Chợ nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn địa lý

TÓM TẮT

Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: lịch

sử hình thành, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành, sự thay đổi không gian, hiện trạng mạng

lưới, đặc điểm, vai trò, hạn chế, những thách thức và sự thay đổi trong hoạt động mua bán

pdf 14 trang yennguyen 4100
Bạn đang xem tài liệu "Chợ nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn địa lý", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chợ nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn địa lý

Chợ nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn địa lý
 TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH 
TẠP CHÍ KHOA HỌC 
HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION
JOURNAL OF SCIENCE
ISSN: 
1859-3100 
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN 
Tập 15, Số 2 (2018): 111-124 
SOCIAL SCIENCES AND HUMANITIES
Vol. 15, No. 2 (2018): 111-124
 Email: tapchikhoahoc@hcmue.edu.vn; Website:  
111 
CHỢ NỔI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG 
DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA LÍ 
Nguyễn Trọng Nhân 
Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ 
Ngày nhận bài: 19-12-2017; ngày nhận bài sửa: 08-01-2018; ngày duyệt đăng: 23-02-2018 
TÓM TẮT 
Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: lịch 
sử hình thành, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành, sự thay đổi không gian, hiện trạng mạng 
lưới, đặc điểm, vai trò, hạn chế, những thách thức và sự thay đổi trong hoạt động mua bán. 
Từ khóa: chợ nổi, đồng bằng sông Cửu Long, du lịch chợ nổi. 
ABSTRACT 
Floating markets in the Mekong Delta of Vietnam from the perspective of Geography 
 The paper expresses the study results of floating markets in the Mekong Delta of Vietnam 
including formation history, formation affect factors, spacial changes, network status, features, 
roles, weakness, threats and trade activity changes. 
Keywords: floating market, the Mekong Delta of Vietnam, floating market tourism. 
1. Giới thiệu 
Thời gian gần đây, nhiều địa phương nhận thấy tầm quan trọng của chợ nổi đối với 
kinh tế, xã hội, văn hóa nên đã chú ý nhiều hơn đến công tác bảo tồn và khai thác nó. Đây 
là một động thái tích cực, thể hiện trách nhiệm của các nhà quản lí đối với sinh kế của 
người dân và tính toàn vẹn của di sản văn hóa trong cả hiện tại và tương lai. Trước đây, do 
ít có thông tin về hình thức thương mại này nên địa phương đã có những quyết định chưa 
thật sự phù hợp và trong một số trường hợp đã để lại những tiếc nuối. Trên thế giới, nhiều 
quốc gia rất xem trọng việc bảo lưu những giá trị văn hóa cổ, chợ nổi cũng có thể được xếp 
vào nhóm chợ cổ nên cần phải được duy trì. 
Mặc dù có những thế mạnh (ghe xuồng tập trung mua bán tương đối đông đúc, hoạt 
động đi lại, mua bán, sinh hoạt của người dân còn giữ được tính chân thực) nhưng chợ nổi 
ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam lâu nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng 
mức. Ở Thái Lan, do sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ cùng mạng lưới chợ 
trên bờ, nhiều chợ nổi đã mất đi, sau đó chúng lại được tái tạo và thu hút nhiều du khách 
cũng nhờ vào sự đầu tư tương xứng về tài chính, công sức và trí tuệ. 
 Email: trongnhan@ctu.edu.vn 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 15, Số 2 (2018): 111-124 
112 
Với kì vọng góp thêm sự hiểu biết đối với hình thức mua bán vốn được xem là đặc 
trưng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đồng thời, cung cấp cơ sở thực tiễn 
cho kế hoạch bảo tồn và khai thác chợ nổi trong du lịch, chúng tôi thực hiện nghiên cứu 
này. Kết quả nghiên cứu là sản phẩm của quá trình khảo sát thực tế, phỏng vấn cư dân 
thương hồ, trao đổi, chuyện trò với người dân địa phương và tham khảo nguồn dữ liệu thứ 
cấp. Các nội dung nghiên cứu bao gồm: lịch sử hình thành, các nhân tố ảnh hưởng đến sự 
hình thành, sự thay đổi không gian, hiện trạng mạng lưới, đặc điểm, vai trò, hạn chế, 
những thách thức và sự thay đổi trong hoạt động mua bán của chợ nổi. Để có thái độ ứng 
xử phù hợp với chợ nổi, rất cần sự hiểu biết đầy đủ về nó. 
