Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại

Tóm tắt. Chủ nghĩa Sự đại là một quan niệm ngoại giao Nho giáo, là sách lược của nước

nhỏ nhằm bảo vệ quốc gia, ứng phó với nước lớn. Chủ nghĩa này bắt nguồn từ thời Đông

Chu, tồn tại một cách rộng khắp ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Nho

giáo thời cổ đại. Trong quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc, đặc biệt là thời kì nhà

Minh, chủ nghĩa này được vương triều Triều Tiên đặc biệt coi trọng và tiến hành trong suốt

mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Về mặt hình thức, Triều Tiên trong thời kì này tuân

theo các lễ nghi Nho giáo, thực hiện chính sách triều cống và thần phục đại quốc Trung

Hoa. Ngược lại, triều Minh thực hiện chính sách tông chủ đối với Triều Tiên, bảo vệ lợi

ích của Triều Tiên không bị xâm hại, đây cũng là nguyên nhân chính để triều Minh đưa

quân vào Triều Tiên trong chiến tranh Nhâm Thìn (1592-1598). Có thể nói, hai nước Triều

- Trung có mối quan hệ tông phiên điển hình trong cục diện chính trị khu vực Đông Bắc Á

thời kì nhà Minh

pdf 8 trang yennguyen 4360
Bạn đang xem tài liệu "Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại

Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0016
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 102-109
This paper is available online at 
QUAN HỆ TRIỀU TIÊN - TRUNG QUỐC THỜI MINH
XÉT DƯỚI GÓC ĐỘ CHỦ NGHĨA SỰ ĐẠI
Đỗ Tiến Quân
Khoa Tiếng Trung Quốc, Học viện Khoa học Quân sự
Tóm tắt. Chủ nghĩa Sự đại là một quan niệm ngoại giao Nho giáo, là sách lược của nước
nhỏ nhằm bảo vệ quốc gia, ứng phó với nước lớn. Chủ nghĩa này bắt nguồn từ thời Đông
Chu, tồn tại một cách rộng khắp ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Nho
giáo thời cổ đại. Trong quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc, đặc biệt là thời kì nhà
Minh, chủ nghĩa này được vương triều Triều Tiên đặc biệt coi trọng và tiến hành trong suốt
mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Về mặt hình thức, Triều Tiên trong thời kì này tuân
theo các lễ nghi Nho giáo, thực hiện chính sách triều cống và thần phục đại quốc Trung
Hoa. Ngược lại, triều Minh thực hiện chính sách tông chủ đối với Triều Tiên, bảo vệ lợi
ích của Triều Tiên không bị xâm hại, đây cũng là nguyên nhân chính để triều Minh đưa
quân vào Triều Tiên trong chiến tranh Nhâm Thìn (1592-1598). Có thể nói, hai nước Triều
- Trung có mối quan hệ tông phiên điển hình trong cục diện chính trị khu vực Đông Bắc Á
thời kì nhà Minh.
Từ khóa: Chủ nghĩa Sự đại, Quan hệ Triều - Trung, Vương triều Triều Tiên, Triều Minh.
1. Mở đầu
Quan hệ tông phiên, triều cống, sắc phong là một hình thức đặc biệt của quan hệ bang giao
giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thời cổ đại và phong kiến, trong đó, quan hệ Triều - Trung
luôn được coi là quan hệ điển hình trong thời Minh. Thần phục tông chủ là chính sách cơ bản của
vương triều Triều Tiên đối với triều Minh, chính sách đó được biểu hiện cụ thể bằng chủ nghĩa Sự
đại. Trong quan hệ với triều Minh, Triều Tiên “hết sức coi trọng Lễ nghi Sự đại, được tông chủ ra
ơn rất nhiều” [4]. Nhưng mục đích chính của Triều Tiên khi thực hiện sách lược này lại là nhằm
bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập cho đất nước. Tuy Sự đại là sách lược được vương triều
Triều Tiên thực hiện trong thời gian dài, nhưng giới nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa thống
nhất [21]. Chúng tôi cho rằng, để hiểu rõ thực chất của quan hệ tông phiên trong quan hệ Triều -
Trung, trước hết phải làm rõ nội hàm và nguồn gốc sâu xa của chính sách này.
Ngày nhận bài: 15/7/2015. Ngày nhận đăng: 10/1/2016
Liên hệ: Đỗ Tiến Quân, e-mail: quandovn@yahoo.com
102
Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Về chủ nghĩa Sự đại trong lịch sử Trung Quốc
“Sự đại”, “Chính sách Sự đại”, “Chủ nghĩa Sự đại”, cho dù là cách gọi có khác nhau, nhưng
bản chất là như nhau. Nói một cách đơn giản, đây là phương thức ứng phó của nước nhỏ đối với
nước lớn trong “trật tự truyền thống văn hóa Trung Hoa”, nhưng đây cũng không phải là hiện tượng
đặc thù riêng của Triều Tiên với Trung Quốc. Suốt thời kì phong kiến, đây là hiện tượng tồn tại
một cách phổ biến trong “trật tự văn hóa truyền thống Trung Hoa”. Khái niệm “Sự đại” xuất hiện
lần đầu trong cuốn Mạnh Tử:
Tề Tuyên Vương hỏi: “Việc bang giao với nước láng giềng thì làm thế nào?”, Mạnh Tử đáp:
“Chỉ có người nhân đức mới có thể dùng thân phận nước lớn để đối xử với nước nhỏ (dĩ đại sự
tiểu), giống như Thành Thang đối xử với nước Cát, Chu Văn Vương đối xử với Côn Di. Chỉ có
người có trí tuệ mới có thể dùng thân phận nước nhỏ để đối xử với nước lớn (dĩ tiểu sự đại), giống
như Chu Đại Vương đối với Huân Chúc, Việt Vương Câu Tiễn đối với Ngô Vương Phù Sai. Người
dùng thân phận nước lớn để đối xử với nước nhỏ là người làm theo thiên mệnh, người dùng thân
phận nước nhỏ để đối xử với nước lớn là người kính sợ thiên mệnh. Người trước giữ được thiên hạ,
người sau giữ được đất nước của mình” [1].
Quan điểm của Mạnh Tử cũng chính là quan điểm của Nho giáo sau này, trở thành một quy
phạm về lễ nghi, là một chuẩn mực để Nho giáo xử lí mối quan hệ giữa “đại” và “tiểu”, tức là nước
lớn phải nhân từ với nước nhỏ, nước nhỏ phải trung thành, quy thuận nước lớn. Tổng quan diễn
biến trong lịch sử Trung Quốc, chủ nghĩa Sự đại có những đặc trưng sau:
Một là, chủ nghĩa Sự đại được hình thành trên cơ sở quan niệm lễ nghi của Nho giáo, bắt
nguồn từ thời Xuân Thu, được Mạnh Tử miêu tả cụ thể trong cuốn Mạnh Tử, được Nho giáo hết
sức coi trọng, có thể nói đây cũng là chuẩn tắc được quy định thời Xuân Thu được các nước nhỏ
áp dụng đối phó với nước lớn nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của bản thân, đồng thời là quan niệm, quy
phạm Nho giáo mà Trung Quốc áp dụng để duy trì đẳng cấp, thứ bậc trong quan hệ giữa các nước
thuộc “trật tự văn hóa truyền thống Trung Hoa” và quan hệ tông phiên lấy Trung Quốc làm trung
tâm.
Hai là, chủ nghĩa Sự đại là một tư tưởng và sách lược ngoại giao. Sự khác biệt về thực lực là
điều quan trọng nhằm phân biệt giữa “đại” và “tiểu”. Thời cổ đại, nhằm tránh sự uy hiếp của nước
lớn, nước nhỏ thường chủ động xưng thần, thần phục nước lớn, chấp nhận sự bảo hộ của nước lớn,
từ đó hình thành nên mối quan hệ phục tùng và bị phục tùng. Thế nhưng chính sách Sự đại ở đây
mà các nước nhỏ áp dụng thường với mục đích đạt được tính độc lập một cách tương đối, để duy
trì vương triều của mình. Còn nước lớn khi đã tiếp nhận chính sách Sự đại của các nước nhỏ, phải
thực hiện chính sách ra ơn, không can thiệp vào công việc nội bộ, thu nạp triều cống, bảo vệ lợi
ích nước nhỏ không bị xâm phạm bởi các nước khác. Kiểu quan hệ Sự đại này được thể hiện cụ thể
trong lịch sử Trung Quốc bằng 3 loại hình quan hệ chính quyền: Quan hệ giữa các nước tiểu chư
hầu và đại chư hầu trong thời Xuân Thu Chiến Quốc; quan hệ giữa các nước mạnh và yếu trong
thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, Ngũ Đại Thập Quốc; quan hệ giữa vương triều Trung Nguyên
(Các vương triều định đô tại Trung Nguyên, khu vực trung hạ du sông Hoàng Hà, trong lịch sử
được coi là trung tâm của thiên hạ) và các phiên quốc xung quanh.
Ba là, Chủ nghĩa Sự đại và chế độ triều cống có quan hệ mật thiết với nhau, chủ nghĩa Sự
đại là một nguyên tắc, một tư tưởng chỉ đạo, một thái độ. Khi được cụ thể hóa bằng hành động thì
đó là chế độ triều cống. Tuy nhiên hai điều này có sự khác biệt nhỏ. Chủ nghĩa Sự đại được các
nước nhỏ yếu, phiên quốc thực hiện nhằm bảo vệ chính mình, thế nhưng cũng có lúc các nước này
thực hiện chính sách Sự đại mà không thực hiện triều cống, còn nếu thực hiện triều cống thì nhất
103
Đỗ Tiến Quân
định là thi hành chính sách Sự đại.
Bốn là, thông thường, các phiên quốc xung quanh dùng chính sách Sự đại đối với vương
triều Trung Nguyên, thế nhưng khi cán cân sức mạnh thay đổi, cũng xuất hiện tình trạng vương
triều Trung Nguyên dùng chính sách Sự đại đối với nước khác, trong đó quan hệ giữa Nam Tống và
triều Kim là một ví dụ điển hình. Năm 1127, quân đội triều Kim tấn công vào Biện Kinh (Thành
phố Khai Phong ngày nay), bắt sống nhị đế Huy, Khâm. Cao Tông bèn chạy về Lâm An, lập triều
đình trên vùng Giang Nam. Năm Cao Tông thứ 3 (1129), trước sức tấn công mạnh mẽ của quân
Kim, Cao Tông chạy đến Hàng Châu, rồi chuyển qua phủ Giang Ninh, Triết Tây, Triết Đông, cùng
đường, bèn xuống chiếu viết: “Nếu người Kim vẫn cho phép trẫm làm chủ của nhân dân, thì trẫm
sẽ thực hiện lễ Sự đại, không dám không cung kính” [13]. Sau này, Nam Tống quả nhiên thực hiện
chính sách Sự đại, xưng thần và triều cống với triều Kim. Điều này cho thấy, thực hiện Sự đại hay
không, thuần túy phụ thuộc vào sức mạnh của đất nước so với nước khác.
Có thể thấy, quan niệm Sự đại tồn tại một cách phổ biến trong lịch sử Trung Quốc. Sự đại
trong nội bộ đất nước Trung Quốc thường được hiểu như một sách lược của kẻ yếu với kẻ mạnh,
nước nhỏ với nước lớn. Đương nhiên, sự yếu kém về sức mạnh cũng là nguyên nhân quan trọng
thôi thúc Triều Tiên thực hiện chính sách này nhằm mục đích bảo vệ nền độc lập cảu mình. Chính
sách thần phục triều Minh của Triều Tiên được thể hiện cả về chính trị, quân sự và tư tưởng, về cơ
bản đã đạt được mục đích như nước này mong đợi. Đây là điều khác biệt cơ bản trong chính sách
Sự đại của Triều Tiên khi so sánh với các nước chư hầu khác của Trung Quốc, từ đó hình thành
nên mối quan hệ tông phiên - triều cống điển hình trong cục diện chính trị khu vực Đông Bắc Á
thời kì nhà Minh.
2.2. Chính sách Sự đại của Triều Tiên đối với Trung Quốc
Chính sách Sự đại mà Triều Tiên theo đuổi trong ứng xử với “thiên triều” Trung Quốc trong
