Áp dụng mô hình quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại các trường đại học khối công nghệ ở Việt Nam

TÓM TẮT

Nguồn tài chính cho KH&CN đang là nút thắt trong quá trình phát triển

KH&CN của các trường đại học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Nghiên cứu này trình bày xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam về việc đa

dạng hóa nguồn tài trợ các hoạt động phát triển KH&CN tại các trường đại học.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nhu cầu thành lập quỹ phát triển KH&CN ở các tổ

chức giáo dục đại học Việt Nam thông qua phân tích số liệu điều tra do Hiệp hội

các trường đại học và cao đẳng Việt Nam phối hợp với trường Đại học Bách khoa

Hà Nội thực hiện. Kết quả điều tra cho thấy, hoạt động KH&CN tại các tổ chức

giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng,

nguyên nhân cản trở sự phát triển và sự cần thiết của việc thành lập quỹ phát

triển KH&CN ở các trường đại học. Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất

một số khuyến nghị để triển khai thành công mô hình quỹ KH&CN tại các trường

đại học ở Việt Nam.

pdf 6 trang yennguyen 2980
Bạn đang xem tài liệu "Áp dụng mô hình quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại các trường đại học khối công nghệ ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Áp dụng mô hình quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại các trường đại học khối công nghệ ở Việt Nam