2. Phương pháp nghiên cứu 
Kết quả của nghiên cứu này dựa trên hai nguồn dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. Nguồn dữ 
liệu thứ cấp là các ấn phẩm dưới dạng sách, tạp chí khoa học, kỉ yếu hội thảo khoa học. Dữ 
liệu sơ cấp được chúng tôi thu thập bằng phương pháp quan sát thực tế và phỏng vấn bán 
cấu trúc. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi quan sát các chợ nổi Cái Bè, Trà Ôn, Cái 
Răng, Phong Điền, Long Xuyên, Châu Đốc, Ba Ngàn, Ngã Năm, Vĩnh Thuận, Cà Mau và 
Cái Nước 4 lần (lần 1 vào các tháng 4, 5, 7 và 9 năm 2015; lần 2 vào tháng 12/2016; lần 3 
và 4 vào tháng 4 và 8 năm 2017, tương ứng); thực hiện chuyến tham quan ở chợ nổi 
Amphawa, Damnoen Saduak và Taling Chan của Thái Lan từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 7 
năm 2017. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phỏng vấn 80 người dân mua bán trên sông và trao 
đổi, chuyện trò với nhiều người dân sinh sống gần chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. 
3. Kết quả nghiên cứu 
3.1. Lịch sử hình thành chợ nổi 
Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long ra đời một cách tự nhiên từ hoạt động đi lại và 
mua bán trên sông của người dân. Vì lẽ đó, năm ra đời cụ thể của từng chợ nổi chưa được 
tài liệu nào ghi chép lại. Để truy tìm thời gian ra đời của nó, chúng tôi phải tra cứu tài liệu 
và tham vấn nhiều người dân địa phương cũng như cư dân thương hồ. 
Theo Lâm Nhân (2015, tr.384), chợ nổi Cái Bè ra đời vào cuối thế kỉ XVIII. Đầu thế 
kỉ XIX, đoạn nối sông Cần Thơ với sông Cái Lớn từ cuối đông qua xuân nước cạn, bùn 
nhão cạn lấp, từ hạ qua đông nước mưa tràn ngập cả bến bờ, ghe thuyền cưỡi lên cỏ, lướt 
trên lục bình mà đi, ở đây vắng ngắt, hai bên sông là rừng rậm, không có dân cư, lại có 
nhiều ruồi muỗi và đỉa khiến người qua lại rất khổ sở (Trịnh Hoài Đức, 2005, tr.85). Tình 
trạng đi lại khó khăn này kéo dài cho đến khi kênh xáng Xà No được hoàn thành vào tháng 
7 năm 1903. Do đó, chợ nổi Cái Răng không thể được hình thành trước năm 1903. Chúng 
tôi cho rằng, chợ nổi Cái Răng được hình thành vào đầu thế kỉ XX sau khi luồng lưu thông 
giữa sông Cần Thơ với rạch Cái Tư và sông Cái Lớn thuận tiện. 
Trong khoảng thời gian 1906-1908, thực dân Pháp cho đào nhiều con kênh ở vùng 
Hậu Giang để hình thành nên Ngã Bảy và Ngã Năm (Sơn Nam, 2005b, tr.116). Sau năm 
1908, Ngã Bảy và Ngã Năm trở thành đầu mối quan trọng về đường thủy nối bán đảo Cà 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Nhân 
113 
Mau với sông Hậu, sông Tiền và thậm chí cả Sài Gòn. Nhà vựa cá, trại cưa, trại xuồng, 
chành lúa, nhà máy xay, cửa hiệu mọc lên nhanh chóng (Sơn Nam, 2005b, tr.121). Sau 
khi điều kiện giao thông đã thuận lợi, phố xá mọc lên đông đúc thì chợ nổi mới có thể ra 
đời. Do đó, chúng tôi cho rằng, chợ nổi Ngã Bảy và Ngã Năm được hình thành vào đầu thế 
kỉ XX. 
Theo người dân địa phương và những người mua bán trên sông, chợ nổi Trà Ôn 
được hình thành vào đầu thế kỉ XX; chợ nổi Cà Mau, Phong Điền, Long Xuyên, Châu Đốc 
ra đời vào thập niên 70 của thế kỉ XX; chợ nổi Cái Nước được hình thành vào thập niên 80 
của thế kỉ XX; chợ nổi Vĩnh Thuận ra đời vào thập niên 90 của thế kỉ XX. 
Như vậy, có thể điểm qua một số nét về lịch sử hình thành chợ nổi như sau: có thể 
chợ nổi Cái Bè được hình thành vào cuối thế kỉ XVIII. Đầu thế kỉ XX, nhiều chợ nổi ra đời 
ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng ngày nay mà cụ thể là chợ nổi Trà Ôn, 
Cái Răng, Ngã Bảy và Ngã Năm. Chợ nổi Cà Mau, Phong Điền, Long Xuyên và Châu Đốc 
ra đời vào thập niên 70 của thế kỉ XX. Trong khi đó, chợ nổi Cái Nước ra đời khoảng sau 
một thập niên. Thập niên 90 của thế kỉ XX, chợ nổi Vĩnh Thuận được hình thành. 