thời Minh do Lý Thành Quế (I Songgye) chủ trương. Những năm cuối triều Cao Ly, khi biết tin
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tuyên bố vùng phía bắc, đông, tây của Thiết Lĩnh Vệ (Vùng
Pyongan, Hamgyong của Triều Tiên ngày nay) thuộc về Trung Quốc, phía nam thuộc về Cao Ly,
quốc vương Cao Ly lúc bấy giờ là U Vương (U-Wang) hết sức tức giận, bèn cùng với Tể tướng
Thôi Oánh (Choi Young) bàn bạc, hạ lệnh chớp thời cơ tấn công cướp lấy bán đảo Liêu Đông. Khi
đó tướng Lý Thành Quế trấn thủ phương bắc liền dâng sớ can gián, đưa ra bốn lí do không nên
xuất quân:
Thứ nhất, lấy nhỏ phạm lớn; thứ hai, xuất binh vào mùa hạ; thứ ba, đưa đại quân đi chiến
đấu ở xa, giặc Oa Khấu (Nhật Bản) sẽ nhân cơ hội đó mà xâm phạm nước ta; thứ tư, trời mưa
nhiều, cung nỏ khó dùng, quân lính dễ mắc bệnh [7].
Sớ của Lý Thành Quế không được U Vương chấp thuận, sau đó Lý dẫn quân về kinh đô
Khai Thành và thực hiện một cuộc đảo chính, giết Thôi Oánh, lật đổ U Vương, không lâu sau tiếm
lấy ngôi vua, thành lập vương triều Triều Tiên. Trong bốn lí do không nên xuất quân trên, điều thứ
nhất, không được “lấy nhỏ phạm lớn” cũng chính là nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa Sự đại,
chỉ có thể dùng thân phận nước nhỏ để đối xử với nước lớn, chứ không thể “lấy nhỏ phạm lớn”. Vì
thế khi vương triều Triều Tiên được thành lập, nhằm củng cố quyền lực của vương triều non trẻ,
giữ cho đất nước ổn định và tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc, chủ nghĩa Sự đại ngay lập tức
trở thành chính sách cơ bản đối với triều Minh. Tất nhiên, việc thực thi chính sách này cũng còn
chịu tác động của nhiều nguyên nhân trên nhiều phương diện, giáo sư Diệp Tuyền Hồng chỉ ra 3
nguyên nhân quan trọng khác: Sự diễn biến của cục diện chính trị Triều Tiên thời kì cuối vương
triều Cao Ly; sự ứng phó với thay đổi triều đại của nhà Nguyên, Minh; sự ứng phó với áp lực xâm
chiếm của giặc Oa Khấu (Nhật Bản) [17]. Kế thừa từ truyền thống từ thời Tân La, vương triều Cao
104
Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại
Ly cũng thực hiện chính sách Sự đại với triều Tống, những năm cuối, cho dù nhà Cao Ly cũng
hay lưỡng lự lựa chọn giữa triều Bắc Nguyên và triều Minh, nhưng về cơ bản vẫn thực hiện chính
sách này. Việc xác lập chính sách “không thảo phạt” các nước khác của Chu Nguyên Chương sau
khi lên ngôi cũng là nguồn cổ vũ, khích lệ đối với chủ nghĩa Sự đại của Triều Tiên. Năm 1368,
khi sáng lập Minh triều, Chu Nguyên Chương quyết định dùng chính sách ngoại giao “Đức hóa”
(Dùng đức để cảm hóa nước khác), Hoàng Minh Tổ huấn viết:
Các nước xung quanh đều cách biệt với nước ta bằng núi non, sông biển, nếu giành được
đất của họ, dân của họ, cũng không có giá trị. Nếu những nước này đến xâm phạm, chúng ta đương
nhiên phải dùng quân sự để đàn áp, nhưng nếu họ không có những hành động xâm phạm đến
chúng ta, thì không được dùng vũ lực đối với họ [5].
Đây là chính sách cơ bản mà Chu Nguyên Chương áp dụng trong ngoại giao với các phiên
quốc, với chính sách này, Triều Tiên đứng đầu trong danh sách 15 nước mà triều Minh không xâm
chiếm [5]. Do đó, ngay từ lúc bắt đầu, quan hệ ngoại giao Triều - Trung thời Minh đã tránh được
chiến tranh, mở ra cánh cửa để Chu Nguyên Chương thực hiện chính sách ngoại giao “Đức hóa”
của mình. Năm 1392, sau khi lập quốc, Lý Thành Quế phái Hàn Thượng Chất đi sứ Trung Quốc,
xin triều Minh lựa chọn giữa “Hòa Ninh” ( ) hoặc “Triều Tiên” ( ) để phong quốc hiệu cho
mình. Cho dù Chu Nguyên Chương không hài lòng với việc Lý Thành Quế tiếm ngôi, nhưng vẫn
chấp nhận lời thỉnh cầu của Lý Thành Quế, phúc đáp rằng: “Quốc hiệu của Đông quốc, chỉ nên
dùng là Triều Tiên là phù hợp” [20], sau đó ban quốc hiệu Triều Tiên cho Lý Thành Quế. Lập quốc
hiệu là “Triều Tiên”, thể hiện sự tính toán của Lý Thành Quế về tính chính thống của vương triều,
tức là hợp pháp hóa vương triều mới theo truyền thống lịch sử đất nước, xin sắc phong của hoàng
đế triều Minh, từ đó tranh thủ được sự chấp nhận của nước tông chủ, xác lập tính chính thống của
vương triều mình mới lập nên. Đồng thời, hành động này của Lý cũng có tác dụng lớn nhằm vỗ về
nước tông chủ không tiến hành xâm lược nước mình, bảo vệ nền độc lập của đất nước, có thể nói
