Vai trò của tri thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Tóm tắt: Tri thức bản địa là một thành tố văn hóa quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, được

người dân không ngừng sáng tạo, bồi đắp và trao truyền tiếp nối giữa các thế hệ thông qua hoạt động sản

xuất, ứng xử với tự nhiên và các quan hệ xã hội trong cộng đồng. Bài báo này phân tích vai trò quan trọng

của tri thức bản địa đối với cuộc sống người dân địa phương và việc kết hợp giữa tri thức bản địa với các

kiến thức khoa học công nghệ trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp cộng đồng của các dân tộc thiểu số

pdf 6 trang yennguyen 5400
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của tri thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Vai trò của tri thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Vai trò của tri thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu
TẠP CHÍ KHOA HỌC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Số 2 - Tháng 6/2017
25
VAI TRÒ CỦA TRI THỨC BẢN ĐỊA 
TRONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Vũ Văn Cương(1), Trần Thục(2)
(1)Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu
(2)Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
Ngày nhận bài 27/4/2017; ngày chuyển phản biện 11/5/2017; ngày chấp nhận đăng 14/6/2017
Tóm tắt: Tri thức bản địa là một thành tố văn hóa quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, được 
người dân không ngừng sáng tạo, bồi đắp và trao truyền tiếp nối giữa các thế hệ thông qua hoạt động sản 
xuất, ứng xử với tự nhiên và các quan hệ xã hội trong cộng đồng. Bài báo này phân tích vai trò quan trọng 
của tri thức bản địa đối với cuộc sống người dân địa phương và việc kết hợp giữa tri thức bản địa với các 
kiến thức khoa học công nghệ trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp cộng đồng của các dân tộc thiểu số.
Từ khóa: Tri thức bản địa, thích ứng, biến đổi khí hậu, dân tộc thiểu số.
1. Mở đầu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) với biểu hiện là 
sự gia tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng và 
thời tiết cực đoan, đang đe dọa nghiêm trọng 
những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và 
môi trường ở vùng ven biển, hải đảo, miền núi 
của các quốc gia. Người nghèo, người già và trẻ 
em là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi tác 
động của BĐKH. Tính từ năm 2001-2010, ở Việt 
Nam các loại thiên tai như: Bão, lũ, lũ quét, sạt 
lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các 
thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người 
và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 
người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm 
khoảng 1,5% GDP/năm [1]. Vấn đề BĐKH mang 
tính toàn cầu, để đối phó tác động của BĐKH 
đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm của tất 
cả các quốc gia ở các khu vực trên thế giới. Bên 
cạnh việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, 
Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách ứng phó 
với BĐKH. Một trong những mục tiêu của chiến 
lược quốc gia về BĐKH là xây dựng cộng đồng 
ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó đẩy mạnh 
“sử dụng kiến thức bản địa trong ứng phó với 
BĐKH, đặc biệt trong xây dựng các sinh kế mới 
theo hướng các-bon thấp” [1]. Trong khi các giải 
pháp thích ứng dựa trên cơ sở khoa học hiện đại 
chưa sẵn có hoặc khó áp dụng cho cộng đồng 
địa phương, thì tri thức bản địa là cơ sở quý giá 
cho việc phát triển các chiến lược thích ứng và 
quản lý tài nguyên thiên nhiên ở cấp cộng đồng 
để thích ứng với sự thay đổi của môi trường và 
những thay đổi khác [10]. Xa hơn nữa, nếu áp 
dụng đầy đủ tri thức bản địa kết hợp với công 
nghệ và kỹ thuật hiện đại sẽ giúp các quốc gia 
trên thế giới hàng năm tiết kiệm nguồn kinh phí 
rất lớn [8].