3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi 
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chợ nổi chỉ có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sự 
ra đời của hình thức thương mại này hoàn toàn do sự tác động của điều kiện tự nhiên, kinh 
tế, xã hội và văn hóa của vùng đã sản sinh ra nó, cụ thể như sau: 
- Hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt. So với các vùng khác trong cả nước, 
Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ sông ngòi và kênh rạch dày đặc nhất. Theo cố Thủ 
tướng Võ Văn Kiệt, Đồng bằng sông Cửu Long mang trong lòng 28.000 km kênh rạch tự 
nhiên và kênh đào (Phạm Khắc, 2009, tr.397). Con số này rất lớn bởi nó dài gấp 5,7 lần 
chiều dài dòng chính sông Mekong (4880 km) nhưng chỉ phân bố trên một diện tích 40.576 
km2. Trong số đó, có khoảng 13.000 km sông, kênh, rạch có khả năng khai thác vận tải (Lê 
Thông, 2007, tr.509). Mạng lưới sông rạch phân bố khắp nơi nên việc lưu thông bằng 
đường thủy rất thuận tiện, đã thúc đẩy hoạt động giao thương trên sông của người dân. Bên 
cạnh mặt thuận lợi về chiều dài và mật độ, sông ngòi, kênh rạch vùng Đồng bằng sông Cửu 
Long còn có những đặc điểm về độ rộng, độ sâu, tốc độ dòng chảy và sự hợp lưu phù hợp 
cho sự ra đời của chợ nổi (vấn đề này được thảo luận cụ thể trong phần 3.5). Có thể nói, 
sông ngòi là bà mẹ vĩ đại của hoạt động giao thương và chợ nổi là một trong những đứa 
con quan trọng của nó. 
- Sự yếu kém của mạng lưới giao thông đường bộ. Nếu tham chiếu với thời gian chợ 
nổi ra đời, mạng lưới giao thông đường bộ ở vùng/vùng phụ cận chợ nổi còn nhiều hạn 
chế. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn (2008, tr.256), cuối thế kỉ XVIII, Đồng bằng sông 
Cửu Long không tiện cho việc đi bộ, người đi buôn nếu chuyên chở bằng thuyền lớn cũng 
đều đem theo thuyền nhỏ để dễ đi vào kênh, từ cửa biển lên đến đầu nguồn phải mất 6, 7 
ngày đường. Tình trạng này cũng không có gì thay đổi cho đến đầu thế kỉ XIX khi Trịnh 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 15, Số 2 (2018): 111-124 
114 
Hoài Đức (2005, tr.188) mô tả: cư dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không đi lại được nếu 
không nhờ ghe thuyền. Năm 1833, Doãn Uẩn còn ghi nhận, nếu không dùng thuyền người 
dân không thể đến được làng khác vì không có đất đai nối giữa các làng (Choi, 2011, 
tr.127). Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đẩy nhanh công cuộc đắp lộ, xây 
cầu nhằm mục đích thương mại và quân sự, tuy nhiên, sông rạch vẫn là đường giao thông 
chính (Sơn Nam, 2005a, tr.147). Đến năm 1981, mạng lưới đường bộ đã phát triển hơn 
trước rất nhiều nhưng chỉ tính 5 tuyến giao thông đường thủy liên tỉnh, khối lượng vận 
chuyển đã đạt 60% tổng khối lượng vận chuyển của vùng. Ở một số nơi không có đường 
bộ, hàng đến và hàng đi đều được thực hiện nhờ vào đường thủy (Phan Quang, 1981, tr.42, 
65). Thập niên 80 và 90 của thế kỉ XX, điều kiện giao thông đường bộ vẫn còn khó khăn ở 
nhiều địa phương vùng bán đảo Cà Mau. Chính sự khó khăn của hoạt động vận tải đường 
bộ trong từng thời kì đã tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình vận tải thủy phát huy tác 
dụng, là chất xúc tác cần thiết để chợ nổi ra đời. 
- Sự hình thành của nền kinh tế hàng hóa. Từ lâu, Đồng bằng sông Cửu Long được 
mệnh danh là vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái nhiệt đới đứng đầu cả nước. Bên cạnh những 
mặt hàng chủ lực đó, sản xuất rau màu và cây lương thực ngoài lúa cũng là thế mạnh của 
vùng. Với một khối lượng lớn hàng nông sản được tạo ra hàng năm không chỉ đáp ứng đủ 
nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân địa phương mà còn có thừa để bán. Theo Đỗ 
Quỳnh Nga, thế kỉ XVIII, Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi tình trạng tự cung, tự 
cấp khép kín mà hướng đến nền kinh tế hàng hóa (2013, tr.310-314). Đến đầu thế kỉ XIX, 
cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã không lo đói rét vì có hàng nông sản phong phú, số 
hàng thừa người dân đem bán cho các thương thuyền (Trịnh Hoài Đức, 2005, tr.179-189). 
Chính sự trao đổi, mua bán các mặt hàng nông sản giữa các địa phương với nhau trong một 
thời gian dài và phương tiện chuyên chở chủ yếu là ghe xuồng đã góp phần tạo nên hệ 
thống chợ nổi. 