đây là một hành động ngoại giao đầy khôn khéo của quốc vương Triều Tiên trong tình thế lúc bấy
giờ. Trong lịch sử quan hệ Triều - Trung, đây cũng là lần đầu tiên và là lần duy nhất Triều Tiên xin
hoàng đế Trung Quốc ban quốc hiệu. Sau sự việc này, Lý Thành Quế càng tỏ rõ thái độ dựa vào
triều Minh, quyết tâm thực thi chính sách Sự đại, lấy Sự đại làm trọng tâm trong quan hệ với triều
Minh [19].
Sau Lý Thành Quế, Sự đại vẫn luôn là quốc sách mà các đời vua vương triều Triều Tiên
tuân thủ trong quan hệ Triều - Trung. Đặc biệt là trong thời kì vua Thái Tông (Joseon Taejong) và
hoàng đế Vĩnh Lạc, quan hệ này hết sức nồng ấm. Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc luôn coi trọng phát
triển quan hệ với ngoại bang, sau khi dời đô về Bắc Kinh, quan hệ với Triều Tiên càng thuận tiện
và phát triển hơn. Triều Tiên cũng thực hiện chính sách Sự đại, triều cống một cách nghiêm ngặt,
được Minh Thành Tổ đánh giá cao [11]. Quan hệ hai bên mật thiết đến nỗi, Minh sử viết: “Trong
thời Minh, cho dù Triều Tiên tự xưng là thuộc quốc, nhưng không khác gì so với trong nước” [18].
Ngay cả phía Triều Tiên có nhiều quan điểm cũng cho là như vậy: “Cho dù chúng ta thần phục,
xưng là thuộc quốc, nhưng được đối đãi không khác gì so với trong nước Trung Quốc” [15].
Tổng quan quan hệ ngoại giao giữa vương triều Triều Tiên và triều Minh, chủ nghĩa Sự đại
được thể hiện ở các điểm sau:
Một là, Triều Tiên coi triều Minh là vương triều chính thống của Trung Quốc, về cơ bản
luôn lấy tư tưởng, văn hóa của triều Minh làm gốc, tư tưởng đó ăn sâu vào các tầng lớp nho sĩ của
Triều Tiên, giống như nho sĩ Biện Quý Lương của Triều Tiên từng viết:
Sự phân biệt giữa quân và thần, không được làm đảo lộn, giống như trời thì luôn cao, đất thì
luôn thấp, đó cũng chính là lễ Sự đại, vì thế không thể không tiến hành lễ này một cách thật cẩn
thận. Việc lớn và nhỏ, cũng giống như màu trắng và màu đen không thể trộn lẫn được với nhau, đó
105
Đỗ Tiến Quân
cũng chính là lễ Sự đại, không cho phép chúng ta không cẩn thận khi tiến hành lễ này [2].
Trong thư phúc đáp tướng Nhật Bản, Lý Hoảng cũng viết:
“Trời không có hai mặt trời, dân không có hai vua, từ thời Xuân Thu đã rất coi trọng việc
tất cả chư hầu đều quy thuận Chu Thiên tử, đây là việc mà thiên hạ đều biết từ xưa đến nay. Đại
Minh là tông chủ của thiên hạ, các nước khác đều phải xưng thần” [6].
Những năm cuối triều Minh, có nho sĩ Triều Tiên còn cho rằng:
“Nước nhỏ thần phục nước lớn, nước lớn bảo vệ nước nhỏ, đây là quan hệ quân thần do trời
định. . . người nước Triều Tiên ta hiện nay cũng là người Triều Tiên của Đại Minh” [16].
Coi Triều Tiên là Triều Tiên của Đại Minh, điều đó cũng đủ nói lên mối quan hệ khăng khít
gắn bó giữa hai nước, cũng chính bởi vì sự phát triển của tư tưởng này, Triều Tiên vẫn còn cảm
thấy hết sức cảm kích ân đức của triều Minh ngay cả sau khi tông chủ bị diệt vong [12].
Hai là, do công nhận địa vị chính thống của triều Minh, cho nên quốc vương, thế tử Triều
Tiên nếu muốn có danh nghĩa chính thức, cũng đều tấu xin triều Minh sắc phong. Lý Thành Quế
thành lập vương triều mới, khi tấu thỉnh triều Minh để xin quốc hiệu, chỉ dám dùng danh nghĩa
“Toàn tri quốc sự” (Tạm thời thay thế để lãnh đạo vương triều), chứ không phải lấy danh nghĩa
quốc vương Triều Tiên. Bởi vì khi đó Lý chưa được triều Minh sắc phong, nên không dám tự xưng
là quốc vương, điều này trở thành một quy tắc quan trọng mà các đời vua Triều Tiên luôn chú
trọng tuân theo [15].
Việc sắc phong các thế tử cũng phải tuân theo trình tự như vậy, nếu không thế tử sẽ không
có danh phận chính thống. Thời kì loạn giặc Oa Khấu (1592-1599), với lí do con trưởng là Lâm
Hải Quân “vô đức vô năng”, quốc vương Triều Tiên Tuyên Tổ phế bỏ con trưởng, lập con trai thứ
là Quang Hải Quân, một người “ham học từ nhỏ, thông minh đôn hậu, cần kiệm” làm thế tử. Tuyên
Tổ dâng sớ xin triều Minh chấp thuận, nhưng Lễ bộ Minh triều lấy lí do theo truyền thống lễ nghi
của Nho giáo, thế tử phải là con trưởng, vì thế nhiều lần từ chối tấu sớ của Triều Tiên:
Thứ tự lớn nhỏ, lễ cũng phải như vậy; việc lập thế tử, cứ theo lễ mà làm; nếu bỏ trưởng lập
