Tài liệu Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc

1.1. CHỌN ĐẤT VÀ CHUẨN BỊ ĐẤT

a) Chọn đất

Cây hoa cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, chủ yếu tầng đất nông, độ sâu

5 - 20 cm, có rất nhiều rễ phụ; bộ rễ phát triển mạnh nên đất thích hợp

cho trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, đặc biệt là đất phù sa mới, bề

mặt bằng phẳng, thoát nước tốt, có nguồn nước tưới không bị ô nhiễm;

độ pH phù hợp từ 6 - 7. Trồng cúc trên đất trũng, ẩm thấp, bí, đất chua,

dẫn tới thiếu oxy và ảnh hưởng tới hoạt động của các vi sinh vật trong

đất; quá trình phân giải chất hữu cơ chậm; bộ rễ kém phát triển dẫn đến

hiện tượng cây còi cọc, lá úa vàng, sinh trưởng, phát triển kém.

b) Chuẩn bị đất

Đất trồng cúc cần phải được cày sâu bừa kỹ, phơi ải để tăng cường sự

hoạt động của vi sinh vật háo khí, tăng cường sự lưu thông khí trong

đất, giúp đất giữ nước, giữ phân tốt. Tuỳ theo cấu tượng đất mà mức độ

cày bừa khác nhau. Với đất phù sa chỉ cần cày, bừa qua rồi lên luống, còn

với đất thịt trung bình và thịt nặng phải phay đất nhiều lần. Tuy nhiên,

không làm đất quá nhỏ, phá vỡ cấu tượng của đất, đất dễ bị đóng bánh

khi mưa, hoặc khi tưới đẫm, mất đi độ tơi xốp cần có.

Trước khi trồng 10 - 12 ngày lên luống cao 20 - 30 cm, bón phân lót, vì

cúc trồng với mật độ dày nên không bón phân theo hốc, theo hàng mà

bón đều trên mặt luống. Phân bón lót gồm phân chuồng hoai mục hoặc

phân hữu cơ 3 - 4 tấn, Supe lân 100 kg cho 1.000 m2, các loại phân trên

trộn đều với đất sau đó dùng ni lông che lại để tránh mưa rửa trôi và cỏ

mọc, đợi đến khi trồng mới bỏ ra.

pdf 32 trang yennguyen 3321
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tài liệu Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tài liệu Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc

Tài liệu Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
TS. Trần Danh Sửu (Chủ biên), TS. Đinh Thị Dinh, 
ThS. Phạm Thị Xuân, TS. Đặng Văn Đông, TS. La Việt Hồng
Hà Nội, 2017
KỸ THUẬT 
TRỒNG VÀ CHĂM SÓC 
CÂY hoa cúc
VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA
3Cây hoa cúc (Chrysanthemum sp.) có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật 
Bản, là một trong 5 loại hoa cắt cành phổ biến nhất trên thế giới, được 
trồng lâu đời và tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam. Loài hoa này thu hút 
người tiêu dùng đặc biệt ở màu sắc phong phú: trắng, vàng, xanh, đỏ, 
tím, hồng, da cam Hình dáng và kích cỡ hoa rất đa dạng cùng với khả 
năng có thể điều khiển cho ra hoa, tạo nguồn hàng hóa quanh năm đã 
khiến cho hoa cúc trở thành loài hoa được tiêu thụ rộng rãi trên thị 
trường. Cây hoa cúc rất dễ trồng và đa dạng, có thể trồng trong vườn 
hoa công viên, trồng hoa bồn, hoa thảm, hoa chậu, hoa cắt cành làm hoa 
bó, hoa bát hay lẵng hoa. 
Cuốn sách “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc” được xuất bản 
nhằm giúp cho cán bộ kỹ thuật và người trồng nắm được các kỹ thuật 
trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại trên cây hoa cúc một cách 
hiệu quả. 
Mặc dù nhóm tác giả đã cố gắng tổng hợp và biên soạn tài liệu nhưng 
không thể tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được những 
góp ý của độc giả để hoàn thiện và hy vọng cuốn sách sẽ trở thành tài 
liệu hữu ích cho sản xuất và phát triển hoa cúc ở Việt Nam. 
Nhóm tác giả
LỜI NÓI ĐẦU
5I. KỸ THUẬT 
trồng và chăm sóc 
CÂY hoa cúc
6 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
1.1. CHỌN ĐẤT VÀ CHUẨN BỊ ĐẤT
a) Chọn đất
Cây hoa cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, chủ yếu tầng đất nông, độ sâu 
5 - 20 cm, có rất nhiều rễ phụ; bộ rễ phát triển mạnh nên đất thích hợp 
cho trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, đặc biệt là đất phù sa mới, bề 
mặt bằng phẳng, thoát nước tốt, có nguồn nước tưới không bị ô nhiễm; 
độ pH phù hợp từ 6 - 7. Trồng cúc trên đất trũng, ẩm thấp, bí, đất chua, 
dẫn tới thiếu oxy và ảnh hưởng tới hoạt động của các vi sinh vật trong 
đất; quá trình phân giải chất hữu cơ chậm; bộ rễ kém phát triển dẫn đến 
hiện tượng cây còi cọc, lá úa vàng, sinh trưởng, phát triển kém.
b) Chuẩn bị đất 
Đất trồng cúc cần phải được cày sâu bừa kỹ, phơi ải để tăng cường sự 
hoạt động của vi sinh vật háo khí, tăng cường sự lưu thông khí trong 
đất, giúp đất giữ nước, giữ phân tốt. Tuỳ theo cấu tượng đất mà mức độ 
cày bừa khác nhau. Với đất phù sa chỉ cần cày, bừa qua rồi lên luống, còn 
với đất thịt trung bình và thịt nặng phải phay đất nhiều lần. Tuy nhiên, 
không làm đất quá nhỏ, phá vỡ cấu tượng của đất, đất dễ bị đóng bánh 
khi mưa, hoặc khi tưới đẫm, mất đi độ tơi xốp cần có.
Trước khi trồng 10 - 12 ngày lên luống cao 20 - 30 cm, bón phân lót, vì 
cúc trồng với mật độ dày nên không bón phân theo hốc, theo hàng mà 
bón đều trên mặt luống. Phân bón lót gồm phân chuồng hoai mục hoặc 
phân hữu cơ 3 - 4 tấn, Supe lân 100 kg cho 1.000 m2, các loại phân trên 
trộn đều với đất sau đó dùng ni lông che lại để tránh mưa rửa trôi và cỏ 
mọc, đợi đến khi trồng mới bỏ ra.
1.2. THỜI VỤ TRỒNG
Nhờ bộ giống đa dạng, phong phú, thích nghi với điều kiện sinh thái khác 
nhau, cúc có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả 
kinh tế cao nhất, có thể căn cứ vào các yếu tố sau để xác định thời vụ 
trồng thích hợp:
- Căn cứ vào đặc điểm của từng giống: Giống chịu nóng bố trí trồng 
vụ Hè, giống chịu lạnh trồng vụ Đông. Giống phản ứng với ánh 
7sáng ngày dài hơn, cần thời gian chiếu sáng trong ngày 12 - 13 
giờ mới ra hoa thì trồng vào vụ Hè. Giống phản ứng với ánh sáng 
ngày ngắn, cần thời gian chiếu sáng trong ngày 10 - 11 giờ cây 
ra hoa thì trồng vào vụ Đông. Các giống hoa cúc có thời gian sinh 
trưởng dài thì trồng sớm (như giống vàng Đài Loan), giống có thời 
gian sinh trưởng ngắn thì trồng muộn hơn (như các giống cúc chi).
- Căn cứ vào thời tiết khí hậu của từng năm: Từ đặc điểm của từng 
giống và khí hậu ở địa phương, bố trí thời vụ trồng sao cho thoả 
mãn được yêu cầu ngoại cảnh của cây. Để trồng hoa vào Tết, vùng 
có nhiệt độ thấp ở miền Bắc thì trồng sớm hơn, miền Trung có 
nhiệt độ cao hơn thì trồng muộn hơn 7 - 10 ngày. Đồng thời, phải 
căn cứ vào diễn biến thời tiết từng năm để bố trí điều chỉnh thời 