- Tập quán giao thương trên sông của người dân. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu 
Long được người Việt khai phá, định cư bao nhiêu năm thì việc đi lại, mua bán trên sông 
của người dân cũng đã trải qua từng ấy thời gian và phương tiện giúp người dân thực hiện 
các hoạt động đó là ghe xuồng. Từ khi khai phá, người dân trong vùng đã gây dựng cuộc 
sống gắn với sông nước. Đầu thế kỉ XIX, cư dân Đồng bằng sông Cửu Long ai cũng thạo 
chèo chống, trong 10 người đã có 9 người giỏi chèo thuyền (Trịnh Hoài Đức, 2005, tr.186-
188). Người dân thường dùng ghe xuồng để đi thăm ruộng vườn, đi chợ, thăm người thân, 
chở nước ngọt, làm nơi ở, chuyên chở và mua bán hàng hóa Từ đó, ghe xuồng trở nên 
quan trọng đối với người dân và nó được ví như đôi chân, ngôi nhà của cư dân vậy (khi 
muốn bán ghe, người chủ thường treo trên ghe tấm lá lợp nhà, điều này đồng nghĩa, bán 
ghe tức là bán nhà). Trong số những người thạo đi lại trên sông, có một tầng lớp chuyên 
thu mua và bán lại hàng hóa giữa khu vực nông thôn và thành thị được gọi là khách thương 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Nhân 
115 
hồ. Chính hoạt động đi lại, neo đậu và mua bán trên sông của khách thương hồ đã sản sinh 
ra chợ nổi. 
- Sự tiến triển của nghề đóng ghe xuồng. Trong điều kiện sông ngòi, kênh rạch chằng 
chịt như Đồng bằng sông Cửu Long thì việc sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đi lại và 
vận chuyển đã trở thành quy luật tất yếu. Nắm bắt được nhu cầu đi lại của thị trường, ở 
nhiều địa phương trong vùng đã sớm hình thành các trại hoặc xưởng chuyên đóng và sửa 
chữa ghe xuồng. Thế kỉ XVIII, số lượng ghe xuồng được tạo ra ở Đồng bằng sông Cửu 
Long không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong vùng mà còn cung ứng cho cả vùng ngoài nữa 
(Huỳnh Lứa, 2000, tr.147), và dinh Long Hồ được xem là nơi có công xưởng đóng thuyền 
lớn nhất (Đỗ Quỳnh Nga, 2013, tr.200). Do sớm được chuyên môn hóa nên nghề đóng ghe 
xuồng Đồng bằng sông Cửu Long đã giải quyết được một số yêu cầu do xã hội đặt ra, đó là 
đa dạng về chủng loại, thẩm mĩ về kiểu dáng, vật liệu có độ bền chắc cao và lớn về số 
lượng. Nếu không có những cơ sở chuyên đóng và sửa chữa ghe xuồng hoặc nghề này kém 
phát triển thì hoạt động đi lại và mua bán trên chợ nổi không thể được mở rộng nhanh 
chóng trong quá khứ và khó duy trì trong hiện tại bởi nền tảng của chợ nổi là ghe xuồng. 
- Tính tự do trong neo đậu và buôn bán cao. Cũng giống như đường bộ, đường sông là 
tài sản chung của tất cả mọi người. Bởi vậy, không cần phải thuê, mua nhưng khách 
thương hồ vẫn có được mặt bằng để neo đậu và bán hàng hóa. Bằng những kinh nghiệm 
của mình, khách thương hồ biết được địa điểm có thể buôn bán được. Ban đầu chỉ một vài 
ghe, dần nhiều ghe hội tụ tạo nên cái chợ. Lúc mới hình thành, chính quyền địa phương 
không có sự can thiệp nên chợ nổi ra đời một cách tự nhiên. Đối với những người dân tham 
gia giao thông đường thủy, họ cũng không tỏ ra quá khắt khe nên chợ nổi nhận được sự 
đồng thuận trong một thời gian dài của quá trình tồn tại. 
- Sự hình thành của hệ thống đô thị. Loại hình quần cư đô thị ra đời tạo nên một không 
gian sinh tồn khác biệt với quần cư nông thôn và đại bộ phận dân cư được giải phóng khỏi 
sản xuất nông nghiệp là những thị dân. Để tồn tại và phát triển, thị dân phải thu mua một 
khối lượng lớn hàng nông sản từ cư dân nông thôn để tiêu thụ và bán lại kiếm lời, đến lượt 
mình, cư dân nông thôn cũng có nhu cầu cung cấp nhiều loại hàng hóa cho cư dân đô thị. 
Trên cơ sở đó, mối quan hệ hữu cơ của cư dân thuộc hai loại hình quần cư bắt đầu xuất 
hiện. Một trong những thành phần đóng vai trò trung gian trong việc đảm bảo sự hài hòa 
lợi ích của mối quan hệ trên là cư dân thương hồ. Nhiều nơi thương lái neo đậu, cung cấp 
hàng hóa cho cư dân đô thị tạo thành chợ trên sông. Do đó, nếu không có đô thị sẽ không 
có chợ nổi, nhưng không phải mọi đô thị đều có chợ nổi đi kèm bởi nó còn phụ thuộc vào 
mức độ thuận lợi của hoạt động đi lại, neo đậu và mua bán. 