2. Giá trị của tri thức bản địa
Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa về tri thức 
bản địa. Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa 
của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho rằng tri thức 
bản địa là những kiến thức địa phương thuộc 
về một nền văn hóa hay xã hội cụ thể. Các tên 
khác của tri thức bản địa bao gồm: “kiến thức 
địa phương”, “tri thức dân gian” hay “khoa học 
truyền thống”. Những kiến thức này được truyền 
từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường là bằng 
cách truyền miệng và các nghi lễ văn hóa. Tri 
thức bản địa là cơ sở cho sản xuất nông nghiệp, 
chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo 
dục, bảo tồn và hàng loạt các hoạt động khác để 
duy trì bền vững xã hội [17]. 
Từ định nghĩa cho thấy, đặc trưng của tri 
thức bản địa bao gồm: (i) Tính địa phương - 
phản ánh nhận thức, hiểu biết của người dân 
về môi trường tự nhiên, hệ sinh thái ở một khu 
vực, lãnh thổ cụ thể; (ii) Tính thực tiễn - tri thức 
bản địa được rất nhiều thế hệ người dân trong 
cộng đồng hình thành đúc kết qua hàng nghìn 
năm bằng các phép thử “đúng” và “sai” trong 
26 TẠP CHÍ KHOA HỌC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Số 2 - Tháng 6/2017
các thực hành sản xuất, ứng xử với môi trường 
tự nhiên; (iii) Tính năng động cao - do sáng tạo 
trong thực tiễn cuộc sống nên tri thức bản địa 
không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để đáp 
ứng với sự thay đổi của môi trường; (iv) Tính 
truyền miệng - tri thức bản địa được lưu giữ 
trong trí nhớ, trong văn hóa, tín ngưỡng nên 
việc lưu truyền, phổ biến cho các thế hệ trong 
cộng đồng chủ yếu thông qua truyền miệng.
Khi nghiên cứu về tri thức bản địa phần lớn 
các tác giả đều chia nội dung hệ thống thông tin 
tri thức bản địa thành các nhóm chính gồm: (i) 
Tri thức bản địa trong sử dụng, bảo vệ và quản lý 
tài nguyên môi trường; (ii) Tri thức bản địa trong 
sản xuất nông nghiệp; (iii) Tri thức bản địa về 
nghề thủ công; (iv) Tri thức bản địa về chăm sóc 
sức khỏe cộng đồng; (v) Tri thức bản địa trong tổ 
chức quản lý cộng đồng [3,5]. 
Sự phát triển của khoa học hiện đại đã giúp 
nhân loại giải quyết khá thành công các vấn đề 
đói nghèo, dịch bệnh, an ninh lương thực và 
các vấn đề môi trường. Với thực tế đó, nhiều 
nghiên cứu của các học giả phương Tây đã 
không dành sự tôn trọng đúng mực đối với hệ 
thống tri thức bản địa và đề cao tuyệt đối các 
tri thức khoa học, cho rằng các tri thức khoa 
học và công nghệ có thể cung cấp câu trả lời 
cho mọi vấn đề [4]. Tuy nhiên, các quốc gia 
đang phát triển không phải lúc nào cũng có đủ 
nguồn lực, điều kiện nhằm tạo ra môi trường 
thuận lợi cho ứng dụng khoa học, công nghệ 
hiện đại để giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội và 
môi trường ở cấp quốc gia và cấp địa phương. 
Trong cuộc cách mạng xanh ở Ấn Độ giai đoạn 
1960-1970, các nhà lãnh đạo với quan điểm 
tuyệt đối hóa vai trò của tri thức phương Tây, 
đã hạ thấp hoặc thậm chí bỏ qua vai trò, giá trị 
của tri thức bản địa, không nghiên cứu đầy đủ 
yếu tố xã hội và sinh thái đặc thù; đã tiến hành 
sử dụng phân bón, các loại máy móc làm đất, 
các loại hạt giống năng suất cao. Kết quả để lại 
hậu quả nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên, 
suy giảm chất lượng đất và tình trạng thiếu hụt 
lương thực do sản xuất cây trồng không phải 
là cây lương thực [9]. Sự thiếu tôn trọng tri 
thức bản địa không chỉ xuất hiện ở các nước 
đang phát triển, mà còn có cả các quốc gia phát 
triển, một trong số đó là dự án chuyển đổi cây 
trồng ở Hoa Kỳ những năm 1940 và 1950 với 
chủ trương xóa bỏ mô hình xen canh chuyển 
sang mô hình đơn canh. Kết quả các mô hình 
đơn canh mặc dù cho năng suất cao nhưng 
gặp nhiều dịch bệnh và trên quy mô lớn dẫn 
đến việc mất trắng ở một số loại cây trồng [9]. 