Áp dụng mô hình quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại các trường đại học khối công nghệ ở Việt Nam
 XÃ HỘI 
 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ● Số 50. 2019 106
KINH TẾ 
ÁP DỤNG MÔ HÌNH QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ 
TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHỐI CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM 
APPLYING SCIENCE AND TECHNOLOGY DEVELOPMENT FUND IN TECHNICAL UNIVERSITIES IN VIETNAM 
Nguyễn Đăng Tuệ 
TÓM TẮT 
Nguồn tài chính cho KH&CN đang là nút thắt trong quá trình phát triển 
KH&CN của các trường đại học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. 
Nghiên cứu này trình bày xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam về việc đa 
dạng hóa nguồn tài trợ các hoạt động phát triển KH&CN tại các trường đại học. 
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nhu cầu thành lập quỹ phát triển KH&CN ở các tổ 
chức giáo dục đại học Việt Nam thông qua phân tích số liệu điều tra do Hiệp hội 
các trường đại học và cao đẳng Việt Nam phối hợp với trường Đại học Bách khoa 
Hà Nội thực hiện. Kết quả điều tra cho thấy, hoạt động KH&CN tại các tổ chức 
giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, 
nguyên nhân cản trở sự phát triển và sự cần thiết của việc thành lập quỹ phát 
triển KH&CN ở các trường đại học. Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất 
một số khuyến nghị để triển khai thành công mô hình quỹ KH&CN tại các trường 
đại học ở Việt Nam. 
Từ khóa: khoa học; công nghệ; quỹ; tài chính; trường đại học; Việt Nam 
ABSTRACT 
Financial resources are the bottleneck for science and technology 
development of universities in the world in general and in Vietnam in particular. 
This article presents the common trend in the world on the diversification of 
funding for university science and technology development. The results of this 
research indicate the need to establish science and technology development 
funds in Vietnamese higher education institutions through analysis of data 
collected by Association of Vietnam universities and colleges and Hanoi 
university of Science and Technology. The survey results show that science and 
technology activities at higher education institutions in Vietnam are currently 
under-developed, which is not commensurate with their potential. This hinders 
the setting up of the fund for science and technology development at 
universities. Based on the research results, the authors propose 
recommendations for the successful implementation of the science and 
technology fund model at universities in Vietnam. 
Keywords: science; technology; fund; finance; university; Vietnam 
Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 
E-mail: nguyendangtue@gmail.com, tue.nguyendang@hust.edu.vn 
Ngày nhận bài: 05/10/2018 
Ngày nhận bài sửa sau phản biện: 21/10/2018 
Ngày chấp nhận đăng: 05/12/2018 
CHỮ VIẾT TẮT 
KH&CN: Khoa học và công nghệ 
NCKH: Nghiên cứu khoa học 
PTCN: Phát triển công nghệ 
1. GIỚI THIỆU 
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hoạt động phát triển 
KH&CN ở các trường đại học được xem là một trong những 
yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo 
nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao 
của xã hội. Hoạt động phát triển KH&CN giúp tạo ra tri thức 
mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao 
năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ sự phát triển của 
đất nước. 
Cùng với đào tạo, nghiên cứu KH&CN là một trong hai 
nhiệm vụ chính của các trường đại học. Theo Luật KH&CN 
(2013), các loại hình tổ chức KH&CN, bao gồm: (1) các tổ 
chức NCKH và PTCN; (2) các cơ sở giáo dục đại học; và (3) 
các tổ chức dịch vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức 
trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức 
khác. Trong số 1.055 tổ chức KH&CN, nhóm tổ chức NCKH 
và PTCN chiếm 47,9%, tiếp theo là nhóm các cơ sở giáo dục 
đại học 32,0% và cuối cùng là các tổ chức dịch vụ KH&CN 
chiếm 20,1% (Cục Sở hữu trí tuệ, 2017). Về hiện trạng cán 
bộ nghiên cứu, năm 2013, theo cơ cấu tỷ lệ của vị trí hoạt 
động trong từng khu vực thì ở khu vực đại học, số cán bộ 
nghiên cứu trong tổng số cán bộ nghiên cứu của cả nước 
chiếm tỷ lệ cao nhất (49,2%) (bảng 1). 
Bảng 1. Nhân lực nghiên cứu và phát triển theo khu vực hoạt động và vị trí 