gian trồng các giống cúc cho phù hợp.
- Căn cứ vào nhu cầu thị trường: Thị trường là một trong những yếu 
tố quan trọng để xác định thời điểm trồng, nhằm mang lại lợi ích 
cao nhất cho người trồng hoa. Ở Việt Nam, theo tập quán, hoa 
cúc được tiêu thụ nhiều nhất vào các thời điểm ngày Quốc tế phụ 
nữ 8/3; ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; ngày Nhà giáo Việt Nam 
20/11; Tết Nguyên Đán Các thời điểm này nhu cầu về hoa cúc 
tăng lên gấp 10 - 20 lần so với bình thường. Ngoài ra vào các ngày 
mồng Một và 15 âm lịch hàng tháng nhu cầu tiêu thụ hoa cúc cũng 
tăng lên đáng kể. Nếu tính trong năm thì mùa đông cúc được tiêu 
thụ nhiều hơn mùa hè. Do nhu cầu thị trường có thể trồng cúc lệch 
vụ hoặc trái vụ, trồng theo cách này năng suất thấp, chất lượng 
hoa không cao nhưng bù lại vẫn bán được giá cao nên hiệu quả 
kinh tế cao hơn so với trồng chính vụ.
Nếu trồng cúc ở quy mô công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu thì thời vụ 
trồng cúc phải đan xen và kế tiếp nhau để liên tục có hoa đảm bảo theo 
yêu cầu của khách hàng, lúc này cần có các biện pháp kỹ thuật nhân tạo 
để kéo dài vụ, rải vụ. 
8 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
Thời vụ trồng một số giống cúc chính ở Hà Nội
1.3. MẬT ĐỘ, KHOẢNG CÁCH TRỒNG
Tùy thuộc vào đặc điểm của giống, mục đích sử dụng (để một hoa hay 
để chùm hoa) loại đất, mức độ phân bón, kỹ thuật thâm canh chăm sóc 
mà quyết định trồng với các mật độ khác nhau:
 - Đối với loại hoa to (đường kính bông 8 - 12 cm), cây cao, thân mập, 
cứng, chỉ để 1 bông/1 cây (như các giống vàng Đài Loan, Trắng Sứ, 
TT Giống cúc
Đặc điểm chính
Tháng 
giâm 
ngọn
Tháng 
trồng
Tháng 
thu 
hoạch
Phản ứng 
với nhiệt 
độ
Ánh sáng 
phù hợp
1 CN 93, CN 98 Chịu nóng
Thời gian 
chiếu sáng 
12 - 14 giờ
2 - 3 3 - 5 6 - 11
2 Vàng Đài loan Chịu rét Ngày ngắn 10 - 12 giờ 6 - 9 7 - 10 11 - 3
3 CN 97 Chịu rét Ngày ngắn 10 - 12 giờ 6 - 9 8 - 10 11 - 2
4
Các giống chi cũ: 
Chi trắng, Chi 
vàng, Vàng mai, 
Vàng pha lê
Chịu rét Ngày ngắn 10 - 12 giờ 6 - 9 8 - 10 11 - 2
5
Các giống chi 
mới: Phan trắng, 
Phan vàng, 
Tím lan, Chi đỏ, 
Thạch bích tím, 
Vàng mai mới
Chịu rét Ngày ngắn 10 - 12 giờ 7 - 9 8 - 10 11 - 2
6
Các giống cúc 
đơn mới: Trắng 
sứ, Vàng kim 
cương, Trắng 
kim cương
Chịu rét Ngày ngắn 10 - 12 giờ 7 - 9 8 - 10 11 - 3
9Vàng Kim Cương, Trắng Kim Cương) thì khoảng cách trồng là 12 
x 15 cm. Với khoảng cách này mật độ đạt 40 cây/m2, 400.000 
cây/ha.
- Đối với giống hoa trung bình, đường kính bông từ 4 - 7 cm; thân, 
cành nhỏ; hoa chùm (một thân có 5 - 8 bông hoa) thì trồng với 
khoảng cách 15 x 15 cm, mật độ 30 cây/m2, 300.000 cây/ha như 
các giống Phan trắng, Phan vàng, Tím lan, Vàng mai, Thạch bích, 
Chi trắng, Chi vàng,
- Với các giống hoa nhỏ (cúc mâm xôi): đường kính bông từ 1 - 2 
cm cần phải bấm ngọn nhiều lần để tạo dáng cây hình cầu, chơi 
cả cây, trồng cây trong chậu như các loại cúc mâm xôi, đỏ Ấn Độ 
thì trồng với khoảng cách 50 x 60 cm với mật độ 34.000 cây/ha. 
Chú ý là trong điều kiện trồng với khoảng cách lớn thì nên trồng 
so le nhau để tiết kiệm không gian, giúp các cây không phải cạnh 
tranh ánh sáng với nhau.
1.4. CÁCH TRỒNG
Chọn ngày râm mát hoặc trồng vào buổi chiều mát, tưới nhẹ luống đất 
đã được chuẩn bị, sau đó dùng dầm nhỏ trồng, khi trồng xong lấy tay ấn 
chặt gốc, dùng rơm mềm hoặc mùn rác che phủ gốc và dùng bình ô doa 
hoặc vòi phun nhẹ tưới đẫm luống. Mùn rơm vừa có tác dụng giữ ẩm cho 
cây vừa có tác dụng hạn chế sự đóng váng lớp đất mặt làm cho nước 
tưới có thể xuống rễ một cách dễ dàng. Những ngày đầu, tưới nước cần 
hết sức nhẹ nhàng, tránh lay gốc, trôi cây và không để các lá gần đất bị 
dính vào đất hoặc bùn đất bắn lên các lá non làm bít các khí khổng, ảnh 
hưởng đến sự quang hợp, hô hấp, sự bốc hơi của bộ lá khi cây chưa hồi 
xanh trở lại.
1.5. BÓN PHÂN
Nguyên tắc chung của việc bón phân là đúng lúc, đúng cách và đúng 
liều lượng.
Căn cứ để xác định thời điểm bón, loại phân bón, liều lượng, phương thức 
bón là phải xét đến nhu cầu dinh dưỡng và khả năng hấp thụ của cây, 
10
tác dụng của mỗi loại phân bón, đặc điểm của đất, thời tiết khí hậu, loại 
phân có
Ví dụ: Vụ Xuân Hè có nhiệt độ, độ ẩm cao, ánh sáng nhiều, sự phân giải 
của phân bón thường nhanh nên bón lót là chủ yếu; ngược lại vụ Thu 
Đông trời hanh khô nên ngoài việc bón lót phải tăng cường bón thúc. 
Sau các trận mưa lớn, đất bí hoặc trời lạnh không nên bón phân vì lúc 