Dưới áp lực của cuộc sống, quá trình đô thị hóa 
nhanh và những đánh giá thiếu khách quan đã 
làm tri thức bản địa đang dần bị mai một ngay 
trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các khu 
vực trên thế giới [8].
Một số chương trình, dự án phát triển kinh 
tế - xã hội cho vùng miền núi, vùng sâu và vùng 
xa ở Việt Nam đã không thành công như kỳ 
vọng, bởi quá trình xây dựng nội dung dự án 
chưa xem xét hết tính đa dạng văn hóa của các 
tộc người và thường chỉ đưa ra một khuân mẫu 
chung cho tất cả các dự án nên không phải lúc 
nào cũng phù hợp và thành công [14]. Một số ví 
dụ cụ thể là: Chương trình hỗ trợ máy tuốt lúa, 
máy làm đất cho người dân vùng cao đã không 
tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể điều kiện địa 
hình cư trú phân tán của người dân, địa hình sản 
xuất ruộng bậc thang độ dốc lớn, diện tích sản 
xuất các hộ gia đình nhỏ lẻ, phân tán. Do vậy khi 
được hỗ trợ máy tuốt lúa, máy làm đất, người 
dân đã rất khó di chuyển từ bản này sang bản 
khác, từ nhà ra ruộng, vì thế đã không phát huy 
hiệu quả mục tiêu hỗ trợ, thậm chí máy được hỗ 
trợ đã không được sử dụng. Một số dự án đầu 
tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 
người dân tại các bản vùng cao, vì một số lý do 
nào đó đã không tiếp thu ý kiến người dân địa 
phương trong lựa chọn nguồn nước, dẫn đến 
một số công trình hoàn thành sau thời gian bàn 
giao sử dụng đã không phát huy được mục đích 
ban đầu của dự án do nguồn nước cấp không 
ổn định. Đây là những trường hợp điển hình và 
những trả giá về kinh tế - xã hội đối với các dự 
án phát triển kinh tế - xã hội không coi trọng 
tri thức bản địa của cộng đồng nơi dự án được 
triển khai.
Lịch sử phát triển cho thấy đa số cộng đồng 
dân tộc thiểu số đều lấy tri thức bản địa làm 
công cụ, phương tiện nhận thức môi trường tự 
nhiên, xã hội và là cơ sở duy nhất để tồn tại [2]. 
Những phương thức sản xuất ruộng bậc thang, 
bảo vệ rừng bằng tín ngưỡng, các bài thuốc cổ 
TẠP CHÍ KHOA HỌC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Số 2 - Tháng 6/2017
27
truyền của cộng đồng dân tộc thiểu số là những 
bằng chứng sát thực về vai trò, giá trị to lớn của 
tri thức bản địa đang được các dân tộc lưu giữ 
và phát triển. 