hoạt động 
(Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ, 2017) 
Cơ sở dữ liệu, tài liệu KH&CN Việt Nam tập hợp các công 
bố KH&CN từ 236 tạp chí KH&CN (chiếm 70% tổng số tạp 
chí KH&CN trong nước), tính đến hết năm 2015, đạt gần 
200.000 bài báo khoa học. Theo thống kê của Web of 
Science, giai đoạn 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của 
Việt Nam là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà 
ECONOMICS-SOCIETY 
Số 50.2019 ● Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 107
khoa học thuộc các trường đại học là 5.738 bài, chiếm trên 
50% số công bố quốc tế trong cả nước. Trong giai đoạn 
2015-2018, các tổ chức giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục 
tăng mạnh số lượng công bố quốc tế. Danh sách 10 đơn vị 
hàng đầu về công bố ISI ở Việt Nam trong giai đoạn 
1/1/2015 đến 31/5/2018 được trình bày ở bảng 2. 
Bảng 2. Dánh sách 10 đơn vị hàng đầu về công bố ISI ở Việt Nam (giai đoạn 
1/1/2015 đến 31/5/2018) 
TT Tên đơn vị Tổng số bài ISI 
1 Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 2.396 
2 Đại học Tôn Đức Thắng 1.546 
3 Đại học Quốc gia TPHCM 1.373 
4 Đại học Quốc gia Hà Nội 1.234 
5 Đại học Bách khoa Hà Nội 1.075 
6 Đại học Duy Tân 778 
7 Đại học Sư phạm Hà Nội 407 
8 Đại học Cần Thơ 394 
9 Đại học Huế 321 
10 Đại học kỹ thuật Lê Quí Đôn 250 
(Nguồn: Web of Science) 
Số lượng bằng độc quyền giải pháp hữu ích của các tổ 
chức giáo dục đại học (viện nghiên cứu và trường đại học) 
trong thời gian qua cũng tăng mạnh và đã tương đương so 
với doanh nghiệp và cá nhân. 
(Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ, 2017) 
Hình 1. Số lượng bằng độc quyền giải pháp hữu ích của người nộp đơn Việt 
Nam (2006-2016) 
Như vậy, có thể thấy cơ sở giáo dục đại học nói chung 
và các trường đại học nói riêng tuy không chiếm số lượng 
lớn nhất nhưng có vai trò quan trọng nhất cả về số lượng 
và trình độ nhân lực, sản phẩm KH&CN. Chính vì vậy, tăng 
cường nguồn lực trong đó có nguồn lực tài chính cho 
KH&CN ở các trường đại học là vấn đề cấp thiết. 
2. TỔNG QUAN VỀ NGUỒN TÀI CHÍNH CHO KH&CN Ở 
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC 
2.1. Nguồn tài chính cho khoa học công nghệ ở các tổ 
chức giáo dục đại học trên thế giới 
Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, KH&CN là động lực 
chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Những phát 
minh mới hay những ý tưởng sáng tạo độc đáo có thể tạo 
ra những ảnh hưởng tích cực làm thay đổi cuộc sống. 
Doanh nghiệp là chủ thể chính đóng góp vào những tiến 
bộ khoa học kỹ thuật song không thể phủ nhận vai trò của 
các trường đại học trong việc cung cấp, nghiên cứu những 
kiến thức cơ bản và liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp trong 
hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát minh ra những thành 
tựu mới. Để hoạt động NCKH được diễn ra thuận lợi, hiệu 
quả, các trường đại học cần nhiều nguồn kinh phí khác 
nhau. Các nguồn kinh phí này có thể từ hỗ trợ của Chính 
phủ; học phí; đóng góp của cựu sinh viên, các tổ chức phi 
chính phủ hoặc từ việc hợp tác với các doanh nghiệp trong 
và ngoài nước. 
Mỹ là quốc gia hàng đầu trên thế giới về chi cho các 
hoạt động NCKH. Trong năm 2013, Mỹ đã chi tổng cộng 
456.1 tỉ đô la, bằng với 2,7% GDP và chiếm 27% tổng chi 
cho NCKH của toàn thế giới. Chi nhiều nhất là khối doanh 
nghiệp với số tiền 322.5 tỉ đô la, chiếm 70,7%, tiếp đến là 
các trường đại học (14,2%) và chính phủ liên bang (10,9%) 
(Ủy ban Quốc gia về khoa học Mỹ, 2017). Các trường đại 
học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức 
chuyên sâu và đào tạo sinh viên trong các lĩnh vực nghiên 
cứu cơ bản. Việc cung cấp hơn 50% khối lượng nghiên cứu 
cơ bản, các trường đại học là trung tâm của quá trình tạo ra 
kiến thức mới và thúc đẩy sáng tạo. 
(Nguồn: Ủy ban Quốc gia về khoa học Mỹ, 2017) 
Hình 2. Chi cho KH&CN của các trường đại học tại Mỹ theo tỉ lệ nguồn vốn 
(1972-2014) 
(Nguồn: Cơ quan Thống kê Canada, 2018) 
Hình 3. Chi cho KH&CN của các trường đại học tại Canada (đơn vị: triệu USD) 
 XÃ HỘI 
 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ● Số 50. 2019 108
KINH TẾ 
Nguồn tài chính cho KH&CN của các trường đại học tại 
Mỹ đã có sự thay đổi trong thời gian gần đây. Mặc dù tỉ 
trọng của nguồn kinh phí từ Chính phủ Liên bang vẫn là 