thứ, điều này đi ngược lại với lễ. . . Nếu việc này xảy ra tại Trung Quốc, cũng phải theo lễ mà tiến
hành. . . Triều Tiên là ngoại thần, nhưng dùng lịch của đại Minh, việc kế vị là việc lớn, nhưng phế
trưởng lập thứ không phải là chế độ của chúng ta [8].
Triều Minh từ chối không sắc phong danh hiệu thế tử cho Quang Hải Quân, do đó, Quang
Hải Quân phải trải qua hơn mười năm “hữu thực vô danh”, không được triều Minh công nhận thân
phận thế tử một cách chính thống. Sau khi Tuyên Tổ băng hà, dù Quang Hải Quân đã giành được
thân phận “quyền tri quốc sự”, hoàng đế Thần Tông vẫn cho rằng, quốc vương phải do con trưởng
nối ngôi, Triều Tiên lại phế trưởng lập thứ, nên yêu cầu phải tra xét rõ ràng, rồi mới quyết định
sắc phong [9]. Tháng 10 năm Vạn Lịch thứ 36 (1609), Lễ bộ mới dâng tấu báo cáo việc Quang
Hải Quân lên ngôi đã thành sự thực, hoàng đế Thần Tông đành ra sắc phong công nhận [9]. Việc
từ chối sắc phong nhiều lần của triều Minh làm cho Quang Hải Quân cảm thấy mất mặt, đây cũng
là nguyên nhân quan trọng khi Triều Tiên chịu áp lực ngày càng mạnh của quân Kim, Quang Hải
Quân luôn lưỡng lự giữa việc chọn nhà Kim hay nhà Minh. Đến chiến dịch Sarhu, tuân theo ý chỉ
của Quang Hải Quân, đại tướng Triều Tiên là Khương Hồng Lập không toàn tâm toàn ý giúp quân
Minh, cuối cùng dẫn toàn bộ quân đội của mình đầu hàng quân Kim.
Đồng thời, là nước phiên thuộc, vương triều Triều Tiên luôn tục sử dụng lịch của triều Minh.
Hàng năm, triều Minh đều ban Đại Thống Lịch cho Triều Tiên. Triều Tiên dùng Đại Thống Lịch,
dùng niên hiệu của Đại Minh trong suốt hơn hai trăm năm, không hề thay đổi [3]. Khi quốc vương
Triều Tiên băng hà, triều Minh cũng phong tặng thụy hiệu. Yên Sơn Quân và Quang Hải Quân là
hai vị vua bị phế bỏ do chính biến, không được nhà Minh phong tặng thụy hiệu, cũng không có
106
Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại
miếu hiệu.
Ba là, để thực thi chính sách Sự đại, không thể không nhắc đến số lượng các đoàn sứ thần
trao đổi giữa hai nước, góp phần không nhỏ vào thành công của chính sách này trong quan hệ hai
nước Triều - Trung thời Minh.
Vào thời kì triều Minh, các đoàn sứ thần Triều Tiên liên tục đến Trung Quốc, có lúc, đoàn
này chưa về nước thì đoàn kia đã xuất phát. Theo thống kê, trong 277 năm triều đại nhà Minh, có
tổng cộng 1252 đoàn sứ thần Triều Tiên đến Trung Quốc [29], như vậy bình quân mỗi năm có 4,6
đoàn. Vĩnh Lạc (1402-1424) là thời kì vương triều Triều Tiên cử nhiều đoàn đi sứ đến triều Minh
nhất.
Các đoàn sứ thần của Triều Tiên có thể chia làm hai loại: Định kì và không định kì, sứ thần
định kì gồm 4 loại: Chính triều sứ, Đông chí sứ, Thánh tiết sứ, Thiên thu sứ. Sứ thần phái đi ngày
mồng 1 tháng 1 gọi là Chính triều sứ, sứ thần phái đi ngày Đông chí gọi là Đông chí sứ, sứ thần
phái đi chúc mừng sinh nhật của hoàng đế gọi là Thánh tiết sứ, sứ thần phái đi chúc mừng sinh
nhật hoàng thái tử gọi là Thiên thu sứ. Các sứ thần không định kì bao gồm Tạ ơn sứ, Tấu thỉnh sứ,
Tiến hạc sứ, Tiến hương sứ, Áp mã sứ, Quản áp sứ, Tấu vấn sứ. . . Trong đó, số lượng nhiều nhất
là các đoàn sứ thần với nhiệm vụ tiến hạc (Cung tiến và chúc mừng) (637 đoàn), tiếp đó là các các
đoàn sứ thần với nhiệm vụ tạ ơn (223 đoàn), các đoàn sứ thần với nhiệm vụ triều cống (155 đoàn),
tất nhiên, dù với sứ mệnh chủ yếu như thế nào thì các đoàn sứ thần của Triều Tiên cũng luôn kèm
theo cống phẩm. Ngoài điểm đến là Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay), Bắc Kinh, cũng có đoàn sứ
thần qua ti Chỉ huy sứ Liêu Đông để xử lí các sự vụ ngoại giao của địa phương [7].
Ngược lại, số lượng các đoàn sứ thần của triều Minh đến Triều Tiên tương đối ít, nhưng
nếu chú ý, sẽ dễ dàng nhận thấy, cho dù thời gian tại vị dài hay ngắn, 16 đời hoàng đế nhà Minh
đều phái sứ thần sang Triều Tiên, điều này thể hiện sự coi trọng mối quan hệ với Triều Tiên trong
chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Theo số liệu trong Minh Thái tổ thực lục, nhà Minh đã phái
tổng cộng 153 đoàn sứ thần đến Triều Tiên, bình quân mỗi năm là 0,6 đoàn. Trong đó nhiều nhất
là vào thời kì 22 năm tại vị của hoàng đế Thái Tông, Trung Quốc đã phái 41 đoàn đi sứ Triều Tiên,
bình quân mỗi năm có 1,9 đoàn, tiếp đó là thời kì hoàng đế Thái Tổ, trong vòng 31 năm trị vì đất