3. Tri thức bản địa trong thích ứng với biến đổi 
khí hậu
Cộng đồng các dân tộc thiểu số đa phần là 
người nghèo, sinh kế chủ yếu dựa vào tự nhiên 
nên họ là những đối tượng dễ bị tổn thương 
nhất trước những tác động của BĐKH. Hơn nữa, 
khi những tác động, rủi ro xảy ra, họ cũng chính 
là chủ thể chính tự giải quyết các tổn thương, 
thiệt hại. Tuy nhiên, một số tổ chức, cộng đồng 
khoa học cho rằng tri thức bản địa không đủ 
khả năng giải quyết những thách thức phức tạp 
nổi lên từ BĐKH mà xã hội và cộng đồng đang 
phải đối mặt [11]. Chúng ta đang có cơ hội rất 
lớn để kết hợp khoa học, công nghệ với tri thức 
bản địa để đối phó với BĐKH [8], việc nâng cao 
năng lực thích ứng cho cộng đồng, cho người 
dân bằng việc sử dụng tri thức bản địa được 
coi là giải pháp nội sinh bên cạnh các giải pháp 
khoa học và công nghệ. Các giải pháp khoa học 
hiện đại đòi hỏi những điều kiện về nguồn lực, 
kinh tế, trình độ nhân lực rất lớn, đây là những 
điều kiện rất khó khăn đối với địa phương, cộng 
đồng. Sử dụng tri thức bản địa, được coi là cơ 
sở quan trọng cho việc phát triển các chiến lược 
thích ứng và quản lý tài nguyên thiên nhiên để 
đáp ứng với sự thay đổi của môi trường [10]. Vì 
vậy, cách tiếp cận thích ứng với BĐKH dựa vào 
tri thức bản địa đã được nhiều học giả nước 
ngoài quan tâm nghiên cứu ở một số khía cạnh 
như: Nhận thức và thích ứng với BĐKH của 
người dân.
Nhận thức và hiểu biết về BĐKH của người 
dân trồng táo vùng núi bang Himachal Pradesh 
vùng Tây Bắc Ấn Độ trong quá trình trồng, chăm 
sóc và thu hoạch táo đã cảm nhận, cho rằng 
năng suất táo giảm rõ rệt do những thay đổi của 
thời gian bắt đầu và kết thúc của tuyết rơi, cũng 
như lượng tuyết rơi trong năm [13]. Nông dân 
vùng Great Ruaha Catchment Area, TanZania, 
thông qua hoạt động sản xuất, đã nhận biết 
được lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng theo các 
năm, kết luận này tương đồng với số liệu quan 
trắc khí tượng thủy văn trong vùng; người dân 
còn cảm nhận được mùa mưa đến sớm hay đến 
muộn và lượng mưa một năm ít hay nhiều [14]. 
Tri thức bản địa trong đoán định thời tiết của 
người dân Makueni ở Kenya được thể hiện qua 
việc quan sát những thay đổi, di cư của động 
vật, chẳng hạn “quan sát sự di cư và hướng di cư 
của một loài chim và loài ong” báo hiệu sự khô 
hạn, hoặc quan sát tiếng kêu của côn trùng, sự 
di cư và hướng di cư của loài ong, sự biến mất 
của loài chim và sự di cư của loài chim [7].
Trong hoạt động thích ứng và giảm thiểu 
những thiệt hại do thời tiết cực đoan và thiên 
tai gây ra, người dân ở địa phương đã sử dụng 
nhiều giải pháp thích ứng bản địa khá phong phú 
chẳng hạn: Sử dụng các giống lúa, giống mạch 
sinh trưởng ngắn ngày, chống chịu khô hạn và 
trồng xen nhiều loại cây trên cùng một diện tích 
canh tác (trồng xen cây mạch, đậu tương, khoai 
tây). Cách thức này ít tốn kém nhưng hiệu quả 
khá lớn, giúp đảm bảo thu nhập trước những 
thay đổi khắc nhiệt của thời tiết [14]. Người 
dân vùng Tây Bắc Băngladesh đã áp dụng nhiều 
loại cây trồng thay vì sử dụng một hai loại cây 
trồng trên mảnh ruộng của mình; lựa chọn các 
giống cây trồng sinh trưởng và thu hoạch ngắn 
ngày để thay đổi thời gian trồng, thời gian thu 
hoạch tránh tác động của mưa lớn, lũ, và bão 
[15]. Phương án sử dụng cây trồng ngắn ngày, 
cây trồng chịu khô hạn cũng được người dân 
Shel châu Phi áp dụng để thích ứng với thời tiết 
khô hạn [6]. Giải pháp thích ứng với BĐKH của 
người nông dân ở Nigeria là chủ động sử dụng 
biện pháp đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất; 
thay đổi thời vụ trồng; sử dụng kỹ thuật canh 
tác tối thiểu; thực hành kỹ thuật nông lâm kết 
hợp [12].