này đất ẩm và việc bón phân sẽ làm đất thêm bí, rễ cây thiếu oxy để 
hô hấp và nhiệt độ thấp rễ cây hoạt động kém, bón phân vào cây cũng 
không hấp thụ được. Nếu trời nắng to, đất quá khô cũng không nên bón, 
nhất là phân hoà với nước vì dung dịch phân có nồng độ cao hơn so 
với nồng độ dung dịch tế bào sẽ làm cây úa vàng rồi chết; nếu cần bón 
trong giai đoạn này tốt nhất phải tưới ẩm đất sau đó để lúc chiều mát 
bón phân.
a) Lượng phân bón 
 Lượng phân bón cho 1.000 m2: 
Bón lót: Phân chuồng hoặc phân hữu cơ 3 - 4 tấn, Supe lân 100 kg.
Bón thúc: 45 kg urê + 85 kg Supe lân + 25 kg kali clorua hoặc100 kg 
NPK Đầu trâu (13 - 13 - 13+TE) + 17 kg urê +10 kg kali clorua.
b) Cách bón: 
Bón lót: Sau khi lên luống rắc đều phân lên mặt luống rồi đảo đều phân 
với đất.
Bón thúc: Bón làm 6 đợt, ngâm phân Đầu trâu trước 1 - 2 ngày, hòa 
loãng tưới hoặc rắc vào giữa 2 hàng. Để giảm bớt công bón có thể rắc 
phân làm 3 đợt, cách nhau 20 ngày. Tốt nhất là chia làm nhiều lần để 
tưới hoặc bón để phân đỡ bị rửa trôi, cây hấp thu tốt hơn.
- Đợt 1: Tưới nhử, sau trồng 10 ngày hòa loãng 10 kg Đầu trâu + 2 
kg ure hoặc 5 kg ure + 5 kg Supe lân.
- Đợt 2, 3, 4: Sau trồng 30, 40, 50 ngày bón (20 kg Đầu trâu + 5 kg 
urê)/đợt hoặc (10 kg ure + 20 kg Supe lân + 5 kg kali clorua)/đợt.
- Đợt 5, 6: Sau trồng 60,70 ngày bón (15 kg Đầu trâu + 5 kg kali 
clorua)/đợt. Hoặc (5 kg ure 10 kg Supe lân +5 kg kali clorua)/đợt.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
11
Phun thêm một số loại chất kích thích sinh trưởng: Atonik 1.8 SL 
liều lượng 20 ml/16 lít, Phân bón Đầu trâu 501; 701; 901 liều lượng 
30 g/16 lít.
Đào hố, xây bể chứa phân với thể tích 2 m3/bể cho 1 vườn 1.000 m2. Mỗi 
bể chia làm 2 ngăn và ngăn cách bằng tấm phên xi măng với những lỗ 
nhỏ 3 x 3 cm, một ngăn chứa phân để ủ và 1 ngăn kia cho nước phân đã 
ngâm ủ chảy sang dùng để tưới cho cây. Mỗi bể ngâm cho 0,5 m3 phân 
chuồng hoặc 50 kg bột đậu, xác cá + 20 kg phân vi sinh + 30 kg lân, thời 
gian ngâm ít nhất 30 ngày với phân tươi và 15 ngày với phân đã hoai 
mục. Các bể phân đều có nắp đậy để không ảnh hưởng đến môi trường 
xung quanh. Mỗi lần tưới pha loãng thêm 4 lần nước lã (1 thùng phân + 
4 thùng nước lã). Có thể kết hợp pha với phân hóa học để tưới cho cây.
1.6. CHĂM SÓC
a) Tưới nước
Cúc cần tưới nước trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, nhưng 
không cần nhiều. Có 2 phương pháp tưới nước cho cúc là tưới rãnh và 
tưới trên mặt (Hình 1).
Tưới rãnh: Đối với các ruộng bằng phẳng, cho nước vào các rãnh cúc, 
ngâm nước từ 1 - 2 giờ đồng hồ, cho nước ngấm lên bề mặt luống sau đó 
rút nước ra, chú ý là chỉ cho nước ngập 2/3 rãnh, không cho ngập đến bề 
mặt của luống; cách tưới này cây được ẩm từ 7 - 10 ngày.
Hình 1. Phương pháp tưới rãnh (a); Phương pháp tưới mặt (b)
ba
12 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
Tưới mặt: Dùng vòi hoa sen tưới nhẹ trên bề mặt luống vừa đủ lượng 
nước bão hoà trong đất, nếu tưới nhiều hơn thừa nước, nước sẽ chảy ra 
ngoài rãnh và rửa trôi phân, mùn, dinh dưỡng nuôi cây. Tưới theo cách 
này đất trên bề mặt hay bị đóng váng, cỏ dại mọc nhiều, mức độ giữ ẩm 
của đất ngắn hơn và vì vậy phải tưới nhiều lần hơn. 
Trong thực tế thường kết hợp giữa tưới nước và bón phân cho cây, vừa 
cung cấp lượng nước cần, vừa bổ sung dinh dưỡng giúp cây phát triển.
b) Làm cỏ, vun xới
Cúc là cây trồng cạn, rất cần oxy trong đất để phục vụ quá trình hô hấp 
trong cây, do đó phải thường xuyên tiến hành làm cỏ kết hợp với xới xáo 
và vun luống. Việc xới xáo xung quanh gốc chỉ cần thiết vào lúc cây cúc 
còn nhỏ. Khi cúc đã lớn (sau trồng 40 ngày) nên hạn chế việc xới xáo vì 
lúc này bộ rễ cúc phát triển mạnh, lan rộng ra khắp mặt đất, nếu xới xáo 
sâu sẽ làm nhiều rễ bị đứt ảnh hưởng tới việc hút chất dinh dưỡng của 
cây. Lúc này chỉ nên cắt tỉa các lá già xung quanh gốc, cũng không nên 
vun đất vào gốc quá cao vì sẽ làm phát sinh nhiều mắt rễ khiến gốc xù 
xì, thân cây không đẹp ảnh hưởng tới chất lượng cành mang hoa.
Ngoài việc làm cỏ, xới xáo trong luống, cũng cần làm cỏ rãnh luống và 
xung quanh ruộng trồng cúc để tránh sự lây lan sâu, bệnh và sự phát 
tán cỏ vào nơi trồng cúc.
1.7. BẤM NGỌN, TỈA MẦM NHÁNH
a) Bấm ngọn
Cúc cũng như các loại thực vật nói chung đều có ưu thế ngọn, tức là 
ngọn bao giờ cũng phát triển mạnh hơn các cành nhánh, thậm chí ngọn 