nước, ông đã phái 24 đoàn đi sứ Triều Tiên.
Các đoàn sứ thần Trung Quốc sang Triều Tiên cũng có nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng
chủ yếu tập trung vào ba nhiệm vụ chính là ban chiếu thư, ban đồ vật, yêu cầu người và vật. Ban
chiếu thư gồm ban chiếu thư thông báo hoàng đế Trung Quốc lên ngôi, ban chiếu thư chấp nhận
quốc vương Triều Tiên, ban chiếu thư xác nhận đỗ đạt khoa cử, xác nhận thái tử, phong đất. . . ban
đồ vật gồm ban tặng ấn vàng, ban tặng tế văn, cờ, tiết và các vật khác, yêu cầu người và vật bao
gồm yêu cầu cống nạp đầu bếp, trinh nữ, chim ưng, ngựa. . .
Nếu so sánh việc trao đổi các đoàn sứ thần giữa Trung Quốc và Triều Tiên trước và trong
thời kì nhà Minh, ta có thể thấy, trong 277 năm triều Minh, có 1252 đoàn sứ thần Triều Tiên đến
Trung Quốc, bình quân 4,6 đoàn/năm. Nếu tính từ triều Tây Hán (năm 206 trước công nguyên) đến
trước khi triều Minh thành lập (năm 1368), trong vòng 1574 năm, có 1031 đoàn sứ thần Triều Tiên
đến Trung Quốc, bình quân mỗi năm 0,7 đoàn. Trong vòng 432 năm từ khi Vương triều Cao Ly
thống nhất bán đảo Triều Tiên đến cuối đời nhà Nguyên, đã có 453 đoàn sứ thần Triều Tiên đến
Trung Quốc [29], trung bình hơn 1 đoàn/năm. Vương triều Cao Ly còn tồn tại 25 năm song song
với triều Minh, trong thời gian này, có 105 đoàn đến Trung Quốc, trung bình mỗi năm 4,2 đoàn.
Trong 277 năm, triều đình nhà Minh đã phái 153 đoàn sứ thần đến Triều Tiên, trung bình
mỗi năm 0,6 lượt. Trong vòng 1574 năm trước triều Minh, có 216 đoàn sứ thần Trung Quốc đến
Triều Tiên, trung bình mỗi năm 0,13 đoàn, từ số lượng bình quân này, chúng ta có thể thấy số
lượng đoàn sứ thần do nhà Minh phái đi Triều Tiên nhiều hơn so với tất cả các triều đại trước đó.
107
Đỗ Tiến Quân
Về lí do đi sứ, các đoàn sứ thần của Triều Tiên đến Trung Quốc trước thời kì triều Minh
chủ yếu là để cống nạp, nhưng đến thời kì nhà Minh, nhiệm vụ của các đoàn sứ thần phong phú và
đa dạng hơn, đề cập đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa. . . các đoàn sứ thần Trung
Quốc sang Triều Tiên thời kì nhà Minh cũng có nhiệm vụ tìm hiểu về chính trị, kinh tế, văn hóa. . .
của Triều Tiên [10].
Bốn là, chính sách Sự đại của Triều Tiên, một mặt nhằm ổn định tình hình trong nước, giữ
vị thế tương đối độc lập, tránh được sự uy hiếp của nước lớn, một mặt nhằm tìm kiếm sự bảo hộ
của nước lớn. Cũng do thực hiện tốt chính sách này, năm 1592, khi Toyotomi Hideyoshi phát động
cuộc chiến xâm lược Triều Tiên, hoàng đế Minh triều Thần Tông huy động mấy chục vạn quân
giúp vương triều Triều Tiên chống lại quân Nhật, trải qua hơn 7 năm chiến đấu, cuối cùng quân
Nhật Bản phải rút về nước [14], điều này càng làm cho chủ nghĩa Sự đại của Triều Tiên được nâng
lên một tầm cao mới, đây cũng là minh chứng cho thời kì đỉnh cao của tư tưởng chủ nghĩa Sự đại
trong vương triều Triều Tiên.
3. Kết luận
Như đã trình bày ở phần trên, chúng ta có thể thấy, triều Minh là thời kì quan trọng trong
lịch sử quan hệ hai nước Triều - Trung. Mối quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa. . . giữa hai nước
đã vượt lên trên hết tất cả các thời kì và triều đại trước đó. Sợ dây ràng buộc, gắn kết hai quốc gia
trong thể chế tông phiên thời Minh là thể tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, chủ nghĩa Sự đại
đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc theo đuổi chính sách Sự đại đã góp phần bảo vệ độc lập và
toàn vẹn lãnh thổ của Triều Tiên, đồng thời cũng làm cho quan hệ hai nước xuất hiện các đặc trưng
mới: Cải thiện và tăng cường quan hệ hai nước, làm xuất hiện cục diện “nhất thể hóa” về chính trị
ở một mức độ nhất định, đồng thời làm cho văn hóa và tư tưởng truyền thống Trung Hoa có ảnh
hưởng sâu sắc đối với bán đảo này. Ngược lại, triều Minh thực hiện chính sách tông chủ đối với
Triều Tiên, bảo vệ lợi ích của Triều Tiên không bị xâm hại. Vì thế, việc nghiên cứu nội hàm, đặc
trưng và biểu hiện của chủ nghĩa Sự đại trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước thời kì này có ý
nghĩa vô cùng lớn, góp phần tìm hiểu bản chất quan hệ Triều - Trung trong thời Minh cũng như
tổng thể lịch sử ngoại giao hai nước từ xưa đến nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phòng nghiên cứu biên soạn mục lục tra cứu Thư viện ĐH Bắc Kinh, 1994. Mục lụcMạnh Tử.