Ở Việt Nam, vùng dân tộc thiểu số chiếm 
khoảng 3/4 diện tích tự nhiên, có 53 dân tộc 
thiểu số trong tổng số 54 các dân tộc của Việt 
Nam. Mỗi dân tộc thiểu số đang lưu giữ những 
nét văn hóa, truyền thống đặc sắc và hệ thống 
tri thức bản địa phong phú. Một số tri thức bản 
địa đã được sự quan tâm nghiên cứu và tiếp 
cận ở những khía cạnh khác nhau như: Tri thức 
bản địa trong quản lý tài nguyên rừng và nguồn 
nước; tri thức bản địa trong sản xuất nông 
nghiệp; tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe 
cộng đồng,...
28 TẠP CHÍ KHOA HỌC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Số 2 - Tháng 6/2017
Một điều được chấp nhận rộng rãi là BĐKH 
có thể làm cho lũ lụt và hạn hán trầm trọng hơn. 
Tri thức bản địa, vì thế, có thể được áp dụng để 
giảm thiểu những tác động bất lợi đó [3]. Một ưu 
điểm nữa là tri thức bản địa không mâu thuẫn 
với kiến thức hiện đại, mà bổ sung cho kiến thức 
hiện đại nhằm bảo đảm sự phát triển hiệu quả, 
bền vững và phù hợp với văn hóa của người dân 
địa phương [5]. Do vậy, trong thời gian gần đây, 
tri thức bản địa về ứng phó với BĐKH cũng đã 
nhận được nhiều quan tâm nghiên cứu, song 
đây là một vấn đề mới nên các nghiên cứu về 
lĩnh vực này ở Việt Nam chỉ ở bước đầu.
Đã có một số thành quả tiêu biểu trong kết 
hợp giữa tri thức bản địa với khoa học, công 
nghệ hiện đại để tạo sinh kế bền vững cho các 
cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt trong lĩnh 
vực khai thác, phát triển bền vững tài nguyên 
rừng, đảm bảo an ninh lương thực cho người 
dân trước thực trạng khô hạn, lũ lụt, cực đoan 
thời tiết do BĐKH gây ra. Một số kết quả có thể 
được kể đến, bao gồm: 
Người dân tộc Dao ở vùng cao huyện Sìn 
Hồ, Lai Châu đã thương mại hóa bài thuốc tắm 
truyền thống bằng lá thuốc được khai thác từ 
rừng tự nhiên, điều này đã làm vượt quá khả 
năng cung cấp của rừng tự nhiên. Trong ba năm 
trở lại đây, nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật 
trong nhân giống cây bằng phương pháp giâm 
cành, một số cây thuốc chính trong bài thuốc 
tắm đã được trồng tại một số hộ gia đình, qua 
đó tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển 
bền vững. Việc phát triển sản phẩm cây “Dưa 
mèo” trước đây chủ yếu là gieo trồng cho cây 
phát triển tự nhiên trong các nương ngô, vì thế 
có năng suất thấp, chất lượng không cao và 
dễ thất thu do thiên tai. Nhờ được hỗ trợ ứng 
dụng khoa học đã chuẩn hóa quy trình kỹ thuật 
bảo quản, lựa chọn giống, gieo trồng và canh 
tác nên năng suất và chất lượng được nâng 
cao và vì thế thu nhập của người dân được cao 
hơn. Sự kết hợp tri thức bản địa với khoa học 
kỹ thuật hiện đại, ngoài việc thích ứng hiệu quả 
với BĐKH, còn tạo nên những sản phẩm hàng 
hóa thương mại đặc trưng cho địa phương. 
Ví dụ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phục 
tráng giống lúa bản địa thành công như: Giống 
lúa chất lượng cao Khẩu Ký, nếp Co Giàng của 
người dân tộc thiểu số ở huyện Tân Uyên, Lai 
Châu; giống lúa Tẻ Râu của người dân tộc thiểu 
số huyện Phong Thổ, Lai Châu. Đến nay, quy 
mô diện tích của các giống lúa đặc sản bản địa 
được duy trì, mở rộng và trở thành sản phẩm 
đặc trưng của vùng.