lớn nhất (chiếm khoảng 58%) trong năm 2014, nhưng có xu 
hướng giảm dần (hình 2). Để bù đắp sự giảm sút này, các 
trường đại học có xu hướng tăng cường nguồn chi cho các 
hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN từ chính quỹ 
của trường. Đến năm 2014, nguồn kinh phí này chiếm 
khoảng 23% tổng chi cho các hoạt động NCKH. 
Tại Canada, hơn 54% các công trình, dự án NCKH và 
PTCN được thực hiện bởi doanh nghiệp trong năm 2014. 
Đồng thời doanh nghiệp cũng là nguồn tài trợ lớn nhất cho 
toàn bộ các hoạt động nghiên cứu. Tiếp đến là nguồn nội 
bộ của các trường đại học với tỉ lệ đóng góp vào thực hiện 
NCKH là 37%. Đây là hai chủ thể chính của hoạt động 
nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, còn có Chính phủ Liên 
bang, chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận 
song đóng góp của các đối tượng này là tương đối nhỏ. 
Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các 
trường đại học có xu hướng tăng dần qua từng năm. Tổng 
số kinh phí đầu tư đã tăng hơn gấp hai lần trong giai đoạn 
2000-2016. Quỹ của trường đóng góp tới một phần hai 
tổng chi cho NCKH và số kinh phí đầu tư này cũng có xu 
hướng tăng dần theo thời gian. Nếu trong năm 2000, số 
tiền đầu tư từ quỹ trường là 2,8 tỉ đô la thì đến năm 2015, số 
tiền này đã lên đến 6,6 tỉ đô la, tương đương mức tăng trên 
230%. Trong khi đó, Chính phủ Canada trong những năm 
gần đây đang có xu hướng giảm dần đầu tư cho nghiên 
cứu tại các trường đại học và chỉ chiếm khoảng 25% tổng 
chi cho NCKH. Các nguồn khác như từ doanh nghiệp, chính 
quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và nước ngoài, 
tỷ lệ thay đổi không nhiều, dao động trong khoảng từ 6-8% 
tổng chi. 
Tại các nước đang phát triển, việc tài trợ của chính phủ 
vào kết quả nghiên cứu với mục tiêu giúp các trường đại 
học trở nên cạnh tranh hơn trong việc nâng cao nguồn 
kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy 
(Ahmad và cộng sự, 2012). Chính vì vậy, các trường đại học 
nghiên cứu tại các quốc gia này phải đa dạng hóa nguồn 
tài trợ cho hoạt động KH&CN từ các nguồn khác nhau thay 
vì chỉ phụ thuộc vào chính phủ. Amran và cộng sự (2014), 
phân tích nguồn tài chính cho NCKH của 05 trường đại học 
nghiên cứu tại Malaysia bằng cách chia nguồn kinh phí cho 
các trường này thành ba nguồn: chính phủ, các tổ chức - 
công ty tư nhân và các nguồn khác. Trong vòng 05 năm, từ 
2006 đến 2011, nguồn tài trợ từ chính phủ giữ ở mức cao 
(chiếm khoảng 70-90% ngân sách của các trường), chỉ có 
một trong số năm trường là có nguồn tài trợ từ doanh 
nghiệp lớn hơn chính phủ. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau 
đó, nguồn tài trợ cho nghiên cứu đến từ các nguồn khác 
tăng lên, chiếm hơn 50%. 
Như vậy, có thể thấy xu hướng chung trên toàn thế giới 
là các trường đại học ngày càng tăng cường nguồn chi cho 
các hoạt động NCKH và PTCN, góp phần nâng cao vị thế 
của các trường trong hệ thống nghiên cứu và sáng tạo của 
thế giới. Chính phủ vẫn là nguồn tài trợ lớn nhất cho các 
hoạt động NCKH của các trường, tuy nhiên tỷ lệ nguồn tài 
trợ này đang có dấu hiệu suy giảm qua từng năm. Chính 
phủ các nước đang có xu hướng cắt giảm nguồn kinh phí 
cố định hàng năm cho các trường, thay vào đó là cơ chế tài 
trợ theo năng suất và mức độ hiệu quả sử dụng nguồn kinh 
phí của các trường. Do sự sụt giảm từ nguồn tài trợ quan 
trọng nhất, hoạt động NCKH của các trường đang đứng 
trước yêu cầu phải tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế thông 
qua việc tự xây dựng quỹ phát triển KH&CN và huy động hỗ 
trợ, đặt hàng của doanh nghiệp. 
2.2. Nguồn tài trợ KH&CN cho các trường đại học ở 
Việt Nam 
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-
2015, tổng chi Ngân sách Nhà nước cho KH&CN là 69.592 tỷ 
đồng, tương đương 2% tổng chi ngân sách. Trong đó, chi 
đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng chỉ chiếm 44%, chi sự 
nghiệp là 38.793 tỷ đồng, chiếm 56%. Giai đoạn 2016-2018, 
chi Ngân sách Nhà nước cho KH&CN được đảm bảo ở mức 
2% tổng chi Ngân sách Nhà nước. Trong đó, cơ cấu chi đầu 
tư phát triển/ kinh phí sự nghiệp KH&CN vẫn theo tỷ lệ 
40/60. Cùng với xu hướng chung trên thế giới, nguồn tài 
trợ từ nhà nước dành cho hoạt động KH&CN không những 
không tăng lên mà ngày càng bị thu hẹp. Do đó, các trường 