gây ức chế hoặc lấn át các mầm nhánh, nếu để cây tự nhiên, cành ngọn 
sẽ phát triển mạnh còn các cành nhánh mọc chậm và yếu. Tuỳ theo đặc 
tính của giống, mục đích sử dụng và ý thích của người chơi hoa mà bấm 
ngọn hay tỉa cành. Nếu muốn cây cúc có cành mập, hoa đơn bông to, 
cần phải tỉa bỏ hết các mầm nhánh phụ mọc từ nách lá, chỉ để lại một 
nụ chính trên đỉnh thân. Cách làm này áp dụng đối với những giống 
hoa to, thân cứng, thẳng, bộ lá gọn; chất lượng hoa tốt và có thể trồng 
13
với mật độ lớn trên đơn vị diện 
tích mà không ảnh hưởng đến cây 
khác. Người Trung Quốc và Nhật 
Bản thường thích hoa to nên họ 
hay làm theo cách này. Tại Việt 
Nam, một số giống có nguồn gốc 
từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng 
được người trồng hoa để 1 bông 
trên một thân như vàng Đài loan, 
Trắng sứ, Vàng Kim cương, Trắng 
Kim cương...
Trường hợp nếu muốn cúc nhiều hoa trên thân thì phải bấm ngọn cho 
cây. Có 3 hình thức bấm:
- Bấm ngọn sớm 1 lần: Sau khi trồng cúc được 15 - 20 ngày, tiến 
hành bấm ngọn, cây sẽ cho ra nhiều nhánh và tỉa bớt chỉ để lại 
3 - 4 nhánh; sau này sẽ cho 3 - 4 cành hoa, tuy hoa cúc nhỏ hơn 
nhưng số lượng bông tăng lên 3 - 4 lần trên đơn vị diện tích. Cách 
làm này áp dụng đối với những giống cúc có đường kính hoa trung 
bình 6 - 8 cm hoặc “thu cúc lần 2” tức là sau khi thu hoạch lần 1 
các mầm giá mọc lên, để mỗi gốc 3 - 4 mầm và nuôi dưỡng thu hoa 
lần 2 (Hình 2).
- Bấm ngọn muộn 1 lần tạo tán: Đối với giống cúc chùm, sau khi 
cây ra rất nhiều cành nhánh và nhiều nụ/cành, tiến hành ngắt nụ 
đỉnh để kích thích các nụ bên phát triển đồng đều; tỉa bớt các cành 
nhánh ở phía dưới chỉ để lại khoảng 4 - 5 cành, sau sẽ cho khoảng 
5 - 7 bông hoa đều và đẹp; hoặc có thể để nguyên nụ chính, chỉ tỉa 
bớt cành nhánh phía dưới gốc, để lại 4 - 5 nhánh phía trên thì nụ 
chính sẽ nở trước và to hơn so với các nụ bên.
- Bấm ngọn nhiều lần: Với một số giống cúc có hoa nhỏ, đường kính 
bông 1 - 3 cm, dạng cây bụi, thân mềm, khả năng phát sinh cành 
nhánh mạnh, việc bấm ngọn có thể tiến hành từ 2 - 3 lần tuỳ theo 
sức cây và khả năng chăm bón. Lần 1 bấm sau trồng 15 - 20 ngày, 
sau 15 ngày bấm tiếp lần 2 và có thể bấm lần 3 - 4 ... ể diệt trừ rệp. Khi rệp phát sinh 
nhiều, không thể áp dụng các biện pháp trên thì phải dùng thuốc 
hoá học để phun cho cây cúc. Các loại thuốc diệt rệp là Marshal 
200SC liều lượng 40 - 50 ml/16 lít, hoặc Serpal Supe 600EC liều 
lượng 20 ml/16 lít, Regent 800WG liều lượng 1,6 g/16 lít, nên 
thường xuyên thay đổi các loại thuốc trên để tránh hiện tượng rệp 
quen thuốc.
Hình 5. Rệp hại hoa cúc
17
Sâu xanh, sâu khoang 
Sâu xanh, sâu khoang là loài đa 
thực phá hoại trên nhiều loại cây 
trồng, trong đó có hoa cúc. Sâu non 
ăn lá non, ăn nụ hoa, trên lá non 
chúng ăn khuyết, trên nụ chúng 
đục nụ, ăn vào bên trong. Sâu non 
tuổi lớn, đẫy sức di chuyển xuống 
đất hoá nhộng. Sâu trưởng thành 
hoạt động về đêm thích mùi chua 
ngọt, ban ngày ít hoạt động, ẩn 
nấp vào lá cây, chúng đẻ trứng rải 
rác trên lá non hoặc nụ hoa, sau 
khi đẻ từ 3 - 4 ngày thì trứng nở (Hình 6).
Biện pháp phòng trừ: 
- Luân canh với cây trồng khác, tốt nhất là luân canh với lúa nước 
để tiêu diệt các mầm mống sâu hại như trứng, sâu non, nhộng có 
trong đất, cỏ dại.
- Dùng các biện pháp thủ công như dẫn dụ sâu trưởng thành bằng 
bả chua ngọt, dùng tay ngắt bỏ ổ trứng, tiêu huỷ các bộ phận bị 
sâu phá hoại như lá, cành, nụ hoa. Bắt và diệt trừ sâu bằng tay vào 
lúc sáng sớm.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm virus nhân đa diện N.P.V, 
phun vào thời kỳ sâu non, rất hiệu quả mà không gây ô nhiễm môi 
trường.
- Biện pháp hoá học: Khi mật độ sâu lên cao, quá ngưỡng kinh tế có 
thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu: Sherpa 25EC liều lượng 
20 - 30 ml/16 lít, Azimex 20EC liều lượng 5 ml/16 lít, Scorpion 
36EC liều lượng 10 ml/16 lít.
Hình 6. Sâu xanh, sâu khoang 
hại hoa cúc
18
Bọ trĩ 
Bọ trĩ còn non có màu vàng, 
trưởng thành có màu đen, kích 
thước bọ trĩ rất nhỏ (mắt thường 
nhìn kỹ mới thấy). Bọ trĩ có vòng 
đời ngắn, khả năng sinh sản rất 
cao. Khi còn non chúng chạy trốn 
ở dới mặt lá, gốc cây hay nhảy lên 
các cánh hoa. Chúng hút mật hoa 
và nhựa cây, làm cho lá, hoa bị mất 
sắc tố dẫn đến hiện tượng lá vàng, cánh hoa quăn queo, màu nhạt, hoa 
bị lỗi (Hình 7).
Phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc Marshal 200SC liều lượng 
