa - xã hội Lý Thái Tổ khi lên ngôi, coi trọng việc xây dựng chùa quán, lấy Phật giáo làm quốc giáo. Điều này cũng dễ hiểu, vì cả tuổi thơ của ông gắn với chùa chiền, được lĩnh hội, thấm nhuần tư tưởng triết lý nhân nghĩa của nhà Phật, lại được chính giới sư tăng (trí thức tôn giáo) đưa lên ngôi. Nhưng quan trọng hơn, vua Lý Thái Tổ muốn đem đạo vào đời, để xây dựng một xã hội nhân bản tốt đẹp hơn, lấy đạo Phật làm bệ đỡ tư tưởng cho triều đại, xoa dịu tinh thần người dân sau thế kỷ X với rất nhiều biến động lịch sử. Lý Thái Tổ đã thay đổi chính sách quản lý dân chúng, lấy nhân nghĩa để quản lý. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: tháng 7 năm Canh Tuất (1010), cùng với quyết định dời đô, Lý Thái Tổ cho xây dựng chùa ngự Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Ngô Vũ Hải Hằng 79 Phượng ở trong thành, ở phía nam ngoài thành thì dựng chùa Thắng Nghiêm. Đồng thời, ông hạ lệnh cho “các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại” [6, tr.241-242]. Năm sau, năm Tân Hợi (1011), vua cho dựng chùa Vạn Tuế trong thành Thăng Long; chùa Tứ Đại Thiên Vương và các chùa Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ ở ngoài thành [6, tr.242]. Tháng 9 năm Giáp Dần (1014), vua lại phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên. Tháng 10, phát trăm lạng bạc trong kho để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và tinh Lâu Ngũ Phượng [6, tr.224]. Tháng 3 năm Bính Thìn (1016), dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng Thiên Đế. Tháng 9 năm Giáp Tý (1024), làm chùa Chân Giáo ở trong thành Thăng Long để vua tiện ngự xem tụng kinh. Cùng với việc cho xây dựng chùa chiền, vua Lý Thái Tổ còn khuyến khích dân chúng xuất gia theo đạo Phật. Sử chép: tháng 3 năm Bính Thìn (1016), vua “độ cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng đạo”. Tháng giêng năm Canh Thân (1020), “xuống chiếu độ dân trong nước làm tăng” [6, tr.245-246]. Không những thế, vua Lý Thái Tổ còn cử sứ thần sang nhà Tống xin kinh Tam tạng về, cho sao chép lại để lưu trữ ở kho Đại Hưng. Có nhiều ý kiến về việc xây dựng chùa chiền, hưng thịnh Phật giáo của Lý Thái Tổ. Lê Văn Hưu, với con mắt của người học Nho, cho rằng: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập, mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể [6, tr.242]. Ngô Sỹ Liên cũng cho Lý Thái Tổ “ưa thích dị đoan” ông viết: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương. Song chưa làm sáng chính học, lại ưa thích dị đoan, bị lụy vì chuyện đó” [6, tr.240]. Lý giải về sự “ưa thích dị đoan” của Lý Thái Tổ, Keith W.Taylor [9, tr.587-640] cho rằng: đức tính tinh thần của thần thánh, theo lời lẽ của Phật giáo, là lòng trắc ẩn và tính nhân đạo. Chúng kích thích và khơi động những quyền lực siêu nhiên trên lãnh thổ Việt Nam (núi, sông, cây cỏ, đồng ruộng) và trong ký ức lịch sử của dân Việt (các vị anh hùng đã chết). Những quyền lực này được khơi động nhờ nhà vua tuyên ngôn rằng đây là những thần linh bảo vệ vương quốc. Quá trình này “có lẽ là mặt đặc sắc của “tôn giáo thời Lý”, bởi vì đó là hình thức dân Việt Nam “tự phát hiện” sau nhiều thế kỷ bị Trung Quốc đô hộ”. Có vẻ như, việc Lý Thái Tổ và các vua nhà Lý thừa nhận vai trò tôn giáo và siêu nhiên này chính là yếu tố đầu tiên để thiết lập và duy trì quyền lực và tính chân chính của mình; các vua được nghe theo vì người dân nhận thức là vua có những đức tính tinh thần và thần linh, chứ không phải vì vua chỉ huy một hệ thống hành chính và buộc họ phải tuân theo. Trong những thế kỷ bị Trung Quốc đô hộ, các vị anh hùng xứng đáng tượng trưng cho thực thể dân tộc đã bị lãng quên, chỉ trừ ở ngay làng xóm quê hương họ hay ở các địa phương còn đền miếu thờ phụng họ. “Người Việt Nam trong thế kỷ XI thực sự đang cố tự phát hiện xem mình là ai, đang khơi dậy ký ức tập thể Việt, và nhà vua là nhân vật chủ chốt trong cuộc phiêu lưu văn hóa này” [9, tr.606]. Sự thờ phụng đa dạng được nhà vua bảo trợ trong Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 80 thế kỷ XI cho thấy thái độ thực nghiệm, sẵn sàng tiếp nhận thông tin mới; còn đang tìm hiểu chứ chưa khẳng định giới hạn của nền văn hóa Việt. 6. Kết luận Có thể nói, Lý Thái Tổ thiết lập Vương triều Lý trong một tâm thế kiến tạo, mọi việc còn ở phía trước. Từ tư tưởng và công việc thực tế mà Lý Thái Tổ và các vua Lý sau này đã làm đều là những công việc sáng nghiệp (từ chủ quyền lãnh thổ, tăng cường sự kiểm soát đối với các vùng đất thượng du; mô hình chính trị, thiết lập một mô hình “tập quyền thân dân”; định đô, mở ra một thời kỳ văn hóa Thăng Long phát triển rực rỡ; định điển chế văn chương; các quan hệ đối ngoại với lân bang và đặc biệt là chọn lựa hệ tư tưởng chỉ đạo). Lý Công Uẩn với những chính sách cải cách toàn diện (giảm bớt quân đội thường trực, tăng cường các biện pháp cai trị khoan hòa, bớt hình phạt khắc nghiệt, thúc đẩy kinh tế và văn hóa đất nước phát triển mạnh) đã tăng cường sức mạnh của nhà nước. Với các chính sách đó, quyền lực tập trung của chính quyền trung ương không hề suy giảm, mà còn tăng lên gấp bội phần; nước Đại Việt bước vào thời kỳ sống trong cảnh thái bình thịnh trị gần hai thế kỷ. Chú thích 2 Nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 3 Tức phủ Ứng Hòa, nay là huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. 4 Hỏa đầu: như chức đội trưởng thời Lê. Tài liệu tham khảo [1] Phạm Đức Anh (2011), “Về tính chất tập quyền trong thiết chế chính trị triều Nguyễn (1009- 1225)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 10 (426). [2] “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc)”, Thơ Văn Lý - Trần, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977. [3] Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, t.1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [4] Vũ Minh Giang (2011), “Dời đô về Thăng Long - một sự kiện lịch sử quan trọng”, Với Thăng Long Hà Nội, Nxb Thế giới. [5] Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. [6] Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [7] Ngô Thì Sỹ (1997), Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [8] Trần Quốc Vượng (1999), “Vài suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài chiếu về việc dời đô của vị vua khai sáng Vương triều Lý”, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, Hà Nội. [9] Keith W.Taylor (2010), “Quyền uy và tính chân chính ở Việt Nam thế kỷ thứ XI”, Vương triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, Hà Nội.
File đính kèm:
- nhung_cuoc_cai_cach_cua_ly_thai_to.pdf