đại học cần đa dạng hóa nguồn tài trợ cho KH&CN và áp 
dụng các mô hình quản lý tài chính mới như quỹ KH&CN để 
thu hút nguồn lực. Một số trường đại học có quỹ phát triển 
KH&CN như: Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia 
Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng đều là 
những trường đại học đứng đầu về công bố ISI ở Việt Nam 
trong giai đoạn 1/1/2015 đến 31/5/2018 (Bảng 2). 
Các vấn đề về tài chính cho KH&CN và mô hình quỹ 
KH&CN nói riêng đã được đề cập trong một số nghiên cứu 
trước đây như tổng hợp khung pháp lý chung cho hoạt 
động của các quỹ, phân tích ưu nhược điểm của mỗi loại 
quỹ, chỉ ra các trở ngại đối với các tổ chức học thuật và 
doanh nghiệp trong việc khai thác các nguồn tài chính từ 
các quỹ đó, đưa ra gợi ý về cách thức mà các tổ chức học 
thuật và doanh nghiệp có thể áp dụng để phát triển các 
hoạt động nghiên cứu chung cũng như những sửa đổi 
pháp lý cần thiết để tạo điều kiện cho hoạt động phối hợp 
giữa các tổ chức học thuật và doanh nghiệp trong việc khai 
thác nguồn quỹ (Nguyễn Đăng Tuệ, 2016), chỉ ra các loại 
quỹ KH&CN hiện nay của Việt Nam, kinh nghiệm phát triển 
quỹ phát triển KH&CN của các trường đại học nước ngoài, 
từ đó đưa ra đề xuất khai thác quỹ phát triển KH&CN nhằm 
tăng cường sự tự chủ về hoạt động KH&CN cho các trường 
đại học ở Việt Nam (Tuệ và Linh, 2017). Tuy nhiên, trong số 
các nghiên cứu trước đây, chưa có nghiên cứu nào xem xét 
các vấn đề tài chính cho KH&CN dưới góc nhìn của các cán 
bộ quản lý và giảng viên để trả lời câu hỏi những yếu tố 
nào đang cản trở hoạt động KH&CN tại các trường đại học 
ở Việt Nam. 
ECONOMICS-SOCIETY 
Số 50.2019 ● Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 109
Bảng 3. Kết quả điều tra khảo sát giảng viên về nguồn tài chính cho KH&CN 
Hoàn toàn 
đồng ý Đồng ý 
Trung 
lập 
Không 
đồng ý 
Hoàn toàn 
không đồng ý 
Nguồn kinh phí được cấp từ trường không đủ để thực hiện tốt các dự án NCKH và PTCN 362 44 5 4 0 87,2% 10,6% 1,2% 1,0% 0,0% 
Trường thiếu cơ quan làm đầu mối đề huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn bên trong 
và ngoài trường dành cho hoạt động NCKH và PTCN 
338 51 23 3 0 
81,4% 12,3% 5,5% 0,7% 0,0% 
Thiếu hụt tài chính là yếu tố cản trở lớn nhất trong thực hiện các hoạt động NCKH và PTCN 
tại trường 
352 46 14 2 1 
84,8% 11,1% 3,4% 0,5% 0,2% 
Cần xây dựng một quỹ tập trung dành cho hoạt động NCKH và PTCN của trường 74 275 66 0 0 17,8% 66,3% 15,9% 0,0% 0,0% 
Kết quả NCKH và PTCN đạt được mục tiêu do Trường đề ra 29 46 49 291 0 7,0% 11,1% 11,8% 70,1% 0,0% 
Kết quả NCKH và PTCN phù hợp với năng lực của Trường 50 54 311 0 0 12,0% 13,0% 74,9% 0,0% 0,0% 
Số lượng sản phẩm khoa học có chất lượng tốt được trường công bố trong 5 năm vừa qua có 
xu hướng tăng lên 
53 47 56 259 0 
12,8% 11,3% 13,5% 62,4% 0,0% 
Các sản phẩm từ hoạt động NCKH và PTCN của trường được ứng dụng tốt trong thực tế 0 88 65 262 0 0,0% 21,2% 15,7% 63,1% 0,0% 
Dự án NCKH và PTCN của giảng viên không thực hiện được do không nhận được nguồn kinh 
phí hỗ trợ từ Trường 
183 126 82 22 2 
44,1% 30,4% 19,8% 5,3% 0,5% 
Giảng viên thiếu kinh phí cho NCKH 182 163 65 5 0 43,9% 39,3% 15,7% 1,2% 0,0% 
Ít nguồn tài trợ đối với lĩnh vực nghiên cứu đang theo đuổi của các giảng viên 208 109 71 27 0 50,1% 26,3% 17,1% 6,5% 0,0% 
Giảng viên khó tiếp cận với các nguồn tài trợ cho NCKH và PTCN 189 123 75 28 0 45,5% 29,6% 18,1% 6,7% 0,0% 
3. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 
 Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, một cuộc điều tra 
khảo sát về vai trò của quỹ phát triển KH&CN đã được thực 
hiện với sự kết hợp giữa Ban Khoa học và dịch vụ với Hiệp 
hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Khảo sát 
được tiến hành từ ngày 16/5 đến 25/6/2018, với 115 đại học 
có đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ ở Việt Nam 
và chưa có quỹ phát triển KH&CN. Khảo sát được thực hiện 
thông qua hai hình thức: khảo sát trực tiếp và gửi bảng hỏi 
qua thư điện tử và thư tín. Đối tượng khảo sát gồm nhóm 
các nhà quản lý và nhóm cán bộ giảng viên. Bảng khảo sát 
được thiết kế gồm phần câu hỏi chung và phần câu hỏi 
riêng cho cả hai nhóm đối tượng. Phần câu hỏi chung gồm: 
thông tin cá nhân, số lượng đơn vị liên quan đến quy trình 
thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN, chi 
cho các hoạt động này trong tổng ngân sách hàng năm của 