3.3. Sự thay đổi không gian chợ nổi 
Trước đây, chợ nổi được nhóm họp ở nơi giao nhau của nhiều nhánh sông, gần khu 
chợ trên bờ, trên tuyến chính của luồng  ... n thu nhập cho người dân còn tiếp 
tục mở ra, đặc biệt đối với người Kinh, bởi họ tham gia rất tích cực và có vị trí quan trọng 
trong hoạt động giao thương. 
Chợ nổi là nơi giao lưu văn hóa và trao đổi thông tin. Cư dân chợ nổi đến từ nhiều 
tỉnh/thành khác nhau trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trình độ văn hóa, tôn giáo 
- tín ngưỡng, lối sống, sinh kế, kinh nghiệm mua bán và sản xuất, sở thích, quan hệ xã 
hội không hoàn toàn giống nhau, là nguồn vốn văn hóa và thông tin quan trọng để tiến 
hành trao đổi, giao lưu giữa những người trong cộng đồng nghề nghiệp. Qua quá trình gặp 
gỡ, tiếp xúc trên chợ nổi, cư dân đã có sự tương tác và tiếp nhận văn hóa cũng như thông 
tin để làm giàu vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết cho bản thân, đồng thời mở rộng 
mối quan hệ và cải thiện điều kiện mua bán, kinh tế gia đình. 
Chợ nổi là phương tiện góp phần quảng bá hình ảnh vùng miền. Trong vài thập niên 
gần đây, chợ nổi được quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu bởi nhiều cơ quan, nhiều ngành 
trong và ngoài nước nên số bài báo, phim tài liệu, phim phóng sự, hình ảnh về chợ nổi rất 
nhiều và ngày càng gia tăng về số lượng. Do được đăng tải trên nhiều phương tiện thông 
tin đại chúng, đặc biệt trên Internet, nên đã góp phần quảng bá hình ảnh miền đất và con 
người vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến nhiều nơi, trong nước và quốc tế. 
Chợ nổi tạo niềm cảm hứng cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tính sông nước và 
nhân văn của chợ nổi đã gây được sự chú ý của nhiều soạn giả, tác giả, nhạc sĩ, nhà làm 
phim, nhiếp ảnh gia trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh, thơ ca, nhiếp ảnh... 
Nhờ đó, nhiều loại hình nghệ thuật ở vùng trở nên phong phú về chủ đề, nội dung, đối 
tượng tiếp cận và góp phần tạo danh tiếng cho soạn giả Viễn Châu với bài vọng cổ Tình 
anh bán chiếu, soạn giả Ngô Hồng Khanh với bài vọng cổ Khóm ngọt, tác giả Lâm Viên 
với bài vọng cổ Chợ nổi tình xuân, nhạc sĩ Sơn Hà với ca khúc Bảy dòng sông nhớ, nhà 
văn Mường Mán với kịch bản Chuyện Ngã Bảy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với tạp văn 
Chút tình sông nước. 
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chợ nổi là nguồn tài nguyên du lịch 
của Đồng bằng sông Cửu Long. Với những giá trị văn hóa tiềm ẩn, chợ nổi đã và đang thu 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 15, Số 2 (2018): 111-124 
120 
hút nhiều du khách đến tham quan và nó trở thành điểm đến du lịch. Hoạt động du lịch chợ 
nổi ra đời vào thập niên 80 của thế kỉ XX và điều này được minh chứng qua những ghi 
chép của Nguyễn Khắc Viện và ctv. (1989, tr.425-426): “Sông Hậu mênh mông, đôi bờ nơi 
bến phà cách nhau 2 km. Ngồi thuyền lướt trên sông mà xem phong cảnh hai bên mượt mà 
màu xanh cây trái thật là thú vị. Đến chỗ gặp nhau của 7 con kênh, lại có chợ nổi họp trên 
sông, ghe thuyền đậu san sát, người mua kẻ bán đều ngồi trên thuyền”. Cũng như những 
loại hình du lịch khác, du lịch chợ nổi tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân. 
3.7. Hạn chế và những thách thức đối với chợ nổi 
Khi nói đến hạn chế của chợ nổi, chúng ta có thể sẽ nghĩ ngay đến tình trạng ách tắc, 
tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo thời gian, do số lượng ghe 
xuồng đi lại trên sông giảm cùng công tác quy hoạch nơi neo đậu, phân luồng giao thông 
đã giải quyết cơ bản những vấn đề liên quan đến trật tự và an toàn trong hoạt động giao 
thương đường thủy. Vấn đề còn tồn tại dai dẳng và rất khó giải quyết hiện nay là sông 
nước bị ô nhiễm. Đến chợ nổi, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều loại rác thải hữu cơ và vô cơ trên 
sông, làm sông nước ô nhiễm. Đối tượng tham gia chủ yếu vào việc xả thải là cư dân 
thương hồ, bên cạnh đó, người dân địa phương và du khách cũng tham gia vào hoạt động 
xả thải nhưng với mức độ ít hơn. Hiện tượng gây ô nhiễm nêu trên là kết quả của sự thiếu 
hiểu biết đầy đủ về ô nhiễm môi trường sông nước và những hệ lụy của nó; ý thức và trách 
nhiệm chưa cao, không nghĩ đến lợi ích lâu dài, đặt sự thuận tiện cho bản thân lên trên hết. 