40 - 50 ml/16 lít hoặc Serpal Supe 600EC liều lượng 20 ml/16 lít, Ascend 
20SP liều lượng 15 ml/16 lít, Regent 800WG liều lượng 1,6 g/16 lít.
Sâu vẽ bùa
Sâu non nằm dưới biểu bì lá, ăn phần diệp lục màu xanh, để lại lớp biểu bì 
trên tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, làm hỏng lá. Sâu thường 
phát sinh vào vụ Xuân Hè.
Phòng trừ: Dùng bẫy màu vàng dẫn dụ con trưởng thành. Sử dụng thuốc 
có chất bám dính mạnh diệt sâu non và trứng trong lá như Selecron 
500EC, liều lượng 30 - 40 ml/16 lít, Brightin 1.8EC 15 - 20 ml/16 lít.
b) Bệnh chính hại hoa cúc
Bệnh đốm đen
Lúc đầu trên bề mặt lá xuất hiện những chấm nâu đen, sau chuyển 
thành màu đen, từ mép lá lan vào trong phiến lá, vết có hình tròn, hình 
bán nguyệt, hoặc hình bất định không đều làm lá rụng dần. Bệnh gây hại 
trên lá già, lá bánh tẻ.
Phòng trừ: Làm vệ sinh xung quanh vườn, tránh đọng nước lại trên lá, 
nên tưới nước vào buổi sáng có ánh nắng, vặt bỏ lá già, lá bị bệnh. Dùng 
các loại thuốc hoá học như Anvil 5SC liều lượng 15 - 20 ml/bình 16 lít; 
Score 250ND liều lượng 15 ml/bình 16 lít; Ziflo 76WG liều lượng 90 - 
100 g/bình 16 lít.
Hình 7. Hoa cúc bị bọ trĩ hại
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
19
Bệnh gỉ sắt
Mặt trên lá xuất hiện những chấm nhỏ, nổi màu vàng da cam hoặc màu 
gỉ sắt, về sau các vết này có màu vàng nâu, hơi đỏ, bệnh hại mặt dưới lá, 
chồi non, cuống lá đôi khi hại cả thân cây làm cho thân teo tóp lại. Nếu 
không chữa kịp thời bệnh lan rộng cả mặt lá làm cho cháy lá, lá vàng 
rụng sớm.
Phòng trừ: Thu dọn tàn dư lá bệnh đem đốt, làm vệ sinh vườn cây, tạo độ 
thông thoáng, bón phân cân đối cho cây cứng, khoẻ mạnh, phun phòng 
trừ bằng các loại thuốc Viben - C 50WP liều lượng 40 g/16 lít; Anvil 5 SC 
liều lượng 15 - 20 ml/bình 16 lít; Copforce blue 51WP liều lượng 35 - 40 
g/16 lít. Thuốc có chứa gốc lưu huỳnh, phun khi bệnh xuất hiện, bệnh 
nặng phun 5 - 7 ngày/lần, luân chuyển thuốc.
Bệnh phấn trắng
Vết bệnh xuất hiện trên lá non, lá bánh tẻ, trên những phần non của 
cây đang tăng trưởng, dạng bột màu trắng xám như bột phấn, hình bất 
định. Mặt dưới lá mô bệnh chuyển sang màu vàng nhạt. Bệnh này làm 
cho lá khô héo rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở được hoặc nở lệch 
về một bên.
Phòng trừ: Cắt huỷ cành lá bị bệnh. Bón bổ sung kali để tăng sức chống 
chịu cho cây. Thay đổi thời gian trồng cúc (tránh thời điểm bệnh phát 
triển mạnh). Dùng các loại thuốc Aliette 80WG liều lượng 50 g/16 lít; 
Anvil 5 SC liều lượng 15 ml/16 lít hoặc Dupont Kocide 53.8DF liều lượng 
15 - 16 g/16 lít; Mancolaxyl 72 WP liều lượng 60 - 80 g/1 lít.
Bệnh lở cổ rễ
Phần cổ rễ sát mặt đất có vết 
bệnh màu xám nâu, lở loét, rễ bị 
thối, thân lá tự nhiên bị héo dần 
và héo khô, khi nhổ cây lên thấy 
gốc dễ bị đứt, chỗ vết đứt bị thối 
nham nhở, có lớp nấm khô màu 
trắng (Hình 8). Hình 8. Bệnh lở cổ rễ cây hoa cúc
20
Phòng trừ: Đất trồng cúc phải tơi xốp, thoát nước, hạn chế việc xới xáo 
làm đứt gốc, rễ tạo điều kiện cho nấm xâm nhập. Dùng các loại thuốc 
phòng trừ như Fundazol 50WP nồng độ 0,2%; Rovral 50WP nồng độ 
0,15%.
Bệnh héo xanh vi khuẩn
Đây là bệnh hại cúc rất phổ biến ở vùng nhiệt đới ẩm. Bệnh thường xảy 
ra vào lúc cây đang tăng trưởng đến xuất hiện nụ, làm lá non bị héo 
trước vào buổi trưa nắng. Triệu chứng héo cả cây diễn ra rất nhanh sau 
1 - 2 ngày, khi điều kiện khí hậu thuận lợi và cây héo hoàn toàn nhưng 
lá vẫn còn xanh. Nếu bệnh diễn biến chậm, rễ bất định xuất hiện nhiều 
trên thân, chẻ dọc thân, mô mạch phần thân dưới và rễ hoá nâu.
Phòng trừ: Với loại bệnh này hiện nay chưa có thuốc hoá học đặc hiệu, 
chỉ dùng các biện pháp hạn chế, phòng là chính. Chọn đất trồng sạch, 
mới, đất tơi xốp, không trồng cây họ cúc trước đó hoặc luân phiên với 
cây lúa nước; làm thuỷ lợi tốt, bón nhiều phân hữu cơ, tủ đất cho cây và 
tránh làm rễ bị tổn thương khi chăm sóc cây; nhổ bỏ ngay cây bị bệnh, 
diệt trừ cỏ dại và phòng trừ môi giới truyền bệnh như rệp, bọ rầy; chọn 
cây giống sạch bệnh, tránh sát thương cơ giới. 
1.11. BỌC, BẢO VỆ HOA
Hoa cúc khi chuẩn bị nở là đối tượng thu hút các loại côn trùng, nấm 
bệnh và chịu sự tác động lớn của môi trường như gió, mưa, tác động cơ 
giới của con người như tưới nước, va quệt... Những nguyên nhân trên 
dẫn đến chất lượng hoa xấu, một số bông hoa hỏng không bán được. Để 
giải quyết vấn đề này người ta đã sản xuất ra các loại bao hoa chuyên 