trường. Phần câu hỏi riêng cho cán bộ quản lý gồm 37 câu 
hỏi yêu cầu đánh giá đối với các nhận định về hoạt động 
nghiên cứu và phát triển KH&CN của trường. Các câu hỏi 
đánh giá đối với cả hai nhóm đối tượng được xây dựng 
theo thang đo Likert 5 mức độ. Bảng hỏi được xây dựng 
trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trước đây có liên quan 
đến các hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN tại 
trường đại học. 
Khảo sát trực tiếp được thực hiện thông qua Hội thảo 
khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh 
tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 
16/5/2018. Các đối tượng liên quan đến nghiên cứu được 
xác định khi đăng ký danh sách đại biểu và được phát bảng 
hỏi kèm theo tài liệu hội thảo, yêu cầu gửi lại cho Ban Tổ 
chức ngay trong ngày tổ chức Hội thảo. Đối với các trường 
đại học không tham dự Hội thảo, phiếu khảo sát được gửi 
tới nhà quản lý và cán bộ giảng viên thông qua Hiệp hội 
các trường đại học và cao đẳng Việt Nam từ ngày 
17/5/2018. Việc thu thập phiếu khảo sát thông qua kênh 
này được thực hiện cho đến ngày 25/6/2018. 
Nhóm nghiên cứu gửi và phát từ 2-3 phiếu khảo sát đối 
với cán bộ quản lý, từ 4-6 phiếu đối với cán bộ giảng viên. 
Tổng số phiếu khảo sát phát ra đối với cán bộ quản lý là 
252, thu về 227, số phiếu đầy đủ thông tin và sử dụng được 
cho nghiên cứu là 217 (chiếm tỷ lệ 86,1%). Tổng số phiếu 
khảo sát phát ra đối với cán bộ giảng viên là 585, số phiếu 
thu về là 468, số phiếu đầy đủ thông tin và sử dụng được 
cho nghiên cứu là 415 (chiếm tỷ lệ 70,9%). 
4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 
Kết quả điều tra được trình bày chi tiết ở bảng 3 và bảng 
4 đã cho thấy: 
Với câu hỏi về việc khai thác nguồn tài trợ hiện có của 
trường để thực hiện các hoạt động NCKH và PTCN, khoảng 
75% giảng viên được hỏi cho biết, dự án NCKH và PTCN của 
họ không thực hiện được do không nhận được nguồn kinh 
phí hỗ trợ từ trường; 84% cho biết họ thiếu kinh phí cho 
 XÃ HỘI 
 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ● Số 50. 2019 110
KINH TẾ 
NCKH; 76% trả lời họ có ít nguồn tài trợ đối với lĩnh vực 
nghiên cứu mà họ đang theo đuổi; và khoảng 76% phản 
ánh rằng họ khó tiếp cận với các nguồn tài trợ cho NCKH và 
PTCN. 
Với câu hỏi về kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN, 
chỉ có 18% giảng viên được hỏi cho rằng kết quả nghiên 
cứu đã đạt được mục tiêu do trường đề ra, tỷ lệ này ở cán 
bộ quản lý là khoảng 16% (6.9% hoàn toàn đồng ý và 9.2% 
đồng ý). Đối với câu hỏi kết quả nghiên cứu và phát triển 
KH&CN phù hợp với năng lực của trường hay không, chỉ có 
25% giảng viên được hỏi đồng ý (12% hoàn toàn đồng ý và 
13% đồng ý). 
Về số lượng sản phẩm khoa học có chất lượng tốt được 
trường công bố trong 5 năm vừa qua, có xu hướng tăng lên, 
có tới 62.4% số giảng viên được hỏi không đồng ý. Tuy 
nhiên, đối với nhà quản lý lại có tới 100% đồng ý với ý kiến 
này. Tương tự, 25% nhà quản lý các trường được hỏi cho 
rằng các sản phẩm từ hoạt động NCKH và PTCN của trường 
được ứng dụng tốt trong thực tế, phần còn lại đưa ra ý kiến 
trung lập. Ngược lại, có tới 63.1% giảng viên được hỏi 
không đồng ý với ý kiến này. Điều này cho thấy, có sự nhìn 
nhận khác nhau giữa nhà quản lý và giảng viên về chất 
lượng và khả năng ứng dụng các sản phẩm NCKH và PTCN. 
Như vậy, có thể thấy việc thực hiện hoạt động NCKH và 
PTCN chưa được thực hiện tương xứng với tiềm năng, mục 
tiêu của trường đặt ra; bên cạnh đó, còn có sự nhìn nhận 
khác nhau về kết quả của hoạt động này. 
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao kết quả NCKH chưa 
tương xứng với năng lực và mục tiêu của tổ chức giáo dục 
đại học, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các hỏi liên quan đến 
nguồn kinh phí KH&CN của các trường đại học. Đa số giảng 
viên được hỏi đều đồng ý rằng hiện nay nguồn kinh phí 
được cấp từ trường không đủ để thực hiện tốt các dự án 
nghiên cứu và phát triển KH&CN. Tương tự, khoảng 95% 
cán bộ quản lý được hỏi đồng ý với ý kiến này. Điều này 
cho thấy, nguồn kinh phí cho NCKH và PTCN ở các trường 
đại học khối kỹ thuật hiện nay còn khá hạn hẹp, không đủ 
để giảng viên và nhà khoa học thực hiện tốt các dự án 
nghiên cứu. Điều này đồng nghĩa với việc cần huy động 
thêm các nguồn lực tài chính từ bên ngoài trường để thực 