Như vậy, việc sử dụng tri thức bản địa kết 
hợp với khoa học, công nghệ là giải pháp hiệu 
quả trong các dự án phát triển cộng đồng nói 
chung và trong các dự án thích ứng với BĐKH 
nói riêng. Ưu điểm của giải pháp này là có chi 
phí thấp do nguyên vật liệu, phương tiện có sẵn 
tại địa phương và ít phụ thuộc bên ngoài cộng 
đồng. Trong khi đó, những kiến thức hiện đại 
được du nhập từ bên ngoài thường là mới lạ 
với người dân, chi phí cao, nguồn cung thường 
không ổn định. Hơn nữa, tri thức bản địa được 
hình thành từ việc đúc kết các hoạt động thực 
tiễn, dựa trên điều kiện nguồn lực sẵn có tại địa 
phương, nên tri thức bản địa rất quen thuộc 
với phong tục, tập quán của người dân và vì thế 
người dân có thể hiểu, nắm bắt và thực hành 
kiến thức đó dễ dàng hơn.
Bên cạnh những giá trị của tri thức bản địa 
trong thích ứng với BĐKH đã nêu trên, cũng 
cần phải thừa nhận rằng tri thức bản địa không 
thể giải quyết tất cả các vấn đề và thách thức 
do BĐKH gây ra. Bởi lẽ, tri thức bản địa phản 
ánh các giá trị văn hóa và kiến thức của người 
dân địa phương trong một không gian địa lý cụ 
thể. Điều này có nghĩa rằng việc nhân rộng tri 
thức bản địa của một vùng này sang vùng khác 
cần thiết phải qua phân tích và thử nghiệm sự 
phù hợp [11]. Hơn nữa, tri thức bản địa là kinh 
nghiệm ứng phó với những cực đoan khí hậu đã 
xảy ra trong quá khứ. Trong khi đó, BĐKH có thể 
làm gia tăng cực đoan khí hậu và có những tác 
động khác chưa từng xảy ra trong quá khứ. Do 
vậy, nếu chỉ sử dụng tri thức bản địa để thích 
ứng với BĐKH là chưa đủ, mà cần thiết phải kết 
hợp tri thức bản địa với khoa học, công nghệ 
hiện đại.
4. Kết luận
BĐKH có những tác động bất lợi đến các 
ngành và các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều 
giải pháp thích ứng với BĐKH đã được ghi 
nhận và đánh giá cao. Các giải pháp được đưa 
TẠP CHÍ KHOA HỌC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Số 2 - Tháng 6/2017
29
ra phụ thuộc vào phạm vi và mức độ tác động 
của BĐKH, điều kiện và nguồn lực của từng 
lĩnh vực và từng vùng. Quá trình tồn tại, phát 
triển, các cộng đồng dân tộc thiểu số luôn sử 
dụng tri thức bản địa như là công cụ, phương 
tiện trong sản xuất, quản lý cộng đồng và ứng 
xử với môi trường tự nhiên. Đặc biệt, tri thức 
bản địa luôn được điều chỉnh, bổ sung và hoàn 
thiện khi điều kiện, hoàn cảnh môi trường thay 
đổi làm cho tri thức bản địa có giá trị lớn đối với 
thích ứng với BĐKH và xây dựng năng lực phục 
hồi cho cộng đồng. Ở cấp độ địa phương, cộng 
đồng dân tộc một trong những giải pháp để xây 
dựng một cộng đồng thích ứng hiệu quả với 
BĐKH là sử dụng tri thức bản địa của cộng đồng 
địa phương. Do vậy, trong quá trình xây dựng kế 
hoạch thích ứng với BĐKH cho cấp cộng đồng, 
cần thiết phải chú trọng đến những kinh nghiệm 
của cộng đồng; đánh giá, lựa chọn và sử dụng 
những tri thức bản địa có giá trị trong thích với 
BĐKH để làm nguồn lực nội sinh của cộng đồng; 
kết hợp kiến thức bản địa với khoa học hiện đại 
để nâng cao năng lực của cộng đồng trong thích 
ứng hiệu quả với BĐKH. 