Sông nước có chức năng chính là phục vụ hoạt động ăn uống, tưới tiêu, sinh hoạt, giao 
thương, giải trí, thẩm mĩ vô hình trung, nó lại trở thành kho chứa rác thải. Sự ô nhiễm 
sông nước tất yếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và nhiều hoạt động sản xuất, sinh 
hoạt, dịch vụ của người dân bởi tính liên vùng của nó. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải thay 
đổi nhận thức, thái độ và hành vi của những người xả thải nhằm trả lại cho môi trường 
sông nước tính toàn vẹn vốn có của nó. 
Chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, 
văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại của mình, chợ nổi đã và đang phải đối 
mặt với những thách thức như sau: 
Sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ. Khoảng hai thập niên gần đây, 
mạng lưới giao thông đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng được xây 
dựng và cải tạo, dẫn đến nhiều quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ, lộ nông thôn lần lượt ra đời 
và ngày càng hoàn thiện về độ rộng cũng như chất lượng mặt đường. Bên cạnh đó, hệ 
thống cầu trên các tuyến đường cũng được xây dựng. Sự cải thiện của mạng lưới giao 
thông đường bộ đã giúp người dân đi lại, chuyên chở hàng hóa, mua bán nhanh chóng và 
dễ dàng hơn so với giao thông đường thủy. Hơn nữa, trong rất nhiều trường hợp, chính cầu 
bê tông đã làm cho việc lưu thông cũng như cất giữ ghe trở nên khó khăn hơn. Hệ quả là 
giao thông đường thủy mất đi thế thượng phong và thay vào đó, giao thông đường bộ đóng 
vai trò chính yếu trong việc đi lại, chuyên chở hàng hóa và mua bán của cư dân. Điều này 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Nhân 
121 
làm giảm đi mức độ tập trung của người dân ở các chợ nổi. Đây là một quy luật tất yếu và 
nó không chỉ xảy ra đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam mà đất nước 
Thái Lan cũng đã từng trải qua hiện tượng này. 
Sự phát triển của mạng lưới chợ trên bờ. Mạng lưới chợ trên bờ gồm chợ truyền 
thống và siêu thị, trong đó, chợ truyền thống vừa là động lực lại vừa là rào cản đối với sự 
tồn tại và thịnh vượng của chợ nổi. Điều này có nghĩa, một mặt chợ truyền thống tiêu thụ 
hàng hóa của chợ nổi, nhưng mặt khác, nó lại tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với chợ nổi 
bởi phần lớn hàng hóa của chợ truyền thống được cung ứng bởi hệ thống các chợ truyền 
thống khác thông qua phương tiện vận chuyển đường bộ nên chất lượng tốt hơn. Trong khi 
đó, không như một số chợ truyền thống, siêu thị không tiêu thụ hàng hóa từ chợ nổi, hơn 
nữa, siêu thị có rất nhiều hàng hóa và sự tiện lợi trong việc tiếp cận nên nó tạo ra sự cạnh 
tranh hiệu quả đối với chợ nổi. Nghiên cứu của Dewi et al. (2012; trích trong Rahmini et 
al., 2015, p.76) cũng cho thấy, chợ truyền thống nói chung, chợ nổi truyền thống nói riêng 
bị suy giảm sức mua bởi sự mở rộng của hệ thống siêu thị. 
Số người tiếp nối hoạt động mua bán trên sông giảm. Mua bán trên sông là hoạt 
động chủ yếu của những người có trình độ học vấn thấp và xuất thân từ nông dân. Có ít 
hoặc không có đất sản xuất, không có việc làm, giữ nghề của gia đình, tận dụng thời gian 
nhàn rỗi, để có thêm thu nhập, yêu thích hoạt động mua bán trên sông đã thúc đẩy người 
dân đến với nghề thương hồ. Do đó, với sự chuyển đổi mô hình và kĩ thuật canh tác, việc 
sử dụng các giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao, đời sống kinh tế 
của người dân không ngừng được cải thiện, đã ảnh hưởng xấu đến sự yêu và theo nghề 
mua bán trên sông của không ít cư dân. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán trên sông cũng 
gặp những khó khăn (đôi lúc hàng hóa được tiêu thụ chậm; thiếu điện, nước sạch và 
phương tiện giải trí; không có nhà vệ sinh khép kín; con cái theo ghe nên không thể học 
hành; phải thường xuyên xa gia đình; đôi khi mua bán không có lời và thậm chí lỗ lã; 
không gian sống và sinh hoạt trên ghe chật chội; mưa to, gió lớn gây khó khăn trong việc 
neo đậu ghe và mua bán; đóng phí bến nước và bốc dỡ hàng hóa) đã tạo tâm lí e ngại 
trong việc theo đuổi nghề thương hồ của một số thương nhân. Hơn nữa, trong thời buổi 
hiện nay, nhiều người có điều kiện học hành nên có nhiều cơ hội việc làm. Khi có việc làm 
và thu nhập ổn định, những người này ít có khả năng tham gia hoạt động mua bán trên 
sông. 