hiện các hoạt động KH&CN. Cán bộ quản lý và giảng viên 
được hỏi đa số đều cho rằng thiếu hụt tài chính là yếu tố 
cản trở lớn nhất trong quá trình thực hiện các hoạt động 
NCKH và PTCN của trường. 
Đối với vấn đề cơ quan làm đầu mối để huy động nguồn 
lực tài chính cho KH&CN, trên 90% ý kiến của giảng viên và 
cán bộ quản lý đều đồng ý với nhận định trường thiếu cơ 
quan làm đầu mối đề huy động nguồn lực tài chính từ cả 
bên trong và bên ngoài trường dành cho hoạt động nghiên 
cứu và phát triển KH&CN. 84% giảng viên và 75% cán bộ 
quản lý được hỏi đều nhất trí về việc cần xây dựng một quỹ 
tập trung dành cho hoạt động NCKH và PTCN của trường. 
Kết quả phỏng vấn sâu đã cho biết thêm lý do một số cán 
bộ quản lý giữ ý kiến trung lập đối với câu hỏi này, họ lo 
lắng chức năng của quỹ phát triển KH&CN có thể trùng lặp 
với chức năng của phòng KH&CN của trường. 
5. KHUYẾN NGHỊ 
Hoạt động huy động và quản lý nguồn lực tài chính cho 
phát triển KH&CN ở các trường đại học hiện nay đang gặp 
phải những khó khăn như nguồn vốn dựa quá nhiều vào 
nguồn Ngân sách Nhà nước, kinh phí phát triển KH&CN nếu 
không sử dụng hết cho một hoạt động nghiên cứu sẽ 
không được điều chuyển sang các dự án khác, không tạo ra 
một đầu mối chung để đơn giản hoá các quy trình, chưa 
tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học cũng như thu 
hút nguồn lực của các bên quan tâm (Tuệ và Linh, 2017). 
Kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy, việc có một quỹ phát 
triển KH&CN tập trung có thể tối ưu hóa hoạt động huy 
Bảng 4. Kết quả điều tra khảo sát cán bộ quản lý về nguồn tài chính cho KH&CN 
Hoàn toàn 
đồng ý 
Đồng ý Trung 
lập 
Không 
đồng ý 
Hoàn toàn không 
đồng ý 
Nguồn kinh phí được cấp từ trường không đủ để thực hiện tốt các dự án 
NCKH và PTCN 
172 34 6 3 2 
79,3% 15,7% 2,8% 1,4% 0,9% 
Trường thiếu cơ quan làm đầu mối đề huy động nguồn lực tài chính từ các 
nguồn bên trong và ngoài trường dành cho hoạt động NCKH và PTCN 
163 39 9 4 2 
75,1% 18,0% 4,1% 1,8% 0,9% 
Thiếu hụt tài chính là yếu tố cản trở lớn nhất trong thực hiện các hoạt động 
NCKH và PTCN tại trường 
159 43 14 1 0 
73,3% 19,8% 6,5% 0,5% 0,0% 
Cần xây dựng một quỹ tập trung dành cho hoạt động NCKH và PTCN của 
trường 
61 101 55 0 0 
28,1% 46,5% 25,3% 0,0% 0,0% 
Kết quả NCKH và PTCN đạt được mục tiêu do Trường đề ra 15 20 182 0 0 6,9% 9,2% 83,9% 0,0% 0,0% 
Kết quả NCKH và PTCN phù hợp với năng lực của Trường 33 33 151 0 0 15,2% 15,2% 69,6% 0,0% 0,0% 
Số lượng sản phẩm khoa học có chất lượng tốt được trường công bố trong 5 
năm vừa qua có xu hướng tăng lên 
29 188 0 0 0 
13,4% 86,6% 0,0% 0,0% 0,0% 
Các sản phẩm từ hoạt động NCKH và PTCN của trường được ứng dụng tốt 
trong thực tế 
24 31 162 0 0 
11,1% 14,3% 74,7% 0,0% 0,0% 
ECONOMICS-SOCIETY 
Số 50.2019 ● Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 111
động và quản lý nguồn lực tài chính cho hoạt động phát 
triển KH&CN. Trên cơ sở đó, tác giả khuyến nghị một mô 
hình quỹ phát triển KH&CN cho các trường đại học khối 
ngành công nghệ ở Việt Nam cụ thể như sau: 
Mục tiêu của quỹ cần hướng tới khai thác nguồn hỗ trợ 
của Ngân sách Nhà nước và giữ lại từ hoạt động của 
trường, đồng thời tập trung thu hút nguồn lực đa dạng từ 
doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài, đảm bảo đủ nguồn lực 
để giảng viên có thể thực hiện các hoạt động KH&CN mà 
họ theo đuổi. Quỹ đóng vai trò là đầu mối, tập trung nguồn 
lực đồng thời hỗ trợ cho giảng viên trong việc tiếp cận các 
nguồn lực tài chính từ cả bên trong và bên ngoài trường. 
Cơ cấu tổ chức của quỹ, kết quả nghiên cứu đã cho thấy 
một bộ phận cán bộ quản lý còn ngần ngại về chức năng 
nhiệm vụ của quỹ trùng lặp với các phòng ban. Do vậy, cần 
tổ chức và xác định nhiệm vụ của quỹ một cách rõ ràng, 
đảm bảo không trùng lặp với nhiệm vụ theo nguyên tắc 
tập trung nguồn lực KH&CN về một đầu mối. 
Xác lập cơ chế tài chính của quỹ phù hợp với quy định 
của Nhà nước và sự thay đổi cơ chế của nhà trường. Cơ chế 
tài chính của quỹ cần xác định rõ việc xử lý đối với phần tồn 
dư quỹ và các phương thức thực hiện đầu tư như gửi tiết 
kiệm ngân hàng thương mại, đầu tư chứng khoán, đầu tư 
khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, góp vốn liên kết để duy trì 
và phát triển quy mô quỹ. Đa dạng hóa nguồn đóng góp 
vào quỹ. Đưa ra cơ chế rõ ràng để các tổ chức, doanh 