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ Việt Nam (2011), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 
03/12/2011.
2. Đặng Văn Bài (2013), Bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu, NXB Khoa học xã hội, 
Hà Nội.
3. Hoàng Hữu Bình (2006), Những tác động của yếu tố văn hóa - xã hội trong quản lý nhà nước 
đối với tài nguyên, môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Lý luận 
chính trị.
4. Lâm Bá Nam (2010), Khai thác tri thức địa phương các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển bền vững 
- tiếp cận nhân học, Hội thảo quốc tế bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ phát triển 
bền vững, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Hoàng Xuân Tý và nnk (1998), Kiến thức bản địa của người vùng cao trong nông nghiệp và quản lý 
tài nguyên thiên nhiên, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
6. A. Nyong, F Adensina, B. Osman Elasha (2007), The value of indigenous knowledge in climate 
change mitigation and adaptation strategies in the African Sahel,Mitig Adapt Strateg Glob Change 
(2007) 12:787-797.
7. Chinwe Ifejika Speranza và nnk (2009), Indigenous knowledge related to climate variability and 
change: insights from droughts in semi-arid areas of former Makueni District, Kenya, Climate 
change (2010).
8. Clarence Alexander và nnk (2011), Linking indigenous and scientific knowledge of climate 
change,https://academic.oup.com/bioscience/article/61/6/477/225035.
9. Gupta, A (1998), Postcolonial Developments: Agriculture in the Making of modern India. Duke 
University Press.
10. IPCC (2007), Climate Change: Impacts, Adaptation and Vulnerability.
11. MoSTE (2015), Indigenous and local knowledge and practices for climate change Ris management 
in development, Ministry of Science, Technology and Environment (MoSTE), Kathmandu, Nepal.
12. Mustapha Bello, Salau E.S, O. E. Galadimal & Ali I. (2013), Knowledge, perception and adaptation 
strategies to climate change among framers of central state Nigeria, www.ccsenet.org, Sustainable 
Agriculture Research, Vol. 2, No. 3; 2013.
13. Neeraj Vedwan (2006), Culture, climate and the environment: Local knowledge and perception of 
climate change among apple growers in Northwestern India, Journal of Ecological Anthropology, 
vol.10.
14. Richar Kangalawe, Shadrack Mwakalila, Petro Masolwa (2011), Climate change impacts, local 
30 TẠP CHÍ KHOA HỌC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Số 2 - Tháng 6/2017
knowledge and coping strategies in the Great Ruaha River catchment area, Tanzania, 
SciRP.org/Journal/nr.
15. Sawon Istiak Anik, Mohammed Abu Sayed Arfin Khan (2011), Climate change adaptation through 
local knowledge in the north eastern region of Bangladesh,Mitig Adapt Strateg Glob Change (2012) 
17:879-896.
16. Scott, J. (1998), The Development of indigenous knowledge: A new applied Anthropology: Yale 
Unversity Press. 
17. UNESCO (2010), Indigenous knowledge and sustainability, 
mods/theme_c/mod11.html.
INDIGENOUS KNOWLEDGE IN ADAPTATION TO CLIMATE CHANGE
Vu Van Cuong(1), Tran Thuc(2)
(1)Department of Science and Technology of Lai Chau province
(2) Viet Nam Institute of Meteorology, Hydrology and Climate Change
Abstract: Indigenous knowledge is an important cultural component of ethnic minorities, which 
is constantly being created, enriched and handed over by generations through the production and dealing 
wits nature and social relationships in the community. This paper analyzes the importantrole of indigenous 
knowledge and the integation of indigenous knowledge with science and technology in adaptation to 
climate change at the communal level.
Keywords: Indigenous knowledge, adaptation, climate change, ethnic minorities.

File đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_tri_thuc_ban_dia_trong_thich_ung_voi_bien_doi_kh.pdf