dùng, loại giấy bao hoa có đặc tính mềm, dai, không thấm nước, lâu bị 
phân huỷ, kích thước bao to nhỏ tuỳ vào từng loại hoa cần bao. Thời 
điểm bao hoa khi cúc vừa hé nở. Bao hoa đặt sao cho đáy bao không 
chạm vào mặt hoa và nước mưa, nước tưới phải dễ thoát, không đọng 
trên bao.
Cần chú ý khi bao hoa, hoa phải khô ráo, không có mầm mống sâu 
bệnh. Nếu bao những hoa ướt hoặc bao vào giai đoạn ẩm độ cao dễ 
dẫn đến thối hoa. 
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
21
1.12. THU HOẠCH, BẢO QUẢN HOA
Về nguyên tắc sau khi cắt rời khỏi cây mẹ, tức là đột nhiên cắt đi nguồn 
dinh dưỡng và nước nuôi cành hoa và lá, lúc này cành hoa phải sống dựa 
vào những chất dinh dưỡng dự trữ có sẵn, lượng dinh dưỡng này bị tiêu 
hao dần dần. Lượng nước trong cành cũng bị mất đi do quá trình bốc hơi 
và các phản ứng sinh hoá xảy ra trong tế bào ở cành hoa đã cắt. Tuy 
không có rễ nhưng lượng nước và chất dinh dưỡng vẫn được cành hấp 
phụ một phần thông qua các mô dẫn, tuy nhiên các mô dẫn đến một thời 
gian nhất định nào đó cũng bị thối rữa và dẫn đến cánh hoa tàn héo.
Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến độ bền của hoa đó là điều kiện trồng 
(bao gồm phân bón, tưới nước, độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, phòng trừ sâu 
bệnh, môi trường khi thu hoạch) và điều kiện sau thu hoạch (thời gian 
thu hoạch, kỹ thuật thu hái, nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng)
Nhằm duy trì sự sống của cành hoa lâu hơn (tăng tuổi thọ của cành hoa) 
cần phải ngăn cản quá trình thoát hơi nước, hạn chế sự xâm nhập của 
nấm, vi khuẩn và bổ sung lượng nước, dinh dưỡng thích hợp cho cành 
hoa. Để đảm bảo yêu cầu giữ hoa tươi lâu, phải tuân thủ theo các quy 
trình kỹ thuật sau đây:
Xử lý trước thu hoạch
Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày, hoà loãng lân và kali vào nước tưới cho 
cây với liều lượng 3 kg Supe lân: 3 kg kali clorua cho 1.000 m2 và phun 
thuốc diệt trừ sâu bệnh. Trước khi cắt hoa 1 ngày tưới đẫm nước, để cho 
cây ở trạng thái đầy đủ nước, chú ý là chỉ tưới vào gốc mà không tưới 
vào cánh hoa, tránh dập nát và đọng nước.
Kỹ thuật cắt hoa
Thời gian cắt hoa tốt nhất là vào buổi sáng hoặc chiều mát, trời khô ráo 
không mưa. Không nên cắt hoa vào lúc giữa trưa vì lúc này cường độ ánh 
sáng lớn, nhiệt độ cao, khí khổng của lá mở to lượng nước bốc hơi mạnh 
dẫn đến mất nước nhanh, hoa mau héo, khó hồi phục. Lựa chọn những 
bông hoa nở khoảng 2/3 số cánh hoặc nở gần hoàn toàn cánh vòng 
ngoài trên cây, nếu cắt để mang đi xa có thể cắt những bông ít nở hơn, 
dùng dao sắc cắt vát sát gốc, cách mặt đất 5 - 10 cm, khi cắt xong dốc 
ngược cành xuống để những đoá hoa lớn đã nở không bị gãy.
22 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
Xử lý sau khi thu hoạch
Những cành hoa đã cắt, được phân loại và xử lý: Có thể phân loại theo độ 
nở của hoa hoặc phân theo độ dài cành hoa, phân theo chất lượng hoa
Loại 1: Chọn những cành to mập, bông đẹp, không gẫy cánh, không có 
vết bệnh, xếp vào thành từng bó, mỗi bó khoảng 50 - 100 cành. 
Loại 2: Chọn những cành có chất lượng thấp hơn loại 1 xếp thành từng 
bó riêng.
Đồng thời với phân loại cành, ta tỉa bỏ lá già úa, cắt lại cành cho bằng 
đều đặn sau đó ngâm ngay vào nước sạch sâu 15 - 20 cm chiều dài 
cành, dùng bình phun mù, phun ướt đẫm lá, chú ý không để nước đọng 
trên mặt bông hoa, sau đó đưa vào chỗ mát, kín gió hay phòng lạnh để 
bảo quản (Hình 9).
Trong trường hợp vận chuyển cúc 
đi tiêu thụ ở nơi xa có thể đóng 
hoa trong các thùng cát - tông 
có chiều dài 120 cm, chiều rộng 
60 cm, chiều cao 60 cm, với một 
thùng này có thể xếp 1.500 bông 
cúc. Thùng cát - tông được đục 
các lỗ xung quanh để cành hoa 
vẫn có thể hô hấp được. Trước khi 
cho hoa vào thùng không được để 
nước đọng trên cành, lá. Đậy nắp, dán lại và cho lên các xe vận chuyển 
chuyên dụng. Cũng có thể sử dụng một số loại hoá chất để xử lý nhằm 
tăng thêm tuổi thọ của hoa cúc, như STS (silver thiosulphate) pha vào 
nước và cắm bó hoa vào trong đó khoảng 1 - 2 giờ, có tác dụng diệt 
trừ các loại vi khuẩn xâm nhập vào bó mạch cành hoa, tăng tuổi thọ 
cành hoa.
Hình 9. Phân loại hoa cúc
23
II. Một số giống hoa cúc
hiện trồng phổ biến
ở Việt Nam 
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc24
2.1. GIỐNG HOA CÚC CN98 
Giống được nhập nội từ Nhật Bản, cây 
cao, thẳng từ 60 - 70 cm, lá xanh đậm, 
hoa to trung bình 8 - 10 cm , màu vàng 