Nxb Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, tr. 723 (bản tiếng Trung).
[2] Biện Quý Lương, 1990. Thuần Đình Tập. Tạp chí Văn tập Hàn Quốc, quyển 8, tr. 89 (bản tiếng
Trung).
[3] Thôi Bạc, 1992. Phiêu Hải lục - Trung Quốc hành kí. Nxb Khoa học Xã hội, Thượng Hải, tr.
56 (bản tiếng Trung).
[4] Phùng Vinh Tiếp, 1978. Gapyeong văn hiến lục. Nxb Kyong-in, Seoul, tr. 236 (bản tiếng
Trung).
[5] 1996. Hoàng Minh Tổ huấn, Chương 1. Nxb Công ti Trách nhiệm hữu hạn Văn hóa Trang
Nghiêm Đài Nam, quyển 264 Sử bộ (bản tiếng Trung).
[6] Giả Thuận Tiên, 1993. “Thôi Khê toàn thư” chú giải. Nxb Đại học Tứ Xuyên, Thành Đô, tr.
438 (bản tiếng Trung).
[7] 1956. Lý triều Thái Tổ thực lục. Nxb Viện nghiên cứu Văn hóa Đông Dương, Tokyo, tr. 42
(bản tiếng Trung).
[8] 1956. Lý triều Tuyên Tổ thực lục. Nxb Viện nghiên cứu văn hóa Đông Dương, Tokyo, tr. 380
(bản tiếng Trung).
108
Quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc thời Minh xét dưới góc độ chủ nghĩa sự đại
[9] 1983. Minh Thần Tông thực lục. Phòng Lịch sử và Ngôn ngữ, Viện nghiên cứu Trung ương,
Đài Bắc, tr. 8453-8536 (bản tiếng Trung).
[10] 1983. Minh Thái Tổ thực lục. Phòng Lịch sử và Ngôn ngữ, Viện nghiên cứu Trung ương, Đài
Bắc (bản tiếng Trung).
[11] Thân Thời Hành, 1989.Minh Hội Điển. Nxb Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, tr. 571 (bản tiếng
Trung).
[12] Tôn Vệ Quốc, 2004. Cơ sở lí luận của chính sách tôn trọng nhà Minh coi nhẹ nhà Thanh của
vương triều Triều Tiên. Tạp chí Sử học nguyệt san, số 6 (bản tiếng Trung).
[13] Thoát Thoát, 1977. Tống sử. Nxb Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, tr. 2705 (bản tiếng Trung).
[14] Vương Phi, 2005. Triều Minh giúp Triều Tiên chống giặc Oa Khấu và ý thức “ơn tái tạo”
của Triều Tiên. Luận văn thạc sĩ Đại học Diên Biên, Cát Lâm, tr. 1 (bản tiếng Trung).
[15] Ngô Khánh Nguyên, 1914. Tiểu Hoa ngoại sử. Hiệp hội nghiên cứu Triều Tiên, Tokyo, tr.
246 (bản tiếng Trung).
[16] Dương Quân, Vương Thu Bân, 2006. Đặc điểm quan hệ giữa Trung Quốc và bán đảo Triều
Tiên. Nxb Khoa học Xã hội, Thượng Hải, tr. 56 (bản tiếng Trung).
[17] Diệp Tuyền Hồng, 1997. Jeong Mong-ju và nguồn gốc chính sách Sự đại của Triều Tiên. Tạp
chí Học báo Hàn Quốc, số 2, tr. 98-101 (bản tiếng Trung).
[18] Trương Đình Ngọc, 1974. Minh sử. Nxb Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, tr. 8307 (bản tiếng
Trung).
[19] Trịnh Minh Cơ, 1992. Tư liệu mạn đàm về Hàn Quốc. Nxb KeimYung, Seoul, tr. 383 (bản
tiếng Trung).
[20] Chu Phương Ngân, Lý Nguyên Tấn, 2014. Thực lực, quan niệm và sự ổn định của quan hệ
không đối xứng. Tạp chí Châu Á-Thái Bình Dương đương đại, số 4 (bản tiếng Trung).
[21] Lý Xuân Trực, 1997. Chủ nghĩa Sự đại. Nxb Đại học Cao Ly, Seoul.
[22] Số liệu thống kê các đoàn đi sứ tổng hợp theo các tài liệu Minh Thái Tổ thực lục, Cao Ly sử,
Sử liệu Trung Quốc trong cuốn Triều Tiên Lý triều thực lục và Lý triều Thái Tổ thực lục (bản
tiếng Trung).
ABSTRACT
The Relationship between China and Korea (Joseon)
in the Ming Dynasty in terms of the Shida Principle
The Shida principle is a Confucian diplomatic concept that address the tactics of a small
state to protect itself and to cope with the big state. This principle dates back to the Eastern Zhou
Dynasty and exist in China and the countries influenced by Confucian culture in ancient times.
In relations between China and Korea, especially during the Ming Dynasty, this principle was
specially appreciated and followed by the Joseon Dynasty. In terms of form, the Joseon dynasty
during this period followed Confucian rituals, paying tribute and homage to China. In contrast, the
Ming Dynasty was a suzerain to the Joseon Dynasty and it was said that in order to protect the
interests of the Joseon Dynasty, the Ming Dynasty sent its troops to Korea to fight from 1592-1598.
We can say that Korea and China had a typical suzerain-vassal relationship in Northeast Asia
during the Ming period.
Keywords: Shida Principle, The Relationship between China and Korea, the Joseon
Dynasty, The Ming Dynasty
109

File đính kèm:

  • pdfquan_he_trieu_tien_trung_quoc_thoi_minh_xet_duoi_goc_do_chu.pdf