Phân loại cảnh quan phục vụ phát triển bền vững cụm đảo phía đông huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Khu vực nghiên cứu thuộc địa giới hành chính của 4 xã đảo (Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen và Vạn Yên) của huyện Vân Đồn, với tổng diện tích đảo nội là 29.319,8 ha. Trong đó, phần diện tích thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long (VQG) là 15.783,0 ha. Đây là cụm xã đảo ven bờ có nhiều cảnh quan độc đáo, hệ sinh thái trên đảo và dưới nước đa dạng, với thành phần động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm [3,6]. Yêu cầu phát triển bền vững đã đặt ra những thách thức không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống ở vùng đệm, quản lý và bảo tồn hiệu quả vùng lõi của VGQ. | Bản đồ cảnh quan là một bản đồ tổng hợp phản ánh một cách đầy đủ, khách quan các đặc điểm của tự nhiên, mối quan hệ tác động tương hỗ giữa các hợp phần riêng lẻ của tự nhiên và quá trình tác động của con người. Đó là tư liệu ban đầu để lựa chọn phương án quy hoạch, sử dụng hợp lý, bền vững và là cơ sở cho hoạch định phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và thế mạnh của các hợp phần tự nhiên. Trong khu vực huyện Vân Đồn đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu như “Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006 - 2010" [3]; "Quy hoạch nuôi trồng thủy sản biển và nước lợ huyện Vân Đồn giai đoạn 2010 - 2015" [7],. Nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu về cụm xã dưới góc độ sinh thái học cảnh quan. Một bước quan trọng trong phân loại cảnh quan là thành lập bản đồ cảnh quan với chú giải dạng ma trận có hệ thống phân loại rõ ràng. Hệ thống phân loại cảnh quan rất đa dạng, trong nghiên cứu này, chúng tôi có tham khảo hệ thống phân loại cảnh quan của tập thể tác giả Phạm Hoàng Hải và cộng sự [2]. Theo kết quả nghiên, chúng tôi đã đưa ra hệ thống phân loại cảnh quan khu vực nghiên cứu bao gồm 4 cấp: Phụ kiệu cảnh quan Hạng cảnh quan – Loại cảnh quan - Dạng cảnh quan. Trong đó, cấp loại cảnh quan là cấp cơ sở của bản đồ cảnh quan tỷ lệ 1: 50.000.
File đính kèm:
- phan_loai_canh_quan_phuc_vu_phat_trien_ben_vung_cum_dao_phia.pdf