Sự phát triển của hệ thống nhà vựa. Trên toàn lãnh thổ vùng Đồng bằng sông Cửu 
Long xuất hiện rất nhiều nơi thu mua hàng nông sản để phân phối cho những chợ trên bờ ở 
cả vùng thành thị và nông thôn. Trực tiếp xuống vùng sản xuất để thu mua hoặc nhà vườn 
chở hàng ra vựa bán là hai phương thức giúp nhà vựa có được hàng hóa. Số lượng nhà vựa 
càng lớn, hàng hóa cung ứng càng đa dạng và phong phú, chất lượng hàng hóa tốt và giá cả 
cạnh tranh càng gây áp lực cho cư dân mua bán ở những chợ nổi bởi nó chiếm lĩnh một 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 15, Số 2 (2018): 111-124 
122 
phần đáng kể trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận quần 
chúng nhân dân. 
3.8. Sự thay đổi trong hoạt động mua bán ở chợ nổi 
So với chợ nổi ở thập niên 80 trở về trước, chợ nổi hiện tại có những thay đổi đáng 
kể trong hoạt động mua bán và điều này bị tác động bởi nhu cầu mua bán giữa những 
người trong nội bộ địa phương giảm, nhu cầu mua bán giữa các địa phương gia tăng, sự 
phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ, nhu cầu của thị trường thay đổi, sự tác động 
của nền kinh tế thị trường, tính nhạy bén của người dân trong mua bán được nâng cao. Vốn 
là một thực thể văn hóa thương mại nên chợ nổi luôn có sự thay đổi và nó thể hiện tính quy 
luật trong sự vận động, phát triển của sự vật. Một học giả từng nói rất đúng rằng “nền văn 
hóa không thay đổi là nền văn hóa chết” (Reid, 2003, p.81). Mặc dù văn hóa có tính ổn 
định cao nhưng cùng với thời gian, không có gì là không biến đổi. Chợ nổi Đồng bằng 
sông Cửu Long vẫn tồn tại nên trong hoạt động mua bán của nó có những thay đổi như sau 
(xem Bảng 1): 
Bảng 1. Sự thay đổi trong hoạt động mua bán của chợ nổi 
Thập niên 80 trở về trước Hiện tại 
- Số lượng ghe, xuồng nhỏ tham gia mua bán ở 
chợ nổi đông hơn số lượng ghe lớn 
- Số lượng ghe lớn tham gia mua bán ở chợ 
nổi đông hơn số lượng ghe nhỏ, vỏ lãi và 
xuồng 
- Có nhiều ghe, xuồng chèo tham gia mua bán ở 
chợ nổi 
- Phần lớn ghe, vỏ máy tham gia mua bán ở 
chợ nổi 
- Có nhiều ghe, xuồng nhỏ chở hàng nông sản địa 
phương ra chợ nổi bán 
- Nhiều ghe lớn chở hàng nông sản từ các 
nơi khác đến chợ nổi bán 
- Bán các loại hàng hóa: trái cây, rau, củ, bông, 
kiểng, hàng thủ công, gia dụng, thực phẩm và 
động vật, hàng gia dụng thiết yếu (Nhâm Hùng, 
2009, tr.40) 
- Bán các loại hàng hóa: rau, củ, quả, thức 
ăn, đồ uống, thực phẩm tươi sống, cây 
giống, xăng dầu, quần áo, nhu yếu phẩm, 
hàng gia dụng, hàng lưu niệm, cây cảnh 
- Các hoạt động dịch vụ: đò ngang, phục vụ ăn 
uống, tiếp nhiên liệu, may vá, sửa máy (Nhâm 
Hùng, 2009, tr. 42-44). 
- Các hoạt động dịch vụ: vận chuyển, ăn 
uống, mua sắm, tiếp nhiên liệu, sửa máy, 
sửa cân 
- Đơn vị đo lường trong mua bán: giạ, lít, thiên, 
trăm, chục, chiếc, cái, rổ, cần xé, mớ, mão (Nhâm 
Hùng, 2009, tr. 45-46). 
- Đơn vị đo lường trong mua bán: kg, thiên, 
chục, tạ, trái, nải, lít, chậu, cái 
- Thu mua hàng hóa chủ yếu bằng cách đến chợ 
nổi và vào trực tiếp nhà vườn; không hoặc ít sử 
dụng điện thoại để liên lạc. 