chanh, thời gian sinh trưởng 80 - 90 
ngày, chịu nóng, là một trong những 
giống chủ lực của mùa hè hiện nay.
2.2. CÚC PHAN VÀNG 
Cây cao 40 - 50 cm, thuộc nhóm cúc 
chùm, hoa to trung bình 4 - 5 cm, đầu 
cánh hoa tròn, màu vàng tươi. Nhiều lá 
to màu xanh, chịu rét tốt, thích hợp với 
vụ Thu - Đông, thời gian sinh trưởng 
90 - 100 ngày.
2.3. GIỐNG HOA CÚC PHAN TRẮNG
Cây cao 50 - 60 cm, thuộc nhóm cúc 
chùm, lá xanh nhạt, đường kính hoa 
4 - 5 cm, hoa màu trắng tuyết ở giữa 
xanh ngọc, cây chịu lạnh thích hợp trồng 
vụ Thu - Đông, thời gian sinh trưởng 
95 - 100 ngày.
Hình 10. Cúc CN98
Hình 12. Cúc Phan trắng
Hình 11. Cúc Phan vàng
25
2.4. GIỐNG HOA CÚC THẠCH 
BÍCH HỒNG
Cây cao 45 - 60 cm, thuộc nhóm cúc 
chùm, hoa to trung bình 3,5 - 4,5 cm, 
đầu cánh hoa tròn, cánh hoa ngắn, 
cứng, màu hồng. Lá màu xanh nhạt, 
chịu rét tốt, thích hợp với vụ Thu 
- Đông, thời gian sinh trưởng 90 - 
100 ngày.
2.5. GIỐNG HOA CÚC VÀNG 
PHA LÊ
Trồng trong điều kiện tự nhiên vụ 
Thu Đông, cây thấp lùn 30 - 40 cm, 
thích hợp với trồng chậu. Nếu chiếu 
sáng bổ sung cây cao 45 - 60 cm, 
thuộc nhóm cúc chùm, hoa to trung 
bình 5 - 8 cm, có thể tỉa thành cúc 
đơn bông, đầu cánh hoa tròn, cánh 
hoa dài, cứng, màu vàng tươi. Lá màu 
xanh nhạt, chịu rét tốt, thích hợp với 
vụ Thu - Đông, thời gian sinh trưởng 
90 - 100 ngày.
2.6. GIỐNG HOA CÚC GẤM 
(CÚC MÂM XÔI)
Dạng cây bụi cao khoảng 30 - 40 cm, 
khả năng phân cành rất mạnh do đó 
cũng dùng để tạo tán hình cầu trông 
giống như mâm xôi. Hoa màu vàng 
nhạt đường kính 1,5 - 2,5 cm. Thời 
gian sinh trưởng dài 120 - 150 ngày, 
khả năng chịu rét trung bình, thích 
hợp trồng vụ Thu - Đông.
Hình 13. Cúc Thạch bích hồng
Hình 15. Cúc Mâm xôi
Hình 14. Cúc vàng pha lê
26 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
2.7. GIỐNG HOA CÚC VÀNG ĐÀI LOAN
Được chọn lọc từ tập đoàn cúc nhập nội 
của Đài Loan năm 1994. Cây cao 70 - 80 
cm, lá xanh đậm, phiến lá dày, thân mập 
thẳng, cứng, hoa kép to, có nhiều tầng 
xếp rất chặt, đường kính hoa 10 - 12 cm 
hoa màu vàng, rất bền (10 - 15 ngày) 
thời gian sinh trưởng 120 - 150 ngày, 
thích hợp với vụ Thu Đông.
2.8. GIỐNG HOA CÚC TÍM LAN 
Cây cao từ 45 - 50 cm, phiến lá màu xanh 
đậm đường kính hoa 5 - 6 cm, hoa màu 
tím, cánh hoa dài, nhọn, thời gian sinh 
trưởng 90 - 100 ngày, chịu rét tốt, thích 
hợp trồng vụ Thu - Đông.
2.9. GIỐNG HOA CÚC TÍM SEN
Cây cao 70 - 80 cm, lá xanh đậm, phiến 
lá dày, sẻ thùy sâu, thân tím, mập thẳng, 
cứng, hoa kép to, có nhiều tầng xếp rất 
chặt, đường kính hoa 10 - 12 cm, hoa 
màu tím, rất bền (10 - 15 ngày) thời gian 
sinh trưởng 100 - 120 ngày, chịu rét, 
thích hợp với vụ Thu Đông.
2.10. GIỐNG HOA CÚC TRẮNG 
KIM CƯƠNG
Cây cao 70 - 80 cm, lá xanh đậm, phiến lá 
dày, thân mập thẳng, cứng, hoa kép to, có 
nhiều tầng xếp rất chặt, đường kính hoa 
10 - 12 cm hoa màu trắng sứ, hoa bền 10 
- 15 ngày, thời gian sinh trưởng 110 - 130 
ngày, thích hợp với vụ Thu Đông.
Hình 16. Cúc vàng Đài Loan
Hình 17. Cúc tím lan
Hình 18. Cúc tím sen
Hình 19. Cúc trắng kim cương
27
28 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc
 LỜI NÓI ĐẦU 3
I. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY HOA CÚC 5
1.1. Thời vụ trồng 6
1.2. Chọn đất và làm đất 6
1.3. Kỹ thuật trồng 8
1.4. Tưới nước 9
1.5. Bón phân 9
1.6. Làm cỏ, vun xới 11
1.7. Bấm ngọn, tỉa mầm nhánh 12
1.8. Làm cọc, giàn 14
1.9. Điều tiết sinh trưởng, ra hoa 15
1.10. Sâu bệnh hại hoa cúc và biện pháp phòng trừ 16
1.11. Bọc, bảo vệ hoa 20
1.12. Thu hoạch, bảo quản 21
II. MỘT SỐ GIỐNG HOA CÚC HIỆN TRỒNG PHỔ BIẾN 23
 Ở VIỆT NAM 
2.1. Giống hoa cúc CN98 24
2.2. Cúc Phan vàng 24
2.3. Giống hoa cúc Phan trắng 24
2.4. Giống hoa cúc Thạch bích hồng 25
2.5. Giống hoa cúc vàng Pha lê 25
2.6. Giống hoa cúc Gấm (cúc Mâm xôi) 25
2.7. Giống hoa cúc vàng Đài Loan 26
2.8. Giống hoa cúc Tím lan 26
2.9. Giống hoa cúc Tím sen 26
2.10. Giống hoa cúc Trắng kim cương 26
MỤC LỤC
In 1.000 bản khổ 14,5 x 20,5 tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết kế Á Âu
Địa chỉ: Khu 9, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội
Giấy phép xuất bản số 30B/GB-CXBIPH do Cục Xuất bản, In và Phát hành 
cấp ngày 08/12/2017
ISBN: 978-604-9803-14-7
In xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2017
Xuất bản phẩm không bán.
KỸ THUẬT 
TRỒNG VÀ CHĂM SÓC 
CÂY hoa cúc

File đính kèm:

  • pdftai_lieu_ky_thuat_trong_va_cham_soc_cay_hoa_cuc.pdf