nghiệp đều có thể đầu tư và được hưởng lợi từ quỹ. 
Sử dụng quỹ nên chia thành hai mảng: hoạt động liên 
quan đến đầu tư phát triển vốn của quỹ và hoạt động liên 
quan đến tài trợ cho các hoạt động KH&CN. (i) Việc đầu tư 
và việc sử dụng quỹ vào các hoạt động KH&CN cần được 
quản lý tách biệt. Hoạt động đầu tư cần đạt được mức tỷ 
suất sinh lời nhất định (cao hơn hoặc tương đương lãi suất 
ngân hàng) để đảm bảo quỹ có thể tồn tại và phát triển sau 
khi chi cho vận hành, chi cho các hoạt động và dự tính 
trượt giá do lạm phát. (ii) Hoạt động tài trợ cho các hoạt 
động NCKH và PTCN cần cân đối với mức sinh lời kỳ vọng 
để đảm bảo quy mô của quỹ không bị thu hẹp. Việc phê 
duyệt và đánh giá các dự án nghiên cứu cần được thực hiện 
khách quan, phản ánh sự nhìn nhận về hiệu quả từ nhà 
quản lý và sự đóng góp vào xã hội từ phía các nhà nghiên 
cứu. Kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy, hiện nay việc 
ứng dụng kết quả NCKH và PTCN còn hạn chế. Điều này cần 
được cải thiện thông qua việc xây dựng các tiêu chí tài trợ 
quỹ rõ ràng, nhấn mạnh vào khả năng ứng dụng thực tế. 
Cơ chế phối hợp của quỹ với các tổ chức khác, kết quả 
nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, giảng viên khó tiếp cận với 
các nguồn tài trợ cho NCKH và PTCN và sự hạn hẹp của 
nguồn tài trợ. Chính vì vậy, quỹ phát triển KH&CN muốn 
phát huy tối đa hiệu quả, cần phối hợp chặt chẽ với các đầu 
mối KH&CN khác trong trường. Các trường đại học công 
nghệ có thể thành lập ra các tổ chức trung gian về KH&CN 
hoặc tích hợp các chức năng trung gian này với chức năng 
của quỹ phát triển KH&CN. Các tổ chức trung gian thực hiện 
chức năng làm cầu nối giữa nhà khoa học với khách hàng 
KH&CN, giúp các nhà khoa học giảm rủi ro trong quá trình 
triển khai đề tài. Dưới góc độ vận hành quỹ KH&CN, việc có 
được sự phối hợp với các tổ chức trung gian sẽ giúp việc 
giải ngân quỹ thuận lợi hơn do các tổ chức này có thể độc 
lập với quỹ và linh hoạt hơn trong việc tương tác với các tổ 
chức bên ngoài. 
6. KẾT LUẬN 
Nghiên cứu này đã chỉ ra xu hướng chung trên thế giới 
và Việt Nam về việc đa dạng hóa nguồn quỹ cho hoạt động 
phát triển KH&CN tại các trường đại học, phân tích sự cần 
thiết của quỹ phát triển KH&CN ở trường đại học Việt Nam. 
Kết quả nghiên cứu cho thấy các trường đại học ở Việt Nam 
hiện nay chưa phát triển hoạt động KH&CN tương xứng với 
tiềm năng của mình và sự cấp thiết của việc thành lập các 
quỹ phát triển KH&CN. 
LỜI CẢM ƠN 
Bài báo này công bố một phần kết quả của đề tài NCKH 
công nghệ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, mã số B2017-BKA-
41 đã được triển khai thực hiện tại trường Đại học Bách 
khoa Hà Nội./. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Cục sở hữu trí tuệ, (2017). Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ 
2016. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. 
2. Ủy ban quốc gia về khoa học Mỹ, (2017). Các chỉ tiêu KH&CN Mỹ năm 
2016. Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, New York. 
3. Cơ quan thống kê Canada, (2018). Provincial estimates of research and 
development expenditures in the higher education sector, by funding sector and 
type of science. Statistics Canada, Canada. 
4. Ahmad, A. R., Farley, A. and Naidoo, M., (2012). The Study of 
Government-university Relationship in Malaysian Higher Education System. 
International Education Studies, 5 (5): 25-34. 
5. Amran, F. H., Rahman, I. K., Salleh, K., Ahmad, S. N. and Haron, N. H., 
(2014). Funding Trends of Research Universities in Malaysia. International 
Conference on Accounting Studies 2014, ICAS 2014 Kuala Lumpur, Malaysia: 
Procedia - Social and Behavioral Sciences, pp. 126-134. 
6. Nguyễn Đăng Tuệ, (2016). Legal issues concerning academic-industry 
collaboration in exploiting research funds. ICECH2016 - International Conference 
on Emerging Challenges: Partnership Enhancement, Nhà xuất bản trường Đại học 
Bách khoa Hà Nội, trang 91-99. 
7. Nguyễn Đăng Tuệ và Hứa Phương Linh, (2017). Mô hình quỹ khoa học 
công nghệ với sự tự chủ tài chính trong hoạt động nghiên cứu của các trường đại 
học công nghệ. Hội thảo Quốc gia Tự chủ đại học - Cơ hội và thách thức, Nhà xuất 
bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, trang 112-127. 

File đính kèm:

  • pdfap_dung_mo_hinh_quy_phat_trien_khoa_hoc_va_cong_nghe_tai_cac.pdf