- Thu mua hàng hóa chủ yếu bằng cách vào 
trực tiếp nhà vườn, nhờ “cò” thu mua hộ, 
đến chợ nổi; điện thoại được sử dụng phổ 
biến trong liên lạc 
- Bạn hàng đông, tiêu thụ hàng hóa nhanh. - Bạn hàng ít, tiêu thụ hàng hóa chậm 
Nguồn: Tác giả, 2017 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Nhân 
123 
4. Kết luận 
Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long có thể được hình thành từ cuối thế kỉ XVIII mà 
điển hình là chợ nổi Cái Bè. Đến đầu thế kỉ XX, một loạt các chợ nổi Trà Ôn, Cái Răng, 
Ngã Bảy, Ngã Năm lại ra đời. Các chợ nổi Phong Điền, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mau 
xuất hiện vào thập niên 70 của thế kỉ XX. Cái Nước và Vĩnh Thuận là hai chợ nổi ra đời 
muộn hơn so với các chợ nổi trên (thập niên 80 và 90 của thế kỉ XX). Chợ nổi có vai trò 
phân phối hàng nông sản, làm đa dạng văn hóa vùng, tạo việc làm và mang lại thu nhập 
cho người dân, giao lưu văn hóa và trao đổi thông tin, quảng bá hình ảnh vùng, tạo cảm 
hứng cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, là nguồn tài nguyên du lịch. Hiện tại, hoạt động 
mua bán ở chợ nổi có một số thay đổi đáng kể so với thời điểm thập niên 80 trở về trước. 
Chợ nổi là nguồn tài nguyên quý giá, là cơ sở sinh kế quan trọng của người dân nên việc 
bảo tồn và khai thác chợ nổi theo hướng thương mại - du lịch sẽ góp phần phát triển kinh 
tế, xã hội, văn hóa địa phương nói riêng, cả vùng nói chung. 
 Tuyên bố về quyền lợi: Tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
Lê Quý Đôn (Nguyễn Khắc Thuần dịch). (2008). Phủ biên tạp lục. tập 3. TPHCM: NXB Giáo dục. 
Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch). (2005). Gia Định thành thông chí. Tái bản lần 1. TPHCM: 
NXB Tổng hợp Đồng Nai. 
Nhâm Hùng. (2009). Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long. TPHCM: NXB Trẻ. 
Phạm Khắc. (2009). Mekong kí sự. TPHCM: NXB Văn nghệ. 
Ngô Văn Lệ. (2014). Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long - nét đặc trưng văn hóa của người Việt 
Nam Bộ, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 17 (X3), tr.5-14. 
Huỳnh Lứa. (2000). Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỉ XVII, XVIII, XIX. TPHCM: 
NXB Khoa học Xã hội. 
Sơn Nam. (2005a). Đất Gia Định - Bến Nghé Xưa và Người Sài Gòn. TPHCM: NXB Trẻ. 
Sơn Nam. (2005b). Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang. TPHCM: NXB Trẻ. 
Đỗ Quỳnh Nga. (2013). Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn. Hà Nội: NXB Chính trị 
Quốc gia. 
Lâm Nhân. (2015). Chợ nổi Cái Bè tỉnh Tiền Giang với việc khai thác và phát triển du lịch. Kỉ yếu 
Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn lực tiểu vùng sông Mê Kông”, Trường Đại học Văn hóa 
TPHCM: NXB Thông tin và Truyền thông, tr.383-392. 
Nguyễn Trọng Nhân, Đào Ngọc Cảnh, Lê Thị Tố Quyên. (2013). Kết quả khảo sát bước đầu về đời 
sống cư dân thương hồ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học 
Cần Thơ, 27 (2013), tr.86-90. 
Nguyễn Trọng Nhân. (2014). Cây bẹo - Biểu tượng văn hóa trên chợ nổi vùng Đồng bằng sông 
Cửu Long, Di sản văn hóa, 4 (49), tr.102-104. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC - Trường ĐHSP TPHCM Tập 15, Số 2 (2018): 111-124 
124 
Phan Quang. (1981). Đồng bằng sông Cửu Long. TPHCM: NXB Văn hóa. 
Lê Thông (chủ biên). (2007). Việt Nam - Đất nước con người. Thành phố Đà Nẵng: NXB Giáo dục. 
Nguyễn Khắc Viện, Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Vinh Phúc, Đỗ Thủy, Trần Thanh Phương, Trịnh 
Cao Tưởng, Nguyễn Bích San, Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Hồng Hà. (1989). Đất nước Việt 
Nam. Hà Nội: Công ti Tuyên truyền quảng cáo du lịch Việt Nam. 
Choi, B. W. (2011). Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng. Lê Thùy Linh và cộng sự dịch. Hà 
Nội: NXB Thế giới. 
Rahmini, N., Pudjihardjo M., Hoetoro A. & Manzilati A. (2015). The Role of Bonding, Bridging 
and Linking at Traditional Markets in Indonesia: A Study at Lok Baintan Floating Market 
Banjar Regency South Kalimantan, Journal of Applied Economics and Business, 3 (3), pp. 
76-88. 
Reid, D. G. (2003). Tourism, Globalization and Development. London: Pluto Press. 

File đính kèm:

  • pdfcho_noi_vung_dong_bang_song_cuu_long_duoi_goc_nhin_dia_ly.pdf